Ngày 07/07/2022 vừa qua, Nguyễn Quang Dương – sinh viên năm cuối trường ĐH Kiến Trúc TPHCM đại diện Việt Nam đã đạt giải Nhất “Cuộc thi Nhà Thiết kế Trẻ Châu Á” (AYDA 2021) với tác phẩm dự thi “Chuồn Chuồn” (Dragonfly). Nhằm lan tỏa tinh thần sáng tạo, khích lệ các bạn sinh viên kiến trúc, tham gia dự thi giải thưởng AYDA 2021, TCKT đã có cuộc trò chuyện với sinh viên Nguyễn Quang Dương. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Được biết chủ đề của giải thưởng AYDA 2021 là “Thiết kế của sự thấu cảm” với nội dung tập trung giải quyết các vấn đề của con người, xã hội và chú trọng đến tác động của môi trường, Em đã khai thác những vấn đề đó như thế nào trong bài thi của mình?
Nguyễn Quang Dương: Bản thân em, lớn lên với tuổi thơ là những trò chơi dân gian, chạy nhảy với đám bạn, được sống vô tư, hồn nhiên và khám phá thế giới tự nhiên đầy thú vị. Vì vậy, khi nhìn lại những em nhỏ hiện nay, do sự phát triển của xã hội, công nghệ, các em lớn lên trong 4 bước tường và làm bạn với những chiếc điện thoại, tivi, với sự cô đơn …Dự án “Chuồn Chuồn” (Dragonfly) của em xuất phát từ mong muốn đánh thức các giác quan khi các em thơ có cơ hội được tiếp xúc với tự nhiên, khám phá tự nhiên thông qua các trải nghiệm của nắng, gió, mưa và ánh sáng, giúp các em tăng trí tưởng tượng và sáng tạo.
Với em, “Chuồn Chuồn” không cần phải mang điều gì đó quá lớn lao mà ngược lại, nó rất nhỏ, nhỏ đến mức công trình mang dáng dấp con chuồn chuồn đang vươn mình vỗ cánh bay lên dựa trên câu ca dao “chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”. Một khung cảnh rất đỗi quen thuộc diễn ra trước mỗi cơn mưa khi mây đen và gió bão ùn ùn kéo đến để rồi khi mưa xuống, các em sẽ có một cuộc dạo chơi thú vị đưa các em xa rời công nghệ điện tử mà trở về với tự nhiên để kiến tạo một miền ký ức không thể quên. Với hiện tượng tự nhiên con chuồn chuồn báo hiệu mưa nắng, những đứa trẻ bước vào công trình như bước vào một thế giới kỳ lạ của tự nhiên – nơi các em được nhìn, được xem, được nghe, được tự tay chăm sóc và cảm nhận, như một cách thức mới đưa trẻ trở về với thế giới xung quanh và vạn vật bằng sự tò mò và trí tưởng tượng. Để rồi mỗi chúng ta đều nhìn ra rằng công nghệ đang phục vụ, lệ thuộc con người, công nghệ là những cỗ máy còn chúng ta là những thực thể có cảm xúc, biết cảm nhận và tin yêu vào cuộc sống muôn màu muôn vẻ chứ không phải là điều ngược lại. Hãy để công nghệ giúp những đứa trẻ đến gần với tự nhiên hơn, được chạm tay vào truyền thống, đánh thức đam mê và hoài bão, ghi lại những ký ức đẹp đẽ nhất của thời tuổi thơ.
PV: Dưới góc nhìn của một KTS trẻ trong tương lai, theo em để một dự án có tính ứng dụng cao, cần phải chú trọng đến những vấn đề gì?
Nguyễn Quang Dương: Để một dự án có tính ứng dụng cao, cần phải chú trọng đến sự kế thừa, phát huy phù hợp và hướng đến tương lai. Trong đó, điều quan trọng hơn là nên đặt yếu tố bền vững trong dự án đó lên hàng đầu.
Theo em, một công trình kiến trúc không cần quá cầu kì, nhiều chi tiết rườm rà làm mất thời gian khi thi công và hạn chế ý niệm hình khối. Ngoài ra, khi thiết kế không nên chỉ chú trọng thị giác mà “phớt lờ” đi phần sử dụng của con người. Mỗi công trình, đều cần có một công năng phù hợp với yêu cầu sử dụng. Điều đó không đơn giản chỉ là ngăn chia không gian công năng, nó còn là cách ứng xử với khí hậu, văn hóa bản địa, tạo thói quen sinh hoạt tốt…
PV: Em có thể chia sẻ kinh nghiệm và một vài lời khuyên của em đối với các bạn sinh viên khi tham gia các cuộc thi?
Nguyễn Quang Dương: Hơn 3 tháng sau buổi trao giải “nhà thiết kế trẻ Châu Á”, em vẫn luôn cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc vì em là thí sinh mảng kiến trúc của Việt Nam đầu tiên giành ngôi vị quán quân. Thật sự mà nói AYDA đã trở thành một kỷ niệm, một trải nghiệm không thể nào quên của riêng em.
Khi tham gia cuộc thi, em đã có thêm cơ hội nghiên cứu chuyên sâu, học hỏi rất nhiều, thể hiện bản thân, gửi gắm trọn vẹn những tâm tư tình cảm của mình vào dự án “Chuồn Chuồn”. Suốt chặng đường tham gia cuộc thi mặc dù gặp nhiều áp lực nhưng em đã nhận được những động viên và góp ý, hướng dẫn từ các vị ban giám khảo (vòng quốc gia) để hoàn thiện bài một cách sắc sảo nhất.
AYDA là một cuộc thi kéo dài hơn nửa năm và dù là nghiên cứu lâu dài, trải qua rất nhiều thử thách, nhưng đây sẽ là một hành trình hết sức ý nghĩa và đầy tính nhân văn. Mỗi năm sẽ là một chủ đề khác nhau nhưng đều dựa trên yêu cầu thực tế của cuộc sống, sẽ đưa các bạn đến với một yếu tố, bản sắc đặc trưng của từng chủ đề. Những giá trị độc đáo riêng mà tin chắc rằng các bạn sẽ rất thích thú và muốn lao vào nghiên cứu nó. Các vị ban giám khảo sẽ là người truyền cảm hứng chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn. AYDA với sinh viên kiến trúc là một sân chơi lớn, là cơ hội dành cho những bạn yêu và đam mê kiến trúc, sẵn sàng thể hiện bản thân. Vì vậy, hãy cứ tự tin, mạnh mẽ, quyết tâm thể hiện tốt khả năng và các bạn sẽ thành công!
PV: Rất cảm ơn những chia sẻ của em và chúc em sẽ có nhiều bước tiến xa hơn trong thời gian sắp tới!
Đinh Hằng (thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2022)
The post Nguyễn Quang Dương – Giải Nhất “Cuộc thi Nhà thiết kế Trẻ Châu Á” – “Thiết kế của sự thấu cảm tạo ra một thế giới kỳ lạ của tự nhiên” appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/VN1tBjK
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét