Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

Sự hội tụ của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc

Kiến trúc là một ngành nghệ thuật rất thú vị và tuyệt vời vì nó chứa đựng cả hai phẩm tính khoa học và nghệ thuật. Nghệ thuật kiến trúc dung hợp nhiều môn nghệ thuật khác như: Hội họa, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật thủ công… và đặc biệt là điêu khắc.

Khi các họa sĩ tiền phong (avant-garde) cổ súy tư tưởng và ngôn ngữ nghệ thuật khả dĩ thích hợp với những biến động của thời đại công nghiệp thông qua những hình – khối hình học kỷ hà thì ngay lập tức, điều này hấp dẫn cả những nhà kiến trúc và điêu khắc để hưởng ứng cho “tinh thần thời đại” (Spirit of the Age). Một kỷ nguyên mới cho sự hội tụ giữa các ngành nghệ thuật này đã thật sự mở ra. Trong bài khảo cứu này, chúng tôi muốn trình bày về sự hội tụ của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc trong nghệ thuật đương đại.

Infrastructure của David Umemoto (ảnh trái), Yellowtrace của David Umemoto (ảnh phải)

1. Mở đầu

Giới thiệu chung

Ở thời kỳ chuyển giao giữa hai thời đại thủ công nghiệp và công nghiệp, các nhà nghệ thuật có tư tưởng tiền phong – những người có một nhãn quan siêu việt về một thế giới trừu tượng, đã cổ súy cho một thứ ngôn ngữ nghệ thuật thích hợp với biến động của thời đại công nghiệp bằng những hình khối hình học kỷ hà. Họ lập luận rằng, nhiếp ảnh đã làm lu mờ Nghệ thuật Cổ điển mà vai trò của sự tả thực là quan trọng, phép viễn cận, nét, hình, khối, sự vờn khối và bóng đổ… là những công cụ hết sức hữu hiệu.

Những nghiên cứu liên quan có trước

Những nội dung được đề cập trong bài sẽ giới thiệu những chuyển biến có tính chất cách mạng khởi xướng từ nửa đầu của thế kỷ XX, đó cũng là nguyên nhân tất yếu dẫn đến sự hội tụ ngày càng gia tăng về mặt ngôn ngữ biểu hiện giữa kiến trúc và điêu khắc. Đề tài nghiên cứu này trên thực tế chưa từng được công bố bởi các tác giả khác.

Phương pháp luận

Phương pháp luận mà chúng tôi sử dụng để thực hiện đề tài này được dựa trên giả thiết là: Thực tiễn phát triển của kiến trúc và điêu khắc đã và đang cho thấy có những sự tương đồng nhiều hơn dị biệt, trong khi vẫn bảo tồn được giá trị đặc thù của chúng như: Công năng, kỹ thuật và nghệ thuật…

2. Nội dung

2.1. Những bước đi đầu tiên của Nghệ thuật Hiện đại

Đi tiên phong là Pablo Picasso (1881-1973) với hội họa Lập thể, Wassily Kandinsky (1866-1944) & Piet Mondrian (1872-1944) với hội họa Trừu tượng, Naum Gabo (1890-1977) với các điêu khắc theo phong cách Constructivism… đã khám phá cho thời đại ngôn ngữ biểu hiện mới qua những tác phẩm của mình. Đặc điểm chung của khuynh hướng nghệ thuật này là sự từ bỏ dứt khoát những gì tồn tại trong thế giới thực để hướng tới một sự khái quát cao độ chỉ với màu, hình, nét và khối kỷ hà.

Nhóm nghệ thuật De Stijl ở Hà Lan do Piet Mondrian sáng lập đã đưa ra những quan điểm nghệ thuật rất đặc sắc, có tầm vóc thời đại. Tin rằng mọi nghệ thuật đều phát xuất từ hội họa, niềm tin này bắt nguồn từ chủ nghĩa lập thể và trừu tượng. Theo đó, kiến trúc và điêu khắc cần phát triển theo những nguyên tắc do các họa sỹ tạo ra. Mondrian đã tránh dùng những hình ảnh giống hoặc nhắc nhở đến hiện thực, họ tiến tới sử dụng chỉ toàn những đường thẳng dọc và ngang, những mảng màu nguyên chất được sản xuất sẵn trong các ống kẽm vì cho rằng đó là những thứ không hề thuộc về thiên nhiên. Họ cho rằng nghệ thuật mới nên được sáng tạo theo nguyên tắc đó và do vậy, các tác phẩm của họ thể hiện tính trừu tượng cao, khước từ việc miêu tả hiện thực, qui nạp hội họa về những hình thức tối giản của kỷ hà học và màu sắc nguyên thể. Các “bức tranh” của Mondrian cuốn hút người ta bởi sự tò mò vốn có, và dường như khó mà lý giải cho rõ ngọn ngành về những đường nét ngang bằng – sổ thẳng, những mảng màu vàng, đỏ, xanh, trắng, hình chữ nhật.

2.2. Kiến trúc Hiện đại

Quan niệm nghệ thuật này đã tác động trực tiếp lên việc thiết kế kiến trúc. Trong đó, các cấu kiện chức năng được qui về những hình cơ bản như: Khối lập phương, diện phẳng và đường thẳng. Tóm lại, yêu cầu cách tân hình khối được đặt lên hàng đầu, nhằm diễn đạt công năng bằng một ngôn ngữ trong sáng, tạo ra một cách “đọc” kiến trúc rõ ràng, tránh được sự mờ nghĩa như Nhà ở của Schroder – Schrader (1924) tại Utrect, Hà Lan theo thiết kế của Gerrit Thomas Rietveld và Nhà hàng “l’Aubette”, Sttrasbourg (1926) với thiết kế của Theo Van Doesburg. Đó là những minh họa rõ nhất cho quan điểm nghệ thuật của De Stijl, cũng là xu hướng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan điểm của học phái Bauhaus sau này.

Nhà ở của Schroder – Schrader

Kiến trúc của trường phái Bauhaus tiêu biểu cho sự tiếp bước của những tư tưởng cách tân khởi đi từ hội họa và điêu khắc. Và điều trùng hợp là: Những nguyên tắc của công năng được đề cao trong Kiến trúc Hiện đại thường được trình bày thông qua hình học kỷ hà. Đó cũng là hai di sản quan trọng nhất của Kiến trúc Hiện đại. [3, 4]

Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao – Frank Gehry

2.3. Điêu khắc Hiện đại

Tính chất tiền phong của các tư tưởng nghệ thuật này được cộng hưởng trong những điêu khắc gia lừng danh như Naum Gabo thể hiện qua cách “nhìn” độc đáo; trong đó, tác phẩm điêu khắc biến thành một hợp thể kiến trúc – điêu khắc, một tư tưởng nghệ thuật mới lạ chưa từng có trong lịch sử. Tư duy nghệ thuật của ông có quan hệ mật thiết với Trường phái Lập thể và hướng theo tính trừu tượng. Nó biểu hiện sự liên quan của các hình thức hình học đơn giản và đúc kết hình ảnh của thiên nhiên, theo khẳng định của Paul Cezanne: Trong tự nhiên mọi thứ đều có thể qui về những hình khối như hình lập phương, hình cầu, hình nón, hình trụ… Các “bức tượng” của Gabo do vậy mà trở thành sự thách đố trí tưởng tượng của công chúng bởi bố cục của những hình kỷ hà với một loại vật liệu trong suốt (plastic). Nó cho thấy tác phẩm như chập chờn hiện ra trong không gian với những đường kẻ, dây căng đầy trừu tượng. Tất cả những gì mà người ta thấy được là đặc tính trừu tượng của không gian hơn là những hình thể của những sự vật quen thuộc. [1]

Tác phẩm của Gabo là những thành phần có cấu trúc hình học kỷ hà đơn giản và mới mẻ, đó là những phác thảo tạo hình thuần túy và chúng nằm ở biên giới của kiến trúc và điêu khắc. Điều này cho thấy kiến trúc – điêu khắc là một mối quan hệ tích hợp, khó có được sự phân định rạch ròi, dấu hiệu cho thấy sự hội tụ giữa hai nghệ thuật này đã thật sự xuất hiện.

Một tên tuổi lớn khác của nghệ thuật điêu khắc thế giới là Calder (1898-1976), với những tác phẩm đặc sắc thuần túy là đường nét – hình khối trừu tượng.

Tác phẩm của Alexander Calder

Những tư tưởng nghệ thuật và tác phẩm của các nghệ sĩ Avant-Garde là sự mở đầu cho một thời kỳ thật sự hội tụ giữa kiến trúc và điêu khắc. Ngôn ngữ thể hiện mới của kiến trúc và điêu khắc đã được thiết lập và khoảng cách giữa chúng về mặt ngôn ngữ trước đó đã hoàn toàn bị xóa bỏ. [6]

2.4. Sự hội tụ của kiến trúc – điêu khắc trong Nghệ thuật Đương đại

Trong nghệ thuật đương đại, sự hội tụ của kiến trúc – điêu khắc đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ đem lại cho nghệ thuật những hy vọng mới mà thực sự đã đạt được những thành tựu đầy ấn tượng. Có thể tóm tắt biểu hiện này thông qua hai phương thức sau: Kiến trúc (được) điêu khắc hóa (Sculpturization Architecture) và điêu khắc (được) kiến trúc hóa (Architecturization Scuplture): [6]

Kiến trúc (được) điêu khắc hóa là một xu hướng đã xuất hiện từ rất lâu đời. Hiện tượng này không phải là mới nếu so sánh những hình khối kiến trúc của Kim Tự tháp Ai cập cổ đại với những tác phẩm “điêu khắc hiện đại” cùng ngôn ngữ của bảo tàng Louvre. Tuy nhiên, các KTS đương đại đã có những tác phẩm thể hiện sự hội tụ một cách cực kỳ độc đáo và hiện đại. Điển hình là Frank O’ Gehry được ví là “Picasso của kiến trúc”. Kiến trúc tòa nhà Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao có hình dáng kỳ lạ của một “con cá” như chính ông tự so sánh. Hình ảnh lấp lánh của tấm vỏ kim loại tạo thành từ sự phản chiếu giống như những chiếc vảy cá trong thiên nhiên là một thành công đáng ngưỡng mộ của ông. Những tấm kim loại này được uốn cong như “con thuyền triển lãm” (boat gallery) và cho thấy hình ảnh của một khối kiến trúc tương tự một tác phẩm điêu khắc khổng lồ. Hình tượng không gian vuông vức, đơn điệu quen thuộc của kiến trúc đã được thay thế bằng những hình thể “tự do bay lượn” của điêu khắc đã khiến công chúng bị mê hoặc vì vẻ đẹp mới lạ và hiện đại. [4, 5, 6]

Các thiết kế của Zaha Hadid – một KTS đam mê hình học và nghệ thuật – là sự kết hợp giữa toán học cấp cao, công nghệ tin học và nghệ thuật điêu khắc để tạo cho kiến trúc những hình thức theo nguyên tắc của kiến trúc tham số (parametricism). Lối thiết kế này đã phá vỡ cấu trúc và nguyên tắc tổ hợp thông thường của kiến trúc để có được những hình khối mềm mại, uyển chuyển như sự tuôn chảy của dòng nham thạch núi lửa xuống mặt đất. Kiến trúc của Hadid dường như được đục đẽo, xoay chuyển, uốn nắn dưới “bàn tay” của một “phù thủy” – điêu khắc gia trừu tượng. Những đường cong mang đặc tính điêu khắc này là kết quả hoạt động trực tiếp của máy tính và toán học. Kiến trúc của Hadid đã thể hiện sự biểu cảm của hình khối trong cái đẹp tương ứng với điêu khắc. [8]

Trung tâm Văn hóa Aliyev – Zaha Hadid

Điêu khắc (được) kiến trúc hóa: Là từ ngữ đề cập đến sáng tạo của những điêu khắc gia có khuynh hướng tạo nên những tác phẩm có ngôn ngữ tạo hình gần với một công trình kiến trúc – nếu xét về cấu trúc và không gian (theo nghĩa rộng). Cuối những năm 1950 đến 1960, nhiều thử nghiệm bằng các vật liệu và những cách tiếp cận mới để tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm điêu khắc xuất hiện trong những hình ảnh hoàn toàn trừu tượng, với các bề mặt và vật liệu mới đã trở thành đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc mới. Tuy nhiên, mục tiêu và giá trị của các cấu trúc trong tác phẩm của họ không phải là công năng để sử dụng như kiến trúc mà là sự cảm thụ mới mẻ cần phải được thực hiện hàng loạt các đặc điểm ngôn ngữ tạo hình này:

  • Sử dụng các hình thức hình học trừu tượng;
  • Mô phỏng một bộ phận – cấu kiện của kiến trúc (bậc thang, cửa đi, của sổ…);
  • Không có thông điệp hay lời giải thích nào từ tác giả. Người xem được tự mình tìm ra (hoặc không thể tìm ra) thông điệp hay lời giải thích;
  • Tác phẩm thường có kích thước lớn để người tham quan đi vào “bên trong”, đi vòng quanh hay trèo lên tác phẩm để tự mình tương tác. Những động thái này không hề tồn tại trong quan niệm truyền thống về điêu khắc. [6]
Nhà hàng “l’Aubette” – Theo Van Doesburg – Sttrasbourg

Xin giới thiệu một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu:

  • Paul Kipps & Jack Diamond với tác phẩm “Olympic Arch” tại University of Calgary Public Art, 1988. [11]
  • Anthony Caro VÀ tác phẩm “Goodwood Steps”, 1996. [8,9,13]
Goodwood Steps của Anthony Caro
  • Parabolic số 5 (Parabolic Sculpture-Fragment No. 5), 1992 của Richard Deacon được đặt trong Tokyo Midtown Park dường như là một bộ phận cơ khí được phóng lớn quá khổ để đem lại một sự cảm nhận VÀ kinh nghiệm về không gian hoàn toàn khác lạ. [12]
Parabolic số 5 của RICHARD DEACON
  • Hàng loạt các sáng tạo của David Umemoto – KTS Canada gốc Á châu – là các Mini Brutalist Sculptures – mang “hình ảnh” kiến trúc một cách rõ ràng nhất với những “bậc thang” xuất hiện ở những vị trí không cần đến chúng và được đặt xoay với mọi chiều hướng trong không gian như trong Infrastructure. Yellowtrace thì khai thác hình ảnh của một “lõi thang” dang dở và không “dẫn” tới đâu, không có một chức năng cụ thể nào có thể được thực hiện. [10]

3. Kết luận

Trường Bauhaus, Dessau – W. Gropius

Trên thực tế, kiến trúc và điêu khắc chưa bao giờ hoàn toàn “tách biệt” về ngôn ngữ biểu hiện. Ngay cả khi mà kiến trúc nhấn mạnh những nguyên tắc tổ hợp, bố cục thuần túy dựa trên mẫu cổ điển Hy Lạp – La Mã thì sự hoàn hảo, hoàn mỹ của những thức đầu cột cũng cho thấy mong muốn điêu khắc hóa những hình tượng thực tế của hoa lá, cây cỏ, thần linh…

Tính hội tụ trong nghệ thuật đương đại được gia tăng mạnh mẽ, trong đó: Kiến trúc có xu hướng sử dụng gần như trực tiếp ngôn ngữ của một tác phẩm điêu khắc và điêu khắc có xu hướng khích lệ mối quan hệ tương tác giữa công chúng với tác phẩm cả bên trong lẫn bên ngoài. Tác phẩm điêu khắc được cảm thụ không chỉ bằng sự ngắm nhìn mà chủ yếu qua sự tương tác để cảm nhận trực tiếp. Chính trong sự hội tụ này mà nghệ thuật tạo hình được nâng tầm và đổi mới ngoạn mục.

PGS.TS Lê Thanh Sơn / ĐH Kiến trúc TP.HCM
ThS Nguyễn Ngọc Uyên
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2021)


Tài liệu tham khảo

  • (1). Trịnh Cung, Nguyễn Quỳnh, 11/02/2012, Bàn Tròn Mỹ Thuật.
  • (2). Tôn Đại (2000), “Nhân một công trình của chủ nghĩa biểu hiện trong kiến trúc hiện đại Việt Nam, bàn về mối quan hệ giữa kiến trúc và điêu khắc”, Tạp chí Kiến trúc, Số 1(93)-2002, Hà Nội.
  • (3). Lê Thanh Sơn (2003), “Kiến trúc Phương Tây Từ Trung Đại Đến Hiện Đại”, Nhà xuất bản Trẻ
  • (4). Lê Thanh Sơn (2018), “Kiến trúc và các hệ quy chiếu mỹ thuật”, Tạp chí Kiến trúc số 05-2018, Hà Nội.
  • (5). Lê Thanh Sơn (2018), “Nghệ thuật sắp đặt, trình diễn và kiến trúc”, Tạp chí Kiến trúc số 09-2018, Hà Nội.
  • (6). Nguyễn Ngọc Uyên, 2019, “Nhị thức Kiến trúc – Điêu khắc”, Luận văn thạc sĩ kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM.

Các WEBSITES

  • (7). Anh Vũ, 10 điều bất ngờ về KTS Zaha Hadid, Tạp chí Kiến trúc, 07/10/2018.
    https://ift.tt/3sWL4os
  • (8). anthonycaro.org, https://ift.tt/31IMbwh
  • (9). anthonycaro.org, https://ift.tt/3duco78
  • (10). Dylan Bryant, David Umemoto Dreams of Brutalism
    https://ift.tt/1Unr8EV
  • (11). Everyday Tourist, University of Calgary’s Public Art Gets No Respect!
    https://ift.tt/3wiD2bL
  • (12). Richard Deacon, Richard Deacon and the Anatomy of Public Art
    https://ift.tt/3wtIAjZ
  • (13). Wikipedia, https://ift.tt/2odyVdc

The post Sự hội tụ của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3fAEqRe
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét