Đầu tháng 12/2023, trong buổi diễn thuyết kiến trúc TOTO Architect Talk tại TP. HCM với gần 1000 người tham dự, GS. TS.KTS. Yoshiharu Tsukamoto đã có bài chia sẻ với chủ đề “Architectural Behaviorology – Kiến trúc hành vi”. Để hiểu thêm về KTS. Yoshiharu Tsukamoto cũng như những quan điểm hành nghề, Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam đã có buổi phỏng vấn độc quyền với Ông. Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi.
GS. TS.KTS. Yoshiharu Tsukamoto là đồng sáng lập công ty kiến trúc “Atelier Bow-Wow” và hiện đang giảng dạy tại ĐH Công nghệ Tokyo. Dưới sự chủ trì của Ông, Atelier Bow-Wow đã thực hiện nhiều công trình ấn tượng ở Nhật và các quốc gia khác. GS. Yoshiharu Tsukamoto cũng đã giảng dạy tại nhiều Trường Đại học danh tiếng trên thế giới như Harvard GSD, UCLA, Royal Danish Academy of Fine Arts, Cornell University, Rice University, TU Delft, Columbia University GSAPP, ETH,…
PV: Chào GS. TS. KTS Yoshiharu Tsukamoto, cảm ơn Ông đã tham gia phỏng vấn. Được biết, ngoài triết lý kiến trúc hành vi (Architecture Behaviorology) đã chia sẻ tại chương trình TOTO Architect Talk vừa qua, Ông và Atelier Bow-Wow đã nghiên cứu và đưa ra khá nhiều triết lý thiết kế khác trong thời gian hành nghề. Ông có thể chia sẻ thêm về việc hình thành các triết lý đến độc giả của TCKT?
GS. TS. KTS Yoshiharu Tsukamoto: Từ khi còn nhỏ, tôi đã luôn thích quan sát bối cảnh của mọi thứ. Và sau này, tôi cũng cố gắng nhìn kiến trúc theo cách tương tự. Điều này đã khiến tôi quan sát thành phố Tokyo vào năm 1989 và chú ý đến những công trình hỗn hợp, nơi thể hiện sự khác biệt với các thành phố ở phương Tây. Những công trình hỗn hợp ở Tokyo là ví dụ điển hình để thấy kiến trúc được coi là “thú cưng” trong môi trường. Quan sát này đã thúc đẩy tôi viết sách và trong quá trình nghiên cứu cho cuốn “Made in Tokyo” (Sản xuất từ Tokyo), chúng tôi đã tìm ra ý tưởng về triết lý Pet Architecture (Kiến trúc thú cưng) – Những ngôi nhà rất nhỏ trong thành phố.
Luận án tiến sĩ của tôi có chủ đề “Hùng biện kiến trúc: Những ngôi nhà Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai”, trong đó tôi tập trung vào vấn đề bản địa, yếu tố khí hậu và vật liệu. Nghiên cứu của tôi chỉ giới hạn ở một loại hình: Nhà ở của hộ gia đình để so sánh những ngôi nhà khác nhau nhằm rút ra đặc điểm cấu tạo không gian của chúng. Bản thân kiến trúc có một trật tự nội tại riêng, tồn tại trong thời gian dài. Vì vậy, các nhà thiết kế và học giả kiến trúc nên tìm hiểu về sự biến đổi của xã hội và văn hóa, đồng thời so sánh kiến trúc của các thời kỳ và địa điểm khác nhau. Đó là điều cần thiết khi xây dựng phần hồn hoặc triết lý kiến trúc.
Ngoài ra, tôi cũng đã có nhiều dịp tham gia các triển lãm quốc tế (Biennale, Saitama Triennale) ở các TP khác nhau, tôi thăm thú và khảo sát hành vi của người dân ở những TP đó trong việc biến không gian công cộng thành không gian riêng của họ (VD như Sao Paulo (Brazil), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Hàng Châu (Trung Quốc), Busan (Hàn Quốc), Thâm Quyến (Trung Quốc) và Hồng Kông). Không gian công cộng vi mô ở những TP này đã giúp tôi tự tin thiết kế không gian bằng cách quan sát hành vi của con người. Vào những năm 1990, các chuyên gia từ mỗi lĩnh vực hiếm khi liên hệ lĩnh vực của họ với lĩnh vực khác, ví dụ như các KTS chủ yếu nói về việc thiết kế lập trình mà bỏ qua khía cạnh môi trường. Ngược lại, các chuyên gia môi trường hiếm khi nói về việc lập trình hoặc bối cảnh. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng Hành vi học có thể tiếp cận tất cả các vấn đề này. Lập trình thực sự là hành vi của con người, trong khi bối cảnh hóa có thể được hiểu là hành vi xây dựng (hoặc hình thái) và môi trường có thể được thể hiện dưới dạng hành vi của tự nhiên.
PV: Vừa là Giáo sư đại học, vừa là KTS hành nghề với hơn 30 năm kinh nghiệm, ông nghĩ sao về việc KTS cần cân bằng giữa nghiên cứu lý thuyết và học hỏi từ thực tiễn?
GS. TS. KTS Yoshiharu Tsukamoto: Tôi nghĩ bản thân nghiên cứu học thuật cũng là một hình thức thực hành. Các vấn đề thực tiễn khi mang đến phòng thí nghiệm sẽ được nghiên cứu để phát triển hơn nữa. Có một sự khác biệt lớn ở trường đại học Nhật Bản là hệ thống phòng thí nghiệm. Mỗi sinh viên cần chọn một phòng thí nghiệm phù hợp với lĩnh vực thiết kế trong quá trình học của mình và sẽ thành nơi gắn bó khi tiếp tục học lên thạc sĩ hoặc cao hơn.
Phòng thí nghiệm do tôi phụ trách gồm 30 sinh viên (từ năm thứ nhất đến chương trình tiến sĩ). Nhóm này rất quan trọng, họ là “khán giả” đầu tiên và cũng là những người tôi cần thuyết phục khi có những ý tưởng, phát hiện mới. Ngoài ra, việc thường xuyên đọc, góp ý các bài viết học thuật hay luận văn tốt nghiệp của sinh viên cũng là cơ hội giúp tôi phát triển hoặc củng cố những suy nghĩ của chính mình. Nền tảng lý thuyết cũng là một phần trong quá trình thiết kế, nhưng thiên nhiều hơn về giả thuyết, hệ sinh thái sinh kế hoặc bối cảnh. Theo tôi, lý thuyết sẽ cung cấp thông tin cho thực tiễn, và ngược lại, thực tiễn cũng góp phần để chỉnh sửa, hoàn thiện các nền tảng lý thuyết. Quá trình thực hành thiết kế đôi khi sẽ giúp phát hiện ra những rào cản trong xã hội và chúng ta cũng có thể bắt đầu “thử thách” rào cản này từ quan điểm lý thuyết.
PV: Theo Ông, các trường Đại học có thể “đổi mới” điều gì để giúp các KTS dễ dàng hơn khi hành nghề?
GS. TS. KTS Yoshiharu Tsukamoto: Đối với các trường đại học nói chung và các trường trong lĩnh vực xây dựng và thiết kế kiến trúc nói riêng, nhiệm vụ tất yếu là đào tạo những người trẻ trở thành chuyên gia. Theo tôi, các trường đại học nên tạo cơ hội để những người trẻ có những băn khoăn, phản biện về ngành kiến trúc – xây dựng có thể nhìn rõ các vấn đề đang diễn ra trong xã hội, như vậy sẽ giúp họ dễ dàng thích ứng hơn. Khi hành nghề thực tiễn, với những kỹ năng và kiến thức chuyên môn, họ có thể đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Kiến trúc sư thường phải am hiểu về chi tiết, kỹ thuật, công nghệ, vật liệu, luật pháp và khoa học xã hội, nó bao trùm hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống. Vì vậy, KTS thực sự phải trau dồi để có thể đủ kiến thức, kinh nghiệm dẫn dắt và thay đổi được suy nghĩ của mọi người.
PV: Có rất nhiều KTS biết đến Ông thông qua các ấn phẩm xuất bản, Ông có thể chia sẻ thêm về một cuốn sách mà Ông tâm đắc?
GS. TS. KTS Yoshiharu Tsukamoto: Tôi không thể chọn chỉ một cuốn (*cười*). Nhưng nếu có một số ví dụ thì tôi muốn chia sẻ cuốn “Void Metabolism” (Chuyển hóa luận của khoảng trống) thực sự phù hợp với thế hệ người Việt hiện nay. Và “Made in Tokyo” (Sản xuất từ Tokyo) cũng rất phù hợp, bởi vì nó đại diện cho sự lai tạo thú vị (công trình hỗn hợp) cũng đang diễn ra ở Việt Nam khi các cơ sở hạ tầng đang liên tục được xây dựng làm tăng giá trị đất đai. Cùng với đó, liên quan đến các không gian công cộng sẽ có cuốn “Commonalities” (Sự tương đồng) và “Behaviorology” (Hành vi học).
Ngoài ra, “Windowscape” (Cảnh quan cửa sổ) cũng là một lựa chọn tốt vì cửa sổ ở vùng khí hậu nhiệt đới là vấn đề cực kỳ quan trọng. Và cuối cùng, cuốn “How is life” (Thiết kế cuộc sống) thực sự đã chuyển đổi khái niệm từ không gian sang mạng lưới vạn vật.
PV: Ông có thể chia sẻ hay đưa những lời khuyên gì cho các KTS trẻ đang hành nghề tại Việt Nam?
GS. TS. KTS Yoshiharu Tsukamoto: Sự chuyển hóa của ngành công nghiệp và cách thức tiêu dùng của xã hội khiến con người khó làm chủ được các công cụ, đặc biệt là khi phải tương tác với các công cụ bằng tay hoặc chính cơ thể của mình. Tôi nghĩ các KTS thường gặp khó khăn khi tham gia vào quá trình thi công xây dựng thực tế và tự mình phải thực hiện một số công việc nhỏ. Vì vậy tôi đặc biệt khuyên các KTS trẻ Việt Nam nên học cách kiểm soát các công cụ và tham gia thực tế các công việc tại công trường. Tôi nghĩ nó rất quan trọng vì khi làm như vậy, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản do bối cảnh thị trường và hệ thống xã hội tạo ra. Và sau đó bạn sẽ quan sát để bắt đầu suy nghĩ về cách giải quyết những rào cản này. Vì vậy, nó sẽ trở thành các vấn đề xã hội cần giải quyết hơn là chỉ làm việc bằng tay. Nhưng nếu bạn không làm việc thực tế bằng đôi tay, công cụ và cơ thể của mình thì sẽ rất khó để nhận ra được các rào cản xã hội và tìm giải pháp tổ chức lại.
PV: Trân trọng cảm ơn Ông đã dành thời gian, chúc Ông mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công!
Ánh Dương – Mạnh Tuấn (Thực hiện) – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc
The post GS.TS.KTS Yoshiharu Tsukamoto: “Nghiên cứu học thuật cũng là một hình thức thực hành” appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/4z7r0tk
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét