Ngày 28/3/2024, tại Đại học Xây dựng Hà Nội, AIF (Quỹ đổi mới sáng tạo kiến trúc) đã tổ chức buổi talkshow với chủ đề “Bảo tồn Kiến trúc – Các góc nhìn di sản”. Buổi talkshow mở ra những góc nhìn đa chiều trong việc bảo tồn công trình kiến trúc và nhìn nhận các giải pháp, cách tiếp cận thực tế với di sản kiến trúc.
Tham gia buổi talkshow có sự góp mặt của hai vị khách mời: KTS Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX – Vietnam); KTS Nguyễn Xuân Minh, nhà sáng lập công ty Cổ phần Kiến trúc BHA; về phía quỹ AIF có KTS. Doãn Thế Trung, Chủ tịch Quỹ AIF; KTS. Hoàng Thúc Hào – Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; về phía nhà trường có TS. KTS. Nguyễn Cao Lãnh, Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc và Quy hoạch; TS. KTS Trương Ngọc Lân – Phó Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc và Quy hoạch; KTS. Trần Quốc Việt – Phó Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc và Quy hoạch cùng đông đảo sinh viên và đối tác quan tâm.
Chủ đề của buổi talkshow là đề tài thú vị được đông đảo các bạn sinh viên, thầy cô và các quý đối tác từ nhiều lĩnh vực quan tâm. Hai góc nhìn khác biệt của KTS Emmanuel và KTS Nguyễn Xuân Minh đã đem đến những bài học trực quan, bổ ích và không khí thảo luận sôi nổi.
Mở đầu buổi talkshow, KTS Emmanuel chia sẻ: “Bảo tồn di sản luôn là một lĩnh vực phức tạp, dù đã có lịch sử nghiên cứu và thực hiện nhiều năm nhưng những tranh luận về cách thức tiến hành bảo tồn vẫn chưa bao giờ kết thúc. Bởi thực tế câu hỏi “Bảo tồn để làm gì?” “Bảo tồn như thế nào?” là câu hỏi có nhiều phương án trả lời khác nhau.”
Để trả lời cho câu hỏi này, KTS Emmanuel đã có bài thuyết trình về dự án bảo tồn biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội và những nghiên cứu về công trình năm 2022.
Năm 1894, Thành Hà Nội bắt đầu bị phá dỡ, nhất là các vạt tường thành. Đây là giai đoạn đầu tiên của kế hoạch phá dỡ quy mô lớn trong hợp đồng giữa Toàn quyền De Lanessan và doanh nhân Auguste Bazin, người mong muốn xây một khu phố mới trên nền khu thành cũ. Một phần gạch phá dỡ được sử dụng để lấp hào thành và ao hồ, còn một phần được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Những viên gạch sử dụng trong công trình được tìm thấy là gạch tomette hình lục lăng có kích thước rất lớn so với những viên gạch được sử dụng ở Pháp cùng thời (22 x 10,5 x 5 cm), được làm bằng chất đất địa phương nên có viên màu đỏ, có viên màu xám. Toàn bộ tầng một – cả mặt ngoài và mặt trong – đều được xây bằng loại gạch tái sử dụng này. Riêng phần ống thang được xây bằng gạch cũ cho đến hết toàn bộ chiều cao.
Một số loại gạch gốm được tìm thấy trong ngôi biệt thự được làm thủ công từ đất nung trơn, có sử dụng các chi tiết trang trí mang tính bản địa. Những loại gạch này được thợ thủ công người Việt sản xuất từ nhiều thế kỷ tại các làng nghề như làng gốm Bát Tràng. Chúng được sử dụng trong nhiều công trình khác nhau, từ tôn giáo đến dân sự, theo kiến trúc Việt Nam hay phương Tây.
KTS Emmanuel nhấn mạnh: “Những ngôi nhà được xây dựng dành cho người phương Tây thường tích hợp các yếu tố địa phương, tạo nên sự khác biệt cho mỗi công trình: chúng không còn là bản sao của những ngôi nhà kiểu Pháp mà là sản phẩm nguyên gốc được hình thành tại địa phương.”
Về phía KTS Nguyễn Xuân Minh đã trình bày về bài thuyết trình Xây cất ở xứ Huế – thành phố di sản.
Huế là nơi có khí hậu nắng nóng, mưa nhiều dẫn đến các công trfinh bị hấp nhiệt, thấm dột, rêu mốc. Giải pháp cho những công trình này là thiết kế có lớp vỏ và khoảng trống, giống như áo quần, lớp vỏ giúp bảo vệ các không gian bên trong tránh tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài. Lớp vỏ có thể là diện mái hoặc diện tường, và giữa lớp vỏ bên ngoài với các không gian bên trong luôn có khoảng đệm. Khoảng trống cũng có thể là các không gian mở, không gian kết nối, ở đó dù không có chức năng cụ thể nhưng lại được sử dụng như một không gian chuyển tiếp, nơi tăng cường sự kết nối.
KTS Nguyễn Xuân Minh cho rằng: “Công trình kiến trúc phải phù hợp với Nơi Chốn. Một công trình ở Huế thì phải phù hợp với khí hậu, phù hợp tính cách nhẹ nhàng, lối sống giản dị, hài hòa tự nhiên, văn hóa đậm đà của người miền Trung. Những giải pháp thực nghiệm trong công trình của tôi có thể chưa phải hoàn chỉnh nhưng đó là các giải pháp cơ bản, dễ áp dụng, hiệu quả và kinh phí thấp. Tôi luôn hướng đến kiến trúc trong sáng, cân bằng và cảm xúc.”
Buổi talkshow đã kết thúc tốt đẹp. Phần chia sẻ của hai KTS đã giúp các bạn sinh viên hiểu rõ được quá trình tiếp cận, phân tích và tiến hành bảo tồn một công trình kiến trúc.
Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/iSI0xdA
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét