Từ ngày 31.8 đến ngày 3.9, đoàn sinh viên Kiến trúc trường ĐH Việt Đức (VGU) đã đến Trường Kiến trúc và Thiết kế Montfort del Rosario, Đại học Assumption, Thái Lan (AAU) để tham dự chương trình Summer Workshop do các giảng viên của hai trường đồng tổ chức. Chương trình Summer Workshop hướng đến việc thúc đẩy kĩ năng làm việc nhóm, hội nhập và nghiên cứu nhiều chiều tư duy kiến trúc cùng văn hóa bản địa ở Thái Lan.
Trong ngày đầu tiên của chương trình, đoàn sinh viên của cả hai trường được nghe trình bày về vị trí nghiên cứu kiến trúc – Công viên quận Ari tại Bangkok, là nơi được dùng cho cuộc thi thiết kế nhanh trong chương trình Workshop. Sinh viên của 2 trường được chia thành 6 nhóm để cùng làm việc. Bên cạnh đó, các sinh viên nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Công ty Xã hội Pa Thai và Cơ quan Quan hệ Công chúng của Thái Lan. Các bạn sinh viên được định hướng lối tư duy sáng tạo, phá cách, tìm hiểu những tiềm năng và khả năng độc đáo, khác lạ của quận Ari. Hơn nữa, sinh viên Việt Đức có cơ hội nghiên cứu kĩ hơn về văn hóa, con người, lối sống, và kiến trúc ở Thái Lan.
Thách thức lớn nhất của đồ án thiết kế nhanh lần này chính là giới hạn về thời gian, các nhóm chỉ có 2 ngày để hoàn thành đề bài: “Cải tạo công viên Ari và Bảo tàng Quan hệ Công chúng thành “trái tim” của khu vực nhằm phục vụ và gắn kết dân cư.” Mục đích của đồ án là sinh viên cần khám phá những cơ hội và khả năng tiềm ẩn trong việc tạo ra những nơi ở tốt hơn, môi trường tốt hơn, cộng đồng tốt hơn và lối sống tốt hơn cho khu Ari.
Ngày thứ hai của chương trình, Sinh viên VGU có cơ hội đi thăm quan kiến trúc của trường Đại học Assumption, xem cách học tập và làm việc tại trường AAU qua đó phối hợp cùng sinh viên Kiến trúc trường AAU để bắt tay vào thực hiện đồ án thiết kế nhanh. Cả 6 nhóm sinh viên đều rất hăng say và dồn rất nhiều tâm huyết vào sản phẩm thiết kế của mình.
Ngày 3/9 đại diện của từng nhóm thuyết trình về ý tưởng và ý nghĩa trong thiết kế của mình, mỗi ý tưởng đều đưa ra được những phương án rất độc đáo, bám sát với hiện trạng khu đất xây dựng và tôn trọng lối sống, văn hóa của người dân bản địa.
![Tập hợp và làm việc nhóm giữa sinh viên VGU và AAU](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2022/09/22A09016-05-380x247.jpg)
![Thầy Lê Tuấn Nghĩa cùng các bạn VGU nghiên cứu mô hình của trường AAU để tìm thêm ý tưởng về kiến trúc Thái Lan](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2022/09/22A09016-04-380x247.jpg)
![Các bạn sinh viên VGU lắng nghe các bạn sinh viên hỗ trợ đến từ AAU giới thiệu về công trình kiến trúc xây dựng tại Trường Kiến trúc và Thiết kế Montfort del Rosario](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2022/09/22A09016-03-380x247.jpg)
![Các bạn sinh viên VGU khảo sát khu đất của đề bài và tham quan Bảo tàng Nghệ thuật công chúng tại công viên quận Ari](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2022/09/22A09016-02-380x247.jpg)
Lễ bế mạc chuỗi chương trình Workshop Mùa hè diễn ra tốt đẹp và đây cũng là hoạt động cuối cùng kết thúc chuyến đi Thái của sinh viên Kiến trúc trường Việt Đức. Chương trình đã thành công trong việc làm cầu nối, tạo cơ hội phát triển kỹ năng và tư duy kiến trúc cho sinh viên của hai nước cũng như thúc đẩy kỹ năng làm việc nhóm của các sinh viên.
Nhật ký hành trình tìm hiểu kiến trúc cổ đại đến kiến trúc hiện đại Thái Lan
Một cuộc hành trình chỉ vỏn vẹn 8 ngày, tuy không dài nhưng thật sự trọn vẹn khi cuối cùng đã để lại cho đoàn trường Đại học Việt Đức nhiều cảm xúc với những kỉ niệm vô cùng quý báu.
Thứ bảy, ngày 27 tháng 8
Có mặt tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi một trong những sân bay lớn nhất của Thái Lan nói chung và Bangkok nói riêng, Đoàn trường Việt Đức đã có được những trải nghiệm với hệ thống tàu điện tiên tiến bậc nhất của Thái Lan để di chuyển về khách sạn.
Khách sạn đoàn dừng chân nằm ở quận Klong Toei, gần với ga Queen Sirikit National Convention Centre của hệ thống tàu điện MRT được đặt theo tên Nữ Hoàng Sirikit. Đây là khu vực dễ dàng di chuyển và tiếp cận với quần thể lịch sử gồm Hoàng Cung Thái Lan hay những ngôi chùa nổi tiếng của Bangkok như Wat Pho, Wat Arun. Cả đoàn trường VGU đã có những trải nghiệm đầu tiên về thành phố Bangkok lúc về đêm tại khu trung tâm mua sắm Samyan Mitrtown.
Chủ nhật, ngày 28 tháng 8
Ngày thứ hai của chuyến hành trình bắt đầu bằng chuyến tham quan đến AIT” Asian Institute of Technology” và trường đại học Thammasat – một trong những ngôi trường đứng đầu về chuyên ngành luật và chính trị học ở Thái Lan.
Sau khi nghỉ trưa, đoàn trường đã di chuyển đến “Ayutthaya“ – một cố đô, một di sản văn hóa quan trọng của Xứ Chùa Vàng. Đây được biết đến như là một ốc đảo của nhiều chùa chiền, đền đài và di tích cổ với diện tích lên đến 2.556km2. Trong quá khứ đây là một trong những trung tâm giao thương lớn nhất thế giới, phát triển rực rỡ nhờ nhằm trên trục đường buôn bán hàng hóa giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Cố đô Ayutthaya đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào tháng 12 năm 1991.
Một trong những địa điểm đặc sắc được các bạn sinh viên tham quan tại khu di tích này là chùa Wat Mahathat, nổi tiếng với khuôn mặt Đức Phật được bao bọc trong rễ cây với thần thái bình yên và đang mỉm cười.
Sau chuyến viếng thăm đến cố đô Ayutthaya, để kết thúc cuộc hành trình của ngày thứ 2 đoàn trường Việt Đức bắt đầu di chuyển tham quan bảo tàng nghệ thuật đương đại của Bangkok (Museum of Contemporary Art – MOCA). Nếu Ayutthaya là dòng chảy lịch sử kể về sự phát triển của Thái Lan thì bảo tàng MOCA là nơi trưng bày và triển lãm những bộ sưu tập nghệ thuật bao gồm tranh vẽ và những tác phẩm điêu khắc chịu ảnh hưởng phần lớn từ khi văn hóa phương Tây bắt đầu du nhập vào Thái Lan, bao gồm cả những tác phẩm của tác giả trong nước và nước ngoài đến từ nhiều quốc gia.
Thứ hai, ngày 29 tháng 08
Tạm biệt cố đô Ayutthaya yên bình, Đoàn tiếp tục tham quan những địa điểm nổi tiếng về kiến trúc dưới sự hướng dẫn của các giảng viên trường AAU cho những ngày tiếp theo.
Mở đầu ngày thứ ba của cuộc hành trình, Đoàn đã di chuyển đến ngôi chùa lớn và nhất cố nhất ở Bangkok – “Wat Pho”. Với diện tích 8ha, Wat Pho được chia làm hai phần: khu ở của các sư sãi và khu chùa, mỗi khu đều được bao quanh bởi những bức tường trắng toát. Trước khi thành lập nên ngồi chùa này, địa điểm này là một trung tâm giáo dục đào tạo y khoa cổ truyền của Thái Lan, có thể quan sát được và các bức tượng được tạo thành với các tư thế yoga. Ngoài ra xung quanh ngôi đền còn có những tấm bản được khắc nghi các bài khóa y khoa về cơ thể người cho thấy sự phát triển rực rỡ của nền y học lúc bấy giờ. Điện thờ chính (bot) là một tác phẩm mỹ thuật rất đặc sắc về nghệ thuật khảm ngọc. Các cửa phía Đông và Tây của điện đều được khảm ngọc, và dọc theo nền của điện thờ đều có hàng loạt những hình chạm khắc phong cảnh trên đá sa thạch thật công phu tỉ mỉ. Đặc biệt một trong những chi tiết thu hút nhất đối với đoàn đó chính là pho tượng Phật nhập Niết bàn khổng lồ được đặt nằm với chiều dài lên đến 46m được dát vàng sáng chói, chung quang được chạm khắc trang trí rất công phu và sắc sảo.
Cách 10 phút đi bộ, Đoàn bắt đầu di chuyển đến Hoàng Cung Thái Lan, đây là một quần thể kiến trúc cổ với quy mô lớn, được coi là “trái tim” của thành phố Bangkok. Hoàng Cung là một quần thể kiến trúc hoành tráng, được cấu thành bởi 3 khu vực chính : Hoàng cung, Văn phòng Hoàng gia và các ngôi chùa. Hoàng Cung là một ví dụ điển hình của việc kết hợp kiến trúc truyền thống Thái Lan với phong cách phương Tây. Các bạn Sinh viên đã được chiêm ngưỡng tinh hoa văn hóa, kiến trúc và hơn thế nữa là đắm mình vào thế giới tâm linh thanh bình tại nơi đây.
Sau đó, đoàn đã được di chuyển bằng đường sông đến “Talad Noi” có nghĩa là một khu chợ nhỏ. Đây là một trong những khu vực hải cảng đầu tiên khi người dân nhập cư đến Bangkok để giao thương. Hiện nay đây là khu vực đa dạng văn hóa nhưng phổ biến nhất là dân cư Trung Hoa sinh sống tại đây. Một trong những công trình để lại ấn tượng cho các bạn sinh viên kiến trúc khi tham quan quận Talad Noi là Warehouse 30. Đây là một công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Duagrit Bunnag, một trong những kiến trúc sư nổi tiếng của Thailand. Với sự tài tình, ông đã biến một không gian rộng 4.000 mét vuông, gồm các nhà kho bị bỏ hoang từ thời Thế chiến 2, thành trung tâm nghệ thuật với nhiều chức năng dùng cho hoạt động triển lãm.
Điểm đến cuối cùng của ngày đó chính là Icon Siam – khu phức hợp tất cả – trong – một nằm bên bờ sông Chao Phraya. Kiến trúc của khu phức hợp bán lẻ này lấy cảm hứng từ các giá trị văn hóa và niềm tin tín ngưỡng gắn liền với sông Chao Phraya, bao gồm cả “krathong” và “baisri”. Tòa nhà là một điểm đến hiện đại mô phỏng nếp gấp của chiếc đèn Krathong, thổi vào đó là những nét văn hóa Thái truyền thống.
Thứ 3 ngày 31 tháng 8
Đoàn ARC có cơ hội đi tham quan nhà riêng của Jim Thompson, một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng thu hút nhiều khách du lịch tại Bangkok. Jim Thompson được sinh ra ở Mỹ vào năm 1906. Ông là một kiến trúc sự. Sau Thế chiến II, ông được chuyển tới Bangkok với tư cách là một sĩ quan quân đội. Ông ta rất yêu mến Thái Lan và Bangkok. Vì vậy, khi thời gian phục vụ quân đội của ông kết thúc, ông đã quyết định định cư ở đất nước xinh đẹp này mãi mãi. Jim Thompson rất say mê với nghề dệt lụa truyền thống của Thái Lan, một ngành nghệ thuật và công nghiệp bị lãng quên từ lâu. Ông quyết định hồi sinh nghề này và bắt đầu thiết kế các sản phẩm, quần áo lụa hiện đại hơn.
Trong lúc tham quan, các bạn được lắng nghe về lịch sử của căn nhà. Tuy đây là ngôi nhà của một người Mỹ, nhung những yếu tố cổ truyền Thái Lan được thể hiện rất rõ trong hình dáng, vật liệu, các bố trí nội thất của căn nhà. Jim Thompson tập hợp sáu tòa nhà gỗ tếch cũ từ những nơi khác nhau ở Thái Lan (một số từ thủ đô cũ của Ayudhya), tất cả đều mang đậm kiến trúc truyền thống của Thái Lan và có niên đại ít nhất là hai thế kỷ. Chúng đã được tháo dỡ và đưa đến Bangkok, sau đó được ghép lại với nhau và trở thành Nhà Jim Thompson.
Qua việc ngắm nhìn và cảm nhận kiến trúc trong căn nhà, các bạn sinh viên nhận thấy nhiều yếu tố văn hóa truyền thông, phong tục tập quán và lối sống cổ truyền của Thái Lan. Qua các chi tiết cửa, những đồ vật trang trí và các bảo vật được sưu tầm đều mang hình hài của văn hóa Thái Lan. Không những thế, thiết kế của căn nhà cũng mang phong cách kiến trúc, nghệ thuật của cá nhân Jim Thompson và những nét tinh tế, phá cách đầy tế nhị mang kiểu phương Tây cũng được gửi gắm trong không gian căn nhà.
Đoàn còn được thăm quan Jim Thompson’s Art Center ở ngay cạnh Nhà Jim Thompson. Trung tâm Nghệ thuật Jim Thompson, hay Trung tâm Nghệ thuật Jim Thompson, đã mở một ngôi nhà mới với diện mạo hiện đại để phản ánh định hướng của tổ chức trong việc tiến lên với xã hội đương đại và định hướng phong cách sống của thế hệ mới rằng Trung tâm nghệ thuật không chỉ là nơi triển lãm nghệ thuật. Đây cũng là một không gian sống mà mọi người đều có thể tiếp cận và sử dụng, với thư viện, quán cà phê, cửa hàng bảo tàng, phòng đa năng và không gian mở cho các hoạt động khác nhau.
Tiếp đến đoàn kiến trúc được dạo vòng quanh trung tâm mua sắm sầm uất nhất Bangkok – Siam Center, Siam Paragon và MBK. Tại đây, các bạn được ngắm nhìn phong cách kiến trúc hiện đại của Thái Lan, với không gian rộng thoáng. Tuy là một công trình tại trung tâm thành phố, các trung tâm mua sắm được thiết kế với nhiều mảng xanh, không gian mở và không gian cộng đồng. Đây cũng là một phương pháp thiết kế hay mà các bạn kiến trúc trường VGU có cơ hội ghi nhớ và học hỏi.
Đặc biệt đáng chú ý nhất chính là thiết kế kiến trúc của tòa nhà mua sắm Siam Paragon. Các nhà thiết kế đem đến một trải nghiệm không gian mới lạ đến người sử dụng, với sự đan xen giữa khối đặc và khối rỗng trong công trình, đồng thời kết hợp với những đường cong trong cách bố trí các tầng lầu đem đến một không gian mang tính điêu khắc. Sự kết hợp giữa không gian, ánh sáng, cây cảnh và sự hiện diện hài hòa của nước đã đem đến những ý niệm nghệ thuật của “trong suốt” và “mờ đục” trong thiết kế.
Vào buổi chiều ngày 31.8, đoàn Kiến trúc ghé thăm văn phòng studio của công ty kiến trúc A49 (Architects 49). Architects 49 được thành lập vào năm 1983 bởi Nithi Sthapitanonda – một trong những kiến trúc sư hàng đầu ở Thái Lan.. Ngay từ đầu, tầm nhìn của ông luôn là kiến trúc vượt thời gian với những đường nét sạch sẽ, đơn giản và thanh lịch. Kể từ đó, Architects 49 đã mở rộng lên hơn 200 cộng tác viên, làm việc trong các dự án trên khắp Châu Á và Trung Đông. Đội ngũ đa dạng bao gồm thiết kế kiến trúc, thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa v.v cho của A49 đã sáng tạo và xây dựng thành công nhiều loại kiến trúc, từ các khu nhà ở quy mô nhỏ đến các dự án hỗn hợp quy mô lớn. Được ghé thăm một công ty kiến trúc lớn hàng đầu Thái Lan với kinh nghiệm làm việc quốc tế quả thật là một cơ hội cực kỳ quý báu cho các bạn sinh viên trường Việt Đức.
Ở buổi gặp mặt, các bạn có cơ hội được làm quen với các anh chị làm việc tại studio A49 ở Bangkok, ngắm nhìn tận mắt cách làm việc tại văn phòng kiến trúc, văn phòng dựng mô hình, văn phòng thiết kế nội thất và cả xưởng thiết kế đồ họa. Tất cả là một hệ thống những chuyên gia và các nhà sáng tạo với nhiều chuyên môn khác nhau, phối hợp làm nên những dự án thành công về mọi mặt.
Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc
The post Summer Workshop: Trải nghiệm thú vị của Sinh viên Kiến trúc ĐH Việt Đức (VGU) tại Thái Lan appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/42GfAbc
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét