Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

Triển lãm “Ký ức 22 Hàng Buồm” – Để lịch sử còn sống mãi với thời gian

Triển lãm “Ký ức 22 Hàng Buồm”, thực hiện bởi nhóm nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế, Vũ Xuân Đông và kiến trúc sư di sản Nguyễn Hoàng Phương, là một điểm nhấn quan trọng, ấn tượng trong Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo 2021 khi trưng bày và kể lại những câu chuyện về lịch sử của không gian 22 Hàng Buồm.

“Ở đó có tất cả chuyện đời, chuyện phố, có chuyện của ngày xưa, của hôm nay, của mưa u gió Á, của dân Kẻ Chợ của những Hoa kiều và của người Hà Nội hôm nay.”

Trước khi tiến hành trùng tu vào cuối năm 2018, số 22 Hàng Buồm là trường mẫu giáo “Tuổi thơ” với những bức tường và cánh cổng sặc sỡ, nhưng mấy ai biết được rằng, đằng sau vẻ ngoài ấy lại là một công trình kiến trúc đồ sộ với cái tên “Hội quán Quảng Đông” trăm năm về trước. Vào thời Tây Sơn năm 1801, người Quảng Đông đã dựng Hội Quán – trở thành nơi tụ họp và sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng quan trọng. Với vị trí nằm ngay bên sông, nơi đây cũng đã trở thành địa điểm lý tưởng cho công việc giao thương, buôn bán giữa các thương nhân Hoa kiều.

“Bước chân vào “Không gian ký ức số 22 Hàng Buồm” mọi người có thể thấy sự kỳ diệu của những lớp thời gian.”
Nguyễn Thế Sơn

Không gian triển lãm được trưng bày trong một căn phòng nhỏ với tông màu chủ đạo là những gam màu tối như đen, nâu, xám,… cộng thêm việc nằm ở vị trí khuất sáng – như tôn thêm vẻ yên tĩnh, trầm lắng và hoài cổ cho nơi này. Những hàng rào, cổng sắt, xà ngang mang theo vết tích của thời gian được đặt ngay gần lối vào khiến khách tham quan không khỏi trầm trồ “Hoá ra trước đây nơi này đã từng như vậy.” Không gian trưng bày còn được tô điểm thêm bằng những tấm phù điêu gốm đầy màu sắc tái hiện lại các câu chuyện trong Tam Quốc Diễn Nghĩa (tiểu thuyết sử thi của tác giả Trung Quốc La Quán Trung), mang nét tương đồng với gốm Biên Hoà – một sản phẩm của người Minh Hương ở Nam Bộ.

Cuối căn phòng là hình ảnh các phương án nghiên cứu chi tiết cũng như toàn bộ quá trình trùng tu được trưng bày kín bức tường cho thấy sự tỉ mỉ, đầu tư đến từng chi tiết của dự án tu sửa lại Hội quán Quảng Đông. KTS Di sản Nguyễn Hoàng Phương, BQL Phố cổ Hà Nội đã chia sẻ rằng “Theo những bước nghiên cứu dựa trên toàn bộ là bản đồ, Hội quán cũng biến đổi qua các quá trình thời gian khác nhau, từ một cấu trúc công trình theo không gian truyền thống của Việt Nam, rồi đến giai đoạn năm 1920-1930, toàn bộ những vật liệu được nhập từ Pháp về, kết cấu vòm cao ở giữa là kết cấu thép thì mới có thể có không gian lớn như hiện tại. Sau năm 1975, không gian Hội quán Quảng Đông được trưng dụng để làm trường mẫu giáo, về sau ít ai biết đến sự hiện diện của nó. Việc trùng tu trở nên khó khăn và chúng tôi phải tìm hiểu rất kỹ trước khi phục dựng”.

Nhìn sang phía bên trái, các hiện vật cửa cổ, phù điêu nhiếp ảnh về các bức phù điêu đắp nề được trưng bày cẩn thận trong tủ kính mà ở phía dưới sẽ là những hiện vật gỗ với hoa văn tinh xảo được đặt xen kẽ nhau trên các bệ đá đỡ cột. Nằm giữa các chi tiết điêu khắc kiến trúc, nổi bật hơn cả chính là tấm biển ghi dấu nơi lãnh tụ Tôn Trung Sơn từng hoạt động – 22 Hàng Buồm và tôn chỉ của ông “Dân tộc Độc lập, Dân quyền Tự do, Dân sinh Hạnh phúc”.

Đến với triển lãm “Ký ức 22 Hàng Buồm”, tôi mới có cơ hội tìm hiểu và biết đến một nhân vật có tầm cỡ, quan trọng trong lịch sử – Nhà Ái Quốc Tôn Trung Sơn. Ông là một chính khách, triết gia chính trị và bác sĩ người Trung Quốc; đồng thời cũng là người đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đại nhà Thanh và khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc. Được biết, Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn đã có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc tới phong trào đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam. Trong quãng thời gian chuẩn bị cho Cách mạng, Tôn Trung Sơn đã có thời gian lưu lại ở Hội Quán Quảng Đông vào giai đoạn 1903-1904.

Triển lãm “Ký ức 22 Hàng Buồm” không chỉ đơn thuần là nơi trưng bày những kỷ vật của một thời đã qua; những hiện vật ấy sống và tồn tại để đưa chúng ta – những thế hệ trẻ quay trở về quá khứ, khám phá những câu chuyện về sự đời, về con phố hay về những nhân vật đã bị quên lãng, để lịch sử còn sống mãi với thời gian, như nhà văn hoá Hoàng Đạo Thuý đã từng viết trong “Phố phường Hà Nội Xưa”

“Chuyện muôn năm cũ, kể chi bây giờ…” Thế mà vẫn cứ thấy cần kể lại. Có kể lại, ta mới nhớ chuyện cũ. “Ôn cũ, biết mới”. Xây dựng một xã hội mới, cũng nên biết cái nền trên đó mình xây, nó thế nào. Biết những cái vẻ vang, cũng biết cả những nỗi nhọc nhằn của ông cha ta, thì mới rõ đời ta bây giờ là quý làm sao, mới hiểu cái giá trị của đất hương hoả nay trao đến tay ta.”

Lê Nguyễn Linh Chi – Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo và Hanoi Grapevine
Hình ảnh: đội ngũ media Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo
© Tạp chí kiến trúc

The post Triển lãm “Ký ức 22 Hàng Buồm” – Để lịch sử còn sống mãi với thời gian appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/tVq3JYgW1
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét