Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

Nghiên cứu Tái thiết Điện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế

Điện Cần Chánh được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), bị thiêu huỷ năm 1947, là 1 trong 3 ngôi Điện quan trọng của Hoàng Thành Huế được xây dựng vào giai đoạn đầu của triều Nguyễn. Với hình thức “trùng thiềm điệp ốc” gồm 2 toà nhà ghép nối với nhau được đặt trên cùng một nền móng, qui mô của ngôi Điện này không thua kém so Điện Bảo Hòa (Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc), Điện Cần Chánh (Cảnh Phúc Cung, Seoul, Hàn Quốc), và Điện Đại Cực (Bình Thành Cung, Nara, Nhật Bản).

Trong nghiên cứu này, trên cơ sở các nguồn tư liệu xác thực, tư liệu ảnh cổ chụp từ thời Thành Thái đến thời hết Bảo Đại và phế tích nền móng hiện tồn tại, đã xác định được qui mô, thể loại và hình thức kiến trúc của ngôi Điện này. Theo đó, Điện Cần Chánh được bố trí trên trục Dũng Đạo, bên trong của Tử Cấm Thành, hướng Nam, là ngôi điện chính cấu thành nên cụm kiến trúc quan trọng gồm: Đại Cung Môn, Tả Vu (bên trái), Hữu Vu (bên phải), và sân Bái Đình (ở giữa). Ngôi điện này được các học giả phương Tây đánh giá là công trình đẹp và lộng lẫy nhất hoàng cung triều Nguyễn (1802-1945).

Ngoại thất Điện Cần Chánh (Ảnh tư liệu đen trắng, Bảng 2, ID. W0072, thời Khải Định 1916-1925)

Các công trình kiến trúc đồng dạng ở các quốc gia đồng văn Châu Á

Xét về mặt địa văn hoá, những quốc gia như Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản là các nước đồng văn Châu Á nhận ảnh hưởng văn minh Trung Hoa mà trung tâm là kinh đô Trường An (nhà Đường), kinh đô Biện Kinh (Bắc Tống) và kinh đô Lâm An (Nam Tống). Sự nở rộ của văn minh Trung Hoa thời nhà Đường (618-907) đến nhà Tống (960-1279) đã để lại cho nhân loại những thành tựu rực rỡ trên mọi phương diện, trong đó phải nói đến là sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật kiến trúc.

Điện Cần Chánh (Hoàng Thành Huế, Việt Nam)

Bình Thành Cung – Nhật Bản (710), Thủ Lý Thành Okinawwa – Nhật Bản (1429) Khai Thành Cung – Bắc Triều Tiên (1042), Cảnh Phúc Cung – Nam Triều Tiên (1394), Hoàng Thành Thăng Long – Đại Việt (1010) và Kinh Thành Huế – Việt Nam (1802) là những minh chứng cụ thể của trào lưu tiếp nhận văn minh đó. Sự tồn tại của những kinh đô này thông qua lịch sử minh chứng cho hiện tượng “hoá thạch vùng biên”1 ở khu vực Đông và Nam Á trong khi các kinh đô thời nhà Đường, Tống đã không còn nữa.

Theo đó, công trình Điện Đại Cực (Bình Thành Cung), Điện Chính Shurijou (Thủ Lý Thành), Điện Cần Chánh (Cảnh Phúc Cung) của các quốc gia đồng văn nêu trên đã được trùng tu phục hồi và tái thiết, trả lại nguyên vẹn hình hài di sản. Đó là niềm tự hào của các quốc gia, dân tộc nói trên. Tuy nhiên, Điện Cần Chánh (Hoàng Thành Huế) và Điện Kính Thiên (Hoàng Thành Thăng Long) của Việt Nam vẫn chưa được phục hồi mặc dù cả 2 khu di sản này đã được công nhận là Di sản văn hoá Thế giới.

Phế tích nền móng Điện Cần Chánh – Hoàng Thành Huế (ảnh chụp 2008)

Thẩm định giá trị của Điện Cần Chánh

1. Lịch sử xây dựng và tu bổ

Điện Cần Chánh là một trong 3 ngôi Điện quan trọng nhất của khu vực Hoàng Thành được xây dựng vào đầu thời Gia Long, bố trí trên trục Dũng Đạo theo thứ tự từ ngoài vào trong là Điện Thái Hoà (Đại Triều Chính Điện, nơi tổ chức các đại lễ của triều đình), Điện Cần Chánh (Thường Triều Chính Điện, nơi làm việc hàng ngày của Hoàng đế và Nội các) và Điện Càn Thành (Nhật Triều Chính Điện, nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng đế).

Điện Cần Chánh tọa lạc ở khu vực phía trước, bên trong của Tử Cấm Thành, hướng Nam, là ngôi Điện chính cấu thành nên cụm kiến trúc quan trọng gồm: Đại Cung Môn (cổng chính ở mặt truớc hướng Nam của Tử Cấm Thành), Tả Vu (bên trái), Hữu Vu (bên phải), và sân Bái Đình (ở giữa). Kết nối 04 công trình này là Hồi Lang (lối đi có mái che) tạo nên hình thức “Tứ hợp viện” và “Lang viện chế”, phía hiên Đông là Điện Văn Minh, hiên Tây là Điện Võ Hiển, và phía sau phân cách bởi Bình Phong là khu vực Điện Càn Thành, hiện nay chỉ còn lại phế tích nền móng.

Theo sử liệu (bảng 1), Điện Cần Chánh đuợc xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804), đã trải qua nhiều lần tu sửa duới thời Gia Long (1811), Minh Mạng (1827, 1830), Tự Đức (1850, 1881), Đồng Khánh (1887), Thành Thái (1899), Khải Định (1923) và một vài thay đổi duới thời Bảo Đại (1926-1945). Giai đoạn đầu của triều Nguyễn từ thời Gia Long đến thời Tự Đức là những hoạt động sửa chữa cải tạo lại mái lợp, một vài chỉnh trang khu vực sân

Bái Đình, duy chỉ có một lần duy nhất vào năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), ngôi Điện đuợc trùng tu với qui mô lớn, toàn bộ kiến trúc đã được hạ giải để tu bổ và sau đó được tái lắp dựng.

Năm 1947, toàn bộ cấu trúc phần trên của ngôi điện này đã bị thiêu hủy, chỉ còn sót lại phế tích nền móng. Tuy nhiên, nhìn chung nền móng của ngôi điện này vẫn còn lưu giữ phần lớn các thành phần nguyên gốc, các viên đá tán vẫn còn ở nguyên vị trí ban đầu cho phép xác định đuợc kích thuớc buớc cột và qui mô của nền điện, dấu tích trên bề mặt các viên đá tán và mặt nền cho phép hiểu đuợc quá trình biến đổi của nó.

Bảng 1. Niên biểu kiến trúc Điện Cần Chánh

2. Hình thức, qui mô kiến trúc và chức năng sử dụng

Điện Cần Chánh có hình thức “Trùng thiềm điệp ốc” (gồm 2 toà nhà ghép nối với nhau được đặt trên cùng một nền móng), qui mô theo chiều ngang tiền điện 7 gian, chính điện 5 gian, Đông Tây 2 chái, tổng cộng có 10 hàng cột. Qui mô theo chiều dọc 7 gian gồm 8 hàng cột, bốn mặt có hiên bao quanh. So sánh với các công trình kiến trúc cung điện khác trong khu vực thì qui mô của ngôi Điện này tương đương với Điện Thái Hòa (Hoàng Thành Huế), Điện Bảo Hòa (Tử Cấm Thành, Bắc Kinh), Điện Cần Chánh (Cung Cảnh Phúc, Seoul), và có đôi chút nhỏ hơn so với Điện Đại Cực (Bình Thành Cung, Nara).

Ngôi điện được lợp bằng ngói hoàng lưu ly, chia làm 2 tầng mái gọi là Trùng diêm (mái chồng), trang trí mái là những motif hình rồng gọi là “Long Sư” và “Hồi Long”, đuợc xem như biểu tượng của Hoàng đế và năng lực vũ trụ theo học thuyết phương Đông.

Kể từ khi xây dựng, Điện Cần Chánh đuợc biết đến với chức năng là nơi làm việc thường xuyên của Hoàng đế và Nội các, là điểm phát xuất của đoàn ngự đạo trong các đại lễ của triều đình Nguyễn như lễ Tế Nam Giao, lễ Đăng Quang và lễ mừng thọ của Hoàng đế… Vào giai đoạn cuối của triều Nguyễn, ngôi diện này còn được sử dụng với chức năng là phòng khánh tiết quốc gia, nơi tổ chức yến tiệc cung đình, tiếp đón các đoàn khách quốc tế, và là nơi luu giữ trưng bày các báu vật hoàng gia vào thời đó.

3. Thẩm định giá trị của Điện Cần Chánh

Về phương diện lịch sử, Điện Cần Chánh là một trong rất ít công trình có niên đại sớm, tồn tại từ khi xây dựng 1804 đến hết thời nhà Nguyễn 1945 và bị thiêu hủy năm 1947. Ngôi điện này đã trải qua 143 năm tồn tại, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nuớc, đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị quân chủ phong kiến thời Nguyễn, thể hiện quyền lực của vương triều và thiết chế chính trị Việt Nam thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20.

Về phương diện kiến trúc và kỹ thuật xây dựng, có thể nói rằng ngôi điện này là tác phẩm kiến trúc đặc sắc và tiêu biểu cho phong cách kiến trúc cung điện Nguyễn ở Huế, điển hình của phương pháp thiết kế kiến trúc thời Gia Long, còn lưu giữ kỹ thuật xây dựng, bản sắc văn hoá và tư duy không gian kiến trúc truyền thống Việt Nam. Đây cũng là ngôi điện có qui mô lớn nhất nhì trong Hoàng thành Huế, thể hiện tài năng và sự hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật xây dựng của các vị quan lại và nghệ nhân thời Nguyễn. Với cấu trúc hệ khung gỗ chịu lực đuợc lắp ráp từ nhiều cấu kiện gỗ rời nhau bằng các hình thức liên kết mộng truyền thống, đạt đuợc sự hợp lý về kết cấu, tính bền vững và khả năng chịu lực cao, thích ứng với điều kiện khí hậu tiểu vùng khu vực miền Trung Việt Nam.

Về phương diện mỹ thuật, ngôi Điện này được các học giả phương Tây đánh giá là công trình đẹp và lộng lẫy nhất Hoàng cung và có thể xem là bộ mặt của quốc gia vào thời đó. Nội thất đuợc sơn son thếp vàng lộng lẫy, chạm khắc tinh xảo với những motif trang trí đặc trưng của phong cách mỹ thuật cung đình Nguyễn, sự bài trí không gian nội thất theo nguyên tắc đăng đối trục tạo nên sự uy nghi đặc thù của kiến trúc cung điện.

Nếu thẩm định giá trị theo các tiêu chí của công ước quốc tế, thì ngôi Điện này bao gồm cả 3 nhóm giá trị của di sản văn hoá bao gồm: Giá trị tình cảm (kỳ quan, bản sắc, tính liên tục của truyền thống, sự ngưỡng mộ, lòng tôn kính, sự cao cả của biểu tượng và sự sâu sắc về tinh thần), giá trị văn hóa (tư liệu, lịch sử, khảo cổ và niên đại, thẩm mỹ và kiến trúc, cảnh quan và sinh thái, khoa học và công nghệ, truyền thống và tâm linh) và giá trị sử dụng (công năng, kinh tế, xã hội, giáo dục, chính trị và thương hiệu văn hoá)2.

Đề xuất dự án tái thiết Điện Cần Chánh

1. Tên gọi dự án và nhiệm vụ bảo tồn

Theo điều 14 của Công ước Bura 1999, tên gọi dự án cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở định hướng của báo cáo nghiên cứu khoa học về di sản, bản thân tên gọi dự án thể hiện nhiệm vụ của dự án bảo tồn cần phải đạt được. Để có cơ sở luận bàn về vấn đề này, chúng tôi xin đề cập đến những khái niệm được đề cập trong sử liệu triều Nguyễn 3 như sau:

a) Duy tu (维修/Maintainace): Khái niệm này tương đương các hoạt động đánh giá mức độ thiệt hại để duy trì bảo dưỡng và bảo quản các công trình hiện hữu, được thực hiện hàng năm sau mùa mưa bão;

b) Trùng tu (重修/Restoration): Khái niệm này chỉ định một tổ hợp các hoạt động gồm sửa chữa (Repaire), gia cố (Consolidation) và gia cường (Reinforement) các thành phần tham gia kết cấu và thay thế cục bộ các cấu kiện đã bị phân rã về mặt vật liệu (Replacement). Khái niệm này tương đương với khái niệm Phục hồi (复廻/Rehabilitation) được thực hiện định kỳ khoảng 25 năm 1 lần, hoặc sau những biến cố thiên tai. Vì vậy, nếu đặt tên dự án là “Dự án trùng tu phục hồi” thì chỉ là cách nhấn mạnh mục tiêu cần phải đạt được của dự án bảo tồn;

c) Đại tu (大修/Renovation hoặc Reconstruction): Thông qua cách diễn giải hoạt động này được ghi trong sử liệu thì đây là hoạt động trùng tu quy mô lớn, có thể bao gồm các hoạt động hạ giải bán phần hoặc toàn phần, di dời công trình từ nơi này đến nơi khác để tái lắp dựng, hoặc có thể là hoạt động nâng cấp, tái thiết công trình đã có trước đó. Hoạt động ở cấp độ này chỉ được thực hiện vào những dịp đặc biệt, hoặc do nhu cầu cấp thiết của triều đình.

Như đã đề cập ở trên, vào năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), Điện Cần Chánh đã 1 lần đuợc trùng tu với qui mô lớn, toàn bộ kiến trúc đã được hạ giải để tu bổ và sau đó được tái lắp dựng, hoạt động này chính là cấp độ đại tu. Tương tự, công trình Điện Long An và Di Luân Đường thuộc Cung Khánh Ninh (ở bờ Bắc sông Ngự Hà) xây dựng vào thời Thiệu Trị, được di dời và tái lắp dựng lại ở vị trí hiện nay; công trình Điện Thái Hoà được di dời từ vị trí Đại Cung Môn đến vị trí hiện nay vào năm Minh Mạng thứ 11 (1831), lần đại tu để chuẩn bị cho lễ tứ tuần đại khánh của Hoàng đế Khải Định (1923) mà một số bức ảnh cổ đã chụp lại được. Những hoạt động này đều là cấp độ đại tu.

Điện Cần Chánh là công trình đã có trước đó, cấu trúc phần trên (gồm hệ khung gỗ và hệ mái) đã bị thiêu huỷ, chỉ còn lại phế tích nền móng. Vì vậy, nhiệm vụ bảo tồn đặt ra cho dự án này rất cụ thể và rõ ràng là:

  • Trùng tu phục hồi nền móng và mặt bằng kiến trúc (trên cơ sở phế tích hiện còn);
  • Tái thiết hệ khung gỗ (đã bị mất);
  • Tái thiết hệ mái lợp và tái thể hiện các motif trang trí mái (đã bị mất);
  • Tái thể hiện sơn thếp và các motip trang trí nội thất (đã bị mất);
  • Phục chế đồ gỗ gia dụng nội thất (đã bị mất).

Với những nhiệm vụ bảo tồn trên đây, quy mô dự án sẽ ở cấp độ đại tu, tên gọi phù hợp sẽ là: “Dự án Đại tu Điện Cần Chánh”. Tuy nhiên, ở góc độ ngữ nghĩa công ước quốc tế, chúng tôi đề xuất tên gọi là: Dự án Tái thiết Điện Cần Chánh (Reconstruction Project of the Can Chanh Dien Palace). Do đó, chủ đề nghiên cứu nhằm mục đích phục vụ cho dự án tái thiết ngôi Điện này. Các khái niệm khác như Bảo quản (Maintaince), Tu bổ (Consolidation and Reinforcement), Phục hồi (Rehabilitation) cũng đều là những thuật ngữ chỉ các giải pháp bảo tồn, tuy nhiên tính chất, mức độ phức tạp của các hạng mục nghiên cứu và cấp độ can thiệp kỹ thuật không cao bằng thuật ngữ Tái thiết (Reconstruction).

2. Luận bàn về khung thời gian cho công việc tái thiết di sản

Về khung thời gian cho dự án tái thiết, sự hiểu biết tương đối cho đến nay về ngôi điện này chỉ có thể là vào thời Khải Định (1916-1925). Việc chọn lựa khung thời gian tái thiết cần có sự cân nhắc giữa lý luận và thực tiễn, giữa học thuật và kinh tế xã hội, giữa văn hoá và chính trị. Đó là vấn đề quan trọng mà chúng tôi muốn đề cập trong nghiên cứu này, nhằm tìm sự góp ý hữu ích của các chuyên gia, các chính trị gia và các nhà kinh tế.

Theo đó, Điện Cần Chánh từ thời Thành Thái đến thời Khải Định đã có sự chuyển đổi hình thái kiến trúc đáng kể, tuy nhiên, chức năng sử dụng của nó dường như vẫn không thay đổi. Về không gian hiện hữu của di sản, tính chất đóng mở của khu vực toạ lạc và của ngôi điện này cũng có sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng nền móng của Điện Cần Chánh là yếu tố vật chất duy nhất còn sót lại, chưa hề bị chuyển vị và còn lưu giữ phần lớn các yếu tố cấu thành gốc của di sản. Đây là yếu tố định tính xác thực về mặt lịch sử, yếu tố định lượng về mặt kỹ thuật làm cơ sở để tái tạo phần cấu trúc bên trên của nó.

Điện Cần Chánh vào thời Khải Định có phải là thời kỳ hoàng kim với những giá trị nổi bật toàn cầu của ngôi điện này hay không? Và, nếu chọn khung thời gian này để tái thiết thì có khả thi không? Theo thiển ý của chúng tôi, tính xác thực về mặt định hình và định lượng của các thời kỳ trước đó tương đối mỏng manh (vì nguồn tư liệu hình ảnh không đầy đủ), nếu so sánh với các thời kỳ sau đó thì đã bị phai mờ và giảm thiểu đẳng cấp cung điện đã từng có trước đó. Về tính khả thi, với phương pháp luận nghiên cứu tái thiết (sẽ được đề cập trong bài nghiên cứu tiếp theo), kiến thức về kỹ thuật truyền thống và sự hỗ trợ công nghệ hiện nay thì có thể khẳng định rằng dự án tái thiết Điện Cần Chánh là khả thi. Vì vậy, khung thời gian đề xuất phù hợp nhất cho dự án tái thiết ngôi Điện này là thời Khải Định, khoảng thời gian sau khi được tôn tạo vào năm 1923.

Kết luận

Điện Cần Chánh là một tác phẩm kiến trúc đặc sắc, tiêu biểu cho phong cách kiến trúc cung điện Nguyễn ở Huế lưu giữ kỹ thuật xây dựng và bản sắc kiến trúc bản địa kết hợp với tư duy không gian kiến trúc truyền thống Việt Nam. Xét về mặt giá trị, ngôi Điện này bao gồm cả 3 nhóm giá trị đặc trưng của di sản văn hoá là giá trị tình cảm, giá trị văn hóa và giá trị sử dụng.

Thông qua việc kiểm chứng thông tin từ các nguồn tư liệu chính sử và các thư tịch cổ có thể khẳng định rằng sự tồn tại và các giá trị của ngôi điện này là hoàn toàn xác thực. Bên cạnh đó, sự hiện tồn của phế tích nền móng vẫn còn lưu giữ các thành phần nguyên gốc ở vị trí khởi nguyên là những yếu tố cấu thành gốc của di sản, trên cơ sở này cho phép xác định đuợc kích thuớc buớc cột, qui mô mặt bằng kiến trúc và cho phép hiểu đuợc quá trình biến đổi hình thái kiến trúc của ngôi điện này.

TS.KTS. Lê Vĩnh An
Viện Trưởng Viện Kỹ thuật & Công nghệ Việt-Nhật, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng.
ThS. Nguyễn Thị Kim Nhung
Viện Đào tạo và Nghiên cứu Du lịch, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng.
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2023)


Chú thích:
1) Lê Vĩnh An, “Di sản kiến trúc Bắc Triều Tiên trong mối quan hệ địa-văn hóa vùng Đông Á”, Tạp chí Kiến trúc số 01-2018, Hội Kiến trúc sư Việt Nam (https://ift.tt/fyUj25J)
2) Feilden, M. B. Conservation of Historic Buildings, Architectural Press, ISBN 0-7506-5863-0, p.viii
3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ Chính Biên (欽定大南會典事例正編), Công Bộ, tập 13, Quy trình công tác, NXB Thuận Hoá, Huế 2005.

The post Nghiên cứu Tái thiết Điện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/PlmSuoU
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét