Thứ Hai, 3 tháng 6, 2024

Tản mạn về “sập gụ” trong nội thất Việt

Từ lâu, cụm từ “Sập gụ tủ chè” là câu cửa miệng, là quan niệm mô tả đồ nội thất quan trọng không thể thiếu trong bố trí không gian chính của ngôi nhà gia đình người Việt xưa. Nó không chỉ là nơi thờ cúng, hội họp gia đình, làng xã hay tiếp khách đàm đạo của các bậc “bề trên” trong dòng tộc mà còn thể hiện được địa vị xã hội, đẳng cấp của gia đình do hình thức, chất liệu, kích thước, độ cầu kỳ của nó.

Người xưa có câu “Nhà ngói cây mít – Sập gụ tủ chè” ý nói đến sự giàu có, rủng rỉnh của gia chủ. Chỉ những gia đình giàu có, khá giả, địa chủ, vua quan mới sở hữu được một chiếc sập gụ. Chiếc sập càng đục khắc tinh vi, càng sang trọng thì càng thể hiện đẳng cấp của người chủ. Bộ đôi sập – tủ được đặt nơi sang trọng nhất trong nhà. Phía trên tủ chè đặt bàn thờ gia tiên thể hiện lòng biết ơn, ghi nhớ công lao của những người đã khuất. Ngày nay, sập gụ tủ chè vẫn hiện hữu trong các không gian ở các công trình tôn giáo như chùa, đình, đền hay ở những nhà thờ dòng họ. Vẫn còn rất nhiều gia đình có truyền thống được truyền lại từ tổ tiên hay yêu nét đẹp của kiến trúc Việt xưa sử dụng trong ngôi nhà của mình.

Tìm hiểu về lịch sử ra đời, có nghiên cứu cho rằng “Sập” ra đời trước tủ chè rất lâu, có liên quan đến việc thờ cúng, tưởng niệm có từ thời đế quốc Maurya tại Ấn Độ cổ đại, trong khoảng từ năm 250 – 233 trước Công nguyên. Hoàng đế Ashoka đã cho đặt một chiếc sập đá ngay dưới gốc cây Bồ Đề mà hơn 200-300 năm trước, Đức Phật đã đắc đạo tại đây. Chiếc sập được tôn kính gọi là Kim Cương tọa (Vajra Seat). Hình thức phụng thờ chiếc sập, một trong tâm tín ngưỡng của Phật giáo thời kỳ đầu và được xem như thánh tích. Hình ảnh xưa cho thấy những người dùng đạo quỳ gối cầu nguyện trước nó. Và cho tới nay họ vẫn làm vậy.

Sập gụ tủ chè khảm xà cừ. Ảnh: Trần Thị Thanh Thủy

Một ý kiến cho rằng sập là loại hình thịnh hành thời Hán, là vật để ngồi quỳ, tương đối thấp, thấy rất nhiều trong các bức thạch họa tượng – huaxiang shi. Sập cũng được nhiều nhà nghiên cứu Trung Hoa phỏng đoán nguồn gốc Tây vực của loại hình gia dụng này với tên gọi La Hán sàng 罗汉床. Sách “Điển cố văn học” chú giải “Treo tháp” là treo giường. Thực ra tháp và giường có công năng khắc nhau, mặc dù hình dạng cũng không khác nhau nhiều. Tháp (榻 sập) cơ bản là dùng để ngồi, tháp thời Ngụy Tấn chủ yếu dùng cho hai người ngồi nên hình gần với chữ nhật. Khi sang tới Việt Nam, tháp dần dần phát triển hình vuông để nhiều người ngồi được hơn, sập thường để trước bàn thờ, ở gian chính, cũng không phải là nơi để ngủ qua đêm. Trong cuốn “Văn minh vật chất của người Việt”, Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng sự xuất hiện sập gụ tủ chè ở các gia đình nông thôn có nguồn gốc từ thành phố (TP) khoảng cuối thế kỷ 19. Theo nghiên cứu của Lê Tạo (2011), trong tác phẩm “Di sản văn hóa nguồn lực đặc biệt cho phát triển du lịch Thanh Hóa” thì sập đá sớm nhất ở Thanh Hóa có niên đại Thuận Tông thứ 11 (1389). Đây là chiếc sập đá ở thành nhà Hồ được cha Lục chuyển về đặt ở Phương đình Nhà thờ đá Phát Diệm.

Sập thờ Đền Bạch Mã, Hà Nội. Ảnh: Trần Thị Thanh Thủy

Đền thờ vua Đinh, vua Lê hiện đạt kỷ lục về số lượng sập đá và sập gỗ. Trung Quốc thờ ngai không thờ sập, Việt Nam lại thờ cả sập lẫn ngai. Đặc biệt, lăng Quận Chân (Lê Đình Châu) năm Cảnh Hưng thứ 39 (1778) xã Ngọc Lĩnh huyện Tĩnh Gia có chiếc sập đá khá lớn, trên có đặt một chiếc ngai đá. Lăng Quốc Thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung (1612 – 1706) ở thôn Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân là một trong những lăng mộ hiếm hoi của các vương phi hoàng hậu có thờ sập đá. Mặt sập chạm chìm hình lục giác, phía chính diện, thành sập chạm nổi rồng cuộn trong mây lửa và lá cúc cách điệu (Trích – Trần Hậu Yên Thế).

Sập đá Kim Cương tọa – Ấn Độ. Nguồn: Wikipedia.org
Tranh vẽ Lễ thiết triều Vua Lê Hy Tông. Nguồn: Wikipedia.org
Lăng Dinh Hương – Ngai đặt trên Sập đá
Nguồn: Di tích quốc gia đặc biệt. Đình Tường Phiêu. Lệ làng xưa và nay. NXB Dân trí.2022
Tranh vẽ Lễ bộ nhà Nguyễn. Nguồn: Wikipedia.org
Tranh Trẻ cóc kiện nhau – Tranh dân gian Đông Hồ
Tranh “ Hòe ấm tiêu hạ đồ” đời Tống

Sập có thể được phân thành 2 loại, Sập thờ và Sập ngồi. Theo GS Trần Lâm Biền, diễn biến phát triển của loại hình sập thờ có những điểm chú ý sau:

Đây là một loại hình hầu như chưa tìm được từ thế kỷ 16 trở về trước. Vào giữa thế kỷ 17, chiếc sập thờ hiện nay được coi là có niên đại sớm nhất tìm thấy ở đình Phú Thượng thuộc quận Tây Hồ (Hà Nội). Sập có kích thước lớn hơn chiếc giường đôi bình thường chút ít, có độ cao khoảng 40cm hoặc cao hơn như tủ thờ. Về bố cục thật đơn giản, mặt lát ván sơn then, xung quanh cũng là ván bưng kín. Đáng quan tâm ở sập này là những hình trang trí nổi với những rồng, phượng, hổ phù, cánh sen… đặc biệt là hệ thống đao mác được chạm một cách hết sức mạnh, dứt khoát và như một chuẩn mực của nghệ thuật đương thời. Vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, một chiếc sập điển hình (to ngang sập gỗ hiện tại) làm vào đời Chính Hòa (1680-1705) bằng chất liệu đá ở trước cửa điện thờ chính điện vua Đinh (Hoa Lư, Ninh Bình). [Trần Lâm Biền (2007), Giáo trình Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam. tr.241]. Pho tượng Phật Tuyết Sơn ở chùa Tây Phương cũng được đặt trang trọng trên một chiếc sập gỗ. Sập đá trong nhiều văn bản đồng nghĩa với chữ thạch sàng – là chiếc giường đá. Trong không gian hậu cung đền vua Đinh vua Lê, sập đá là nơi để ngự ngai thờ và tượng thờ.

Sập ngồi có nhiều ý nghĩa và công dụng khác nhau, có thể bằng gỗ hoặc bằng đá. Trong bức tranh Trê Cóc của dòng tranh Đông Hồ, chúng ta thấy hình một quan thái thú cá chép nằm trên sập. Dẫu rằng qua bức vẽ này chúng ta không thể nào xác định chính xác đây là sập đá hay sập gỗ. Nhưng sập đã trở thành một biểu tượng của một vị trí sang trọng và quyền uy. Có thể thấy trong nhiều ví dụ khác như trong bức tranh Thầy đồ Cóc, thày đồ Cóc ngồi trên sập giảng bài. Bức tranh vẽ Nguyễn Siêu giảng học (1853) cũng vẽ thày đồ Nguyễn Siêu ngồi trên sập.

Có thể xưa hơn nữa, thoạt kỳ thủy, sập đá chính là nơi các bậc thủ lĩnh tù trưởng ngồi. Đây là giả thiết thứ nhất về chức năng của sập đá. Rồi tới buổi đầu dựng nước, cung điện thành quách đơn sơ, ngai vàng các vị vua Đinh vua Lê có thể được đặt trên các sập đá như thế này. Và sập đá đã trở thành biểu tượng cho quyền lực của nhà vua. Có hiểu như thế, chúng ta mới hình dung nổi một chiếc sập có diện tích hơn 14m2 (sập nhà Hồ). Sập gỗ cũng không đơn giản chỉ là cái giường gỗ. Người Việt đặt chiếc sập trước ban thờ sập cũng là nơi tiến hành các nghi thức thờ cúng. Ngày xưa, trong xã hội phong kiến, những người đàn bà không được ngồi lên sập. Mặt sập là không gian quyền lực của những người đàn ông trong nhà, nơi ban bố ra những quyết định quan trọng, hoặc tiếp khách quý.

Nội thất nhà khách – Bảo tàng gốm cổ Sông Hương, Huế.
Ảnh: NAG Trung Phan
Ngai vua triều Nguyễn đặt trên sập điêu khắc 9 con rồng sơn son thếp vàng.
Nguồn: Hannamtv.vn

Quan điểm hiện nay của các làng nghề truyền thống, Sập gụ hay còn gọi là sập chân quỳ, tên đầy đủ là sập chân quỳ dạ cá, sập thường được làm bằng gỗ gụ nên “Sập gụ” đã trở thành tên gọi chính thức cho bộ sập gỗ. “Chân quỳ” tượng trưng cho sức mạnh sự vững chắc, được cách điệu tứ linh, tứ quý, “sập chân quỳ dạ cá”, với hình tượng là cá chép, cá chép hóa rồng biểu trưng cho sự can đảm, may mắn, thành công… Các cụ ngày xưa thường đóng thêm một chiếc Văn kỷ (bàn nhỏ chân thấp) dùng cho việc uống nước, đàm đạo, đánh cờ,… Tủ chè theo một số quan điểm được chuyển hóa từ sập thờ, tủ thờ, sau thời gian có thêm các công năng khác. Tủ chè là chiếc tủ dùng để trưng bày đồ vật như bình rượu quý, bình trà hay cất giữ đồ quan trọng của gia đình để ngăn côn trùng hay bụi bẩn. Đặc biệt, mặt trên của tủ còn được sử dụng là bàn thờ gia tiên và thường được đặt ở vị trí trang trọng. Cũng giống như sập, tủ chè có thể được làm từ gỗ gụ, gỗ hương, gỗ lim, gỗ mun, gỗ gõ,… Trong đó, gỗ gụ được sử dụng phổ biến nhất nhờ tính chất gỗ tốt, không bị mối mọt, để càng lâu càng bóng đẹp. có thể làm bằng gỗ lim, gỗ hương, nhưng phổ biến nhất vẫn là gỗ gụ. Sập gụ tủ chè Vậy nên người xưa hay gọi chung sập gỗ là sập gụ. Bộ sập gụ – tủ chè trở thành cặp đôi hoàn hảo, song hành cùng nhau. Vị trí đặt sập tủ tốt nhất là gần cửa chính để đón sinh khí, sát tủ chè (tủ thờ) dựa tường (Nhưng không được chắn cửa ra vào) Ngoài ra, có thể trang trí thêm phòng khách bằng chậu cây cảnh nhỏ hoặc lọ hoa tươi để không gian nội thất thêm phần sinh động, gần gũi với thiên nhiên hơn.

Cấu trúc bề mặt hoàn thiện Sập được chia thành 3 loại chính: Sập gụ trơn, sập gụ đục và sập gụ khảm. Sập trơn: Được chế tác từ các khối gỗ đẹp, không rác, không cong vênh, không mối mọt. Sập đục: Đục nền trơn, lọng thủng đục kênh bong. Trước kia, sập được chế tác hoàn toàn bằng đục tay. Ngày nay, có sự hỗ trợ thêm từ máy móc là kỹ thuật lọng máy thủ công. Đối với các loại sập như sập mai rậm, sập ngũ phúc,… Trước tiên sẽ được lọng máy, sau đó mới được đục tay. Sập khảm gồm có hai loại khảm đó là khảm trên nền sập tủ trơn và khảm trên các sập, các mảnh ốc xà cừ; ốc xà cừ càng già cỗi; càng lâu đời thì sẽ cho ra màu sắc càng đẹp và tinh tế. Sau này, tủ chè được gắn kết với sập cũng sẽ có kiểu dáng và cấu trúc bề mặt hoàn thiện tương tự, đồng bộ với sập.

Có rất nhiều họa tiết trang trí theo tích cổ hoặc trang trí cổ được chạm khắc tại quây sập hay yếm sập (dạ sập). Sập cho Vua đặt ngai thì sử dụng họa tiết tứ linh (Long – Ly – Quy – Phượng). Với sập thờ thì dùng họa tiết hổ phù, hoa sen, hoa dây, sóng, mây… sập ngồi gồm các bộ hoa văn: Mai – Điểu (hoa mai và chim), Mai – Mạc (hoa mai và con hạc), Lan – Bướm hay Lan – Điệp (hoa lan và bướm), Trúc – Hổ (trúc và hổ), Trúc – Yến (trúc và chim yến), Liên – Áp (sen và vịt), Tùng – Lộc (tùng và nai), Tùng – Hạc (tùng và hạc), Đơn – Trĩ (mẫu đơn và chim trĩ), Ngô đồng – Phụng (cây ngô đồng và chim phụng, Liễu – Mã (cây liễu và ngựa, Tiên – Tượng (cây chuối và voi), Kê – Cốc (gà và ngũ cốc), Đào – Két (cây đào và chim két), Đào – Ngưu (cây đào và trâu), Lựu – Thử ( lựu và chuột), Lê – Dương (lê và con dê), Nho – Sóc (nho và con sóc), Quả – Điệp (trái bầu và bướm), Gấu – Ó (con gấu và diều hâu), Nghiêu – Cò. Một loại họa tiết đề tài tự do, đó là “Hoa – Điểu” nghệ nhân có thể sắp xếp chim với một loại thảo mộc theo ý mình. Với tranh “sơn thủy” (núi và sông), có loại phong cảnh chính danh, xa xa là những ngọn núi, sông ngòi với lùm cây. Nếu phong cảnh có nhà và phần nào được kiểu – thức – hóa, có thể loại bối cảnh “sơn đình” (núi và nhà ở). Sau cùng là cảnh sinh hoạt, trong đó có sự linh hoạt của các nhân vật như chiến binh, ông đồ, lữ khách, triết gai, những bà lớn hoặc thiếu nữ duyên dáng, được đi vào loại “bách cổ” (một trăm đồ cổ”, ở đây người ta mô tả lại tất cả những tích tuồng cổ hoặc những chuyện hoang đường ngày xưa bên Trung Quốc. Nếu nghệ nhân đi vào đời sống đồng áng, loại bối cảnh này thuộc thể loại “Ngư – Tiều – Canh – Mục” (ngư ông, tiều phu, người cày, mục đồng); hoặc thay đổi một chút “Ngư – Tiều – Canh – Độc” (ngư ông, tiều phu, người cày, học trò). Những đề tài ấy khi triển khai tạo nên một tích tuồng nhỏ, một phong cảnh nhỏ.

Sập quây chạm khắc. Ảnh: Vũ Hồng Phong
Con kê chân sập hình Rùa – Ảnh: Trần Thị Thanh Thủy

Chất liệu bề mặt hoàn thiện cũng có nhiều loại như sơn son thếp vàng, khảm xà cừ, sập mộc, đánh vecni… Hình thức sập cũng có một số dạng như sập 3 thành, sập tam diện, tứ diện… kích thước phổ thông của sập trung là 1,6×2(m), sập đại là 1,8×2,2(m)…

Sập bao gồm các cấu kiện: Mặt sập và quây sập, được gắn kết với nhau bằng mộng. Mặt sập cấu tạo bởi ván gỗ dầy 2cm, được bao quanh bởi bộ khuôn tranh dầy 6-7cm rộng 15-18cm. Có các loại: Mặt 1 lá, mặt sập được chế tác từ một tấm gỗ lớn. Mặt 2 lá được ghép từ 2 tấm gỗ lại với nhau (đây là loại phổ biến nhất). Mặt 3 lá được ghép từ 3 tấm gỗ nhỏ lại với nhau. Quây sập gồm các chi tiết: cổ sập, dạ sập (yếm sập), chân sập, quả găng. Con kê chân sập có hình con rùa kích thước 13x13x6(cm), hoặc 12x12x8cm.

Mặc dù ngày nay có rất nhiều sự lựa chọn khi trang trí nội thất phòng khách nhưng nhiều gia đình vẫn sử dụng những đồ dùng mang dáng dấp xưa như sập gụ, tủ chè, tủ thờ, tràng kỷ… như cách để lưu giữ lại những nét đẹp, văn hóa truyền thống của người Việt.

KTS Trần Thị Thanh Thủy
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 3-2024)


Tài liệu tham khảo

1. Hoa văn Việt Nam. Nguyễn Du Chi. NXB Hồng Đức.2019
2. Văn minh Việt Nam. Nguyễn Văn Huyên. NXB Hội nhà văn. 2016
3. Hệ thống đồ thờ truyền thống trong từ đường ở miền Bắc Việt Nam. Bùi Bá Quân. Nguyễn Gia Khoa. Giang Mạnh Cầm. Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 6, số 1. 2020.
4. Di tích quốc gia đặc biệt. Đình Tường Phiêu. Lệ làng xưa và nay. Lê Tiến Hải. Vũ Hồng Hải. NXB Dân trí.2022
5. Mỹ học của sức nặng – sập đá trong không gian tưởng niệm của người Việt. Trần Hậu Yên Thế.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/CxcOe7m
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét