Từ lúc hình thành đến nay nhà cao tầng được chia làm 5 thế hệ. Trong phần 1 của bài viết đã trình bày 3 thế hệ:
- Thế hệ 1: Học phái Chicago
- Thế hệ 2: Chủ nghĩa chiết trung
- Thế hệ 3: Kiến trúc hiện đại
Phần 2 sẽ tiếp tục với 2 thế hệ còn lại của kiến trúc nhà cao tầng trên thế giới.
4. Thế hệ thứ 4 – Kiến trúc Hậu hiện đại, Kiến trúc Công nghệ cao, Kiến trúc Hiện đại mới, Kiến trúc Giải tỏa kết cấu
Được coi là thế hệ thứ 4 ra đời vào nửa cuối thế kỷ 20, kiến trúc nhà cao tầng đã phát triển theo trào lưu Kiến trúc Hậu hiện đại, Kiến trúc Công nghệ cao, Kiến trúc Hiện đại mới và Kiến trúc Giải tỏa kết cấu.
1. Kiến trúc Hậu hiện đại
Là một trào lưu mong muốn tìm một hướng đi mới, một tinh thần mới khác biệt với trào lưu của Chủ nghĩa Hiện đại và phong cách Quốc tế, khi những công trình được cho là nhàm chán, được “nhân bản” giống nhau ở mọi nơi, quá sạch sẽ và tinh khiết nên đã làm mất đi khả năng giao tiếp với quần chúng đoạn tuyệt với quá khứ. Trái lại, kiến trúc Hậu hiện đại lại có sự dung hòa và kết nối với quá khứ tốt hơn. Đặc điểm của kiến trúc Hậu hiện đại là sự pha trộn giữa hình thức kiến trúc hiện đại và cổ điển nhưng lấy lối thiết kế hiện đại làm trọng tâm, chú trọng đến tính văn hóa địa phương, đôi khi gần giống Chủ nghĩa Chiết trung, phục cổ và Chủ nghĩa hình thức. Thiết kế theo trường phái Hậu hiện đại được xem như sự tiếp tục của lối thiết kế hiện đại trong kiến trúc. So với trường phái thiết kế hiện đại chỉ gồm những đường thẳng, thì Hậu hiện đại bổ sung thêm đường tròn, cong và đường parabol. Từ cuối thập niên 1950, kiến trúc Hậu hiện đại vẫn kéo dài đến tận ngày nay bên cạnh nhiều những phong trào, trào lưu kiến trúc khác.
Tòa nhà AT&T Building, KTS Phillip Johnson, New York, 1979-1984
Được thiết kế bởi Philip Johnson và Burgee, tòa nhà hoàn thành năm 1984 với tư cách là Trụ sở của AT&T ở trung tâm Manhattan, gồm một tháp văn phòng 37 tầng, cao 197m và một tòa nhà phụ phía Tây 4 tầng. AT& T là tòa nhà cao tầng nhưng sử dụng thủ pháp bố cục cổ điển chặt chẽ trong cả tổng thể lẫn xử lý chi tiết mang đặc trưng của kiến trúc Hậu hiện đại. Mặt đứng tòa nhà được phân thành ba phần rõ ràng: Phần đế, thân và mái. Phần mang tính biểu tượng nhất là phần mái sử dụng hình ảnh một trán tường tam giác của kiến trúc cổ điển Hy lạp – La mã, ở giữa khoét một hình tròn khuyết, gợi nhớ đến hình thức một chiếc tủ nội thất cổ điển cao cấp hay lưng tựa của một chiếc ghế cổ xưa của Châu âu. Phần đế là những mảng tường dày, chắc, ốp gạch trần ấm áp, mộc mạc, một vài lỗ cửa hình chữ nhật hoặc tròn làm tăng độ tương phản với một cuốn cung khổng lồ cao suốt mấy tầng nhà, gợi hình ảnh của một Khải hoàn môn La Mã. Những hình ảnh quen thuộc của lịch sử đã được tác giả khéo léo “cài đặt” vào trong công trình nhằm làm cho công chúng có thể “đọc” được các “mã” đã trở nên quen thuộc với họ và quá trình giao tiếp gợi nhớ về lịch sử được gia tăng.
Tòa Porland, KTS Micheal Graves, Portland, 1981-1983
Tòa nhà gồm 15 tầng do KTS Graves thiết kế. Là một ví dụ điển hình của kiến trúc Hậu hiện đại, motif ba phong cách kiến trúc trước đó được sử dụng gồm kiến trúc Ai Cập, Cổ điển châu Âu và Art Decor. Đây là một chủ định của Graves nhằm đảm bảo tính liên tục của lịch sử, tạo ra nhiều tình huống và khả năng giao tiếp giữa kiến trúc với quần chúng. Công trình là sự hòa trộn của nhiều chi tiết, màu sắc và vật liệu xây dựng. Mặc dù vậy, bằng sự uyên bác của mình tác giả vẫn làm chủ được bút pháp, đảm bảo được tính thống nhất của cái toàn thể, trong đó những hình kỷ hà và hệ thống cửa sổ hình vuông là những yếu tố chủ đạo xét trên phương diện tạo hình. Đây là công trình đã gây tranh cãi trong thời gian hoàn thành. Nó bị chỉ trích bởi sự quá lạm dụng vào quá khứ và trang trí một cách thái quá, lòe loẹt và cầu kì. Công trình đã cho thấy một sự tương phản hoàn toàn với quan điểm “trang trí là tội ác” của Chủ nghĩa Hiện đại. Tuy nhiên hiện nay nó đã mặt trong danh sách Di tích Lịch sử Quốc gia bởi sự đóng góp quan trọng cho kiến trúc Mỹ.
2. Kiến trúc công nghệ cao – High-Tech
Kiến trúc High-Tech là một sự phát triển trong kiến trúc Hiện đại của Anh từ cuối những năm 1960, có phát triển vượt bậc vào những năm 70-80 của thế kỷ 20. Kiến trúc High-Tech là sản phẩm của một nền công nghiệp hiện đại với đặc điểm nổi bật là ca ngợi vẻ đẹp của cơ khí, của kỹ thuật và công nghệ mới, phô bày hệ thống khung kết cấu ra ngoài khác hoàn toàn với các phong cách kiến trúc trước đó. Norman Foster và Richard Rogers là những KTS chủ chốt đã mang lại những thay đổi này và thực hiện chúng từ những năm 1970.
Tòa nhà L’loyds Building, KTS Richard Rogers, London, 1979-1984
Nằm ở trung tâm của London, tòa nhà Lloyd’s đã tạo nên danh tiếng của Richard Rogers như một người sáng tạo ra các tòa nhà đô thị lớn. Công trình với những đường ống kỹ thuật phủ màu bạc, hệ thống kết cấu lộ ra ngoài công trình giống như một nhà máy hóa chất khổng lồ hay một giàn khoan dầu đang hoạt động. Việc bố trí thang máy và các buồng thang đi bộ ra bên ngoài tạo nên một dáng vẻ đặc biệt cho tòa nhà. Công trình có vẻ đẹp phô diễn kết cấu hiện đại và kỹ thuật cao trong xây dựng, là tác phẩm tiêu biểu cho loại hình kiến trúc High – Tech trong thập niên 80 của thế kỷ 20.
Trụ sở ngân hàng Hongkong và Shanghai Bank, KTS Norman Foster, China, 1979-1985
Được hình thành trong thời kỳ nhạy cảm của lịch sử thuộc địa cũ, trụ sở Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải là một tuyên bố tự tin: Tạo ra “Tòa nhà ngân hàng tốt nhất trên thế giới”. Công trình sử dụng thép không gỉ, có nhịp lớn và sử dụng công nghệ thi công hiện đại cũng như vật liệu công nghệ cao. Mặt ngoài công trình phô diễn toàn bộ kết cấu thép chịu lực thông qua cột và các thanh chống, thanh giằng chéo nhau, tạo nên tính nhịp điệu mạnh mẽ, biểu hiện nghệ thuật cao, giống như một cỗ máy công nghiệp đang hăng say sản xuất. Hệ thống thang bộ, thang máy, phòng kỹ thuật được đưa ra mép ngoài công trình ngoài việc tận dụng ánh sáng tự nhiên mà còn nhằm phô bày công năng và giao thông đi lại trong công trình được ví như mạch máu chảy trong cơ thể sống.
3. Kiến trúc Hiện đại mới
Ra đời trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa của kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, tin học hóa, tự động hóa thay thế công nghiệp hóa và cơ giới hóa. Năm 1985 có thể coi là thời điểm hình thành Chủ nghĩa Hiện đại mới trong kiến trúc và không lâu nó đã lấn át Chủ nghĩa Hậu hiện đại. Quan điểm của kiến trúc Hiện đại mới là đề cao công năng coi cái đẹp trong kiến trúc chính là sự tiện dụng, đơn giản hóa để đạt tới sự thuần khiết và trong sáng. Tính bản địa đươc đặc biệt đề cao như nội lực của sự phát triển. Đây cũng là thời điểm mà các đô thị Châu Á phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng ra nhập vào danh sách các đô thị cao tầng trên thế giới. Cuối những năm 90 của thế kỷ 20, các trung tâm kinh tế Châu Á phát triển bùng nổ như Hongkong, Shanghai, Tokyo… đã làm đường chân trời của Châu Á bắt đầu “biến động”. Các KTS khắp nơi trên thế giới từ châu Âu đến châu Mỹ đã mang đến những sắc thái riêng về kiến trúc cho châu Á với những đặc tính văn hóa riêng và cũng mang tính giao lưu quốc tế rõ rệt.
Ngân hàng Trung Quốc Bank of China Tower, KTS I.M.Pei, Hongkong, 1985-1990
Tòa nhà gồm 72 tầng và cao 315m được tạo thành từ bốn khối hình tam giác cao thấp khác nhau. Được thiết kế bởi KTS I.M. Pei, Ngân hàng Trung Quốc hoàn thành năm 1989 trở thành tòa nhà cao nhất Hồng Kông (HK) và Châu Á. Pei gửi gắm vào tòa tháp hình ảnh búp tre đang mọc, biểu tượng của sự tăng trưởng, lớn mạnh và phồn thịnh của Trung quốc. Toàn bộ cấu trúc được hỗ trợ bởi năm cột thép ở các góc của tòa nhà, với các khung hình tam giác chuyển trọng lượng của cấu trúc lên năm cột này. Nó được bao phủ bởi những bức tường bằng kính hiện đại. Với vẻ ngoài đặc biệt khiến nó trở thành một trong những địa danh dễ nhận biết nhất của HK nhưng nó đã từng là nguồn gốc của một số tranh cãi, là tòa nhà lớn duy nhất ở HK đã bỏ qua bước tham khảo ý kiến của thầy phong thủy trước khi xây dựng. Tòa nhà đã bị chỉ trích nặng nề vì các góc cạnh sắc nhọn và có vô số chữ “X” – biểu tượng tiêu cực mang tính “chết” trong thiết kế ban đầu, do đó Pei đã sửa đổi thiết kế ở một mức độ nào đó trước khi xây dựng giải tỏa phần nào được những lo ngại của người dân với tòa tháp.
Tháp đôi Petronas, KTS Cesar Pelli, Malaysia, 1996
Tháp đôi Petronas không chỉ hướng Kuala Lumpur tới sự thu hút chú ý trong lĩnh vực kiến trúc trên thế giới mà nó còn gợi lên sự phong phú của văn hóa đất nước. Tòa tháp không chỉ đơn giản được công nhận về chiều cao 403m gồm 88 tầng mà chính những nỗ lực về mặt ý tưởng của KTS Pelli trong việc đưa các họa tiết và biểu tượng Hồi giáo, những nét văn hóa đặc trưng bản địa vào quá trình thiết kế chi tiết của tòa nhà. Pelli đã sử dụng Rub el Hizb, một biểu tượng của văn hóa Hồi giáo mà Hiến pháp Malaysia tuyên bố Hồi giáo là quốc giáo, như một cách để lập mặt bằng của tòa nhà. Rub el Hizb được đặc trưng bởi hai hình vuông chồng lên nhau, một hình xoay 45 độ, với một vòng tròn nội tiếp ở tâm. Pelli đã “khai thác” những đặc điểm thẩm mỹ thanh lịch và tinh tế trong hầu hết các họa tiết Hồi giáo để thiết kế kiến trúc của tòa tháp. Mặc dù Petronas Towers không còn là tòa nhà cao nhất thế giới nhưng chúng vẫn là một biểu tượng kiến trúc của Malaysia, là một trong những tòa nhà nhà siêu cao tầng đầu tiên ở Châu Á, đã đưa kiến trúc và văn hóa Malaysia được nhiều người trên thế giới biết đến.
Tòa tháp Bitexco Tower, KTS Carlos Zapata, AREP, TPHCM, 2010
Tòa tháp 68 tầng cao 269m do KTS Carlos Zapata thiết kế, được lấy cảm hứng từ hình dáng quốc hoa – búp sen hé nở vươn lên từ mặt sông Sài Gòn. Tác phẩm nghệ thuật đô thị này vượt ra khỏi kiểu dáng đơn thuần của một tòa tháp với khối kiến trúc của kính và sắt thép, để trở thành một biểu tượng – tượng trưng cho nét đẹp, sức sống, khát vọng và sự vươn lên của thành phố đậm nét văn hóa Việt – TP HCM. Tương tự, nhìn sân đậu trực thăng từ tầng trệt, chúng ta sẽ liên tưởng đến chiếc nón lá truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Kiến trúc của tòa tháp được thiết kế lồng ghép một cách tinh tế những nét văn hóa Việt. Các tấm kính trên mặt tiền kết hợp các họa tiết với các mật độ khác nhau làm dịu ánh sáng chói và bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời. Bên trong, cửa chớp có mái che bằng gỗ lọc ánh sáng ở phần trên và dưới của cửa sổ. Sự giao thoa giữa các vật liệu này một lần nữa làm vang vọng nghệ thuật dệt và vật liệu tự nhiên truyền thống của Việt Nam.
4. Kiến trúc Giải tỏa kết cấu
Ý tưởng kiến trúc Giải tỏa kết cấu nảy sinh từ khi Chủ nghĩa Hậu hiện đại đã lùi bước cuối những năm 1980, khi một nhóm KTS tiên phong – Frank Gehry, Rem Koolhaas và Zaha Hadid xuất hiện tại một cuộc triển lãm mang tên “Deconstructivist Architecture” tại New York. Kể từ đó, những đặc tính của nó đã thâm nhập vào kiến trúc đương đại và có thể thấy trên khắp thế giới các tòa nhà ấn tượng được thiết kế bởi những KTS như Zaha Hadid hay Frank Gehry.
Giải tỏa kết cấu được đặc trưng bởi ý tưởng về sự phân mảnh và thao tác trên bề mặt của cấu trúc. Nó thiên về phá vỡ các quy tắc kiến trúc truyền thống. Nó cố gắng thoát khỏi các quy ước của Chủ nghĩa Hiện đại có thể được xem như là “các quy tắc cố định”, chẳng hạn như quan niệm rằng “hình thức tuân theo công năng” và nay với kiến trúc Giải tỏa kết cấu thì “hình thức vượt quá công năng”. Các tòa nhà áp dụng phong cách Giải tỏa kết cấu tạo ấn tượng về một thiết kế hỗn loạn không có logic chính xác, tạo cảm giác động do có những hình khối uốn vặn, mất ổn định, mất trọng lượng, gây ấn tượng bay bổng. Hay nói cách khác đó là sự giải phóng khả năng vô hạn của việc sáng tạo trên các hình khối và các mảng phẳng phi hình học.
Tòa tháp Turning Torso, KTS Santiago Calatrava, Thụy Điển, 2005
Turning Torso dựa trên một tác phẩm điêu khắc của Calatrava, Twisted Torso một tác phẩm bằng đá cẩm thạch trắng dựa trên hình dạng của một người đang xoay. Nó là tháp “xoắn” đầu tiên. Mặt đứng vặn xoắn của tòa nhà đã có hình thức khác hẳn so với các mặt đứng theo các phong cách kiến trúc trước đó. Nó mang đúng đặc điểm của kiến trúc Giải tỏa kết cấu bằng việc biến đổi cách làm thông thường thành một tác phẩm điêu khắc khi nhìn bề ngoài của Torso như một sự “vặn mình” hết sức sống động và đáng kinh ngạc. Nổi bật với chiều cao 190m, gồm 54 tầng chia thành 9 phần, mỗi phần gồm 5 tầng xếp chồng nhau. Mỗi tầng gồm một hình ngũ giác không đều xoay 1 góc quanh lõi thẳng đứng, được nâng đỡ bởi một khung thép bên ngoài. Đến đoạn trên cùng thì mặt bằng xoay được 90 độ theo chiều kim đồng hồ so với tầng trệt. Tòa tháp là tổ hợp của không gian văn phòng và căn hộ cao cấp. Mặc dù trong quá trình xây dựng tòa tháp luôn bị nghi ngờ về tính khả thi cũng như phá vỡ cấu trúc khu vực xung quanh nhưng đến nay thì Turning Torso đã trở thành một viên ngọc quý, một biểu tượng, một niềm tự hào của Thụy điển.
Trụ sở CCTV, KTS Rem Koolhaas – OMA, Bắc Kinh, Trung Quốc, 2008
Tòa nhà gồm 51 tầng cao 234m do Rem Koolhaas – KTS trưởng của OMA thiết kế. Trong giai đoạn đầu xây dựng, một sự nghi ngờ lan tỏa mạnh mẽ về cả hình thức lẫn tính khả thi của Trụ sở đài truyền hình trung ương Trung quốc tại Bắc Kinh – CCTV – khi OMA đưa kiến trúc Giải tỏa kết cấu đến Trung Quốc. Gần đây Rem Koolhaas cảm thấy xúc động khi đã bảo vệ thiết kế táo bạo, không khoan nhượng của tòa nhà CCTV sau khi chủ tịch Trung Quốc kêu gọi chấm dứt việc XD “kiến trúc kỳ lạ” ở nước này. Theo OMA, tòa nhà được thiết kế như một sự thay thế cho “kiểu nhà chọc trời kiệt quệ”, một sự chống lại quan điểm truyền thống, là một sự tấn công trực tiếp vào những ý tưởng của chủ nghĩa Hiện đại về sự trong sáng của kết cấu cũng như nỗ lực nhằm phá vỡ cái mà theo Koolhass, cũng như một số KTS cùng thế hệ, xem như “một sự đè nén của cái trật tự từ thuyết Đề các đã định hình kiến trúc qua hàng thế kỉ”. Nó đã được chứng minh bằng việc giành giải thưởng cho tòa nhà cao tầng sáng tạo nhất năm 2013. Đặc điểm nổi bật của tòa nhà CCTV là hình dáng “khác thường”, nó bao gồm hai khối nhà tách rời được nối với nhau bởi nếp gấp độc đáo phản ảnh sự khác nhau về tư tưởng hay các hoạt động nhưng làm việc cùng nhau cho một mục tiêu. Những sự biến hình được củng cố bằng hệ kết cấu, một mạng lưới bất định hình của những giằng chéo của tháp trông như thể nó được khắc chìm vào lớp vỏ của công trình. Theo CCTV, sở dĩ ý tưởng của OMA được chọn vì nó vừa đại diện cho hình ảnh của một thành phố Bắc Kinh mới, đồng thời thể hiện những ý tưởng kiến trúc và văn hóa mang tính đột phá, góp phần tạo dựng hình ảnh cho CCTV cũng như thúc đẩy sự phát triển của kiến trúc Trung Quốc.
5. Thế hệ thứ 5: Kiến trúc Sinh thái, Kiến trúc Tham số
Sự nóng lên toàn cầu, tình trạng thiếu hụt năng lượng, sự mở rộng đô thị, ô nhiễm không khí, thiếu nước sạch và dịch bệnh đó là những vấn đề nổi cộm nhức nhối của thế kỷ 21. Bởi tầm quan trọng của vấn đề môi trường, Kiến trúc sinh thái hay còn gọi là Kiến trúc xanh, Kiến trúc bền vững, Kiến trúc tiết kiệm và tái tạo năng lượng đã ra đời từ cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 để bảo vệ môi trường sống hướng đến tương lai bền vững hơn.
1. Kiến trúc sinh thái
Là loại hình kiến trúc mà trong suốt vòng đời của nó từ khi xây dựng, vận hành đến khi loại bỏ đều được tiến hành theo các nguyên tắc sinh thái: Hướng tới chung sống thân thiện, hiểu biết về thiên nhiên, tạo một môi trường sống tốt hơn cho con người, sử dụng vật liệu tuần hoàn, tái chế, hòa nhập với môi trường nhân văn của lịch sử và khu vực, ứng dụng các kỹ thuật mới tiết kiệm năng lượng. Đây chính là xu hướng mới phát triển các tòa nhà cao tầng trên thế giới hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu cũng như bảo vệ thiên nhiên. Với kiến trúc Sinh thái thì xác định yếu tố môi trường xung quanh rất quan trọng bằng việc xác định hướng nắng, gió, các kiểu thông gió tự nhiên đến việc lựa chọn các loại kính, vật liệu mặt dựng, che nắng, xử lý nước xám, tấm pin mặt trời, giảm thiểu lượng năng lượng tiêu thụ tạo môi trường sinh thái tốt cho người sử dụng cũng như tạo sự tương tác tốt giữa công trình và môi trường xung quanh.
Ken Yeang – KTS người Malaysia – người tiên phong trong xu hướng kiến trúc Sinh thái đã tin rằng sự nguy hiểm của các tòa nhà chọc trời đối với môi trường còn đe dọa hơn cả ô nhiễm không khí, vì vậy họ đề xuất kiến trúc Sinh thái để ngăn chặn. Ken Yeang chống lại việc đưa tràn lan nhà khối hộp đóng kín, hoàn toàn điều hòa nhiệt độ vào vùng nóng ẩm nhiệt đới. Ông nghiên cứu đưa cây xanh vào KT nhà cao tầng, tạo hai lớp vỏ bọc cho tường ngoài, mái nhà phủ cây xanh và tấm chắn nắng, sử dụng sân trong tạo thông thoáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng, đưa con người gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh đó còn có nhiều KTS nổi tiếng khác đã thiết kế nhiều công trình sinh thái như Norman Foster, Rem Koolhass…
Tòa nhà Commerz Bank, KTS Nornam Foster, Frankfurt, Germany, 1997
Cao 259m gồm 53 tầng do KTS Foster thiết kế tại TP Frankfurt là tòa tháp văn phòng sinh thái đầu tiên trên thế giới. Bên cạnh việc tạo ra “khu vườn trên cao” cùng các công nghệ thân thiện với môi trường được sử dụng để làm giảm năng lượng cần thiết cho việc sưởi ấm và làm mát. Mỗi văn phòng đều tràn ngập ánh sáng ban ngày và cửa sổ có thể mở ra được, cho phép người sử dụng kiểm soát môi trường của chính họ. Kết quả là mức tiêu thụ năng lượng tương đương 1/2 so với các tòa tháp văn phòng thông thường đạt được thông gió tự nhiên là 85% trong năm. Mặt bằng có hình tam giác đều như ba “cánh hoa” – các tầng văn phòng – và một “thân” được tạo thành bởi một tâm nhĩ trung tâm. Các khu vườn mùa đông được bố trí xung quanh giếng trời trở thành tâm điểm về thị giác và về xã hội cho các cụm văn phòng. Nhìn từ bên ngoài những khu vườn trên cao này tạo cho tòa nhà một cảm giác trong suốt và nhẹ nhàng. Về mặt xã hội, nó tạo thành tâm điểm cho các cụm văn phòng “kiểu làng”, cung cấp địa điểm để gặp gỡ đồng nghiệp hoặc thư giãn trong giờ nghỉ. Về mặt môi trường, chúng mang ánh sáng và không khí trong lành vào giếng trời trung tâm, đóng vai trò như một ống khói thông gió tự nhiên cho các văn phòng.
Tòa Editt Tower, KTS T.R.Hamzah & Yeang, Singapore, 2010
Tòa tháp EDITT gồm 26 tầng tại Singapore được thiết kế bởi KTS T.R.Hamzah & Yeang. Tòa nhà được tạo ra để hồi sinh một khu đô thị nơi hệ sinh thái tự nhiên đã bị phá hủy hoàn toàn. Hình thức kiến trúc mặt đứng được tạo ra từ việc tính toán kĩ lưỡng liên quan đến chống nắng, đón hướng gió tốt cũng như kết hợp với cây xanh và vật liệu đã trở nên nổi bật với những khoảng đặc rỗng tạo sức hút mạnh mẽ so với các công trình xung quanh. Hơn một nửa bề mặt tòa nhà được bao phủ bởi lớp thực vật phong phú được chăm sóc cẩn thận tỉ mỉ, sân và hiên cũng có thảm thực vật. Với điều kiện có lượng nước mưa nhiều của khí hậu nhiệt đới, tòa nhà có hệ thống thu gom nước mưa vào việc tưới cây và vệ sinh trong sinh hoạt, nơi hơn 55% nước xám có thể được tái sử dụng và chất thải có thể được tái chế để tạo ra phân trộn và nhiên liệu khí sinh học. Thông qua một hệ thống các tấm pin mặt trời, tháp EDITT đạt được mức tự cung cấp năng lượng là 40%.
2. Kiến trúc tham số
Thiết kế tham số là công nghệ mới nhất trong kiến trúc. Kiến trúc tham số là công trình kiến trúc được xây dựng dựa trên quá trình thiết kế có tính đến các thông số liên quan như cảnh quan, khí hậu, địa hình, môi trường, xã hội… chúng kết hợp hài hòa với nhau trong một thể thống nhất. Vì vậy những thiết kế đạt được nhanh chóng thích ứng tốt với địa điểm, đồng thời đảm bảo tính thân thiện với môi trường, tính bền vững cao. Khi thay đổi một thông số thì cả hệ thống sẽ thay đổi theo dựa trên sự tính toán của máy tính để tìm ra tất cả các thiết kế phù hợp nhất có thể. Một số ý kiến cho rằng nó phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, có khả năng khiến lao động của con người trở nên dư thừa. Tuy nhiên, tất cả đều chứng minh điều ngược lại. Nếu không có tư duy sáng tạo, sự tưởng tượng, am hiểu về nghệ thuật cũng như sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa của con người thì không có máy tính nào có thể tạo ra được những công trình tuyệt vời. Nhờ có thiết kế tham số mà hình thái kiến trúc của các công trình đã trở nên phong phú, độc đáo, sáng tạo có chủ đích với vẻ đẹp hình học khác biệt, sự biến hóa đầy mê hoặc không hề đơn điệu. Kiến trúc tham số đem đến những không gian vừa phức tạp nhưng vẫn rất đồng nhất, liên kết chặt chẽ với nhau, phản ứng tốt với các yếu tố bên trong và bên ngoài. Và khi nhắc đến kiến trúc tham số phải nhắc đến Zaha Hadid người phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất trên thế giới về kiến trúc bởi những công trình độc đáo của bà. Chính bởi những đặc tính của kiến trúc tham số, đã giúp Zaha Hadid có thể tạo được không giới hạn các phương án thiết kế khác nhau nhờ thay đổi tham số, điển hình như trong trường hợp tìm ý tưởng cho mỗi tòa tháp.
Tòa Sunrise Tower, KTS Zaha Hadid, Kuala Lumpur, Malaysia, 2009
Với chiều cao 280m gồm 66 tầng, tòa tháp Sunrise tại Kuala Lumpur do nữ KTS người Anh gốc Ấn- Zaha Hadid thiết kế. Đây là một công trình phức hợp với rất nhiều chức năng như khách sạn, văn phòng và chung cư. Tòa tháp được hợp nhất thành một khối mà không có phần đế như cách thiết kế truyền thống. Tổng thể mặt đứng là một hình chữ nhật được bao phủ bởi hệ thống vỏ lưới và có khoét rỗng nhưng hai lỗ khoét được tạo thành lỗ dạng 3D nên ở một góc khác người cảm nhận có thể thấy như cả tòa tháp đang vặn xoắn. Sự phức tạp của hình thái cấu trúc nhờ vào thiết kế tham số đã làm cho công trình trở nên độc đáo, bắt mắt và cuốn hút lạ thường. Không những vậy dựa vào các tham số được cung cấp, công trình có sự tương tác rất tốt với môi trường cũng như bối cảnh xung quanh đồng thời cũng rất hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng.
Tòa Aqua Tower, Studio Gang, Chicago, 2009
Aqua Tower là toà nhà chọc trời 82 tầng, cao 250m được xây dựng ở ngoại ô thành phố Chicago, bang Illinois nước Mỹ do một nữ KTS thiết kế Jeanne Gan của Studio Gang Architects. Toà nhà được xây dựng năm 2007 và hoàn thành năm 2009. Tòa cao ốc Aqua Tower mô phỏng hình ảnh một mỏm đá tại hồ nước ngọt Great Lake, giáp biên giới với Canada. Nhờ vào thiết kế kiến trúc tham số nên những ban công hình sóng lượn khác nhau từng tầng đã trở nên dễ dàng hơn trong quá trình thiết kế. Với sự đôc đáo của ban công cộng với sự xử lý đầy thuyết phục từ công nghệ thông tin đã làm cho người quan sát mãn nhãn và thán phục trước sự cầu kỳ, độc đáo về hình dáng, kết cấu, kỹ thuật mà nữ KTS Jeanne Gan cùng cộng sự đem lại. Với những đường cong biến đổi tạo hình cho ban công cũng giúp khuếch tán cơn gió và cản được ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, qua đó giảm tải điện năng cho tòa nhà. Kết hợp khách sạn, văn phòng, căn hộ cho thuê, chung cư và bãi đậu xe, cùng với một trong những mái nhà xanh lớn nhất Chicago, Aqua tạo điều kiện kết nối mạnh mẽ giữa con người và thành phố.
Kết luận
Như vậy, qua sự tỏng hợp và phân tích, có thể nhận thấy rằng kiến trúc mặt đứng của các tòa nhà cao tầng đã liên tục thay đổi trong quá trình phát triển. Trong tương lai, cùng với sự đổi mới công nghệ, vật liệu xây dựng, môi trường… và chính bản thân nhu cầu, mong muốn của con người, kiến trúc nhà cao tầng sẽ tiếp tục “biến hóa” không ngừng. Có những sự biến đổi được hân hoan chào đón ngay từ khi còn là ý tưởng nhưng ngược lại nó bị chỉ trích, phê phán và cần thời gian để chứng minh. Cái sau có thể là sự tiếp nối, học hỏi, cải tiến thậm chí chối bỏ cái trước nhưng cuối cùng tất cả vì khát vọng được khám phá, được đổi mới của con người để thỏa mãn niềm kiêu hãnh chinh phục những cái “không tưởng” cũng như việc tạo ra môi trường sống, làm việc, nghỉ ngơi của con người tiện nghi, đa dạng và phong phú hơn.
THS.KTS Hoàng Hải Long – ĐH Giao thông vận tải
THS.KTS Lương Thị Hiền – ĐH Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2021)
Tài liệu tham khảo
1. https://ift.tt/3CQq2w5
2. https://ift.tt/3xh1ACZ
3. https://ift.tt/35JL7bi
4. https://ift.tt/3l1RMaP
The post Nhân diện kiến trúc mặt đứng nhà cao tầng trên thế giới (phần 2) appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3p3k8D8
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét