KTS. Renzo Piano
Ông sinh ngày 14/9/1937 tại Genoa – Ý. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống xây dựng, ông từng nói: “Tôi sinh ra trong một gia đình xây dựng, và điều này đã cho tôi một mối quan hệ đặc biệt với nghệ thuật “làm”. Tôi luôn thích đi xây dựng các công trường với cha tôi và nhìn thấy mọi thứ phát triển từ con số không, được tạo ra bởi bàn tay của con người.”Sự nghiệp kiến trúc của ông bắt đầu từ những ngày còn là sinh viên tại Đại học Bách khoa Milan, ông đã nghiên cứu và làm luận án về thiết kế chế tạo mô-đun nhẹ. Kiếm sống bằng công việc giảng dạy và xây dựng bằng công việc kinh doanh của gia đình. Sau đó, ông tiếp tục đến London để làm việc với kỹ sư người Ba Lan Zygmunt Stanisław Makowski, người nổi tiếng với việc học tập và nghiên cứu các cấu trúc không gian. Ngay từ sớm, Piano đã tìm kiếm sự hướng dẫn từ những người kết hợp giữa kiến trúc và kỹ thuật. Những người cố vấn của ông bao gồm nhà thiết kế người Pháp Jean Prouvé và kỹ sư kết cấu Peter Rice người Ireland. Như một mối cơ duyên với kỹ thuật xây dựng, những thiết kế sau này của ông đã được hưởng không ít và góp phần tạo lập nên phong cách cũng như triết lý thiết kế của Renzo Piano.Trong quá trình hành nghề và hoạt động kiến trúc ông đã đạt được nhiều thành tựu như:
- Năm 1981 ông thành lập công ty mang tên Renzo Piano Building Workshop;
- Nhận được Giải thưởng Pritzker vào năm 1998, là một trong những giải thưởng danh giá nhất của giới kiến trúc.
- Renzo Piano cũng được tôn vinh vì những ý tưởng mang tính bước ngoặt về thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng, trở thành KTS thiết kế bảo tàng được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới.
Thiết kế của Kts Renzo Pian
Trung tâm văn hóa Jean Marie Tjibaou (New Caledonia)
Thông tin về công trình
- Địa điểm: Bán đảo Tinu, phía Đông Bắc trung tâm lịch sử Nouméa, thủ đô của New Caledonia
- Tư vấn thiết kế kiến trúc: Renzo Piano và cộng sự
- Quy mô: 8550m2
- Năm hoàn thành: 1998
- New Caledonia là một lãnh thổ hải ngoại của Pháp, nằm cách Đông Australia 1.500km và Bắc New Zealand 1.700km. Khu vực này được tạo nên bởi ba vùng nhỏ, trong đó có quần đảo Loyalty.
KTS Renzo Piano luôn tôn trọng và hài hòa với tự nhiên; áp dụng kết cấu mới, công nghệ hiện đại; gìn giữ, phát huy và làm nổi bật bản sắc văn hóa địa phương.
Tự nhiên: Đây là khu vực có tự nhiên tuyệt đẹp và độc đáo, có đa dạng sinh học cao nhất thế giới xét theo km². New Caledonia có khí hậu nhiệt đới hải dương, nhiệt độ từ 20°C đến 30°C. Khu vực này thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão nhiệt đới có thể gây ra gió có tốc độ lên đến 100 km/h, giật 250 km/h và mưa rất lớn. Có thể thấy, khu vực xây dựng công trình có cảnh quan đa dạng và chịu ảnh hưởng lớn bởi khí hậu. Vì vậy KTS Renzo Piano và cộng sự đã có những giải pháp thiết kế tận dụng thế mạnh về cảnh quan và thích ứng với các thiên tai tại đây.
Văn hóa – xã hội: New Caledonia chủ yếu là người châu Âu (Pháp) và người Kanak (42%). Phần còn lại của xã hội bao gồm Châu Á và Polynesia. Trong đó, văn hóa của người Kanak là văn hóa bản địa đặc sắc và lâu đời nhất tại đây. Xưa kia, New Caledonia là thuộc sở hữu của người Kanak với văn hóa truyền thống lâu đời. Khu vực này thuộc quyền kiểm soát của Pháp từ năm 1853. Vì vậy, văn hóa của người Kanak có đấu hiệu ngày càng bị mai một ở những năm trước thế kỉ 19. Cuối thế kỷ 20, người Kanak đã trải qua sự hồi sinh của nghệ thuật và điêu khắc truyền thống, điêu khắc gỗ, dệt chiếu và giỏ, khiêu vũ và ca hát. Khi thực hiện Trung Tâm Văn hóa Jean Marie Tjibaou, KTS mong muốn nơi đây lưu giữ, giới thiệu văn hóa vật thể và phi vật thể của người dân bản địa Kanak, góp phần khẳng định quyền bình đẳng, tự do của người dân nơi đây.Công năng sử dụng
Ông và cộng sự đã tổ chức mặt bằng tổng thể theo hai tuyến nằm ngang chính hướng ra biển dựa vào trục của thiên nhiên. Các tuyến thẳng đứng của công trình tạo sự vươn lên, phát triển. Các điểm công trình vi biến cùng kiểu đáng, vật liệu nhưng khác nhau về kích thước.
Trung tâm Văn hóa Jean Marie Tjibaou có cấu trúc không gian gồm mười module nhà hình tròn, với ba kích thước khác nhau, chiều cao từ 20 đến 28m, tất cả được liên kết với nhau bằng một lối đi. Những túp lều này phục vụ nhiều chức năng khác nhau: Nhóm thứ nhất là các không gian triển lãm; nhóm thứ 2 bố trí khu nghiên cứu, phòng hội thảo và thư viện; nhóm thứ 3 làm nơi bố trí các studio âm nhạc, khiêu vũ, hội họa và điêu khắc, hội trường. Mười gian nhà hình tròn có ba kích thước khác nhau, lấy cảm hứng từ túp lều gỗ hình nón truyền thống, được gọi là Grand Case. Mười gian nhà này được nối với nhau bằng một “cột sống” kéo dài, dài 250 mét, lối đi bộ có mái che, hơi cong, giúp tiếp cận các không gian chức năng chính của khu phức hợp.Mặt bằng tập trung vào mục tiêu sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên nên dự án được thiết kế nằm trên một ngọn đồi, nơi đón được nhiều gió nhất, hướng về chủ đạo là gió Nam. Từ đó, việc kết hợp các hệ thống làm mát thụ động hiệu quả có thể đạt được thông qua các thiết bị thông gió, vi khí hậu và che nắng, nhằm cung cấp không khí trong lành để làm mát tòa nhà.
Chất lượng không gianKhông gian thực – ảo: Vỏ của các gian nhà tròn lặp lại theo nhịp điệu, kết hợp với hiệu ứng phản chiểu từ mặt nước và cây xanh là tạo nên một hiệu ứng thực – ảo cực kỳ ấn tượng cho bảo tàng. Thủ pháp này giúp cho công trình như một phần của thiên nhiên.
Không gian đặc – rỗng: Biểu hiện qua mặt đứng của công trình. Hệ thống làm mát và thông gió thụ động có được một cách tự nhiên thông qua một mặt tiền kép, trong đó không khí lưu thông tự do giữa các lớp gỗ lát và hệ thống cửa gió có thể điều chỉnh điều chỉnh luồng gió tùy thuộc vào tốc độ gió. Từ đó, mặt đứng tạo ra các mảng đặc rỗng thay đổi tùy theo tốc độ gió và thời tiết. Thủ pháp này giúp khối công trình thích nghi với khí hậu và thể hiện tinh thần tôn trọng thiên nhiên, cảnh quan chung khu vực như tinh thần của người dân bản địa nơi đây.
Không gian thường ngày – đột biến: Thủ pháp thiết kế này được sử dụng ở cả trong và ngoài công trình. Không gian trong công trình các khung kính và lam kim loại lặp đi lặp lại kéo dài với điểm nhấn là sảnh rộng để đi vào các khối nhà tròn phía ngoài. Không gian bên ngoài công trình trải dài với mái bằng và các khối công trình hình tròn vươn lên đột biến.
Không gian quần thể – cá thể: Công trình nhà văn hóa là một quần thể các khối công trình hình tròn, được kết nối bằng dãy nhà dài.
Hình thức kiến trúc và kết cấu
Vần luật – nhịp điệu của các module công trình nhấp nhô lặp đi lặp lại tạo ra nhịp điệu, hòa hợp với núi đồi xung quanh công trình nhấp nhô theo biên độ đều rồi nhỏ dần. Sử dụng vật liệu không giống như những túp lều truyền thống, là những cấu trúc bán tạm thời làm bằng sợi thực vật thu hoạch tại địa phương, mà các gian hàng của trung tâm được xây dựng bằng vật liệu bền, bao gồm gỗ iroko, gỗ ghép thanh, nhôm, thép và kính. Cao từ 20 đến 28m và có diện tích sàn từ 55 đến 140m2, mười gian nhà được nối với nhau bằng một “cột sống” kéo dài 250m.
Giải pháp và hiệu quả thông gió sử dụng cấu trúc xây dựng gồm 2 lớp vỏ. Lớp vỏ ngoài cùng là hệ thống khung gỗ, cong nhẹ theo cả chiều cao, để gắn các chớp che nắng theo phương ngang. Lớp vỏ bên trong, lớp kết cấu bao che của công trình, là hệ thống khung gỗ thẳng đứng, không cong như lớp ngoài, liên kết tường và đỡ hệ khung mái tôn đặt nghiêng đến 45 độ. Hai nguyên tắc được sử dụng để đạt được thông gió tự nhiên trong thiết kế Trung tâm Văn hóa là thông gió áp lực nhiệt và thông gió áp lực động. Có một sự khác biệt không đáng kể giữa nhiệt độ bên trong và bên ngoài của hòn đảo. Do đó, chỉ có thể đạt được tốc độ thông gió mong muốn bằng cách tăng khoảng cách thẳng đứng giữa lối vào và lối ra của tòa nhà.Bảo tàng nghệ thuật đương đại Astrup Fearnley Museet (Oslo – Na Uy)
Thông tin về công trình
- Dự án: Bảo tàng nghệ thuật đương đại Astrup Fearnley
- Địa điểm xây dựng: Bến cảng Oslo, Na uy
- Thiết kế kiến trúc: KTS. Renzo Piano
- Quy mô: Diện tích xây dựng: 7.000m2
- Năm hoàn thành: 2012
- Bảo tàng nghệ thuật Astrup Fearnley thuộc sở hữu tư nhân của tập đoàn Fearley ở Oslo, Na Uy (tập đoàn gia đình thuộc hậu duệ của cố họa sĩ Thomas Fearley). Bảo tàng được mở cửa lần đầu tiên vào mùa thu năm 1993 trên diện tích 2500m2.
- Đến năm 2012, việc mở rộng bảo tàng đã được giao cho KTS. Renzo Piano với diện tích mở rộng thêm 7000m2.
Giải pháp thiết kế thể hiện sự gắn kết giữa hoạt động nghệ thuật và cuộc sống đô thị, giữa kiến trúc và các không gian cộng đồng – Tạo ra cho cộng đồng một không gian cảm thụ nghệ thuật có lợi ích kinh tế nhưng cũng như là không gian nghỉ ngơi, thư giãn đầy lãng mạn. Công trình cho thấy mối quan hệ hài hòa giữa công năng, thẩm mỹ và kinh tế, thể hiện được sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống Bắc Âu với vật liệu hiện đại, đạt được sự mềm mại về hình khối, không quá phô trương nhưng vẫn tạo sự độc đáo trên bến cảng Oslo. Ý đồ thiết kế tạo sự liên kết giữa không gian trong và ngoài, đồng thời nâng cao các tuyến diện làm điểm nhấn trên mặt đứng. Các cột thép mảnh mai kết hợp với đường cong của mái kính làm gợi nhớ đến hình tượng những cánh buồm căng đầy gió trên cảng Oslo. KTS Renzo Piano thể hiện ý niệm về sự trân trọng các không gian mang tính cộng đồng. Việc bố trí các công viên ra phía bờ sông đã tạo nên một khoảng lùi thân thiện cho bảo tàng khi tiếp cận từ bến cảng.
Những yếu tố hình thành công trình
Nhu cầu xã hội: Địa điểm mở rộng bảo tàng được cải tạo từ một khu công nghiệp cơ khí và xưởng đóng tàu cũ, nằm trên một ốc đảo thuộc bến cảng Oslo có chiều dài 800m tiếp cận mặt sông. Công trình là điểm hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nghỉ ngơi và giải trí cho cộng đồng của người dân thành phố Oslo.
Khí hậu tự nhiên: Oslo có khí hậu lục địa ẩm, mùa hè khá ấm với hai phần ba số ngày trong tháng 7 có nhiệt lớn hơn 20 °C và trung bình một phần tư số ngày trên 25 °C. Nhiều người cho rằng Oslo là một thành phố của mùa đông vĩnh cửu.Công năng sử dụng
Tổ chức mặt bằng tổng thể của công trình là cấu trúc chính của công trình được chia làm hai, có một kênh nước chạy qua ở chính giữa. Bảo tàng được thiết kế thành khu phức hợp với ba tòa nhà, bao gồm các không gian triển lãm cố định, triển lãm định kỳ, cửa hàng, quán cà phê và công viên điêu khắc ngoài trời. Các tòa nhà được kết nối với nhau bằng hai cầu đi bộ băng qua một kênh nhân tạo. Khuôn viên bên ngoài dọc bờ sông được thiết kế thành một công viên điêu khắc, nơi trưng bày các tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Selvaag. Có khoảng sân rộng lớn cạnh bờ sông, tại đây khách tham quan có thể vui chơi, chèo thuyền, tắm nắng hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời. Công trình là điểm nhấn trên trục cảnh quan nối với tòa thị chính thành phố. Có đầy đủ các không gian trưng bày triễn lãm lớn nhỏ tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của bảo tàng.
Chất lượng không gian
Không gian thực – ảo: Hệ mái của công trình có độ dốc lớn, thấp dần xuống sát bờ biển, kết hợp với hiệu ứng phản chiếu từ mặt nước tạo nên một hiệu ứng thực – ảo cực kỳ ấn tượng cho bảo tàng. Sự hình thành không gian nhờ kết hợp với bối cảnh chung, không gian xung quanh và môi trường biển tự nhiên để tạo nên ý đồ của người thiết kế. Cách tổ chức không gian và bố cục hình khối tách rời, kết nối với nhau bằng những cây cầu nhỏ. Bằng cách này KTS đã tạo nên không gian ảo như thể 2 con đường đi xuyên qua công trình và hướng thẳng ra biển. Phần công viên và khu triển lãm được đặt trên một ốc đảo. Thể hiện ý niệm về sự trân trọng các không gian mang tính cộng đồng.
Không gian đặc – rỗng: Không gian đặc – rỗng biểu hiện qua hình khối công trình. Những mảng kính lớn của hệ mái được chia thành 3 khối chính, đan xen vào đó là những khoảng rỗng tạo sự kết nối không gian của đô thị. Thủ pháp này làm tăng hiệu quả cho không gian sau khi được cải tạo từ tòa nhà cũ. Sự đan xen hữu cơ giữa các khối và khoảng không thể hiện tinh thần tôn trọng thiên nhiên, cảnh quan chung của đô thị và đặc biệt là môi trường biển. Các diện tường đặc được KTS sử dụng vật liệu gỗ bên cạnh các mảng kính lớn và khoảng trống của không gian sân trong. Hệ thống các ô cửa sổ kính lấy sáng kết hợp cùng rèm chắn màu cam cũng góp phần tạo nên hiệu ứng của thủ pháp này trên mặt đứng.Không gian trong – ngoài: Tọa lạc bên vùng vịnh ven biển tuyệt đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ. Những điều này đã góp phần cho KTS quyết định sử dụng thủ pháp không gian trong – ngoài cho không gian của bảo tàng. Người sử dụng có thể tiếp cận xuống dưới dòng kênh bên dưới cho đến tầng cao nhất, tất cả đều có thể kết nối thông qua khoảng không gian rỗng giữa hai khối, nó như một cái sân trong rộng lớn ở giữa công trình.
Nhờ mái kính trong suốt cùng khoảng không rộng lớn và dòng kênh bên dưới, tạo nên hiệu quả về sự tiếp xúc không gian. Đứng ở bên trong vẫn có thể tiếp xúc được không gian bên ngoài. Đứng ở bên trên vẫn có thể tiếp xúc được không gian dưới nước và ngược lại.
Không gian thường ngày – đột biến: Được xây dựng trong ở một thành phố hiện đại. Hình thái của đô thị với những khối nhà vuông vức, tối giản, tạo nên một nhịp điệu “thường ngày”, kể cả tòa nhà bảo tàng cũ cũng vậy. Tuy nhiên không gian đã “đột biến” sau khi Renzo Piano thiết kế công trình này bằng hình khối khác biệt. Bảo tàng vừa là trục kết nối đô thị với môi trường biển, là điểm nhấn nằm ở cuối trục đường. Sự thành công của thiết kế thể hiện sự gắn kết giữa hoạt động nghệ thuật và cuộc sống đô thị, giữa kiến trúc và các không gian cộng đồng. Không gian cảm thụ nghệ thuật có lợi ích kinh tế nhưng cũng là không gian nghỉ ngơi, thư giãn đầy lãng mạn. Vào các buổi hoàng hôn hay bình minh, bảo tàng trở thành một không gian tĩnh lặng trong thành phố.
Hình thức kiến trúc, kết cấu và vật liệu sử dụng
Hình thức của công trình mang phong cách đương đại. Và có thể nói là một biểu tượng của vùng vịnh này. KTS. Renzo Piano đã sử dụng vật liệu địa phương để gợi lại kiểu kiến trúc truyền thống vùng Scandinavia, đó là các vật liệu gỗ ốp tường và gạch lát sàn của bảo tàng. Hình dáng công trình mô phỏng hình ảnh những cánh buồm trên cảng Oslo. Hầu hết phần mái bảo tàng được lợp bằng kính. Ba khối mái được vát cong làm tăng sự mềm mại cho công trình, thể hiện mối tương tác giữa kiến trúc, văn hóa và cộng đồng. Phần mái như nghiêng về phía biển, phần thấp nhất kết thúc tại điểm giao với công viên điêu khắc. Một hồ nước nhỏ được bố trí tại đây để ngăn khách tham quan không leo lên mái.
Vật liệu sử dụng chủ yếu trong thiết kế bao gồm: Gỗ, kính, bê tông và thép. Hầu hết diện mặt đứng được ốp gỗ trong khi phần mái sử dụng kính. Kết cấu mái là một tổ hợp gồm các dầm gỗ ép kết hợp với cột thép. Tại một số không gian trưng bày, các tấm kính được phủ một lớp men nhằm làm giảm 40% độ trong suốt. Các khu vực công cộng bố trí ở tầng một và được thiết kế theo kiểu không gian mở với các vách kính lớn. Ý đồ thiết kế này tạo sự liên kết giữa không gian trong và ngoài, đồng thời nâng cao các tuyến diện làm điểm nhấn trên mặt đứng. Các tấm gỗ có hình dạng đặc biệt và được lắp ghép có khoảng cách, tăng cường sự thông gió cho không gian bên trong. Các cột thép mảnh mai kết hợp với đường cong của mái kính làm gợi nhớ đến hình tượng những cánh buồm căng đầy gió trên cảng Oslo. Có thể nói Renzo Piano đã làm chúng ta bất ngờ khi dùng ánh sáng tự nhiên rất nhiều trong bảo tàng.
Trung tâm Georges – Pompidou (Paris – Pháp)
Thông tin về công trình
- Tên dự án: Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompodou (Centre national d”art et de culture Georges-Pompidou Musee)
- Địa điểm xây dựng: Place Georges-Pompidou, Paris, Pháp.
- Thiết kế kiến trúc: KTS. Renzo Piano và KTS. Richard Rogers
- Quy mô: Diện tích xây dựng: 83.000m2
- Năm hoàn thành: 1977
- Vào năm 1969, Tổng thống Georges Pompidou có ý định xậy dựng một Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật hiện đại ở Trung tâm thủ đô Paris.
- Năm 1997, công việc tu sửa kéo dài 28 tháng được bắt đầu với khoản kinh phí từ ngân sách lên đến 80 triệu Euro.
Sự thành công của thiết kế là việc thuyết phục và đưa phương án kiến trúc hiện đại vào thời điểm mà Chủ nghĩa Kiến trúc cổ điển là chủ yếu. KTS đưa ra được những cái nhìn mới, những quan điểm thẩm mỹ mới, không chỉ là có ý nghĩa về mặt kiến trúc mà còn tạo ra một không gian cảm thụ nghệ thuật, một tổ hợp, nơi mà người sử dụng có thể tìm thấy mọi thứ.
Công trình lẻ loi với nét đẹp kiến trúc hiện đại bao quanh là các công trình kiến trúc cổ điển Pháp. Sử dụng các vật liệu hiện đại như thép và kính kết hợp với cách thiết kế theo phong cách công nghiệp gợi nhớ đến thời kỳ mà nền công nghiệp phát triển rực rỡ tại Pháp.
Ý đồ thiết kế này tạo sự liên kết giữa không gian trong và ngoài, đồng thời bổ sung các modul lưới thép làm điểm nhấn kết nối cho mặt đứng công trình. Thể hiện ý niệm về sự trân trọng các không gian mang tính cộng đồng.
Những yếu tố hình thành công trình
Điều kiện tự nhiên: Paris có khí hậu tương đối ôn hòa do nằm ở vùng ôn đới. Paris có mùa hè mát, trung bình 18°C, mùa đông không quá lạnh, trung bình 6°C, các mùa đều có mưa và thời tiết thất thường..
Nhu cầu xã hội: Paris là nơi xuất hiện dày đặc các công trình kiến trúc và bảo tàng nghệ thuật cổ điển với mong muốn ngăn chặn sự suy tàn của Paris trên lĩnh vực nghệ thuật và duy trì vị thế của nghệ thuật đương đại ở cấp độ toàn cầu, cái mà Mỹ đang là phát triển rất mạnh. Công trình là một tổ hợp không gian kiến trúc bao gồm: Bảo tàng nghệ thuật, thư viện công cộng, trung tâm triễn lãm, nhà hàng ẩm thực.
Công năng sử dụng
Công trình với mặt bằng được đặt theo hướng Bắc Nam và hình khối chữ nhật vuông theo hướng của chủ nghĩa công năng. Khối công trình được thiết kế mô phỏng hình ảnh cấu trúc công nghiệp với các đường ống được thiết kế lộ bên mặt ngoài và hệ thống thang. Ngoài các không gian trưng bày lớn còn có những không gian ngắn hạn hay biểu diễn nghệ thuật. Bảo tàng được thiết kế thành khu phức hợp với các chức năng bảo tàng nghệ thuật, thư viện công cộng, trung tâm triển lãm, hội thảo và nhà hàng ẩm thực, rạp chiếu phim. Trong khuôn viên còn có một đài phun nước đại diện cho nghệ thuật đương đại với nhiều bức tượng theo trường phái Chủ nghĩa Hiện đại của Jean Tinguely và Niki de Saint-Phalle. Công trình hiện nay là một biểu tượng của thành phố.
Chất lượng không gian
Không gian thực – ảo: Hệ modul lưới thép của mặt đứng công trình tạo hiệu ứng thực ảo cực kỳ ấn tượng cho bảo tàng. Sự hình thành các lưới thép tạo hiệu ứng, các khối không gian ảo bên trong được sử dụng làm hành lang di chuyển. Tạo nên một hệ đối xứng hài hòa, đặc sắc.
Không gian thường ngày – đột biến: Được xây dựng trong ở một thành phố được mệnh danh là nơi có những công trình cổ điển nguy nga lộng lẫy. Hình thái của đô thị với những khối nhà hình chữ nhật, cổ điển, tạo nên một nhịp điệu “thường ngày. Sự thành công của thiết kế thể hiện được sự bứt phá mạnh mẽ của Chủ nghĩa hiện đại ở tại thời điểm đó. Ngoài ra, còn thể hiện được sự gắn kết giữa hoạt động nghệ thuật và cuộc sống đô thị, giữa kiến trúc và các không gian cộng đồng.
Hình thức kiến trúc và hệ kết cấu
Hình thức của công trình mang phong cách đương đại đậm nét kiến trúc công nghiệp và có thể nói là một biểu tượng của thành phố, nơi mà nền công nghiệp đã từng phát triển rực rỡ. KTS. Renzo Piano đã sử dụng vật liệu hiện đại như thép và kính, đi ngược lại bối cảnh lúc bấy giờ theo Chủ nghĩa cổ điển. Các modul khung thép bên ngoài tạo sự mạnh mẽ, cứng rắn và vững chắc cho công trình, đó cũng là đặc điểm nổi bậc riêng của kiến trúc công nghiệp.
Vật liệu sử dụng: Các vật liệu sử dụng chủ yếu trong thiết kế bao gồm: Thép, kính. Ý đồ thiết kế và cách sử dụng vật liệu hiện đại đã được thực hiện với công nghệ cao xuất hiện trong thời điểm đó là một bước tiến của một chủ nghĩa mới (High-Tech). Các vách kính lớn giúp đưa ánh sáng vào bên trong công trình và tạo được view nhìn rộng ra hướng thành phố.
Kết cấu chính của công trình là khung thép bao gồm 14 khung, giữ 13 phần với nhịp 48m. Mặt ngoài công trình được bố trí các đường ống và hệ modul khung thép. Các hệ thống ống này được sơn màu theo chức năng, các ống điều hòa có màu xanh da trời, các ống nước có màu xanh lá cây, các đường ống điện có màu vàng, cam còn các ống màu trắng là hệ thống thông gió riêng hệ thống thang ngoài trời được đặt trong một ống sơn màu đỏ. Với kết cấu chính của công trình là khung thép những phần bao bọc còn lại của công trình được sử dụng toàn bộ kính tận dụng ánh sáng tự nhiên tối đa vào trong. Việc sử dụng khung thép và mái kính đã giúp các không gian được mở rộng, xuyên suốt và liên tục ngoài ra còn tận dụng được ánh sáng và view nhìn ra thành phố. Hệ kết cấu mà KTS sử dụng đã làm công trình trung tâm nghệ thuật mang lớp áo ngoài của một nhà xưởng.Kết luận
Quan điểm thiết kế kiến trúc là sự tiếp nhận và biến đổi theo thời gian, luôn làm mới để thích nghi với sự thay đổi của xã hội và vượt ra khỏi những ràng buộc trong thiết kế. Nên vì thế, luôn tồn tại hai yếu tố cũ và mới mang tính kết nối, xóa bỏ ranh giới giữa con người với thiên nhiên, con người với con người, và con người với nghệ thuật. Luôn chú ý đến những trải nghiệm của người sử dụng công trình kiến trúc. Và đặc biệt là dành sự tôn trọng đối với thiên nhiên và bối cảnh của xã hội trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai trong lúc đề xuất những giải pháp thiết kế.
Phong cách thiết kế của ông là quá trình tiếp biến trong thiết kế cũng như văn hóa, xã hội. Nên mỗi công trình đều mang một nét đặc trưng riêng, không công trình nào giống nhau, tùy thời điểm, vị trí xây dựng và con người nơi đó. Những công trình kiến trúc là sự pha trộn của nhiều phong cách khác nhau, nhưng kết quả sau cùng vẫn là tạo ra sự dung hòa và cân bằng.
Từ đó, có thể hiểu những phong cách đặc trưng của ông chính là không có đặc trưng phong cách nào.
Nhiệm vụ thiết kế trong hầu hết những công trình của Renzo Piano thì giải pháp kỹ thuật xây dựng công nghệ cao luôn được đề cao. Có xu hướng module hóa các kiến trúc dựa trên khả năng sản xuất của xây dựng. Các vật liệu sử dụng trong thiết kế đa dạng và ưu tiên phải thích nghi, phù hợp với bối cảnh xung quanh. Không gian kiến trúc với những giải pháp thiết kế theo hướng mở mang tính chất kết nối và hài hòa giữa các nhân tố với nhau.
ThS.KTS. Trần Đăng Lộc Phú
Ths.Kts. Trần Thị Hoài Nhi
Ths.Kts. Lê Vũ Thiều Dương
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2023)
Tài liệu tham khảo
1. Blaser, Werner. (2001) – “Renzo Piano – Centre Kanak Cultural Centre of Kanak People” – Birkhäuser Basel – Publishers;
2. Doãn Minh Khôi. (2021) – “Tài liệu học phần Tổ hợp không gian kiến trúc hiện đại” – Viện đào tạo sau đại học UAH;
3. Renzo Piano, Italo Calvino. (2000). Hatje Cantz – Publishers;
4. Tôn Đại. (2017) – “Từ sơ phác đến tác phẩm kiến trúc: Những sơ phác của KTS Renzo Pian” – Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2017;
5. https://ift.tt/A1O596r;
6. https://ift.tt/KGEtHCM
7. https://ift.tt/sA5UdKO;
8. https://ift.tt/TyDAk5K;
9. https://ift.tt/zSlxKhL;
10. https://ift.tt/n2KjuI9
The post Chất lượng tổ hợp không gian kiến trúc hiện đại qua thủ pháp thiết kế của KTS. Renzo Piano appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/HGcwl9j
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét