Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, những công trình – dự án kiến trúc góp phần tạo nên hình ảnh kiến trúc đô thị, diện mạo của đất nước, là sản phẩm phản ánh mạnh mẽ hoạt động hành nghề của các KTS… Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội KTS Việt Nam (27/4/1948 – 27/4/2023), Tạp chí Kiến trúc đã có cuộc trao đổi và ghi nhận một số ý kiến của KTS đang hoạt động tại các vị trí khác nhau nhằm có thêm góc nhìn đa chiều về môi trường hành nghề kiến trúc tại Việt Nam, góp phần khẳng định vai trò và sự đóng góp của Kiến trúc trong các lĩnh vực. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
“KTS Việt Nam nên tích cực hơn trong các hoạt động có tính kết nối xã hội”
Hội KTS Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc kết nối, định hướng và tham gia các hoạt động chuyên môn về thẩm định, chính sách chung liên quan đến môi trường hành nghề.
Hội KTS Việt Nam, một tổ chức nghề nghiệp có tính thực hành và tương tác xã hội lớn cần khẳng định rõ vai trò chủ trì, là cầu nối phát triển đa dạng các hoạt động chuyên môn gắn liền với thực tiễn công việc của các KTS đang hành nghề. Đặc biệt, Hội cần luôn đồng hành cùng các KTS để có tiếng nói chuyên môn đúng, kịp thời và bảo đảm môi trường tư vấn thiết kế được chuyên nghiệp và minh bạch.
Tôi đã có nhiều dịp tham gia các hoạt động của Hội KTS Việt Nam thông qua các giải thưởng, hội thảo, chương trình thiết kế các không gian cộng đồng, pavilion,… Tuy nhiên, tôi đặc biệt quan tâm đến các hoạt động có tính kết nối xã hội. Hiện tại, vai trò của KTS nói riêng và Hội KTS Việt Nam nói chung còn hạn chế và chưa thu hút được sự chú ý của công chúng. Vì vậy, các hoạt động hướng tới cộng đồng xã hội sẽ là cánh cửa để vai trò của tổ chức nghề nghiệp cũng như của các KTS hành nghề được nhìn nhận, đánh giá đúng, được hiểu và tôn trọng hơn. Tôi kỳ vọng vào sự kết nối của Hội với giới làm nghề (cả về chất và lượng) cũng như tính thực tiễn lớn hơn trong các hoạt động.
Không thể phủ nhận vai trò của KTS trong việc thúc đẩy và tác động đến kinh tế – xã hội, sự phát triển và hoàn thiện của văn hóa. Còn sự sáng tạo tôi nghĩ nên là mặc định, vì đây là yếu tố dễ nhận thấy và được xã hội đón nhận một cách tự nhiên và vô thức. Tuy nhiên, sáng tạo nên dựa trên nền nhận thức và phát triển về thẩm mỹ tốt và đúng đắn, khác với việc tạo ra những biến tướng dị dạng để tạo sự chú ý.
KTS vẫn cần phải tự nâng cao khả năng, cả về nhận thức, thẩm mỹ cũng như kiến thức về các vấn đề xã hội. Theo tôi, trình độ của các KTS Việt Nam theo mặt bằng chung đang phát triển mạnh nhưng vẫn chưa thực sự tốt, thiếu nhất là sự chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc thay đổi, nâng cao trình độ của KTS sẽ tạo ra sự tác động đủ tích cực với xã hội và vai trò của KTS mới có tầm quan trọng đáng kể.
“Vai trò tư vấn, phản biện của Hội KTS Việt Nam cần được ưu tiên hàng đầu trong các dự án đầu tư xây dựng tại địa phương.”
Trong quá trình công tác, tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều cơ quan đoàn thể, các Liên hiệp, Hiệp hội nghề nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam thông qua các hội nghị, hội thảo, chuyên đề, hoạt động kết nối xúc tiến đầu tư, tư vấn và phản biện xã hội. Đối với việc triển khai một dự án đầu tư xây dựng tại địa phương, khi báo cáo đề xuất đầu tư/báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước Hội đồng thẩm định sẽ có sự tham gia đóng góp ý kiến, phản biện từ các chuyên gia tại các lĩnh vực, nhất là từ Hiệp hội nghề nghiệp. Khi đó, tôi cho rằng vai trò của Hội KTS Việt Nam là rất cần thiết, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng tại địa phương có yêu cầu tiêu chí thiết kế cao. Những góp ý, đánh giá, tư vấn từ các chuyên gia thuộc Hội sẽ giúp đảm bảo chất lượng đồ án Quy hoạch – Kiến trúc mà chủ đầu tư đang kỳ vọng. Thông qua đó, ngoài tính thực tiễn và hiệu quả kinh tế trong đầu tư, dự án cũng sẽ đóng góp được nhiều hơn cho phát triển cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa xã hội, thẩm mĩ đô thị tại địa phương. Đây là nguồn động năng không nhỏ đóng góp cho công cuộc kiến thiết đất nước trong các chương trình phát triển đô thị, phát triển kinh tế – xã hội hiện nay mà các KTS nói riêng và Hội KTS Việt Nam nói chung đang gánh vác.
Tuy chưa phải là hội viên của Hội KTS Việt Nam nhưng tôi vẫn thường quan tâm tham gia các chương trình phát triển chuyên môn do Hội tổ chức và đặc biệt ấn tượng khi có dịp tham dự cùng đoàn đại biểu Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ Môi trường Xây dựng Quốc tế – IBEW 2022 tại Singapore. Đây là sự kiện thường niên, quy tụ các cá nhân, tổ chức trong toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương quan tâm đến môi trường xây dựng, học hỏi và tìm kiếm những giải pháp có thể ứng dụng thực tiễn tại các quốc gia. Ngoài các phiên hội nghị của IBEW chia sẻ về “lý thuyết”, Hội KTS Việt Nam và Tạp chí Kiến trúc đã kết nối để tổ chức các hoạt động thực tiễn bổ ích như tham quan các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, đồng thời mở ra cơ hội trao đổi và thảo luận trực tiếp với các KTS nổi tiếng. Sau chương trình, tôi đã thu thập các kiến thức mới về thiết kế công trình xanh, ứng dụng công nghệ tự động hóa trong xây dựng để nghiên cứu tính khả thi và ứng dụng vào công việc. Vì vậy, những hoạt động thực tiễn và bổ ích như này nếu được tổ chức thường xuyên sẽ giúp các KTS đang ở các vai trò khác nhau có cơ hội giao lưu, trao dổi nghề nghiệp và hỗ trợ lẫn nhau khi thực hiện dự án.
Hy vọng rằng, Hội KTS Việt Nam sẽ tiếp tục tạo cơ hội và xây dựng cơ chế, môi trường hành nghề cho các KTS “yêu nghề” thông qua các hoạt động nghề nghiệp theo hướng thực chất, tạo ra được sản phẩm đại chúng, được các bên tham gia và xã hội đón nhận.
“Một vài suy nghĩ về Luật kiến trúc hiện hành – Thuận lợi cho các KTS ngày nay là có nhiều dự án để làm, được thể hiện mình hơn, xã hội công nhận nhiều hơn.”
Khó khăn là hiện tại, các dự án do Nhà nước làm CĐT hầu hết đều lên thiết kế ý tưởng, báo cáo phương án kiến trúc 2-3 lần mới thông qua được phương án, sau đó lại lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư rất mất nhiều thời gian, công sức, tiền của của đơn vị tư vấn thiết kế, nhưng trong giai đoạn này đơn vị tư vấn thiết kế lại không được các chủ đầu tư Nhà nước tính chi phí thiết kế ý tưởng và chi phí lập chủ trương đầu tư (khác với các chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân). Hơn nữa, với những công trình trên 500 triệu tư vấn thiết kế, thì theo Luật hiện hành sẽ phải đấu thầu thiết kế, điều này rất vô lý khi trước đó đã có đơn vị tư vấn thiết kế lập dự án, lập thiết kế cơ sở rồi (còn tốn ít thời gian triển khai nữa là hoàn thành bước bản vẽ thi công), trong khi đó chi phí lập dự án, lập thiết kế cơ sở không cao, chỉ đủ “huề vốn” cho đơn vị tư vấn thiết kế. Như vậy, nên chăng chúng ta thay đổi Luật Đấu thầu từ bước lập dự án và bước bản vẽ thi công vào một và tính chi phí thiết kế ý tưởng, chi phí lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cho các đơn vị tư vấn thiết kế?
“Tầm quan trọng của việc thảo luận về thiết kế”
Thị trường bất động sản Việt Nam khá khác biệt so với thị trường Châu Âu hay Nhật Bản. Trong khi các KTS ở Châu Âu và Nhật Bản nhận được rất nhiều sự tôn trọng thể hiện ở các dự án của họ được phát hành và thông tin rộng rãi thì điều này lại không xảy ra ở Việt Nam.
Đáng tiếc là ở Việt Nam không có đủ ấn phẩm hay thảo luận nhiều về thiết kế. Hầu hết mọi người sẽ không thể trả lời câu hỏi KTS nào đã thiết kế công trình nào và chưa có nơi đăng ký chính thức các sản phẩm thiết kế để tham khảo và tra cứu khi cần nếu có ai quan tâm.
Chỉ khi có những cuộc thảo luận liên tục mới có thể đem đến sự hiểu biết tốt hơn về chất lượng của thiết kế kiến trúc và hướng công chúng về cách quan sát, hiểu hơn về thiết kế hiện đại. Cuối cùng, điều này sẽ dẫn đến nhận thức rõ hơn về các sản phẩm thiết kế, về các công trình, tòa nhà và các thành phố xinh đẹp hơn.
Xin dẫn ra đây một ví dụ thực tế: Bất kỳ công trình công cộng nào cũng cần thi tuyển thiết kế kiến trúc không chỉ ở Việt Nam và nước ngoài cũng vậy. Tuy nhiên, ở nước ngoài, kết quả của mỗi cuộc thi được công bố rộng rãi cùng với thông tin của bài dự thi và đánh giá của ban giám khảo dành cho những người đoạt giải cũng được công khai chính thức. Nhưng ở Việt Nam thì không. Có nhiều cuộc thi thiết kế nhưng việc đánh giá bài dự thi thì không bao giờ được công bố và hiếm khi có một cuộc triển lãm công khai về các sản phẩm dự thi như bản vẽ hay phối cảnh thiết kế sau khi được chấm xong.
Sẽ là một bước tiến tuyệt vời nếu tất cả các cuộc thi sẽ được công bố sớm và có quy trình chấm giải minh bạch. Sau cuộc thi, tác phẩm tham dự sẽ được trưng bày và cũng được lưu trữ phù hợp. Hội KTS Việt Nam có thể là người đi đầu trong việc khuyến khích các tài năng thiết kế Việt Nam thông qua điều này. Nhờ vậy, cũng sẽ dẫn đến nhận thức nhiều hơn về thiết kế trong công chúng và các KTS sẽ nhận được thù lao thiết kế phù hợp với công sức mà họ đã bỏ ra. Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều, đặc biệt là từ các Hiệp hội kiến trúc Châu Âu.
An Du – Kim Thuý
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2023)
The post Góc nhìn đa chiều về môi trường hành nghề cho KTS tại Việt Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/lS57Iy8
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét