Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

Trang trí mùa xuân thời Nguyễn ở Kinh thành Huế

Những đồ án trang trí trên vật dụng hay trong không gian ở của kiến trúc thời Nguyễn mang đậm nét của con người và lịch sử thời bấy giờ. Những hình tượng, cấu trúc, hình khối trong thiết kế và trang trí vừa mang triết lý phương Đông, vừa mang hơi thở phương Tây, lại được các nghệ nhân bản địa thực hiện nên luôn tạo cho không gian của các tác phẩm- đồ án sự nghiên trang pha lẫn tươi mát, nét cổ kính mà vẫn hiện đại. Đến với Huế ai cũng có cảm giác thời gian như chậm lại, mọi ồn ào lắng xuống, nhâm nhi tách trà ấm, nhìn ngắm chuyện ngày xưa…

Kiến trúc thời Nguyễn với các đồ án trang trí vẫn ung dung với thời gian

1. Nói về mùa xuân ở Huế là phải nói về hoa mai, Đại sư Mãn Giác (1052-1096) có câu:

“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình thiên tạc dạ nhất chi mai”

Lễ hội hoa mai ở Huế (Nguồn từ vov.vn)

Mai – loài hoa tượng trưng cho sự thanh khiết, dịu dàng và tao nhã. Loài hoa mang sức sống mãnh liệt, trường tồn, luôn luôn vượt qua giá lạnh mùa đông để đón xuân về. Văn hóa phương Đông cũng xem hoa mai là biểu tượng cho sự cao thượng, hiển vinh. Triết lý Nho gia còn xem hoa mai là tấm gương về sự hòa hợp giữa chữ Nhân và Dũng.

Ngày xuân ở Huế, trước cổng Kinh thành luôn rực rỡ sắc màu của hoa Tết: sắc màu của hoa, sắc màu của các câu đối Tết, tranh dân gian và cả trên trang phục của người dân đi trảy hội… Nhà nhà ít nhất cũng có lọ hoa đặt trên bàn thờ, có chậu hoa trang trí đặt trước cửa nhà. Cả không gian êm ả của vùng đất này chợt bừng lên rực rỡ, ồn ã tiếng cười trẻ thơ và tiếng của những lời chúc lành. Mùa xuân thay đổi nơi đây như thế đó.

Trong bối cảnh văn hóa đặc trưng ấy, các loài hoa đã trở thành biểu tượng quen thuộc trong các đề tài tả cảnh xuân trong trang trí kiến trúc từ kiến trúc cổ đến kiến trúc đương đại. Đặc biệt, trong giai đoạn kiến trúc thời nhà Nguyễn, các hình tượng trên được sử dụng đa dạng hơn về thủ pháp và chất liệu như được vẽ trên tranh, chạm khắc trên đồ đồng, đồ gỗ hay ô hộc khảm sành sứ… trong các kiến trúc và vật dụng sinh hoạt hàng ngày.

Hoa mai cách điệu trên bố cục đường chéo trên trang trí lăng Thánh Cung

Ở trang trí mĩ thuật Huế, hoa mai đứng đầu trong bộ tứ thời “Mai – Liên – Cúc – Trúc” hoặc trong bộ tứ hữu “Mai – Lan – Cúc – Trúc”. Trong đó, hoa mai được gắn liền với các đồ án “Mai – Thọ”, “Mai – Hạc”, “Mai – Điểu”, “Mai – Thạch”… Hoa mai luôn đại diện cho mùa xuân. Một số đồ án hoa đào cũng thể hiện đề tài này nhưng thực tế hoa đào không phổ biến như hoa mai, cho thấy người nghệ nhân thời bấy giờ vẫn chuyển tải các ý niệm của phương Đông nói chung để tả cảnh xuân, nhưng đã tiết chế hơn, ưu ái hơn cho hoa bản địa.

Ở nội thất Lăng Khải Định, hoa mai trong bức “Mai – Điểu”, “Mai – Thạch” thể hiện rất tỉ mỉ, rõ nét. Để diễn tả “Mai”, người nghệ nhân lựa chọn những mảnh sứ trắng, cắt thành năm cánh tròn đều nhau rồi ghép thành từng cụm dày – thưa theo bố cục được phác sẵn. Năm cánh hoa mai là hình ảnh của năm vị thần may mắn, của ngũ phúc. Ngay cả nhụy hoa màu vàng được cắt cẩn thận bằng thủy tinh trong suốt, lấp lánh tạo điểm nhấn cho mỗi bông hoa, nụ hoa cũng được diễn tả tỉ mỉ bên những thân cây trụi lá và gân guốc. Thân cây lại được đặt bên những khối đá lớn được ghép bằng những mảnh gốm to khiến cho bố cục vững chãi gợi ra hình ảnh cây mai đã tồn tại khá lâu với thời gian. Đi bên cạnh cây mai là những chú chim đang đậu, hay đang hót trên cành khiến cho cánh hoa thêm rung rinh trong nắng sớm cũng như cả mùa xuân đang bừng dậy.

2. Bên cạnh các chủ đề về hoa, hình tượng con “Rồng” (Long) và “Cá” (Ngư) cũng được sử dụng rộng rãi trong các đề tài trang trí chủ đề mùa xuân.

Trong bức trang trí “Ngư long hí thủy” (nghĩa là cá và rồng giỡn vui dưới nước), “Rồng” cuộn mình rồi ngẩng cao đầu làm trọng tâm cho bố cục và như đang phun ra nước trêu đùa cùng “Cá”. “Rồng” và “Cá” đùa giỡn mang lại nhiều ý nghĩa tốt đẹp của mùa Xuân, mang điềm lành, sự may mắn thịnh vượng cho mọi người. Trong chữ Nho, “Cá” đọc là “ngư” đồng âm chữ “dư” là dư thừa. Cho nên, “Cá” được xem như biểu tượng của sự dư thừa, sung túc, giàu có.

“Cá” trong trang trí mỹ thuật thời Nguyễn được thể hiện trên ở nhiều vị trí như giữa hai mái của kiểu nhà “trùng thiềm điệp ốc” hoặc ở đầu hồi đều mang ý nghĩa về sự no đủ, bình yên. Do gắn với nước nên nghệ nhân đặt hình tượng cá bên cạnh rồng đang phun nước làm mưa cùng với cá để thuận lợi cho mùa màng bội thu là hình ảnh quen thuộc, ước mong của cư dân nông nghiệp.

Hình tượng “Dơi” (Phúc) đồng âm với chữ “Phúc” nghĩa là may mắn cũng được sử dụng khá nhiều trong trang trí chủ đề mùa xuân. Các chủ đề tiêu biểu như “ngũ phúc” (Phúc – Lộc – Thọ – Khang – Ninh), hoa quả hóa “Phúc”, cây cối hóa “Phúc”.

Bát bửu với các loài hoa được thể hiện sống động ở lăng Khải Định

3. Trong các đề tài trang trí mùa xuân cũng không thể không nhắc đến các bộ đề tài bát bửu. Mỗi bộ bát bửu đều mang những triết lý sâu sắc mà ở đó luôn có dấu ấn về mùa xuân, có thể thấy:

  • Bát bửu của Phật giáo có hình tượng lá đề, cờ, nậm hình quả bầu.
  • Bát bửu của Nho giáo có hình tượng đồng tiền, đàn, sáo, sách.
  • Bát bửu của Lão giáo có hình tượng bầu rượu, ống bút.

Các đề tài trên đều chứa đựng ước vọng, hoài bão tốt đẹp. Thông thường, ngày tốt đầu tiên của năm mới được chọn là ngày khai bút đầu năm với mong muốn năm ấy con đường công danh, quan lộ được hanh thông, thuận lợi. Trong cách trang trí của nghệ nhân Huế, cây bút luôn đi cả bộ gồm hai cây trang trí cùng với dải lụa hoặc cắm vào bình đặt cạnh cuốn sách, hoặc ở một vài vị trí khác, cây bút được đặt cạnh cùng với thanh gươm tượng trưng cho sự nghiệp vinh quang của cả văn và võ.

Nếu không nhắc đến “Quả” trong các đề tài trang trí xuân thì sẽ là một thiếu sót rất lớn. Tết đến trong nhà, ai ai cũng sắp đặt một mâm ngũ quả thờ cúng gia tiên, mong ước những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình trong năm mới. Đồng thời, trong các bức tranh liễn, ô hộc trang trí cũng được sử dụng khá nhiều các chủ đề về quả (thông thường ở các vị trí phụ trợ). Các loại quả được dùng thường là quả phật thủ, quả lựu, quả bầu, quả na, chùm nho mang ý nghĩa sinh sôi, nảy lộc.

Điện Biểu Đức – lăng Thiệu Trị với rất nhiều đề tài tươi mới
Các ô hộc ngoại thất cung Diên Thọ được trang trí đa dạng về đề tài và chất liệu

4. Nhà Nguyễn với đặc trưng là một vương triều theo Nho giáo, do đó, các đề tài chữ Nho cũng xuất hiện khá phong phú trên các trang trí nội thất. Các chữ được sử dụng khá nhiều như chữ “Thọ”, chữ “Hỷ”, chữ “Phúc” mang ý nghĩa về sự chúc tụng, tốt lành. Các kiểu chữ được tả chân hay cách điệu đều được tính toán trong bố cục mang sự tươi mát, hiển vinh rất phù hợp cho cảm xúc tươi sáng của mùa Xuân. Trong quan niệm người xưa, mỗi chữ đều tự mang trong nó một điều tốt lành nên tục tặng chữ, viết chữ vào mỗi dịp xuân về để đón được nhiều niềm vui, sự lành. Việc chúc tụng chữ vẫn được duy trì và được yêu thích đến nay.

Triều Nguyễn trị vì đất nước 143 năm qua 13 đời vua, đây là thời kỳ đất nước trải qua rất nhiều biến đổi về mọi mặt. Sự hội nhập về chính trị, văn hoá thời kì này làm cho nhiều đề tài cung đình quyện lẫn dân gian hiện thực được thể hiện tự do và giàu cảm xúc hơn hẳn trước đây. Thể hiện rõ nét nhất trong đó là mỹ thuật trang trí trên cả kiến trúc lẫn vật dụng. Những đồ án trang trí được thực hiện với mật độ dày đặc và đa dạng dưới nhiều hình thức vật liệu khác nhau.

Những đề tài, kiểu thức mang triết lý phương Đông là rất nhiều và rõ nét chứa đựng tính biểu trưng tâm linh như các bộ tứ quý, bát bửu, bát quả. Cách thể hiện con vật, cây cỏ, hoa lá gần gũi trong đời sống và một số đồ dùng mang tính thời đại mới, các ô hộc lớn diễn tả cây lá, hoa quả, chim thú một cách mềm mại và tinh nhã đến mức như cảm nhận và liên tưởng đến gió thổi, cây nghiêng, mưa rơi, liễu rủ, hoa nở trong sương.

Mỹ thuật trang trí trên kiến trúc và vật dụng thời Nguyễn ngoài việc nhấn mạnh hơn về tính tâm linh, tính tiện ích, biểu tượng tinh thần của con người thời kỳ này còn mang rõ nét của văn hoá, mỹ thuật và triết lý của con người trong đời sống của xã hội phong kiến thời Nguyễn. Chỉ riêng với các đặc điểm này đã làm cho mỗi hình tượng ấy mang văn hóa dân tộc quý giá; mà còn cho thấy theo thời gian, các nét riêng biệt này càng đậm đà, hấp dẫn và cần thiết phổ biến rộng rãi hơn trong đời sống văn hoá hiện đại. Nếu thực hiện được điều đó sẽ góp phần chứng minh nền mĩ thuật nước nhà được bảo tồn, kế thừa và phát triển.

Tô Hải
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2023)


Tài liệu tham khảo:
1. Trần Lâm Biền (1979), “Huế, Mỹ thuật Nguyễn, những cái riêng”, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật số 3, tr. 36 – 50
2. Cadiere (1998), “Mỹ thuật Huế”, Tập san Những người bạn Cố đô Huế, tập 6, 1919, Nxb Thuận Hóa, Huế. Người dịch: Hà xuân Liêm, Phan Xuân Sanh
3. Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng, Nxb Thuận Hóa, Huế
4. https://ift.tt/9HvLNiV
5. https://ift.tt/0xKhIMa

The post Trang trí mùa xuân thời Nguyễn ở Kinh thành Huế appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/P0XZY4I
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét