Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

Sự khác biệt giữa kiến trúc và điêu khắc

Kiến trúc và điêu khắc là hai ngành nghệ thuật có rất nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên cũng có nhiều sự khác nhau nhất định. Việc nghiên cứu để hiểu rõ cũng như phân biệt được sự khác nhau giữa kiến trúc và điêu khắc là rất cần thiết. Việc này sẽ giúp cho các KTS cũng như các nhà điêu khắc hoàn thành một cách mạch lạc hơn trong những công trình, tác phẩm của mình.

Điêu khắc trong kiến trúc Ấn Độ

Do sự phong phú về vật liệu, chủng loại, phương pháp thể hiện và sử dụng nghệ thuật lập thể rất gần gũi với hiện thực nên khả năng biểu đạt của điêu khắc là rất lớn. Còn kiến trúc, nhất là kiến trúc điêu khắc, tuy khả năng biểu đạt không cụ thể như điêu khắc nhưng cũng đã truyền đạt được không ít những ý tưởng, triết lí sâu sắc đến mọi người. Quá trình lao động, sáng tạo, tìm hiểu thế giới, biểu đạt và giao lưu, đúc rút kinh nghiệm để sáng tác tốt hơn là mục đích của nghệ thuật chân chính.

“Con người cần đến điêu khắc là vì nó có thể tạo ra những hình thể phong phú, kì diệu, thỏa mãn tính hiếu kì và nhu cầu thẩm mĩ của họ”. Các nhà điêu khắc và kiến trúc trong quá trình sáng tác, từ những tư duy của trí tưởng tượng tự do sẽ hình thành ý tưởng, cho đến khi thể hiện ý tưởng đó lên tác phẩm cụ thể, họ đã có được niềm hạnh phúc lớn lao, đó là nhìn thấy tư tưởng, tình cảm của mình đã truyền vào tác phẩm và tìm được những vẻ đẹp mà họ mong muốn.

Cho nên, vẻ đẹp của một tác phẩm điêu khắc hay kiến trúc không đơn thuần là vẻ đẹp bên ngoài của hình dáng, đường nét hay tỉ lệ, mà bao hàm cả vẻ đẹp nội tâm, vẻ đẹp của tư duy và sự khéo léo của đôi bàn tay của những người làm ra nó.

Kiến trúc và điêu khắc, nhất là điêu khắc ngoài trời, có mối quan hệ mật thiết với môi trường thiên nhiên. Chúng ta đã biết đến các yếu tố tự nhiên như địa hình, khí hậu (mưa, nắng, gió…) có thể ảnh hưởng đến độ bền vững, qui mô, hình thức, vật liệu, hướng… của kiến trúc và điêu khắc, ngược lại, sự có mặt của kiến trúc và điêu khắc; ngoài trời cũng tác động đến môi trường thiên nhiên như: Làm thay đổi địa hình, cảnh quan, che chắn, giới hạn không gian, làm lệch hướng gió, phản xạ tia nắng mặt trời… Những yếu tố khác của môi trường thiên nhiên như mặt nước, cây xanh tạo ra những vị trí, địa điểm thuận lợi cho kiến trúc và điêu khắc, sự kết hợp này trên phương diện tạo hình đã tạo thành mối quan hệ giữa tự nhiên và nhân tạo, giữa đặc và rỗng, kín và hở, cao và thấp, hình và nền,…

Bảo tàng Soumaya (Fernando Romero – Mexico City, Mexico, 1994)

Trong điêu khắc cổ điển chưa có khái niệm không gian, quan niệm về khối là khối đặc, “có hình dáng xác định và duy nhất, có thể cân, đo được các đặc tính, hình dạng của nó và tồn tại trong không gian ba chiều”. Nhưng với điêu khắc hiện đại, không gian đã được phát hiện và khai thác để trở thành một yếu tố quan trọng trong tạo hình. Vào năm 1912, Picasso đã sáng tạo ra một tác phẩm làm từ bìa, gai, mảnh kim loại, sợi thép và gỗ có tên: “Cây đàn vĩ cầm và cái chai trên bàn”, đã mở ra một vấn đề lớn trong nghệ thuật điêu khắc trừu tượng, đó là điêu khắc có thể là không gian mà không phải là thể lượng.

Phong cách của Picaso đã được rất nhiều nghệ sĩ hưởng ứng và phát huy. Như nhà điêu khắc Lập thể gốc Nga Anchipenco tạo ra khái niệm “không gian phụ trợ” trong điêu khắc, tức là dùng chỗ lõm để thể hiện chỗ lồi của hình khối, hình khối chiếm hữu không gian, không gian chiếm hữu hình khối. Sau đó, với tác phẩm “Người đàn bà ngồi” rất thành công, ông đã thực sự đưa không gian vào điêu khắc, hình thành một loại điêu khắc được tổ hợp bởi đường nét và không gian mà không phải là tổ hợp của những khối đặc.

Tác phẩm “The Thinker” bởi Rodin
Cây đàn vĩ cầm và cái chai trên bàn

Bocioni, nhà điêu khắc kiêm họa sĩ của Chủ nghĩa Vị lai, chủ trương “đục rỗng tác phẩm, hòa nhập tác phẩm vào môi trường”. Nhà điêu khắc nổi tiếng người Anh là Henry More với nhiều tác phẩm được đục lỗ rỗng và tạo lồi lõm cho rằng không gian và hình khối hoàn toàn nương tựa vào nhau và không thể chia cắt. Các nhà điêu khắc theo Chủ nghĩa Kiến tạo thì xem không gian là một vật liệu của điêu khắc. Họ tạo ra những tác phẩm bằng vật liệu mảnh dạng sợi, quấn với nhau, hòa quyện vào không gian. Các tác phẩm của họ ngày càng trở nên nhẹ nhàng, mỏng mảnh, không gian trở thành chủ diễn. Một số tác phẩm điêu khắc hoành tráng còn có thể để cho người xem bước vào bên trong, thưởng ngoạn từ bên trong, khiến cho điêu khắc mang tính kiến trúc. Còn nhiều trường phái như: Trừu tượng, Siêu thực, Nghệ thuật Môi trường, Nghệ thuật Cực Nhỏ, Nghệ thuật Mặt đất,… cũng tạo ra những tác phẩm với hiệu quả không gian tuyệt vời. Như vậy; khối và không gian đều là yếu tố quan trọng trong tạo hình kiến trúc và điêu khắc.

Trung tâm Heydar Aliyev

Hình khối là hình thức biểu hiện bên ngoài của kiến trúc và điêu khắc. Các KTS và các điêu khắc gia sử dụng tính chất của điểm, đường, mặt và khối lập thể để tạo ra những tổ hợp hình đơn giản hay phức tạp mang những ý nghĩa nhất định. Tính biểu cảm của kiến trúc và điêu khắc như: Lôi cuốn, truyền cảm, duyên dáng, trang trọng, động thái, trữ tình, mạnh mẽ, nhẹ nhàng, gần gũi, xa lạ, tượng trưng, cụ thể… chủ yếu đều do ngôn ngữ hình khối sản sinh ra. Có thể nói điểm, tuyến (đường, nét), diện (mảng, mặt) và khối là những thành phần hình học cơ bản của ngôn ngữ hình khối, nhưng bên cạnh đó còn có sự góp phần của các yếu tố có tác động lớn đến hình khối như ánh sáng, màu sắc, chất liệu…

Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao – Frank Gehrym được tạo hình độc đáo

Kiến trúc và điêu khắc rất khác nhau về công năng

Trong nghệ thuật, công năng có thể chia làm hai loại: Công năng tinh thần và công năng vật chất. Có thể nói bất cứ nghệ thuật nào cũng mang công năng tinh thần, bởi như đã nói ở trên, mục đích của nghệ thuật nói chung và kiến trúc, điêu khắc nói riêng là phản ánh nhận thức về cuộc sống xã hội, biểu đạt, giao lưu, mỹ hóa môi trường, mỹ hóa cuộc sống… đó chính là đời sống tinh thần của nhân loại. Nhưng không phải nghệ thuật nào cũng có công năng vật chất hay còn gọi là công năng thực dụng, tức là có thể sử dụng vào những mục đích thực tế. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa kiến trúc và điêu khắc.

Hoa sen trong điêu khắc
Hoa sen trong tạo hình công trình kiến trúc

Chúng ta biết rằng kiến trúc là nghệ thuật mang cả công năng vật chất và tinh thần vì kiến trúc tạo ra các không gian phục vụ cho các hoạt động của con người. Còn điêu khắc, gần như chỉ mang công năng tinh thần, mặc dù trong điêu khắc hiện đại cũng có khái niệm không gian nhưng không gian trong điêu khắc chủ yếu đóng vai trò tạo hình cho hình khối điêu khắc thêm phong phú, tạo thêm những cảm xúc mới mẻ cho người xem.

Điểm khác nhau này có thể coi là ranh giới phân định giữa kiến trúc và điêu khắc – Khi mà hai nghệ thuật này có rất nhiều điểm tương đồng, thậm chí có những công trình kiến trúc nhỏ mang công năng thực dụng đơn giản nhưng hình thức lại rất sống động khiến chúng ta không biết gọi là kiến trúc hay điêu khắc, ví dụ chiếc cổng, cây cầu, ki ốt, quán, đài quan sát, tháp vọng cảnh… Cũng có một số ít điêu khắc mang những công năng thực dụng đơn giản thường thấy ở những khu vui chơi, giải trí, ví dụ hình các con thú, bức tượng ngoài việc nhìn ngắm thì trẻ em có thể trèo lên hoặc chui qua…

Nhưng cũng cần phân biệt những điêu khắc loại này với các sản phẩm mỹ thuật công nghiệp – Đây là nghệ thuật tạo dáng các sản phẩm, vật dụng phục vụ đời sống, có thể sản xuất hàng loạt. Ví dụ, một chiếc ghế được tạo dáng rất đẹp và lạ mắt trông giống như một tác phẩm điêu khắc nhưng mục đích chính của nó vẫn là để ngồi chứ không phải chỉ để nhìn. Như vậy, công năng thực dụng là điểm khác nhau cơ bản giữa hai môn nghệ thuật hình khối: Kiến trúc và điêu khắc.

Bảo tàng Rose Museum ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Kiến trúc và điêu khắc rất khác nhau về quy mô

Điêu khắc có thể là tổng thể lớn và những chi tiết nhỏ, còn kiến trúc luôn luôn là tổng thể của những chi tiết. Thật vậy, chúng ta có thể thấy những tác phẩm điêu khắc hoành tráng cao hàng chục, thậm chí hàng trăm mét, nhưng cũng có những điêu khắc chỉ nhỏ xíu trong lòng bàn tay. Một tác phẩm điêu khắc hiện đại có thể được tổ hợp bằng nhiều hình khối khác nhau, với nhiều vật liệu khác nhau nhưng cũng có khi nó chỉ là một khối hình đơn giản với một vật liệu duy nhất. Còn một công trình kiến trúc dù nhỏ nhất cũng “cao quá đầu người”, đây là cách nói hình tượng nói lên mối quan hệ tỉ lệ bắt buộc giữa kiến trúc với con người để đảm bảo mục đích sử dụng. Ngoài ra, một công trình kiến trúc bao giờ cũng được tạo nên bởi nhiều bộ phận, chi tiết như cột, tường, mái, cửa… nên cũng thường là tập hợp của nhiều vật liệu khác nhau. Sự khác biệt này thực chất cũng nảy sinh từ yếu tố công năng như đã nói ở trên. Chính công năng thực dụng đã tạo ra những đòi hỏi về qui mô nhất định của kiến trúc, kéo theo những vấn đề về khoa học kĩ thuật trong xây dựng.

Chủ đề và khả năng biểu hiện

Rồng thời Nguyễn, Tử cấm thành Huế

Nhìn vào các tác phẩm điêu khắc và công trình kiến trúc, ta có thể nhận thấy chủ đề và khả năng biểu hiện của điêu khắc đa dạng và cụ thể, còn chủ đề và khả năng biểu hiện của kiến trúc hạn chế và trừu tượng. Các tác phẩm điêu khắc từ xưa đến nay đều có chủ đề thể hiện ở tên của tác phẩm, để làm rõ chủ đề này, điêu khắc có khả năng biểu hiện từ cụ thể hình dáng, trạng thái (vui, buồn, yêu, ghét…), hoạt động (đi, đứng, ngồi…) đến khái quát, tượng trưng những nội dung, ý nghĩa sâu xa của chủ đề đó.

Thông thường, nhiều tác phẩm điêu khắc bao gồm cả hai khả năng này. Ví dụ trong điêu khắc phong kiến Việt Nam, hình tượng con rồng ngoài việc thể hiện hình dáng dũng mãnh, uyển chuyển của một linh vật trong trí tưởng tượng, còn tượng trưng cho sự oai phong, quyền lực của vua, chúa. Hoa cúc, hoa sen được thể hiện vẻ đẹp của mình qua các nét chạm khắc của các nghệ nhân, nhưng vẻ đẹp ấy cũng tượng trưng cho sự cao quí, thanh khiết của đạo phật…

Còn điêu khắc hiện đại, tác phẩm “Mùa Xuân” của Rodin mô tả nụ hôn say đắm của đôi nam nữ nhưng nó cũng tượng trưng cho vẻ đẹp của tuổi thanh xuân và tình yêu… Các điêu khắc mang chủ đề về lịch sử, kỉ niệm càng có nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn, lấy hình tượng cụ thể để biểu đạt chủ đề nội dung tư tưởng.

Tháp Bà Ponagar, Nha Trang – Khánh Hòa, nơi lưu giữ của một nền văn hóa cổ của dân tộc Chăm xư

Về kiến trúc, mặc dù có những công trình kiến trúc điêu khắc nhưng trên thực tế chủ đề cũng như khả năng, mức độ biểu hiện của các công trình đó không đa dạng, cụ thể và rõ ràng như các tác phẩm điêu khắc. Sự hạn chế này cũng chủ yếu do yếu tố công năng thực dụng của kiến trúc mà ra. Mối liên hệ giữa công năng và hình thức của kiến trúc đã tạo nên sự ràng buộc, chi phối lẫn nhau. Cho dù một công trình kiến trúc mang dáng dấp như một tác phẩm điêu khắc nhưng cũng không thể nào che dấu hoàn toàn những yếu tố công năng thực dụng như cửa đi, cửa sổ, bậc tam cấp… Những công trình có công năng phức tạp thì việc tạo được một hình tượng cụ thể lại càng khó. Do vậy, tính biểu hiện kiến trúc thường khái quát, tượng trưng và trừu tượng.

Thay lời kết

Kiến trúc và điêu khắc là hai ngành nghệ thuật rất gần gũi nhau. Trong kiến trúc có điêu khắc, trong điêu khắc có kiến trúc, nhưng cách đặt vấn đề khi thiết kế một công trình kiến trúc hay một tác phẩm điêu khắc lại hoàn toàn khác nhau, nó rất khác nhau về công năng, về quy mô hay về chủ đề và khả năng biểu hiện… Có thể thấy, một công trình kiến trúc có thể trở thành một tác phẩm điêu khắc ở quy mô lớn, nhưng rõ ràng một tác phẩm điêu khắc thì không thể trở thành một công trình kiến trúc.

TS.KTS Nguyễn Việt Huy
ThS.KTS Lê Thị Hồng Vân
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2023)

The post Sự khác biệt giữa kiến trúc và điêu khắc appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/vlJm4d3
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét