Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

Phát huy vai trò cộng đồng trong quản lý kiến trúc cảnh quan khu phố cổ Hà Nội

Khu phố cổ Hà Nội có lịch sử hình thành hơn 1.000 năm và sau hơn 100 năm đô thị hóa theo kiểu Pháp, 75 năm phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam độc lập, thống nhất đã định hình cấu trúc đô thị và cảnh quan như ngày hôm nay.

Phố Tạ Hiện

Trong quá trình phát triển lâu dài ấy, sự tham gia của cộng đồng trong quản lý kiến trúc cảnh quan khu Phố cổ Hà Nội luôn tồn tại tùy theo từng giai đoạn phát triển: Từ thời Phong kiến đến thời thuộc Pháp tồn tại mô hình cộng đồng tự quản; sau đó, vai trò của cộng đồng giảm dần; sau “Đổi mới”, sự tham gia cộng đồng từng bước được khôi phục trong các dự án đầu tư, khai thác và quản lý kiến trúc cảnh quan khu Phố cổ Hà Nội. Tuy vậy, nhận thức về sự tham gia của cộng đồng vẫn chưa đầy đủ và toàn diện, dẫn đến việc thực hành còn nhiều bất cập, trong khi sức sáng tạo và nguồn lực từ cộng đồng là đáng kể.

Trước những cơ hội và thách thức của quá trình đô thị hóa nhanh, quản lý kiến trúc cảnh quan khu Phố cổ Hà Nội thay đổi nhanh chóng, tác giả lựa chọn nghiên cứu về sự tham gia của cộng đồng với mong muốn góp phần vào sự phát triển bền vững quản lý kiến trúc cảnh quan Khu Phố cổ Hà Nội.

Lễ hội trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Một trong những lý luận hiện đại về sự tham gia của cộng đồng đầu tiên là lý luận của Sherry A. Arnstein (1) về “Thang đo sự tham gia cộng đồng” đã được áp dụng trong các dự án tái thiết đô thị ở Mỹ những năm 1950. Lý luận này, ngay sau đó đã được vận dụng rộng rãi để đánh giá thực trạng mức độ sự tham gia cộng đồng trong các dự án đô thị ở nhiều nước trên thế giới. Thang đo gồm 8 bậc:

  1. Vận động (Công bố thông tin);
  2. Quan hệ cộng đồng – Trao đổi/Giáo dục;
  3. Thông báo, thông tin đến người dân;
  4. Tham vấn, Tư vấn;
  5. Tham gia thực hiện;
  6. Hợp tác, Quan hệ đối tác;
  7. Trao quyền, ủy quyền;
  8. Cộng đồng kiểm soát, giám sát.

Căn cứ vào thang đo của Sherry A. Arnstein, qua thực tế triển khai các dự án đô thị ở nước ta thì sự tham gia của cộng đồng mới chỉ ở Bậc thang 3 – Thông báo và Bậc thang 4 – Tham vấn theo hướng một chiều từ trên xuống. Nghĩa là từ chính quyền (ở trên) thông báo xuống cộng đồng (ở dưới), mà chưa có sự tham gia phản hồi từ dưới lên. Nói cách khác là chưa có sự hợp tác thực sự với cộng đồng để nắm bắt được yêu cầu và nguyện vọng của cộng đồng. Tương tự, tham vấn cộng đồng mới chỉ lấy ý kiến cộng đồng thông qua người đại diện của cộng đồng, thường là tổ trưởng dân phố.

Trên cơ sở vận dụng 8 mức độ tham gia cộng đồng của Sherry A. Arnstein, kết hợp với các quy tắc tham gia cộng đồng truyền thống tại Việt Nam, người viết nhận thấy có thể kết hợp thành 5 mức độ sự tham gia cộng đồng phù hợp với đặc điểm và điều kiện của Hà Nội theo bảng sau.

Để kiến trúc cảnh quan khu Phố cổ Hà Nội hiệu quả thì việc đổi mới mô hình và phương thức quản lý với sự tham gia cộng đồng là tất yếu, dựa trên nguyên tắc đổi mới quy trình quản lý, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc phân quyền và ứng dụng công nghệ số trong quản lý.

Một số giải pháp đổi mới được đề xuất như sau:

  • Tập trung xây dựng mô hình cộng đồng tự quản, trên cơ sở khai thác giá trị tích cực của truyền thống với sự tham gia của cộng đồng, kết hợp rút kinh nghiệm từ việc thực hiện các dự án bảo tồn, cải tạo và phát triển quản lý kiến trúc cảnh quan trong thời gian gần đây tại khu Phố cổ Hà Nội.

Xác định những hạn chế, bất cập của mô hình quản lý KTCQ hiện tại, trên cơ sở đó đề xuất mô hình quản lý mới thích hợp, huy động sự tham gia cộng đồng hiệu quả nhất trong quá trình triển khai và quản lý sử dụng kiến trúc cảnh quan khu Phố cổ Hà Nội, đảm bảo sự phát triển hiện đại, bền vững và có bản sắc. Hy vọng kết quả nghiên cứu của luận án có thể được khai thác để vận dụng trong các trường hợp của các đô thị khác trên cả nước.

Kiến nghị

  • Đối với TP Hà Nội: Tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ quận Hoàn Kiếm triển khai mở rộng phố đi bộ trong quận Hoàn Kiếm, bắt đầu từ phố đi bộ Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, nay đã mở rộng quanh Hồ Gươm và khu vực phụ cận, các phố Hàng Buồm Mã Mây, nay cần tiếp tục phát triển tới vùng cận biên và ngoại biên khu phố cổ: Khu dân cư ngoài đê sông Hồng, tiếp giáp tới khu phố cổ/ khu Hồ Gươm và phố Pháp, nơi có các dự án giao thông lớn đang tác động đến khu phố cổ…
  • Đây là cơ hội rất tốt để sự tham gia cộng đồng mạnh mẽ công việc nâng cao giá trị quản lý kiến trúc cảnh quan Khu Phố cổ Hà Nội, vừa làm đẹp TP vừa làm gia tăng cơ hội sinh kế cho cư dân. Cần sớm hoàn thiện đồng bộ Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết, hạ tầng kỹ thuật và các Thiết kế đô thị, Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc tại từng khu vực trong khu phố cổ. Tất cả các công việc này cần mở rộng không gian tối đa cho sự tham gia cộng đồng
  • Đối với cơ quan Quận Hoàn Kiếm và các sở ngành liên quan, chủ động thực hiện Dự án “Phố đi bộ nghệ thuật kết hợp lễ hội đường phố” và “Nghệ thuật công cộng dưới chân cầu Long Biên” qua từng bước thực hiện dự án có tổng hợp bài học thực tiễn để xây dựng phát triển toàn diện khu phố cổ Hà Nội.

Đây là những giải pháp mới tổng kết từ thực tiễn quản lý nhằm thích ứng với những đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống xã hội và phát triển đô thị, đòi hỏi các cơ quan quản lý cấp trên tạo điều kiện thực nghiệm những giải pháp mới. Các cơ quan nghiên cứu, trường Đại học, Viện nghiên cứu, các chuyên gia về quản lý đô thị cần tham gia ủng hộ đề xuất những sáng kiến mới có thể áp dụng vào cuộc sống thực tiễn – Vì Hà Nội Xanh – Văn Minh và cộng đồng cư có cuộc sống hạnh phúc.

NCS.ThS.KTS Phạm Tuấn Long
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2021)


Ghi chú

(1) Sherry Phyllis Arnstein (11/01/1930 – 19/01 1997) là tác giả của bài báo trên tạp chí có ảnh hưởng lớn “Bậc thang của sự tham gia của cộng đồng”. Bà đã làm việc với tư cách là trợ lý đặc biệt cho Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi Hoa Kỳ (HEW)

The post Phát huy vai trò cộng đồng trong quản lý kiến trúc cảnh quan khu phố cổ Hà Nội appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/37nLQ54
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét