Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Chuyển đổi di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo

Nằm trong khuôn khổ Cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, sáng ngày 16/12/2020, tại trụ sở Hội KTS Việt Nam, 40 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Chuyển đổi di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo”. Đây là một trong những hoạt động được tổ chức nhằm trao đổi và cung cấp các thông tin cho các thí sinh tham dự cuộc thi tại Hạng mục cuộc thi: Tổ chức không gian sáng tạo từ các công trình công nghiệp trong đô thị.

Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia nghiên cứu và những người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, bảo tổn, quản lý di sản, văn hóa
Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia nghiên cứu và những người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, bảo tổn, quản lý di sản, văn hóa

Tọa đàm đã có phần trình bày của 2 diễn giả:

  • PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan – Phó Viện Trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia đã trình bày tham luận: “Di sản công nghiệp – Một cách tiếp cận mới trong việc chuyển đổi các nhà máy cũ ở nội đô.”
  • TS.KTS Trương Ngọc Lân – Trường ĐH Xây dựng trình bày tham luận:  “Từ các nhà máy cũ đến không gian sáng tạo Hà Nội – Giải pháp và thực tiễn”

Từ các vấn đề lý thuyết, tọa đàm đã lắng nghe những những chia sẻ về các dự án thực tế, chuyển đổi từ các nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo như: Quần thể bảo tàng INAX, Complex 01 Tây Sơn và Ơ kìa Hà Nội. Đó là những ví dụ sinh động, cụ thể để từ đó các khách mời đã đưa ra nhiều ý kiến mang tính chất gợi mở về các giải pháp cân bằng và phù hợp cho việc sử dụng không gian sau khi di chuyển nhà máy. Các ý kiến đã thống nhất rằng các công trình công nghiệp là thành phần không thể tách rời của di sản văn hóa và Hà Nội có khi chứa đựng những giá trị văn hóa – lịch sử. Nếu được bảo tồn đúng cách, đây sẽ là nguồn lực để Hà Nội phát triển thành phố sáng tạo sau khi được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia nghiên cứu và những người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, bảo tổn, quản lý di sản, văn hóa

Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ và cung cấp thông tin liên quan đến các hạng mục của Cuộc thi “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”, Ban tổ chức đã khởi tạo link đăng ký dành cho các thí sinh tham dự.

Link đăng ký: https://forms.gle/Cf4h3w9YSRUMn6Fh6

Lưu ý: Việc đăng ký dự thi tại biểu mẫu này là không bắt buộc, người dự thi vẫn có thể nộp bài mà không đăng ký. Tuy nhiên, Ban tổ chức khuyến khích đăng ký thông tin để có thể hỗ trợ và cập nhật thông tin trực tiếp đến người dự thi, hoặc những đối tượng quan tâm đến việc dự thi.

PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan Phó Viện Trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia
PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan
Phó Viện Trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia

Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hoá nói chung, phản ánh một sự tiến bộ vượt bậc (mang tính cách mạng) trong lịch sử văn minh nhân loại, một sự thông thái được kế thừa; một tiến trình phát triển của xã hội hiện đại. Trên thế giới, nhiều thành phố đã chuyển đổi từ thành phố công nghiệp sang thành phố của du lịch, dịch vụ và công nghệ. Các nhà máy cũ được chuyển đổi thành không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp. Chiến lược này vừa làm giàu văn hóa, lịch sử cho thành phố, vừa tạo môi trường cởi mở thu hút sự tham gia của người dân. Tại Hà Nội hiện vẫn còn tương đối nhiều nhà máy trong diện chuyển đổi, di dời. Đây là không gian đặc biệt và mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích nếu có cách thức sáng tạo, chuyển đổi phù hợp.


TS.KTS Trương Ngọc Lân Trường ĐH Xây dựng
TS.KTS Trương Ngọc Lân
Trường ĐH Xây dựng

Hệ thống nhà máy cũ ở Hà Nội gắn liền với lịch sử hiện đại hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa ở Việt Nam. Mỗi công trình đều chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, gợi nhắc đến cho người dân một thời kỳ “hoa lửa” của Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội có gần 100 nhà máy công nghiệp lớn như cụm nhà máy Cao Xà Lá, nhà máy xe lửa Gia Lâm… đã và đang thực hiện việc di dời ra khỏi nội đô. Đây là cơ hội tuyệt vời, thậm chí là cơ hội cuối cùng để nghiên cứu chuyển đổi toàn phần hoặc một phần các di sản công nghiệp thành các không gian sáng tạo rộng lớn, linh hoạt, phục vụ đông đảo công chúng. Các công trình này có lợi thế về giá trị di sản (tính văn hóa); Kiến trúc độc đáo, mang dấu ấn kiến trúc thuộc địa; Hình thức không gian, cấu trúc, chi tiết, vật liệu khác biệt với không gian dân dụng thông thường mà thay vào đó là cấu trúc công nghiệp, giúp khơi gợi những ý tưởng mới mẻ, đánh thức tiềm năng sáng tạo; Đặc biệt, thường nằm ở các vị trí trung tâm và có không gian rộng, đáp ứng nhu cầu đa dạng, biến đổi theo thời gian, phù hợp cho những sự kiện đông người.


Bà Nguyễn Thị Quỳnh Tập đoàn Lixil
Bà Nguyễn Thị Quỳnh
Tập đoàn Lixil

Theo chuyên gia thiết kế Quần thể bảo tàng INAX, để chuyển đổi từ nhà máy công nghiệp cũ thành những công trình trên nền tảng các di sản cần quan tâm đến 8 yếu tố: Bảo tồn di sản; Phát triển đô thị; Tái sử dụng; Giáo dục và nghiên cứu; Cộng đồng; Phát triển bền vững; Vi khí hậu; Sáng tạo, đem đến sự hồi sinh của vùng đất bị lãng quên. Chính vì vậy, khi cải tạo, thiết kế công trình, các chuyên gia đã coi trọng khu vực truyền thống của nhà máy công nghiệp cũ và tạo ra những không gian sáng tạo từ đó. Hy vọng, kinh nghiệm từ thực tế Quần thể bảo tàng INAX này sẽ là một hướng để các KTS, nhà thiết kế học hỏi khi chuyển đổi các di sản công nghiệp tại Việt Nam thành không gian sáng tạo.


Ông Nguyễn Đức Hùng Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội
Ông Nguyễn Đức Hùng
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội

Khi bàn về không gian sáng tạo, chúng ta đã nói đến các vấn đề về kiến trúc, văn hóa, nhưng điều quan trọng hơn là câu chuyện về quy hoạch. Từ năm 2015, chính phủ đã phê duyệt quy hoạch di dời các nhà máy công nghiệp ra khỏi các khu nội đô và có kế hoạch chuyển đổi thành các không gian công cộng, hạ tầng kỹ thuật. Vậy để chuyển đổi các khu công nghiệp cũ hiệu quả, chúng ta cần bám sát quy hoạch. Ngoài ra, khi chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp này sang các chức năng khác, người thiết kế phải làm sao vẫn giữ được nhưng hình thái cũ, tránh phá vỡ tổng thể chung của khu vực.

Tố Uyên (Thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2020)

The post Chuyển đổi di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/39r5wqp
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét