Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Để kiến trúc chạm vào thiên nhiên

Bản sắc trong kiến trúc hiện đại là sự liên kết gắn bó giữa con người và môi trường sống. Kiến trúc là một phần của môi trường nơi đặt nó vì thế việc giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường khí hậu nhiệt đới cũng là nguồn cảm hứng và mục đích để tạo ra lối kiến trúc thân thiện và bền vững, đồng thời phản ánh một phần ngôn ngữ kiến trúc của KTS.

Club InterContinental Lounge

Chúng tôi có cơ hội dự nhiều sự kiện quốc tế, chủ yếu ở các lễ trao giải và các buổi tọa đàm nói chuyện ở nước ngoài. Qua những dịp này, chúng tôi thấy KTS và sinh viên nước ngoài rất thích thú khi thấy những KTS Việt Nam không đi theo hướng xu hướng chung của thế giới, chúng ta có những KTS đã tạo ra một lối đi riêng cho kiến trúc của Việt Nam, đề cao tính bản địa và thiết kế gắn liền với môi trường nhiệt đới, hướng tới sự bền vững. Mỗi công trình còn có thể chia sẻ với môi trường xung quanh nó và tạo cảm hứng cho cộng đồng.


TreeHaus – ngôi nhà hòa mình vào địa hình và thiên nhiên

Các dự án thiết kế của Tropical Space thường bắt đầu từ vật liệu bằng gạch nung, một loại vật liệu phổ biến và lâu đời, chúng tôi muốn từ việc sử dụng vật liệu giản đơn để mỗi công trình kiến trúc sẽ bộc lộ rõ hơn về bản chất, hình khối, tỉ lệ, khi vật liệu đồng nhất lúc đó KTS sẽ thể hiện rõ ngôn ngữ kiến trúc của chính mình.

Trong các thiết kế của chúng tôi luôn chú trọng đến các giải pháp tổ chức thông gió và chiếu sáng tự nhiên, các giải pháp tiết kiệm và đơn giản hóa các vật liệu sử dụng, và dẫn dắt mọi người đến xu hướng lối sống chia sẻ cho môi trường và cộng đồng.

Công trình đầu tiên hoàn thành vào năm 2014, đó là nhà “Tổ mối ở Đà Nẵng” lấy cảm hứng từ cách con mối tự lấy một phần của chính nó để tạo ra cái tổ ứng biến trong mọi điều kiện thời thời tiết, từ đó Tropical Space thiết kế một ngôi nhà có cấu trúc tự hô hấp, ấm áp vào mùa đông, mát mẻ trong mùa hè. Ngôi nhà giảm sự lệ thuộc vào công nghệ, đặc biệt là điều hòa, tận dụng gió tự nhiên, nắm rõ cách lưu thông khí trong không gian, ảnh hưởng của cách bố trí phòng và những bức tường rỗng xốp. Hướng nắng mặt trời trong những ngày oi bức, cách bố trí cầu thang, nhà kho và phòng tắm được đặt ở một hướng đón nắng và làm thành lớp bảo vệ cho không gian sinh hoạt và nghỉ ngơi. Các chi tiết che mát, thông gió giúp giảm tiêu hao điện năng cho các thiết bị khác.

Ngôi nhà hình chữ H sống trong lòng thiên nhiên

Long An house có cấu trúc phát triển tương tự nhà Tổ Mối với cách tổ chức mặt bằng cân xứng theo trục. Bắt đầu từ khu vực trung tâm lan tỏa ra các không gian cá nhân. Cấu trúc nhà Long An bắt nguồn từ cấu trúc nhà truyền thống với mái dốc và những hàng hiên tạo bóng mát và che mưa cùng với cách thức tổ chức thông gió làm mát cho ngôi nhà. Từ đó, ngôi nhà có những không gian dẫn dắt và chuyển tiếp giữa vùng ánh sáng và vùng bóng tối để điều tiết cảm xúc và hoạt động hàng ngày.

Curtain office là một tòa nhà văn phòng mà sử dụng chính cấu trúc tường thay thế cho tấm rèm che nắng. Cấu trúc tường này có xoay góc tạo ra các vùng bóng đổ giảm bớt bức xạ mặt trời tác động lên các vách kính. Các vách kính lùi vào bên trong để dành thêm diện tích trồng cây xanh, vách kính có thể mở được để đón nhận không khí, ánh sáng đi qua cấu trúc tường và lớp màng cây xanh nên cũng được giảm bớt. việc tiết kiệm năng lượng thông qua việc giảm bớt bật đèn vào ban ngày và sử dụng điều hòa trong điều kiện khí hậu mát mẻ. Chúng tôi cho rằng một không gian làm việc thân thiện, thoải mái sẽ khơi gợi được nguồn cảm hứng sáng tạo và liên kết những mối quan hệ cộng đồng. công trình đang được xây dựng và sẽ hoàn thành trong mùa hè năm nay

Tohe hotel ở Hội An là một khách sạn nhỏ để có thêm sự lựa chọn dành cho khách du lịch trải nghiệm văn hóa địa phương, thay cho những khách sạn có những căn phòng và dịch vụ đóng kín đầy đủ tiện nghi. Tohe hotel có cấu trúc lớp vỏ gợi lại hình ảnh những dãy nhà phố cổ đổ bóng xuống sông Hoài, lớp vỏ này xuyên thủng để môi trường bên ngoài có thể đi qua. Chúng tôi muốn tạo ra một khách sạn không khép kín chỉ là nơi để ngủ cho khách lưu trú, vì thế chúng tôi giảm bớt diện tích phòng để dành nhiều diện tích cho những khoảng trống và không gian chung. Chúng tôi thiết kế 1 lớp vỏ rỗng bao lấy các chức năng. Gió có thể thổi qua, mưa có thể chạm gần tới, con người ở bên trong vẫn cảm nhận được môi trường cảnh quan bên ngoài. Chúng tôi tin rằng mô hình khách sạn thân thiện tự nhiên sẽ góp phần vào xu hướng du lịch bền vững, thân thiện môi trường, nhất là sau khủng hoảng đại dịch covid. Cho môi trường thiên nhiên một cơ hội sống chung cùng với con người, khi chạm gần thiên nhiên con người sẽ học được cách yêu và bảo vệ thiên nhiên hơn.

KTS Trần Ngụ Ngôn sinh năm 1979, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh năm 2004. Chị là một trong hai người sáng lập văn phòng kiến trúc Tropical Space (Không gian nhiệt đới) – nổi tiếng với các công trình có hình khối đơn giản, chú trọng giải pháp phù hợp với khí hậu nhiệt đới, sử dụng các vật liệu thô mộc, thân thiện với môi trường, an toàn, kinh tế và bền vững.

 Trần Ngụ Ngôn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2021)

The post Để kiến trúc chạm vào thiên nhiên appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/39AxnUS
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét