Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

Các kiến trúc nhỏ phục vụ cho tổ chức không gian công cộng khu vực quận Hoàn Kiếm

Kiến trúc nhỏ, đặc trưng bởi kích thước nhỏ, diện tích, khối tích nhỏ dẫn đến quy mô các công trình nhỏ và đơn giản nhưng vẫn có thể đảm nhận một hay nhiều chức năng nhất định phục vụ cuộc sống con người, đang trở thành một xu hướng phát triển mới, trở thành một trào lưu mà trên thế giới gọi là mini-architecture (hay micro-architecture). Thậm chí, với sự phổ biến hơn của các kiến trúc nhỏ, các nhà thiết kế còn tạo ra một khái niệm mới là “minitecture”.

Không gian công cộng đô thị có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của người dân khi mà cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của người dân các TP ngày càng được nâng cao. Không còn chỉ bó hẹp bởi việc tăng diện tích và tiện nghi bên trong ngôi nhà, người dân đô thị ngày càng quan tâm và yêu cầu nhiều hơn đến tiện nghi của môi trường sống xung quanh nơi ở, nơi làm việc của họ. Ngoài ra, không gian công cộng còn giúp du khách cảm nhận tốt hơn tinh thần và những đặc trưng đô thị, góp phần gia tăng tính cạnh tranh đô thị.

Từ hai chủ đề quan trọng nói trên, khi được ghép vào nhau, tạo ra một chủ đề tương đối thú vị – kiến trúc nhỏ trong các không gian công cộng đô thị. Chủ đề “ghép” này đang nhận được nhiều sự quan tâm của các chính quyền, người thiết kế và người dân đô thị bởi sự hợp lý, hấp dẫn và tiện nghi mà các kiến trúc nhỏ có thể mang lại nhằm góp phần gia tăng thẩm mỹ, bản sắc và tinh thần cho các không gian công cộng đô thị.

Vai trò của các kiến trúc nhỏ trong không gian công cộng đô thị

Các không gian công cộng đô thị đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân là giải trí, nghỉ ngơi, di chuyển và làm việc. Trong quyển sách “Sản xuất không gian” (The Production of Space) được xuất bản năm 1986, Lefebvre cho rằng một không gian sẽ bao gồm ba phần: Không gian (được) cảm nhận, không gian (được) thiết kế và không gian (được) hoạt động. Như vậy, các không gian công cộng đô thị được xem là những không gian thỏa mãn đồng thời cả ba thành phần trên khi chúng ngày càng được thiết kế một cách bài bản, cẩn thận nhằm mang đến những cảm nhận tiện nghi, thoải mái cho mọi người đến sử dụng và tiến hành các hoạt động, tạo sức sống và tinh thần cho không gian đó. Do đó, một số tính năng nên có ở các không gian công cộng đô thị là có thể tiếp cận, gắn kết mọi người lại với nhau, định hướng các hoạt động tập thể của họ, và tạo ra sự đa dạng trong việc sử dụng.

Một không gian công cộng đô thị chất lượng là biểu hiện của một cuộc sống đô thị chất lượng. Có rất nhiều tính thẩm mỹ, sức sống, hoạt động và cảm giác trong những không gian này. Do đó, các không gian công cộng đô thị cần có những trang thiết bị phục vụ các hoạt động của con người, mà thường gọi là “đồ nội thất đô thị” (urban furnitre), được định nghĩa là các thiết bị được thiết kế và sản xuất phù hợp với các điều kiện và tiêu chuẩn nhất định nhằm phục vụ người dân thành phố, cung cấp cho họ những tiện ích khác nhau trong cuộc sống đô thị. Các đồ nội thất đô thị này hỗ trợ các chức năng như ngồi, che chở, bảo vệ, chiếu sáng, giao thông, giao tiếp, trò chơi, thể thao… cho người sử dụng các không gian công cộng. Đây là những sản phẩm được bố trí nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động của cộng đồng, thực tế cho thấy thường được sự đánh giá cao và ủng hộ của người sử dụng, đồng thời có tác động đến việc hình thành các môi trường công cộng chức năng, an toàn và lành mạnh.

Thiết kế các kiến trúc nhỏ cho các không gian công cộng đô thị ngày càng trở nên đa dạng, hấp dẫn và sáng tạo hơn

Như vậy, có thể thấy trang thiết bị tại các không gian công cộng đô thị bao gồm:

  • Nhóm các vật thể phục vụ nghỉ ngơi (ghế băng, ghế ngồi, bàn…);
  • Nhóm các vật thể góp phần giữ gìn và nâng cao vệ sinh đô thị (thùng rác, các nhà vệ sinh, thiết bị vệ sinh công cộng…);
  • Nhóm các thiết bị chiếu sáng công cộng (đèn đường, cột đèn trang trí…);
  • Nhóm các vật thể phục vụ thông tin và truyền thông (bảng tên đường, áp phích thông tin đô thị và văn hóa, cột treo/dán quảng cáo, buồng hướng dẫn, cabin điện thoại…);
  • Nhóm các đồ chơi trẻ em;
  • Nhóm các vật thể hỗ trợ hay giới hạn lưu thông của các phương tiện (cọc chắn, rào chắn, cột mốc, đèn tín hiệu giao thông…);
  • Nhóm các kiến trúc vật phục vụ giao thông công cộng (điểm dừng xe buýt, bến tàu điện, lối vào ga tàu điện ngầm…);
  • Nhóm các vật thể bảo vệ và đảm bảo an toàn (rào chắn, lan can giám hộ, rào bảo vệ cây xanh…);
  • Nhóm các vật thể hạ tầng kỹ thuật (ga thu nước, lưới gốc cây xanh, cột nước chữa cháy…).

Như vậy, có thể xem các trang thiết bị đô thị này như những kiến trúc vật hay kiến trúc nhỏ, những “tiểu không gian” được cấy ghép vào “đại không gian” là các không gian công cộng. Cùng với sự phát triển của đô thị, các hệ thống trang thiết bị đô thị ngày càng được hoàn thiện với những quy định về kiểu dáng, thẩm mỹ, sự an toàn, tiện lợi… Nói cách khác, chúng đang dần được “thể chế hóa”, trở thành một yếu tố mang đậm tính kiến trúc trong quá trình phát triển của đô thị. Chính quyền và các nhà quy hoạch, thiết kế của các đô thị đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này vì nó chứng tỏ “đẳng cấp đô thị” thông qua việc đem đến những tiện nghi cho không gian công cộng đô thị không chỉ cho chính người dân bản địa mà còn cho các du khách.

Một đài cung cấp nước uống nước Wallace cạnh tuyến đường tàu điện T3 được thiết lập từ cuối thế kỷ XIX ở khu vực nội đô Paris (ảnh trái), Một điểm nghỉ chân tích hợp các công nghệ thông minh tại bùng binh Champs-Elysées (Paris, Pháp) do JC Decaux thực hiện (ảnh phải)

Như vậy, những kiến trúc nhỏ này sẽ đồng thời:

  1. Gia tăng tính tiện nghi, tính hấp dẫn cho không gian công cộng đô thị thông qua các chức năng hỗ trợ hoạt động và tương tác của người dân;
  2. Gia tăng tính thẩm mỹ, tính đặc sắc cho không gian công cộng đô thị thông qua hình thức thiết kế và sự phù hợp trong bối cảnh, cảnh quan khu vực.

Một điều thú vị là các kiến trúc nhỏ, tuy chiếm diện tích và khối tích khiêm tốn, nhưng hoàn toàn có thể trở thành những điểm nhấn cho các không gian công cộng đô thị bởi tính hấp dẫn, độc đáo hay sáng tạo trong thiết kế. Ngoài ra, những kiến trúc nhỏ có thể được di chuyển hoặc di chuyển được để phục vụ luân phiên cho những không gian công cộng khác nhau trong đô thị, hay hỗ trợ tức thời cho những sự kiện tập trung đông người.

Các vấn đề về kiến trúc nhỏ trong không gian công cộng khu vực quận Hoàn Kiếm

Các nhà thiết kế đô thị Việt Nam hiện nay đã bắt đầu có những quan tâm về vấn đề nâng cao chất lượng các không gian công cộng thông qua các kiến trúc nhỏ hỗ trợ hoạt động của người dân. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa thực sự tạo nên một cuộc cách mạng mạnh mẽ về các trang thiết bị đô thị. Chúng ta đã có nhiều dự án về không gian công cộng tại các TP lớn nhưng trang thiết bị đô thị vẫn chỉ chiếm một vị thế khiêm tốn trong các dự án này. Nếu như ở các nước phát triển, trang thiết bị đô thị được đầu tư thiết kế để đảm bảo chức năng và tính thẩm mỹ với “hàm lượng” design cao thể hiện đặc trưng cho từng khu vực riêng của đô thị, thì ở Việt Nam các cơ quan chuyên ngành (chẳng hạn như giao thông công chính, bưu điện, chiếu sáng, cây xanh đô thị…) vẫn nắm giữ vai trò “độc quyền” trong việc thiết kế, chế tạo và lắp đặt. Ta có thể thấy ở mọi đô thị Việt Nam, một kiểu ghế đá, một kiểu nhà chờ xe buýt, một kiểu khu vệ sinh… được sản xuất đại trà từ cùng một nhà cung cấp thiết bị.

Vậy thủ đô Hà Nội của chúng ta thì sao? Đi từ khu vực trung tâm phố cổ quận Hoàn Kiếm, qua khu phố cũ thuộc địa của người Pháp, sang khu phố của thời kỳ “kinh tế bao cấp” đến các khu phố mới đương đại vừa được thiết lập ở vùng ven đô, ta thấy phong cách kiến trúc các công trình thì thay đổi liên tục nhưng các trang thiết bị đô thị trong các không gian công cộng lại vẫn hao hao một loại kiểu dáng, chất liệu. Trong khi đó, nhìn sang khu phố cổ trung tâm Paris, các kiến trúc nhỏ trong các không gian công cộng được trang trí bằng các họa tiết hoa lá mềm mại gắn với các công trình kiến trúc theo phong cách cổ điển thì ở khu La Défense lại mang phong cách đơn giản, chắc khỏe gắn với các cao ốc, các văn phòng hiện đại.

Hiện nay, các không gian công cộng của khu vực quận Hoàn Kiếm giữ vai trò quan trọng góp phần tạo nên tính hấp dẫn cho lõi trung tâm nội đô lịch sử, điển hình nhất là hệ thống không gian công cộng quanh hồ Hoàn Kiếm – một trong số những nơi chốn mang đậm tính đại diện cho thành phố, thu hút đông đảo một lượng lớn du khách cả trong và ngoài nước. “Lên Bờ Hồ chơi” trở thành một câu nói phổ biến về thói quen đến không gian này vào những ngày nghỉ, ngày cuối tuần hay các ngày lễ, tết của người Hà Nội. Ý thức được điều này, thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm cũng đã cố gắng trong việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống các không gian công cộng nhằm phát huy giá trị di sản, tạo dựng bản sắc lịch sử cho thành phố. Tuy nhiên, có vẻ như chính quyền vẫn loay hoay trong việc tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng không gian công cộng tại đây.

Gợi ý về các kiến trúc nhỏ phục vụ cho tổ chức không gian công cộng khu vực quận Hoàn Kiếm

Như vậy, để cải thiện tính hấp dẫn, tính tiện nghi cho các không gian công cộng trong khu vực quận Hoàn Kiếm, ngoài việc nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng định kỳ như thường làm, thành phố cần chú ý nhiều hơn đến việc trang bị, bổ sung các kiến trúc nhỏ phục vụ cho người sử dụng để hỗ trợ cho các hoạt động của họ:

  1. Chính quyền và các nhà thiết kế đô thị nên nhận thấy rằng các kiến trúc nhỏ phục vụ cho tổ chức không gian công cộng khu vực quận Hoàn Kiếm là một hệ thống vừa mang tính kỹ thuật nhưng vừa mang tính nghệ thuật đô thị. Ngoài chức năng chuyên ngành, chúng cũng nên được xem như một yếu tố thẩm mỹ và phải được “đối xử công bằng” với các công trình, không gian kiến trúc đô thị trên phương diện này. Việc quản lý, vận hành chúng có thể vẫn do các cơ quan chuyên ngành đảm trách nhưng việc thiết kế, đề xuất kiểu dáng, vị trí thì nên giao lại cho các cơ quan tư vấn thiết kế trên nguyên tắc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành của trang thiết bị đó;
  2. Các dự án không gian công cộng đô thị (cải tạo, mở rộng, làm mới…) nên tích hợp nhiều hơn nữa các trang thiết bị đô thị dưới hình thức các kiến trúc nhỏ và xem đó như là một tiêu chí để đánh giá chất lượng, tính tiện dụng, tính cần thiết của dự án;
  3. Tổ chức các cuộc thi tuyển chọn các thiết kế cho các kiến trúc nhỏ trong khuôn khổ các dự án để tận dụng tối đa sức sáng tạo các nhà thiết kế cũng như các đóng góp ý kiến của người dân (là những người sử dụng trực tiếp sau này). Các thiết kế và đề xuất có thể tập trung theo từng chủ đề của các không gian công cộng để tạo nên nét riêng cho khu vực thực hiện dự án;
  4. Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng cũng như giúp họ nhận thấy sự cần thiết các trang thiết bị, kiến trúc nhỏ trong đời sống không gian công cộng nói riêng và đời sống đô thị nói chung, hạn chế tình trạng người dân vô ý thức phá hoại (như đã từng xảy ra với các cột điện thoại thẻ trước đây, viết vẽ bậy lên nhà chờ xe buýt và các tệ nạn xã hội trong các hầm ngầm sang đường cho người đi bộ) hay sử dụng cho các mục đích khác gây mất mỹ quan đô thị;
  5. Huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc vận hành, quản lý, duy tu và bảo dưỡng thông qua việc xã hội hóa đầu tư, gắn những lợi ích, tinh thần hay vật chất, của người dân vào sự xuất hiện, tồn tại của những kiến trúc nhỏ trong các không gian công cộng đô thị.
Chất lượng các kiến trúc nhỏ phục vụ điểm trung chuyển xe buýt Long Biên cho thấy sự đầu tư chưa xứng đáng

Cuối cùng, để đảm bảo hiệu quả đầu tư và khai thác vận hành, thiết kế của các kiến trúc nhỏ này phải đáp ứng đồng thời và toàn diện nhất có thể được 10 tiêu chí sau đây:

  1. An toàn và thân thiện, nhằm thu hút được sự quan tâm xã hội và tạo sự yên tâm cho cộng đồng, hình thành các thói quen sử dụng, từng bước nâng cao hiệu quả khai thác cho các kiến trúc nhỏ nói riêng và toàn không gian công cộng nói chung;
  2. Giảm thiểu sự ảnh hưởng đến môi trường kiến trúc, cảnh quan không gian và các hoạt động hiện có tại địa điểm, hòa hợp với bối cảnh xung quanh, tôn trọng các giá trị di sản không gian;
  3. Đáp ứng đa dạng trong tiếp cận và sử dụng của các đối tượng đặc thù trong xã hội, như trẻ em, người già, người tàn tật…;
  4. Đa năng hóa các hoạt động mà các kiến trúc nhỏ có thể phục vụ người dân;
  5. Kiên cố và bền vững, có thể ngăn ngừa sự xâm phạm/phá hoại, cũng như có thể tồn tại lâu dài, chống lại phần nào sự xuống cấp và hư hỏng bởi tác động thời tiết;
  6. Chi phí hợp lý để có thể nhân rộng mô hình nhưng không quá rẻ khiến các kiến trúc nhỏ không được đầu tư kỹ lưỡng trong khâu thiết kế và sản xuất;
  7. Thiết kế linh hoạt, dễ thi công lắp đặt, có thể xã hội hóa, chuyển giao cho các cộng đồng dân cư tự thực hiện để họ cảm thấy là “của mình” nhằm nâng cao ý thức sử dụng, sửa chữa;
  8. Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, có tính tương tác cao để gia tăng tính giáo dục và truyền thông, hạn chế các vật liệu, thiết bị công nghệ cao, đòi hỏi trình độ khi xây dựng, vận hành và khai thác công trình;
  9. Khả năng di động cao (tự di động hoặc có sự hỗ trợ của các thiết bị, phương tiện khác), phù hợp với nhiều không gian theo những khoảng thời gian khác nhau;
  10. Tích hợp với các mô hình vận hành, quản lý hợp lý, bền vững như quản lý bằng công nghệ, phần mềm trên các thiết bị cầm tay, thiết bị kỹ thuật số thông minh.
Hai phương án điển hình trong số các phương án đạt giải cuộc thi Sáng tạo không gian 2016 với chủ đề Sân chơi cho trẻ em (ảnh trái) và Sáng tạo không gian 2017 với chủ đề Nhà vệ sinh công cộng (ảnh phải) do Bộ môn Kiến trúc dân dụng (Trường Đại học Xây dựng) tổ chức có thể áp dụng cho các không gian công cộng khu vực quận Hoàn Kiếm

Kết luận

Đã qua rồi thời kỳ kinh tế khó khăn của đất nước, người dân đã biết cách tự làm đẹp, tự cải thiện tiện nghi cho mỗi ngôi nhà của mình và quan tâm nhiều hơn đến tiện nghi, thẩm mỹ các công trình, không gian công cộng trong đô thị (những thứ mà trước đây do khó khăn về kinh tế đã không được quan tâm nhiều). Chính quyền các đô thị cũng đã có nhiều cố gắng đem đến cho người dân một sự thuận tiện hơn trong việc sử dụng các không gian công cộng đô thị. Hiện nay, cả ba chủ thể quan trọng liên quan đến quá trình phát triển các không gian công cộng đô thị là chính quyền, nhà thiết kế và người dân đều đã quan tâm đến việc nâng cao chất lượng không gian thông qua việc bổ sung và hoàn chỉnh các kiến trúc nhỏ được thiết kế hợp lý.

Hà Nội nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng cũng đã có một số cuộc thi như thế và kết quả rất khả quan. Các phương án dự thi đã có những ý tưởng, gợi ý, đề xuất các giải pháp rất khả thi cho các trang thiết bị đô thị và các kiến trúc nhỏ, hoàn toàn có thể chuyển giao vào việc sản xuất thực tế. Tuy nhiên có lẽ là việc thi và trao giải mới chỉ gây ảnh hưởng trong phạm vi giới thiết kế, còn việc ứng dụng thực tế hay không lại phụ thuộc vào các cơ quan hữu trách hay các nhà đầu tư. Nên chăng, chúng ta cần nhìn lại vai trò thực tế của các kiến trúc nhỏ trong tổ chức không gian công cộng để từ đó có những giải pháp hữu hiệu hơn nhằm hiện thực hóa những ý tưởng đó làm phong phú cuộc sống đô thị.

TS.kts Trần Minh Tùng
Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Trường Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2021)

The post Các kiến trúc nhỏ phục vụ cho tổ chức không gian công cộng khu vực quận Hoàn Kiếm appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3xnDi8D
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét