KTS Le Corbusier đi đâu cũng vẽ ghi. Ông có gần 100 cuốn vở, trong đó vẽ những kiến trúc mà ông quan sát, kèm theo hình vẽ là những ghi chú nhận xét cái tốt, cái xấu của toàn thể hay một chi tiết kiến trúc nào đó của công trình. Ông lại là một họa sĩ với đúng ý nghĩa của nó. Ông đã ba lần triển lãm tranh sơn dầu của mình ở Paris. Ông vẽ tranh chủ yếu theo trường phái lập thể.
Chính vì vậy mà giới kiến trúc thế giới luôn tò mò muốn biết những sơ phác của ông về kiến trúc và về quy hoạch đô thị thế nào để hiểu được tư tưởng sáng tác của ông, cũng để rút ra những bài học về tư duy sáng tạo, tư duy tạo hình của nhà kiến trúc lớn này.
I. Những sơ phác về quy hoạch đô thị
Le Corbusier bao giờ cũng coi quy hoạch là bộ phận chủ yếu nhất, là lĩnh vực quan trọng nhất của kiến trúc.
1. Thành phố 3 triệu dân
Từ năm 1922 ông bắt đầu nghiên cứu quy hoạch thành phố hiện đại cho 3 triệu dân (Hình 1). Thành phố này được chia làm 3 khu:
- Khu A: gồm 24 tòa nhà cao 60 tầng, trong đó 8 tòa nhà là nhà văn phòng, 16 nhà chung cư cao tầng.
- Khu B: là loại nhà chung cư 10 tầng hình zig zag.
- Khu C: là phần còn lại được thiết kế theo hình thức thành phố vườn.
Diện tích xây dựng khu A chỉ chiếm 5% diện tích đất, khu B chiếm 15% diện tích đất, phần đất còn lại là giao thông, sân vườn, thể thao… Như vậy, đã giải phóng triệt để đất đô thị, tránh tắc nghẽn giao thông và tăng diện tích cây xanh tối đa. Tư tưởng quy hoạch của Le Corbusier thật sự là một tư tưởng cách mạng về quy hoạch đô thị trong thế kỷ 20.
2.Quy hoạch Voisin
Năm 1925 ông đưa lý thuyết thành phố 3 triệu dân áp dụng vào Thủ đô Paris để giải phóng trung tâm thành phố. Đó là quy hoạch Voisin (Hình 2) – Khu A cụ thể không còn là 24 tòa nhà cao tầng nữa mà là 18 tòa nhà 60 tầng ở bờ Bắc sông Seine, cạnh bảo tàng Louvre. Phương án này không được thực hiện nhưng năm 1937 đã được điều chỉnh trên phác thảo với sự thay đổi đôi chút về kiểu nhà cao tầng (Hình 3).
Năm 1938, phương án lại được điều chỉnh nữa khi trình bày ở hội nghị thứ 6 của tổ chức CIAM ở Bruxelles (Hình 4).
Phương án Voisin rất cách mạng nhưng bị từ chối, Le Corbusier đã sơ phác vài nét mô tả phương án này một cách sinh động và ghi “Chủ nghĩa Hàn lâm nói không” với phương án này (Hình 5).
Nhìn kỹ hình vẽ này ta thấy quần thể khu nhà 60 tầng nhô cao giữa những di sản kiến trúc nổi tiếng của Paris, nhìn từ trái sang phải ta thấy tháp Eiffel, khải hoàn môn Ngôi sao, nhà thờ Thánh tâm (Sacré Coeur) trên đồi cao, cung điện Les Invalides, tận cùng bên phải hình vẽ phác họa là nhà thờ Đức Bà Paris.
3.TP Sao Paolo
Năm 1929, ông sơ phác quy hoạch thành phố Sao Paolo (Braxin). Tư tưởng chủ đạo của quy hoạch là hai “đại lộ” cắt nhau tạo thành một hình chữ thập. Hai đại lộ này là hai ngôi nhà cao tầng mà xe cộ chạy trên mái bằng. Tư tưởng này rất cách mạng và vô cùng khác thường, nêu ra từ nửa trước thế kỷ XX đã được Le Corbusier sử dụng vào những sơ phác khác của một số thành phố trên thế giới (Hình 6). Tại giao điểm hai “đại lộ” là một quần thể công trình công cộng cao tầng (Hình 7). Đến nay các phương án này vẫn không được thực hiện vì nó phá vỡ mọi quy hoạch cổ điển đã có, nó rất tốn kém và cũng tạo ra nhiều vấn đề quá mới với xã hội. Tuy nhiên, quả là Le Corbusier đã có những tư tưởng mạnh dạn và đầy sáng tạo khác thường.
4. TP Alger
Năm 1931, Le Corbusier đã đưa ra quy hoạch thành phố Alger – Thủ đô Algerie. Hình 8 là mô hình quy hoạch cũng có tuyến “đại lộ” chạy trên mái nhà. Sơ phác hình 9a cho ta thấy điểm nhấn của quy hoạch là ngôi nhà chọc trời Marine cao 150m là văn phòng cho 10.000 nhân viên, tháng 4/1938.
5. TP Rio de Janeiro
Năm 1929, ông làm quy hoạch thành phố Rio de Janeiro – Thủ đô nước Braxin thời bấy giờ (Hình 10). Hình nguệch ngoạc này vẽ đúng địa hình vịnh Rio de Janeiro. Chúng ta chú ý nhóm 3 nhà cao tầng xếp hình chữ tam (≡) ở bên dưới phía trái và đỉnh núi ở trên sẽ đặt tượng chúa Christo sau này. Bản vẽ sơ phác hình 11 cụ thể hóa hơn vịnh Rio với sân bay, khu đô thị văn phòng (Cité d’affaires), cảng biển, khu công nghiệp ở sát biển và thành phố đại học trên khu công nghiệp. Sơ phác hình 12 cho ta thấy phối cảnh chim bay khu vịnh Rio. Sơ phác hình 13 vẽ ngôi nhà dài “đại lộ” trên cao chạy giữa đồi núi ven biển. Ngôi nhà đại lộ này cao 100m, tầng dưới cùng hoàn toàn trống, không phá hoại thiên nhiên (Hình 14). Hình vẽ phối cảnh số 15 mô tả đại lộ trên cao này chạy đến nhóm ba nhà chữ tam, đến núi có tượng đài Christo Rei (như trên hình vẽ mặt bằng số 10).
6. TP New York
Năm 1937, Le Corbusier có sơ phác mấy hình để góp ý chỉnh trang các ô phố của thành phố New York. Đây là một thành phố của nhà chọc trời, các ô phố được quy hoạch kiểu bàn cờ theo lý thuyết Hippodamus từ thời Hy Lạp cổ đại. Hình 16 ông trình bày thành ba hàng: Trên cùng là hình vẽ mặt đứng, siluét của dãy phố, hàng thứ hai là mặt bằng các ô phố, mặt bằng của một ô phố với một ngôi nhà cao tầng lớn; Hàng thứ ba là phối cảnh chim bay của các nhà cao tầng đặt trên các ô phố. Các hình vẽ này xếp thành hai cột: Cột bên trái là hình của tình trạng hiện tại các ô phố ở New York tạo nên sự lổn nhổn không nhất quán, cột bên phải là 3 hình của dự án do Le Corbusier kiến nghị, mỗi ô phố có một ngôi nhà lớn hình chữ Y dành nhiều không gian cho cây xanh. Đây là cách vẽ so sánh góp ý của Le Corbusier cho sự chỉnh trang lại các ô phố của New York.
7. TP Buenos Aires
Năm 1938, Le Corbusier cộng tác với hai KTS của Buenos Aires là Ferrari và Kurchan lập một dự án quy hoạch thành phố Buenos Aires – Thủ đô của Athentina. Công trình này là tiếp tục một dự án đưa ra năm 1929 – Thành phố Buenos Aires phát triển dựa trên cơ sở các “cuadra” truyền thống, đó là các ô phố từ thời kỳ thực dân Tây Ban Nha. Trong các ô phố này, toà nhà một tầng nằm trong một ô đất vuông có kích thước 110m x 110m bao quanh bằng đường giao thông rộng 7,9 hay 11m, bên trong ô phố có vườn. Ngày nay các ô phố chen dày đặc các cao ốc không còn một cái sân nào, một cái vườn nào. Cấu trúc Cuadra này là không thể ở được, hoàn toàn tắc nghẽn, không có mạch máu (giao thông), không có phổi (cây xanh), không có các bộ phận quan trọng khác. Hình 17 Le Corbusier vẽ phác trạng thái công trình xây dựng lấp đầy dần các ô phố 110m x 110m. Từ phải qua trái ta thấy thoạt đầu ô phố xây dựng nhà một tầng còn nhiều diện tích cây xanh, sang hình giữa ô phố xây dựng dày đặc hơn và ô cuối cùng bên trái thì gần như không còn diện tích cây xanh nữa. Đề nghị của Le Corbusier và hai KTS ở Buenos Aires là gộp ba ô cũ thành một ô mới với kích thước 400m x 400m. Ngoài ra đề xuất vị trí của cảng hàng không, cảng công nghiệp đường biển, đô thị văn phòng và cảng thương mại là một loạt công trình lớn ở bờ biển gắn với các ô phố trong đô thị.
8. TP Chandigarh
Tác phẩm quy hoạch đô thị nổi tiếng và được thực hiện gần như đầy đủ của Le Corbusier là quy hoạch thành phố Chandigarh – Thủ phủ của bang Punjab nước Cộng hòa Ấn Độ. Năm 1951, Le Corbusier được Thủ tướng Nehru của Ấn Độ mời lập quy hoạch và xây dựng thành phố Chandigarh. Ngày 18/02/1951, ông cùng với KTS P.Jeanneret là em họ sang Ấn Độ. Những nét vẽ đầu tiên sơ phác quang cảnh của khu đất sẽ xây dựng thành phố (Hình 18) cho ta thấy ông dự kiến mặt bằng thành phố tương lai là một hình vuông, phía sau là núi, nhìn từ điểm A ta thấy trung tâm Thủ đô có lần lượt từ trái sang phải là tòa nhà Ban Thư ký Chính phủ, tòa Quốc hội, lâu đài lãnh đạo và tòa án tối cao.
Tuy hình sơ phác rất nhỏ và sơ sài nhưng sau này các công trình đã được xây dựng đặt đúng các vị trí đó. Các sơ phác trên hình 19a cho ta thấy bên trái là hình mặt bằng bố trí các công trình quan trọng nhất của quảng trường Tam quyền, các hình bên phải là các ý tưởng về lâu đài lãnh đạo, bàn tay mở, tòa án tối cao, nhà Ban Thư ký Chính phủ và cuối cùng là Quốc hội.
Trong các sơ phác tìm ý của Le Corbusier về Chandigarh ta luôn thấy xuất hiện hình ảnh những con bò, đó là điều rất thú vị. Ông nói rằng tại quảng trường Tam quyền rộng lớn này sẽ luôn luôn có những con bò, những xe bò kéo lang thang không giống như ở những nước khác. Hình 19b là hình vẽ kỹ thuật dựng lại các sơ phác trên. Bảng hình 20 là những sơ phác ý đồ về nhà Quốc hội được vẽ ngày 26/3/1951.
Về quy hoạch chung của Chandigarh thì Le Corbusier đánh giá điều quan trọng nhất là các khu dân cư. Ông đã áp dụng lý thuyết tiểu khu của Clarence Perry (đơn vị ở láng giềng) là các đơn vị ở phải có một trường Tiểu học. Năm 1950 khi thiết kế quy hoạch Bogota – Thủ đô của Colombie, lần đầu tiên Le Corbusier đã xác định kích thước của một khu dân cư mẫu là 1.200m x 800m, ông dùng cho Chandigarh. Hình 21 là sơ phác một đơn vị khu dân cư ở Chandigarh với các loại đường giao thông xếp theo cấp từ V2 đến V7. Hình 22 sơ phác một phần khu dân cư, tổng mặt bằng quy hoạch Chandigarh được thể hiện trên hình 23: Một hình vuông có hai trục chính ngang, dọc và ở phía Bắc đầu trục đường chính Nam – Bắc là khu vực quảng trường Tam quyền.
Tòa án tối cao: Hình 24 là những sơ phác tòa án tối cao được vẽ ngày 25/4/1951. Các hình 25, 26, 27 sơ phác những ý đầu tiên về tòa án tối cao, sau này được xây dựng (hình 28).
Tòa Quốc hội: Công trình lớn hơn và quan trọng nhất ở quảng trường Tam quyền này là tòa Quốc hội (trong hình 29, 30). Hình 31 cho ta thấy rõ mặt cắt của tòa Quốc hội: hai hình nón cụt và kim tự tháp nghiêng ở trên mái Quốc hội là hai tòa thượng nghị viện và hạ nghị viện. Đặc biệt ở đây là Le Corbusier rất say mê hình nón cụt này. Ông đã thấy ở các lò luyện kim và ông đã sử dụng vào đây và sau này vào nhà thờ Firmini. Hình 32 sơ phác ngày 19/01/1953 về tòa Quốc hội bàn tay mở, tòa nhà Ban Thư ký. Ảnh số 33 là toàn bộ nhà Quốc hội sau khi hoàn thành xây dựng.
Lâu đài nhà lãnh đạo: Lâu đài nhà lãnh đạo được vẽ vào tháng 4/1952 đưa ra ý đồ tạo nên một hiệu ứng kiến trúc khác thường. Đó là sự phản chiếu công trình kiến trúc xuống mặt nước. Vì khoảng cách giữa lâu đài nhà lãnh đạo đến tòa Quốc hội khá xa có thể tạo nên tầm nhìn xấu nên Le Corbusier đã tạo nên một số hồ nước có cao độ khác nhau để phản chiếu công trình kiến trúc cho gần gũi hơn. Những ký họa về súc vật và xe bò cùng những con bò kéo xe luôn xuất hiện trong sổ tay phác thảo của Le Corbusier, dường như muốn kéo tư tưởng của KTS đến mảnh đất chói chang ánh mặt trời và gắn tác phẩm kiến trúc của mình với nơi chốn nó tồn tại (Hình 35). Công trình này không được xây dựng.
Bàn tay mở: Một buổi chiều trên bãi cỏ nhà nghỉ ở Chandigarh, nơi mà các KTS trong nhóm thiết kế Chandigarh là Jane Drew, Priere Janneret, Maxwell Fry và Le Corbusier đang đi dạo, Jane Drew phát biểu: “Này Le Corbusier, anh phải đặt ở ngay trái tim của Thủ đô những ký hiệu mà anh sẽ diễn đạt về quy hoạch, mặt khác về tư tưởng triết học của mình, những ký hiệu này đáng được người ta biết đến như là chìa khóa của sự sáng tạo ra Chandigarh”.
Từ đó sinh ra việc phải sử dụng không gian rộng lớn nối giữa tòa nhà Quốc hội với tòa án tối cao rộng gần 400m. Ở đây sẽ thiết lập các ký hiệu như hình người Modulor, cột hòa âm xoắn ốc, ký hiệu luân phiên 24 giờ ngày và đêm, đông chí, hạ chí, tháp bốn chân trời, bàn tay mở… Các ký hiệu này có kích thước cá thể rất lớn như cao 20m hay dài 30m đúc bằng bê tông hay kim loại. Hình 36 là sơ phác của Le Corbusier về các ký hiệu nói trên, sẽ tìm cách đặt vào khoảng không gian rộng lớn đó. Cụ thể hơn, ngày 27/3/1952, Le Corbusier sơ phác tượng đài Bàn tay mở (Hình 37). Hình bên trái là mặt bằng “Hố Suy Tư” nơi đặt tượng đài Bàn tay mở, hình bên phải là bàn tay mở cắm trên một khung bê tông. Hình 38 vẽ chi tiết khung giữ bàn tay mở nằm trong Hố Suy Tư. Cuối cùng tượng đài Bàn tay mở sẽ được thực hiện như hình vẽ 39.
Bàn tay mở là một ý tưởng sinh ra ở Paris, là phản ứng với tình trạng con người sống không hòa hợp với nhau, xa cách nhau và thường coi nhau là thù địch, cần phải đưa tay ra rộng mở chào đón thân thiện. Người ta đã thực hiện bàn tay này như một vỏ ốc lớn, rồi thành hình siluét, hình này cũng phát triển trong nhiều năm. Dần dần hình bàn tay mở có thể được đưa vào kiến trúc. Trong thời gian xây dựng Chandigarh, một quan chức đã hỏi Le Corbusier: “Ngài có nghĩ đến một tượng đài cho Chandigarh không?”. Ông trả lời: “Có chứ, ở kia kìa nơi cao của thành phố, đó là Bàn tay mở đối diện với dãy Hymalaya” và tượng đài Bàn tay mở đã được xây dựng cao 16m làm bằng gỗ bọc sắt dập theo truyền thống của dân Ấn Độ đúc đồng thau làm những cái hũ đựng nước giếng. Bàn tay mở của Le Corbusier lại có hình như một con chim bồ câu hòa bình nói lên thiện ý bắt tay hòa hợp chào đón nồng nhiệt khách khứa, bạn bè đến Chandigarh (Hình 40). Bàn tay có một trục kim loại gắn vào một khung bê tông lớn như một cổng chào. Bàn tay quay quanh trục theo hướng gió thổi (Hình 41). Le Corbusier đã sơ phác hàng trăm kiểu bàn tay và cuối cùng đã chọn được kiểu bàn tay chim bồ câu này (Hình 42). Bàn tay mở đã được xây dựng đơn giản hơn thiết kế ban đầu (với “Hố Suy Tư”) và là một tượng đài độc đáo (Hình 43).
II. Những sơ phác về công trình kiến trúc
Biệt thự Savoye ở Poissy (Pháp) được xây dựng năm 1929 là một trong những tác phẩm kiến trúc đầu tiên đưa tên tuổi của Le Corbusier lên hàng những KTS hiện đại nổi tiếng thế giới. Công trình kiến trúc này minh họa cho 5 nguyên tắc của ông về ngôi nhà hiện đại là nhà trên cột, mặt bằng tự do, mặt đứng tự do, dải cửa sổ nằm ngang và mái bằng. Sơ phác năm 1929 vẽ phác một biệt thự và đề xuất một cụm biệt thự như vậy gồm 17 biệt thự với một vườn cọ và một vườn cây bách nhỏ hơn (Hình 44). Biệt thự Savoye được xây dựng xong (1929 – 1931) là một di sản của kiến trúc hiện đại thế giới (Hình 45).
Trụ sở Bộ Giáo dục và Y tế Braxin
Năm 1936, Le Corbusier được mời đến Braxin tư vấn thiết kế trụ sở Bộ Giáo dục và Y tế tại thành phố Rio de Janeiro. Một nhóm KTS trẻ của Braxin cùng làm việc với Le Corbusier và sau này họ đã trở thành những KTS xuất sắc của kiến trúc hiện đại nước này như: Lucio Costa, Reidy, Oscar Niemeyer, Rei, Moreira, Carlos Leon… Phương án của Le Corbusier có đặc điểm nổi bật thời bấy giờ là: Nhà cao tầng mỏng, hai mặt đứng trước và sau là hệ thống chắn nắng, mặt bên mỏng là tường bê tông đặc, tầng trệt nói chung trống (Hình 46). Hình 47 là mô hình công trình đã được xây dựng.
Trụ sở Liên hợp quốc
Sau đại chiến thứ II Liên hợp quốc thành lập và dự định xây dựng trụ sở ở Mỹ, tại bán đảo Manhattan. Đây là cơ quan quốc tế quan trọng nhất nên phải có một trụ sở cực kỳ hoành tráng lên đến từ 20 – 40 dặm vuông, nhưng bán đảo Manhattan chỉ có 17 dặm vuông, trong đó 11 dặm đã là công viên, kho tàng, nhà máy…
Tháng 12/1946 tỷ phú John D.Rockefeller biếu 8,5 triệu đô la mua một miếng đất trên bờ sông East giữa đại lộ số 42 và 48 thì Le Corbusier nhận ra ngay miếng đất nhỏ bé này có thể xây dựng trụ sở Liên hợp quốc theo các nguyên tắc của đô thị tươi sáng của ông (Cité Radieuse) và chính Liên hợp quốc tới đây sẽ phải chuẩn bị cho việc tái sinh quy hoạch đô thị cho Manhattan. Thế là ông vẽ phác thảo ý đồ công trình trụ sở Liên hợp quốc (Hình 48) bằng bút máy. Các bè bạn của KTS nhận xét là nó đáng gây kinh ngạc. Sau 7 tháng say sưa cho một công trình “Thủ đô của thế giới” phải được thiết kế như một thành phố vườn rộng lớn, chỉ sau 24 giờ, Ủy ban của Liên hợp quốc đã quyết định xây dựng một đô thị tháp trên một mảnh đất nhỏ gấp 1.500 lần dự kiến. Sau đó Le Corbusier được mời vào một Ủy ban gồm 10 chuyên gia để nghiên cứu xây dựng trụ sở Liên hợp quốc. Ủy ban này gồm có Oscar Niemeyer, Sven Markelius, một chuyên gia Liên Xô, Bỉ, Canada, Trung Quốc, Anh Quốc, Úc và Uruguay.
Đề án của Le Corbusier đưa ra cuối tháng 3/1947 được gọi là phương án “23A” được chấp nhận, nhưng việc thiết kế kỹ thuật và xây dựng thì lại giao cho KTS Mỹ là Wallace K.Harrison đã cùng làm việc với Le Corbusier và có kinh nghiệm xây dựng trung tâm Rockefeller. Harrison rất trung thành với bản phác họa sơ sài của Le Corbusier và công trình này hiện nay ở Hoa Kỳ người ta vẫn gọi là ngôi nhà của Le Corbusier vì lần đầu tiên ở Mỹ có một ngôi nhà chọc trời hình thanh socola như vậy (Hình 49).
Nhà văn hóa Thanh niên ở Firmini (Pháp)
Nhà văn hóa này nằm cạnh sân vận động có hình khối đẹp. Hình 50 là sơ phác, hình 51 là công trình đã xây dựng vào các năm 1956 đến 1962. Các hình nội thất số 52 gồm sảnh vào, phòng triển lãm, các phòng giải lao 1, 2, thư viện. Hình 53 là hai mặt cắt hai giai đoạn thiết kế. Gian hàng Philip trong hội chợ Bruxelles (Bỉ)
Năm 1958, hãng Philip chuyên về âm thanh, điện ảnh, điện tử đề nghị Le Corbusier xây dựng một gian hàng triển lãm nhỏ với diện tích 500m2 trong hội chợ triển lãm ở Bruxelles. Le Corbusier thoạt đầu nghĩ đến hình con bò, sau dần nghĩ đến cái dạ dày bò. Ông đã cùng cộng tác viên trẻ người Hy Lạp là Iannis Xenakis, một kỹ sư kết cấu giỏi, một nhà toán học để lập cấu trúc gian hàng. Những sơ phác ban đầu của ông (Hình 54) cho ta thấy thoạt tiên là một con bò, sau đó là cái dạ dày. Ý đồ này được vẽ ra như hình 55. Xenakis đã từ cái dạ dày ở mặt bằng (Hình 56) sử dụng hai hình paraboloid. Hyperbolic phủ lên cái dạ dày một mái cao vút có một cửa vào và một cửa ra (Hình 57). Cuối cùng gian hàng triển lãm hãng Philip đã hoàn thành (Hình 58) gây một ấn tượng nổi bật trong triển lãm. Trong gian hàng này có chiếu phim và cuốn phim điện tử 8 phút do Le Corbusier cộng tác với nhạc sĩ Edgar Varese kể về câu chuyện của loài người. Bài thơ điện tử đó đã lôi cuốn hơn 2 triệu khách tham quan trong thời gian triển lãm.
Khi chủ hãng Philip hỏi Le Corbusier là anh sẽ làm gì cho tôi về gian trưng bày này thì ông trả lời: “Tôi sẽ không làm một gian hàng cho anh nhưng làm một bài thơ điện tử và một chiếc thuyền lớn hàm chứa bên trong bài thơ này: Ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, nhịp điệu và âm thanh hòa cùng nhau trong một hệ thống tổng hợp”.
Gian hàng được xây dựng từ năm 1957 đến 1958, năm 1959 bị phá bỏ vì đã hết hội chợ triển lãm, nhưng hình ảnh của gian hàng Philip và bài thơ điện tử đã được lưu lại mãi trong lịch sử kiến trúc thế giới như một sáng tạo tổng hợp độc đáo của nhiều ngành nghệ thuật mà Le Corbusier là tác giả chủ trì .
Nhà thờ Ronchamp (Pháp)
Năm 1950, Le Corbusier được vị cha cố ở Ronchamp biên giới phía Đông nước Pháp giáp nước Đức yêu cầu thiết kế cho một ngôi nhà thờ nhỏ trên đồi, nơi ngôi nhà thờ cũ bị phát xít Đức bắn pháo sang phá hủy trong đại chiến thứ hai. Những sơ phác ban đầu vẽ ngày 20/5/1950 tại vị trí ngọn đồi (Hình 59) nơi đặt ngôi nhà thờ nhỏ. Đến đầu năm 1951, ông phác một loạt hình ngôi nhà thờ (Hình 60a, b, c, d, e, f, g). Loạt hình này rất kỳ lạ hoàn toàn không giống những gì mà một KTS hàng đầu của chủ nghĩa Công năng châu Âu với xuất phát điểm là hình hộp chữ nhật, là góc vuông, là mặt phẳng và hình học sơ cấp. Ở công trình này, cái mái là một thành phần quan trọng phức tạp và kỳ lạ nhất, bề dày mái là 3m, lớp trên và lớp dưới là bê tông cốt thép mỏng, ở giữa là hệ dàn thép. Chi tiết quan trọng này đã được Le Corbusier vẽ sơ phác ra (Hình 61). Cuối cùng ngôi nhà thờ Ronchamp đã hoàn thành (Hình 62) là một kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc theo chủ nghĩa Biểu hiện, là một bước ngoặt ngoạn mục của nghệ thuật kiến trúc thế giới.
Nhà thờ Firmini – Vert (Pháp)
Năm 1963, trước ngày mất 2 năm Le Corbusier đã thiết kế một nhà thờ nhỏ là nhà thờ Firmini – Vert, cũng như nhà thờ Ronchamp, nhà thờ Firmini là một tác phẩm kỳ lạ theo xu hướng chủ nghĩa Biểu hiện. Nhà thờ này nhỏ hơn Ronchamp và khi ông mất đi (1965) nhà thờ Firmini chỉ là bản vẽ. Sau này khi những tác phẩm của Le Corbusier được Unesco vinh danh thì Chính phủ Pháp quyết định thực hiện việc xây dựng nhà thờ Firmini theo đúng thiết kế của ông. Bản vẽ tay phối cảnh sơ phác của nhà thờ Firmini – Vert được Le Corbusier phác ngày 19/9/1963 cho ta thấy cái hình nón cụt của lò luyện kim mà ông say mê ngày nào đã dựng ở tòa Quốc hội Chandigarh lại được tái hiện ở đây (Hình 63). Trên mặt bằng nhà thờ hình vuông, cái nón cụt úp lên với mục đích tạo trong nội thất nhà thờ một không gian tối cao lồng lộng, trên đó có những lỗ thủng nhỏ mô tả những chòm sao trên bầu trời. Những chòm sao này hiện lên trong nội thất nhà thờ một cách huyền ảo theo kinh nghiệm ở tường phía Đông (có 14 lỗ) của nhà thờ Ronchamp.
Hình 64 là hai sơ phác mặt trong và mặt ngoài của hình nón cụt úp lên mặt bằng hình vuông của nhà thờ Firmini – Vert.
Nhà thờ Firmini với nhà thờ Ronchamp và tu viện La Tourette là 3 kiệt tác về công trình tôn giáo của Le Corbusier. Hình 65 là makét nhà thờ Firmini – Vert.
Qua những sơ phác của Le Corbusier ta rút ra được những bài học sau:
- KTS cần đi nhiều, xem nhiều kiến trúc và cảnh quan các địa phương đi đâu cũng vẽ vào sổ tay những công trình, những chi tiết kiến trúc với những ghi chú nhận xét.
- Khi đi thực địa nơi sẽ đặt công trình kiến trúc thì cần chú ý địa hình, các điều kiện thời tiết và đặc điểm địa phương (con bò và xe bò), đó là tính chất dân tộc, là bản sắc nơi chốn.
- Luôn luôn tìm cái mới, cái khác biệt, không chịu thỏa mãn với những biện pháp cũ.
- Chú ý ngôn ngữ của KTS là hình vẽ, hãy vẽ thật nhiều và diễn đạt ý nghĩ của mình bằng hình vẽ. Tiến sĩ N.Coli (Liên Xô cũ) – một cộng tác viên của Le Corbusier đã viết: “Tên tuổi của Le Corbusier trở nên đồng nghĩa với tất cả những gì tiên tiến trong kiến trúc”.
PGS.TS Tôn Đại
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2021)
The post Từ sơ phác đến tác phẩm kiến trúc – Những sơ phác của Le Corbusier appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3s3jTao
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét