Phát triển nhà ở xã hội (NOXH) theo hướng tích hợp và bền vững là một xu thế tất yếu của thời đại và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân cũng như Chính phủ trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước, với số dân hơn 9,1 triệu người (Số liệu thống kê năm 2021), việc phát triển và quản lý tốt NOXH là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao mức sống của nhân dân, ổn định xã hội, tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế- xã hội. Bài viết này giới thiệu tổng quan về nhà ở xã hội theo hướng tích hợp và bền vững, một số kinh nghiệm phát triển NOXH theo hướng tích hợp bền vững, và một vài giải pháp đề xuất của nhóm tác giả phù hợp với từng nhóm đối tượng, phù hợp với nguồn lực kinh tế – xã hội của TP.HCM.
Phát triển và quản lý NOXH đáp ứng được nhu cầu thực tiễn chính là một trong những nội dung của định hướng XHCN trong khái niệm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; là một trong những thước đo trình độ quản trị quốc gia và khả năng lãnh đạo của Nhà nước (thúc đẩy hình thành nhiều doanh nghiệp và tạo điều kiện cho xã hội tiếp cận một cách công bằng các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước); là cơ hội và thị trường rộng lớn cho DN xây dựng, cộng đồng khoa học công nghệ và xã hội có liên quan khởi nghiệp. Đồng thời, phát triển NOXH với một quy mô lớn không thể theo kiểu đơn lẻ, rời rạc, mà phải thực hiện một cách tổng thể, theo nguyên tắc sản xuất hàng loạt, mang tính công nghiệp với các mô hình thống nhất, phù hợp để có thể huy động có hiệu quả các nguồn lực quốc gia, DN và cộng đồng xã hội tại mỗi địa phương.
Với những đô thị lớn như TP.HCM thì việc phát triển và quản lý tốt NOXH là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao mức sống của nhân dân, ổn định xã hội, tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế- xã hội. Trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nhu cầu về NOXH cho nhóm đối tượng công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX- KCN) của TP.HCM ngày càng tăng cao. Xã hội hóa nhà ở cho công nhân tại KCX- KCN nhằm giúp cho hàng ngàn gia đình công nhân và người lao động được an cư và yên tâm lao động. Song, thực tế vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn và khó khăn trong việc phát triển NOXH hay nhà lưu trú cho công nhân tại TP.HCM – Đó là: Nhu cầu chỗ ở rất lớn nhưng các chủ DN sản xuất lại không chú ý đến việc xây nhà ở, hoặc nếu có thì các khu nhà ở do nhà nước và DN xây dựng không cạnh tranh được với nhà cho thuê của các hộ gia đình.
Phát triển NOXH theo hướng tích hợp và bền vững là một xu thế tất yếu của thời đại và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân cũng như Chính phủ trong giai đoạn tới. Để đạt được mục tiêu này, cần tìm hiểu và nghiên cứu những mô hình mới về tổ chức không gian NOXH phù hợp với từng nhóm đối tượng, phù hợp với nguồn lực kinh tế -xã hội, đồng thời có những giải pháp đầu tư, quản lý và vận hành NOXH mang tính khả thi, đảm bảo điều kiện sinh hoạt văn hóa, giải trí và theo hướng tích hợp và bền vững.
Tổng quan về nhà ở xã hội theo hướng tích hợp và bền vững
Tổng quan về nhà ở xã hội: Tại Việt Nam, khái niệm về NOXH được ban hành lần đầu tiên trong Luật Nhà ở 2005, và được cập nhật trong Luật Nhà ở 2014, có hiệu lực từ ngày 01/07/2015. Theo đó, NOXH được định nghĩa là “Nhà ở có sự hỗ trợ của nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật này”. Khái niệm NOXH tại Việt Nam không có nhiều sự khác biệt so với các nước trên thế giới, nó nhấn mạnh vào vai trò của Nhà nước, hỗ trợ cung cấp nhà ở cho các đối tượng không có khả năng mua nhà ở thương mại. Tuy nhiên, có một số khái niệm thường được dùng thay thế cho “Nhà ở xã hội” như là “Nhà ở cộng đồng”, “Nhà ở giá rẻ” và “Nhà ở thu nhập thấp”. Những tên gọi, thuật ngữ này có những sự khác biệt nhỏ và được vận dụng tuỳ từng hoàn cảnh và đối tượng cụ thể. Những năm gần đây, NOXH nhận được sự chú ý và quan tâm của cả xã hội, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của người lao động về một nơi cư trú. Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 338/QĐ-TTG ngày 03/04/2023 về Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030″. Thực tế cho thấy nhu cầu NOXH hiện tại đang vượt mức cung dự kiến. Trong giai đoạn 2021-2030, 60/63 tỉnh, TP gửi về Bộ Xây dựng mức nhu cầu của người dân về NOXH vào khoảng 2.400.000 căn, hơn gấp đôi so với con số 1 triệu căn được nêu trong Quyết định trên.
Theo xu hướng phát triển bền vững trên thế giới, NOXH cũng là mục tiêu được ưu tiên nghiên cứu hàng đầu tại các quốc gia. Tuy NOXH được quan tâm đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân trong những năm tới, nhưng chưa thực sự chú trọng đến yếu tố bền vững, cả về cộng đồng lẫn công nghệ. Vì vậy, đây là cơ hội cho Việt Nam để khai thác NOXH một cách bền vững ngay từ những bước đầu tiên, tránh tình trạng phải giải quyết các vấn đề mà các quốc gia đi trước đang gặp phải.
Tính bền vững qua góc nhìn xã hội – sự tích hợp: Khi nói đến sự bền vững trong phát triển NOXH, chúng ta không thể không nói đến sự tích hợp. Sự phát triển bền vững của NOXH cần đảm bảo sự cân bằng giữa thiết kế, xây dựng và quản lý để nó có thể phát triển ổn định trong một khoảng thời gian tương đối dài. Chính vì vậy, tính tích hợp hay rộng hơn là tính bền vững xã hội (social sustainability) của những công trình NOXH là cần thiết cho nhu cầu phát triển của cư dân. Nhìn chung, tính bền vững của xã hội trong các công trình xây dựng có thể đạt được thông qua việc chăm sóc cho sức khỏe và đời sống của cư dân, thể hiện qua việc tăng cường phương tiện công cộng, tạo ra môi trường lối sống lành mạnh, không gian công cộng an toàn cho gia đình và cộng đồng. Đã có một vài nghiên cứu và công trình thực tế cho thấy rằng việc tạo nên sự cá nhân hóa cho công trình dựa trên bản sắc văn hóa và phong tục tập quán của từng vùng miền là cần thiết cho sự tích hợp (inclusivity) cộng đồng. NOXH cần được thiết kế đơn giản nhưng uyển chuyển, có thể thích ứng theo sự phát triển của cư dân, tránh trường hợp di dời các hộ cư dân và ủng hộ “lớn lên tại chỗ” (aging in place). Yếu tố trên thúc đẩy việc mỗi hộ gia đình có thể cảm thấy được sự tích hợp trong cụm NOXH, góp phần tạo nên một xã hội bền vững, nơi những nhu cầu của người dân có thể được đáp ứng đầy đủ trong ngôi nhà của họ. Để đạt được tính bền vững cho NOXH, ngoài những yếu tố về công nghệ và kỹ thuật, còn cần phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ của những đơn vị liên quan, bao gồm cư dân, chủ đầu tư, tổ chức cộng đồng, cơ quan chính quyền địa phương. Những đơn vị liên quan cần phải có sự trao đổi, thấu hiểu, ứng dụng những chính sách hợp lý nhất dành cho từng địa phương.
Tính bền vững qua góc nhìn kinh tế: Tính bền vững về kinh tế của NOXH thể hiện qua vị trí hợp lý của dự án, nguồn tài nguyên hỗ trợ người dân trong việc thuê hoặc mua những căn NOXH. Tuy nhiên, thị trường NOXH giá phải chăng ở những TP lớn luôn gặp những thách thức và mâu thuẫn về nguồn vốn đầu tư, công nghệ, và lợi ích giữa các bên tham gia. Hơn thế nữa, có một số trường hợp vì chạy theo lợi nhuận mà không đảm bảo đủ yêu cầu bền vững của công trình, khiến nó bị xuống cấp nhanh chóng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.
Tính bền vững qua góc nhìn công nghệ: Tính bền vững trong nhà ở xã hội được hiểu là việc sử dụng những phương pháp thi công bền vững, công nghệ và cấu phần bền vững sẽ góp phần thúc đẩy những nguyên lý về việc “xanh” trong công trình. Những yếu tố này được bắt nguồn từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi thế giới nhận ra rằng những công trình xây dựng đang ảnh hưởng nặng nề lên môi trường sống của chúng ta. Những ảnh hưởng này khởi nguồn từ việc phá hủy môi trường nguyên thủy để thay thế vào đó những công trình hiện đại, việc sử dụng nước và năng lượng một cách thiếu tổ chức, xả thải ra môi trường xung quanh và chất đầy những bãi phế liệu bằng các rác thải không thể phân hủy. Chính vì thế, những phương án công nghệ kỹ thuật đã được đề xuất và áp dụng tương đối phổ biến trên thế giới bao gồm sự hạn chế phát thải CO2, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tiết kiệm và tái sử dụng các nguồn nước cùng với việc hạn chế phung phí tài nguyên thiên nhiên. Những phương án trên đang được áp dụng vào những công trình với mong muốn giảm gánh nặng đối với môi trường mà ngành công nghiệp xây dựng đang gây ra.
Công nghệ tiên tiến: Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đặc biệt là các công nghệ liên quan và phục vụ cho ngành xây dựng đã đem lại nhiều lợi ích không chỉ về hiệu quả sử dụng, tiết kiệm chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Do đó, việc áp dụng công nghệ và phương pháp xây dựng tiên tiến để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dự án nhà ở xã hội là điều cần được chú trọng trong bối cảnh hiện nay. Dưới đây là một số các giải pháp công nghệ tiêu biểu:
– Công nghệ xây dựng – Tòa nhà mô-đun
Tòa nhà mô-đun là kỹ thuật xây dựng sẵn kết cấu trong nhà máy, sau đó vận chuyển đến công trường để lắp ghép. Kỹ thuật này thường được sử dụng cho các tòa nhà chọc trời, nhưng ngày nay, với tiến bộ của ngành xây dựng, có thể áp dụng vào các dự án nhà ở do có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp xây dựng truyền thống. Các ưu điểm đó là:1) Tòa nhà mô-đun có thể giảm thiểu tình trạng tăng giá do thiếu hụt nguồn cung bằng cách đơn giản hóa quy trình xây dựng và giảm lãng phí. Nhà thầu biết chính xác họ cần bao nhiêu vật liệu và không cần đặt hàng quá mức; 2) Tiến độ thi công: Tòa nhà mô-đun cho phép các nhà thầu hoàn thành nhiều ngôi nhà hơn trong thời gian ngắn hơn bất chấp tình trạng thiếu lao động. Phương pháp này có thể hoàn thiện ngôi nhà nhanh hơn 50% so với phương pháp truyền thống; 3) Tính bền vững: Tòa nhà mô-đun giúp giảm tiêu thụ vật liệu và sản sinh chất thải, điều này có lợi cho môi trường cũng như người mua nhà; 4) An toàn lao động: Việc xây dựng trong môi trường được kiểm soát như nhà máy sẽ an toàn hơn so với xây dựng tại chỗ truyền thống. Có ít rủi ro hơn để lo lắng và các nhà thầu có thể thực hiện các tiêu chuẩn an toàn được cung cấp rõ ràng cho nhà máy của họ.
- Công nghệ xây dựng – Tòa nhà mô-đun
Ngày nay, công nghệ vật liệu xây dựng đã tạo ra nhiều loại vật liệu mới với các tên gọi như vật liệu xây dựng xanh, vật liệu phân hủy sinh học, vật liệu xây dựng bền vững, vật liệu tái chế,…Các vật liệu mới được tạo ra để đáp ứng các yêu cầu cấp bách về môi trường như giảm phát thải rác, khí thải độc hại vào môi trường. - Kết cấu tự phục hồi – Self-Healing Infrastructure
Công nghệ mới sử dụng chất hữu cơ và enzyme để hàn gắn các vật liệu xây dựng bị hỏng như bê tông và vật liệu tổng hợp. Chúng lấp đầy những vết nứt nhỏ trước khi chúng trầm trọng hơn. Kết cấu tự phục hồi giúp giảm nhu cầu sử dụng vật liệu kém hiệu quả dư thừa thường được sử dụng để sửa chữa các công trình. Chúng cũng giữ cho các cấu kiện bền hơn, hoạt động lâu hơn trong điều kiện bình thường. Khi các sinh vật – như vi khuẩn – phát hiện ra vết nứt, chúng có thể nhân lên cho đến khi lấp đầy vết nứt. Công nghệ tự phục hồi hiện đại sử dụng enzyme carbon để hoàn thành quá trình đó nhanh hơn, bảo quản cấu trúc tốt hơn. - Nhà in 3D – 3D construction
Một trong những đổi mới hứa hẹn nhất trong ngành xây dựng là sự ra đời của công nghệ in 3D được sử dụng để xây dựng nhà ở, văn phòng và các công trình khác. Công nghệ xây dựng 3D sử dụng hỗn hợp bê tông chuyên dụng được ép đùn thông qua một máy in quy mô lớn để “in” các bức tường của tòa nhà theo từng lớp. Công nghệ này cho phép sản xuất nhanh các tòa nhà với việc giảm thiểu chất thải, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các kết cấu in 3D có thể được thiết kế tích hợp với các tính năng cách nhiệt và năng lượng mặt trời thụ động tiên tiến, góp phần hơn nữa vào tính bền vững của chúng. Giải pháp này không chỉ giúp cắt giảm chi phí cho các nhà thầu thi công mà chính phủ cũng có thể hưởng lợi từ các chương trình nhà ở xã hội.
Ngoài các công nghệ kể trên còn có các công nghệ tiên tiến khác, mà tùy vào điều kiện có thể áp dụng cho việc xây dựng nhà ở xã hội như: Robot xây dựng, Thiết bị đeo xây dựng, Công nghệ đánh giá rủi ro, Quản lý xử lý chất thải, và Thực tế ảo.
Kinh nghiệm từ Singapore và các giải pháp quy hoạch – kiến trúc – công nghệ
Kinh nghiệm từ Singapore
Singapore được biết đến là một quốc gia phát triển thành công nhà ở xã hội – hay còn gọi là Nhà ở công cộng HDB. Hiện nay, Singapore đã có hơn 1 triệu căn hộ HDB đáp ứng chỗ ở cho 80% dân số. Tỷ lệ sở hữu nhà là 90% cao nhất thế giới, nhưng thành tựu thực sự của quốc gia này là 90% sự hài lòng về căn hộ, khu dân cư và bất động sản, đồng thời vẫn đảm bảo giá cả phải chăng cho mọi người. Năm 1960, Ban Phát triển Nhà ở (Housing Development Board – HDB) được thành lập và được trao quyền tự do đặc biệt như sự đảm bảo về tài chính, miễn trừ khỏi luật xây dựng, cho phép hoạt động mà không cần sự chấp thuận của các bộ phận khác.
Ưu tiên hàng đầu của HDB là giải quyết được tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng bằng cách xây dựng nhanh nhất và nhiều nhất có thể. Việc ban hành các luật liên quan đến việc thu hồi đất đã cho phép chính phủ tăng tỷ lệ đất thuộc sở hữu nhà nước từ 44% (năm 1960) đến 90% (năm 2005). Một số điều luật tiêu biểu có thể kể đến như: Điều khoản cho phép chính phủ thu hồi bất kỳ vùng đất nào sau khi bị tàn phá bởi hỏa hoạn hoặc thiên tai; luật sửa đổi cho phép nhà nước thu hồi đất mà không cần bồi thường cho các chủ đất ven biển bị ảnh hưởng; luật thu hồi đất của bất kỳ cá nhân, tổ chức, công ty mà thực hiện các công việc mang lại lợi ích công cộng / vì lợi ích công cộng. Khi không còn đất để thu hồi nữa thì chính phủ khai hoang lấn biển – chiếm 1/5 diện tích của Singapore ngày nay.
Chính sách hỗ trợ nhà ở của Singapore thường dành cho cả hai bên cung và cầu. Trợ cấp cho bên cung được thực hiện thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau như: Chính phủ miễn, giảm thuế; hỗ trợ tín dụng (các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp, vay ân hạn); cung cấp một số cơ chế bảo lãnh, cung cấp đất, cơ sở hạ tầng. Căn hộ do tư nhân thiết kế, xây dựng và định giá sẽ được chính phụ trợ giá với mức giá thấp hơn thị trường. Trợ cấp về bên cầu được thực hiện thông qua việc hỗ trợ cho các hộ gia đình dưới nhiều hình thức khác nhau như: Ưu đãi thuế (cho phép khấu trừ thuế đối với chi phí mua nhà thu nhập thấp); trợ cấp để mua/thuê nhà; hỗ trợ về tiết kiệm cho mua nhà; cung cấp các khoản vay ưu đãi để mua nhà. Ngoài ra, chính phủ có các khoản trợ cấp ưu ái cho các gia đình đã kết hôn và có con. Các khoản hỗ trợ tài chính cho người mua nhà từ nguồn tiền của Quỹ Dự phòng Trung ương CPF.
Cách xác định giá nhà của Singapore cũng có sự khác biệt so với các quốc gia khác: Tỷ lệ giá nhà trung bình trên thu nhập là cách đơn giản phổ biến nhất để so sánh khả năng chi trả. Nó cho biết một người bình thường cần làm việc bao nhiêu năm để mua được một căn nhà trung bình trong khu vực của họ. Cách tính này có xem xét đến các yếu tố như khả năng vay vốn, trợ cấp của chính phủ và quỹ tiết kiệm quốc gia. Như vậy, giá nhà được ấn định dựa trên khả năng chi trả của mỗi người và mỗi cá nhân không thể cùng một lúc sở hữu nhiều hơn một căn hộ. Mỗi khu dân cư sẽ có phần trăm định mức sở hữu nhà cho từng dân tộc. Ví dụ như: Người gốc Hoa chỉ có thể chiếm tối đa 84% diện tích một khu dân cư, người gốc Mã lai chiếm tối đa 22% và người gốc Ấn chiếm 12%. Khi một dân tộc đã hết hạn mức sẽ không được mua nhà ở khu phố đó nữa.
Singapore quan niệm bản chất của nhà ở là nơi để ở chứ không phải là một khoản đầu tư, tuy nhiên nhà ở vẫn được coi là tài sản và chủ sở hữu được phép bán chúng theo giá thị trường sau 5 năm sử dụng. Người cao tuổi được khuyến khích bán căn hộ của họ để chuyển sang căn hộ nhỏ hơn. Người nước ngoài không bị cấm mua nhưng họ phải đóng thuế trước bạ lớn hơn. Về cơ bản, người dân được tự do mua, bán và thừa kế tài sản. Tuy nhiên, Chính phù vẫn là “chủ sở hữu” thực sự, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm bảo trì, cải tạo và nâng cấp miễn phí căn hộ công cộng. Để có tiền mua nhà, người dân không còn cách nào khác ngoài việc tiết kiệm tiền. Luật pháp yêu cầu tất cả người lao động dưới 55 tuổi phải đóng góp 20% tiền lương của họ, người sử dụng lao động đóng 17% vào quỹ tiết kiệm xã hội. Quỹ này chỉ có thể được rút vì một số lý do cụ thể – trong đó, mua nhà là lý do quan trọng phổ biến nhất. Đối với nhiều nơi trên thế giới, thuật ngữ “Nhà ở công cộng – Nhà ở xã hội” gợi lên bức tranh về những dãy hộp bê tông buồn tẻ, tồi tàn, kém tiện nghi. Tuy nhiên, ở Singapore, nhà ở công cộng HDB là nơi ở được yêu thích và là niềm tự hào của cả người giàu và người nghèo, nơi không có sự kỳ thị xã hội, nơi được coi là khu ở xanh và bền vững. Bên cạnh những giải pháp về chính sách thì Singapore còn triển khai và áp dụng các giải pháp quy hoạch – kiến trúc, công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Giải pháp quy hoạch – kiến trúc
Mỗi khu ở được thiết kế để chứa khoảng 100.000 đến 200.000 người, có đầy đủ các tiện ích công cộng như: Trường học, cửa hàng tạp hóa, bệnh viện, phòng tập thể dục và trung tâm thương mại riêng. Hầu hết cư dân chỉ cần ra ngoài đi làm bằng hệ thống tàu điện. Các khu dân cư được sắp xếp theo kiểu bàn cờ với những tòa nhà cao thấp xen kẽ nhau tạo sự lưu thông không khí. Giải pháp để trống tầng 1 hay còn gọi là sàn trống (void desk) để làm không gian sinh hoạt chung cho cư dân nhằm gắn kết cộng đồng. Các căn hộ được thiết kế với nhiều hình dạng và kích thước nhằm đáp ứng cho nhiều mức thu nhập khác nhau, thường là từ 1 đến 5 phòng ngủ và các căn kết hợp. Việc sắp xếp các căn hộ có kích thước khác nhau đặt cạnh nhau được cân nhắc kỹ để tạo sự gắn kết xã hội.
Giải pháp công nghệ
HDB là đơn vị tiên phong và dẫn đầu về công nghệ đúc sẵn (Precast Technology), công nghệ này được áp dụng khoảng 70% cho mỗi dự án, nó có khả năng đáp ứng nhu cầu về điều kiện môi trường và thời tiết của Singapore và đã giúp HDB đạt được chất lượng và năng suất xây dựng cao trong quá trình phát triển các tòa nhà cao tầng của mình. Các cấu kiện được đúc sẵn bao gồm: Dầm, cột, mặt tiền, tường ngăn/tường nội thất, tường đầu hồi, ván sàn, cầu thang, máng đổ rác. Các ưu điểm có thể kể đến như: Tăng khả năng xây dựng và năng suất lao động, kiểm soát chất lượng của các cấu kiện đúc sẵn tốt hơn, Tăng cường an toàn tại các công trường xây dựng, tối ưu hóa việc sử dụng vật liệu và giảm chất thải từ đó giảm tác động đến môi trường. Một số hệ thống công nghệ được phát triển bởi HDB như:
Hệ thống sản xuất đúc sẵn tự động (Automated Precast Production system – APPS) cải thiện quy trình sản xuất đúc sẵn bằng cách tích hợp khả năng sản xuất và thiết kế có sự hỗ trợ của máy tính (CAD/CAM) vào quy trình sản xuất. Điều này giúp dễ dàng sản xuất nhiều loại linh kiện hơn đồng thời giảm nhu cầu lao động thủ công, cho phép chế tạo và lắp đặt các thiết kế phức tạp hơn một cách nhanh chóng.
Phần mềm thiết kế kết cấu có sự hỗ trợ của máy tính (The Structural Engineering Computer Aided Design software – SE CAD), là phần mềm phân tích kết cấu, thiết kế và trình bày chi tiết các dự án đúc sẵn cao tầng. SE CAD tận dụng kiến thức và kinh nghiệm của HDB trong thực hành thiết kế và xây dựng công trình, đồng thời hướng dẫn ngành xây dựng triển khai các thiết kế bền vững và dễ xây dựng hơn thông qua việc sử dụng nhiều hơn vật liệu đúc sẵn và chế tạo sẵn.
Hệ thống giá đỡ xe đạp kép (Dual Bicycle Rack System) là hệ thống được thiết kế bởi HDB, nhằm tối ưu hóa không gian bằng cách chứa 2 chiếc xe đạp trong cùng một khu vực theo yêu cầu của một giá đỡ thông thường, từ đó tạo ra hành lang gọn gàng và an toàn hơn. Nó có lò xo khí thủy lực để người dùng nâng và hạ tầng trên của giá một cách an toàn và có thanh khóa chống trộm.
Hệ thống khay mái xanh đúc sẵn (The Prefabricated Extensive GreenRoof Tray System-PEG), nhằm đưa cây xanh vào cảnh quan đô thị bằng cách phủ xanh các mái nhà của tòa nhà và giải quyết các mối lo ngại về môi trường của nhiều TP đô thị hóa có không gian xanh hạn chế. Bằng cách cung cấp vật liệu cách nhiệt cho mái nhà, hệ thống PEG làm giảm nhiệt độ bề mặt và môi trường (giảm từ 10oC đến 15oC) đồng thời đóng vai trò là lớp bảo vệ bổ sung cho màng mái. Ngoài ra, cây xanh được bổ sung làm giảm độ chói cho các khối xung quanh đồng thời thúc đẩy đa dạng sinh học trong hệ sinh thái sống trên sân thượng.
Hệ thống tường xanh Verti.Gro (The Verti.Gro vertical greenery system), do HDB phát triển và cấp bằng sáng chế, là một khay trồng cây nhẹ, mô-đun được tích hợp với lưới thép đúc sẵn và các thanh leo để tạo thành một bức tường xanh thẳng đứng. Hệ thống này mang lại sự linh hoạt bằng cách đưa gió và ánh sáng tự nhiên vào tòa nhà.
Mô hình NOXH bền vững khác
Dự án NOXH Longnan Garden thiết kế bởi Atelier GOM, được xây dựng vào năm 2017 tại Thượng Hải – Trung Quốc, được ứng dụng phương pháp Skeleton Infill (SI). Phương pháp SI được hình thành bởi việc xây dựng một khung kết cấu bê tông cốt thép có chiều cao sàn lên tới 7,6m, và được chia thành 3 khoảng không gian gồm 2,8m, 2,0m, và 2,8m. Điều này cho phép sự tích hợp của nhiều chức năng hơn vào một khoảng không gian nhỏ, nó hướng tới những cư dân là người trẻ có thu nhập thấp đến trung bình, những người yêu thích việc thuê hơn là mua nhà. Điều này trùng khớp với các đề xuất NOXH ở TP.HCM khi giá đất cao và người trẻ có xu hướng thuê thay vì mua để hưởng được chất lượng nhà ở tốt mà không phải tổn hao một chi phí ban đầu quá lớn. Hơn nữa, nhờ có chiều cao giữa các sàn lên tới 7,6m, việc nâng cấp hay thay đổi công năng trong tương lai cũng trở nên khả thi hơn.
Công trình NOXH Longnan Garden còn mang một nguyên tắc thiết kế “Nhà ở càng nhỏ, không gian công cộng càng rộng”. Phương hướng thiết kế này có thể cân bằng giữa việc tối ưu hóa không gian nhưng vẫn giữ được môi trường tốt cho cộng đồng dân cư. Việc tạo ra các lối hành lang chung kết nối những không gian công cộng của các tòa nhà trong khu NOXH, đã giúp tăng cường tính bền vững cộng đồng.
Đề xuất giải pháp cho TP.HCM
Những khó khăn của NOXH tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung không thể được giải quyết bằng một vài chính sách đơn giản, mà cần cả một hệ thống hỗ trợ gồm nhiều khía cạnh từ kinh tế, xã hội, đến khoa học kỹ thuật. Một số vấn đề NOXH bền vững đang gặp phải ở thị trường Việt Nam như:
Thiếu nhận thức về tính bền vững của NOXH, chỉ tập trung gia tăng số lượng chứ không phải chất lượng. Hiện tại thị trường Việt Nam vẫn thiếu tự tin vào những lợi ích mà công trình bền vững có thể mang lại. Đa số vẫn mang một suy nghĩ là công trình “xanh” chỉ gia tăng chi phí xây dựng ban đầu và vì đó không phù hợp với mô hình nhà ở giá rẻ;
Tiêu chuẩn công trình xanh chưa phù hợp với loại hình NOXH. Hiện nay, có rất nhiều chứng chỉ công trình xanh đang được ứng dụng tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên chúng chưa thực sự phù hợp với những tiêu chí của NOXH. Thông thường NOXH sẽ có tỉ lệ sử dụng đất cao hơn nhằm mang đến sự phải chăng, nhưng đồng nghĩa với tỉ lệ khoảng xanh trong công trình sẽ ở mức thấp, và việc ứng dụng vườn trên cao hay những công nghệ khác lại có thể tăng cao chi phí;
Thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền cho công trình NOXH xanh, bền vững. Mặc dù hiện tại Nhà nước đã và đang đẩy mạnh việc phát triển NOXH, tuy nhiên tính bền vững vẫn chưa được chú trọng, mà tập trung phần lớn vào việc số lượng căn hộ đạt đủ chỉ tiêu đề ra. Chính vì thế, chất lượng của những công trình NOXH sẽ chịu ảnh hưởng phần nào, thiếu vắng đi tính chú trọng vào sự bền vững của xã hội, cũng như chất lượng bản thân công trình. Dẫn đến chi phí bảo trì, bảo dưỡng cao, nhà ở xuống cấp nhanh chóng, và ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên;
Thiếu kinh nghiệm, kỹ năng cũng như kiến thức của các bên liên quan. Công trình xanh hay công trình bền vững không còn quá mới mẻ với ngành công nghiệp xây dựng của Việt Nam. Tuy vậy, việc áp dụng những tiêu chuẩn bền vững yêu cầu việc cập nhật kiến thức liên tục. Chính vì thế, rất nhiều công trình mang tính bền vững ở Việt Nam vẫn đang dựa vào tư vấn nước ngoài, khiến cho giá cả bị đẩy cao, khó tiếp cận.
Đối với TP.HCM, cần có cơ quan quản lý đầu tư và phát triển NOXH.Cần xây dựng được quỹ phát triển NOXH, bao gồm: Trợ cấp của Nhà nước, khoản đóng góp của người mua, và nguồn phi Chính phủ nếu có. Do không phải người thu nhập thấp nào cũng có nhu cầu mua NOXH nên sẽ có hình thức thuê, thuê mua và mua. Nhà nước sẽ là chủ sở hữu chính của NOXH, những người muốn mua NOXH cần đăng ký và cam kết đóng tiền vào quỹ NOXH, sau khi đóng đủ tiền họ sẽ được sở hữu căn hộ đó. Để đảm bảo công bằng và tận dụng được tiền dư thừa từ những gia đình thu nhập trung bình và khá để tạo quỹ NOXH, thì nên có chính sách để tất cả các hộ gia đình đều có cơ hội mua một căn NOXH.Những người mua mà không có nhu cầu ở có thể cho người khác thuê, thông qua cơ quan quản lý NOXH. Nên có trợ cấp ưu tiên hơn và khuyến khích những gia đình có con nhỏ mua nhà. Nên áp dụng các công nghệ tiên tiến để tiết kiệm nguyên liệu, giảm nhân lực và thời gian thi công từ đó giảm giá nhà. Mỗi khu NOXH cần được tích hợp với các chức năng công cộng, dịch vụ để đáp ứng đầy đủ nhu cầu ở cơ bản cho người dân. Đối với những khu NOXH được thiết kế, xây dựng bởi doanh nghiệp, thì Nhà nước cần hỗ trợ giá để đảm bảo người dân có thể mua được.
Ngoài ra, những lợi ích khác của NOXH bền vững mà TP.HCM có thể đạt được cũng rất đáng được quan tâm.
- Thứ nhất là cơ hội nghề nghiệp, sự phát triển của NOXH bền vững có thể mở ra một số cơ hội việc làm mới cho người lao động tại khu vực. Thông qua việc ứng dụng các vật liệu xây dựng tại địa phương, điều này không chỉ mang lại sự bền vững cho công trình mà còn giúp đẩy mạnh sản xuất và công ăn việc làm cho người dân.
- Thứ hai là giảm tải chi phí hoạt động nhờ việc cải thiện vòng đời của công trình, giảm thiểu chi phí hoạt động thường xuyên. Lấy ví dụ, một công trình NOXH theo tiêu chuẩn tối thiểu của EDGE (cắt giảm 20% năng lượng, 20% nước, 20% vật liệu) sẽ tăng chi phí xây dựng lên 290.000 VND/m2, tuy nhiên nó sẽ giúp giảm đến 22% chi phí sinh hoạt thường ngày (điện, nước). Điều này sẽ chia sẻ bớt gánh nặng cho cư dân có thu nhập thấp với nguồn tiền không ổn định. Cuối cùng là chính sách phát triển bền vững đang được chú trọng, nhiều chính sách mới được ban hành hỗ trợ việc xây dựng NOXH bền vững. TP.HCM cũng không ngoại lệ, dựa trên xu hướng phát triển của quốc gia và thế giới, đây là cơ hội quý giá cần được nắm bắt để có thể phát triển TP bền vững.
Tóm lại, nếu nhìn từ góc độ xã hội, trong bối cảnh cuộc sống con người đang phải đối diện với thiên tai, dịch bệnh, điều kiện sống ngày càng khó khăn hơn, thì những tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất NOXH theo hướng tích hợp, bền vững mang cả ý nghĩa thực tiễn và khoa học. Thông qua việc ứng dụng các vật liệu xây dựng tại địa phương, góp phần mang đến sự bền vững cho công trình, giúp đẩy mạnh sản xuất và công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời, việc mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi và ứng dụng những công nghệ tiên tiến, nhất là các công nghệ phục vụ cho ngành xây dựng sẽ đem lại nhiều lợi ích sử dụng, tiết kiệm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, một số nghiên cứu và giải pháp đề xuất của nhóm tác giả hướng đến từng nhóm đối tượng và phù hợp với nguồn lực kinh tế -xã hội, điều kiện đặc thù của TP.HCM.
PGS.TS.KTS. Ngô Lê Minh
ThS. Lý Công Minh
ThS. Lê Thị Vân Anh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 1-2024)
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Vũ Thương Nhung (2022) – “Nhà ở xã hội theo định hướng phát triển bền vững” – Tạp chí Vật liệu Xây dựng, Số 7/2022;
2. Lê Minh, Q., & Long, L. H. . (2022) – “Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả dự án nhà ở xã hội tại Tiền Giang” – Tạp Chí Vật liệu Và Xây dựng – Bộ Xây dựng, 12(03). https://ift.tt/UgpxlGd;
3. K. L., & Leng, J. (2019). A Study of Sustainable Social Housing Community Design in Britain and China. KnE Social Sciences, 3(27), 459–472. https://ift.tt/M82mVhH
4. Alireza Moghayedi, Chisomo Phiri, Ann-Marie Ellmann (2023). Improving sustainability of affordable housing using innovative technologies: Case study of SIAH-Livable, Scientific African, Volume 21, 2023, e01819, ISSN 2468-2276. https://ift.tt/EhGXsBl
5. Nguyễn Minh (2023) – “Đề xuất một số giải pháp phát triển nhà ở xã hội” – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam. https://ift.tt/8lKFJWZ
6. Rose Morrison (2022). What Types of Construction Technology Could Help with The Housing Shortage?
https://ift.tt/KC7USw2
7. Rose Morrison (2023). 9 Technologies Used to Meet Sustainability Goals in Construction
https://ift.tt/uZDmY0n
8. The Pinnacle List (2023). New Construction Technologies For Sustainable And Affordable Housing, truy cập ngày 19/11/2023
https://ift.tt/CA8SIZP
9. Housing & Development Board của Singapore, truy cập ngày 19/11/2023
https://ift.tt/9aMbz5B
10. Kênh youtube của PoliMatter, How Singapore solved housing, truy cập ngày 19/11/2023
https://www.youtube.com/watch?v=3dBaEo4QplQ
11. Van Thuong Le, Tuan Tran, Truc Truong (2018). Towards eco-social housing in Vietnam: challenges and opportunities. MATEC Web Conf. Volume 193, 2018. https://ift.tt/wUu39LN
12. Phạm Thị Thanh Bình (2022) – “Pháp luật quản lý, Phát triển chính sách xã hội ở Singapore và kinh nghiệm cho Việt Nam” https://ift.tt/Y1vCJX4
13. Chính phủ (2023). Quyết định số 338/QĐ-TTG ngày 03/04/2023 về phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030″.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/fd2te9l
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét