Không gian công cộng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo lập không gian và vận hành các hoạt động của bất kỳ một đô thị nào. Trên thế giới, trong các khu trung tâm và đặc biệt là khu trung tâm các TP lớn với bề dày lịch sử nhiều thế kỷ, không gian công cộng lại càng phát huy vai trò và chứng tỏ giá trị trong cuộc sống đương đại, góp phần tạo nên sự hấp dẫn về nơi chốn, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đời sống hàng ngày của cộng đồng dân cư địa phương, góp phần phát triển du lịch của đô thị. Trong số các không gian công cộng này, đáng chú ý có phố đi bộ vì có khả năng kết nối nhiều không gian khác nhau và mang tính đặc trưng cao của khu vực. Những ví dụ thực tế từ một số thành phố của Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Nhật Bản và trường hợp Hội An của Việt Nam được lựa chọn và phân tích, từ đó rút ra một số điểm chính cần nghiên cứu và vận dụng cho trường hợp nội đô lịch sử cũng như một số khu vực khác tại một số quận trung tâm của Hà Nội.
1. Không gian công cộng trong đô thị
Các không gian công cộng là một bộ phận có sự gắn bó khăng khít với cấu trúc của một đô thị, bất kể đô thị đó có quy mô lớn hay nhỏ, hiện diện ở đâu, hình thành khi nào, và luôn thể hiện rõ tầm quan trọng với đô thị trên cả hai khía cạnh là không gian và hoạt động. Với những thành phần điểm, diện và khối có thiết kế ở một mức độ nhất định, không gian công cộng kiến tạo diện mạo của một khu vực trong đô thị và góp phần định hình kiến trúc đô thị. Các hoạt động diễn ra trong không gian công cộng đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người là giao tiếp, với năm cấp độ, từ sơ khai nhất là hoạt động mang tính thụ động giữa hai người xa lạ đến hoạt động tích cực, chủ động giữa hai người thân thiết. Các hoạt động xã hội này phụ thuộc tương đối nhiều vào không gian vật lý – nơi các hoạt động đó diễn ra. Jan Gehl tổng kết có sáu hình thức/trạng thái của con người trong những không gian này cần được chú ý: 1. Đi dạo, 2. Đứng, 3. Ngồi, 4. Nán lại, 5. Cảm nhận (nghe, nhìn) và 6. Trò chuyện – giao tiếp. Đường biên giữa khu vực không gian công cộng có hoạt động và các khu vực kế cận đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết và theo Jan Gehl thì đây cần là những đường biên “mềm”, đạt được bằng các giải pháp thiết kế, sẽ tạo ra sự kết nối linh hoạt, thay đổi theo bối cảnh và theo nhu cầu, khiến không gian thực sự sống động, hấp dẫn và chào đón. Các không gian mà Jan Gehl đề cập đến là các không gian công cộng nói chung trong đô thị, trong số đó không gian đường phố và quảng trường là hai loại hình nổi bật nhất (Gehl, 1971).
Cũng theo Jan Gehl, không gian công cộng của một đô thị được thiết kế chủ yếu phục vụ các nhu cầu đa dạng của cộng đồng dân cư trong chính đô thị đó. Không gian đô thị có chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để có được một cuộc sống đô thị phong phú cả về vật chất lẫn tinh thần. Các không gian công cộng là những điểm hẹn lý tưởng trong đô thị, nơi con người gặp gỡ nhau, trao đổi thông tin, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, cùng tận hưởng các dịch vụ tiện ích, niềm vui và tham gia các hoạt động chung, góp phần gắn kết cộng đồng. Các hoạt động của cộng đồng được phân cấp thành ba mức độ: 1. Hoạt động thiết yếu, 2. Hoạt động tùy chọn và 3. Hoạt động giao tiếp xã hội. Vấn đề tỷ lệ trong thiết kế đô thị, cụ thể hơn là không gian công cộng trong đô thị, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc làm cho các không gian công cộng trong đô thị đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Điều này đã từng bị bỏ qua và lịch sử cho thấy đó là một sai lầm nghiêm trọng khi tư duy rằng không gian rộng lớn và hoành tráng là điều kiện cần để có được một đô thị hấp dẫn. Bên cạnh đó, văn hóa giao thông bằng xe cơ giới cũng làm hỏng không gian đô thị, khiến con người không thụ cảm được đầy đủ các yếu tố tạo lập không gian và khiến không gian đó trở nên thu hút. Quy mô nhỏ – tỷ lệ thích hợp (tỷ lệ con người) và cự ly gần – tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng bằng đôi chân là chìa khóa thành công. Sự sống động của một không gian công cộng trong đô thị không thể tách rời sự an toàn, tính bền vững và lành mạnh. Những thiết kế đô thị nhỏ gọn và đầy màu sắc, những không gian chuyển tiếp và biến đổi linh hoạt, những vách “ngăn mà không ngăn”, những khoảng lùi cần thiết và những điểm nhấn đúng chỗ là thủ pháp mà các nhà thiết kế đô thị hay áp dụng và thu được thành công. Sự lành mạnh của một thành phố được biểu hiện qua các hoạt động cộng đồng sôi nổi, đa dạng và thu hút nhiều người tham gia. Mười hai tiêu chí chất lượng của một không gian công cộng trong đô thị, theo tổng kết của Jan Gehl là: 1. An toàn giao thông, 2. An ninh đảm bảo, 3. Được bảo vệ tránh khỏi các tác động bất lợi của khí hậu – thời tiết, 4. Nhiều cơ hội đi bộ, 5. Nhiều cơ hội dừng chân và nán lại, 6. Nhiều chỗ ngồi nghỉ chân, 7. Nhiều vị trí quan sát (cảnh quan + hoạt động), 8. Nhiều cơ hội giao tiếp, 9. Nhiều cơ hội vui chơi và tập luyện, 10. Quy mô thích hợp, 11. Tận hưởng sự dễ chịu – thoải mái mà không gian đem lại và 12. Trải nghiệm – cảm nhận tích cực từ các yếu tố vật lý của không gian. Các không gian công cộng có chất lượng nhất, đáp ứng được nhiều nhất những tiêu chí trên là quảng trường, công viên đô thị, không gian đường phố và khu vực ven sông (Gehl, 2010).
Matthew Carmona và cộng sự cho rằng thiết kế đô thị nói chung và thiết kế không gian công cộng nói riêng là một quá trình nhiều chiều cạnh, trong đó vấn đề nghiên cứu được nhìn nhận theo hai chiều: 1. Tầm nhìn toàn cầu (khi tính đến tính phổ cập, khuôn mẫu, chuẩn tắc hoặc nguyên lý); Tầm nhìn địa phương (khi tính đến các yếu tố đặc thù, nhất là điều kiện văn hóa – xã hội). Tính bền vững là một yêu cầu bắt buộc đối với thiết kế công trình ở cấp độ nhỏ và thiết kế đô thị ở cấp độ lớn hơn, lồng ghép trong đó nhu cầu sử dụng và nhu cầu liên kết cộng đồng, cộng với tính mềm dẻo thích ứng, tính tự đáp ứng, có nhấn mạnh đến tính tiện nghi, trong lành của môi trường, tính sinh thái của các hệ thống tự nhiên và tính nổi bật – riêng biệt của các hệ thống nhân tạo gắn kết với hệ thống tự nhiên. Bên cạnh đó, quản trị tốt cũng là một điều kiện không thể thiếu cho mô hình không gian đô thị thành công, thể hiện ở sự đa dạng của các hoạt động có tổ chức theo nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng.
Thiết kế đô thị, trong đó có thiết kế không gian công cộng, bao gồm sáu yếu tố cấu thành như sau: 1. Hình thái (dạng thức các ô phố, tuyến phố và cấu trúc đô thị); 2. Nhận thức (của đội ngũ quy hoạch và thiết kế đô thị) về hình thái, hình ảnh đô thị và các hoạt động của đô thị – những thành phần không thể thiếu của một địa điểm với những thuộc tính đi kèm như tỷ lệ, sự đa dạng, tính linh hoạt, hấp dẫn và sống động; 3. Xã hội (các hoạt động, thụ cảm và tâm lý người sử dụng – tương đồng với quan điểm của Jan Gehl – nhấn mạnh tính cân bằng của cộng đồng thông qua các hoạt động và sự phối trộn của các hoạt động theo nhu cầu và theo thời gian. Những điều kiện bổ trợ bao gồm an ninh, an toàn, dễ dàng tiếp cận và các chủ đề riêng phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nếu được tổ chức tốt, không gian công cộng sẽ thúc đẩy gắn kết xã hội và ngược lại); 4. Thị giác (được đặc trưng bởi các loại hình thiết kế và tác động của các yếu tố tạo lập môi trường thị giác đến người quan sát khi họ hiện diện trong không gian công cộng, trong đó tỷ lệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Tính đóng – mở, chuyển đổi và linh hoạt cần được thể hiện trong thiết kế các mảng, khối, tuyến, diện để tạo ấn tượng tốt cho cộng đồng; 5.Chức năng (đảm bảo đủ độ đa dạng và cung cấp nhiều sự lựa chọn cho người sử dụng) 6. Thời gian (nhấn mạnh tính chuyển đổi của không gian theo thời gian, cũng như tính bất biến của một số thành phần, nhất là những gì đặc trưng, mang tính nhận diện. Ở một cấp độ cao hơn, không gian công cộng còn mang những nét đặc trưng giúp con người nhận diện không gian và lưu lại trong ký ức hình ảnh về không gian ấy. Với thời gian tương tác đủ lâu, giữa không gian và con người còn nảy sinh tình cảm gắn bó. Không gian khi ấy mang giá trị tinh thần, được gọi là “tinh thần nơi chốn” (Carmona & cộng sự, 2003).
Theo một nghiên cứu của William Lim, với đặc trưng riêng về xã hội, không gian công cộng tại các đô thị của những quốc gia châu Á thể hiện rõ tính gắn kết cộng đồng trong việc chia sẻ không gian và tổ chức các hoạt động, phần lớn là các nhóm nhỏ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa gần đây, thói quen sử dụng không gian công cộng của một nhóm người đã đe dọa làm xói mòn phần lớn bản chất công cộng của không gian ngoài nhà. Đó là xu hướng tư nhân hóa không gian công cộng ngày một mở rộng, thể hiện qua sự chuyển đổi các địa điểm công cộng trước đây trở thành các khu vực đặc quyền, như trung tâm mua sắm và những khu vui chơi giải trí riêng trong công viên có thẻ ra vào hoặc bán vé giá cao. Việc tư nhân hóa và áp dụng các biện pháp quản lý dành sự ưu ái với một số nhóm người sử dụng có địa vị xã hội hiện nay khiến nhiều không gian công cộng không còn dễ dàng tiếp cận với công chúng như trước và ý nghĩa xã hội của những không gian này suy giảm nhanh chóng, đồng nghĩa với việc phân cách xã hội gia tăng. Xu thế này diễn ra thậm chí cả trên đường phố là một không gian công cộng tưởng chừng khó tư nhân hóa nhất. Đường phố, theo truyền thống sử dụng ở Châu Á, là không gian gặp gỡ xã hội của người dân cả khu vực và cả thành phố, nơi các hoạt động tương tác giữa các nhóm cư dân luôn được khuyến khích. Chỗ vui chơi của trẻ em, nơi nghỉ ngơi của người cao tuổi và chỗ bán hàng của tầng lớp trung niên xen kẽ nhau trên vỉa hè, tạo ra sự sinh động về hoạt động sống và đôi khi có sự phô bày một phần cuộc sống cá nhân trên đường phố. Kể từ khi các phương tiện cơ giới đã xâm lấn không gian vốn dĩ dành cho người đi bộ và xe đạp, những không gian công cộng ngày trước đã bị ngăn một phần hoặc toàn bộ trong một số trường hợp dành cho những tầng lớp mới nổi khi nền kinh tế phồn thịnh nhờ mở cửa giao thương với thế giới. Hiện tượng này được ghi nhận từ Singapore cho đến Bắc Kinh (Lim, 2014).
2. Không gian công cộng trong trung tâm đô thị
Trung tâm đô thị là hạt nhân hình thành nên đô thị, nơi in dấu sự phát triển của đô thị trong suốt chiều dài lịch sử, do vậy trong đại đa số trường hợp là nơi thể hiện rõ nhất, đậm đặc nhất văn hóa cũng như truyền thống, và tập trung nhiều nhất những gì được coi là di sản, cả trên bình diện vật thể và phi vật thể. Các thuộc tính và đặc điểm đối với không gian công cộng trong đô thị nói chung như đã trình bày ở Phần 1 đều được thể hiện trong không gian công cộng ở trung tâm đô thị nói riêng. Yêu cầu đặt ra đối với không gian công cộng ở trung tâm đô thị thông thường ở mức độ cao hơn đối với những khu vực khác do những quy định về bảo tồn di sản và cả những giá trị đặc biệt của những không gian ấy gắn với lịch sử, văn hóa, kiến trúc cũng như cảnh quan cần được tôn trọng, gìn giữ và phát huy. Đối với trung tâm đô thị lịch sử, từng không gian công cộng có thể không quá lớn về quy mô nhưng chính kích thước nhỏ tưởng chừng là hạn chế của các không gian này lại là điểm mạnh vì đem lại cảm giác gần gũi – trên quan điểm tỷ lệ con người (human-scale) mà KTS Jan Gehl hơn một lần nhấn mạnh là một yếu tố then chốt để tạo nên sự hấp dẫn của không gian. Ngoài ra, những không gian nhỏ này được liên kết trong một phạm vi hẹp tạo thành chuỗi hoặc mạng lưới, thích hợp với sự di chuyển bằng cách đi bộ, tạo điều kiện tốt nhất cho sự trải nghiệm không gian và cảm nhận những hoạt động đa dạng, sinh động diễn ra trong không gian ấy, theo lý luận của Jan Gehl và nhiều học giả khác nghiên cứu về hành vi của con người trong không gian đô thị được thiết kế vì con người.
Những dạng không gian công cộng phổ biến nhất trong khu trung tâm đô thị là đường phố, quảng trường, công viên, khoảng lùi của các tòa nhà hai bên đường, sân trong của một số công trình phục vụ quảng đại quần chúng, không gian mở ven biển, sông và hồ. Trong số đó, đường phố có thể coi là không gian công cộng quan trọng bậc nhất vì tính kết nối tất cả các không gian công cộng còn lại, bên cạnh những ưu thế bản thân sẵn có như công trình và vỉa hè hai bên. Tuyến phố càng dài thì tính kết nối các không gian công cộng càng lớn. Nếu phố ấy giao cắt với nhiều phố khác, thông thường là như vậy trong khu trung tâm – nơi có mật độ đường trên một đơn vị diện tích luôn ở mức cao, người sử dụng càng có nhiều lựa chọn điểm đến, và trải nghiệm càng phong phú.
3. Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về tổ chức tuyến phố đi bộ trong trung tâm đô thị lịch sử
Trên thế giới và ngay tại Việt Nam đã có rất nhiều ví dụ minh họa cho sự thành công của việc tổ chức không gian công cộng trong các đô thị lịch sử, trước hết phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi và giao tiếp của cộng đồng dân cư địa phương, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của du lịch, và đem lại những “giá trị gia tăng” cho địa điểm. Năm tuyến phố ở năm thành phố đến từ năm quốc gia sau đây được lựa chọn để làm rõ tầm quan trọng, những điểm chung và những nét riêng của việc tổ chức những không gian công cộng đó.
Thành phố Weimar (Đức) và tuyến phố đi bộ Schiller
Weimar chỉ là một TP nhỏ thuộc tiểu bang Thüringen ở CHLB Đức, với vỏn vẹn 65.000 dân, tuy nhiên thành phố này lại nổi bật trên bản đồ lịch sử và văn hóa của Đức vì là chiếc nôi của âm nhạc, triết học, nhất là thơ ca và kiến trúc. Nhạc sỹ thiên tài Johann Sebastian Bach có thời gian sống và sáng tác ở Weimar. Các đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe và Friedrich Schiller cũng gắn bó với TP này nhiều năm. Học phái Bauhaus có tầm ảnh hưởng rất lớn đến kiến trúc và nghệ thuật thế giới những năm 1920 và 1930 cũng xuất phát từ đây. Weimar còn được biết đến vì còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ kính do không bị chiến tranh tàn phá. Khu trung tâm TP vẫn còn nhiều tuyến phố đi bộ lát đá đen có từ thế kỷ 17 luôn tấp nập khách du lịch.
Phố Schiller là một phố đi bộ nổi tiếng nhất trong khu trung tâm Weimar, không chỉ bởi căn nhà mà Đại Văn hào Schiller (Schillerhaus) nằm trên phố này, mà còn bởi nhiều công trình di sản khác cũng tọa lạc trên tuyến phố chỉ dài chưa đầy 300m, trong số đó phải kể đến Nhà hát Quốc gia Đức, Tượng Goethe và Schiller, Bảo tàng Bauhaus lưu giữ những hiện vật rất quý hiếm về trường phái Bauhaus và Wittumpalais (dinh thự của nữ Công tước Anna Amelia). Phố Schiller nối hai quảng trường quan trọng của thành phố là Quảng trường Nhà hát Quốc gia và Quảng trường Tòa Thị Chính, nơi có những sạp hàng rau củ nông sản địa phương, hoa tươi và đồ thủ công mỹ nghệ lưu niệm được bày bán mỗi buổi sáng. Vào mỗi dịp cuối tuần, chính quyền thành phố phục hồi hoạt động của những chiếc xe ngựa cổ chở du khách tham quan đi dọc phố này và một số tuyến phố đi bộ lân cận với người điều khiển mặc trang phục thời Baroque và đội mũ cũng như tóc giả kiểu quý tộc, tiếng móng ngựa lộc cộc trên bề mặt đường lát đá khiến người ta có cảm giác đi ngược thời gian về thế kỷ 17 và 18. Ngoài ra, xung quanh tuyến phố này cũng có hai địa điểm có giá trị văn hóa và lịch sử là Nhà ở của Đại văn hào Goethe kiêm Bảo tàng về thân thế và sự nghiệp của Goethe (Goethehaus/museum) và Thư viện Anna Amelia với nhiều thư tịch cổ quý hiếm.
Bên cạnh lợi thế về các di sản văn hóa và lịch sử, phố Schiller còn hấp dẫn với nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm và nhất là các hoạt động văn hóa nghệ thuật đại chúng. Các nhạc sỹ chơi đàn và họa sỹ vẽ tranh luôn có mặt tại đây hàng ngày. Lễ hội Hoa tháng 5, Lễ hội Hành tháng 10 – lễ hội lâu đời nhất (gần 400 năm), lớn nhất và nhiều màu sắc nhất tiểu bang Thüringen – và Hội chợ Giáng Sinh tháng 12 cũng lấy phố Schiller và quảng trường Tòa Thị chính Weimar làm tâm điểm.
Thành phố Copenhagen (Đan Mạch) và phố Stroget
Phố Stroget dài 1,1 km nằm ở trung tâm TP Copenhagen nối hai quảng trường lớn ở hai đầu là khu thương mại lớn nhất ở thủ đô của Vương quốc Đan Mạch, và là một trong những tuyến phố thương mại dài nhất cũng như sầm uất nhất tại Châu Âu, được mệnh danh là “Thiên đường mua sắm”, với đủ các cửa hàng và nhãn hiệu từ cao cấp đến bình dân. Những ngôi nhà bốn tầng và năm tầng đặc trưng với tầng áp mái có các ô cửa sổ nhô ra đẹp mắt theo nhịp điệu của các ô cửa tầng dưới có tuổi 300 – 400 năm được trùng tu bài bản nên còn giữ nguyên nét kiến trúc cổ xưa là điểm hấp dẫn du khách đầu tiên, rồi mới đến các hoạt động thương mại phong phú xen kẽ với một số hoạt động văn hóa ngoài trời được trình diễn bởi nhiều nghệ sỹ đường phố, tạo nên cảnh tượng nhộn nhịp, thịnh vượng song cũng hết sức thanh bình. Từ năm 1962, phố này chỉ dành riêng cho người đi bộ theo đề án mà KTS Jan Gehl khởi xướng, nên nhịp sống ở đây cũng chậm rãi hơn các khu vực khác trong trung tâm của thành phố. Những quán ăn và quán cà phê nổi tiếng nhất cũng như đặc trưng nhất của Copenhagen đều tập trung trên phố này.
Do chạy qua khu trung tâm nên tuyến phố này kết nối nhiều địa điểm nổi tiếng, chẳng hạn như Cung điện Christiansborg là nơi đồng thời đặt Trụ sở Quốc hội, Phủ Thủ tướng và Tòa án Tối cao của Đan Mạch đồng thời cũng là địa điểm tiếp đón thượng khách của Hoàng gia, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Hoàng gia Đan Mạch, Quảng trường Tòa Thị chính, tượng Nhà văn Hans Christian Andersen, bảo tàng kỷ lục Guinness là những điểm nhấn quan trọng của tuyến phố. Một hoạt động thu hút rất đông du khách là cuộc diễu binh của cận vệ Hoàng gia hàng tuần từ lâu đài Rosenborg đến Cung điện Amalienborg là nơi ở của Hoàng gia. Một điểm độc đáo nữa của phố Stroget là có rất nhiều đài phun nước đẹp mắt. Toàn bộ tuyến phố được lát bằng gạch có hoa văn, nên khác biệt với những tuyến phố lân cận với nền đường thông thường, do đó rất dễ nhận diện cả trên không ảnh lẫn quan sát ngoài thực tế.
Thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) và phố La Rambla
Phố La Rambla dài 1,2 km là phố đi bộ mua sắm nổi tiếng ở thành phố Barcelona, được coi như một Barcelona thu nhỏ, chạy từ Quảng trường Catalunya đến Đài tưởng niệm nhà hàng hải Christopher Colombus trông ra cảng biển Vell. Không kể hai quảng trường ở hai đầu, dọc theo phố này có tổng cộng tám nút giao thông, gồm hai ngã sáu, hai ngã tư và bốn ngã ba. Nhiều công trình kiến trúc có giá trị hiện diện trên tuyến phố này, trong đó phải kể đến Cung điện Virreina, Nhà thờ Thánh Eulalia, Nhà hát Liceu, Bảo tàng Hàng hải, … Phố này có sức hút du khách đặc biệt, luôn tấp nập cả ngày lẫn đêm, kể cả không phải mùa cao điểm du lịch, vì có khu chợ La Boqueria và hàng trăm cửa hiệu kinh doanh cà phê, ki-ốt hoa tươi, quầy bán đồ lưu niệm, nhà hàng phục vụ nhu cầu ẩm thực, phòng tranh, câu lạc bộ đêm, … và công viên Guell là địa điểm vui chơi giải trí mà thanh thiếu niên ưa thích.
Ngoài các công trình tiêu biểu, La Rambla nổi bật hơn hẳn so với các đường phố khác xung quanh nhờ có hàng cây bóng mát (cây du và cây ngô đồng) tuyệt đẹp chạy suốt chiều dài, tạo không khí mát mẻ và thực sự thích hợp với các hoạt động ngoài trời đậm đặc chất Latin miền Nam Âu: Nghệ thuật đường phố, triển lãm tranh tượng ngoài trời… Bên cạnh đó còn có rất nhiều lễ hội, càng làm tuyến phố thêm hấp dẫn.
Một điểm đặc biệt nữa của La Rambla là lịch sử của tuyến phố được gợi mở bằng chính những chi tiết nhỏ của công tác thiết kế đô thị. Gạch lát đường theo kiểu ghép mảnh, có hình sóng nước lăn tăn, kể cho du khách câu chuyện trước đây tuyến phố này từng là một dòng sông cạn dần và con người đã đặt những bước chân đầu tiên lên dải đất đầy bùn nhão đó vào thế kỷ 14, đánh dấu sự hình thành của một khu phố phồn hoa bậc nhất thành Barcelona. Những đài phun nước trên phố luôn là địa điểm hẹn hò yêu thích của giới trẻ thành phố. Du khách khi đến đây cũng hay tung đồng xu xuống đài nước như một cách thức thể hiện nguyện vọng có dịp quay trở lại địa điểm này.
Thành phố Kyoto (Nhật Bản) và phố đi bộ Quận Higashiyama
Nằm ở phía Đông cố đô Kyoto miền Trung của Nhật Bản, quận Higashiyama là một trong những khu di tích lịch sử được bảo tồn tốt nhất thành phố. Đây là nơi tuyệt vời để trải nghiệm nền văn hóa của một Kyoto cổ kính, đặc biệt là ở vị trí đắc địa giữa hai công trình tôn giáo linh thiêng là chùa Kiyomizudera và đền Shorenin. Khu vực này đặc trưng bởi những ngôi nhà kiến trúc bằng gỗ truyền thống cao hai tầng với các cửa hàng bán đồ truyền thống, cả đồ lưu niệm lẫn đồ ăn, được bài trí không khác gì so với thời cách đây hàng trăm năm. Những người dân vẫn mặc bộ đồ truyền thống đi lại trên đường. Tất cả những điều đó như tái hiện một cách hoàn hảo quá khứ giữa hiện tại.
Ngoài chùa Kiyomizudera và đền Shorenin tọa lạc hai đầu, phố đi bộ Higashiyama còn có một loạt địa điểm khác thu hút khách tham quan, bao gồm chùa Chionin, chùa Yasaka, đền Yasaka, đền Entokuin, đền Kodaiji. Nếu đi tản bộ từ đầu đến cuối tuyến phố chỉ mất chừng nửa giờ, song hầu hết du khách đều dành một đến hai ngày để trải nghiệm kiến trúc và văn hóa tại đây. Tuyến đường này còn xuyên qua công viên Maruyama nổi tiếng với kiến trúc cảnh quan đẹp cả bốn mùa trong năm, là điểm dừng chân nghỉ ngơi thú vị dọc đường.
Thành phố Hội An (Việt Nam) và tuyến phố Trần Phú
Hội An là một đô thị cổ có hơn 500 năm lịch sử ở miền Trung Việt Nam, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999. Cuối thế kỷ 15, ngay sau thời kỳ Chăm-pa, Hội An đã có dân cư Đại Việt chuyển tới sinh sống. Trong buổi đầu, cùng với việc khai hoang, lập làng xóm, người Việt còn sáng tạo ra một số ngành nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội nơi đây. Từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17, nhiều người Hoa và người Nhật đến định cư, giúp thương nghiệp Hội An phát triển phồn thịnh. Kết hợp với vị trí địa lý phù hợp trên tuyến hàng hải Đông – Tây, Hội An nhanh chóng trở thành một thương cảng nhộn nhịp, và định hình được bản sắc riêng không trộn lẫn cả về văn hóa lẫn kiến trúc.
Tuyến phố Trần Phú dài hơn 1 km, lòng đường rộng 5 m là tuyến phố đi bộ trung tâm của lõi đô thị cổ Hội An rộng khoảng 2 km2. Ở phía Tây, tuyến phố được đánh dấu bằng Chùa Cầu là một cầu đi bộ bằng gỗ duy nhất có ở Việt Nam với kiến trúc độc đáo, còn đầu phía Đông là nút giao với đường Nguyễn Huệ, có Bảo tàng Lịch sử và Văn hóa Hội An án ngữ. Trên tuyến phố có nhiều công trình kiến trúc quan trọng, mà Hội quán người Hoa là một loại hình đặc thù, ghi lại dấu ấn định cư lập nghiệp hàng trăm năm của Hoa Kiều tại đây. Ngoài hội quán chính còn có bốn hội quán khác tương ứng với bốn vùng miền của Trung Hoa có người di cư đến đây là Quảng Đông, Phúc Kiến, Quỳnh Phủ và Triều Châu. Cả năm hội quán đều hiện diện bên dãy số chẵn. Các công trình nổi bật khác là Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh và Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch. Các ngôi nhà bên dãy số lẻ, với kiến trúc tương đồng, được bảo tồn tốt vì mục đích phục vụ du lịch văn hóa nên giữ nguyên cấu trúc, không gian, đường nét và chi tiết đặc trưng, tạo nhịp điệu cho toàn tuyến phố, còn độc đáo ở điểm là nhà có hai mặt tiền, mặt sau là phố Nguyễn Thái Học, du khách nếu vào tham quan được sự đồng ý của gia chủ có thể đi xuyên từ phố Trần Phú sang.
Nét hấp dẫn của không gian phố Trần Phú, cũng như các phố đi bộ khác trong trung tâm đô thị cổ Hội An, là nhịp sống chậm rãi, thanh bình song không kém phần sinh động. Mỗi không gian góc phố, ngôi nhà đều toát lên vẻ cổ kính và lưu giữ một nền văn hóa nhiều tầng, nhiều lớp và đa dạng, có sự pha trộn giữa yếu tố vật thể và phi vật thể.
Cả năm tuyến phố được chọn đều hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết cho một không gian công cộng hấp dẫn, thu hút cư dân lẫn du khách:
- Có lịch sử phát triển lâu đời, vẫn còn lưu giữ được nhiều nét cổ kính qua nhiều thế kỷ, tọa lạc ở vị trí trung tâm của đô thị lịch sử;
- Là tuyến phố đi bộ, với tỷ lệ con người được chú trọng;
- Có không gian nhận diện đánh dấu rõ ràng đầu tuyến và cuối tuyến, thông thường là hai quảng trường hoặc hai nút giao thông quan trọng, có các công trình điểm nhấn như tượng đài (La Rambla ở Barcelona) hoặc cầu đi bộ (Chùa Cầu ở Hội An);
- Có nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị hai bên phố. Các công trình này nếu không mang tính chất tráng lệ (kiến trúc hoàng gia – kiến trúc tôn giáo) như trường hợp phố Stroget (Copenhagen) và La Rambla (Barcelona) thì có thể mang tính bình dân mộc mạc song gắn với danh nhân văn hóa như trường hợp phố Schiller (Weimar) hoặc được công nhận di sản quốc gia hoặc quốc tế như hai trường hợp còn lại;
- Các hoạt động kinh doanh, thương mại được bố trí khéo léo và đa dạng dọc theo tuyến phố, xen kẽ với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, và chương trình tổ chức các hoạt động đa dạng;
- Có thiết kế đô thị hấp dẫn, khai thác chính lịch sử và văn hóa của khu phố hoặc khu vực và bằng ngôn ngữ tạo hình tái hiện lịch sử và văn hóa đó;
- Có thể thêm các yếu tố nhận diện như gạch lát đường, đài phun nước, hàng cây xanh tốt tạo bóng mát, …
4. Kết luận
Không gian công cộng là nơi thể hiện rõ nét lối sống, văn hóa, lịch sử của một đô thị nên đòi hỏi nhiều yếu tố như thẩm mỹ, sự đa dạng, tính hấp dẫn, bản sắc. Không gian công cộng cần được nghiên cứu kỹ, được thiết kế bổ sung thường xuyên để thích ứng với những yêu cầu và điều kiện mới, tổ chức nhiều hoạt động phong phú và thích hợp, không chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ của cư dân mà còn thúc đẩy sự phát triển của du lịch và cả một hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch, góp phần tạo ra “giá trị gia tăng” và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Tuyến phố đi bộ có điểm mạnh là kết nối nhiều không gian công cộng của một khu vực cũng như xâu chuỗi nhiều loại hình không gian công cộng với nhau nên cần được ưu tiên phát triển/tái phát triển trước, tạo đà cho những thay đổi tích cực hơn nữa của mạng lưới không gian công cộng xung quanh. Trong số các thành phần không gian tuyến phố đi bộ thì những không gian ít gắn với công trình (lòng đường, vỉa hè, khoảng không gian chuyển tiếp, không gian mở kề cận, không gian trên cao) dễ tác động nhất và đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt, ngay lập tức, … ít bị ràng buộc bởi các quy định nên sẽ là “xuất phát điểm” cho một lộ trình dài nhằm thay đổi thiết kế không gian công cộng về chất. Tính linh hoạt và tính đa chức năng (đa dạng) cần được tích hợp vào việc tái phát triển không gian công cộng để đạt được bước tiến vượt bậc về chất được trông đợi.
NCS. Nguyễn Hải Vân Hiền
Bộ môn Quy hoạch Vùng và Đô thị, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng
PGS. TS. Nguyễn Quang Minh
Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2021)
Tài liệu tham khảo
- Gehl, J. (1971), Life between Buildings – Using Public Space, Island Press, Washington
- Gehl, J. (2010), Cities for People, Island Press, Washington
- Carmona, M., Heath, T., Oc, T., Tiesdell, S., (2003), Public Places Urban Spaces, Architectural Press, London
- Jim, W. (2014), Public Space in Urban Asia, World Scientific Publishing, London
- Trang thông tin Thành phố Weimar: https://www.weimar.de/
- Trang thông tin Thành phố Copenhagen: https://ift.tt/32mSpj2
- Trang thông tin Thành phố Barcelona: https://ift.tt/3jkVUBp
- Trang thông tin Thành phố Kyoto: https://ift.tt/3jCf8mf
- Trang thông tin Thành phố Hội An: https://ift.tt/3yolFqP
The post Tổ chức các tuyến phố đi bộ trên thế giới và kinh nghiệm phát triển không gian công cộng tại Hà Nội appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3CeqIfv
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét