Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Come Home chính thức ra mắt Giải pháp trang trí Nội thất toàn diện

Ngày 27/7 vừa qua, Come Home chính thức gia nhập thị trường nội thất Việt Nam, khai trương cửa hàng đầu tiên tại TTTM SC Vivo City, Quận 7.

Bên cạnh những chia sẻ về các xu hướng thiết kế nội thất chuẩn quốc tế, điểm tạo ấn tượng mạnh với khách mời chính là được trải nghiệm cửa hàng “Một điểm đến – One Stop Shopping” đầu tiên tại Việt Nam. Tại đây, khách hàng có thể tìm kiếm giải pháp trang trí nội thất cho mọi góc nhà, từ những sản phẩm nội thất lớn cho các phòng, cho đến đồ trang trí nhà cửa, dụng cụ nhà bếp, thiết bị chiếu sáng,… Sự tiện ích, đa dạng và kết nối trong trải nghiệm khách hàng chính là tiêu chí mà Come Home luôn theo đuổi.

Come Home là thương hiệu cung cấp giải pháp toàn diện về trang trí nội thất, thuộc mảng kinh doanh mới của Tập đoàn Central Retail Việt Nam. Đây là dự án kinh doanh Phi thực phẩm trọng điểm đầu tiên của tập đoàn trong năm 2023.

Với thông điệp A Better Life At Home, Come Home cam kết sứ mệnh truyền cảm hứng vào giải pháp thiết kế để kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn trong chính ngôi nhà của khách hàng. Bằng sự đa dạng trong phong cách, sản phẩm và giá thành, Come Home tự tin đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, mang đến giải pháp thiết kế tinh gọn và toàn diện.

Sự hòa quyện của chất Việt trong phong cách hiện đại

Là thương hiệu nội thất Việt, được định vị cho một Việt Nam hiện đại, Come Home hiểu rõ những giá trị mà mình mang lại phải có sự hài hòa giữa văn hóa Việt và xu thế quốc tế. Để từ đó, định hình cho mình 3 nhóm phong cách riêng biệt.

  • Modern International – sự hiện đại, thanh lịch và phóng khoáng.
  • Modern Simplicity – sự tối giản, đường nét rõ ràng với các tông màu cơ bản.
  • Roots: sự kết hợp giữa phong cách nội thất hiện đại và nét truyền thống Việt

Tựu trung, tất cả tạo nên một Come Home đa dạng, nhiều màu sắc, cho khách hàng thỏa sức sáng tạo và kết hợp, tạo điểm riêng cho ngôi nhà mình.

6 giá trị tạo nên sự khác biệt

1. Mô hình cửa hàng “Một điểm đến – One Stop Shopping”

“Lộ trình” mua sắm liên kết, tích hợp tất cả sản phẩm nội thất tại các căn phòng mô phỏng, ứng với từng khu vực trong nhà. Khách hàng tận hưởng trải nghiệm liền mạch với đa dạng sản phẩm, phù hợp mọi giá thành.

2. Cửa hàng trải nghiệm “độc nhất”

3 nhóm phong cách của Come Home được thiết kế chân thực trong không gian 3000m2, cho khách hàng cảm giác như đang hòa mình vào không gian sống thực tế tại nhà.

3. Công Cụ Thiết Kế Nội Thất Trực Tuyến “Room Planner” đầu tiên tại Việt Nam

Ứng dụng công nghệ 3D giúp khách hàng có thể thử nhiều màu sắc, kiểu dáng, kích thước sản phẩm một cách trực quan để tạo ra thiết kế căn phòng cho riêng mình.

4. Hòa cùng nhịp sống hiện đại của người Việt

Tạo ra các dòng sản phẩm phù hợp với một Việt Nam hiện đại, đáp ứng thị hiếu của khách hàng và khơi gợi niềm tự hào về thương hiệu nội thất thuần Việt.

5. Truyền tải cảm hứng và kiến thức về phong cách nội thất

Không ngừng tổ chức các chuỗi Mini-Workshop và sự kiện tại cửa hàng nhằm truyền tải những kiến thức hữu ích, mang tính ứng dụng cao.

6. Phù hợp khả năng tài chính của từng khách hàng

Các dòng sản phẩm với đa dạng giá, phù hợp với khả năng tài chính của hầu hết các đối tượng khách hàng, phẩn bổ ở cả 3 phân khúc: phổ thông, trung bình và cao cấp.

Chỉ vừa ra mắt nhưng Come Home đã khẳng định được chất lượng của mình khi được MC Liêu Hà Trinh tin tưởng giao “trọng trách” thiết phòng cho bé Luka và Siêu mẫu Ninh Hoàng Ngân lựa chọn đồng hành để tạo ra phòng khách mơ ước.

Sắp tới đây, Come Home sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh với cửa hàng thứ 2 tại TTTM Lotte, Hà Nội. Đó là tiền đề cho sứ mệnh A Better Life At Home của thương hiệu ngày càng vươn xa.

© Tạp chí Kiến trúc

The post Come Home chính thức ra mắt Giải pháp trang trí Nội thất toàn diện appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/zVix9tl
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

Biệt thự hướng Tây có hai lớp chống nóng

Mái trồng cỏ và hệ lam bao quanh căn biệt thự, giúp hạn chế ảnh hưởng của thời tiết và nắng nóng phía Tây.

Căn biệt thự gồm 2 tầng được xây trên khu đất 600 m2 tại TP Thanh Hóa. Mong muốn của chủ nhà là có một không gian sống thông thoáng, đủ công năng và dễ dàng kết nối dành cho gia đình gồm 8 thành viên với 3 thế hệ. Bên cạnh đó, công trình cần giảm thiểu tác động của thời tiết khắc nghiệt tại địa phương.

Sau khảo sát, kiến sư đưa ra giải pháp tạo hai lớp chống nắng ở sân thượng và mặt tiền. Trong đó, hệ mái được trồng cỏ nhằm ngăn nhiệt hấp thụ xuống các tầng dưới, diện tích còn lại dùng để thiết kế giếng trời lấy sáng cho cầu thang, phòng tắm và thông gió qua cảm biến tự động.

Ngoài ra, mặt tiền được bố trí hệ lam bao bọc ngoài cửa kính, tạo thành lớp “áo” giúp tránh nắng nóng gay gắt mùa hè, che chắn mưa bão dịp cuối năm.

Hệ lam chắn làm từ gỗ và nhựa tái chế che phủ 4 mặt, thiết kế theo kết cấu so le như những ô cửa trượt thu nhỏ, dễ dàng đóng mở, mang đến tầm nhìn thoáng nhưng vẫn riêng tư.

Vào ban đêm, ánh sáng từ đèn điện xuyên qua lớp lam tạo hiệu ứng ngôi nhà như chiếc lồng phát sáng.

Bản vẽ phân tích tác động của môi trường đến ngôi nhà.

Vật liệu nhựa tái chế và gỗ còn được áp dụng cho phần mái che lối vào nhà, kết hợp trồng cây xanh vừa che mưa nắng, vừa là khoảng đệm giảm bức xạ nhiệt.

Công trình ưu tiên việc tận thu, tái sử dụng nước mưa, dành diện tích lớn cho sân vườn, cây xanh, hồ nước nhằm điều hoà nhiệt độ, giảm năng lượng tiêu thụ và thân thiện với môi trường.

Mặt tiền dành khoảng sân vườn rộng kết nối với khu sinh hoạt chung ở tầng một.

Hồ cá koi bố trí ngay lối vào nhà trở thành không gian thư giãn, để các thành viên trong gia đình có thể ngồi nghỉ ngơi, trò chuyện mỗi khi rảnh rỗi.

Để đảm bảo đủ công năng cho gia đình 8 người, kiến trúc sư thiết kế gara, nhà kho ở tầng hầm. Tầng một được bố trí 3 phòng ngủ, 2 nhà tắm, một phòng tập thể dục, ở giữa là không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách, bếp và khu vực ăn uống.

Không gian thiết kế theo phong cách hiện đại với hai mặt thoáng ở phía trước và sau nhà. Hệ cửa kính có thể mở ra và xếp gọn lại khi cần.

Tầng hai bố trí 3 phòng ngủ, phòng đọc sách, phòng thờ. Phòng ngủ chính đặt ở cuối nhà nhằm tránh nắng, gió thổi từ phía Tây. Từ phòng ngủ, gia chủ cũng dễ dàng quan sát cảnh quan xung quanh và ngắm khoảng sân vườn xanh mát trước nhà.

Điểm nhấn của tầng hai là khu vực nhà tắm được được thiết kế lộ thiên, đan xen nhiều cây xanh. Hệ rèm lá sách đóng mở linh hoạt giúp tăng sự riêng tư cho người sử dụng.

Phòng đọc sách với tầm nhìn thoáng mát ra khu vườn bên hông nhà.

Bản vẽ tầng một.

Ngôi nhà được thiết kế và thi công trong khoảng một năm, chi phí không được tiết lộ.

Đơn vị thiết kế: 85 Design
KTS chủ trì và chụp ảnh: Tô Hữu Dũng

Theo Hải Lý (vnexpress)

The post Biệt thự hướng Tây có hai lớp chống nóng appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/CixSFMl
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Các công trình kiến trúc giai đoạn 1954-1986: Những giá trị không thể bỏ qua

Trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội giai đoạn 1954-1986, ở miền Bắc nước ta có nhiều công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc cũng như quy hoạch. Xác định phương hướng bảo tồn như thế nào đối với các công trình kiến trúc này, đó là câu hỏi được đặt ra với các nhà chuyên môn, để chúng ta không bỏ qua lớp kiến trúc “cũ, nhưng chưa đủ cổ”, những giá trị nghệ thuật gắn với một thời kỳ gian khó của đất nước.

Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Cung Thiếu nhi, Khách sạn Thắng Lợi... là những công trình kiến trúc tiêu biểu giai đoạn 1954-1986.
Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô, Cung Thiếu nhi, Khách sạn Thắng Lợi… là những công trình kiến trúc tiêu biểu giai đoạn 1954-1986.

Chuyện về bức tranh tường…

Cách đây 3 năm, báo chí thông tin về việc UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất di chuyển phần còn lại của bức tranh tường do họa sĩ Trường Sinh sáng tác vào năm 1982, tại ngã tư Chợ Mơ, về một địa điểm mới để bảo tồn. Kinh phí di chuyển do ông Martin Rama – chuyên gia kinh tế, Giám đốc dự án thuộc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tài trợ.

Trước đó, hai bức tranh cổ động có giá trị của cố họa sĩ Trường Sinh, đặt tại ngã tư Chợ Mơ (ngã tư phố Bạch Mai – Nguyễn Thị Minh Khai – Trương Định – Đại La), có nguy cơ bị phá để giải phóng mặt bằng cho dự án đường vành đai 2. Hai bức tranh đó đã được di dời, một bức đặt ở nhà họa sĩ Trường Sơn (con trai họa sĩ Trường Sinh) tại Ba Vì, một bức đặt tạm ở vỉa hè đường Trần Quang Khải, gần Cầu Long Biên, với ý tưởng góp phần tạo nên trục kết nối cụm không gian nghệ thuật đô thị quan trọng của Hà Nội, gồm Dự án nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng – Dự án con đường gốm sứ ven sông Hồng – Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Tuy vậy, sau đó, tranh cổ động vẫn chưa được dựng lên.

Họa sĩ Trường Sơn chia sẻ: “Không nói đến tiền mà ở đây là câu chuyện thủ tục. Tôi có thể giúp bằng quan hệ nhất định vì tôi là con của tác giả. Nhưng người ký hợp đồng ấy không phải là tôi vì tôi là cá nhân”.

Như vậy, chi phí cho việc dựng bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh vẫn do ông Martin Rama tài trợ, chính quyền địa phương, cụ thể là UBND quận Ba Đình đã đồng ý nhưng vẫn chưa có ai đứng ra dựng bức tranh ấy lên. Dường như chúng ta đang có sự hoài nghi với những tác phẩm nghệ thuật từ quá khứ, mà ở đây là một bức tranh gắn với thời kỳ ngặt nghèo của đất nước.

Thời bao cấp có giá trị lịch sử của nó” – họa sĩ Trường Sơn nói, khi lưu ý về giá trị lịch sử của các tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo trong thời kỳ này.

Ký ức về một thời gian khó

Là ký ức không thể nào quên của biết bao thế hệ thiếu nhi, Cung thiếu nhi Hà Nội được ví như tà áo tinh thần che chở cho hàng vạn trẻ em tại Thủ đô được học tập, vui chơi và giáo dục về thẩm mỹ cũng như thể chất. Nhưng, khi công trình Cung thiếu nhi mới đang được xây dựng ở quận Cầu Giấy, chuẩn bị hoàn thành và đưa vào sử dụng, người ta lại nhớ về Cung thiếu nhi Hà Nội tọa lạc gần hồ Hoàn Kiếm với nỗi lo công trình này sẽ bị đập bỏ hoặc bị chuyển đổi công năng. KTS Trần Huy Ánh cho rằng: Phải dành những không gian sáng tạo ấy để nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật cho trẻ nhỏ. Hoạt động tại Cung thiếu nhi Hà Nội thiếu phong phú là do nhiều nguyên nhân, nhưng điều quan trọng là những con người vận hành công trình đó và nhận thức của nhà quản trị với những mục tiêu lâu dài dành cho con trẻ như thế nào.

Mang nỗi niềm của một thế hệ kiến trúc sư trưởng thành trong thời kỳ đất nước vừa thống nhất, KTS Nguyễn Tiến Thuận cũng nhắc lại dự án nâng cấp, cải tạo khách sạn Thắng Lợi được đề xuất cách đây mấy năm và nỗi lo chung cho những công trình có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, nằm ở vị trí “vàng”, bị phá bỏ. Khách sạn Thắng Lợi được xây dựng từ những năm đầu thập niên 1970, là món quà đặc biệt thể hiện tình hữu nghị Việt Nam – Cu Ba, có quy mô 156 phòng và là khách sạn lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ.

KTS Nguyễn Tiến Thuận cho rằng: Cải tạo hay xây một khách sạn hiện đại ở vị trí khách sạn Thắng Lợi, với quy mô lớn hơn nhiều, đó là ý tưởng quá tệ. Khách sạn Thắng Lợi là cả một câu chuyện lịch sử, mang ý nghĩa chính trị. Không chỉ là câu chuyện lịch sử của hai đất nước, hai dân tộc, mà còn là câu chuyện của những người làm nghề.

Bảo vệ bằng Luật Di sản

Những ví dụ nói trên cho thấy dường như chúng ta chưa quan tâm đầy đủ tới giá trị của những công trình kiến trúc giai đoạn 1954-1986. Chừng nào chưa hoàn thiện được hành lang pháp lý giúp bảo vệ các công trình kiến trúc tiêu biểu ở giai đoạn này thì chừng đó, các công trình ấy còn đứng trước nguy cơ mất đi giá trị nguyên bản trước sức ép hiện đại hóa.

TS.KTS Đặng Hoàng Vũ là người đang trực tiếp tham gia đề tài nghiên cứu “Bảo tồn, phát huy, làm mới trong phát triển kiến trúc Việt Nam”, cụ thể là xác định giá trị công trình xây dựng giai đoạn 1954-1986 ở các địa phương phía Bắc, cho rằng: Khảo sát toàn bộ các công trình được xây dựng từ năm 1954-1986 sẽ là bước khởi đầu để chọn ra những công trình tiêu biểu, từ đó có phương án bảo tồn hợp lý. Điều quan trọng là cần khảo sát, phân loại, xếp hạng các công trình được xây dựng trong thời kỳ 1954-1986. Việc đánh giá, xếp loại các công trình tiêu biểu cần được tiến hành để chúng ta có cơ chế bảo vệ các công trình này bằng Luật Di sản.

Theo ý kiến chung của các chuyên gia, các công trình kiến trúc là sản phẩm vật chất của xã hội, nếu còn có giá trị sử dụng thì nên để cho mọi người được dùng, còn những cái lạc hậu, không thể phát huy được tác dụng mà lại nằm ở vị trí cản trở sự phát triển thì đương nhiên phải bỏ đi. Nhưng trong quá trình ấy, cần có sự cân nhắc kỹ càng để lựa chọn cách ứng xử phù hợp. Đồng ý là cần phát huy công năng của các công trình có giá trị trong thời đại ngày nay, nhưng đồng thời cũng cần bảo tồn, tu bổ một cách thận trọng, hợp lý để giữ gìn giá trị gốc về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc của những công trình ấy.

Theo Thúy Đinh (Nhịp sống Hà Nội)

The post Các công trình kiến trúc giai đoạn 1954-1986: Những giá trị không thể bỏ qua appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/wGb4K3J
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

Khu nghĩ dưỡng Intercontinential Phú Quốc Long Beach Resort: Giải Đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia 2022 – 2023

THÔNG TIN CÔNG TRÌNH

  • Tên công trình: Khu nghĩ dưỡng Intercontinential Phú Quốc Long Beach Resort
  • Tư vấn thiết kế: KTS. Catherine Love, KTS. Dương Thị Thanh Vân – Liên danh giữa Công ty TNHH PTW Việt Nam và Tổng Công ty TV Xây dựng dân dụng Việt Nam (VNCC)
  • Địa điểm: Phú Quốc
  • Chức năng: Khu nghỉ dưỡng
  • Diện tích đất: 91.890 m2
  • Năm hoàn thành: 2017

Công trình đạt Giải Đồng Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2022 – 2023, hạng mục Kiến trúc công cộng

Chi tiết các công trình đạt giải xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/ket-qua-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-2022-2023.html

Tổng quan công trình được thiết kế để phù hợp với môi trường hiện có và giảm thiểu việc thay đổi khu đất.

Công trình bao gồm:

  • Khách sạn và Khu căn hộ dịch vụ
  • Phòng hội nghị/ Phòng đại tiệc
  • Khu mua sắm, spa, câu lạc bộ thể thao

Thiết kế của khách sạn dựa theo cảm hứng của chủ đề biển. Hình tượng con sao biển được sử dung làm ý tưởng chủ đạo thiết kế vì tính chất biểu trưng và hình ảnh có một không hai của nó, thể hiện được môi trường biển của đảo Phú Quốc.

Các đặc điểm nổi trội khác của công trình:

  • Công trình mang đậm đà nét kiến trúc nhiệt đới và sử dụng vật liệu địa phương, kết hợp hài hòa với vật liệu hiện đại kiến tạo nên quần thể công trình nghỉ dưỡng giầu bản sắc và mang tầm cỡ quốc tế.
  • Với thủ pháp thiết kế là tạo ra một “Đồi xanh”, toàn bộ cảnh quan của Khách sạn được duy trì như một không gian sinh thái tự nhiên mà vẫn tạo ra diện tích phía dưới cho bãi đỗ xe và các không gian dịch vụ.
  • Ngọn đồi sẽ loại bỏ hẳn nhu cầu xây dựng công trình ngầm trên khu đất với độ ẩm không ổn định, công trình như vậy sẽ rất phức tạp và chi phí lớn. Đỉnh đồi và khu vực dọc theo mép nước của đảo sẽ trở thành công viên cây xanh mới với trung tâm mua sắm, khu nghỉ ngơi và giải trí.
  • Ngọn đồi được xây cao khoảng 9m so với mặt đất. Tổng chiều cao bên trong là 10,8m gồm 2 tầng dịch vụ.
  • Trên mái xanh và bề mặt của đồi có quần thể thực vật và động vật địa phương.
  • Đa dạng các loài thực vật bản địa sẽ được trồng theo hình khối lượn sóng nhịp nhàng.
  • Định hướng thiết kế bền vững bao gồm hệ thống cấp nước sạch, thoát nước thải và nước mưa, xử lý rác thải, hệ thống chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo, hệ thống cấp điện.

Hội đồng giám khảo đánh giá:

“Khách sạn 500 phòng, đạt tiêu chuẩn 5 sao, thiết kế cho khách sạn biển, resort. Tổ hợp có cấu trúc mới: tạo ra một ngọn “đồi xanh”, trườn xuống 4 cánh, tạo hình như con bạch tuộc, tất cả các phòng đều hướng biển. Thiết kế theo phong cách kiến trúc nhiệt đới, sử dụng vật liệu địa phương, cảnh quan sân vườn đẹp, sinh động… mang đến cho du khách một kỳ nghỉ nhiều trải nghiệm lý thú”.

Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc

The post Khu nghĩ dưỡng Intercontinential Phú Quốc Long Beach Resort: Giải Đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia 2022 – 2023 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/dgfXbwi
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

Bảo tàng nghệ thuật đương đại Flamingo: Giải Đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia 2022 – 2023

THÔNG TIN CÔNG TRÌNH

  • Tên công trình: Bảo tàng nghệ thuật đương đại Flamingo
  • Tư vấn thiết kế: KTS. Nguyễn Thượng Quân, KTS. Kiều Anh Toàn, KTS. Nguyễn Long
  • Địa điểm: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort, xã Ngọc Thanh, huyện Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam
  • Chức năng: Bảo tàng nghệ thuật
  • Diện tích đất: 40710,9 m2
  • Năm hoàn thành: 2020

Công trình đạt Giải Đồng Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2022 – 2023, hạng mục

Chi tiết các công trình đạt giải xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/ket-qua-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-2022-2023.html

Ý tưởng chủ đạo: Hình thức phân tán, hướng tâm. Chính giữa là nhà trưng bày ở trung tâm, vừa là không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật, vừa là không gian sinh hoạt cộng đồng. Từ trung tâm tỏa ra các khối nhà tiểu khu ở triền đồi đan xen, len lỏi trong rừng thông với bố cục: đặc rỗng, phản xạ và hài hòa với thiên nhiên. Mỗi nhánh là 1 chuyên đề trưng bày riêng. Các khối container chồng xếp lên nhau với nhiều màu sắc hội họa tựa như bức tranh nghệ thuật trong rừng thông.

Tổ hợp hình khối: Dự án tái sử dụng 22 container cũ có kích thước của thùng chứa loại container 20 feet (2.44×6.06×2.59m) và loại container 40 feet (2.44×12.19×2.82) tạo thành tổ hợp 12 phòng trưng bày gồm 120 tác phẩm hội hoạ và điêu khắc.

Nhà trưng bày trung tâm: Tái sử dụng 9 container cũ loại 40 feet. Kết hợp vật liệu kính tổ hợp chồng xếp lên nhau tạo thành 3 tầng gồm các chức năng: đón tiếp, café teria, điểm giới thiệu và trưng bày tác phẩm điêu khắc, hội họa.

Khối nhà tiểu khu: Tái sử dụng 13 container cũ loại 20 feet và 40 feet. Kết hợp vật liệu kính tổ hợp thành 8 khối nhà với diện tích, chủ đề trưng bày khác nhau.

Các không gian nghệ thuật ngoài trời gồm không gian trưng bày tác phẩm ngoài trời “Art in the forest”, không gian biểu diễn âm nhạc “Soul in the forest”, không gian biểu diễn thời trang trong rừng “See in the forest” được kết nối bằng các đường dạo len lỏi trong rừng thông. Đưa du khách đến những cung bậc cảm xúc, những trải nghiệm hình ảnh cũng như tầm nhìn cảnh quan khác nhau.

Thiết kế sinh thái: Công trình là sự hòa quyện, cộng sinh giữa con người và thiên nhiên, tích hợp với hệ sinh thái địa phương, với tính bền vững và khả năng tái chế, mọi không gian đều có sự xuất hiện của cây xanh. 80% vật liệu công trình được tái sử dụng từ container cũ kết hợp vật liệu kính tạo sự tương phản nhưng hài hòa với thiên nhiên. Hệ mái kính được phủ 1 lớp lá thông lên trên bề mặt nhằm điều tiết ánh sáng và tạo hiệu ứng bóng đổ lên không gian trưng bày. Dự án còn thể hiện rất nhiều chiến lược sinh thái như sàn nhà, đường dạo được thiết kế nhấc cao khỏi mặt đất và bám theo triền dốc tự nhiên để thoát nước mặt, giảm tác động đến địa hình tự nhiên, không làm tổn hại đến bộ rễ của cây thông hiện trạng. Ngoài ra chống nồm, chống mối cho công trình.

Dự án mong muốn tạo một không gian trưng bày nghệ thuật thân thiện gần gũi nhất với thiên nhiên. Thiết kế hướng tới tương lai, độc đáo, linh hoạt, di chuyển, mở rộng. Thiết kế phát huy tinh thần bảo vệ môi trường, tôn trọng hệ sinh thái tự nhiên và tái sử dụng vật liệu nhằm tạo ra hình mẫu cho tổ hợp container cũ.

Hội đồng giám khảo đánh giá:

“Công trình thiết kế có ý tưởng hay: trong bối cảnh rừng thông, tái sử dụng các container cũ, được sắp xếp cao thấp len lỏi trong không gian cây xanh… để tạo ra không gian và dây chuyền cho bảo tàng. Bản thân công trình là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Đồ án gợi mở một thủ pháp kiến trúc xây dựng nhanh, không kiên cố, không xâm lấn thiên nhiên, để sử dụng công trình trong một thời gian có giới hạn”.

Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc

The post Bảo tàng nghệ thuật đương đại Flamingo: Giải Đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia 2022 – 2023 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/CnzoVv3
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Việt Trì House Complex: Giải Đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia 2022 – 2023

THÔNG TIN CÔNG TRÌNH

  • Tên công trình: Việt Trì House Complex
  • Tư vấn thiết kế: KTS. Nguyễn Văn Thu, KTS. Nguyễn Minh Đức
  • Địa điểm: Việt Trì, Phú Thọ
  • Chức năng: Nhà ở, cho thuê văn phòng, cafe, nhà hàng
  • Diện tích đất: 538m2
  • Năm hoàn thành: 2021

Công trình đạt Giải Đồng Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2022 – 2023, hạng mục Kiến trúc công cộng

Chi tiết các công trình đạt giải xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/ket-qua-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-2022-2023.html

Dự án được xây dựng tại trung tâm thành phố Việt Trì, nằm trên tuyến phố đi bộ, bao quanh công viên và hồ điều hòa trung tâm của thành phố. Công trình được xây dựng với chức năng kết hợp nhà ở và các dịch vụ khác như nhà hàng, coffee, văn phòng….

Ý tưởng chính của công trình là sự đan xen giữa các yếu tố: công năng và hình thức, kiến trúc và thiên thiên, bên trong và bên ngoài, cây xanh và ánh sáng, giữa vật liệu kính và bê tông… Hơn thế, đó còn là sự tương tác giữa công trình và bối cảnh xung quanh, giữa con người và xã hội…. Các yếu tố này luôn tồn tại trong một công trình, như âm và dương, cái này làm nền cho cái kia, cái này đan xen vào cái kia, tạo ra một thể thống nhất, cân bằng.

Về công năng, đây là một tòa nhà tổ hợp, có rất nhiều chức năng khác nhau. Tầng hầm là khu vực để xe, kho dự trữ. Tầng 1 là khu vực lối vào chính, sảnh chung của tòa nhà dẫn vào khu vực thang máy và thang bộ, ngoài ra còn có khu vực coffee trong nhà và ngoài trời. Tầng 2,3,4,5 là không gian dịch vụ cho thuê văn phòng, co-working…. Tầng 6, 7 là nhà ở. Tầng 8, 9 là tầng coffee trên mái, kết hợp sân vườn.

Về hình thức, xuất phát từ vị trí và công năng của công trình, mặt đứng công trình được tạo ra từ sự kết hợp giữa các khối chức năng và ban công trồng cây xanh, các không gian sử dụng trong nhà được bao phủ bởi kính trong suốt, nhằm khai thác tối đa tầm nhìn từ bên trong và ánh sáng tự nhiên. Sự đan xen, thò ra thụt vào của các khối chức năng, tạo nên một không gian sinh động trên mặt đứng, đồng thời tạo ra sự kết nối giữa các tầng với nhau.

Công trình sử dụng vật liệu chủ yếu là bê tông trần, kính và cây xanh. Tạo nên một hình thức kiến trúc hiện đại, đơn giản và thô mộc, gần gũi thiên nhiên. Đồng thời vật liệu bê tông trần có thể làm giảm chi phí hoàn thiện và bảo trì hàng năm. Nhằm hướng tới một kiến trúc bền vững và đơn giản trong việc sử dụng, vận hành tòa nhà.

Hệ thống cây xanh được trồng trong các chậu bằng bê tông, có sử dụng hệ thống tưới nước tự động, và dễ dàng thay thế, chăm sóc khi cần thiết. Các loại cây được lựa chọn trồng chủ yếu là cây địa phương, cây ăn quả, cây hoa và rau ăn hàng ngày. Tạo nên một không gian thiên nhiên đa dạng và phong phú về chủng loại, bao bọc lấy tất cả các không gian sử dụng của tòa nhà.

Trong dự án này, Kiến trúc sư mong muốn xây dựng một công trình tuy phức tạp nhưng lại được tạo nên từ những thứ đơn giản, và gần gũi như cây xanh và ánh sáng, vật liệu chính chỉ có bê tông trần và kính trong suốt. Tòa nhà là một sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố: công năng và hình thức, trong và ngoài, trên và dưới, giữa kiến trúc, con người và thiên nhiên. Công trình này rất đơn giản, theo nghĩa là không thể bỏ đi thứ gì được nữa. Theo thời gian nó sẽ giúp khuyến khích con người hạn chế các nhu cầu tiêu thụ vật chất, tập trung vào các giá trị tinh thần qua việc tái kết nối con người với nhau và với thiên nhiên. Đó là những gì chúng tôi nghĩ là giá trị đích thực và bền vững.

Hội đồng giám khảo đánh giá:

“Đồ án thiết kế chỉn chu, chặt chẽ, mang lại hiệu quả sử dụng tốt của cấu trúc mặt bằng. Hình ảnh kiến trúc đơn giản, thanh thoát, vật liệu thô mộc gắn với thiên nhiên. Điều mang đến hiệu quả cho công trình là giải pháp thay đổi không gian trên mặt bằng, mặt đứng với các khoảng thông tầng… tạo hiệu ứng tầm nhìn từ bên trong căn hộ và bên ngoài”.

Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc

The post Việt Trì House Complex: Giải Đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia 2022 – 2023 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/tnUdw4J
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//