Tối thứ Sáu 31/12 – ngày cuối cùng của năm 2021, Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo 2021 kết thúc năm cũ bằng sự kiện vô cùng đặc biệt: Hoà nhạc video Đại Tượng. Buổi trình diễn đã để lại trải nghiệm có một không hai trong lòng khán giả.
Buổi hòa nhạc video được thực hiện bởi hai nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải và Ngô Thu Hương cùng phần âm nhạc do nghệ sĩ violin Nguyễn Ngọc Đức, nghệ sĩ piano Trần Thu Thảo và nghệ sĩ violin Trịnh Quang Thành thể hiện. Năm nghệ sĩ với 05 góc nhìn khác biệt đem tới cho khán giả trải nghiệm đa chiều, đa giác quan, mở ra nhiều hướng tiếp cận văn hóa tín ngưỡng, lịch sử pha trộn với truyền thuyết.
Sợi dây âm thanh – hình ảnh bền chặt xuyên suốt trong tác phẩm được bện từ nhiều chất liệu Đông-Tây: nhạc cụ cổ điển phương Tây, hát văn, nhạc đờn ca tài tử, nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, các truyền thuyết về cội nguồn dân tộc, tranh cổ họa Trung Quốc, gửi gắm nhiều tầng lớp suy tư, sự tìm tòi và cảm nhận của các nghệ sỹ về nguồn gốc văn hoá Việt Nam.
Bức tranh lớn Đại Tượng mở ra với âm thanh hoang vu của rừng đại ngàn với tiếng voi, ngựa, đệm phía dưới là tiếng piano trầm, tiếng violin kẽo kẹt cùng hiệu ứng thị giác của những hoa văn như sương khói bí hiểm giao thoa với nhau – như trong chiếc kính vạn hoa đơn sắc nhưng đầy biến ảo. Ngay từ những nốt nhạc đầu tiên, các nghệ sĩ đã khiến khán phòng choáng ngợp khi tiến vào không gian mang đậm tính sử thi oai hùng; và quả thật, buổi hòa nhạc trực tiếp đã diễn ra đầy kịch tính và đắm chìm hơn rất nhiều so với trải nghiệm phiên bản sắp đặt video art và âm thanh thu sẵn rất nhiều.
Tiếng piano dẫn dắt người xem đến với chương thứ hai của tác phẩm. Mượn hình ảnh bức họa Thanh Minh Thượng Hà Đồ (tranh vẽ cảnh sinh hoạt bên sông vào buổi sáng sớm của hoạ sỹ Trương Trạch Đoan, Trung Quốc, thế kỷ 11), các nghệ sĩ thị giác đã “hoạt hình” hoá bức tranh, góc nhìn trong tranh di chuyển theo dòng chảy của con sông, với các cảnh sinh hoạt tuyệt đẹp hiện ra hai bên và bên trên dòng sông. Điều thú vị là sự xuất hiện của con thuồng luồng khổng lồ giả tưởng quắp móng vuốt làm đắm tàu thuyền. Nghệ sĩ Triệu Minh Hải chia sẻ hình ảnh con thuồng luồng trong truyền thuyết Việt Nam là một chi tiết rất đặc biệt: trước đây, người ta chỉ nói về con thuồng luồng, chứ chưa ai vẽ nó ra cả và để thực hiện tác phẩm, anh đã tìm hiểu nhiều tài liệu để tự tái hiện con thuồng luồng theo ý mình. Kết hợp với hình ảnh con thuồng luồng lặn ngụp là tiếng violin mô phỏng đàn nguyệt khéo léo.
Chương thứ ba của Đại Tượng kể về cuộc chiến giữa núi non hùng vĩ. m nhạc ở chương này đã giúp đẩy câu chuyện lên tới cao trào – tiếng piano dày, vang rền mạnh mẽ với những nốt cao điểm xuyết hòa cùng tiếng violin giả làm tiếng đại bàng bay lượn, tái hiện nhạc dân gian Mông Cổ. Cuộc chiến kịch tính trên nền bức Thiên Lý Giang Sơn Đồ (bức tranh nổi tiếng của hoạ sỹ Vương Hy Mạnh đời nhà Tống, Trung Quốc, thế kỷ 11-12) với sự xuất hiện của những hình tượng nhân vật nữ trong nghi thức hầu đồng đứng hiên ngang trên đỉnh núi, hoặc cưỡi voi chỉ huy cuộc chiến đấu, xen kẽ với tiếng đàn dồn dập rồi thưa dần, mở ra chương tiếp theo.
Chương thứ tư nối tiếp với hình ảnh núi non chia cắt, hai bức tường thành chia cắt để người xem hình dung ra bối cảnh Trịnh – Nguyễn phân tranh. Phần violin ở phân đoạn này được nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Đức và nghệ sĩ Trịnh Quang Thành hòa tấu rất khéo léo. Nghệ sĩ Trịnh Quang Thành cho biết trong phần nhạc này tiếng violin của anh tái hiện sự chia cắt bi ai, đau thương, nhưng tiếng violin của anh Nguyễn Ngọc Đức lại là mạch ngầm thể hiện cuộc sống vẫn bình thường tiếp diễn.
Chương cuối của tác phẩm mang tới âm hưởng linh thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu với tiếng trống hát văn và giai điệu Cô Đôi Thượng Ngàn quen thuộc. Hình ảnh những nghi lễ thờ Mẫu đến đây không còn điểm xuyết trên phông nền đại cảnh mà đã hiện lên rõ nét và trở thành điểm nhấn trọng tâm. Câu chuyện lồng ghép các giá hầu đồng thờ Mẫu đi từ nghi lễ ra tay dấu đến hành lễ, khai quang, làm việc quan rồi tọa ngự tới đây kết thúc bằng nghi thức phát lộc ở chương kết.
Đại Tượng là sự kết hợp lạ, đánh thức nhiều giác quan, nhưng vừa vặn, hoàn hảo của âm nhạc và hình ảnh. Sáu tháng thực hiện Đại Tượng là hành trình gian nan của nhóm nghệ sĩ. Nghệ sĩ thị giác phải nghiên cứu, tìm tòi cách xử lý các chất liệu hình ảnh từ các đoạn phim, bức họa; nghệ sĩ âm thanh phải học hỏi về âm nhạc truyền thống và tìm cách mô phỏng chúng trên nhạc cụ phương Tây.
Đào sâu vào lịch sử, những truyền thuyết và tái hiện tín ngưỡng thờ Mẫu bằng video art là một thử thách khó khăn, tái hiện nó bằng nhạc cụ phương Tây lại là một thử thách càng khó khăn hơn. Các nghệ sĩ đều là những tay gộc chơi nhạc cụ phương Tây – họ đều đã quá quen với các bản tổng phổ với nốt nhạc, ký hiệu nhạc trắng đen; nhưng giờ đây lại phải vừa soạn nhạc vừa chơi nhạc theo “bản tổng phổ” là những hình ảnh video thể nghiệm, và những giai điệu âm nhạc truyền thống vốn không có tổng phổ để kể về câu chuyện ý niệm vô hình của Đại Tượng.
Quá trình tập luyện khổ công đã được đền đáp xứng đáng khi các âm thanh đa sắc và mãnh liệt đã đem lại không gian mở rộng cho trí tưởng tượng và cảm xúc bay bổng trong thế giới nửa mơ nửa thực. Sợi dây âm thanh từ tam tấu violin – piano là mấu chốt gắn kết những chương hồi đứt đoạn trong tác phẩm video; hình ảnh và âm thanh bổ trợ cho nhau, tôn vinh lẫn nhau, tạo nên tác phẩm Đại tượng mang lại tầng tầng lớp lớp cảm xúc cho khán giả.
Đại Tượng chỉ mới là bước khởi đầu cho hành trình sáng tạo của nhóm nghệ sĩ: ý tưởng ban đầu của họ là tạo nên tác phẩm lớn về tam giáo đồng nguyên tại Việt Nam và tín ngưỡng thờ Mẫu trong ý thức hệ Khổng Mạnh của Đại Tượng chỉ là một phần nhỏ trong tác phẩm lớn ấy. Bên cạnh buổi hòa nhạc, sắp đặt video Đại Tượng bao gồm phần âm nhạc thu sẵn cũng được trình chiếu trong một phòng triển lãm riêng tại Không gian 22 Hàng Buồm để khán giả có thể đến thưởng thức cho đến hết tháng 2 năm 2022. Hy vọng trong thời gian tới, nhóm nghệ sĩ sẽ tiếp tục theo đuổi dự án Đại Tượng, đem tới cho khán giả buổi hòa nhạc video với quy mô lớn hơn, và câu chuyện Đại Tượng sẽ tiếp tục được chia sẻ nhiều không gian nghệ thuật tại Việt Nam.
Nguyệt Cầm – Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo và Hanoi Grapevine
Hình ảnh: đội ngũ media Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo
© Tạp chí kiến trúc
The post Đại tượng – bức tranh nửa mơ nửa thực appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/6n0eC2qcs
Blog phát triển bởi
https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội
https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét