Lịch sử Việt Nam ngàn năm văn hiến đã ghi nhận nhiều bậc hiền tài về kiến trúc, nổi bật trong số đó là Nguyễn An và Vũ Như Tô, sống cách nhau hơn nửa thế kỷ. Hai Ông vốn đều thành danh với những công trình cung điện kỳ vĩ, hiện thực hóa những giấc mộng của hai “chủ đầu tư” – bạo chúa ở hai kinh đô Bắc Kinh và Thăng Long rất cách xa nhau về địa lý và thời gian. Số phận của họ cũng có những kết cục bi thảm, người chết trong cô độc trên đường sau gần năm chục năm sống nơi đất khách quê người, người bị quan quân chém đầu dưới chân thành lầu. Nhân dịp đầu năm Nhâm Dần, bài viết này xin cùng bạn đọc ôn lại vài nét trong cuộc đời hành nghề của hai bậc tiền nhân đó.
NGUYỄN AN (1381 – 1453, Chữ Hán 阮安),còn có tên gọi ở Trung Hoa là A Lưu – Chữ Hán 阿留). Ông là một KTS người Việt thời nhà Trần, nhà Hồ và thời nhà Minh, Trung Quốc, cùng các viên quan nhà Minh Trần Khuê, Trương Tư Cung, Ngô Trung và Thái Tín là chủ trì thiết kế, xây dựng Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc, ông cũng được giao tham gia trị thủy hệ thống sông Hoàng Hà.
Nguyễn An sinh năm Tân Dậu (1381), quê ở một trong những làng nghề truyền thống thuộc châu Quốc Oai, lộ Đông Quan đời Trần Thuận Tông (nay là vùng Hà Đông, thành phố Hà Nội). Tương truyền từ năm 16 tuổi, ông đã tham gia hiệp thợ xây dựng các dinh thự, phủ đệ ở kinh thành Thăng Long. Năm Bính Thân (1406), Nhà Minh, Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước Đại Việt, lúc này thuộc triều đại nhà Hồ, đến tháng 5 năm Đinh Dậu (1407) đánh bại nhà Hồ, bắt sống cha con Hồ Quý Ly cùng quan binh, chiếm đóng toàn bộ 48 phủ, châu nước Việt. Trương Phụ, thống tướng quân Minh, ngoài việc bắt toàn bộ vua tôi Hồ Quý Ly giải sang Kim Lăng, kinh đô nhà Minh, còn thực hiện chính sách hết sức thâm độc, truy tìm những người tài cao, học rộng, thông minh xuất chúng, những người thợ lành nghề đi biển, xây dựng, thủ công… đưa về Trung Quốc. Đồng thời, chúng còn tiến hành lùng chọn những thanh thiếu niên trai trẻ tuấn tú, khôi ngô, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thông minh dĩnh ngộ để hoạn tuyển làm thái giám mang sang phục vụ trong cung vua nhà Minh. Trong số này có nhiều người sau trở nên nổi tiếng được sử sách đời Minh ghi lại như Nguyễn An, Phạm Hoằng, Vương Cẩn…làm quan và được trọng dụng trong các triều vua Minh. Đặc biệt, Nguyễn An với biệt tài về kiến trúc xây dựng, giỏi tính toán và tổ chức thi công lại liêm khiết hiếm có nên rất được Minh Thành Tổ Chu Đệ tin dùng, giao trọng trách trong việc thiết kế xây dựng lại kinh thành Bắc Kinh, phục vụ cho kế hoạch dời đô từ Nam Kinh lên.
Tử Cấm thành, còn được gọi là Cố Cung, tọa lạc tại trung tâm Bắc Kinh, hoàng cung tương lai của triều Minh và cũng là quần thể kiến trúc cung điện lớn nhất thế giới hiện nay, được bắt đầu thiết kế và xây dựng vào năm Vĩnh Lạc thứ tư (1406) theo ý tưởng xây dựng một quần thể “Thiên đình hạ giới” của vua Minh Thành Tổ. Tuy nhiên do 2 cuộc chiến tranh với các bộ tộc Mông Cổ vào những năm Vĩnh Lạc thứ 8 (1410) và Vĩnh Lạc thứ 11 (1413), nên phải đến năm Vĩnh Lạc thứ 14 (1416), khi Chu Đệ chính thức công bố ý định thiên đô, dự án mới được tái khởi động lại và phát triển với quy mô lớn. Đây cũng chính là thời gian Nguyễn An phụng mệnh vua Minh tham gia quy hoạch thiết kế xây dựng các công trình chính yếu của Tử Cấm thành gồm các cung, điện trong đại nội, hộ thành hà và trăm phủ quan khác trong thành. Minh sử ghi lại, ông đã thực hiện từ ý tưởng đến tính toán chi tiết, tuân thủ những quy chế nghiêm ngặt do Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương định ra khi xây dựng thành Yên Kinh, bởi vậy bộ Công chỉ việc theo thiết kế để thực hiện. Để ý tưởng thiết kế, đều phải do Chu Đệ, vốn nổi tiếng là một bạo chúa trực tiếp phê duyệt, trở thành hiện thực với thời gian gấp rút theo quân mệnh trong 4 năm phải hoàn tất việc xây dựng để thiên đô theo kế hoạch vào năm 1421, Nguyễn An và các đồng sự, cộng sự đã phải thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ cũng như chịu những áp lực rất nặng nề. Tương truyền, khi xây dựng thành lầu, đặt tại bốn góc Tử Cấm Thành, Nguyễn An đã trình lên nhiều phương án thiết kế nhưng không sao được thông qua. Trong cơn nóng giận, Minh Thành Tổ đã ra lệnh nội trong 12 canh giờ, nếu Nguyễn An không thể đưa ra bản thiết kế khiến hắn vừa ý, sẽ bị ban tội chết. Nguyễn An đã làm việc suốt đêm đó, tới gần sáng, tuyệt vọng, ngắm chú dế yêu, ông nảy ra ý vẽ tặng chú chiếc lồng độc đáo với hệ mái chồng tầng tầng lớp lớp rồi ngủ thiếp đi. Không ngờ, sáng sớm hôm sau, Chu Đệ tới thư phòng ông kiểm tra, chọn ngay bản thiết kế này, được xếp lẫn với các phương án khác, duyệt cho đi xây dựng. Và đến nay, tòa thành lầu đó được coi như một trong những biểu tượng đặc trưng của Tử Cấm Thành.
Năm 1420, vua Minh tuyên cáo hoàn thành Tử Cấm Thành và thực hiện thiên đô vào năm sau, năm Vĩnh Lạc thứ 19 (1421).
Năm Chính Thống thứ 2 (1437) Nguyễn An được vua Minh Anh Tông giao việc chủ trì xây dựng Thành ngoại với 9 của kinh sư là Chính Dương (còn gọi là Tiền
Môn, cửa chính trong 9 cửa, ngày nay vẫn còn tồn tại), Sùng Văn, Tuyên Vũ, Triệu Dương, Phụ Thành, Đông Trực, Tây Trực, An Dinh và Đức Thắng. Năm Chính thống thứ 5 (1440), ông tiếp tục được giao chủ trì việc trùng tu những công trình chính trong Thành nội, vốn bị sét đánh hư hại năm 1421, gồm 3 điện: Phụng Thiên, Hoa Cái, Cẩn Thân và 2 cung: Càn Thanh, Khôn Ninh. Công việc hoàn thành sớm, sử dụng ít nhân công, tiết kiệm được nhiều kinh phí so với kế hoạch trước đó của bộ Công trình. Tháng 10 năm Chính Thống thứ 10 (1445), ông được nhà vua giao xây dựng lại tường thành Bắc Kinh, thời đó có chu vi khoảng 68 dặm, thường bị sụt lún khi gặp mưa lớn. Do những công lao xây dựng và trùng tu kinh thành, Nguyễn An được các đời vua sủng ái và ban thưởng rất hậu, nhưng vốn là người sống rất thanh liêm nên ông đều đem hiến vào việc sửa chữa tu bổ.
Ngoài các công trình xây dựng ở Bắc Kinh ông còn được giao công việc trị thủy như sông Tắc Dương ở Dịch thôn, Trạch Chư ở Dương thôn, tuần thú tuyến kênh đào từ Thông Châu đến Nam Kinh dưới đời vua Minh Anh Tông. Năm Cảnh Thái thứ tư (1453), đời vua Minh Đại Tông, Nguyễn An được cử đi trị thủy sông Trương Thu ở Sơn Đông đang bị vỡ đê, nhưng đã mất trên đường đến nhậm chức.
Những công trình do Nguyễn An thực hiện ở Tử Cấm thành đã thể hiện tài năng bẩm sinh, kiến thức quảng bác về văn hóa, triết lý và nắm vững những kỹ năng tạo tác truyền thống ngàn năm của Trung Hoa để vận dụng sáng tạo trong thiết kế, chọn lựa vật liệu và tổ chức thi công, theo những đánh giá thống nhất về Nguyễn An của các sử gia và các nhà nghiên cứu về Tử Cấm thành sau này.
VŨ NHƯ TÔ (? – 1516) còn có tên gọi Đô Nhạn, là nhà xây dựng, kiến trúc nổi tiếng thời Hậu Lê. Ông quê ở xã Minh Quyết, huyện Cẩm Giàng, thừa tuyên (trấn) Hải Dương (thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay). Vũ Như Tô là tác giả của các công trình nguy nga tráng lệ trong Hoàng thành Thăng Long thời đó như Cung điện Trăm nóc và Cửu Trùng đài, đều bị đốt cháy trong vụ chính biến tháng Tư năm Bính Tý (1516).
Vua Lê Tương Dực (Ở ngôi từ 1509 đến 1516), nổi tiếng ăn chơi xa xỉ, đặc biệt ưa thích công việc xây dựng thành quách , đền đài, miếu mạo…tốn kém quốc khố và sức dân. Ông cho xây các điện Thiên Quang, Mục Thanh, Tường Quang, mở rộng và đắp hoàng thành mới rộng hơn mấy ngàn trượng so với đời Lê Thánh Tông, chắn ngang sông Tô Lịch, bao ngoài cả điện Tường Quang, quán Trấn Vũ và chùa Thiên Hoa. Đồng thời, ôm mộng dựng một cung điện đồ sộ “vô tiền khoáng hậu” bên Tây Hồ, Tương Dực đã xuống chiếu lùng, tuyển người tài, thợ giỏi để thiết kế xây dựng. Khi đó, Vũ Như Tô (sinh vào khoảng những năm 70 thế kỷ XV) vốn xuất thân là một thợ Cả tiếng tăm vùng trấn Hải Dương, đồng thời cũng là một người nổi tiếng rất khéo tay, chế tác nhiều đồ tinh xảo. Năm 1512, ông dùng các thân cây nứa dựng lên mô hình Cung điện Trăm nóc với công trình điểm nhấn Cửu Trùng đài đồ sộ chưa từng có, cùng các bản tính toán chi tiết dâng lên vua Lê Tương Dực. Nhà vua cả mừng chuẩn y và phong ông làm đô đốc kiêm coi các sở ở Công bộ, toàn quyền chỉ huy xây dựng cũng như huy động mọi nguồn lực cho đại công trình này. Lại sai Vũ Như Tô làm thêm thiết kế cảnh quan, theo đó, phía trước Cửu Trùng đài cho đào hồ và kênh thông với sông Tô Lịch dẫn nước vào, để có thể thả thuyền du ngoạn quanh ngoài cung điện. Vật liệu sử dụng nhiều các loại gỗ và đá quý được vận chuyển từ mọi miền đất nước và do các nước Bồn Man, Chiêm Thành cống nạp. Vũ Như Tô cũng là người thiết kế và chế tác các đồ nội thất cầu kỳ trong cung điện như thềm rồng hay ngai vàng vua ngự khi thiết triều. Quần thể công trình được khởi công xây dựng vào cuối năm Nhâm Tuất (1512), dự định hoàn thành sau 5 năm. Năm 1516, tuy còn chưa hoàn thiện, mà đã được các thi sĩ đương thời mô tả là Cung điện Trăm nóc che bóng đến nửa Tây Hồ cùng tòa tháp Cửu Trùng đứng sừng sững kỳ vỹ một góc Hoàng thành Thăng Long. Sử cũng ghi lại, vào dịp Tết Bính Tý, khi công trình đã đi vào giai đoạn cuối, vua Lê Tương Dực thường ngự thuyền rồng đi trên kênh đào ngắm cung điện và Cửu Trùng Đài (theo nhiều nhà nghiên cứu, tọa lạc tại vùng Quán Thánh ven hồ Trúc Bạch hiện nay), mang theo nhiều cung nữ múa hát mua vui.
Tuy nhiên, công trình xây dựng rất tốn kém này diễn ra trong bối cảnh ngân khố kiệt quệ, đất nước loạn lạc, quân nổi dậy khắp nơi như Thân Duy Nhạc, Trần Tuân, Lê Hy, Trần Cảo…, liên miên suốt từ năm 1511 đến năm 1516 …rồi lại hạn hán, nạn đói (năm 1512) nạn vỡ đê ngay sát kinh thành (năm 1513). Dân chúng lầm than trong khi vua lại ăn chơi vô độ, vì vậy mà tháng Tư năm Bính Tý (1516), quận công Trịnh Duy Sản làm cuộc chính biến giết vua Tương Dực để lập vua mới nhưng cũng không giữ được kinh thành trước các cuộc tấn công của cả các lộ quân triều đình và quân nổi dậy của Trần Cảo. Cánh quân của An Hòa Hầu Nguyễn Hoằng Dụ vào kinh thành trước, để yên lòng dân đã cho đốt Cung điện Trăm nóc và Cửu Trùng đài đang còn dang dở. Đồng thời, kết tội Vũ Như Tô xúi giục, tiếp tay cho nhà vua xây dựng công trình hao sức tốn của này, đem ra xử chém và bêu xác ở ngoài cửa kinh thành. Tương truyền, khi quan quân vào bắt, Vũ Như Tô vẫn đang ở trên tòa tháp trên cùng, bất chấp những lời khuyên nên trốn chạy của các cộng sự thân tín, và khi bị chém ông vẫn thảng thốt dõi theo công trình tâm huyết chìm dần trong ngọn lửa. Chính vì vậy, dấu tích Cung điện Trăm nóc và Cửu Trùng đài cũng như số phận bi thảm của tác giả Vũ Như Tô chỉ còn được ghi lại vắn tắt trong sách sử và văn chương đời sau.
Danh sĩ Hà Nam Trần Tông Lỗ (1480-1570) có bài thơ nổi tiếng vịnh Cửu Trùng Đài như sau
Thăng Long vạn thế đế vương đô,
Bách thốc lâu đài nhất xứ cô.
Nội hữu hoàng thành kim ỷ xán,
Ngoại vi phòng luỹ thiết qua phô.
Cửu trùng cao các thần cư mỹ,
Thiên tử bần dân trí cốt khô.
Bảo quốc tòng lai phi dụng thử,
Thăng Long vạn thế đế vương đô,
Tạm dịch:
Thăng Long muôn thuở đất đế đô
Lâu đài trăm nóc sừng sững cao.
Trong có hoàng thành ngai rực rỡ
Ngoài bao lũy thép trấn oai phong
Chín tầng gác cao vua ngự ấy
Vốn xây trên vạn những nắm xương
Phép nước từ xưa đâu dung thứ
Thăng Long muôn thuở đất đế đô,
Vài dòng vĩ thanh. Hai cuộc đời cùng với số phận cay đắng và vinh quang trong những bối cảnh lịch sử nghiệt ngã, vẫn tiếp tục được nghiên cứu bàn luận cho đến hôm nay. Tuy nhiên, một điểm khá đồng thuận rằng, những công trình kiệt tác của họ, cho dù hiện tồn tại như một bảo tàng văn hóa thế giới hay chỉ còn được ghi lại trong sử sách, vẫn được tụng ca từ thế hệ này qua thế hệ khác như trang sử tự hào về những danh nhân kiến trúc Việt Nam.
KTS Trần Thanh Bình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2022)
Tài liệu tham khảo
(Nguyễn An)
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004
2. Diệp Thịnh, Thủy Đông nhật ký, Quyển11 (目录, 水東日記/卷11)
3. Minh Sử, Bản Tứ Khố Toàn Thư (Sử bộ) Quyển 304 tờ 9a, Bản Gia Khánh Quyển 405 tờ 9a
4. Tsai Shih – Shan Henry, The Eunuchs in the Ming Dynasty (Những hoạn quan đời nhà Minh) Nxb. State University ò New York Press, Albany, 1996
(Vũ Như Tô)
1. Nguyễn Huy Tưởng, Đêm hội Long Trì (Bộ ba tác phẩm), Nxb. Hà Nội, Hà Nội 1998
2. Đỗ Đức Thọ – Dương văn Vượng, Thi tuyển danh sĩ Hà nam, Nxb. Sở Văn hóa Thông tin Hà Nam, 1999
3. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004
4. Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quỳnh, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2005
The post Đầu năm kể chuyện các bậc tiền nhân appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/LASqcH4
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét