Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

Gìn giữ và phát huy giá trị kiến trúc nhà sàn tại xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi phía Bắc, nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 180 km đi dọc theo QL3, giáp ranh tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng và Lạng Sơn. Là mảnh đất sinh sống và hội tụ 07 dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Hoa, Sán Chay và dân tộc Kinh, với địa hình sông núi, cánh đồng bản làng hòa mình vào nhau như một bức tranh thiên nhiên yên bình.

Những nóc nhà sàn quay quần bên nhau phản ánh đúng tính gắn kết họ tộc

Bắc Kạn có hệ động thực vật phong phú nằm trong vườn quốc gia Ba Bể được hình thành cuối kỷ Cambri (cách đây hơn 200 triệu năm), có hồ Ba Bể rộng 500 ha, chiều dài 8km, sâu đến 35m được bình chọn một trong các hồ nước ngọt tự nhiên trên cao lớn của thế giới, năm 2004 vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là di sản thiên nhiên của ASEAN. Bên cạnh đó là các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số, nổi bật và dễ nhận diện hơn cả là nhà sàn dân tộc Tày, Nùng.

Làng nhà sàn truyền thống tại xã Hoàng Trĩ cách trung tâm huyện Ba Bể khoảng 16km, nằm độc lập ở 01 thung lũng có núi cao bao quanh. Với 01 lối vào duy nhất từ đường liên xã Quảng Khê- Nam Mẫu, du khách đi qua con đường dốc quanh co lên đến đỉnh cao nhất là eo của 02 mỏm núi đá, toàn bộ làng bản nhà sàn cùng ruộng bậc thang trập trùng trong mây hiện ra được tô điểm bằng rải thác Tát Mạ trắng xóa đổ ra từ lưng chừng núi.

Hiện có khoảng hơn 200 nếp nhà sàn còn khá nguyên bản nằm ở 06 thôn bản: Nà Cọ, Nà Lườn, Nà Slải, Coọc Mu, Nà Diểu, Duống. Được thiên nhiên ưu đãi cho các điều kiện để phát triển du lịch, bên cạnh các nét văn hóa đặc trưng trong đời sống, phong tục tập quán, làng bản nhà người Tày, Nùng, Dao là thác Tát Mạ có chiều cao trên 40 m nước chảy quanh năm, có dòng suối Tàng Na, Bản Duống bao quanh hiền hòa. Mới đây, hang động Thẳm Phầy đã chính thức được Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh khảo sát và ghi nhận là “Sơn Đoòng” giữa lòng Ba Bể theo ước tính dài trên 5km.

Tháng 04/2021, tỉnh Bắc Kạn đã được đầu tư và khởi công tuyến đường cao tốc từ thành phố Bắc Kạn lên đến khu du lịch hồ Ba Bể với chiều dài 39 km, tốc độ lưu thông cho phép 80km/h (đường cũ hiện này 70km), triển vọng thu hút lượng khách lớn sau khi hoàn thành tuyến đường chính và các đường phụ trợ, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế cho tỉnh nói chung và khu du lịch Ba Bể nói riêng.

Chúng ta đã có những bài học từ sự phát triển “nóng” như Tam Đảo, Sapa… có những thứ mất đi không thể lấy lại được, nên với vùng đất còn đang ”ngủ yên” như các xã bao quanh khu du lịch hồ Ba Bể trong đó có xã Hoàng Trĩ rất cần có sự quan tâm và vào cuộc khẩn trương của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư, tổ chức và cá nhân liên quan.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “ Văn hóa là kiến trúc thượng tầng, những cơ sở hạ tầng có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được. Có thực mới vực được đạo, xã hội thế nào thì văn hóa thế ấy. Nhưng mặt khác, đến lượt mình văn hóa là động lực phát triển xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Vậy nên, nghĩ và làm về văn hóa là liên tục kế thừa và phát huy các giá trị đã có, bảo tồn và thích nghi có chọn lọc để kết nối cho các thế hệ mai sau.

Giá trị nghệ thuật kiến trúc cảnh quan

Ngược dòng lịch sử, khi quan hệ con người ở vùng cao còn bó hẹp trong phạm vi làng bản, thì mọi sinh hoạt gia đình, giao tiếp cộng đồng cùng những mối liên hệ của con người với thế giới tự nhiên chủ yếu diễn ra trong ngôi nhà sàn. Các thành viên sử dụng chung các chức năng, quây quần bên bếp lửa bàn bạc mọi việc trong gia đình, bên cạnh đó cũng tổ chức các hoạt động văn hóa như: Cưới, ma chay, hát lượn, hát cọi, làm then, làm pụt… Qua đó, tính gắn kết cộng đồng luôn được duy trì. Việc tổ chức không gian, các chức năng từ bàn thờ gia tiên, tiếp khách, khu nấu nướng, nghỉ bên nam, bên nữ, nghỉ cho khách… đều rõ ràng có tầng bậc trong đời sống dân tộc Tày, Nùng.

Quang cảnh xã Hoàng Trĩ nhìn từ trên cao

Tận dụng tất cả vật liệu sẵn có nơi cư trú, tổ tiên người Tày, người Nùng nơi đây đã dựng lên hệ khung, cột, kèo, đòn tay, ván bưng, ván rải, cửa sổ, cửa đi, rải sàn, thùng đựng thóc, giá phơi gác bếp, sàn phơi, chạn bát… đều bằng gỗ, tre, nứa, lá cọ, đá suối. Để tránh thú dữ, tránh mưa từ rừng tràn xuống, toàn bộ sinh hoạt con người đều diễn ra tầng 02, còn không gian tầng 01 bố trí vật nuôi gia súc gia cầm, để các vật dụng sản xuất. Trải qua thời gian, nhận thức được vấn đề an toàn thực phẩm, thẩm mỹ thì các chức năng như chuồng trâu, bò, lợn, gà, vịt đã được tách riêng để trong khuôn viên từng gia đình.

Nhà sàn người Tày, người Nùng xã Hoàng Trĩ hòa mình, ẩn hiện trong thiên nhiên, các cụ thời xưa đã biết chọn thế đất cao, thuận tiện cho sinh sống nhất là gần khe suối, dựa lưng vào đồi núi, có vườn, có ruộng, ao. Các thôn ở tập trung thành cụm để đùm bọc giúp đỡ nhau trong đời sống hàng ngày, thôn ít hiện hơn 20 nóc nhà, thôn nhiều trên 50 nóc nhà. Khoảng cách các hộ gia đình đã xây dựng lâu thường chỉ cách nhau khoảng vườn nhỏ, hàng rào và ngõ. Đối với các hộ mới xây dựng khoảng 15 năm trở lại đây đã tách riêng khu đất mới để tiện cho kinh doanh và sản xuất, thường lùi sâu để ưu tiên sân rộng, có nhà có ô tô riêng, có xe tải, máy xúc để kinh doanh.

Hang động mới khám phá Thẳm Phầy (ảnh nguồn internet)

Thực trạng làng nhà sàn tại xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể

Kết cấu cơ bản nhà sàn người Tày, người Nùng

Kiến trúc nhà sàn nơi đây chủ yếu theo thiết kế truyền thống 16,24,32, 36 và 42 cột, đại đa số có 01 hàng hiên và lan can chạy trước nhà, kết hợp sàn phơi thóc lúa, cột, xà, xuyên khai thác gỗ tại địa phương như:

Nghiến, lim, kháo, dổi, xả bốc… mái lợp chủ yếu ngói âm dương, có nhà lợp sang tấm lợp fibrô, lợp tôn.

Đối với các không gian vật nuôi, bà con đã bố trí chuồng trại ra xa nơi ở (xa xưa buộc, nhốt dưới gầm nhà sàn).

Do thực tế sử dụng để tiện sinh hoạt, hầu hết các gia đình đã xây thêm khu phụ độc lập, gồm: Nhà wc, téc dự trữ nước, bếp, kho…

Sàn nhà chủ yếu gỗ xẻ ghép, vẫn còn một số sử dụng sàn bằng cây mai, tre già để dải. Xuất hiện lai tạp cấy ghép sàn bê tông, cột bê tông.

Hàng rào được bà con sử dụng đa dạng, trồng hàng cây, rào đan tre nứa, xây gạch xi măng cát, thép gai, lưới sắt mắt cáo, xây tường đặc lăn sơn.

Đây là mẫu nhà còn nguyên bản theo lối xưa ở Bắc kạn

Xu hướng biến đổi

Hiện tại, với quỹ đất tự nhiên có hạn mức, hầu hết các hộ gia đình trong các thôn đều không thuận lợi cho việc cơi nới, xây dựng mới trong khuôn viên theo nhu cầu tách khẩu. Đặc biệt nhu cầu trong tương lai gần như: Dịch vụ lưu trú, mua sắm thêm xe máy, ô tô cá nhân, kho, kiot bán hàng…

Thôn Nà Slải, xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn
Xuất hiện một số công trình xây kiểu kiên cố bê tông cốt thép, màu sắc chưa hòa nhập cảnh quan chung.

Nguyên nhân nhà sàn đang bị mai một:

  • Tình trạng khan hiếm gỗ đạt tiêu chuẩn để dựng nhà sàn, tất cả cây gỗ lâu năm đã được Kiểm lâm quản lý không cho khai thác;
  • Chi phí hoàn thiện nhà sàn hiện cao so với nhà xây thông thường, bên cạnh đó theo người dân thì khi có việc đi xa thì nhà xây an toàn hơn trong việc bảo quản đồ đạc gia đình, bền hơn.
  • Đặc biệt tâm lý muốn thay đổi cố gắng cho bằng nhà hàng xóm, nhà người xuôi (02 xã khó khăn nhất của huyện Ba Bể là Cao Tân và Cổ Linh hiện cũng xây nhà xây ồ ạt).

Bên cạnh đó các thôn trong xã chưa có bãi tập kết rác thải xây dựng, xử lý rác thải sinh hoạt gây mất mỹ quan, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và mạch nước ngầm là một vấn đề rất đáng quan tâm nhất là định hướng có thể thiên về phát triển du lịch cộng đồng.

Để phục vụ tốt hơn trong tương lai gần, rất cần có sự bổ sung các không gian chức năng công cộng như: Ghế đá, cột đèn, thùng đựng rác, điểm nhấn không gian ( vườn hoa, tượng…) phù hợp với nhu cầu sử dụng đồng bào và du khách đến với khu du lịch Ba Bể ghé thăm.

Xuất hiện một số công trình xây kiểu kiên cố bê tông cốt thép, màu sắc chưa hòa nhập cảnh quan chung.
Một số dịch vụ xuất hiện đáp ứng nhu cầu, xong chưa có định hướng chung về hình thức kiến trúc, khoảng lùi, biển hiệu…

Phương án và giải pháp bảo tồn

a/ Không gian quy hoạch

Hiện tại đường đi nội bộ 06 thôn đã được đầu tư xây mới cơ bản theo chương trình nông thôn mới (Nhà nước hỗ trợ nguồn vật liệu, nhân dân góp công sức xây dựng), chiều rộng tùy theo địa hình thực tế nhưng hầu hết xe dưới 14 chỗ có thể lưu thông. Để đảm bảo phát triển du lịch theo hướng cộng đồng, đề xuất cấm xe trên 07 chỗ đi vào xã, các thôn, ưu tiên các phương tiện: Xe máy, xe điện, đi bộ trải nghiệm, có thể sử dụng đội ngũ xe ôm do bà con các thôn trong xã Hoàng Trĩ tự thực hiện nhằm tạo công ăn việc làm và có sự quản lý của chính quyền xã và thôn bản.

Đề xuất xây dựng cổng vào xã mang tính giá trị biểu trưng văn hóa du lịch riêng biệt chào đón du khách, nên mời các đơn vị thi tuyển hoặc có sự tham vấn của đơn vị có chuyên môn và lấy ý kiến rộng rãi người dân tất cả các thôn và đưa ra phương án chọn.

Đề xuất tìm quỹ đất công cộng hoặc mua lại của dân để quy hoạch làm bãi đổ thải xây dựng khi người dân cải tạo, xây mới nhà (nên chọn taluy âm, khi chất thải xây dựng đổ gần đầy thì đổ đất màu trồng cây hoặc vườn hoa).

Đề xuất xây các lò đốt rác tập trung, có thể đầu hoặc cuối các ngõ để tiện cho người dân xử lý rác.

Đề xuất xây mới Nhà cộng đồng, có thể là không gian đón tiếp chung, sử dụng mục đích chung của các thôn, từ trẻ em đến người già, du khách đều có thể tiếp cận sử dụng (nhà họp thôn hiện quy mô chỉ đáp ứng 01 thôn, thường xuyên khóa cửa, sân chung bé, chưa có kiến trúc mang nét bản địa). Thiết kế kèm theo đó là bản thông tin giới thiệu về lịch sử, tiềm năng thế mạnh của các thôn (cũng là nơi trao đổi mua bán hàng hóa giữa các thôn vì chợ chỉ theo phiên), bố trí khu wc nam nữ riêng biệt, kho, ổ điện cắm sạc điện thoại.. thuận tiện cho mọi đối tượng. Đây là không gian quan trọng để thường ngày bà con có thể sử dụng tránh mưa nắng, để xe máy dụng cụ khi đi đồng, đi rừng, bên cạnh đó có thể là nơi tổ chức giao lưu, tổ chức các hoạt động biểu diễn cộng đồng…Thông qua nơi đây có thể giới thiệu các nét văn hóa, các thông tin về xã hội qua hệ thống tivi, loa đài, mạng phát wifi treo trong công trình để phục vụ, lan tỏa người dân và du khách tốt hơn.

Do nhu cầu cần tăng diện tích sử dụng, đồng bào xây bổ sung không gian tầng 01

Bổ sung hệ thống đèn đường liên thôn, trong các thôn đồng bộ từ cột đèn, độ sáng, màu ánh sáng đảm bảo an ninh tốt hơn.

Thống kê các nhà sàn và đánh số thứ tự theo ký hiệu riêng từng thôn, ví dụ thôn Nà Cọ ký hiệu NC1, NC2… thôn Nà Lườn ký hiệu NL1, NL2..thôn Nà Slải ký hiệu NS1, NS2.. để tiện cho công tác quản lý điều hành chính quyền về lâu dài, đặc biệt liên quan hoạt động du lịch. Bắt buộc bố trí các bình cứu hỏa cả tầng 01 và tầng 02, tập huấn định kỳ cho các hộ gia đình.

Đề xuất làm các ghế nghỉ có mái che dùng vật liệu địa phương tại khu vực lân cận thác Tát Mạ, nhà wc, thùng rác công cộng tiện cho du khách và đảm bảo thẩm mỹ, môi trường.

Với các con suối quanh bản cần khơi thông, đắp bờ dâng nước phát cây cỏ dại, trồng các cây thực phẩm như rau dớn, rau rừng đồ, rau tàu bay, cây mon… rất cuốn hút du khách trong ẩm thực vùng cao. Có thể tận dụng địa hình xây dựng thí điểm vài cọn nước làm điểm nhấn cho quang cảnh xã.

Bổ sung biển chỉ dẫn, camera an ninh vào các thôn, khoảng cách, số điện thoại dân phòng, công an xã để nâng cao an ninh và ý thức người dân cũng như tạo sự an tâm cho du khách tham quan và lưu trú.

b/ Khuôn viên xây dựng nhà sàn

Hướng dẫn người dân trong xã khi xây dựng cần tham khảo ý kiến cán bộ địa chính xây dựng xã, các kĩ sư, KTS của phòng Kinh tế hạ tầng huyện hoặc Chi hội KTS địa phương hoặc trong trường hợp tự triển khai nên chú ý khu phụ như bếp, wc, kho bố trí phía hậu của ngôi nhà (hiện tại đại đa số người dân để ngay lối vào vừa mất mỹ quan, vừa ảnh hưởng sân, khoảng lùi khuôn viên).

Chú ý vị trí, độ rộng cổng chính để tận dụng hết ưu thế của khuôn viên, có khả năng phát sinh chức năng mới (kiot bán hàng) trong tương lai gần, khuyến khích làm trụ cổng và hàng rào dán sỏi suối tại địa phương.

Đối với các hộ gia đình đăng ký làm dịch vụ lưu trú homestay, hoặc cần tăng số phòng ngủ do tăng nhân khẩu có thể tham khảo cách thức như sau:

  • Có thể đục mộng lại để tăng chiều cao tầng 2, kê đá tảng hoặc xây trụ để tăng chiều cao tầng (thuận tiện cho ô tô dưới gầm hoặc làm phòng nghỉ lắp điều hòa).
  • Khi xây khu nghỉ mới cho khách nên không gây mất tầm nhìn nhà chính và đặc biệt không sử dụng cầu thang riêng (nét đặc trưng nhà sàn dân tộc Tày, Nùng là khách và chủ chỉ dùng 01 thang duy nhất).
  • Các hộ gia đình có khuôn viên có thể dẫn nước từ thác về theo máng nước cổ truyền trên cao và xây dựng bể tắm tại gia đình, tăng tiện ích cho du khách nghỉ.

c/ Giải pháp, phương án thi công và sử dụng vật liệu

Về thiết kế cải tạo, xây mới: Nên mở rộng, bổ sung các cửa sổ đón ánh sáng, đặc biệt bố trí ít nhất 01 hàng hiên có lan can tay vịn chạy nhìn về hướng thoáng có điểm nhìn tốt như cánh đồng, suối, núi rừng (phù hợp với bổ sung chức năng homestay).

Cột sử dụng cột tròn cổ truyền (cột tròn gắn liền với tuổi thơ có các trò chơi đuổi bắt, đu quanh cột rất gần gũi mộc mạc), cột gỗ tròn ưu điểm không bị mất thớ như cột sẻ nên khả năng chịu lực theo thời gian tốt hơn cột vuông. Sơn khuyến khích sử dụng sơn màu nâu cánh gián có khả năng chống mối mọt và chịu lửa đến 02 giờ đồng hồ.

Tận dụng nguyên vật liệu địa phương, gỗ có thể sử dụng cột gỗ mỡ già thay thế các cột yếu; đá hộc, sỏi suối xây tường ngăn, hàng rào. Đối với xây gạch đỏ có thể xây đến đâu miết lõm mạch gọn sạch đến đấy không trát để tạo sự mộc mạc gần gũi. Trường hợp xây tường gạch trát xong lăn sơn, nên chọn màu xanh lá cây hoặc nâu đất để không ảnh hưởng lớn đến quang cảnh chung của thôn.

Đối với các hộ có nhu cầu xây nhà sàn bê tông, linh động cho phép khung, dầm, cột đổ bê tông và lăn sơn. Các phần còn lại như sàn, ván bưng, của sổ, cửa đi dùng gỗ tự nhiên. Mái lợp cọ, ngói ta, ngói âm dương hoặc có thể tôn giả ngói (không dùng tôn phẳng và tấm fibrô).

Vận động người dân xây hàng rào bằng vật liệu tự nhiên, hoặc xây hàng rào cây xanh sát các hàng rào đã có, tạo sự đồng nhất và thẩm mỹ.

Lời kết

Bảo tồn văn hóa nói chung, kiến trúc nhà sàn nói riêng gắn với du lịch để phát huy các giá trị tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp nhận văn hóa bên ngoài du nhập có chọn lọc và hòa nhập xu thế phát triển chung thì cần gắn kết vai trò của cộng đồng, lấy người dân tại chỗ làm trọng tâm (mỗi dòng họ thường tập trung một bản, vai trò trưởng họ, trưởng bản rất quan trọng trong việc thông qua các ý kiến đóng góp) sự chủ động của các cấp chính quyền và đồng bộ của doanh nghiệp, cá nhân làm công tác du lịch. Phối hợp chặt chẽ các tổ chức trong và ngoài nước về công tác văn hóa du lịch, bảo tồn di sản danh lam thắng cảnh, nâng cao và đa dạng công tác truyền thông, quảng bá trên các trang báo chí, triển lãm, website về du lịch…

Bên cạnh đó cần đưa các ý kiến chuyên môn của các lĩnh vực như văn học nghệ thuật, nông nghiệp, giao thông, kiến trúc, xây dựng…vào cuộc để chung tay là yếu tố quyết định đến sự sống còn và bền vững lâu dài của bảo tồn kiến trúc nhà sàn thời kỳ mới của người dân tại xã Hoàng Trĩ nói riêng và của các xã, các huyện thuộc tỉnh Bắc Kạn nói chung.

KTS Nông Quang Huyên
Chi hội KTS tỉnh Bắc Kạn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2021)

The post Gìn giữ và phát huy giá trị kiến trúc nhà sàn tại xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3DMFavF
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét