Phần 6: Phục hồi kích thước nền móng và mặt bằng kiến trúc Ðiện Cần Chánh
Tiếp theo những bài nghiên cứu trước (1), trong bài viết này, thông qua việc nghiên cứu những cây thước triều Nguyễn (Quan Xích), xác định đơn vị thiết kế kiến trúc truyền thống, phân tích đối sánh với những công trình kiến trúc đồng đại và đồng dạng, phân tích kích thước nền móng hiện tồn, chúng tôi đề xuất giải pháp phục hồi kích thước nền móng và mặt bằng kiến trúc của Điện Cần Chánh (ĐCC).
Nền móng kiến trúc ĐCC được trùng tu phục hồi đáp ứng tiêu chí về bảo tồn yếu tố cấu thành gốc và đảm bảo tính chân xác trong công tác bảo tồn, trùng tu và tái thiết di sản theo tinh thần các Công ước quốc tế và Luật Di sản Văn hóa Việt Nam sẽ là cơ sở học thuật và kỹ thuật quan trọng, làm nền tảng cho việc triển khai nghiên cứu tái thiết cấu trúc phần trên của công trình di sản kiến trúc quan trọng này.
Phế tích nền móng và quy mô kiến trúc Điện Cần Chánh
Như đã đề cập trong bài nghiên cứu trước (1), từ khi toàn bộ cấu trúc phần trên bị thiêu hủy vào năm 1947 trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945 – 1954), nền móng ĐCC tồn tại ngoài trời, tiếp xúc trực tiếp với mưa nắng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Huế đã làm nền móng công trình này bị xuống cấp về mặt vật lý, làm phai mờ hoặc mất mát nhiều dấu tích trên bề mặt của nền móng kiến trúc hiện tồn. Tuy nhiên, sự hiện hữu của nó minh chứng rằng công trình ĐCC đã tồn tại ở vị trí khởi nguyên từ khi được khởi công xây dựng cho đến thời điểm bị thiêu huỷ, và phế tích nền móng này tiếp tục tồn tại tại vị trí khởi nguyên đó cho đến ngày nay.
Theo đó, nền móng ĐCC (hình 1) có chiều ngang đo được là 43,00m (phương vĩ tuyến) gồm 10 hàng cột (từ trục 1 đến trục 10) và chiều dọc 32,34m (phương kinh tuyến) gồm 8 hàng cột (từ trục A đến trục H), bốn mặt đều có bậc cấp làm bằng đá Thanh được đẽo gọt cẩn thận. Nền Điện có tổng cộng 80 viên Đá tán (loại lớn khoảng 680 x 680 mmm, loại vừa khoảng 600 x 600 mm, loại nhỏ khoảng 520 x 520 cm) được định vị tại những giao điểm của 10 hàng cột theo phương ngang (1-10) và 8 hàng cột theo phương dọc (A–H), hiện nay duy chỉ viên Đá tán A1 đã bị mất. Ngoài ra, phía trước (mặt Nam) của nền Điện có một hàng cột hiên, hiện vẫn còn lữu giữ 10 viên Chân Táng Cổ Bồng được đặt trên cote nền của sân Bái Đình (thấp hơn so với nền ĐCC 2,3 thước ta, tương đương 985mm). Quy mô nền móng này phù hợp với thể loại kiến trúc “Trùng thiềm điệp ốc” mà sử liệu thường mô tả là “Trùng Lương Trùng Diêm” (Xà chồng mái chồng) gồm 2 tòa nhà kết nối với nhau và được đặt trên cùng 1 nền móng. Mặt bằng bao gồm: Tòa nhà trước gọi là Tiền Điện (前殿), tòa nhà sau là Chính Điện (正殿), phần liên kết 02 tòa nhà với nhau là Thừa Lưu (承霤), phần mái hiên bên ngoài phía trước gọi là Tiền Hiên (前軒) hay còn gọi là “Phi Diêm” được nâng đỡ bằng cấu trúc gỗ gọi là “Thừa Vinh”, phía sau là Hậu Hiên (後軒), bên trái là Đông Hiên (東軒) và bên phải là Tây Hiên (西軒).
Trên cơ sở tham chiếu với công trình hiện còn là Điện Thái Hoà (cùng tọa lạc trên trục Dũng đạo của Hoàng Thành Huế, phía trước của ĐCC) thì nhận thấy rằng ĐCC là công trình thể loại “Trùng thiềm điệp ốc” tiêu chuẩn gồm Tiền điện 5 gian, Chính điện 3 gian 2 Chái kép. Mặt bằng nền Điện theo phương ngang bao gồm: Gian giữa (A) gọi là Chính Trung Gian (正中間), các gian bên (B) là Thứ Gian (次間), Chái nội (C) là Nội Sương (内廂) và Chái ngoại (D) là Ngoại Sương (外廂). Theo phương dọc bao gồm: Gian lòng Trến chính điện (E) gọi là Chính Điện Lương Gian (正殿梁間), Gian lòng Trến tiền điện (F) là Tiền Điện Lương Gian (前殿梁間), Gian Thừa lưu (I) là Thừa Lưu Gian (承霤間), Gian lòng Khuynh chính điện (G) là tiền/hậu Khuynh (前後傾) và các gian tiền/hậu Chái (H) là tiền/hậu Sương (前後廂) (hình 2).
Quan xích Triều Nguyễn và đơn vị thiết kế kiến trúc Cung điện Huế
Để có cơ sở ước tính đơn vị thiết kế, chúng tôi tham khảo những cây thước chính thức của triều đình Nguyễn (thường gọi là “Quan Xích”) được lưu giữ trong các bảo tàng ở Việt Nam (bảng 1, hình 3), những cây thước truyền thống thuộc sở hữu của thợ mộc và thầy địa lý, kiểm chứng số đo từng bộ phận của Cửu Đỉnh (九鼎) tại khu vực Thế Miếu (hình 4), sử dụng kết quả đo đạc kích thước thực tế của Hoàng Thành và các khu Lăng Tẩm cung cấp bởi máy toàn đạc quang tuyến (Optimal measurement machine) chia cho số kích thước (hệ trượng/xích) được ghi chép trong sử liệu. Kết quả cho thấy, 01 đơn vị thiết kế dùng cho Hoàng Thành ước tính = 424mm~428mm, và 01 đơn vị thiết kế dùng cho các Lăng ước tính = 380mm~382mm(2).
Ngoài ra, theo sử liệu, nền ĐCC cao 2,3 thước (基高二尺三寸) (3) , kích thước đo đạc thực tế 3 mặt Đông, Tây, Bắc của nền Điện cao trung bình 540mm, mặt Nam cao 985mm, nếu lấy kích thước này chia cho số 2,3 thước nêu trên thì 01 đơn vị ước tính = 428mm (phù hợp với biên độ dao động đơn vị kích thước thiết kế nêu trên). Như vậy, mặt Nam là mặt chính của ĐCC nên sử liệu chỉ đề cập đến kích thước nền móng ở mặt này, vì vậy chúng tôi sẽ dùng đơn vị ước tính này để phân tích.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/07/23A07020-2-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/07/23A07020-3-380x247.jpg)
Nghiên cứu đối sánh công trình đồng đại và đồng dạng
Có 14 công trình đồng đại (được xây dựng cùng thời kỳ) và đồng dạng (tương đồng về hình thức và quy mô kiến trúc) được liệt kê để khảo sát và phân tích (bảng 2). Trong số đó, Điện Càn Thành, Điện Cần Chánh, Thái Tổ Miếu và Điện Phụng Tiên đã bị mất cấu trúc phần bên trên (chỉ còn lại phế tích nền móng), 10 công trình khác đều đang còn tồn tại. Chúng tôi đã tiến hành đo đạc mặt bằng, mặt cắt, khảo sát các hàng cột và khẩu độ gian của 10 ngôi Điện còn lưu giữ được cấu trúc phần bên trên, thu được kích thước khẩu độ gian (tim-tim các viên Đá tán), kích thước chi tiết và chiều cao các cấu kiện, 04 ngôi Điện chỉ còn nền móng được phân tích bằng cách sử dụng số đo tim-tim các viên Đá tán và kích thước tổng nền.
Dựa trên kết quả đo đạc kích thước thực tế, chúng tôi đã tiến hành phân tích tỉ lệ giữa kích thước tổng thể và kích thước bộ phận, đối sánh chéo giữa hai nhóm đồng đại và đồng dạng để xác định sự tương đồng và dị biệt về mặt bằng giữa các nhóm công trình và giữa các đơn nguyên, từ đó đề xuất giải pháp phục hồi kích thước nền móng và mặt bằng kiến trúc ĐCC.
Căn cứ kết quả phân tích tỷ lệ kiến trúc và khẩu độ bước gian của những công trình kiến trúc đồng đại và đồng dạng nêu trên, có thể phân thành 03 nhóm gồm: Cung Điện, Miếu Điện (tọa lạc bên trong Hoàng thành và Kinh thành), Tẩm Điện tọa lạc ở các khu lăng tẩm Hoàng đế, phương pháp thiết kế mặt bằng của các công trình này được đúc kết như sau (hình 5, 6):
1. Phương pháp thiết kế mặt bằng sử dụng cho thể loại Cung Điện
Đối với phương pháp này, kích thước khẩu độ Gian giữa (A) = Gian lòng Trến chính điện (E) được quyết định trước tiên bằng đơn vị Xích (尺). Kích thước khẩu độ gian này thường được ấn định ở phần giao nhau của mực tim Cột hàng nhất và tim Xuyên hoặc tim Trến (phần phía trên của cây cột), kích thước này ở phần dưới của các cây cột (tim-tim chân cột) sẽ được cộng thêm độ thách của cột nên thường lớn hơn chính nó ở phần bên trên. Kỹ thuật dựng cột nghiêng theo lối “Thượng thu – Hạ thách” (kích thước bên trên thu vào, kích thước bên dưới kéo ra) vốn đã phổ biến trong kỹ thuật xây dựng truyền thống của người Việt.
Theo phương ngang (vĩ tuyến), khẩu độ Gian bên (B) được quyết định với việc giảm từ kích thước của Gian giữa (A), hoặc được sao chép và giảm từ kích thước khẩu độ Gian lòng Trến tiền điện (F), khẩu độ gian Chái nội (C) và Chái ngoại (D) sẽ được giảm dần từ kích thước khẩu độ Gian bên (B) theo nguyên tắc “Gia-Giảm” (tăng thêm hoặc giảm bớt). Theo phương dọc (kinh tuyến), kích thước khẩu độ các Gian Thừa lưu (I), Gian lòng Khuynh chính điện (G), Gian tiền/hậu Chái (H) sẽ tương ứng với các khẩu độ (B), (C) và (D) theo nguyên tắc “Bắt Vần” (sao chép kích thước vuông góc).
2. Phương pháp thiết kế mặt bằng sử dụng cho thể loại Miếu Điện và Tẩm Điện
Theo phương ngang (vĩ tuyến), kích thước khẩu độ Gian giữa (A) được quyết định đầu tiên bằng đơn vị Xích (尺), sau đó, khẩu độ Gian bên (B) được quyết định với việc giảm từ kích thước của (A). Tiếp theo, khẩu độ Gian lòng Trến chính điện (E) sẽ được quyết định từ kích thước của (B), tiếp theo khẩu độ Gian lòng Trến tiền điện (F) sẽ được quyết định từ kích thước của (E), kích thước khẩu độ của (C) và (D) sẽ được giảm từ kích thước của (B). Tương tự, theo phương dọc (kinh tuyến), kích thước khẩu độ các Gian Thừa lưu (I), Gian lòng Khuynh chính điện (G), Gian tiền/hậu Chái (H) sẽ tương ứng với các khẩu độ (B), (C) và (D) theo nguyên tắc “Bắt Vần” như đã đề cập ở trên.
Phục hồi kích thước mặt bằng kiến trúc Điện Cần Chánh
1. Phân tích kích thước khẩu độ gian (theo hiện trạng)
Theo phương ngang (vĩ tuyến), kích thước khẩu độ gian của ĐCC được xác định như sau: Trước tiên, Gian giữa (A) được thiết lập = 12,3 thước (tim-tim chân cột), từ (A) – 0,9 thước = (B) = 11,4 thước, từ (B) – 0,1 thước = (C) = 11,3 thước, từ (C) – 03 thước = (D) = 8,3 thước. Theo đó, kích thước tổng gian là 97,1 thước (tính từ trục 1-10), kích thước tổng nền là 100,5 thước (tính từ mép ngoài của mặt nền từ Đông sang Tây và đã bao gồm sự biến dạng ngã ra).
Theo phương dọc (kinh tuyến), kích thước khẩu độ Gian lòng Trến chính điện (E) được thiết lập = 12,7 thước (tim-tim chân cột), từ (E) – 01 thước = (F) = 11,7 thước (đây là cấp số trừ tiêu chuẩn và phổ biến của thể loại kiến trúc này). Từ đây, kích thước khẩu độ gian (G) = (C) = 11,3 thước, (H) = (D) = 8,3 thước. Theo đó, kích thước tổng gian của ĐCC theo phương dọc là 72 thước (tính từ trục A-H), kích thước tổng nền là 75,7 thước (tính từ mép ngoài của mặt nền từ Nam lên Bắc và đã bao gồm sự biến dạng nghiêng vào) (bảng 3, 4).
Những khẩu độ gian này (tính từ tim-tim chân cột) đã bao gồm độ thách 1 chiều của cột (kỹ thuật thách nội) có mối quan hệ với độ thách 2 chiều (kỹ thuật gũ đầu) của các cột góc từ đó tạo nên độ réo mái ở các góc nhà (mái ở 4 góc được vuốt cong lên và cao hơn so với khu vực mái ở giữa), đồng thời được điều chỉnh sao cho độ thách cột nằm trong phạm vi từ 0,1 – 0,2 thước (tương đương 43mm~86mm). Đối với ĐCC, các khẩu độ gian (G), (C), (H) và (D) là giống nhau, trong khi đó, khẩu độ Gian thừa lưu (I) = (G) – 2,9 thước = 8,4 thước, không được xách định bởi khoảng cách tim-tim chân cột mà được xác định bởi khẩu độ tim-tim đầu cột (kỹ thuật thách ngoại là hệ quả của kỹ thuật thách nội của cột hàng nhất Tiện điện và cột hàng nhì Chính điện).
2. Cơ sở lập luận thiết kế phục hồi
Thứ nhất, ĐCC thuộc thể loại Cung điện quy mô lớn được xây dựng với chức năng là nơi làm việc của Hoàng đế và Nội các triều Nguyễn (4). Vì vậy, phải tuân theo nguyên tắc thiết kế mặt bằng của thể loại kiến trúc Cung điện (tham khảo hình 6).
Thứ hai, nền móng hiện tồn của ĐCC bao gồm 79 viên Đá tán nguyên gốc vẫn còn được lưu giữ, bao gồm dấu tích đường kính cột và nhiều dấu tích liên quan đến sự biến đổi hình thái kiến trúc. Toàn bộ kích thước khẩu độ gian được xác định cụ thể làm cơ sở khoa học cho phục hồi kích thước thiết kế lý thuyết (tham khảo hình 1, 2).
Thứ ba, ĐTH là công trình được xây dựng cùng thời kỳ với ĐCC, tương tự nhau về bố cục mặt bằng, hình thức kết cấu hệ khung gỗ và quy mô kiến trúc, vẫn còn hiện tồn tại ở vị trí phía trước gần ĐCC (hình 11, 12). Sự tồn tại của công trình đồng đại và đồng dạng này là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu đối sánh toàn diện cho việc nghiên cứu tái thiết ĐCC (tham khảo hình 6).
Thứ tư, nguồn tư liệu ảnh cổ (5) là cơ sở vững chắc minh chứng cho sự tồn tại và hình thức kiến trúc của ĐCC hoàn toàn phù hợp với quy mô và kích thước khẩu độ gian của ngôi Điện này thông qua nền móng hiện tồn.
3. Giải pháp thiết kế phục hồi kích thước mặt bằng ĐCC
Với những cơ sở trên đây, chúng tôi đề xuất phương án thiết kế phục hồi kích thước nền móng và mặt bằng kiến trúc ĐCC được trình bày cụ thể dưới đây:
Theo phương ngang (vĩ tuyến): Gian giữa (A) = 12,3 thước (tim-tim chân cột), Gian bên (B) = (A) – 0,9 thước = 11,4 thước, Chái nội (C) = (B) – 0,1 thước = 11,3 thước, Chái ngoại (D) = (C) – 3 thước = 8,3 thước. Kích thước tổng gian theo phương ngang là 97,1 thước (tính từ trục 1-10), kích thước tổng nền từ Đông sang Tây được điều chỉnh là 100,3 thước.
Theo phương dọc (kinh tuyến): Gian lòng Trến chính điện (E) = 12,7 thước (tim-tim chân cột), Gian lòng Trến tiền điện (F) = (E) – 01 thước = 11,7 thước, Gian lòng Khuynh (G) = (C) = 11,3 thước, Gian Chái tiền/hậu (H) = (D) = 8,3 thước, Gian Thừa lưu (I) = 8,4 thước (tính ở phần đầu cột). Kích thước tổng gian của ĐCC theo phương dọc là 72 thước (tính từ trục A-H), kích thước tổng nền từ Nam lên Bắc được điều chỉnh là 75,8 thước (hình
79 viên Đá tán của nền Điện là yếu tố cấu thành gốc nền cần được bảo tồn nguyên trạng (chỉ điều chỉnh trong trường hợp cao độ và vị trí tim-tim Đá tán bị xê dịch hoặc nghiên lún lớn > 0,1 thước = 43mm). Kích thước Đá tán hàng nhất là 1,6 x 1,6 thước (684x 684 mm), hàng nhì là 1,4 x 1,4 thước (600 x 600 mm), hàng ba là 1,2 x 1,2 thước (520 x 520 mm). Đường kính cột hàng nhất là 0,90 thước (385 mm ở phần chân cột), cột hàng nhì là 0,86 thước (368 mm ở phần chân cột), cột hàng ba là 0.80 thước (342 mm ở phần chân cột), và cột hiên là 0,6 thước (256 mm ở phần chân cột). Kích thước chiều ngang của Đá vỉa nền mặt Nam là 1,2 thước (514 mm), mặt Đông, Tây và Bắc là 1,0 thước (430 mm).
Kết luận
Phế tích nền móng kiến trúc ĐCC là yếu tố vật chất và cũng là yếu tố cấu thành gốc duy nhất của công trình di sản kiến trúc này được bảo tồn cho đến ngày nay, và hầu hết các viên Đá tán (thể hiện khẩu độ gian) và Đá Vỉa nền (thể hiện quy mô nền) vẫn còn được bảo lưu tại vị trí ban đầu. Thông qua việc xác định đơn vị đo đạc ước tính (01 thước = 428mm), phân tích đối sánh 14 công trình đồng đại và đồng dạng (gồm 3 nhóm: Cung Điện, Miếu Điện và Tẩm Điện), phân tích đối sánh với công trình Điện Thái Hoà, phân tích kích thước khẩu độ gian của ĐCC dựa trên nền móng hiện tồn, bài viết nghiên cứu này đã đề xuất giải pháp thiết kế phục hồi kích thước nền móng và mặt bằng kiến trúc ĐCC phù hợp với phế tích nền móng hiện tồn làm nền tảng cho việc triển khai nghiên cứu tái thiết cấu trúc phần trên của công trình di sản kiến trúc này sẽ được trình bày trong những bài nghiên cứu tiếp theo.
TS.KTS. Lê Vĩnh An
Viện Trưởng, Kỹ thuật & Công nghệ Việt Nhật, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng
ThS. Nguyễn Thị Kim Nhung
Giảng viên, Viện Đào tạo và Nghiên cứu Du lịch, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2023)
Ghi chú:
1) Lê Vĩnh An, Nakagawa Takeshi, Nguyễn Thế Sơn, “Nghiên cứu tái thiết Điện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế – Di sản Văn hoá Thế giới – Phần 5: Báo cáo kết quả nghiên cứu phế tích nền móng kiến trúc Điện Cần Chánh”, Tạp chí Hội Kiến trúc sư Việt Nam, số 4/2023, trang 63-69.
2) Nakazawa Shin-Ichiro, “ものさしの用い方と単位長さについて” (Regarding to the Traditional Rule and Unit for measurement) ヴィエトナム・フエ・阮朝王宮の復原的研究(No. 5), 日本建築学会大会学術講演梗概集F-2,1996, pp. 491-492; Phan Thanh Hải, “Hệ thống thước đo thời Nguyễn” (Measurement units of the Nguyen dynasty), Magazine of Hue Study, Vol. 5, Hue Research Center 2003, trang 319-327; Nguyễn Đình Đầu, “Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn” (Study on the Land Register of Nguyen dynasty), Thua Thien province, Ho Chi Minh City Publisher, 1997, trang 42-43.
3) Cabinet of Nguyen dynasty, 欽定大南會典事例正編, 工部, 巻205; 大南一統志, 京師, 卷1.
4) Cabinet of Nguyen dynasty, 大南一統志, 京師, 卷1; 大南寔録, 紀1, 巻23.
5) Lê Vĩnh An, Nakagawa Takeshi, Nguyễn Thế Sơn, “Nghiên cứu tái thiết Điện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế – Di sản Văn hoá Thế giới – Phần 4: Phương pháp luận nghiên cứu tái thiết Điện Cần Chánh”, Tạp chí Hội Kiến trúc sư Việt Nam, số 2/2023, bảng 1, trang 65.
The post Nghiên cứu Tái thiết Ðiện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế – Di sản Văn hoá Thế giới appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/BOzcQFT
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét