Dẫn nhập
Những di tích về vườn cảnh của Nhật Bản có thể tìm thấy được ở dưới thời Asuka (592-710), Nara (710-794). Nhưng dưới thời kỳ này chỉ có một số đá xếp, lăng mộ hoặc hồ, một khu vườn đúng nghĩa vẫn chưa thực sự được hình thành. Công trình được coi là quan trọng bậc nhất mà còn nguyên vẹn về hình ảnh vườn Nhật Bản có thể kể đến vào thời Heian (794-1185) là Byodoin – Bình Đẳng viện.
Khiển Đường sứ của Nhật Bản trở về từ Trung Quốc mang theo những thông tin về khu vườn Thái Dịch trì (còn gọi là Bồng Lai trì) ở Đại Minh Cung cũng được mang trở về, đây là một bước khởi đầu cho những thay đổi của vườn cảnh Nhật Bản. Tư tưởng Bồng Lai thần tiên, tư tưởng Phật giáo được truyền từ Trung Quốc vào Nhật Bản. Nó đã mang lại hẳn một hệ thống tư tưởng mang tính quyết định trong việc xây dựng và kiến tạo các công trình kiến trúc và cảnh quan. Các quy phạm trong cách xây dựng vườn thời Đường, các phương thức thưởng thức đá cảnh tự nhiên, hồ, đảo của Nhật Bản dần dần bước vào sự thay đổi.
Thời kỳ Asuka và Nara là giai đoạn mô phỏng. Bắt đầu thời kỳ Heian với motif đảo ở trong hồ, dần dần chuyển đổi sang hướng trái phải không đối xứng, tạo hình đường cong, bố cục tự do. Cùng với sự phát triển của các lối kiến trúc mang phong cách Tẩm điện tạo và vườn cảnh theo hình thức Tịnh độ được phát triển. Thời kỳ đầu Heian, văn hóa quý tộc là trung tâm của xã hội, quý tộc lấy tẩm điện làm không gian trung tâm, xây dựng các kiến trúc, vườn ở xung quanh, cùng với hình thức này là việc được phát triển phổ cập xây dựng vườn ở trong không gian sống của các quý tộc. Về sau những khu vườn được gắn với loại hình kiến trúc này được gọi là tẩm điện thức tạo viên.
Đến thời trung hậu kỳ của Heian, chịu tác động của tư tưởng Tịnh độ, con người hướng tới thế giới tinh thần là cõi Cực Lạc ở Tây phương. Con người mong muốn kiến tạo cảnh tượng Tịnh Độ ở nhân gian. Kiến trúc tôn giáo và vườn cảnh dần dần kết hợp với nhau tạo thành một không gian vườn mang ý nghĩa quan trọng – Vườn cảnh Tịnh Độ.
Bình Đẳng viện – Bối cảnh xây dựng
Bình Đẳng Viện nằm ở bên ngoài TP Kyoto, gần sông Uji. Ban đầu là biệt thự của quý tộc thời Heian, Do con trai thứ 12 của thiên hoàng Saga là Minamoto no Toru (822-895) kiến tạo. Vào năm 998, nơi đây trở thành biệt thự của Nhiếp chính vương Fujiwara no Michinaga (966-1028) lấy tên là Điện Uji. Ông quy y Phật giáo, pháp hiệu Hành Quán, tu hành ở đây cho đến khi qua đời. Tới năm 1052, con trai của ông là Fujiwara no Yorimichi (992-1074) biến nhà thành chùa, đổi tên Điện Uji thành Bình Đẳng viện.
Bình Đẳng viện – Mang hàm ý mọi chúng sinh đều bình đẳng. Ngoài ra lấy Ánh sáng để biểu đạt sự bình đẳng của Phật, Bình Đẳng viện còn gọi là chùa Ánh sáng (Vô Lượng Quang). Bình Đẳng viện xây dựng A Di Đà đường (Phượng Hoàng đường) tiến hành pháp hội khánh thành vào năm 1053. Bình Đẳng viện là một đại diện tiêu biểu nhất của Vườn cảnh Tịnh Độ còn được bảo tồn một cách nguyên vẹn cho đến ngày nay. Chùa và không gian của nó thoả mãn cho những khát vọng cho sự tuyệt vọng của giới quý tộc bấy giờ. Tín ngưỡng Tịnh Độ được phát triển, chính do những ảnh hưởng từ xã hội, những nỗ lực kiến tạo một thế giới Tịnh Độ của Phật A Di Đà dưới trần gian. Thông qua những không gian trong đời sống hiện thực nhưng cũng giúp con người có thể đạt được sự vãng sinh vào thế giới Tịnh Độ ở ngay hiện tại.
Tư tưởng kiến tạo: Thời kỳ Mạt pháp
Sau khi Phật nhập Niết Bàn, Phật giáo cũng tùy theo năm tháng mà suy vi, con người dù có cố gắng thế nào cũng rất khó có thể đạt được trạng thái giác ngộ. Tương truyền Phật giáo sau khi trải qua năm trăm năm chính pháp, một ngàn năm tượng pháp đến thời điểm này (1052) thế giới sẽ đón đợi thời điểm bước vào giai đoạn Mạt pháp. 1052 khi đất nước dần dần ổn định dưới sự quản lý của dòng họ Fujiwara, nhưng sự bình an của đời sống vật chất trở nên chắc chắn thì đời sống tinh thần của con người lại đi theo hướng hoàn tòan ngược lại. Tư tưởng Mạt pháp trong Phật giáo lan tràn khắp cả đất nước.
Một số trận dịch bệnh lớn diễn ra trong thời kỳ này càng làm người ta tăng thêm độ tin tưởng vào những câu chuyện Mạt pháp. Sự bất an và yếm thế vì không thể thay đổi được trong thực tại làm người ta hướng tới sự mong cầu giải thóat ở thế giới tương lai. Mạt pháp và sự sợ hãi đó đã làm cho các quý tộc cố gắng kiến tạo Phật đường, đọc tụng các kinh điển Tịnh Độ như Quán vô lượng thọ kinh. Quán Vô lượng thọ kinh có nói “Nếu muốn tới cõi Tây phương, nên xem tượng Phật Vô Lượng Thọ cao một trượng sáu trong hồ nước”. Phượng Hoàng đường và các vườn Tịnh Độ cùng thời đương nhiên cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng này mà xây dựng, để thờ phụng giáo chủ cõi Cực Lạc Tây phương Cực là Phật A Di Đà. Việc kiến tạo chùa chiền là phương thức cố gắng mua một vé vào cánh cửa Tịnh Độ của Phật để tránh thời kỳ Mạt pháp. Sự kiến tạo của Bình Đẳng viện chính là sự thể hiện của những khát vọng thông qua kiến tạo thế giới hiện thực để thực hiện khả năng vãng sinh về thế giới Cực Lạc.
Ý cảnh không gian: “Bè lau một chiếc qua sông”
Bình Đẳng viện ở thời kỳ Heian chiếm diện tích gấp 7 lần hiện tại, đại bộ phận đã bị huỷ họai, trong đó chỉ có duy nhất A Di Đà đường và Viên trì được bảo tồn một cách nguyên vẹn cho tới hôm nay. Hội giáo dục TP Uji từ năm 1990 trở đi trong vòng mười năm đã tiến hành khai quật và nghiên cứu Viên trì, cố gắng làm rõ những vấn đề ở đây. Có thể thấy rằng Bình Đẳng viện viên trì (được xây dựng theo hình chữ A) và A Di Đà đường đã từng tiến hành điều chỉnh qua nhiều lần. A Di Đà đường là trung tâm của công trình. Đối diện A Di Đà đường được lát đá nhỏ, liên kết với bờ sông Uji, giai đoạn đầu kiến tạo có thể xem như được phỏng đoán là như thế. Phù Tang lược ký năm Khang Bình thứ 4 (1061) từng ghi chép tán thán Bình Đẳng viện rằng “Đá nước u uẩn mà kỳ lạ, phong lưu kỳ tuyệt” còn viết thêm “Phía trước một cành lau vượt sông, tựa như dẫn người qua bỉ ngạn” ghi chép đó có thể xem như một minh chứng việc công trình lấy sông Uji làm mốc, phía Tây là tòa Bình Đẳng viện làm Bỉ ngạn (thế giới của Tịnh Độ) phía Đông làm Thử ngạn (thế giới của đời sống hiện thực)
Căn cứ vào kết quả điều tra, Bình Đẳng viện hiện nay được phục hồi theo nguyên trạng của giai đoạn ban đầu. Sau lần đại trùng tu vào năm 2014 thì Bình Đẳng viện gần như đã quay trở về với trạng thái nguyên trạng của thời kỳ Heian. Cả tòa kiến trúc dựa trên kết cấu tư tưởng tượng trưng của Hoàng kim trì và trung tâm đảo có xây dựng A Di Đà Phật đường ngụ ý thế giới Tịnh Độ Cực Lạc. Thông qua cầu từ phía Đông hướng vào Phật đường ở phía tây để biểu đạt một sự hướng tới thế giới cực lạc. Tạo viên sư đã sắp xếp một ngọn thạch đăng độc lập đứng ở phía trước Phượng Hoàng đường. Trung tâm đảo và phía bờ sử dụng đá cuội lớn, bất luận là về mặt thị giác hay là cảm giác đều làm giảm đi giới hạn của hồ và đảo, làm cho đảo tựa như được bay trên nước. Một đặc điểm chung của vườn chùa hay vườn trong không gian quý tộc (Tẩm điện tạo) đều có chung một đặc điểm là chúng sở hữu một diện tích mặt nước tương đối lớn. Vườn cảnh có diện tích rộng và lấy nước tự nhiên, hồ tự nhiên làm trung tâm. Đồng thời người thiết kế cũng dùng hai cây cầu để nối liền hai không gian hai bờ. Hai bờ dùng để biểu đạt sự khác biệt về mặt thế giới cách biệt của hai bên.
Không gian và hình thái
Cao độ của Phượng Hoàng đường dài 13.5m, sâu 35m, Nam Bắc dài 47m. Khu biệt với một số chùa thông thường thì điện đường toạ Bắc triều Nam, Phượng Hoàng đường là toạ Tây hướng Đông, điện đường gần với sông Uji. Vào năm 1994 Phượng Hoàng đường được công nhận là di sản văn hóa thế giới, được coi là quốc bảo của Nhật Bản. Phượng Hoàng đường không những phản ánh sự tinh mỹ của nghệ thuật tôn giáo kiến trúc Nhật Bản, không gian, hoàn cảnh bên ngoài cũng là một trong những kiến trúc được bảo tồn nguyên vẹn hiếm hoi trong khu vực Á Đông. Phượng Hoàng đường có thể nói là tập trung hội họa, kiến trúc, công nghệ và điêu khắc vào làm một. Các hiện vật như Vân trung bồ tát cúng dường tượng, Phượng hoàng Kim đồng tượng, Chuông đồng cùng bích họa, đều là những bảo vật quốc gia quan trọng của Bình Đẳng viện. Đồng 10 xu của Nhật Bản in hình chính là hình ảnh của Phượng Hoàng đường, ngoài ra trên đồng 10000 cũng lấy hình ảnh từ đồ án Phượng trên đỉnh của công trình kiến trúc hiện nay. Một biểu tượng cho hình ảnh Phật giáo cũng như tinh thần dân tộc của nước Nhật.
Phượng Hoàng Đường là một kiến trúc điển hình về “Một điện hai đường” không chỉ là mặt phẳng có kết cấu 3 đoạn, mà do chủ điện và trái phải hai tầng hồi lang tổ hợp thành. Mặt đứng cũng có cấu trúc ba đoạn, chủ điện và các tầng. Mái đỉnh là kết cấu yết sơn, hông diềm các bộ phận giữa được phân tách, nâng cao, tạo hình cố gắng đạt tới tam trùng diềm. Chủ điện hai bên là lan can hai tầng quanh co, sơn tường đối với phía bên ngoài. Tầng đáy của hồi lang có trục nâng cao, bên trái phải hồi lang bốn góc giác lầu, hình thành ba đoạn mặt phẳng. Hình thái của Phượng Hoàng đường rất gần với các hình tượng của chùa trong các bích họa của Đôn Hoàng, tầng đáy kiến trúc như trong miêu tả biến kinh Vô lượng thọ thời sơ Đường ở động 205. Một điện hai đường hình chế thì như biến kinh Di Đà ở động 225, biến kinh Vô lượng thọ ở động 217. Kết cấu của công trình lấy chủ điện làm phần thực và hai bên hồi lang làm phần hư, cấu thành một sự chuyển biến giữa không gian đen và trắng. Nền đài chắc chắn, ổn định, mà mái thì bay bổng, làm cho Phượng Hoàng đường vừa chắc chắn trang nghiêm mà vẫn đầy lãng mạn.
Kết ngữ
Hình dáng bên ngoài của Phượng Hoàng đường cùng với không gian cảnh quan khác biệt rất lớn với các Phật điện thông thường. Phượng Hoàng đường được đặt ở trong một hòn đảo nhỏ trong mặt hồ nước tượng trưng cho Thất bảo liên trì vây quanh, nền đài cùng với nước có lót đá cuội làm bờ dốc để chạm vào nước. Phía bắc của đảo có hai cây cầu nối vào hai bờ. Đoạn cong của hồ nước cấu thành tiền cảnh của kiến trúc, tách cự ly với người xem, đồng thời cũng tạo sự mở rộng không gian của điện xuống mặt hồ. Kiến trúc đạt được một trạng thái vừa gần vừa xa, vừa dễ chạm tới lại vừa không thể chạm tới.
Trong quá khứ, những khi sông Uji có nước dâng lên thì nước sông có thể đến phần nền của công trình, cả Phượng Hoàng đường dường như được đặt luôn vào một không gian mênh mông, một Phật quốc trang nghiêm thóat khỏi thế giới phàm trần, dẫn người ta bước sang một thế giới khác. Phượng hoàng đường đẹp không phải chỉ ở kiến trúc, mà còn ở việc kiến tạo một cảnh quan Tịnh Độ, kiến trúc như một nốt trầm lặng trên mặt hồ nước, làm cho kiến trúc trở nên thăng hoa, lý tưởng về một thế giới Tây phương Cực Lạc cũng được con người phô bầy một cách trọn vẹn trên mặt đất.
Nguyễn Sử
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7-2024)
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/BqrDOcR
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét