Thứ Hai, 1 tháng 7, 2024

Phát triển cảnh quan ven sông cho Hà Nội – Nghiên cứu trường hợp bờ vở ven sông Hồng

Đặt vấn đề

Cảnh quan ven sông luôn đem lại sự hấp dẫn cho cư dân đô thị, không chỉ bởi khả năng khai thác sự thông thoáng của không gian mặt nước mà còn là giải pháp tối ưu hóa cảnh quan tự nhiên trong những đô thị có mật độ xây dựng cao và không gian thiên nhiên là yếu tố xa xỉ. Những dải đất ven sông càng trở nên bức bối khi sự phát triển ồ ạt thiếu kiểm soát đang biến các đô thị dần “quay lưng” với các dòng sông, nhất là khu vực nội đô. Sức ép của ô nhiễm môi trường đô thị, hậu quả tác động từ biến đổi khí hậu toàn cầu đang đòi hỏi các đô thị tập trung rà soát quỹ đất ven sông, biến chúng trở thành những không gian sinh thái tự nhiên, công viên dạng tuyến và là không gian sinh hoạt cộng đồng có giá trị, nhất là cho các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM…

Đa dạng sinh cảnh sống và đặc điểm của hệ thảm thực vật khu vực bờ vở. (Nguồn: Phạm, 2023)

Bờ vở là vùng đất ven sông Hồng được sử dụng như một hành lang thoát lũ, bảo vệ Hà Nội và có chức năng như một cầu nối sinh thái tự nhiên giữa dòng sông với con người. Khu vực này thuộc địa giới hành chính của hai phường Chương Dương và Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Toàn tuyến kéo dài 3,8km với diện tích ước tính khoảng 47ha. Bờ vở hiện vẫn chưa dành được sự quan tâm đúng mức của chính quyền và xã hội nên trở thành khu vực tập trung rác thải (cả sinh hoạt và vật liệu xây dựng) và cống xả nước thải sinh hoạt của khu vực dân cư lân cận. Ngoài ra, khu vực này giáp với một lạch nước của sông Hồng nhưng đã bị cắt ở đầu nguồn do sự bồi tụ và làm đường tại phường Tứ Liên đã biến khu vực này trở thành vùng nước tù. Những nguyên nhân này làm cho khu vực bờ vở ô nhiễm nghiêm trọng cả về không khí, đất và nước; trở thành không gian ngăn cách cộng đồng với sông Hồng. Tuy vậy, đây là khu vực có nhiều tiềm năng cho phát triển không gian công cộng (KGCC) sinh thái ven sông nhằm thoả mãn nhu cầu hoạt động tương tác kết nối của cộng đồng dân cư, giải quyết triệt để được vấn đề ô nhiễm môi trường của khu vực, đồng thời là khởi đầu đưa Sông Hồng hồi sinh trở lại với vai trò trung tâm và là hành lang sinh thái đặc biệt quan trọng của Hà Nội.

Hình thái và mực nước thay đổi phức tạp giữa các thời điểm trong năm kết hợp với việc bị cách ly khỏi nguồn nước sông Hồng từ đầu nguồn làm cho chất lượng nước tại khu vực nghiên cứu bị ô nhiễm nghiêm trọng; hình thành nhiều vùng bán ngập trong khu vực nghiên cứu bởi yếu tố địa hình là những đặc trưng về mặt nước tại bờ vở. (Nguồn: Phạm, 2023)

Thực trạng cảnh quan và tài nguyên sinh vật khu vực bờ vở

Theo Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến Mễ Sở), khu vực này sẽ là một phần thuộc công viên hai bờ sông Hồng. Hiện nay, hầu hết khu vực giáp với khu dân cư được người dân sử dụng làm không gian sinh hoạt, bãi tập kết rác thải sinh hoạt, chất thải xây dựng và các loại phế liệu khác nhau. Khu vực này có 27 cống thoát nước thải lớn nhỏ lộ thiên, xả nước sinh hoạt trực tiếp xuống sông Hồng. Đây là những nguyên nhân gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân và mỹ quan đô thị.

Chế độ thủy văn sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội nói chung và khu vực bờ vở nói riêng thuộc vùng hạ du sông Hồng – Thái Bình, là nơi nhận nguồn cung cấp nước chính từ các lưu vực sông ở thượng lưu là lưu vực sông Đà, sông Thao và sông Lô – Gâm. Tình trạng thiếu hụt nước xảy ra chủ yếu vào tháng 2 và tháng 3 trong năm, trong đó tháng 3 là tháng có lượng nước thiếu hụt nhiều nhất. Sự ô nhiễm tại khu vực bờ vở chỉ được cải thiện cục bộ trong thời gian ngắn khi có mưa lớn hoặc vào mùa lũ nhờ hệ thống nước mặt rửa trôi hoặc hiện tượng dâng nước ngược từ dòng chảy chính của sông Hồng. Đây thực sự là một nghịch lý cho môi trường cảnh quan ven sông.

Tài nguyên thực vật tại khu vực nghiên cứu được hình thành bởi thảm thực vật đặc trưng vùng bán ngập kết hợp với cây trồng của dân cư khu vực. Khu vực bờ vở có khoảng 166 loài thực vật (Think Playgrounds, 2023). Tuy đa dạng về thành phần loài nhưng chủ yếu là cây trồng, cụ thể gồm: 43 loài cây cảnh, 43 loài rau màu, 23 loài cây ăn quả, 18 loài cây công trình, và chỉ có 39 loài cây tự nhiên. Trong đó, cây Dướng, Mã đề, Cà gai leo, Lạc tiên… là những loài cây tự nhiên có giá trị làm vị thuốc dân gian. Với đặc thù bán ngập nước, khu vực có sự đa đạng về sinh cảnh sống dạng tái sinh với sinh cảnh nghèo. Về tài nguyên động vật, khu vực nghiên cứu có khoảng 146 loài động vật. Tại thời điểm khảo sát, khu vực đã ghi nhận được 24 loài thuộc 44 họ (Think Playgrounds, 2023), bao gồm cả các những loài gây hại như bọ xít, sâu ăn lá… Hơn nữa, những nghiên cứu trước đây đã khẳng định tầm quan trọng của Hà Nội đối với các loài chim di cư và bước đầu khẳng định Hà Nội nằm trên tuyến di cư Đông Á – châu Úc. Khu vực hành lang ven sông và các bãi giữa sông Hồng là một trong những điểm dừng chân quan trọng của các loài chim cư này. Chính vì vậy, sự phong phú về động và thực vật ở một vùng ngay sát thủ đô là một tài sản sinh thái quý giá cần gìn giữ để duy trì sự phát triển bền vững của Hà Nội.

Một số sinh hoạt văn hoá thể thao của cộng đồng dân cư khu vực bờ vở. (Nguồn: Phạm, 2024)

Đan xen trong khu vực tự nhiên, người dân đã khai thác các vườn rau, cây ăn quả, chăn nuôi, bẫy chim, đun nấu… phục vụ cho sinh kế hàng ngày; tận dụng các khu đất san gạt, đường giao thông cho các hoạt động, thể dục thể thao, thi chim, hoặc hoạt động, tâm linh…; thúc đẩy sự kết nối cộng đồng và cũng thể hiện nhu cầu chính đáng của người dân về các không gian công cộng. Khu vực có nhiều CLB văn hoá thể thao như CLB Chào mào Phúc Tân, CLB đá cầu…Chính vì vậy, sau khi sân chơi công cộng được xây dựng tại phường Chương Dương, khu vực đã thu hút mạnh người dân tham gia hoạt động cộng đồng. Sự thành công của công trình đã thúc đẩy các tổ chức xã hội và chính quyền địa phương thực hiện tiếp khu vui chơi giải trí và thể dục thể thao ngay tại chân cầu Long Biên. Tiếp tục tạo ra những chuỗi công trình công cộng có giá trị cho cộng đồng dân cư khu vực. Bên cạnh sự giàu có về hệ sinh thái tự nhiên, các hoạt động này đã làm phong phú thêm hệ sinh thái nhân văn khu vực. Thể hiện rõ những tiềm năng to lớn cho việc xây dựng và phát triển cảnh quan ven sông theo hướng sinh thái bền vững gắn với các hoạt động văn hoá thể thao cho cộng đồng khu vực.

Chưa kể, trong khu vực nghiên cứu còn có cầu Long Biên, một chứng nhân lịch sử cho sự phát triển của Hà Nội từ đầu thế kỷ 20. Đây là công trình di sản có nhiều tiềm năng thúc đẩy phát triển cảnh quan ven sông, một trong những điểm nhấn cảnh quan quan trọng bậc nhất cho tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.

Mặc dù giữ vai trò quan trọng như cầu nối giữa dòng sông với đô thị và có tiềm năng rất lớn để trở thành không gian công cộng và sinh thái nội đô, nhưng hiện trạng ô nhiễm trầm trọng và thiếu giải pháp cải tạo tổng thể nên khu vực bờ vở vẫn chưa phát huy được tiềm năng, hạn chế đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường của TP.

Một số định hướng chiến lược phát triển không gian kiến trúc cảnh quan bờ vở

Khu vực bờ vở kết hợp với bãi giữa sông Hồng có nhiều tiềm năng trở thành không gian tự nhiên giàu có về đa dạng sinh học, độc đáo về cảnh quan thiên nhiên và tương phản với hình ảnh đô thị hai bên sông; trở thành nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá cho Hà Nội, là địa điểm thu hút các hoạt động nghỉ ngơi, ngắm cảnh, trải nghiệm. Thậm chí, đây có thể trở thành môi trường học tập của người dân ở các độ tuổi và tầng lớp khác nhau, kể cả các cộng đồng dễ bị tổn thương và yếu thế. Để đạt được hiệu quả này, một số chiến lược phát triển không gian kiến trúc cảnh quan cần thực hiện, bao gồm:

  • Khơi thông dòng chảy: Để làm sống lại khu vực bờ vở và lạch nước tù hiện nay, việc khai thông dòng chảy có vai trò quyết định sự hồi sinh của khu vực bờ vở và vùng lân cận. Chỉ khi lạch nước giữa bờ vở và bãi giữa tiếp nhận được dòng nước lưu thông của sông Hồng mới có cơ hội cải thiện sự ô nhiễm môi trường tại khu vực bờ vở. Tuy nhiên, giải pháp khai thông cần được phân tích và tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo dòng chảy trong mọi điều kiện và không thay đổi chế độ thuỷ văn cũng như sự ổn định của bãi giữa. Ngoài ra, giải pháp cải thiện môi trường chỉ có thể xử lý triệt để và đồng bộ khi hệ thống nước thải khu vực ven sông Hồng được thu gom và xử lý trước khi xả vào dòng sông.
  • Xây dựng hệ sinh thái tự nhiên và cảnh quan ven sông dạng tuyến: Nghiêm cấm triệt để hiện tượng săn bắn chim và các loài động vật hoang dã không chỉ bờ vở mà toàn bộ hành lang ven sông và các bãi bồi trên sông Hồng. Bảo tồn và phát triển sự đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên ven sông với tính đa dạng sinh học cao nhờ sự chuyển tiếp sinh cảnh sống từ trên cạn xuống dưới nước. Trở thành một phần của thiên nhiên hoang dã lý tưởng ven sông ngay trung tâm của TP Hà Nội; góp phần hình thành một phần công viên dạng tuyến dọc hai bờ sông Hồng. Bờ vở trở thành một phần quan trọng của hệ sinh thái đô thị, gắn cảnh quan thiên nhiên với hoạt động của con người và khôi phục vai trò của dòng sông trong cấu trúc cảnh quan của khu đô thị trung tâm. Hình thành các tuyến cảnh quan khám phá xuyên qua các sinh cảnh khác nhau dựa trên nền tảng hiện trạng các thảm thực vật, địa hình và không gian mặt nước trong khu vực nghiên cứu. Đồng thời, đây cũng trở thành trung tâm bảo tồn thiên nhiên và là điểm dừng chân lý tưởng cho các loài động vật di cư hàng năm. Thiết lập không gian giao thoa giữa hai hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn theo hướng thích ứng với các điều kiện tự nhiên, nhất là chế độ thuỷ văn sông Hồng.

Giải pháp này góp phần hình thành cảnh quan thích ứng, phù hợp với mọi điều kiện thời tiết và thúc đẩy sự phát triển của đa dạng sinh học nhờ sự biến đổi linh hoạt và tính đa dạng của các sinh cảnh tự nhiên. Sự bền vững của không gian còn thể hiện qua việc hạn chế can thiệp vào địa hình và sử dụng các loại vật liệu thân thiện môi trường, đồng thời hạn chế tác động tới hành lang thoát lũ. Vùng đệm sinh thái này đóng vai trò như một giải pháp “hạ tầng mềm” với vai trò kép, vừa là vùng cảnh quan sinh thái ven sông, vừa là hệ thống “kè mềm” bảo vệ bờ sông trước những tác động của dòng chảy. Hơn nữa, giải pháp sinh thái ven bờ này tăng khả năng thẩm thấu và trao đổi nước giữa hai tầng nước mặt và nước ngầm; góp phần bổ sung đáng kể nguồn nước, hạn chế sự ô nhiễm và sụt giảm mực nước ngầm đang xảy ra nghiêm trọng tại khu vực Hà Nội.

  • Phát triển không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng: Khu vực nghiên cứu có rất nhiều tiềm năng kết nối trở lại với trung tâm đô thị. Đặc biệt là trục kết nối gắn với cầu Long Biên và đường Chương Dương Độ – tuyến kết nối trực tiếp với trung tâm hồ Hoàn Kiếm; tạo lập nhiều cơ hội tái kết nối không gian, khôi phục vai trò của các trục cảnh quan từ trung tâm gắn với hành lang ven sông – một cấu trúc sinh thái dạng tuyến có vai trò và giá trị quan trọng trong cấu trúc hệ sinh thái của đô thị trung tâm. Các điểm cuối các tuyến đường vuông góc với đê và sông đóng vai trò kết nối của cộng đồng dân cư không chỉ khu vực ngoài đê mà cả khu vực nội thành với cảnh quan tự nhiên ven sông tại các không gian công cộng – được hình thành bởi điểm kết của các tuyến và trở thành các quảng trường mở gắn kết với hệ sinh thái ven bờ. Từ đó, hình thành chuỗi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thậm chí tăng cường phát triển nền kinh tế đêm khi tạo lập các tuyến du lịch trải nghiệm, khám phá giữa khu vực phố cổ – Cầu Long Biên – Công viên ven sông, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá và kiến trúc cho khu vực. Để phát triển bền vững, cảnh quan khu vực chỉ có thể được bảo vệ và phát huy khi có sự tham gia của chính cộng đồng trong trong tất cả các khâu từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành và duy trì duy tu.
  • Phát triển không gian trải nghiệm thiên nhiên cho thanh thiếu niên và nhi đồng Thủ đô: Ngày nay, nhu cầu học tập trải nghiệm, khám phá thiên nhiên không chỉ dành cho người trưởng thành mà là một hoạt động không thể thiếu cho giáo dục toàn diện trong các cấp học học phổ thông và mầm non. Các hoạt động trải nghiệm của thanh thiếu niên và nhi đồng khu vực trung tâm càng gặp nhiều khó khăn do quỹ đất hạn chế. Trong khi đó, một quỹ đất gắn với thiên nhiên khổng lồ dọc bờ sông Hồng đang bị “lãng quên” và bỏ phí. Chính vì vậy, việc biến khu vực cảnh quan ven sông Hồng thành không gian trải nghiệm và khám phá thiên nhiên dành cho thanh thiếu niên và nnnhi đồng ngay tại khu vực trung tâm là một trong những chiến lược quan trọng đối với khu vực bờ vở. Đồng thời là không gian kích thích trải nghiệm cho các nhóm lứa tuổi khác có nhu cầu, đưa thiên nhiên lại gần với cuộc sống của cư dân trong các không gian đô thị chật hẹp và bê tông hoá cao.
Điều kiện tự nhiên và văn hóa xã hội của khu vực bờ vở gợi mở nhiều tiềm năng phát triển chuỗi KGCC gắn với cảnh quan ven sông, bãi giữa, cầu Long Biên, Hồ Gươm và khu vực trung tâm của Hà Nội. Cấu trúc KGCC này góp phần thúc đẩy phát triển đa dạng hình thái và cấu trúc cảnh quan sinh thái dựa trên những đặc điểm đặc trưng của từng khu vực. Các KGCC tạo lập bán kính phù hợp cho từng quy mô, gắn kết hoạt động cộng đồng với chuỗi hoạt động văn hóa, du lịch trong khu vực Hồ Gươm và khu vực nội đô lịch sử. (Nguồn: Phạm, 2023)
Bờ vở giàu tiềm năng phát triển thành không gian cho các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa và giáo dục về giá trị đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường cho mọi lứa tuổi – (Nguồn: Internet)

Kết luận

Các dòng sông nội đô thường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các hoạt động xả thải của con người. Sự ô nhiễm đó là những biểu hiện về sự vượt ngưỡng sức chịu tải của môi trường dưới tác động hàng ngày của con người và hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra; đồng thời làm giảm đáng kể chất lượng không gian kiến trúc cảnh quan ven sông nội đô. Các đô thị đã và đang “quay lưng” với các dòng sông, làm cho chúng ngày càng ô nhiễm và tạo nên sự hoang phí những không gian xanh lý tưởng này. Chính vì vậy, xu hướng tất yếu là đưa các dòng sông trở lại với vai trò không gian xanh vốn có của nó, trở thành một trong những yếu tố cấu thành hệ sinh thái đô thị quan trọng bằng việc cải thiện chất lượng môi trường nước, gián tiếp cải thiện môi trường không khí và đất, phục hồi cảnh quan ven sông nhằm đưa thiên nhiên trở lại và lan sâu vào trong không gian xây dựng của đô thị.

Trung tâm Hà Nội có mật độ xây dựng cao, thiếu trầm trọng các quỹ đất dành cho phát triển KGCC. Cư dân đô thị thiếu các không gian sinh hoạt cộng đồng. Khai thác hiệu quả bờ vở là giải pháp khôi phục dải đất ven sông “bị lãng quên” một cách triệt để cho phát triển các công viên dạng tuyến ven sông, biến nó trở thành những KGCC. Giải pháp này giúp đưa con người có cơ hội đến gần hơn với thiên nhiên; được vui chơi, giải trí trong môi trường tự nhiên ngay gần khu vực có mật độ xây dựng dày đặc và bê tông hóa cao; thu hút người dân tham gia, học tập, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên và tăng cường tương tác cộng đồng trong môi trường đô thị; góp phần khôi phục giá trị văn hoá, lịch sử của dòng sông Hồng trong lịch sử xây dựng và phát triển của thủ đô; khởi đầu cho chiến lược khôi phục hành lang sinh thái ven sông Hồng và sẽ là bài học có giá trị cho chiến lược phát triển cảnh quan ven sông dạng tuyến cho các đô thị có các dòng sông chảy qua tại Việt Nam.

“Hạ tầng cứng” được phá bỏ và thay thế bằng các giải pháp “hạ tầng mềm” thông qua việc khai thác yếu tố thảm thực vật và không gian mặt nước. Đây là phương pháp tiếp cận hạ tầng cảnh quan nhằm cải thiện triệt để ô nhiễm môi trường, phục hồi và phát triển đa dạng sinh học, tạo môi trường sống lý tưởng không chỉ cho con người mà còn cho các loài sinh vật tự nhiên khác. Giải pháp này khai thác linh hoạt không gian cảnh quan theo các điều kiện thời tiết và chế độ thủy văn của các con sông theo hướng phát triển cảnh quan thích ứng.

TS.KTS. Phạm Anh Tuấn
Trưởng bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Chủ tịch Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 4-2024)


Ghi chú:

Bài viết có sử dụng một số dữ liệu từ nghiên cứu khu vực Bờ vở – chương trình hợp tác giữa Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và kết quả khảo sát của tổ chức Think Playgrounds.

Tài liệu tham khảo

  • Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống và Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội (2024) – “Báo cáo khảo sát thực trạng môi trường và sử dụng không gian bờ vở sông Hồng khu vực phường Phúc Tân và Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội”;
  • Think Playgrounds (2023) – “Kết quả khảo sát động, thực vật khu vực bờ vở”;
  • Phạm Anh Tuấn và cộng sự (2021), “Cải tạo cảnh quan ven sông Lừ theo mô hình công viên dạng tuyến” – Tạp chí Kiến trúc, số 315 năm 2021, trang: 87-89.


from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/WjJVRF3
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét