Sau đây là các câu hỏi lớn mà lâu nay ai cũng trăn trở, dành nhiều tâm huyết, sức lực và trí tuệ để tìm kiếm câu trả lời:
- Tại sao một Thành phố như – TP. Hồ Chí Minh (TP HCM), từng được xem là trung tâm phát triển của khu vực, có cốt lõi văn hóa “khám phá và chinh phục” lại bị “tụt hậu”?
- Làm thế nào TP có thể “bứt” lên trong cuộc đua tranh phát triển hiện đại để tiến kịp và sánh vai với các đô thị “đi trước” trên thế giới và trong khu vực, thực sự đóng vai trò là đầu tàu phát triển của cả nước?
TP Hồ Chí Minh – Đầu tàu kinh tế cả nước
Có cơ hội đi lại nhiều nơi trên thế giới, nhưng tôi đặc biệt chú ý quan sát và nghiên cứu sâu hơn về sự vươn lên của các TP như: Dubai, Singapore, Seoul, Thượng Hải ở châu Á. Đây là các TP từng có vị trí địa – chính trị và điểm xuất phát phát triển gần giống như TP HCM, nhưng tại sao họ đã phát triển vượt bậc trong khi ta vẫn còn trì trệ? Bằng cách nào mà những đô thị này đã tiến vượt bậc, chỉ sau một thời gian tương đối ngắn, trở thành những đô thị hiện đại đẳng cấp cao, đóng vai trò là trung tâm phát triển khu vực và thế giới, có sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, có khả năng dẫn dắt phát triển cả vùng, khu vực?
Bản thân tôi vẫn nhớ mãi câu nói:
“Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực” (Trích “Memoirs of Lee Kuan Yew – The Singapore Story”, 1998)
Nếu Việt Nam ở vào vị thế đó như nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu phát biểu, thì Vùng Đại đô thị TP HCM – Đầu tàu kinh tế của cả nước và nằm ở vị trí địa chính trị trung tâm khu vực Đông Nam Á – phải được định vị là vùng đô thị phát triển hàng đầu Việt Nam và có thể vươn lên vị thế hàng đầu Đông Nam Á.
Câu chuyện kể vào cuối năm 1994 của KTS Ngô Viết Thụ (nhà thiết kế nổi tiếng Dinh Độc Lập) xác định rõ thêm vị trí chiến lược đó của TP HCM: Khi nhận lời quy hoạch Khu Trung tâm đô thị Nam TP HCM vào năm 1994, KTS tài danh hàng đầu Nhật Bản và nổi tiếng khắp thế giới Kenzo Tange, tuổi đã gần 90 vẫn muốn đích thân bay đến TP HCM một lần cho biết. Theo cụ nói thì ở châu Á chỉ có 3 TP có tầm quan trọng nổi bật đối với thế giới thôi, đó là Tokyo, Thượng Hải và TP HCM. Nói xong, cụ mở bản đồ ra và chỉ vào TP HCM: “Các bạn có thấy không? TP HCM chính là ngã ba đường lên Bắc xuống Nam, qua Đông sang Tây, kể cả đường không và đường biển. Đây chính là nơi hội tụ và là nơi xuất phát của mọi yếu tố liên quan đến sự phát triển và tồn tại của toàn khu vực rất quan trọng này. TP HCM là tâm điểm của một vùng đất đầy tiềm năng phát triển mà cho đến bây giờ vẫn chưa khai phá được bao nhiêu!”
Xu hướng phù hợp cho phát triển kiến trúc Việt Nam thời kỳ mới
Ở đất nước ta, sẽ là rất lý tưởng nếu sau năm 2025 Việt Nam có được ba “vùng đại đô thị” (VĐĐT) là VĐĐT Bắc Bộ (hạt nhân là Hà Nội), VĐĐT miền Trung (hạt nhân là Đà Nẵng) và VĐĐT Nam bộ (hạt nhân là TP HCM).
Theo nghiên cứu của chúng tôi, có lẽ hiện nay trong số các nước châu Á chỉ còn Hà Nội, TP HCM là còn nằm trong tình trạng “đại đô thị đơn tâm” (monocentricity hoặc là megacity). Do vậy, việc chuyển nhanh sang VĐĐT với đặc tính đa cực, phi tập trung là một yêu cầu cấp bách và là một mệnh lệnh. “Cơ thể” của TP HCM và các TP xung quanh đang lớn lên từng ngày, đòi hỏi chiếc áo phải được thiết kế lại và may mới, cứ tiếp tục nới ra hay chắp vá thêm không còn phù hợp nữa. Nếu làm được như thế thì TP HCM nói riêng và VĐĐT, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ phát huy được nhiều hơn nữa vai trò là đầu tàu trong tiến trình phát triển của vùng Nam bộ và của cả nước trong tương lai gần. Còn nếu cứ giữ nguyên như hiện nay (quy mô, cách thức quản lý) thì nhất định sẽ gặp nhiều khó khăn trong những năm tới.
Cho đến nay, VĐĐT được coi là mô hình có ưu thế nhất đáp ứng được sự đòi hỏi cùng lúc các lời giải cho bài toán quy hoạch, tăng trưởng kinh tế, dân số, giao thông, môi trường, văn hóa, lối sống.
VĐĐT TP HCM sẽ bao gồm các TP: Loại 1 đô thị cấp quốc gia TPHCM, loại 2: Biên Hòa, Vũng Tàu (đô thị trung tâm vùng) và các TP trung tâm cấp tỉnh: Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Long Khánh, Xuân Lộc, Đồng Xoài, Tây Ninh và Tân An. Tất cả các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp lớn, quan trọng nhất ở miền Nam đều tập trung với mật độ cao ở các TP này. Ngoài ra, còn một loạt các TP mới đang hình thành là: Dĩ An, Nhơn Trạch, Tam Phước, Phú Mỹ, Long Sơn, Long Hải, Bến Lức… đang là các trung tâm công nghiệp.
Sau Đổi mới (1986), một nỗ lực quy hoạch vùng đô thị TP HCM rất bài bản và đáng trân trọng là phương án định vị vai trò TP trong tổng thể vùng kinh tế trọng điểm Miền Đông Nam Bộ.
Đây là một phương án nghiên cứu tổng thể với sự hợp tác giữa Bộ Kế hoạch – đầu tư và Cơ quan Viện trợ của chính phủ Australia (thực hiện từ năm 1994 và hoàn tất cuối năm 1996) mang tên “Quy hoạch tổng thể phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, 1996-2010”.
Theo nghiên cứu trên, bước vào giai đoạn phát triển mới, sự phân bổ các hoạt động kinh tế vùng miền Đông Nam Bộ được xác lập như:
- Thương mại – dịch vụ, giáo dục bậc cao tập trung ở TPHCM;
- Hoạt động giao thương, đầu mối giao thông quốc tế xuyên Á qua các cảng TP HCM, Thị Vải và Vũng Tàu;
- Công nghệ cao, công nghiệp sử dụng nhiều lao động chủ yếu ở ngoại thành TPHCM, công nghiệp nặng ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, chế biến nông sản ở Bình Dương và Đồng Nai.
Như vậy, toàn miền Đông Nam Bộ sẽ đô thị hóa nhanh chóng. Nhưng nếu TP HCM tiếp tục phát triển theo đà như các năm qua thì chẳng mấy chốc TP sẽ cùng Bình Dương, Biên Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu biến thành một vùng đô thị cực lớn và hỗn độn rất khó quản lý. Vấn đề là phải sớm xác định mô hình quy hoạch nào phù hợp nhất cho toàn vùng, đặc biệt là TP HCM, để từ đó có thể tác động đến sự phân bổ dân cư, hình thành TP lõi trung tâm xen lẫn các TP đối trọng bằng việc quy hoạch sử dụng đất đai và xây dựng cơ sở hạ tầng hợp lý. Phải chăng phương án này đã manh nha một quy hoạch tổng thể cho VĐĐT TP HCM?
Chính trong cuộc hội thảo về điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể TP HCM tại Viện Quy hoạch TP, nhóm tư vấn quốc tế Nhật Bản Nikken Sekkei (2007) đã đồng tình với phương hướng quy hoạch tổng thể nêu trên khi đề xuất phương án quy hoạch TP HCM thành trung tâm kinh tế hạt nhân của vùng trọng điểm phía Nam. Trong tương lai, sự phát triển của một đô thị với những dịch vụ tiên tiến như TP HCM sẽ góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An. Hơn thế nữa, phương án này cũng nhằm mục tiêu đưa TP HCM trở thành một “trung tâm, siêu đô thị hấp dẫn của khu vực Đông Nam Á”.
Chúng ta cần khẩn trương tiến hành:
- Xác lập các mối tương quan giữa các thành viên trong VĐĐT: TP HCM đóng vai trò chủ đạo như một nhạc trưởng, còn các tỉnh và TP khác sẽ thiết lập mối tương quan theo thứ bậc dựa trên quy mô dân số hoặc mức độ đóng góp GNP vào cả vùng. TP HCM phải hình thành các thị trấn và đô thị vệ tinh, giãn bớt dân cư từ các quận nội thành bằng cách phát triển thêm phần dịch vụ, thương mại và nhà ở từ các trung tâm công nghiệp tập trung, khu chế xuất hiện hữu và phát triển mới từ các trung tâm công nghiệp đang phát triển ở phía Tây Bắc TP Củ Chi, Hóc Môn và phía Tây Nam TP Bình Chánh và Bến Lức Long An.
- Sớm hình thành dải đô thị đối trọng trên cơ sở nâng cấp mở rộng các đô thị hiện hữu, khởi đầu là TP Biên Hòa và kết thúc của dải là TP Vũng Tàu. Dải đô thị này gồm có: TP Biên Hòa – TP Nhơn Trạch – thị trấn Long Thành – thị trấn Phú Mỹ – thị xã Bà Rịa – thị trấn Long Đất – thị trấn Long Hải – TP Vũng Tàu. Dải đô thị này trải dài song song với TP HCM hiện hữu.
Trong dải đô thị này, khu công nghiệp Nhơn Trạch đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, bởi nó chính là đô thị trung gian (intermediate city) giữa ba đỉnh là TP HCM – Biên Hòa – Vũng Tàu. Phía Bắc Nhơn Trạch sẽ có Sân bay quốc tế Long Thành, cảng Thị Vải, nằm ngay sát sông Đồng Nai. - Hình thành các vùng nông thôn mới xen kẽ với các khu đô thị. Đó là các vùng nông thôn mới, phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Các làng nông thôn mới khác (làng nghề, làng trồng rau sạch, làng trồng hoa kiểng, làng văn hóa dân tộc, làng du lịch) được quy hoạch lại theo kiểu mới, kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại nhằm tạo ra sự cân bằng mới giữa con người nhân văn – môi trường nhân tạo hiện đại và môi trường tự nhiên đa dạng.
- Thành lập hệ thống quản lý VĐĐT: Một khi VĐĐT hình thành thì việc thiết lập nên một hệ thống quản lý vùng là điều bắt buộc. Hệ thống này có thể bao gồm: (1) Hội đồng liên minh các Chủ tịch UBND các TP (có tên gọi là hội đồng thị trưởng); (2) Hội đồng tư vấn, quy tụ các chuyên gia phát triển của các TP lớn; (3) Hội đồng điều phối đóng vai trò là tổ chức điều phối hoạt động giữa các chủ thể trong VĐĐT và các đối tác ngoài vùng sao cho hài hòa, nhịp nhàng.
Muốn tạo đột phá cho sự phát triển, khôi phục lại vai trò đầu tàu kinh tế, TP HCM phải trở thành lõi trung tâm trong VĐĐT miền Đông Nam Bộ. Đây là một thách thức rất lớn và cũng mới đối với chúng ta. Dĩ nhiên, còn cần rất nhiều chính sách, biện pháp và lộ trình để thực hiện được nó, nhưng tựu trung chúng phải phù hợp với bối cảnh địa phương của từng vùng và đáp ứng được các yêu cầu: Thiết lập những hệ thống quản lý và điều hành hữu hiệu cho VĐĐT; làm cho các VĐĐT phát triển bền vững trong bối cảnh môi trường đang suy thoái và cạnh tranh kinh tế toàn cầu gay gắt. VĐĐT cũng phải tạo những điều kiện sống tốt về mặt công ăn việc làm, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, và chính sách xã hội; làm sao cho người nghèo và người kém may mắn sống tốt trong các VĐĐT để họ có công ăn việc làm và được hưởng các dịch vụ như y tế và giáo dục.
KTS Nguyễn Hữu Thái
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2021)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Mc Gee, T.G. (1995a), Metrofitting the Emerging mega-urban regions of ASEAN: An Overview in T.G. Mc Gee and I.M. Robinson (eds) The Mega-Urban Regions of Southeast Asia. UBC. Press, Vancouver.:3-26;
- Nguyễn Minh Hòa (2005), Vùng đô thị châu Á và TP HCM, NXB Tổng hợp TPHCM;
- Ngô Viết Nam Sơn, Những cơ hội đầu tư và hợp tác trong phát triển đô thị Vùng ĐBSCL, Hội thảo VCCI, TPHCM 22/5/2014;
- Nguyễn Đỗ Dũng (2016), “Quy hoạch TP HCM trước 1975 dưới ảnh hưởng của Hoa Kỳ”, https://ift.tt/372Zzha;
- Nguyễn Hữu Thái (2018), Xây dựng và phát triển Vùng Đại đô thị TP HCM, Viện nghiên cứu Đông Nam Bộ học, Đại học Thủ Dầu Một, 2018;
The post Xu hướng phát triển TP Hồ Chí Minh phù hợp với thời kỳ mới appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3iGdPC9
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét