Nhà siêu cao tầng hiện đại ngày càng được xây dựng nhiều ở các đô thị. Cùng với sự phát triển cấu trúc kết cấu cường độ cao và vật liệu nhẹ, các tòa nhà siêu cao tầng ngày càng thanh mảnh và có trọng lượng nhẹ hơn. Mặt khác, các tòa nhà siêu cao tầng lại dễ bị “tổn thương” do lực tác động mạnh mẽ của các luồng gió trên cao gây ra. Đó là các dao động rung lắc do sự chuyển vị của phần đỉnh của tòa nhà so với trục dọc, áp lực gió lên bề mặt bao che và hệ thống kết cấu của tòa nhà. Các ảnh hưởng của gió đến các tòa nhà cao tầng là:
- Ảnh hưởng đến môi trường xung quanh: Xuất hiện các luồng gió tốc độ cao và các vùng áp suất thay đổi ở không gian quanh các tòa nhà ảnh hưởng đến hoạt động của người và xe cộ.
- Ảnh hưởng đến bề mặt các tòa nhà: Tác động của áp lực gió lên lớp bề mặt bao phủ của tòa nhà như tường, kính.
- Ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà: Tải trọng gió sẽ ảnh hưởng, tác động lên hệ thống kết cấu của tòa nhà.
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của tải trọng gió lên tòa nhà như tăng cường hệ thống kết cấu, lắp thêm các thiết bị giảm chấn hoặc tối ưu hóa thiết kế hình khối tòa nhà theo các nguyên tắc khí động học. Kiểm soát lực mô men xoắn và rung động do gió tác động vào tòa nhà có thể tiếp cận thông qua 2 cách:
- Tăng cường hệ thống kết cấu của tòa nhà và sử dụng các cấu trúc giảm chấn bên ngoài.
- Thiết kế hình dạng tòa nhà theo nguyên lý khí động học để giảm lực tác động của gió.
Cách tiếp cận thứ nhất phải gia tăng độ cứng của kết cấu chịu lực và lắp đặt thêm các thiết bị giảm chấn để giữ nguyên hình dáng của công trình. Cách tiếp cận thứ hai tiết kiệm những chi phí này bằng cách giảm tải trọng gió tác động vào công trình thông qua áp dụng nguyên lý thiết kế khí động học. Đây là lý do tại sao hầu hết tất cả các tòa nhà siêu cao được xây dựng gần đây đều được thiết kế hình dáng khí động học ở các mức độ khác nhau.
Thiết kế tòa nhà theo nguyên lý khí động học
Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa tác động của tải trọng gió và việc tối ưu hóa khí động học cho nhà cao tầng của Ahmed Elshaer Đại học Western Ontario qua các thử nghiệm: Đường hầm gió lớp ranh giới Boundary Layer Wind Tunnel (BLWT) cùng với công nghệ máy tính phân tích khí động lực học Computational Fluid Dynamics (CFD). Kết quả cho thấy: Các tòa nhà cao thanh mảnh có tỷ lệ giữa chiều cao và chiều rộng lớn thường dễ bị tổn thương do áp lực của gió vào các bề mặt gây ra hư hại lớp vỏ và các chuyển vị quanh trục dọc ảnh hưởng đến hệ thống kết cấu. Đồng thời các mô phỏng sử dụng CFD đã chỉ ra rằng áp lực gió ở phía đón gió của tòa nhà tăng theo chiều cao và thường đạt cực đại ở gần tầng 30 đến tầng 40.
Cải thiện hiệu suất khí động học của một tòa nhà siêu cao tầng có thể đạt được bằng cách tác động vào hình dáng ở mức độ cục bộ và tổng thể. Mức độ cục bộ xử lý chi tiết ở các góc, mức độ tổng thể là thiết kế tối ưu khí động học hình khối tòa nhà.
1. Thiết kế hình dáng khí động học tòa nhà ở mức độ cục bộ
“Mức độ cục bộ” tập trung vào việc thay đổi hình dạng các góc nhà nhằm nâng cao hiệu suất khí động học. Các hình dạng góc khác nhau bao gồm dạng góc cơ bản, góc bo tròn, góc vát, góc khuyết, góc có cánh (vây), góc xẻ rãnh.
Qua phân tích trên Đường hầm gió (BLWT) và công nghệ máy tính phân tích khí động lực học (CFD) cho thấy các góc vát, lõm và bo tròn có hiệu quả trong việc giảm lực gió thổi theo chiều dọc và ngang. Trong khi đó, các góc có cánh (vây) làm gia tăng gió và giảm phản hồi đối với gió thổi ngang, trong khi các góc có rãnh làm giảm tác động ở cả hai phía.
Ngược lại, “Mức độ tổng thể” có tác động đáng kể, ảnh hưởng đến thiết kế kiến trúc và kết cấu vì các biện pháp nhằm giảm thiểu lực tác động của gió ảnh hưởng đến toàn bộ chiều cao và chiều rộng của tòa nhà. Do đó có thể mang lại sự cải thiện tốt hơn cho hiệu suất khí động học so với các biện pháp can thiệp ở mức độ cục bộ.
Về cơ bản, việc lựa chọn chính xác các chi tiết hình dạng bên ngoài của tòa nhà có thể giúp giảm đáng kể lực và chuyển động do gió gây ra. Các hình thức khí động học nói chung làm giảm tác động của các luồng gió dọc cũng như gió ngang gây ra các dao động rung lắc cho tòa nhà, làm gián đoạn dòng xoáy gió – các mô men xoắn tác động lên hệ thống kết cấu và lớp gió bao quanh mặt tiền và gây ra nhiễu loạn nhẹ ở đó.
Một số ví dụ tiêu biểu có thể kể đến là:
a. Tháp IFC Hong Kong:
Tòa tháp IFC Hong Kong nằm ở ngã tư đường độc đáo giữa nước, TP và địa hình núi non, một trong những môi trường gió phức tạp nhất thế giới. Đặc trưng hóa luồng tiếp cận là bước quan trọng đầu tiên trong việc tính toán tải trọng gió cho cấu trúc ấn tượng này. Để đạt được mục tiêu này, các kỹ sư của Cermak Peterka Petersen, Inc. (CPP) và các nhà khoa học đã đo tốc độ gió trên mô hình địa hình tỷ lệ 1:4.000 của Hồng Kông và tìm thấy ba kiểu gió chi phối IFC: Gió đến từ trên mặt nước, gió tiếp cận qua các khu đô thị phát triển cao và gió đến từ phía sau Đỉnh Victoria.
Các kỹ sư CPP đã thiết kế và xây dựng mô hình tháp theo tỷ lệ 1:500 và của tất cả các tòa nhà trong phạm vi 710m. Sử dụng máy phun sương để trực quan hóa các kiểu dòng chảy quan trọng xung quanh tòa nhà, cho thấy tòa tháp IFC sẽ không chỉ chịu tải trọng gió do chuyển động tự nhiên trực tiếp mà còn do hiện tượng xoáy tự tạo ra, một hiện tượng phức tạp có thể khiến tòa nhà rung chuyển dữ dội nếu không được xử lý đúng vị trí và khắc phục. Qua các thông tin được cung cấp, các nhà thiết kế đã có những điều chỉnh hình khối của tòa nhà ở các vị trí xung yếu với cấu trúc mặt bằng có các góc giật răng cưa không đều.
b. Tháp Đài Bắc 101:
Một số giải pháp xử lý về hình dạng tòa nhà như xẻ rãnh, vát mép, các góc tròn và các góc cắt trên tòa nhà hình chữ nhật, có thể có những tác động đáng kể đối với lực tác động của các luồng gió thổi dọc và ngang như trong các tòa nhà Đài Bắc 101. Sửa đổi góc ở tòa nhà Đài Bắc 101 giúp giảm 25% lực tác động khi so sánh với tiết diện hình vuông ban đầu. Với giải pháp xử lý vát góc với tỷ lệ 10% chiều rộng tòa nhà, có thể giảm đến 40% và 30% lực tác động của luồng gió dọc và gió ngang khi so sánh với hình dạng mặt cắt ngang hình chữ nhật không có góc vết cắt.
Kết quả phân tích qua công nghệ phân tích khí động lực học CFD và ANN (Artificial Neural Network) cho thấy rằng giải pháp tối ưu thiết kế hình dạng tòa nhà bằng cách vặn xoắn và loại bỏ các góc thẳng đứng có thể làm giảm khoảng 45% mômen lực cơ sở của gió theo chiều đứng so với hình dạng tòa nhà vuông vắn.
c. Tháp ICC Hong Kong:
Tháp ICC nằm ở vị trí đón gió, bão rất mạnh từ biển đông thổi vào, do đó thiết kế tòa nhà phải có đủ độ bền để chịu được áp lực gió gây ra, hạn chế dao động rung lắc để đảm bảo sự thoải mái cho người sử dụng và đặc biệt là tối ưu hóa giá thành xây dựng. Các nhà khoa học đã mô hình hóa chính xác hai khía cạnh chính của vị trí tháp ICC, đó là tác động của gió bão và các đặc điểm của địa hình khu vực.
Để cung cấp mô hình thực sự chính xác về đặc điểm gió tại khu vực dự án ICC, một mô hình tỷ lệ 1:3000, bao gồm tất cả các đặc điểm địa hình chính trong bán kính 7,3km từ trung tâm khu vực dự án đã được xây dựng. Các thử nghiệm đã xác định ảnh hưởng của địa hình xung quanh đối với tốc độ và cường độ nhiễu loạn của gió khi chúng tiếp cận tòa nhà từ các hướng khác nhau. Các dữ liệu thử nghiệm trong đường hầm gió đã cung cấp cho các kỹ sư thông tin chính xác về hoạt động của tòa nhà trong điều kiện gió lớn. Thông tin này cho phép các nhóm thiết kế đề xuất hình khối của tòa nhà với dáng thuôn nhỏ dần theo chiều cao và mặt bằng được xử lý giật cấp hình khuyết góc, đạt được sự cân bằng tối ưu giữa một mặt là sự an toàn và thoải mái của cấu trúc và mặt khác là sử dụng vật liệu một cách tiết kiệm.
d. Tòa tháp Ping An Thâm Quyến:
Các kỹ thuật cải thiện hiệu suất gió hiệu quả, đồng thời ít ảnh hưởng đến tính đến diện tích sử dụng của không gian bên trong. Thử nghiệm đường hầm gió sơ bộ được thực hiện với các dạng hình học đơn giản của mặt bằng như hình vuông, chữ nhật, hình tròn và hình tam giác cùng với các đề xuất xử lý góc khác nhau của mỗi hình dạng đã cho thấy một mặt bằng hình vuông được xử lý giật cấp thu hẹp dần ở các góc có được hiệu quả như với mặt bằng hình tròn. Hình khối được xác định là dạng khối có phần đỉnh tháp thuôn nhỏ, phần đế hơi xòe tạo sự vững chắc.
Đáng chú ý là mặt tiền của tòa tháp có góc hơi nghiêng liên tục, đã tỏ ra rất hiệu quả trong việc giảm tải trọng gió lên kết cấu, đặc biệt là lực gió tác động. Cấu hình của tháp còn được cải thiện hiệu suất khí động học tốt hơn nhờ cấu trúc các thanh sọc đứng chạy lên đỉnh tháp, nơi có tải trọng gió lớn nhất. Với thiết kế tổng thể đó, hiệu quả khí động học của tòa tháp đạt được mức giảm 32% các mô men gió giật và giảm 35% tải trọng gió.
e. Trung tâm Thương mại Một thế giới (One WTC):
Tòa tháp có mặt bằng được chuyển biến xoay dần từ hình vuông ở khối đế thành hình bát giác ở các tầng ở giữa tòa nhà và lại tiếp tục xoay chuyển một lần nữa thành mặt bằng hình vuông ở trên đỉnh tòa tháp. Mặt bằng tầng trên cũng là hình vuông nhưng được thu nhỏ và xoay một góc 45 độ, nội tiếp với hình vuông ở các tầng khối đế. Ngoài các hiệu ứng đặc biệt của thiết kế hình khối tòa nhà, khối nhà có dạng lăng trụ tạo thành từ tám hình tam giác ở bề mặt, với các góc vát ở mặt bằng các tầng là kết quả của việc tối ưu hóa về mặt thiết kế khí động học. Thiết kế này giúp tòa nhà giảm bớt áp lực của gió lên bề mặt và kết cấu chịu lực. Hình khối dạng thuôn nhọn và khí động học cũng làm giảm tác động của gió một cách hiệu quả cũng như lượng thép kết cấu cần thiết để xây dựng tòa tháp.
2. Thiết kế hình dáng khí động học tòa nhà ở mức độ tổng thể
Giải pháp khí động học ở mức độ tổng thể bằng cách sử dụng thiết kế dạng hình nón, giật cấp nhỏ dần, xoắn ốc và đưa các khoang mở vào một tòa nhà cao tầng được coi là phương pháp hiệu quả trong việc giảm mô men lực cơ sở trong cả hai hướng trực giao do làm suy yếu sự phát triển của dòng xoáy không khí. (Hình 4)
a. Thiết kế dạng hình nón và giật cấp, thu hẹp nhỏ dần
Các nghiên cứu tại đại học tổng hợp Tampere và Middle East Technical đã chỉ ra rằng: Các tòa nhà siêu cao tầng có tiết diện nhỏ dần theo chiều cao, có thể lan rộng dòng xoáy trên một dải tần số rộng hơn, do đó làm giảm tác động của gió ngang.
Hình dưới đây mô tả dòng chảy của luồng không khí xung quanh tòa nhà hình nón trong các mặt phẳng thẳng đứng và nằm ngang (ở độ cao 2/3 tòa nhà) thu được từ phân tích CFD . Các mô hình tòa nhà có hình dạng thuôn nhỏ dần và giật cấp nhỏ dần làm giảm lực cản, triệt tiêu áp lực gió ngang và làm giảm gia tốc các dòng khí chuyển động xuống chân tháp do đặc điểm hình học của chúng.
Các tòa nhà tháp John Hancock Chicago, Tháp Chase Chicago và Kim tự tháp Transamerica San Francisco (Hình 6) là ví dụ về việc thiết kế khí động hóa tòa nhà với hiệu ứng “giật cấp nhỏ dần” bằng cách tạo các tiết diện nhỏ dần của khối nhà dọc theo chiều cao và do đó giảm thiểu tải trọng gió và giảm gia tốc các luồng gió thổi từ trên cao xuống mặt đất ở bề mặt tòa nhà.
b. Thiết kế tòa nhà dạng khối xoắn
Các tòa nhà siêu cao tầng thiết kế dạng xoắn được coi là một phương pháp hiệu quả để giảm lực gió ngang vì lực gió sẽ thay đổi theo hướng dọc theo chiều cao của tòa nhà và do vậy cũng sẽ làm giảm phản ứng gió ngang. Thiết kế tòa nhà chọc trời với cấu trúc xoắn giúp tòa nhà trở nên khí động học và tiết kiệm năng lượng hơn. Trái ngược với một tòa nhà hình chữ nhật có kích thước tương tự, thiết kế xoắn giúp giảm 24% tải trọng gió.
Các nghiên cứu về khảo sát đặc điểm khí động học của tòa nhà có cấu trúc xoắn của ĐH Kỹ thuật Trung Đông cho thấy: Các tòa nhà có cấu trúc xoắn đạt hiệu quả khí động học tốt hơn, giảm tải trọng gió cả hướng gió dọc và ngang, do đó giảm lực cắt lên cấu trúc và giảm chuyển vị vượt trội so với nhà tháp thông thường. Tuy nhiên lực xoắn lại tăng lên do tải trọng gió. Do đó, cả lợi thế và nhược điểm của hình thức xoắn nên được xem xét.
Hình thức xoắn ốc của các tòa tháp Absolute Towers (Hình 10a) được củng cố bằng một giải pháp kết cấu đơn giản và rẻ tiền một cách đáng ngạc nhiên. Hai tòa tháp chung cư được hỗ trợ bởi một mạng lưới các vách tường bê tông chịu lực vuông góc với mặt nhà. Với thiết kế khí động học, hình dáng linh hoạt của các tòa tháp đã làm giảm thiểu tải trọng gió một cách hiệu quả và đảm bảo cảm giác thoải mái cho người sử dụng ở các không gian lô gia tiếp xúc với mặt ngoài nhà.
Tháp Turning Torso ở TP Malmo của Thụy Điển, được thiết kế bởi KTS và KS người Tây Ban Nha Santiago Calatrava. Nó được coi là tòa nhà cao tầng xoắn đầu tiên và đã truyền cảm hứng cho các tòa nhà xoắn khác trên khắp thế giới. Nhờ thiết kế khí động học đặc biệt, với chiều cao 190m, độ chuyển vị của đỉnh tòa tháp được khống chế dưới 30cm.
Cayan Tower, tòa nhà chọc trời hình xoắn đánh dấu đường chân trời của Dubai. Mặc dù các tấm sàn của tòa nhà đều giống hệt nhau, nhưng mỗi tấm đều hơi xoay so với các tầng bên dưới, tạo ra một vòng xoắn hoàn toàn 90 độ trong quá trình nâng cao 307m của tòa tháp. Cấu trúc hình khối độc đáo này là một điểm nhấn ấn tượng về mặt tạo hình, ngoài ra còn làm giảm đáng kể tải trọng gió và bức xạ mặt trời lên bề mặt tòa nhà so với một tòa nhà thẳng đứng có cùng chiều cao. Trên thực tế, các cuộc kiểm tra đường hầm gió đã cho thấy hình dạng xoắn của tòa tháp sẽ phân tán luồng gió xung quanh nó, làm giảm sự lắc lư của nó trong các cơn bão sa mạc.
c. Thiết kế tòa nhà mở thông mặt tiền
Bổ sung các khoang mở hoàn toàn thông qua tòa nhà, đặc biệt là gần phía trên, là một cách rất hữu ích khác để cải thiện cấu trúc khí động học. Nhờ cho phép dòng không khí chảy qua cấu trúc, có thể làm giảm tác động của dòng xoáy các lực gây ra chuyển động của gió ngang, cũng như giảm lực cản và áp suất âm cực đại trên các mặt khuất gió.
Tòa nhà Thế giới Tài chính Thượng Hải, Trung tâm Vương quốc ở Riyadh, Tòa nhà Trung tâm Tô Châu… là những công trình được thiết kế bằng cách khai thác đặc tính khí động học của các ô cửa lớn mở thông xuyên qua tòa nhà để làm giảm áp lực và các dòng gió xoáy.
Một cách hiệu quả khác để làm xáo trộn cường độ của dòng xoáy là thiết kế các tầng mở thông gió trên mặt nhà, điều đó cho phép luồng không khí đi xuyên qua các khoảng trống, làm suy yếu sự phát triển của dòng xoáy, làm giảm các lực và tác động của luồng gió ngang. Ngoài ra, các tầng mở thông ở mặt tiền cũng sẽ giảm lực cản do giảm diện tích bề mặt của tòa nhà.
Một số nghiên cứu đã giới thiệu một cách tiếp cận thực tế hơn để thực hiện mở thông tòa nhà thông qua việc loại bỏ các tấm tường bao che mặt tiền ở một số tầng trong tòa nhà. Các ví dụ đáng chú ý bao gồm Park Ave ở New York, West 57th St ở New York và Tháp St Regis ở Chicago. Vị trí được mở thông là các tầng có chức năng dịch vụ và có thể thực hiện trong quá trình thiết kế thông qua các thực nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Các nghiên cứu tại ĐH Rmit và Melbourne được thực hiện qua mô hình tòa nhà với 18 vị trí cấu hình tầng mở thông trên mặt tiền so với tòa nhà khi được giữ nguyên khối. Phân tích trường tác động của gió đã chứng minh là các tầng mở thông có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất khí động học. Tòa nhà có số lượng tầng mở lớn hơn đạt được hiệu suất tốt hơn. Sau đây kết luận được rút ra dựa trên những phát hiện của nghiên cứu:
- Việc khai thác một tầng mở duy nhất tại một vị trí tối ưu đạt được hiệu suất lớn nhất so với những lần mở thêm các tầng khác sau đó. Tùy chọn này được khuyến nghị trong các trường hợp việc mở nhiều tầng có thể ảnh hưởng đến công năng tòa nhà. Vị trí có hiệu quả nhất là ở mức 70% chiều cao tòa nhà, đạt được mức giảm 44% tốc độ gió cộng hưởng;
- Đối với trường hợp mở mặt tiền ở nhiều tầng, với số lượng là 7 vị trí có thể giảm đến 76% gia tốc cộng hưởng;
- Việc mở mặt tiền đạt được sự giảm thiểu gia tốc gió theo chiều ngang và làm gián đoạn các dòng xoáy dọc theo chiều cao tòa nhà.
Kết luận
Thiết kế hình khối tòa nhà áp dụng các nguyên tắc khí động học ở mức độ cục bộ (xử lý các góc) và ở mức độ tổng thể (can thiệp vào thiết kế hình khối) có thể làm thay đổi tích cực trong việc kiểm soát áp lực gió vào bề mặt và cấu trúc tòa nhà, qua đó có thể nhận thấy:
- Tối ưu hóa chi phí xây dựng, chi phí gia cường hệ kết cấu, chi phí lắp đặt các hệ thống giảm chấn ở bề mặt tòa nhà;
- Làm giảm dao động, chuyển vị của phần đỉnh tòa nhà, do đó tạo ra được môi trường an toàn, dễ chịu cho người sử dụng. Nhờ đó cũng giữ cho cấu trúc kết cấu cuả tòa nhà được ổn định, bền vững hơn;
- Làm giảm gia tốc các luồng gió từ trên cao chuyển động xuống phần đế tòa nhà và giảm bớt sự chênh lệch áp suất ở các vùng xung quanh tòa nhà.
- Việc sử dụng hình dáng khí động học dạng xoắn cho tòa nhà là một cách hiệu quả để giảm ứng suất gió trên cấu trúc. Tuy nhiên theo độ xoắn và chiều cao tăng dần, độ cứng của tòa nhà lại giảm dần.
KTS Nguyễn Như Hoàng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2023)
Tài liệu tham khảo:
1/ Ahmed Elshaer, Aerodynamic Optimization and Wind Load Evaluation Framework for Building, Researchgate, 2017.
2/ H. Emre Ilgin, Mehmet Halis Gunel ,The role of aerodynamic modifications in the form of tall buildings against wind excitation, Researchgate, 2007.
3/ Ubani Obinna, aerodynamics-of-high-rise-buildings, Structville, 2020.
4/ Hideyuki Tanaka, Yukio Tamura, Kazuo Ohtake,Masayoshi Nakai,YongChul Kim, Eswara Kumar Bandi, aerodynamic and flow characteristics of tall buildings with various unconventional configurations, Ctbuh Journal, 2013.
5/ H.Emre Ilgin, A Study on tall buildings and aerodynamic modifications against wind excitation, Researchportal, 2006.
6/ Lucy Marsland, Khánh Nguyên, Yichi Zhang, Improving aerodynamic performance of tall buildings using facade openings at service floors, Researchgate, 2022.
7/ Jerzy Szolomicki, Hanna Golasz-Szolomicka, Technological Advances and Trends in Modern High-Rise Buildings, Researchgate, 2019.
8/ Jerzy Pawel Szolomicki, Technological Advances and Trends in Modern High Rise Buildings, Researchgate, 2022.
9/ H. Emre Ilgin, Mehmet Halis Gunel, Contemporary trend in supertall building form aerodynamic design considerations, Researchgate, 2021.
10/ David Malott, Kohn Pedersen Fox Associates,designing chinas tallest DNA of the ping an finance center, Researchgate, 2014.
11/ Amani Marmar, Sally Zouia, Sahar Ismail, Ahmad Hallik, Twisted buildings: Concepts and Approaches, Digitalcommons, 2021.
12/ Sinan Bilgen, Investigation of aerodynamic and structural features of twisting tall buildings, etd, 2019.
13/ Philip Nikandrov, Upward Spiral: The Story of the Evolution Tower, CTBUH Journal, 2016
14/ Bas Lagendijk, Anthony Pignetti, Sergio Vacilotto, Case Study: Absolute World Towers, Mississauga, CTBUH Journal, 2012.
The post Thiết kế hình khối nhà siêu cao tầng theo nguyên lý khí động học appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/tvm8yVp
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét