I. Về Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia
Điều lệ Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) đã nêu rõ: Đây là giải thưởng do Thủ tướng Chính phủ thành lập ngày 19/01/2023 và giao cho Hội KTS Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đồng tổ chức. Đây là giải thưởng chính thống cao nhất, có uy tín và lâu đời nhất về kiến trúc tại Việt Nam, được nhà nước Việt Nam công nhận là cơ sở để xét tặng các giải thưởng Quốc gia cao quý khác bao gồm: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng như các Giải thưởng về thành tựu Kiến trúc quốc tế…
Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia hướng đến các mục tiêu chính là:
- Thúc đẩy sáng tạo kiến trúc;
- Tôn vinh các tác giả, tác phẩm kiến trúc xuất sắc;
- Góp phần định hướng phát triển nền Kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật kiến trúc.
Đến nay, qua 15 kỳ Giải thưởng, đã có 2350 tác phẩm tham dự. Từ các kỳ đó đã chọn trao 01 Giải thưởng Lớn, 26 giải Nhất/Giải Vàng, 120 Giải Nhì/Giải Bạc, 247 Giải Ba/Giải Đồng, hơn 200 Giải Khuyến khích… Trong mùa giải năm nay (2023), Hội đồng GTKTQG sẽ trao 57 giải thưởng trên tổng số 226 tác phẩm dự thi.
GTKTQG là giải thưởng có phạm vi cả nước với rất nhiều thể loại công trình, tác phẩm sau:
- Kiến trúc công trình
- Kiến trúc nhà ở:
- Nhà ở riêng lẻ;
- Nhà chung cư, nhà thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở hỗn hợp trong các khu đô thị, làng xã, ký túc xá,…
- Kiến trúc công cộng:
- Công trình thương mại và dịch vụ hỗn hợp: Trung tâm thương mại, văn phòng và dịch vụ hỗn hợp, đa năng…;
- Công trình nghỉ dưỡng: Resort, khách sạn, khu vui chơi giải trí…;
- Công trình trụ sở: Cơ quan, công sở, văn phòng, viện nghiên cứu…;
- Công trình truờng học, bệnh viện: Trường học, bệnh viện – công trình chăm sóc sức khỏe…;
- Công trình văn hóa và xã hội: Nhà hát, bảo tàng, nhà triển lãm, trung tâm trình diễn nghệ thuật, cung văn hóa, nhà cộng đồng, công trình tôn giáo…;
- Kiến trúc công nghiệp: Nhà máy, kho, xưởng, cụm công nghiệp, khu chế xuất và sản xuất khác…
- Công trình đặc biệt: Tổ hợp thể thao, sân vận động, sân bay, nhà ga, bến tàu, cầu, đường…
- Bảo tồn và thích ứng di sản kiến trúc: Các dự án bảo tồn hoặc khôi phục di sản kiến trúc, các dự án tái sử dụng thích ứng hoặc phát triển di sản kiến trúc…
- Kiến trúc nội – ngoại thất và Kiến trúc cảnh quan – Thiết kế đô thị
- Kiến trúc nội – ngoại thất;
- Kiến trúc cảnh quan – Thiết kế đô thị;
- Quy hoạch
- Quy hoạch đô thị (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết);
- Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, Quy hoạch xây dựng vùng huyện và Quy hoạch nông thôn (quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn);
- Quy hoạch xây dựng các khu chức năng (quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng).
- Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình kiến trúc:
- Tác phẩm nghiên cứu kiến trúc và Tác phẩm lý luận, phê bình kiến trúc (ấn phẩm xuất bản trong vòng 2 năm trước hạn nộp bài GTKTQG).
- Tạp chí chuyên ngành kiến trúc – quy hoạch (xuất bản trong vòng 2 năm tính đến hạn nộp bài) và Tập hợp các bài báo theo chủ đề (có số lượng từ bài trong vòng 2 năm tính đến hạn nộp bài GTKTQG).
- Tác phẩm điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình về kiến trúc (tác phẩm phát sóng/ trình chiếu trong vòng 2 năm trước hạn nộp bài GTKTQG).
Tuy có sự thăng trầm nhất định theo từng mùa giải nhưng GTKTQG đã và đang khẳng định uy tín là giải thưởng danh giá bậc nhất của Kiến trúc Việt Nam và có đóng góp không nhỏ vào nhận thức xã hội và công cuộc xây dựng, kiến quốc.
Theo định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, nhiệm vụ xây dựng hệ thống lý luận, phê bình là hết sức quan trọng, tuy nhiên triển khai còn bị động trên bình diện quốc gia. Việc phát huy giá trị của GTKTQG hay mở rộng sức ảnh hưởng của kết quả các mùa giải là một việc cần thiết và hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ đã nêu trong định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam. Các công tác chính trong tổ chức giải như phát động, chấm chọn và truyền thông, đặc biệt là truyền thông hậu giải thưởng với các công bố ở dạng ấn phẩm được đúc kết các lý luận của không chỉ các tác giả mà còn bao gồm: Hội đồng giám khảo cần được hoàn thiện tốt hơn nữa.
II. Về phát huy giá trị của GTKTQG
Trải qua 14 mùa giải, đối chiếu với 3 mục tiêu của giải thưởng, chúng ta đã vinh danh hàng trăm giải thưởng trong các thể loại Vàng, Bạc, Đồng với một Giải thưởng Lớn – Điều này minh chứng cho việc hoàn thiện hai mục tiêu đầu của giải thưởng là: Thúc đẩy sáng tạo kiến trúc và tôn vinh các tác giả, tác phẩm kiến trúc xuất sắc. Tuy nhiên, còn mục tiêu thứ ba là góp phần định hướng nền Kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật kiến trúc thì các kết quả đạt được còn khá khiêm tốn. Mục tiêu cuối cùng mà quan trọng này có thể được hiểu như sau: Để định hướng phát triển nền kiến trúc nhất thiết cần xây dựng được hệ thống lý luận của riêng Kiến trúc Việt Nam. Theo các nhiệm vụ chủ yếu của định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/07/2021 thì công tác lý luận phê bình kiến trúc gồm: Phát triển hệ thống lý luận, phê bình kiến trúc gắn lý thuyết với thực tiễn và giá trị bản sắc dân tộc, tính bản địa trong kiến trúc, đẩy mạnh phản biện xã hội thông qua phê bình kiến trúc; Xây dựng bản sắc kiến trúc mới của Việt Nam trong xu thế toàn cầu hoá và cách mạng khoa học kỹ thuật. Chính các quan điểm, giải pháp trong từng tác phẩm được trao giải tại GTKTQG là những viên gạch đặt nền móng cho hệ thống lý luận của Kiến trúc Việt Nam. Điều này cần được tổng hợp đúc kết qua từng mùa giải, từng giai đoạn lịch sử để làm rõ, khẳng định những thử nghiệm sáng tạo của các kiến trúc sư trên khắp mọi miền tổ quốc với đa dạng thể loại công trình, tác phẩm. Mặt khác, vai trò của hội đồng giám khảo với tư cách là các chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực, thể loại cũng cần được khai thác hiệu quả hơn nữa. Mỗi nhóm, mỗi cá nhân giám khảo đã có những nhận xét, phân tích về các điểm thành công cũng như chưa thành công của mỗi đồ án trong quá trình chấm chọn, nay cần được hệ thống lại như những bài phê bình kiến trúc súc tích, chính xác để biên tập thành ấn phẩm phát hành rộng rãi tới công chúng và giới KTS Việt Nam.
Như vậy, sau mỗi mùa giải sẽ có các ấn phẩm với tên gọi “Tuyển tập Giải thưởng KTQG” giới thiệu các bản vẽ, ảnh chụp công trình với thuyết minh của tác giả và quan trọng là những bài phê bình, nhận xét của thành viên hội đồng giám khảo. Ấn phẩm này sẽ phát huy giá trị của GTKTQG vì nó chứa đựng hàm lượng khoa học và các quan điểm sáng tạo của Kiến trúc Việt Nam, được khẳng định bằng các nhận định của hội đồng giám khảo. Ấn phẩm này cũng chính là công bố của Hội KTS Việt Nam với giới nghề, các kiến trúc sư trẻ cũng như cộng đồng về những thành tựu của kiến trúc Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử, có như vậy mục tiêu góp phần định hướng phát triển nền kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật kiến trúc sẽ được hoàn thiện một cách trọn vẹn. Xét trên góc độ gắn lý thuyết với thực tiễn thì đây cũng chính là cách mà chúng ta xây dựng lý luận Kiến trúc Việt Nam từ những đúc kết thực tiễn, những công trình, tác phẩm đã được tuyển chọn công phu đại diện cho kiến trúc nước nhà.
III. Kết luận
Nhiệm vụ xây dựng hệ thống lý luận, phê bình Kiến trúc Việt Nam trong định hướng phát triển nền Kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 do Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cần được triển khai cụ thể, mà việc phát huy giá trị sức ảnh hưởng của GTKTQG là một giải pháp khả thi có thể đi vào thực tiễn cuộc sống. Muốn đạt được các kết quả đó, công tác tổ chức tuyên truyền, chấm chọn và truyền thông sau giải thưởng cần được đẩy mạnh thông qua các giải pháp đã chỉ ra trong bài tham luận này
- Công tác tuyên truyền vận động dự thi cần được tổ chức sâu, rộng, đồng bộ hơn trên toàn quốc dưới nhiều hình thức phong phú hơn như truyền hình, tạp chí và các nền tảng mạng xã hội…;
- Công tác chấm chọn đã được thực hiện bài bản và nghiêm túc nay cũng cần hoàn thiện hơn thông qua việc nêu cao trách nghiệm, quyền lợi của hội đồng cũng như từng thành viên ban giám khảo. Phần nhận xét của các giám khảo cần được làm kỹ lưỡng, cẩn trọng như những bài phê bình có giá trị tương đương với nội dung của một bài báo khoa học (được quy đổi tính điểm tích luỹ hành nghề liên tục CPD);
- Việc trao giải trang trọng đã được tổ chức xứng tầm cần phát huy và bổ sung ấn phẩm của GTKTQG. Ấn phẩm đầy đủ và công phu sau mỗi mùa giải là tổng kết một cách đại diện nhất cho diện mạo kiến trúc nước nhà từng giai đoạn. Các giải pháp cụ thể cho tới các quan điểm mới trong sáng tạo kiến trúc đã được thử nghiệm và đánh giá bởi hội đồng giám khảo sẽ là những định hướng thiết thực cho kiến trúc nước nhà và đồng thời là cơ sở quan trọng góp phần xây dựng hệ thống lý luận cho Kiến trúc Việt Nam.
Chào đón thành công của mùa giải năm nay, với những đóng góp lớn nhỏ cho kiến trúc, chúng ta tin tưởng và hy vọng về một nền Kiến trúc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2023)
The post Phát huy giá trị giải thưởng kiến trúc quốc gia – Xây dựng hệ thống lý luận kiến trúc Việt Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/kIsBmd4
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét