Cột cờ Thủ Ngữ Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nơi ghi dấu một bước phát triển hiện đại của Sài Gòn cuối thế kỷ XIX. Tính đến 2020, công trình đã có tuổi đời 155 năm và là một trong những công trình cổ nhất còn tồn tại do người Pháp xây dựng tại TP.HCM. Theo quyết định số 2440/QĐ-UBND ngày 16/05/2016, Thành phố đã xếp hạng di tích cấp Thành phố cho công trình Cột cờ Thủ Ngữ.
Cột cờ Thủ Ngữ tọa lạc tại phường Nguyễn Thái Bình (Quận 1, TP.HCM), được xây dựng vào tháng 10/1865 với tên tiếng Pháp là Mât des Signaux (nghĩa là cột tín hiệu), có chức năng là làm tín hiệu cho tàu bè ra vào khu vực Gia Định – Sài Gòn.
Đứng bên dòng chảy của lịch sử, Cột cờ là nhân chứng cho các sự kiện lịch sử của Sài Gòn – TP.HCM. Một trong những sự kiện nổi bật nhất diễn ra là vào ngày 05/06/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước tại Bến Nhà Rồng, ngày 23/9/1945 một tiểu đội tự vệ chống trả quả cảm một đại đội quân Anh bảo vệ nền độc lập non trẻ và cũng tại nơi đây ngày 08/3/2010 những đốt hầm đầu tiên của hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn.
Quá trình hình thành và biến đổi của Cột cờ và cảnh quan xung quanh
Vào năm 1862, sau khi chiếm được Nam Kỳ, Pháp quyết định xây dựng khu thương cảng Sài Gòn (Port de Commerce de Saigon) để làm đầu mối thông thương với quốc tế. Năm 1863 Pháp xây dựng xưởng đóng tàu Sài Gòn (Arsenal de Saigon) và tòa nhà trụ sở của hãng Messageries Maritimes (Bến Nhà Rồng). Đến 1865, xây dựng thêm một cột cờ tín hiệu để làm hiệu cho tàu bè ra vào cảng, Cột cờ này được đặt trên nền đồn dinh quan Thủ Ngữ (Thủ Ngữ/Ngự (守禦) là chức quan giữ đồn cảng thủy của nhà Nguyễn), dân gian gọi là Cột cờ Thủ Ngữ.
Về vị trí và công năng của Cột cờ đã được một số tác giả nhắc đến như tác giả Trương Vĩnh Ký có câu:
“Gia-tân nền trạm thuở xưa,
Ngày nay có dựng cột cờ gần bên”
(Trạm Gia-tân thuở xưa ở tại vàm Bến nghé, nơi có dựng Cột cờ Thủ Ngữ).
Tác giả Vương Hồng Sển mô tả: “Sông Thị Nghè giáp với rạch Bến Nghé, chỗ giáp nước là một cái thoi loi gie ra ngoài sông, phong cảnh rất đẹp, gió mát từ Ô Cấp thổi vào tư mùa. Người Pháp dựng tại đây một cột cờ tên gọi “cờ Thủ Ngữ” (mât des signaux)… Trên chót ngọn cờ thường thấy treo ám ngữ, ban ngày là cờ vải, cờ màu, hoặc một quả bóng sơn đen, ban đêm thì treo một ánh đèn, khi trắng khi đỏ, tức là ám hiệu báo tin cho tàu bè biết hiệu lịnh tránh lổ rạn hiểm nguy, ghe thuyền qua lại, trong lúc vô ra sông Sài Gòn” .
Đến nay, Cột cờ và khu vực cảnh quan xung quanh đã có nhiều giai đoạn biến đổi về hình thức và công năng, bao gồm các giai đoạn chính sau:
Giai đoạn 1865-1890: Cột tín hiệu dạng cột thuyền buồm bằng gỗ và không có khối đế. Xung quanh cột cờ là không gian mở, gắn liền với bến tàu phía trước.
Giai đoạn 1890-1911: Cột tín hiệu được dựng lại bằng sắt, cao hơn 40m, có thêm sàn đứng kéo cờ. Bến tàu trước Cột cờ đã trở nên tấp nập hơn với nhiều hoạt động giao thương, buôn bán. Xung quanh Cột cờ đã hình thành các khối nhà phục vụ cho công tác thuế vụ.
Giai đoạn 1911-1930: Một khối công trình bát giác được xây dưới chân cột tín hiệu. Công trình vừa mang chức năng chính là truyền tín hiệu vừa phục vụ cho các hoạt động giao thương tại đây. Những năm 1920, một ki – ốt được dựng lên phía trước Cột cờ, hướng ra bờ sông làm quầy giải khát và có tên là Point des Blagueurs (Mũi tán dóc).
Giai đoạn 1930-1960: Khối nhà bát giác dưới chân Cột cờ bị tháo dỡ để xây dựng một khối nhà có quy mô lớn hơn với 2 tầng mái dốc, dùng làm nhà hàng và lấy tên theo kiosk cũ là Point des Blagueurs. Không gian xung quanh Cột cờ được cải tạo thành một công viên và các tòa nhà thuế vụ được dỡ bỏ.
Giai đoạn 1960-1975: công trình trở thành một nhà hàng có tên là Ngân Đình Tửu Gia. Công trình được cải tạo mở rộng phần cánh bên phải (theo hướng nhìn ra sông Sài Gòn). Khối mở rộng mới có hình thức mái cong theo phong cách kiến trúc của người Hoa. Không gian xung quanh Cột cờ lúc này xuất hiện nhiều công trình có tính chất dịch vụ như câu lạc bộ, nhà hàng.
Giai đoạn 1975-2010: Công trình trải qua nhiều lần tu sửa, cải tạo, phần mở rộng có mái cong được tháo dỡ. Chức năng của công trình vẫn là nhà hàng trước khi bị bỏ trống không được sử dụng trong một thời gian dài.
Giai đoạn 2010-2019: công trình được trùng tu vào năm 2011 và có chức năng là trung tâm thông tin phục vụ du lịch. Tuy nhiên, ít người sử dụng và thường xuyên đóng cửa.
Năm 2020, UBND Thành phố đã giao Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp cải tạo công viên Cột cờ Thủ Ngữ, trong đó có công trình Cột cờ Thủ Ngữ. Sau khi dự án hoàn thành, công trình và không gian công viên xung quanh đã có những sự thay đổi đáng kể theo hướng trở thành một không gian mở, tạo ra sự kết nối chuyển tiếp từ không gian công cộng bên ngoài vào không gian bán công cộng bên trong công trình.
Như vậy, Cột cờ trải qua nhiều lần thay đổi nhưng chủ yếu chuyển đổi về công năng, hình thức kiến trúc bên dưới và không gian cảnh quan xung quanh cột cờ; phần cột tín hiệu bên trên về cơ bản giữ được hình thức xuyên suốt qua các giai đoạn.
Nhìn nhận giá trị di tích
Cột cờ ngay từ khi được xây dựng đã có giá trị lớn về mặt công năng, đó là cột tín hiệu. Vào những năm 1865, một thương cảng Sài Gòn sầm uất được hình thành, nhiều tàu thuyền ra vào tấp nập, việc xây dựng cột tín hiệu rất cần thiết, vì thế đây là thể loại công trình có chức năng và hình thức mới so với quy chế cột cờ vào thời nhà Nguyễn lúc bấy giờ.
Cột cờ đặt tại ngã 3 sông, một vị trí thuận lợi để kết nối các chuyến tàu và bên cạnh là giao thông đường bộ rất náo nhiệt với những đoàn tàu, xe cộ qua lại, chính vì vậy khu vực này được tăng cường thêm không gian chức năng như xây thêm khối đế dưới chân cột cờ với chức năng phục vụ công cộng và cải tạo khuôn viên, thu hút người dân tập trung đông đúc đã tạo nên một không khí nhộn nhịp, quang cảnh giao thương sầm uất mà chưa từng có trước đó. Cảnh quan này đến nay mang giá trị cảnh quan sinh thái lịch sử và là một thành phần không thể thiếu khi nghiên cứu di tích Cột cờ Thủ Ngữ.
Hơn 150 năm, Cột cờ mang trong mình giá trị lịch sử, là nhân chứng cho sự phát triển liên tục của vùng đất Gia Định-Sài Gòn-TP.HCM. Cột cờ Thủ Ngữ trở thành cột mốc đánh dấu hình ảnh một Sài Gòn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chuyển mình hiện đại, là biểu tượng mang dấu ấn lịch sử của vùng đất Sài Gòn-TP.HCM.
Phân tích vị trí di tích Cột cờ trên bản đồ không gian đô thị trong bán kính 500m, có thể nhận thấy rằng di tích này là một thành phần quan trọng trong quần thể di tích lịch sử tiêu biểu của Thành phố ngày nay, đó là: Bến Nhà Rồng, Bến Bạch Đằng và Cầu Mống, toà nhà Cục hải quan TP.HCM…
Cột cờ là điểm nhấn khác biệt từ công năng đến hình thức so với các di tích còn lại của TP.HCM và nơi đây từng tồn tại một không gian giao thương, kết nối cộng đồng, do đó, Cột cờ đã trở thành biểu tượng trong tâm hồn của người dân Sài Gòn-TP.HCM qua nhiều năm tháng. Đến nay, hạng mục cột tín hiệu gần như còn giữ được nguyên bản so với lúc hình thành, là một trong số ít các cột tín hiệu cùng thời còn lại trên thế giới và duy nhất tại Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, Cột cờ Thủ Ngữ mang giá trị cao về lịch sử và kiến trúc.
Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cột cờ Thủ Ngữ TP.HCM
Mặc dù công trình vừa được cải tạo, chúng ta vẫn không thể loại trừ khả năng công trình vẫn sẽ có những biến đổi trong tương lai. Vì vậy, cần phải xem xét những nguyên tắc cần thiết để định hướng cho công tác trùng tu trong tương lai nếu có xảy ra. Đối với công trình Cột cờ Thủ Ngữ chúng ta cần xem xét 2 hạng mục là cột cờ và khối công trình dưới chân cột cờ:
• Phần cột cờ: Đến nay vẫn giữ được hình thức đặc sắc hiếm có và gần như nguyên bản. Vì vậy, cần phải bảo vệ nguyên vẹn hình thức cột cờ như hiện nay;
• Phần khối công trình dưới chân cột cờ: Công trình đã trải qua rất nhiều lần biến đổi về hình thức và công năng, chỉ có một phần nhỏ của công trình là mang tính nguyên bản từ những năm 1930. Vì vậy, việc tác động vào khối công trình là có thể chấp nhận được, tuy nhiên cần phải thận trọng và xem xét một cách thấu đáo.
Dựa trên nghiên cứu các kinh nghiệm ứng xử với công trình lịch sử phổ biến trên thế giới, chúng tôi đề xuất ba cách tiếp cận có thể áp dụng trong việc trùng tu Cột cờ Thủ Ngữ:
- Bảo tồn nguyên trạng và chỉnh trang mặt bằng tổng thể (Present status conservation and renovation of the site plan): Giữ nguyên hình thức kiến trúc cột cờ và công trình dưới chân cột cờ như hiện tại, tập trung sửa chữa lại các chi tiết bị hư hỏng và xuống cấp.
- Trùng tu thích nghi (Adaptive restoration): Giữ nguyên hình thức kiến trúc Cột cờ và thực hiện một số thay đổi cần thiết về kiến trúc dưới chân Cột cờ. Cách thức tiếp cận này mang tính linh hoạt cao và cho phép mang lại những giá trị kiến trúc mới cho công trình, đồng thời vẫn giữ được những giá trị đặc trưng mang tính lịch sử của công trình. Cách tiếp cận này cũng phù hợp với sự phát triển hình thái kiến trúc của Cột cờ trong lịch sử.
- Trùng tu hoàn nguyên (Authentic restoration): Tái hiện lại công trình ở một giai đoạn lịch sử nhất định, đồng thời loại bỏ các yếu tố của các giai đoạn khác. Cách tiếp cận này giúp khôi phục lại những giá trị nguyên bản của công trình nhưng việc thu thập tư liệu chi tiết về công trình, vật liệu thi công sẽ gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều chi phí.
Xuyên suốt quá trình tồn tại của Cột cờ Thủ Ngữ, có thể thấy rằng không gian cảnh quan xung quanh Cột cờ luôn gắn liền với công năng của công trình. Để duy trì được sức sống cho Cột cờ Thủ Ngữ và không gian xung quanh, điều tối quan trọng là phải thu hút được số lượng đáng kể người dân và du khách đến tham quan và sinh hoạt tại không gian này. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra các nguyên tắc đối với việc thiết kế cảnh quan như sau:
- Đảm bảo tính mở và linh hoạt: không gian xung quanh Cột cờ cần được đảm bảo là không gian công cộng mở để người dân và du khách có thể tự do tiếp cận và thiết kế theo hướng linh hoạt nhằm đảm bảo việc tổ chức các hoạt động công cộng đa dạng;
- Đảm bảo khả năng tiếp cận: Thiết kế không gian xung quanh Cột cờ cần đảm bảo khả năng tiếp cận giữa khu vực Cột cờ Thủ Ngữ với công viên Bến Bạch Đằng, công viên Hầm vượt sông Sài Gòn và Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Có như vậy, người dân và du khách mới có thể thuận lợi tiếp cận và sinh hoạt không gian công cộng xung quanh Cột cờ, nhằm đảm bảo sức sống lâu dài cho công trình này;
- Tạo sự chuyển tiếp linh hoạt giữa không gian bên trong và bên ngoài Cột cờ Thủ Ngữ: Công trình dưới chân Cột cờ có quy mô nhỏ và diện tích sử dụng không đáng kể. Vì vậy, việc tạo không gian “đóng” cho công trình không mang lại nhiều lợi ích, ngược lại nên thiết kế không gian bên trong công trình theo hướng trở thành không gian bán công cộng nhằm liên kết với không gian công cộng bên ngoài thành một thể thống nhất, đồng thời tạo ra nhiều lựa chọn cho người dân và du khách khi sử dụng không gian này.
- Đảm bảo tầm nhìn đến các công trình điểm nhấn tại khu vực: Cột cờ Thủ Ngữ có một vị trí đặc biệt trong không gian đô thị. Từ vì trí công trình, có thể nhìn thấy hầu hết các công trình điểm nhấn quan trọng dọc theo bờ sông Sài Gòn như: Bến Nhà Rồng, tòa nhà Hải quan, cầu Mống, Landmark 81, Bitexco. Trong tương lai, khi công viên Bến Bạch Đằng được cải tạo và Khu đô thị mới Thủ Thiêm được hình thành, vai trò của Cột cờ Thủ Ngữ trong không gian cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn sẽ càng trở nên quan trọng hơn. Vì vậy, việc đảm bảo tầm nhìn từ công trình đến các công trình điểm nhấn xung quanh là vô cùng quan trọng.
Kết luận
Cột cờ Thủ Ngữ là nơi ghi dấu và chứng kiến nhiều thay đổi lịch sử của vùng đất Sài Gòn – TP.HCM, đã trở thành một biểu tưởng không thể thay thế và là thành phần quan trọng trong cụm di tích lịch sử của TP.HCM tại khu vực Bến Bạch Đằng.
Với những giá trị đặc biệt trên, công trình Cột cờ Thủ Ngữ và cảnh quan xung quanh cần được bảo tồn và phát huy tốt nhất các giá trị đặc sắc của mình. Để làm được điều đó, việc trùng tu công trình và thiết kế không gian cảnh quan xung quanh trong tương lại cần đảm bảo các nguyên tắc nhất định. Đối với hạng mục cột cờ, đây là phần có giá trị lịch sử lớn nhất và cần được bảo tồn nguyên trạng. Riêng hạng mục kiến trúc bên dưới cột cờ, do đã trải qua nhiều lần thay đổi hình thức lẫn quy mô nên có thể xem xét các giải pháp trùng tu linh hoạt khác nhau. Đối với không gian cảnh quan xung quanh Cột cờ, cần được thiết kế theo hướng mở và gắn liền với công trình Cột cờ nhằm khai thác tối đa các giá trị cảnh quan và kiến trúc tại đây.
ThS.KTS. Trương Ngọc Quỳnh Châu
Khoa Kiến trúc – Mỹ thuật, Trường Đại học Công Nghệ TP.HCM (HUTECH)
ThS.KTS. Vũ Chí Kiên, KTS. Lê Võ Trường Giang
Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (ARC), Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2021)
Tài liệu tham khảo
- Charles Lemire (1869). Cochinchine française et royaume de Cambodge. Challamel Ainé, Libraire-Éditeur, Paris.
- Trương Vĩnh Ký (1882). Kim Gia Định Phong Cảnh Vịnh. NXB, tr.7.
- Vương Hồng Sển (2004). Sài Gòn năm xưa. NXB Tổng Hợp, tr.102-103.
- Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2007). Đại Nam Thực Lục. NXB Giáo Dục, tập 3, tr.190-191.
- Hình ảnh lịch sử tham khảo từ các nguồn internet.
- Các bản vẽ thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu kiến trúc TP.HCM.
The post Bảo tồn và phát huy giá trị di tích cột cờ Thủ Ngữ thành phố Hồ Chí Minh appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/2PtTyFa
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét