KTS Trần Đức Nhuận sinh năm 1940, tốt nghiệp ngành kiến trúc năm 1966 tại ĐH xây dựng Kiev, Liên Xô cũ. Từ 1966 – 1992 công tác tại Viện thiết kế dân dụng; Viện thiết kế nhà ở và công trình công cộng. Từ 1992 – 1996 công tác tại Vụ quản lý Kiến trúc Quy hoạch – Bộ Xây dựng; từ 1996 – 2001 là Giám đốc Công ty Tư vấn Xây dựng Dân dụng Việt Nam (VNCC).
Những tác phẩm chính
- Khách sạn C1 Tam Đảo (1967);
- Khách sạn Vị Hòang, Nam Định (1969);
- Khách sạn Sông Lô, Việt Trì (1970);
- Khách sạn Cẩm Phả (1971);
- Nhà ăn Giao tế Nam Hà, (1971);
- Khách sạn Thắng Lợi (1973)
Tham gia cùng với chuyên gia Cu Ba (1973), với tư cách cố vấn chỉ đạo kiêm đồng tác giả với KTS Kintana. KTS Trần Đức Nhuận chịu trách nhiệm chính về bố cục tổng thể khối phục vụ, 2 khối ở, một bể bơi, khu kỹ thuật và sân vườn, nghệ thuật kiến trúc sảnh, vườn, nhà hàng ăn Âu, Á, câu lạc bộ, bếp và khu kỹ thuật… - Làng chuyên gia thủy điện Hòa Bình (1978)
Cộng tác với KTS quy hoạch Aslan Gogoberidze (người Gruzia) trực tiếp thiết kế và chỉ đạo tập thể KTS và kỹ sư Việt Nam thực hiện tổng thể nhà ở cho 2000 người, câu lạc bộ với hội trường lớn 600 chỗ, nhà ăn, nhà trẻ, trường học, khu thể thao và trang trí nội ngoại thất. Ngày nay Làng chuyên gia thủy điện Hòa Bình được chuyển đổi thành Tổ hợp Khách sạn du lịch Sông Đà. - Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Phnompenh (tên ban đầu là Trường Đảng Campuchia. 1988 – 1991. KTS Trần Đức Nhuận (chủ trì), KTS Nguyễn Thúc Hoàng, KTS Nguyễn Tấn Vạn, KTS Nguyễn Văn Tiến, KTS Đặng Kim Khôi.
Từ trung tâm TP Phnompenh, trên đường ra sân bay Pochengtong (đường Xô Viết cũ) có một công trình kiến trúc gây ấn tượng mạnh: Bề thế, hiện đại, kiểu dáng dân tộc Khmer. Đó là Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Phnompenh. Công trình khánh thành năm 1991, như một biểu tượng của đất nước Campuchia hồi sinh. Chủ trì thiết kế là KTS Trần Đức Nhuận, và tập thể chuyên gia kỹ thuật Viện Thiết kế công trình Dân dụng – Bộ Xây dựng.
Toàn bộ kinh phí xây dựng do Đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam tặng Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia. Chức năng định rõ ban đầu là Trường Đảng Campuchia, nhưng trước ngày khánh thành theo đề nghị của phía bạn đổi tên là Viện Xã hội học, hiện nay mang tên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Phnompenh.
Những ghi chép của KTS Trần Đức Nhuận:
Do là, trong lần tham dự Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, đồng chí Đỗ Mười có hứa giúp bạn xây dựng một Trường Đảng 500 học viên, dự kiến đây sẽ là nơi đào tạo cán bộ đảng theo mô hình Việt Nam và kèm theo giảng viên và chuyên gia của Đảng cộng sản Việt Nam. Tại trường này, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia có thể tổ chức họp trù bị các kỳ Đại hội của mình. Hiệp định hợp tác tương trợ giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Campuchia ký kết ngày 16/5/1988, xác định Trường Đảng dành cho 500 học viên nội trú, kèm theo nhà hiệu bộ, hội trường 600 chỗ, ký túc xá, thư viện, nhà bếp, nhà ăn tập thể…
Do vốn đầu tư eo hẹp và nguyên nhân an ninh xã hội, việc xây dựng Trường Đảng Campuchia chia ra làm hai đợt: Đợt 1: Xây dựng Nhà hiệu bộ, các lớp học, giảng đường, hội trường, nhà ở cho 300 học viên cao cấp, một nhà ăn 300 chỗ và các công trình đồng bộ kèm theo; Đợt 2: Xây dựng tiếp nhà ở 200 học viên, Thư viện. Thực ra tại thời điểm ấy Campuchia có 21 tỉnh, 160 huyện nhưng Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia vẻn vẹn chưa đầy 800 đảng viên mà trường Đảng quy mô 500 học viên là rất lớn! Dựa trên mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, trù liệu về lâu dài và kết hợp thêm nhiều chức năng đào tạo về sau nên Đảng và Nhà nước ta vẫn quyết định tặng Campuchia món quà đầy ý nghĩa đó.
Ghi chép ý kiến của Đại sứ Campuchia Tép Hen (Hà Nội tháng 12 – 1988): “Đảng và Chính phủ Campuchia muốn xây dựng từ lâu nhưng chưa có điều kiện, chúng tôi thiếu người có nghiệp vụ trong khi công trình đòi hỏi chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật cao. Tính chất văn hóa chia hai phần: KTS Việt Nam sẽ làm, có thể nhìn thấy là kiến trúc Việt Nam – nhưng yêu cầu phải hợp với Campuchia. Cũng tạo ra công trình Campuchia có phong cách mới. Làm sao tạo nền tảng vững chắc để cán bộ của Campuchia tin tưởng ở Việt Nam. Đây là sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi rất xúc động, bày tỏ biết ơn sâu sắc, kính trọng tình cảm của Việt Nam đối với Campuchia. Đó là tình hữu nghị đặc biệt không có gì lay chuyển nổi. Hai nước có truyền thống đấu tranh lâu dài, cùng sinh, cùng tử, đến nay cụ thể hóa bằng công trình này”
Bất kỳ KTS nào muốn thiết kế một công trình hiện đại, tầm cỡ trên đất Campuchia, hơn thế, ngay tại thủ đô Pnompenh, muốn thành công thì phải chuyển hóa được một nghệ thuật tạo hình Angkor tuyệt vời. Một điểm nữa, ngay cả trong các công trình thế tục và thực dụng, xưa nay kiến trúc Campuchia vẫn có truyền thống hướng về ý niệm tôn giáo. Đây là cái khó càng gấp bội đối với KTS người Việt Nam khi thiết kế Trường Đảng Campuchia. Ngay từ đầu KTS Trần Đức Nhuận đã xác định, đối với Trường Đảng Campuchia cần tìm hiểu kỹ và tòan diện văn hóa chứ không riêng kiến trúc và cần hết sức coi trọng từ cái lớn đến cái nhỏ để chắt lọc và cô đọng biểu tượng. Để làm được điều đó ông không tiếc thời gian, công sức tham quan, ghi chép học hỏi các kiệt tác kiến trúc di sản ở nhiều nơi trên đất Campuchia đầy bất trắc hiểm nguy ngày ấy. Chiêm nghiệm và vẽ… Nội dung và hình thức Trường Đảng Campuchia đều thuộc về hiện đại. Ngắm Trường Đảng Campuchia dễ nổi lên cảm nhận: Một kiến trúc phải đạo. Nổi bật hơn cả là hình ảnh bộ mái truyền thống Khmer nhiều lớp dốc sang hai phía ngay trên cổng vào và sảnh khối hiệu bộ (liền khối với các giảng đường, hội trường). Các lớp mái giật cấp tôn vinh bộ mái, đổ thẳng xuống các tầng mái bằng, đẩy công trình lên hiện đại. Hai cánh nhà liền kề sảnh – biểu tượng, làm tăng độ tin cậy của bố cục, làm công trình vừa căng chắc, vừa bay bổng. Cũng bắt gặp ngay ở sảnh hình ảnh prasat – tháp thờ Khmer, được cổ điển hóa, gọt đẽo công phu, để lộ dần viên ngọc sáng mà không làm nó xây sước. Hơi hướng tháp thờ, đền núi chỉ loé lên, ẩn hiện trong đường viền khúc triết, nhấn đậm và đóng khuôn cho một khối âm mực thước.
KTS Trần Đức Nhuận phải rất kiềm chế, ông chỉ cho phép mình đặt viên ngọc quý vào chỗ duy nhất cần thiết và không lặp lại thủ pháp này ở bất kỳ chỗ nào khác trong không gian Trường Đảng Campuchia. Thêm vào đó là cái hay của các cặp cột đôi màu sẫm đen, thanh mảnh nâng bổng ba lớp mái bằng làm cho khối nhà hiệu bộ, giảng đường và hội trường đủ tư cách của hình thể một ngôi Đền – tri – thức, tiếp nối truyền thống văn hóa Khmer đang hồi sinh. Hội trường 600 chỗ có hình khối đẹp, đường nét dẫn dắt hướng thượng. Góc xoay dứt khóat trên cùng của nó khéo khoe các góc vát, vút nhọn của mặt tường bê tông bao quanh, như những ốc đính truyền thống duyên dáng – các thang âm không thể thiếu, trên nóc nhà người Khomer. Còn một ý đồ kín đáo mà KTS Trần Đức Nhuận đạt được, đó là tổ chức tổng mặt bằng theo một dũng đạo, từ đó khai phóng hình khối tương hợp với gian điện. Đúng ra chỉ có các hạng mục chính thuộc nửa phía ngoài quần thể là tuân thủ bố cục này, còn phía trong, được bố cục linh hoạt. Có lẽ tính căn cơ của một KTS người Việt sớm có dịp giao tiếp với kiến trúc châu Âu, đã hối thúc anh theo đuổi ý tưởng này. Đành rằng một cấu trúc như vậy không quán xuyến lịch sử kiến trúc Campuchia, vốn chỉ chịu luồng chi phối Phù Nam, Champa và nhất là Ấn Độ hóa: Bố cục điện – biểu tượng trên một mặt bằng tập trung, tương hợp với quan niệm Vũ trụ luận – Phật giáo của người Khmer. Bằng cách làm riêng, KTS Trần Đức Nhuận hòan tòan có thể kế thừa Bà Coong, Bà Kheng, Prerup, Angcor Wat. Kể cả cái khó mà nhiệm vụ chức năng hiện đại đặt ra cho Trường Đảng Campuchia vẫn có thể dung nạp được khi khai thác cách tổ chức không gian phức hợp Hiệu bộ, hội trường, giảng đường, thư viện theo mặt bằng kéo dài, lại thỏa mãn chức năng thiết kế. Về nội dung này, có thể nhận dạng khi so sánh với di tích Khna Sen Kev. Tuy nhiên, nếu điều hòa khúc triết và khéo léo hơn thì mặt đứng cụm các công trình chính (học tập và quản lý) và cũng là khối chủ đạo của cả quần thể sẽ rõ ràng ý tứ hơn. Hoặc giả cũng rất có thể các học viên Campuchia sẽ cảm thấy công trình mật thiết hơn, nếu hoạt động ăn ở học hành của họ ngày ngày một lối đi về theo các hồi lang chứ không phải theo kiểu tầng lớp tòa ngang, dãy dọc và băng qua các sân trong… Màu sắc bên ngoài, bên trong công trình lấy cảm hứng từ kiến trúc gạch xây khối đặc hay đá phiến dày. Trong điều kiện hạn chế, có thể nói nội ngoại thất Trường đảng Campuchia vẫn đẹp trang trọng. Trần hội trường lớn kiểu nếp gấp, sống dưới đỡ bởi các cặp xà kép như những quá giang của một mái nhà chung nhiều nóc, bao dung cộng đồng. Quầy bar và một số không gian dịch vụ cởi mở, khởi sắc…cho dù đa phần là đồ gỗ, gốm tùng tiệm do Việt Nam trang bị. Phần chi tiết trang trí, chắc do điều kiện kinh phí nên thiếu vắng điêu khắc, chạm đá, phù điêu tòan cảnh kiểu “các bức tường đá kể chuyện cổ tích”… rất quen thuộc trong kiến trúc Khmer, trừ tấm phù điêu khổng lồ chạm đá lấp kín tam giác dốc mái trên cao ở mặt đứng khối hiệu bộ do nghệ nhân Campuchia thể hiện. Ngoài ra phần tường – hàng rào, nếu sử dụng ngôn ngữ hồi lang sẽ làm cho người Khmer dễ cảm thông khi sử dụng. Cây xanh trong khuôn viên Trường Đảng Campuchia thưa thóang, đẹp tự nhiên như cảnh tình của xứ sở… Công trình hòan thành, được phía Campuchia đánh giá cao. Trong lễ bàn giao, đồng chí Chia Xim – Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia có nói: Đây là kiến trúc hàng đầu do chuyên gia nước ngoài thiết kế và xây dựng trên đất Campuchia. Vì thành tích đó Viện Thiết kế Dân dụng – Bộ Xây dựng đã được nhận phần thưởng cao quý – Huân chương Lao động hạng Nhất do nhà nước Campuchia trao tặng. Đáng quý là thái độ trọng thị của nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân của đất nước này đối với công trình. Đến khi các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam rút đi, vẫn còn đó một lưu luyến sâu đậm gửi lại – Trường Đảng Campuchia.
KTS. Đoàn Khắc Tình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 1-2024)
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/N3fdoaX
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét