Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Các không gian sáng tạo trong bức tranh kinh tế sáng tạo: Cần hệ thống bài bản để phát triển khoẻ mạnh và lâu dài

Cảm hứng sáng tạo sôi sục

Trong khi bạn cầm trên tay tờ tạp chí này, thì hơn bao giờ hết, “sáng tạo” trở thành một nguồn cảm hứng sôi sục ở Hà Nội. “Trái bóng sáng tạo” bắt đầu lăn và trở nên ngày càng to lớn, thu hút sự tham gia của phía Nhà nước, cộng đồng sáng tạo, các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước.

Một dấu mốc nảy nở của trái bóng sáng tạo chính là thời điểm 2019 khi Hà Nội nhận được danh hiệu “Thành phố Sáng tạo” trong lĩnh vực Thiết kế, thuộc Mạng lưới các Thành phố (TP) Sáng tạo của UNESCO.

Chỉ ít ngày sau khi Hà Nội nhận được danh xưng, các cư dân TP chứng kiến sự hiện diện của một sáng kiến tiên phong để tôn vinh TP sáng tạo, chính là Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam – Vietnam Festival of Creativity & Design được tổ chức vào tháng 11/2019, do đại học quốc tế RMIT khởi xướng với sự hợp tác của Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam VICAS, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc UNESCO. Liên hoan đã thu hút hàng ngàn bạn trẻ tham gia, trở thành một sự kiện thường niên truyền cảm hứng.

Không gian sắp đặt ánh sáng “Dãi thẻ” thuộc Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo tại Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật 22 Hàng Buồm

Năm 2020, có thêm sáng kiến Tuần lễ Thiết kế Việt Nam – Vietnam Design Week thường niên, tập trung vào việc hỗ trợ và khuyến khích các tài năng trẻ trong các lĩnh vực thiết kế, từ thiết kế công cộng, thiết kế trang phục cho đến thiết kế quà tặng, ẩm thực, nội thất, hướng đến chủ đề Tái sinh (bền vững). Chuỗi sự kiện được tổ chức bởi nền tảng truyền thông ngành xây dựng Ashui.com, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt nam VICAS và Tập đoàn truyền thông xây dựng Consmedia.

Năm 2021, bức tranh sáng tạo ở tầm cỡ các Liên hoan quy mô đã chính thức có thêm sự “xắn tay áo” của phía chính quyền TP và ngành Kiến trúc. UBNDTP và Hội KTS Việt Nam chỉ đạo Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cùng Tạp chí Kiến trúc phối hợp cùng UNESCO, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo 2021, hướng tới trở thành sự kiện thường niên với tên gọi mới Tuần lễ Thiết kế và Sáng tạo Hà Nội.

Vào tháng 11/2022, bạn đọc hãy soạn sửa để tham gia ít nhất ba Liên hoan sáng tạo thường niên đồng loạt diễn ra, đó là Tuần lễ Thiết kế và Sáng tạo Hà Nội (dự kiến từ 18 đến 27/11), Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam (từ ngày 6 đến 20/11) diễn ra tại Hà Nội và TPHCM, và Tuần lễ Thiết kế Việt Nam – Vietnam Design Week (từ ngày 5 đến 11/11), diễn ra tại Hà Nội, Huế, TPHCM.

Theo định nghĩa của Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Vương quốc Anh, Công nghiệp sáng tạo là: “Các ngành công nghiệp bắt nguồn từ sự sáng tạo, kỹ năng và tài năng của các cá nhân và có tiềm năng đem đến sự thịnh vượng và tạo ra việc làm qua việc phát triển và khai thác tài sản trí tuệ”

Theo định nghĩa của UNESCO, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là: “Các ngành có tổ chức hoạt động với mục đích chủ đạo là sản xuất hoặc tái sản xuất, phân phối và/hoặc thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động đặc trưng về văn hóa, nghệ thuật hoặc liên quan đến di sản”.

Hiện tượng nêu trên cho thấy đây là thời điểm bùng nổ của hoạt động sáng tạo ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ số lượng tăng dần qua các năm của các liên hoan sáng tạo thường niên, cho đến quy mô ngày càng lớn dần (số lượng sự kiện, người tham gia, số lượng các TP tham gia) của các liên hoan. Điều đặc biệt nhất có thể nhìn thấy từ các Liên hoan nêu trên, đó là sự xuất hiện đầy đủ các bên tham gia cần thiết giúp phát triển kinh tế sáng tạo. Ban đầu có thể thấy các bên khởi xướng là cơ quan, tổ chức quốc tế, và viện nghiên cứu, như Trường ĐH RMIT, với sự hỗ trợ của UNESCO, và viện nghiên cứu (VICAS). Năm tiếp theo có sự đồng hành của doanh nghiệp như COLAB Việt Nam, tập đoàn truyền thông (Consmedia), nền tảng Ashui.com, và năm gần đây nhất có sự tham gia của nhà nước, hội đoàn như UBND TP Hà Nội, Hội KTS Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc. Và thành tố – bên tham gia – nằm ở vị trí trung tâm chính là cộng đồng sáng tạo, gồm cá nhân, tập thể và các trung tâm sáng tạo, với các ý tưởng, kiến thức và sản phẩm truyền cảm và hấp dẫn.

Triển lãm “Bước vào thế giới của nhau” tại Chula House

Không gian sáng tạo kích hoạt kinh tế sáng tạo

Không phải ngẫu nhiên mà ở Hà Nội, hay Việt Nam nói chung đang có phong trào phát triển đầy hứng khởi của sáng tạo. Đây là kết quả của một xu thế toàn cầu không thể đảo ngược.

Ở Việt Nam, từ cuối những năm 1990, điều kiện kinh tế trong nước đã khởi sắc nhờ vào chính sách Đổi mới và Hội nhập kinh tế, các hoạt động giao lưu văn hoá với nước ngoài cũng như nhu cầu thị trường cho nghệ thuật đã giúp thúc đẩy và hình thành các không gian nghệ thuật mở cửa cho mọi người nằm ngoài công lập như Salon Natasha, Nhà sàn, Studio Anh Khánh. Cuối những năm 2000, ở Hà Nội và TPHCM bắt đầu xuất hiện thêm nhiều những không gian sáng tạo đa dạng cho giới trẻ và có tính giáo dục như Hanoi Rock City, Doclab ở Hà Nội, Cà phê thứ 7 ở TPHCM. Từ những năm 2010 trở đi, bên cạnh sự phát triển huy hoàng nhưng ngắn ngủi của các không gian sáng tạo nghệ thuật ngoài công lập nổi bật với quy mô lớn (chỉ tồn tại được một thời gian ngắn) như Zone 9 (Hà Nội) và Nhà ga 3A ở TPHCM, phong trào khởi nghiệp đổi mới và sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của công nghệ đã tạo ra một loạt các không gian làm việc chung cho các công ty start-ups cũng như một lực lượng không nhỏ những chuyên gia và kỹ sư công nghệ làm việc tự do và di chuyển khắp nơi trên thế giới.

Triển lãm “Mơ về miền đất lạ” tại Mơ Artspace

Báo cáo toàn cầu của UNCTAD – Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển năm 2019 về xu thế thương mại quốc tế của các ngành công nghiệp sáng tạo cho thấy khu vực ASEAN +3 (các nước Asean và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) dẫn đầu về xuất khẩu hàng hóa sáng tạo trên thế giới, cũng như chỉ ra sự phát triển sôi động của các nước đang phát triển trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo. (https://ift.tt/xi2c8VH)

Định nghĩa từ Vương quốc Anh:

Không gian sáng tạo là một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ.

Nguồn: https://ift.tt/WYnpkCM

Tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Flamingo

Theo dữ liệu của Mạng lưới Không gian Sáng tạo Việt Nam, tính đến năm 2020, Việt Nam có khoảng gần 200 không gian văn hoá sáng tạo (con số này chưa bao gồm được toàn bộ các không gian làm việc chung và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo), với 95 không gian ở Hà Nội, 51 không gian ở TPHCM, còn lại là các không gian nằm rải rác ở các tỉnh thành khác.

Sức mạnh của các không gian sáng tạo (creative hubs) nằm ở khả năng kết nối các tài năng riêng lẻ, tạo ra hệ thống hỗ trợ và phát triển các ý tưởng thành các sản phẩm, dịch vụ hữu ích. Vương quốc Anh – quốc gia tiên phong đem lại nhiều giá trị nhất trong khu vực châu Âu về kinh tế sáng tạo, đã trải nghiệm và đúc rút các ưu thế của kinh tế sáng tạo từ hai thập kỷ qua. Trong bức tranh phát triển kinh tế sáng tạo của nước Anh, các không gian sáng tạo đóng góp một vai trò quan trọng, được ví như những ngọn hải đăng dẫn đường cho kinh tế đô thị, tạo ra các việc làm mới, sản phẩm và dịch vụ mới, phát triển tài năng, nâng cao chất lượng cuộc sống. (https://ift.tt/jPoa2kb)

Kinh tế sáng tạo (creative economy) là một xu thế phát triển đã chứng minh được sức mạnh cải biến thế giới theo hướng bền vững hơn trong hơn hai thập kỷ qua. Các báo cáo về kinh tế sáng tạo của UNDP, UNESCO, và đại học Oxford University đều chỉ ra rằng: Kinh tế sáng tạo dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc kinh tế, tiến bộ kinh tế-xã hội, tạo việc làm và đổi mới, gia tăng bình đẳng xã hội và phát triển con người bền vững hơn.

Theo Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc UNCTAD, không có một định nghĩa duy nhất về kinh tế sáng tạo. Đây là một khái niệm liên tục tiến hóa dựa vào sự liên kết qua lại giữa các hoạt động của con người, các ý tưởng và quyền sở hữu trí tuệ, giữa tri thức và công nghệ. Về cốt lõi, đó là các hoạt động kinh tế tri thức – nền tảng của các ngành công nghiệp sáng tạo.

Các ngành công nghiệp sáng tạo bao gồm: Quảng cáo, Kiến trúc, Nghệ thuật và Thủ công, Thiết kế, Thời trang, Điện ảnh, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Nghệ thuật biểu diễn, Xuất bản, Nghiên cứu và phát triển, Phần mềm, Trò chơi máy tính, Xuất bản điện tử, Phát thanh và truyền hình. Những ngành này là dòng máu nuôi dưỡng nền kinh tế sáng tạo, đồng thời được xem như một mạch nguồn của các giá trị thương mại và văn hóa.

Nền kinh tế sáng tạo là tổng hòa của tất cả các thành phần của các ngành công nghiệp sáng tạo, bao gồm giao thương, lao động và sản xuất. Hiện tại, các ngành công nghiệp sáng tạo là lĩnh vực phát triển năng động nhất của cả thế giới, đem lại cơ hội nhảy vọt cho các quốc gia đang phát triển, khiến cho các nước này trở thành các vùng phát triển nhanh chóng và đang lên của nền kinh tế thế giới.
https://ift.tt/MG7Qhxc

Cần một hệ thống giúp phát triển không gian sáng tạo bài bản và lâu dài

Các không gian văn hóa sáng tạo ở Hà Nội hay Việt Nam nói chung chưa có điều kiện phát huy được hết các thế mạnh của mình. Tuy có thể đem lại tác động to lớn thông qua việc phát triển các tài năng và ý tưởng sáng tạo, có thể giúp thay đổi bộ mặt/hình ảnh/thương hiệu của cả một khu vực địa lý, nhưng đời sống lại thường ngắn ngủi, nhiều không gian biến mất sau chưa đầy ba năm, yếu đuối và dễ bị ngã gục trước các thử thách khách quan và chủ quan như thay đổi hoặc mất địa điểm, pháp lý thiếu rõ ràng, giá thuê nhà quá cao, hợp đồng thuê nhà quá ngắn, thiếu kỹ năng quản trị, kỹ năng kinh doanh, nguồn tài chính eo hẹp, sự lệ thuộc vào tài trợ, thị trường nghệ thuật sáng tạo còn nhỏ yếu, và vai trò của nhà nước chưa rõ rệt và mang tính hệ thống…

Những liên hoan sáng tạo diễn ra sôi nổi, điểm bùng phát có tính hiện tượng nêu trên ở Hà Nội mới chỉ là những vận động tích cực ban đầu và rất sơ khởi của kinh tế sáng tạo. Những hợp tác như vậy giúp truyền cảm hứng, tạo cơ hội sáng tạo cho những tài năng, thu hút sự chú ý của công chúng, kêu gọi nhà tài trợ, nhà đầu tư bắt đầu cân nhắc dành nguồn lực để phát triển các tài năng và ý tưởng sáng tạo. Tuy vậy, vẫn còn thiếu một hệ thống bài bản và minh bạch giúp phát triển các không gian sáng tạo một cách bền vững, khoẻ mạnh.

Việc đầu tư vào các tài năng và ý tưởng sáng tạo, bên cạnh các lợi ích kinh tế còn có tính giáo dục và ý nghĩa xã hội rất lớn, đòi hỏi một tầm nhìn dài lâu, sự kiên định cũng như khả năng cho phép các thất bại và thử nghiệm. Công việc này đòi hỏi sự tham gia của cả ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng sáng tạo.

Với các đặc thù lịch sử, chính trị và bức tranh kinh tế hiện tại ở Việt Nam, việc đầu tư cho không gian sáng tạo, hay việc tham gia vào xu thế kinh tế sáng tạo còn rất ít ỏi. Tuy thế đang bắt đầu có những dấu hiệu khá tích cực cho thấy sự thay đổi sẽ xảy đến khá nhanh chóng.

Trong khối doanh nghiệp, bắt đầu chớm xuất hiện những đầu tư vào nghệ thuật, chẳng hạn như VinGroup mở ra Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom Center for Contemporary Art, Sun Group mở ra Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời Sun Symphony Orchestra, Flamingo Đại Lải mở ra không gian nghệ thuật và điêu khắc quốc tế ngoài trời Art in the Forest, một số doanh nghiệp lớn khác đầu tư vào việc mở các trung tâm đào tạo nghệ thuật. Các sàn đấu giá nghệ thuật bắt đầu xuất hiện, hình thành một số kênh/ấn phẩm truyền thông về nghệ thuật sáng tạo…

Trong khối các không gian/nhóm sáng tạo độc lập, bắt đầu xuất hiện các nhân tố trẻ vừa có kỹ năng sáng tạo vừa có kỹ năng kinh doanh, nhạy bén với thị hiếu và cách làm việc của các nhà đầu tư. Trong khối nhà nước bắt đầu xuất hiện các lãnh đạo và cán bộ nhận thấy và muốn tận dụng thế mạnh của xu thế kinh tế sáng tạo.

Đã xuất hiện những yếu tố tích cực ban đầu giúp dù đang rất nhỏ. Bước tiếp theo cần làm là các bên (nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng sáng tạo) tìm ra được cách thức hợp tác với nhau, tạo ra một cơ chế minh bạch và hài hoà lợi ích, chỉ ra những vướng mắc và cùng tìm cách giải quyết rốt ráo về lâu dài.

Nhà báo Trương Uyên Ly
Nghiên cứu độc lập về Không gian Sáng tạo
Ảnh chụp bởi PHAN ĐAN
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2022)

The post Các không gian sáng tạo trong bức tranh kinh tế sáng tạo: Cần hệ thống bài bản để phát triển khoẻ mạnh và lâu dài appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/GEfx5Oz
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét