Giới thiệu chung
Điều kiện sinh sống của con người không thể tách rời khỏi điều kiện tự nhiên, là nơi phục vụ nhu cầu sinh sống, tồn tại và từng bước chế ngự thiên nhiên của con người. Quá trình đô thị hóa kết hợp với các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, công nghệ đã từng bước tạo lập nên không gian đô thị có đầy đủ nhất các điều kiện tối ưu cho từng cá thể trong xã hội loài người phát triển. Tuy nhiên, sự bành trướng của đô thị đã gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, tác động trực tiếp đến đời sống xã hội. Đòi hỏi con người phải xây dựng lại nhận thức về môi trường chung quanh, sự nỗ lực trong việc bảo vệ và tái tạo lại điều kiện tự nhiên để xây dựng lối sống bền vững cho tương lai.
Trong môi trường đô thị đó, hệ thống cây xanh đô thị có vai trò rất quan trọng, hoạt động như một “lá phổi”, cung cấp không khí sạch, giúp bảo tồn nước, đất đai và cân bằng môi trường đô thị tự nhiên. Mỗi năm thực vật màu xanh đã đồng hóa 170 tỷ tấn CO2, phân ly 130 tỷ tấn nước và giải phóng 115 tỷ tấn Oxy trên toàn cầu (Phạm Đức Nguyên, 2020). Bên cạnh đó, Nghiên cứu của Đại học Kiến trúc quốc gia Thành Công (Đài Loan) cho thấy, 1m2 nhà cửa phát thải 300kg CO2 mỗi năm, và cần tương ứng 40 cây cổ thụ để hóa giải lượng khí phát thải đó. Cây xanh đô thị còn có khả năng khả năng giảm thiểu lũ lụt, giảm nhiệt độ trong nhà và hiện tượng đảo nhiệt đô thị, cải thiện chất lượng không khí và giảm tiếng ồn, cùng với nhiều lợi ích khác (Phạm Đức Nguyên, 2020).
Vì vậy, cây xanh đô thị có chức năng vô cùng quan trọng, liên quan đến điều kiện thiết yếu cho cuộc sống của người dân đô thị, nâng cao giá trị kinh tế cho đất đai, xã hội, cộng đồng, chất lượng môi trường. Quan tâm và tổ chức tốt không gian cây xanh đô thị, góp phần nâng cao chất lượng đô thị, giá trị của kinh tế đất đai, dịch vụ lưu trú, an sinh xã hội, sức khoẻ cộng đồng… nhất là ứng phó với biến đổi khi hậu. Bài báo mong muốn (i) phân tích các đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng của đô thị TP Quảng Ngãi; (ii) nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp phù hợp trong phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan và (iii) đề xuất các giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan cây xanh phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển đô thị Quảng Ngãi trong những năm sắp đến.
Tổng quan và tình hình nghiên cứu
1. Tổng quan chung về đô thị TP Quảng Ngãi và thực trạng cây xanh
Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở vùng duyên hải Trung Trung bộ có diện tích tự nhiên là 5.155,24km2; bờ biển Quảng Ngãi dài 144km, phía Bắc có vịnh Dung Quất và vịnh Việt Thanh, với địa hình có tính chuyển tiếp từ đồng bằng ven biển đến địa hình miền núi cao ở phía Tây; thấp dần từ Tây sang Đông, hình thành hai bậc địa hình cao thấp nằm kế tiếp nhau, không có khu đệm chuyển tiếp.
Tỉnh Quảng Ngãi nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của địa hình dãy Trường sơn và các nhiễu động thời tiết ngoài biển Đông. Tỉnh Quảng Ngãi có nền nhiệt độ cao, nhiệt độ bình quân hàng năm vùng núi: 25,30C, vùng đồng bằng ven biển: 25,70C, nhiệt độ bình quân nhiều năm tại Quảng Ngãi 25,8oC. Độ ẩm tương đối trung bình nằm trong vùng khoảng 84-85%.
TP Quảng Ngãi , với hơn 20km đường bờ biển, gồm 09 phường và 14 xã , dân số 262.057 người chiếm 24% dân số toàn tỉnh (số liệu năm 2020) ; mật độ trung bình là 1.663 người/km2 và phân bố không đều giữa các đơn vị hành chính ; có hệ thống giao thông kết nối với quốc lộ 1A, 24B, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, ga đường sắt Bắc – Nam, cảng Sa Kỳ và kết nối thuận lợi với cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai của Quảng Nam… hội tụ các điều kiện hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh, vùng và quốc tế. TP Quảng Ngãi có vai trò là thủ phủ, trung tâm hành chính, chính trị, thương mại và dịch vụ đô thị của tỉnh và xác định mục tiêu phát triển hài hoà các yếu tố kinh tế – xã hội – môi trường, gắn với phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và định hướng trở thành một đô thị xanh – thông minh trong thời gian đến.
Hệ thống cây xanh của TP hiện nay đa dạng về chủng loại. Mặc dù tỷ lệ mảng xanh đô thị là khá tốt so với trung bình chung của cả nước, song theo quy định thì để đạt tiêu chí về tỷ lệ đất cây xanh toàn đô thị đối với đô thị loại I, TP Quảng Ngãi vẫn chưa đáp ứng đủ. Phần lớn diện tích mảng xanh ở TP hiện nay vẫn là khu vực có rừng. Trong khu vực nội đô, chỉ có công viên Ba Tơ là “lá phổi xanh” chính với diện tích 4,02ha. Các công viên, vườn hoa khác đều có diện tích khá nhỏ . Theo quy định đô thị loại II có dân cư trên 250.000 người thì mức chuẩn mật độ cây xanh công cộng là từ 10 – 12m2/người, trong khi đó, cây xanh ở TP Quảng Ngãi hiện nay mới chỉ đạt 2,18m2/người. Trong đó, đặc biệt chú ý là chọn cây gì, giống hoa gì để phối màu, tạo vẻ đặc trưng của mỗi con phố.
Hiện nay, tỷ lệ đô thị hoá TP Quảng Ngãi còn thấp so với mức bình quân cả nước (24,5% so với trung bình 40%) nên việc nghiên cứu và đánh giá thực trạng, đề ra các giải pháp phù hợp để tổ chức không gian cảnh quan cây xanh ngay từ bây giờ là rất cần thiết. Qua phân tích chung về cảnh quan đô thị, các chính sách phát triển không gian cây xanh, khả năng thích ứng biến đổi khí hậu tại TP Quảng Ngãi, có thể đánh giá một số đặc điểm như sau (Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, 2022):
- Không gian công cộng, cảnh quan cây xanh trong đô thị mặc dù đã được quy hoạch nhưng vẫn chưa được đầu tư hợp lý và nhiều khu đất thuộc trung tâm TP còn bị bỏ hoang;
- Việc phát triển cây xanh đô thị vẫn còn tự phát, chưa xây dựng được các chính sách đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân tham gia;
- Điều kiện khí hậu miền Trung với tần suất mưa bão dày, cường độ cao vào mùa mưa, hay khí hậu khô nóng vào mùa hè gây khó khăn cho công tác bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh;
- Chưa có các dự án quy hoạch chuyên nghiệp về cảnh quan cây xanh đô thị và các giải pháp biến đổi khí hậu phù hợp cho TP Quảng Ngãi.
2. Tình hình nghiên cứu chung về cây xanh đô thị
Hiện tượng biến đổi khí hậu đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trong những năm gần đây, bởi tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của con người. Nhiều đô thị đã xây dựng kế hoạch giảm thiểu phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, chú trọng công tác dự báo và ứng phó với biển đổi khí hậu bằng nhiều hình thức phù hợp, trong đó có bảo tồn và duy trì thảm thực vật tự nhiên, tổ chức không gian cảnh quan cây xanh đô thị với tỉ lệ thích hợp. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng khí nhà kính CO2 trên toàn cầu đã tăng 1,4%, lên mức kỷ lục 31,6 tỷ tấn trong năm 2012. Các nghiên cứu về Công trình xanh trên thế giới đều thống nhất đưa ra con số tiêu thụ năng lượng của nhà cửa khoảng 50% tổng năng lượng. Thêm nữa, các đô thị phát triển tác động lên hệ thống cảnh quan tự nhiên như bề mặt cây cỏ, ao hồ… bị chuyển đổi chức năng làm tăng diện tích hấp thụ nhiệt, làm tăng nhiệt độ không khí đô thị so với vùng nông thôn.
Trước tình hình đó, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã phát động các phong trào cải thiện cây xanh đô thị, đưa không gian thiên nhiên trở nên gần gũi và hiện diện nhiều hơn trong đời sống đô thị như ở thủ đô Copenhagen (Đan Mạch), TP Reykjavik(Iceland), Malmo (Thụy Điển), Vancouver (Canada), Ecuador, Sydney (Australia), Curitiba (Brazil)… Đến nay, giải pháp cơ sở hạ tầng xanh được các tổ chức quốc tế xem là giải pháp then chốt để bảo vệ môi trường. Có thể tham khảo một số mô hình như:
(i) Rừng trong đô thị của Robert .F. Young: Giải pháp của Robert .F. Young là mỗi cây xanh đơn lẻ trong đô thị được thay thế bằng cụm phối kết cây xanh nhằm mục tiêu: (i) giảm nhiệt độ trong đô thị từ 6% đối với nhiệt độ trung bình của đô thị trong mùa hè; (ii) phục hồi và mở rộng các tán cây trong các tuyến đường phố trong đô thị; (iii) tạo không gian xanh kết hợp với cây xanh, mặt nước, khuôn viên… để nâng cao chất lượng sống người dân, (iv) thực hiện dự án và kế hoạch quản lý rừng đô thị có thể khắc phục sự suy giảm 50% độ che phủ xanh TP so với hiện tại; (v) khai thác hiệu quả các khu rừng để hấp thụ CO2 do các khu công nghiệp phát thải.
(ii) Mái nhà xanh – Eco roof của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ- EPA : Bề mặt đô thị với nhiều công trình bao phủ chủ yếu là vật liệu ít thân thiện với môi trường. Việc đề xuất phủ xanh các không gian bề mặt công trình (mái nhà xanh bằng thực vật như hệ thống aquapornics) với các loại thực vật hoặc cây cối phù hợp với khí hậu địa phương đang là trào lưu trong đô thị hiện nay. Nếu đảm bảo các điều kiện cần thiết về không gian, kết cấu và giải pháp kỹ thuật, các không gian xanh trên bề mặt công trình sẽ góp phần bảo vệ vật liệu lợp cơ bản khỏi tác hại của gió, tia UV và điều chỉnh nhiệt độ tác động lên tới 210C, tăng tuổi thọ của mái nhà lên 2-3 lần và tiết kiệm chi phí vòng đời liên quan.
(iii) Hạ tầng xanh của nhóm KTS người Anh: Hệ thống cây xanh trong môi trường đô thị mang lại nhiều lợi ích về khả năng chống chịu, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu như có thể lọc dòng chảy của nước mưa để ngăn lũ lụt, cải thiện chất lượng nước, hấp thụ các chất ô nhiễm để làm sạch không khí, cung cấp chắn gió để bảo vệ các tòa nhà khỏi tác hại của gió và điều chỉnh hiệu ứng đảo nhiệt đô thị thông qua che nắng và bay hơi. Một cây xanh cỡ trung bình có thể cản được lượng mưa tới 2.380 gallon mỗi năm hay có thể làm giảm nhiệt độ bề mặt tối đa của mái và tường của các tòa nhà từ 11 đến 250C, tiết kiệm năng lượng làm mát hàng năm.
(iv) Giải pháp khác của tổ chức CCAP – The Center for Clean Air Policy như tăng diện tích công viên, cây xanh đô thị tại các tuyến đường giao thông, tại các công trình tư nhân như công ty, cửa hàng, các công trình dịch vụ công cộng khác bằng công viên nhỏ trước công trình; thay đổi màu vật liệu có thể giảm khả năng hấp thụ ánh sáng tím và tia UV trên các công trình, cơ sở hạ tầng… sẽ góp phần nâng cao tính bền vững và chất lượng cuộc sống của dân cư thích ứng với khí hậu.
3. Một số xu hướng phát triển cây xanh đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu
Đô thị hóa nhanh chóng, làm không gian tự nhiên trong đô thị ngày càng giảm. Vì vậy, các không gian cây xanh cần được phát triển ở nhiều dạng trong đô thị:
(i) Cây xanh công viên với nhiều hoạt động cộng đồng, gắn liền với từng khu vực dân cư tạo không gian cảnh quan thân thiện, gần gũi.
(ii) Tổ chức các vườn cây chung quanh nhà ở giúp cải thiện nhiệt độ môi trường, nhất là khu vực có khí hậu nóng.
(iii) Tổ chức cây xanh đường phố giúp giảm bức xạ nhiệt xuống bề mặt đường giao thông, giảm tiếng ồn và khói bụi (với 200 cây xanh có thể lấy được 68 tấn bụi sau mỗi trận mưa).
(iv) Tổ chức cây xanh cảnh quan gắn với không gian kiến trúc làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc, xây dựng trong đô thị.
(v) Không gian mặt nước tùy thuộc vào điều kiện địa hình có tác dụng làm trong sạch bầu không khí, làm giảm bức xạ mặt trời, làm thay đổi nhiệt độ và độ ẩm, chế độ gió trong một khu vực nhất định; đồng thời có vai trò điều hòa lượng nước mưa, đảm bảo thẩm thấu để giữ mực nước ngầm.
Có thể thấy, 5 loại hình tổ chức không gian cây xanh mặt nước vừa nêu là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến xu hướng phát triển cây xanh đô thị trên thế giới. Tùy vào đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và thực tế của đô thị mà việc bố trí cây xanh được lựa chọn chủng loại, hình thức cho phù hợp với không gian đô thị.
Đối với đô thị TP Quảng Ngãi, các hình thức tổ chức không gian xanh cần được nghiên cứu và bố trí phù hợp. Trong đó tập trung ở một số loại hình chính là công viên công cộng, không gian đường phố, khai thác cảnh quan kiến trúc công trình trong đó có chú trọng đến hạ tầng xanh đô thị và quy hoạch không gian cây xanh cho các khu công nghiệp, sự tham gia của công trình dân dụng trong phủ xanh mái bằng thực vật và khai thác hiệu quả yếu tố mặt nước trong đô thị.
Một số đề xuất phát triển không gian xanh tại đô thị Tp Quảng Ngãi
Căn cứ tiêu chuẩn đất cây xanh sử dụng công cộng được xác định theo loại đô thị, thì đô thị TP Quảng Ngãi với quy mô hơn 260 ngàn người, cần phải đảm bảo 10-12m2 / người. Trong đó, đất cây xanh công viên phải đạt 6-7.5m2 / người; các không gian cảnh quan, vườn hoa đạt 2.5-2.8m2 / người; cây xanh đường phố đạt 1.9-2.2m2 / người.
1. Giải pháp về quản lý chủng loại cây xanh đô thị
Nếu như cây xanh công viên đòi hỏi mảng không gian lớn, phục vụ các sinh hoạt giải trí ngoài trời gắn liền với hoạt động văn hóa tinh thần cho người dân đô thị: Bố trí nhiều tầng cây với nhiều thể loại khác nhau; thì cây xanh vườn hoa: Được phân tán đều trong đô thị với diện tích không gian vừa phải, người dân dễ dàng tiếp cận từ nơi ở của họ, được bố trí chủ yếu là các cây tán thấp, hoa và một số công trình mang tính biểu tượng.
Trong khi đó, cây xanh đường phố chủ yếu là các dải cỏ đi bộ ngăn cách vỉa hè lòng đường, chú trọng đến công tác an toàn giao thông, có bóng mát, thân lớn, tán xòe rộng nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn như không dễ dòn gãy, không rụng lá hàng loạt, không có độc hoặc không có hoa trái. Cây xanh đường phố phải căn cứ phân cấp tầng bậc và tính chất các loại đường mà bố trí cây trồng: Hàng trên vỉa hè, hàng trên dải phân cách, hàng rào và cây bụi, kiểu vườn hoa.
Tùy theo nhu cầu mà việc lựa chọn chủng loại cây nhằm mục đích che nắng, chống gió bão, trang trí cảnh quan cơ bản thuận lợi cho kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và quản lý… Theo đó, việc tiêu chuẩn hóa thiết kế cây xanh công trình dựa vào ý nghĩa của từng loại cây, đặc điểm thực vật như hình dáng lá, tán lá, tuổi thọ trung bình của cây, chế độ chăm sóc của cây đưa ra các giải pháp về mật độ phủ xanh, giải pháp thiết kế tổng mặt bằng phù hợp với hình thức mặt đứng công trình trong đô thị là cần thiết.
2. Giải pháp phân mảng không gian xanh trong thiết kế cảnh quan
a. Phân mảng không gian xanh theo hình dáng khu đất
Dựa vào tính chất, đặc điểm thực vật của cây xanh công trình như hình thức rễ mọc ảnh hưởng tới mặt nền, hình thức phối kết cây, bán kính tạo bóng mát của từng loài, hình thức tán lá, màu lá, hình dáng cây cũng như mùa lá rụng… có thể đề xuất giải pháp phân mảng không gian xanh, cây xanh theo dạng mảng và dạng vệt (Lê Thị Kim Anh, 2017).
Tổ chức cây xanh dạng mảng sử dụng cho các khu đất có diện tích lớn, đa diện, địa hình bằng phẳng hoặc gò, đồi: Nên chọn cây xanh thân gỗ, cao và có tuổi thọ với hình thức phối kết cây xanh phân bố đều chiếm 29% – 35% trong tổng số cây xanh. Với khu đất có quy mô nhỏ, nên chọn cây xanh có chiều cao trung bình, phối kết cây đa dạng chiếm 24%-26%.
Tổ chức cây xanh dạng vệt (tuyến, dải) áp dụng cho các khu đất có đường đi nội bộ liên kết các khu chức năng, tuyến đường gần sông, hồ cảnh… vì hình dáng kéo dài nên việc bố trí cây xanh phối kết theo dạng rời, trải dài, chiếm 12%-17% tổng số cây xanh được bố trí trong khu đất.
b. Phân mảng không gian xanh với hình thức công trình kiến trúc
Đối với các công trình kiến trúc có hình khối đơn giản, tùy thuộc vào các dạng tổ hợp khối công trình theo chức năng, theo ý đồ thiết kế mà bố trí mảng xanh tương ứng (Lê Thị Kim Anh, 2017).
Đối với công trình có hình khối đa dạng, căn cứ vào ý tưởng thiết kế, vần luật- nhịp điệu mà bố trí không gian xanh tương ứng.
Đối với bề mặt công trình, trào lưu mang thiên nhiên gần hơn với con người, vườn đứng – vườn treo đang được nhiều đô thị áp dụng, tạo nên “bức tường xanh” bằng phương pháp (kỹ thuật) thủy canh (aquapornic). Giải pháp này có ưu điểm là thi công nhanh, mới lạ, hiện đại, ít tốn công chăm sóc, nhưng giá thành cao.
Ngoài ra, mặt đứng công trình kiến trúc có sự tham gia của cây xanh làm tăng khả năng thu hút sự cảm thụ thị giác, tham gia tích cực vào việc tổ chức bố cục kiến trúc đô thị.
Đối với không gian giao thông đô thị, tổ chức không gian cây xanh được chia thành hai loại là giao thông trục chính và giao thông đường nhánh. Cây xanh bóng mát nên bố trí theo tuyến và không hạn chế tầm nhìn tại các đoạn chuyển hướng của tuyến. Việc tổ chức cây xanh tại đây không chỉ hạn chế bức xạ, chống nóng, mà còn cần hạn chế sự lan truyền các ô nhiễm bụi và ồn do giao thông gây nên (Lê Thị Kim Anh, 2018). Cây bóng mát nên được trồng kết hợp với cây bụi và trồng theo dãi dọc theo các trục giao thông, song song với hướng gió chủ đạo.
3. Giải pháp về công tác quản lý và chính sách
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, nhằm xây dựng không gian đô thị TP Quảng Ngãi phát triển theo hướng sinh thái và bền vững, cần nghiên cứu và thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
- Chính quyền TP cần xác định đầu tư, quy hoạch và quản lý cây xanh đô thị là vấn đề cấp thiết, thống nhất và xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đô thị, đảm bảo xây dựng và phát triển đô thị theo hướng bền vững.
- Đề cao vai trò của người dân và cộng đồng trong bảo vệ cây xanh, trồng thêm cây xanh để giảm thiểu tối đa các hiệu ứng tiêu cực do bề mặt vật liệu mang lại; nâng cao ý thức của người dân, nhà quản lý về vai trò của cây xanh trong đô thị, thực hiện nhiều chương trình ngoại khóa, khuyến khích trồng rừng, bảo vệ rừng để cân bằng hệ sinh thái, đảm bảo môi trường phát triển bền vững.
- Chú trọng đến việc nâng cao chất lượng và kỹ thuật chăm sóc cây xanh, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong quản lý cây xanh đô thị thông qua việc vận động, tuyên truyền, tổ chức các khóa hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho đội ngũ chăm sóc cây xanh, người dân;
- Kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia có trách nhiệm trong việc phát triển cây xanh trong đô thị.
Ngoài ra, phải xây dựng các kế hoạch đồng bộ, có tính dài hạn trong việc phát triển cây xanh đô thị như: - Xây dựng vườn ươm, nghiên cứu các cây trồng địa phương để chọn lọc, nhân giống và truyền thông về phát triển cây xanh đô thị;
- Huy động mọi nguồn lực, vật chất và truyền thông đến nhiều thành phần, đối tượng trong đô thị để việc chăm sóc cây xanh không chỉ là trách nhiệm và còn là quyền lợi để mỗi người dân đảm bảo chất lượng sống tốt trong đô thị của mình.
- Đánh giá hiện trạng để có quy hoạch về hình thức tổ chức, chủng loại cây trồng phù hợp với từng khu vực.
Kết luận
Nhằm tạo cho TP Quảng Ngãi có một sắc thái riêng, “sáng – xanh – sạch – đẹp” như mục tiêu của TP đề ra, cùng các công trình kiến trúc khác thì việc đầu tư cho việc phát triển cây xanh đô thị sẽ đem lại nhiều hiệu quả về môi trường, cảnh quan, điều kiện cư trú của người dân được tốt hơn. Tạo mỹ quan và môi trường thuận lợi góp phần khai thác tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế xã hội. Để thực hiện cần phải xây dựng chiến lược, giải pháp hữu hiệu cho phát triển cây xanh, bao gồm: Về quy hoạch các loại hình công viên, cảnh quan của từng tuyến đường, trong các khu dân cư; quy hoạch và hình thức tổ chức vườn ươm như vườn ươm của TP, trong nhân dân; hình thức tổ chức trồng và quản lý cây xanh, đặc biệt chú trọng về xã hội hoá lĩnh vực cây xanh đô thị.
Một số công tác cần được nghiên cứu và triển khai trong thời gian đến: (i) đẩy mạnh việc đầu tư trang thiết bị cho vườn ươm, đảm bảo cung cấp cây xanh theo đề án quy hoạch và phát triển cây xanh đô thị TP Quảng Ngãi; (ii) đề xuất các cơ quan chuyên môn nghiên cứu các chỉ tiêu về cây xanh để đưa vào mục tiêu phát triển đô thị và chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất việc thực hiện. (iii) công tác quy hoạch cần quan tâm đến quỹ đất cây xanh, không gian cảnh quan và khai thác yếu tố cảnh quan tự nhiên trong phát triển không gian xanh đô thị tạo nên nét đặc trưng; (iv) nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong việc trồng cây xanh đô thị, nhất là phổ biến kiến thức về sân vườn trên mái để người dân thực hiện; (v) phát huy tiềm lực to lớn của phong trào trồng cây trong nhân dân, nhân dân và Nhà nước cùng quản lý và bảo vệ cây xanh đô thị một cách có hiệu quả nhất.
TS.KTS.Phan Bảo An
THS. KTS. Lê Thị Kim Anh
Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2023)
Tài liệu tham khảo:
- Lê Thị Kim Anh. (2017). Cây xanh công trình trong thiết kế trường học điển hình TP.Đà Nẵng. Tạp chí Đô thị phát triển, 10-14.
- Lê Thị Kim Anh. (2018). Tổ chức kiến trúc cảnh quan – không gian trống trong khu công nghiệp điển hình Hòa Khánh – TP. Đà Nẵng. Tạp chí KHCN ĐH Giao thông vận tải., 101-103.
- Phạm Đức Nguyên. (2020). Nâng cao chất lượng môi trường không khí trong nhà chung cư cao tầng Việt Nam. Tạp Chí Kiến trúc, 19-22.
The post Đánh giá và đề xuất các giải pháp phát triển cây xanh đô thị Tp Quảng Ngãi appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/iKNjlWc
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét