Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

Độc đáo nghệ thuật kiến trúc phủ vân cát thế kỷ XVIII

Nằm trong quần thể kiến trúc thờ Mẫu ở Phủ Dầy – Trung tâm thờ Mẫu quan trọng của tỉnh Nam Định, Phủ Vân Cát là một công trình kiến trúc khá độc đáo của thế kỷ 18 – 19. Đây có thể xem là công trình đặc sắc nhất còn lưu được nhiều những giá trị cả về mặt kiến trúc cảnh quan, đến các cấu kiện kiến trúc gỗ cũng như nghệ thuật chạm khắc trên đá. Nếu so sánh về nghệ thuật kiến trúc đền phủ thờ Mẫu nói chung, với các trung tâm thờ Mẫu khác ở miền Bắc như Phủ Tây Hồ (Hà Nội), Phủ Nấp, Phủ Tiên Hương (Nam Định), Phủ Tây Mỗ (Thanh Hóa) thì có lẽ Phủ Vân Cát là công trình lưu dấu ấn kiến trúc và qui hoạch kiến trúc đẹp và cổ nhất hiện nay.

Vài nét về quần thể di tích Phủ Dầy

Quần thể di tích Phủ Dầy nằm trên vùng đất Kẻ Giày xưa từ lâu đã được lưu truyền là quê hương phát tích tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh của tỉnh Nam Định. Về địa giới hành chính, quần thể này hiện nay thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Căn cứ vào nguồn tư liệu Hán Nôm, vùng đất này đã có ba lần tách nhập. Lần thứ nhất là thời Lê, khoảng cuối thế kỷ 15 – đầu 16, Kẻ Giày tách thành hai xã Vân Cát và An Thái, thuộc huyện Thiên Bản, phủ Kiến Hưng (sau đổi thành Nghĩa Hưng), xứ Sơn Nam hạ. Lần thứ hai là thời Nguyễn, trong khoảng niên hiệu Gia Long năm 1805-1811 xã Vân Cát sáp nhập với xã An Thái thành xã An Thái (mới). Vân Cát trở thành thôn/giáp Nhất trong cơ cấu 4 giáp của xã này. Lần thứ ba, năm Tự Đức thứ 3 (1850) xã Vân Cát lại được tách khỏi xã An Thái (mới) tái lập xã Vân Cát, phần còn lại của xã An Thái được đổi tên thành xã Tiên Hương, đều thuộc tổng Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đến năm 1947, xã này hợp nhất với xã Kim Bảng thành xã Kim Thái cho đến ngày nay [3, tr.94-95]. Như vậy, sau 3 lần tách nhập từ thời Lê đến thời Nguyễn, Vân Cát và Tiên Hương hầu như đã trở lại địa giới như lần chia tách đầu tiên, nhưng các vị trí tọa lạc của các di tích này đã trở thành thôn trong cấp độ quản lý của xã Kim Thái hiện nay. Phủ Vân Cát thuộc thôn Vân Cát còn Phủ Tiên Hương thuộc thôn Tiên Hương, mặc dầu hai di tích này chỉ cách nhau tầm gần 2km. Có thể nói, hệ quả của việc chia tách trong diễn trình lịch sử này chính là sự nhân đôi (thậm chí là ba) các di tích trong khu vực cả thôn Vân Cát và thôn Tiên Hương. Cụ thể là trong quần thể di tích này có đến hai chùa, hai Phủ, hai đền thờ Lý Nam Đế, hai đền Khải thánh thờ tổ tiên Mẫu [5]. Điều này cũng dẫn đến việc tranh chấp trong dân gian về việc đâu là đền phủ chính, trong khi trên thực tế, cả hai di tích phủ Vân Cát và phủ Tiên Hương đều là những nơi thờ chính với các dấu tích được ghi tạc trên các văn bia qua các lần trùng tu, tôn tạo. Theo thần phả thần tích ghi chép, phủ Vân Cát xưa được xây trên đất cố trạch của thân phụ, thân mẫu của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, còn phủ Tiên Hương là nơi Tiên Chúa lấy chồng và phủ Bóng – Nguyệt Du Cung sát cận kề với lăng Thánh Mẫu, nơi Mẫu hóa.

Quần thể di tích kiến trúc của Phủ Vân Cát

Về không gian tín ngưỡng, quần thể di tích Phủ Dầy hiện nay có thể phân ra 5 nhóm di tích gồm: 1) Nhóm di tích chính thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tiêu biểu là phủ Tiên Hương; phủ Vân Cát, Lăng Mẫu và Nguyệt Du Cung; 2) Các nhà thờ họ thờ các vị Khải thánh tức tổ tiên sinh ra Thánh Mẫu Liễu Hạnh; 3) Các đền phủ thờ các vị thần linh trong điện thần Tứ phủ cai quản các miền vũ trụ (Mẫu Thượng Ngàn trên núi Thái; đền Thủy Tiên thờ công chúa Tam Giang; đền Công đồng là đình Hội đồng xưa của xã An Thái (nay là Tiên Hương) nay thêm điện thần Tứ phủ ở bên ngoài; đền Khâm Sai thờ Đệ Tứ chầu bà Bạch Mai công chúa; 4) Các ngôi chùa thờ theo kiểu “Tiền Phật hậu Thánh”; 5) Các đền thờ phúc thần của An Thái cũ trước khi có tín ngưỡng thờ Mẫu, gần đây có lập thêm điện thần Tứ phủ như: Đền vua Lý Nam Đế; đình Khổng ở Tiên Hương và đền thờ hợp tự Lý Nam Đế, Đinh Lôi và Thám hoa Trần Ích Hoàng ở Vân Cát [5].

Như vậy vùng đất Phủ Dầy là nơi tích hợp của các không gian văn hóa tín ngưỡng từ thời nguyên thủy cho đến thời phong kiến. Sự tích hợp đó được nhìn thấy trong các hình thức thờ nguyên thủy thờ cây thờ đá, thờ sơn thần … đến thờ Phật, cho đến các tín ngưỡng phong kiến thờ Thành Hoàng làng. Tuy nhiên, trong những lớp văn hóa tín ngưỡng đó, mạnh nhất vẫn là các di tích thờ Mẫu, các di tích khác qui tụ vào tín ngưỡng thờ Mẫu để trở thành một cụm công trình. Cùng với các truyền thuyết, thần tích về mẫu sinh, mẫu hóa tại vùng đất này khiến cho tín ngưỡng này trở nên nổi trội. Đến thế kỷ 16, khi các truyền thuyết về Liễu Hạnh Công chúa, về Nội đạo tràng và trận “Sòn Sơn Đại chiến” được truyền bá. Kết quả cuộc chiến này Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã qui y Phật Pháp và mở đường cho việc các điện thờ của Đạo Mẫu nhập Tự vào các ngôi chùa. Lối kiến trúc Tiền Phật hậu Mẫu cũng đã trở nên phổ biến trong hầu hết các ngôi chùa Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.

Kiến trúc Ngũ Vân Môn – Phủ Vân Cát

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh ở đồng bằng Bắc bộ, các công trình đền phủ thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh cũng bắt đầu được xây dựng với qui mô to lớn hơn. Các công trình di tích thờ Mẫu Liễu Hạnh theo các lần sinh hóa của bà cũng được xây dựng to đẹp khoảng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Có thể kể đến là phủ Quảng Cung dấu tích của lần giáng sinh lần thứ 1 (đời Lê Thái Tông, niên hiệu Thiệu Bình, năm 1434) được dựng lại khoảng niên hiệu Vĩnh Tộ 5 (1623); Phủ Dầy (gồm Phủ Vân Cát, Phủ Tiên Hương dấu tích nơi giáng sinh lần thứ 2 (đời Lê Anh Tông, niên hiệu Thiên Hựu, năm 1557) được dựng lại vào niên hiệu Cảnh Trị 1663; và phủ Tây Mỗ, phủ Sòng Sơn ở Thanh Hóa dấu tích giáng sinh lần thứ 3 (đời Lê Huyền Tông, năm 1663) được dựng lại đầu thế kỷ 20. Trong số các di tích kể trên, phủ Quảng Cung được xây dựng sớm nhất, nhưng ngày nay không còn gì, chỉ còn lưu lại mỗi một pho tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh niên đại 1781. Các phủ khác đa số cũng đã được trùng tu qua nhiều lần hoặc được dựng lại vào thế kỷ 20, riêng Phủ Vân Cát, là công trình thờ Mẫu còn giữ lại nhiều nhất các giá trị cảnh quan kiến trúc có niên đại khoảng thế kỷ 18 (lần đại trùng tu Phủ Vân Cát vào đời Cảnh Thịnh – 1794), các lần trùng tu sau đó không đáng kể. Do đó, đây có thể xem là một công trình điển hình cho hình thức thờ tự biệt lập của tín ngưỡng thờ Mẫu của thế kỷ 18 và 19. Đây cũng là công trình hội tụ khéo léo hình thức kiến trúc của các giai đoạn lịch sử khác nhau, từ dáng dấp của truyền thống kiến trúc Bắc Bộ, cùng với sự tiếp thu hình thức kiến trúc thời Nguyễn một cách nhuần nhị.

Nghệ thuật kiến trúc Phủ Vân Cát

Mặc dầu truyền thuyết về lần giáng sinh thứ hai của Công chúa Liễu Hạnh được dân gian truyền tụng là rất sớm, khoảng thế kỷ 16 đời vua Lê Anh Tông, niên hiệu Thiên Hựu năm 1557. Sau khi bà hóa, một ngôi đền thờ đơn sơ đã được dựng lên trên đất cố trạch nhà thân phụ thân mẫu của bà ở thôn Vân Cát. Tuy nhiên phải gần 100 năm sau, vào thế kỷ 17 thời Cảnh Trị, phủ Vân Cát mới thực sự trở thành một trung tâm thờ Mẫu của vùng. Theo văn bia Thánh Mẫu cố trạch linh từ bi ký niên hiệu Thành Thái, Tân Sửu 1901 được lưu tại phủ hiện nay, cho biết phủ Vân Cát được xây dựng từ thời Cảnh Trị (1663 – 1671); trùng tu mở rộng vào thời Cảnh Thịnh (1794 – 1800) [1, tr5]. Hội nguyên Trần Gia Du, thiếu tả giám Trần Công Bản đã mở rộng ra. Năm Kỷ Mão (1879) đời Tự Đức, quan huyện Lê Kỳ đã sửa lợp lại. Năm Thành Thái thứ 10 (1898) đền phủ bị hư hại, các quan huyện và các bậc thân hào đứng ra tu sửa. Đến năm Thành Thái thứ 12 (1900) thì hoàn thành. Trong kháng chiến chống Pháp, một phần di tích bị bom đạn phá huỷ, sau đó được phục dựng và trùng tu nhiều lần vào các năm 1959, 1992. [2].

Phủ Vân Cát là công trình kiến trúc quy mô lớn, được xây biệt lập trên một khu đất rộng gần một hecta. Phủ quay về hướng gần chính Tây, phía trước mặt là cánh đồng lúa. Bắt đầu từ nghi môn ngoại là 4 cột đồng trụ, qua một khoảng sân rộng, là tòa phương du và hồ minh đường, sau đó đến ngũ môn quan, rồi đến hệ thống các cung phủ gồm bốn tòa. Bao quanh các chính điện là một dãy hành lang và hậu đường tạo cho kiến trúc phủ Vân Cát trở thành một không gian khép kín chiếm vị trí trung tâm cụm di tích. Xét trên vị thế cảnh quan kiến trúc thì phủ Vân Cát nằm trên trục đường thần đạo.

Cây cầu đá dẫn vào toà Phương Du

Hai bên tả hữu của tòa phương du và hồ minh đường, mỗi bên là bốn cột đồng trụ – nghi môn dẫn vào hai công trình kiến trúc khác đó là đền Đức Vua cha (bên trái) và chùa Vân Long (bên phải). Hai cụm công trình này được xây sâu vào phía trong so với vị thế trung tâm của phủ Vân Cát, khiến cho tính bề thế của công trình chính này càng được tôn vinh. Không chỉ vậy, địa thế tự nhiên của cả cụm di tích được bao bọc bởi hồ và lạch nước đã tạo cho thế đất ở đây một vị trí phong thủy đặc sắc mà không phải kiến trúc công trình tâm linh nào cũng có được.

Trên một thế đất tự nhiên đẹp đẽ, hồ minh đường và tòa phương du chính là một kiến trúc phong thủy đặc sắc được các KTS dân gian xưa tạo dựng nên cho cả cụm di tích. Với kiến trúc gần vuông được kè đá xung quanh nhưng khu vực trước cổng ngũ vân môn lại được thiết kế hơi hõm vào mà vẫn vuông thành sắc cạnh bởi dãy lan can bao quanh. Thông thường các hồ minh đường được xây phía trước các khu di tích có dạng hình bán nguyệt – hình mặt trăng – mang tính chất phong thủy, tạo nên thế đối đãi âm dương cho kiến trúc cảnh quan của công trình. Riêng Phủ Vân Cát, hồ này lại “hồ bán nguyệt” theo lối tạo hình kỷ hà gần vuông với độ cong bên ngoài và phần hõm bên trong là không đáng kể. Theo quan niệm dân gian của dân quanh vùng, thì việc dựng hồ nước hình vuông này là liên quan đến vị thế của ngôi phủ, đây là nơi Thánh mẫu được sinh thành. Thủ nhang Trần Văn Cường cho biết: “Các cụ xưa quan niệm “trời tròn, đất vuông” “trời cha, đất mẹ”, nên phải chăng việc dựng khu hồ hình vuông này nhấn mạnh đến vị thế nơi sinh (giáng trần lần thứ 2) của Mẫu”!.

Chính giữa khu vực hồ, người ta tạo một thế đất gần vuông ở trung tâm để dựng lên tòa Phương du với kiểu thức kiến trúc vì kèo đơn giản mang đặc trưng cho kiến trúc gỗ Bắc bộ. Tòa lầu này là nơi kiệu Thánh được rước ra tọa lạc vào mỗi dịp lễ hội. Dẫn vào không gian nội thất của tòa Phương du này là hai chiếc cầu đá hơi cong từ hai bên tả hữu của khu hồ, được thiết kế mỗi bên bốn nhịp. Hai đầu cầu phía trong là điêu khắc đá hình bốn con cá chép uốn mình một cách duyên dáng như đang chuẩn bị nhảy xuống mặt nước. Mô típ chạm khắc này cùng với các tạo hình điêu khắc đầu rồng ở các mố cầu tạo cho hai cây cầu đá này một dáng vẻ sinh động, đẹp đẽ. Đồng thời nó cũng là con đường để đưa kiệu thánh vào chính giữa tòa phương du – nơi Thánh ngự để ban phúc phát tài cho nhân gian.

Cùng với kiểu thức chạm khắc đá ở đầu cầu và mố cầu, thì hàng lan can bao quanh tòa Phương du cũng được chạm khắc rất cầu kỳ. Dường như các KTS và nghệ nhân dân gian xưa đã phô diễn sự khéo léo trong thiết kế khu hồ minh đường này để tạo một điểm nhấn ấn tượng trước khi bước vào không gian kiến trúc cung phủ lộng lẫy bên trong. Lan can được chạm thủng với các hình lục lăng, mà nhân lõi của mỗi hình lục lăng đó là các dạng hình hoa sen tám cánh, hoa thị bốn cánh khá hiện đại, khúc triết. Trên các trụ của hàng lan can này là các nụ sen. Riêng hai mảng chạm khắc đặt ở trung tâm chia thành 3 ô đăng đối nhau qua trục thần đạo phía trước và sau tòa phương du. Các trụ lan can đăng đối hai bên các mảng chạm này cũng được thay đổi biểu tượng chạm khắc là hình tượng đôi sư tử hí cầu quay mặt vào nhau, thay cho các chạm khắc nụ sen chạy xung quanh khắp lan can. Đây là một biểu tượng, tượng trưng cho ánh sáng, điềm lành và điều may mắn, cũng như đánh dấu trục đường thần đạo của di tích và không gian tâm linh. Về các mảng chạm khắc phần trung tâm này, hiện nay chỉ còn mảng chạm hướng ra phía ngoài là còn khá nguyên vẹn với hai bức hai bên chạm thủng nghê vờn cầu, một mô típ rất đặc trưng cho phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Bức chạm trung tâm là biểu tượng trúc hóa long. Tiếc rằng một vài chi tiết của bức chạm nay đã bị vỡ. Tuy vậy, đứng về mặt kỹ thuật chạm khắc, những bức chạm lộng này, ghi nhận một giá trị nghệ thuật khá cao. Chúng không chỉ là những đóng góp vào hệ thống biểu tượng trang trí của phủ Vân, mà kỹ thuật chạm lộng tinh xảo với những nét chạm rất mảnh và những đường gờ chỉ điệp lại rất hiếm gặp.

Kiến trúc tòa Phương du trung tâm hồ minh đường là thức kiến trúc ba gian hai chái thông thường, với hệ vì kèo giá chiêng bào trơn đóng bén bốn hàng chân cột. Đây là lối kiến trúc kết hợp giữa kiến trúc gỗ và xây. Hệ tàu mái có kết cấu giống như kiến trúc đình làng được thiết kế nâng dần lên ở bốn góc, tạo ra bốn đầu đao cong vút thanh thóat, bay bổng. Tuy nhiên, hai đầu hồi khu đĩ của kiến trúc này lại được xử lý theo dạng bít đốc và đắp vữa nổi hình hổ phù. Rất có thể giải pháp bít đốc đắp nổi hổ phù ở vị trí này là sản phẩm của lần trùng tu thời Nguyễn sau này, trong khi tổng thể công trình hầu như vẫn giữ được dáng nét của lần xây dựng hoàn thiện vào thời Lê Trung Hưng cuối thế kỷ 18.

Từ hồ minh đường tới cổng ngũ vân môn hầu như không có khoảng cách. Có lẽ công trình này không phải là để tạo dựng lên một lối đi như chức năng của vốn có của cổng ngũ môn, mà nó được dựng lên để tạo ra sự ngắt mạch trong không gian kiến trúc cảnh quan của khu đền phủ này. Ngoài ra, dưới các vòm cổng trung tâm, người ta dựng hệ thống các văn bia ghi chép về lịch sử của phủ Vân Cát, do đó càng góp phần khẳng định về chức năng tạo nhịp và phân biệt không gian trong, ngoài. Do vậy lối vào chính của phủ hiện nay được tạo ra bởi sự nối mạch của các cột đồng trụ hai bên tả hữu. Nếu theo tính mạch lạc của kiến trúc thì các cột đồng trụ hai bên này là nghi môn của hai công trình đền đức Vua Cha và chùa Long Vân. Điều này cũng góp phần tạo nên tính liên kết giữa Cổng ngũ vân môn được xây bằng gạch, theo hình thức “thượng lâu, hạ thành” tức cổng thành với lối kiến trúc vòm cuốn khá phổ biến trong các di tích thời Nguyễn. Phần trung tâm gồm ba cổng tam quan chính, phía trên là kiến trúc không gian là 3 tòa lầu nhỏ có hai mái chồng diêm. Hai bên cổng phụ có kiến trúc không gian tương tự nhưng chỉ có một tầng mái. Điểm đặc biệt của ngũ vân môn này khác với hầu hết các kiến trúc ngũ môn của các di tích khác là giữa kiến trúc ba cổng tam quan và hai cổng phụ hai bên lại còn có thêm hai cổng giả. Hình thức cổng giả này được tạo sát với các trụ của cổng chính tam quan và có chồng diêm hai tầng mái nhưng được xử lý theo lối mái giả, trụ giả ốp tường. Chính hình thức nửa kết cấu, nửa trang trí này đã tạo nên một nhịp điệu tầng tầng, lớp lớp, cao cao, thấp thấp, trùng trùng, điệp điệp cho kiến trúc Ngũ môn quan. Ngoài ra, để tạo nên sự thông thóang giữa bên trong và bên ngoài cũng như trang trí cho hệ thống cổng này, người ta thiết lập các bức tường hoa chanh, dấu thập và các cuộn hoa văn con triện ở lan can phía trên cổng vòm. Trên các đầu trụ cổng người ta đắp ngõa phượng, nghê hoặc các trụ đấu vuông trang trí, tạo nên những nhịp điệu thú vị. Có thể nói, bên cạnh việc kiến tạo nên không gian kiến trúc cảnh quan của Phủ Vân Cát, Ngũ Vân môn này còn là biểu tượng tôn vinh cho xuất thân của đức Thánh Mẫu chốn thiên đình.

Qua một khoảng sân rộng, kiến trúc trung tâm Phủ Vân Cát là 4 tòa điện phủ san sát nhau. Cung đệ nhất và cung đệ nhị đều là kiến trúc ba gian, được tôn tạo và mở rộng từ đời Tự Đức năm Kỷ Mão (1879). Cả hai cung này đều bị giặc Pháp ném bom phá hủy. Năm 1959 dân làng xây dựng lại cung đệ nhất, còn cung đệ nhị mới được tôn tạo lại năm 1992. Cung đệ tam và đệ tứ là các công trình còn khá nguyên vẹn kiến trúc của thời Tự Đức. Đây cũng có thể xem là kiến trúc nhân lõi của phủ Vân Cát.

Các cung tòa này được dựng theo hình thức tòa nối tòa, mái nối mái khiến cho 4 cung: Đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, tạo thành một không gian nội thất thống nhất từ trong ra ngoài. Trong thuật ngữ kiến trúc hình thức nối mái này được gọi là lối “trùng thiềm điệp ốc” tiếp thu từ nghệ thuật kiến trúc nhà Nguyễn. Tuy nhiên, đứng về mặt kết cấu mà nói, lối nhà nối nhà, mái nối mái của Phủ Vân Cát, không hoàn tòan tuân thủ hình thức kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc”. Các vì kèo không sử dụng thức vì kèo mai cua giữa hai nếp nhà, mà chỉ đơn giản là hai tòa kiến trúc độc lập theo lối Bắc Bộ được xây sát với nhau. Điểm tiếp giáp của các bộ mái người ta thiết kế một hệ ống máng hứng phía dưới và thóat nước ra hai đầu hồi. Các hàng cột quân của một tòa cũng được lược bỏ đi, thay vào đó là các thanh xà gác hệ cột trốn để tạo nên không gian thóang đãng hơn ở vị trí tiếp giáp giữa các cung. Điều này cũng tạo nên một không gian liền mạch trong nội thất, mặc dù ngoại thất và hệ mái được nhìn từ trên xuống vẫn là 4 tòa. Về hệ mái và tường vây thì cung đệ tứ là thức kiến trúc năm gian hai chái, còn từ cung đệ tam đến cung đệ nhất chủ yếu theo lối thức tường hồi bít đốc, nên việc kiến tạo hệ thống máng thoát nước giữa các tòa cũng không quá khó khăn. Như vậy lối kiến trúc nhà nối nhà này cũng có thể xem là kiểu thức “trùng thiềm điệp ốc” Bắc bộ. Chúng chịu ảnh hưởng của kiến trúc Nguyễn, nhưng không rập khuôn hoàn toàn, mà phát huy kết cấu đó để tạo nên một hình thức mới có tính dung hòa mà vẫn giữ được dáng nét của kiến trúc Bắc bộ. Trường hợp vận dụng thức “trùng thiềm điệp ốc” này cũng từng có tiền lệ một số công trình kiến trúc Bắc Bộ, sau khi trùng tu và cải tạo vào thời Nguyễn như chùa Kim Liên (Hồ Tây, Hà Nội), Đình Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Điều đáng lưu ý nhất đối với tổng thể kiến trúc của phủ Vân Cát đó là ngoài hình thức “trùng thiềm điệp ốc” kể trên, công trình vẫn có một hệ thống hành lang bao quanh giống như lối kiến trúc “nội công ngoại quốc” thường gặp ở các di tích kiến trúc chùa Việt ở Bắc Bộ. Do đó, kiến trúc phủ Vân Cát có thể xem là một hình thức kiến trúc đặc sắc mang đậm dấu ấn của kiến trúc truyền thống kiến trúc Bắc Bộ, nhưng được thiết kế xây dựng phù hợp với quan niệm điện phủ thờ Mẫu lối “tam tòa tứ cung”. Cũng bởi lối kiến trúc này mà một số nhà nghiên cứu đã định danh kiểu thức kiến trúc này bằng một thuật ngữ có tính ghép nối là: “trùng thiềm, ngoại quốc”. Và cũng bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiểu thức kiến trúc truyền thống “nội công ngoại quốc” + “trùng thiềm điệp ốc” thành một dạng kiến trúc có tính chiết trung, dung hoà, nên cả không gian nội thất và ngoại thất của Phủ Vân Cát vừa có được vẻ bề thế truyền thống Bắc Bộ mà vẫn đạt được tính chất giản lược thóang đãng tiện dụng theo lối thức của các công trình triều Nguyễn.

Trong số các cung phủ kể trên thì cung đệ tứ là công trình đáng lưu ý nhất. Nó được dựng theo lối chồng diêm hai tầng tám mái với phần cổ diêm khá cao. Về hình thái kiến trúc bên ngoài với hệ thống đầu đao của hai tầng mái uốn cong bề thế dường như tạo nên một sự ăn nhập với kiến trúc tòa phương du phía bên ngoài và cổng Ngũ Vân môn ở giữa. Chưa kể đến, tiếp nối hai công trình này là hai lầu cô, lầu cậu được dựng sát hai bên trái và phải của cung Đệ tứ cũng theo phương thức chồng diêm tám mái như điệp lại thức kiến trúc tàu đao mái lá này một cách có chủ ý để tạo nên một tổng thể thống nhất. Bên cạnh đó, các mô típ rồng phượng đắp trên gờ nóc mái cũng tạo ra một điểm nhấn thú vị. Hai đầu kìm của bờ nóc là hai đầu rồng lớn, nhưng trọng tâm của kiểu thức trang trí nóc mái này lại là hình tượng hai con phượng chầu vào mặt trời ở chính giữa được một con hổ phù đội. Những con vật linh này không chỉ đơn giản là mô típ trang trí đơn thuần làm đẹp cho công trình kiến trúc mà chúng còn chứa đựng ở đó hàm nghĩa biểu tượng. Cũng giống như hệ thống kiến trúc Ngũ Vân Môn nhằm tôn vinh xuất thân của đức Thánh Mẫu chốn cung đình, thì biểu tượng đôi phượng – cũng hàm chứa ngữ nghĩa đó. Phượng vốn là biểu tượng tượng trưng cho nữ và cũng là biểu tượng đặc sắc cho các hoàng hậu, công chúa dưới thời kỳ phong kiến. Vậy nên, sự hiện diện của lối trang trí này ở đây cũng là một cách nhấn mạnh đến vị thế của điện phủ nơi giáng sinh lần thứ hai của công chúa Liễu Hạnh để trở thành mẫu nghi thiên hạ của dân gian.

Về hình thức kết cấu bộ khung gỗ của cung đệ tứ này cũng khá đặc biệt. Mặc dầu niên đại xây dựng là khá muộn, nhưng rõ ràng, hệ thống vì kèo quá giang ở đây đã cho thấy sự tiếp thu kiến trúc Nguyễn vào việc thiết kế kiến trúc vì kèo Bắc bộ. Hệ thống xà thượng và xà hạ trở thành hệ thống kết nối chính của các bộ vì. Hệ thống cột trốn đặt trên các đế chạm khắc hình hoa sen gác trên các thanh xà ngang, để nâng toàn bộ kiến trúc của kết cấu chồng diêm khiến cho không gian nội thất bên cung đệ tứ là khá cao. Về nghệ thuật trang trí kiến trúc, tòa cung đệ tứ này rất phong phú về đề tài và cũng phản ánh sự kết hợp nhuần nhị kể trên. Ngoài các cốn nóc chạm hình hổ phù rất đặc trưng cho phong cách mỹ thuật thời Nguyễn thì các mảng chạm khắc khác lại ít nhiều gần với lối chạm khắc đình làng như: Hoa sen, lá cúc, lá lật, nghê hí cầu… Trên một số bẩy hiên, các đề tài như mai trúc, hỉ tước, cuốn thư, bát bửu cũng được chạm khắc khá dày đặc. Tất cả như thêm vào giá trị của công trình một nét thẩm mỹ tinh tế. Cùng với hệ thống các chạm khắc trang trí gắn liền với kiến trúc của Phủ Vân Cát thì hệ thống hoành phi câu đối ở đây cũng khiến cho không gian nội thất của điện phủ trở nên đẹp đẽ khang trang. Hoành phi câu đối sớm nhất ở đây là năm Thành Thái thứ 11 (1899) và muộn nhất là năm Ất Hợi, niên hiệu Bảo Đại 1939. Các bức hoành phi câu đối này góp phần nhấn mạnh Vân Cát vốn là nơi nhà cũ, quê cũ của Thánh Mẫu, nơi sinh thành và đồng thời cũng ca ngợi công đức của Tiên chúa. [6]

Quần thể di tích kiến trúc của Phủ Vân Cát

Có thể thấy rằng trong nghệ thuật kiến trúc truyền thống Việt, kiến trúc Phủ Vân Cát đã đóng góp một nét đặc sắc riêng biệt. Tổng thể công trình này từ trong ra ngoài, từ thiết kế cảnh quan không gian đến từng chi tiết của nghệ thuật trang trí kiến trúc, dường như đã ghi nhận ở đó những dấu ấn quan trọng của các giai đoạn lịch sử. Thậm chí những ý niệm về việc tạo lập nên nhưng mô típ trang trí nhằm tôn vinh, ca ngợi một thần tích đẹp đẽ về nơi giáng trần lần thứ hai của công chúa Liễu Hạnh, cũng được chú trọng. Với qui mô bề thế bậc nhất vùng đất Kẻ Dày xưa, Phủ Vân Cát ngày nay vẫn có thể xem là công trình kiến trúc còn lưu lại nhiều nhất những dấu ấn kiến trúc cổ xưa trong hệ thống các công trình kiến trúc thờ mẫu nơi đây.

PGS.TS. Trang Thanh Hiền
Ảnh trong bài: KTS Hoàng Anh Đức
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 6-2024)


Tài liệu tham khảo chính:
1. Bảo tàng tỉnh Nam Định (2022) – “Báo cáo kết quả khảo sát nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tự tại di tích Phủ Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định”;

2. Ban quản lý di tích và danh thắng (2018) – “Báo cáo kết quả khảo sát , nghiên cứu tên gọi các di tích thuộc quần thể di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định”;
3. Trang Thanh Hiền – “Độc đáo pho tượng Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Nấp” – Báo Tiền Phong 11/2009;
4. Ngô Đức Thịnh chủ biên (1996) – “Đạo mẫu ở Việt Nam” – NXB Văn hóa Thông tin;
5. Nguyễn Đạt Thức (2020) – “Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dầy qua tư liệu Hán Nôm” – Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam;
6. “Phủ Quảng Cung trong hệ thống đạo Mẫu Việt Nam (2010) – Kỷ yếu hội thảo, NXB Tôn giáo;
7. Nguyễn Thị Yên (2002) – “Phủ Bóng – Nguyệt Du Cung trong mối liên hệ với tín ngưỡng thờ cây, thờ trăng và thờ Bà Cô Tổ ở Phủ Dầy” – Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa. Tr.3-1;
8. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nam Định – Viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (2019) – “Tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt qua tư liệu Hán Nôm” – NXB Thế giới.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/LFAeUHB
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét