Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

Nghiên cứu Tái thiết Ðiện Cần Chánh Hoàng thành Huế Di sản Văn hoá Thế giới

(Phần 5: Báo cáo kết quả nghiên cứu phế tích nền móng kiến trúc Ðiện Cần Chánh)

Điện Cần Chánh (sau đây gọi tắt là ĐCC) được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), bị thiêu hủy vào năm 1947 trong cuộc chiến trang Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954), hiện chỉ còn lại phế tích nền móng. Tuy nhiên, đây là yếu tố cấu thành gốc duy nhất của công trình di sản kiến trúc này được bảo tồn cho đến ngày nay.

Tiếp theo những bài nghiên cứu trước đây, căn cứ vào các nguồn tư liệu lịch sử, kết quả khảo sát hiện trạng nền móng của ĐCC hiện còn và những thông tin hình ảnh quan sát được từ những bức ảnh cổ chụp từ thời Thành Thái (1889 – 1907) đến hết thời Bảo Đại (1925 – 1945), bài viết này được thực hiện nhằm báo cáo kết quả nghiên cứu về nền móng của ĐCC hiện còn và quá trình biến đổi của khu vực ĐCC thông qua lịch sử. Theo đó, nền móng kiến trúc ĐCC tọa lạc tại vị trí khởi nguyên từ khi được xây dựng dưới thời Gia Long và tồn tại cho đến thời điểm hiện tại. Các yếu tố cấu thành gốc của ĐCC như Đá tán, Chân táng cổ bồng, Bó Vỉa, Bậc Cấp, các dấu tích liên quan đến sự biến đổi của công trình còn được bảo tồn một cách nguyên vẹn tại vị trí khởi nguyên của nó. Điều này cho phép xác định được kích thước nền móng và khẩu độ bước gian của công trình ĐCC, đây là những cơ sở khoa học quan trọng cho việc nghiên cứu phục hồi nền móng công trình và tái thiết những cấu trúc bên trên đã bị mất.

1. Vị trí của Điện Cần Chánh và những hoạt động bảo tồn trước đây

Điện Cần Chánh toạ lạc ở vị trí trung tâm của Cung Càn Thành (thuộc Tử Cấm Thành), nằm trên trục chính (trục Dũng Đạo) của Hoàng thành Huế, mặt trước hướng Nam-Đông Nam (lệch 25° so với trục Bắc – Nam), phía trước là Đại Cung Môn (cổng chính của Cung Càn Thành), hai bên phía trước là Tả Vu và Hữu Vu, phía sau là Bình Phong lớn ngăn cách với khu vực Điện Càn Thành (nơi ở sinh hoạt riêng tư của Hoàng đế), phía trước ĐCC là sân Bái Đình (nơi hành lễ thường triều của các quan đại thần). Kết nối bốn công trình là hệ thống Trường Lang và Dực Lang (lối đi có mái che) tạo thành hình thức kiến trúc “Tứ hợp viện” khép kín nhằm tạo thuận lợi giao thông và đảm bảo an ninh cho khu vực quan trọng bậc nhất trong khu vực Hoàng Thành Huế (hình 1).

Hình 1. Vị trí tọa lạc của ĐCC trong khu vực Hoàng Thành – Tử Cấm Thành

Từ khi cấu trúc hệ khung gỗ và hệ mái bị thiêu hủy vào năm 1947(1), nền móng ĐCC vẫn phơi hình tồn tại ngoài trời, tiếp xúc trực tiếp với mưa nắng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Huế. Vào những năm 1960, nhằm mục đích phát triển du lịch cổ tích, danh lam, thắng cảnh Huế, họa viên Nguyễn Phúc Chiêm Nguyên (ty Kiến thiết Huế) đã thực hiện bộ bản vẽ thiết kế phục dựng Điện Cần Chánh gồm 01 mặt bằng, 02 mặt cắt và 01 mặt đứng, nét vẽ bằng bút sắt, đơn vị thiết kế thể hiện bằng hệ metres (m/cm), hình thức hệ khung, cao độ các cấu kiện, bố cục mặt bằng và đặc điểm kiến trúc thể hiện trong các bản vẽ này tương tự với hình ảnh quan sát được từ những bức ảnh tư liệu cổ. Tuy nhiên, những bản vẽ này không đạt được cấp độ nghiên cứu học thuật và các tiêu chí về tính chân xác trong công tác bảo tồn tái thiết di sản mà chỉ có giá trị tham khảo (bản chính đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP HCM, bản sao được lưu tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế).

Năm 1991, nền móng ĐCC đã đuợc tu bổ(2), chắp vá các chỗ bó vỉa và bậc cấp bị sạt lở, tái định vị các viên Đá vỉa nền bằng vữa vôi và ciment, cùng thời kỳ này, nền sân Bái Đình cũng đã đuợc tu bổ lát lại gạch Bát tràng mới (hình 2, 3). Nhìn chung, nền móng ĐCC vẫn còn lưu giữ phần lớn các yếu tố nguyên gốc còn ở nguyên vị trí ban đầu cho phép xác định đuợc kích thuớc khẩu độ gian và qui mô của ngôi Điện, các dấu tích còn sót lại trên bề mặt các viên Đá tán và mặt nền cho phép hiểu đuợc quá trình biến đổi của công trình.

Hình 2. Tu sửa nền ĐCC mặt Nam (1991)
Hình 3. Tu sửa nền ĐCC mặt Tây (1991)

2. Phương pháp khảo sát và chú giải thuật ngữ

2.1 Khảo sát phế tích nền móng kiến trúc hiện còn

Ba phương pháp khảo sát được áp dụng để thu thập cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc phân tích là: (1) Sử dụng máy toàn đạc quang tuyến và thiết bị GPS để đo đạc kích thước tổng thể, xác định vị trí chính xác của nền móng ĐCC theo hệ thống định vị toàn cầu (GPS), xác định vị trí của từng viên Đá tán và Đá vỉa nền và các yếu tố cấu thành khác; (2) Sử dụng phương pháp bóc bề mặt nền công trình, phác thảo, đo vẽ thủ công các lớp vữa nền và chụp ảnh các dấu tích liên quan đến quá trình biến đổi; (3) Thám sát khảo cổ học góc Tây-Nam của nền móng để nghiên cứu cấu tạo móng Bó Vỉa. Kết hợp đồng thời các phương pháp khảo sát trên, chúng tôi đã ghi nhận đầy đủ cơ sở dữ liệu và tiến hành số hóa dữ liệu bằng phần mền Excel và Auto CAD phục vụ cho việc phân tích, nghiên cứu.

2.2 Chú giải thuật ngữ mặt bằng kiến trúc

Đối với thể loại kiến trúc “Trùng thiềm điệp ốc” (gồm 2 tòa nhà kết nối với nhau và được đặt trên cùng 1 nền móng), mặt bằng bao gồm: Tòa nhà trước gọi là Tiền Điện (前殿), tòa nhà sau là Chính Điện (正殿), phần liên kết 02 tòa nhà với nhau là Thừa Lưu (承霤), mái hiên bên ngoài phía trước gọi là Tiền Hiên (前軒), phía sau là Hậu Hiên (後軒), bên trái là Đông Hiên (東軒) và bên phải là Tây Hiên (西軒). 02 hành lang cánh có mái che ở hai bên phía trước ngôi Điện kết nối với Tả Vu và Hữu Vu gọi là Dực Lang (翼廊), 02 hành lang vòng ở hai bên phía sau là Hồi Lang (迴廊).

Giao nhau giữa các hàng cột là vị trí đặt Đá tán hay còn gọi là Tảng Thạch (磉石), chèn giữa Đá tán và chân cột là Chân táng cổ bồng/Đế Trụ (蔕柱), bao xung quanh chu vi nền nhà là Đá vỉa nền hay còn gọi là Biên Thạch (邊石), móng dương gọi là Đài Cơ (台基), móng âm gọi là Đài Thâm (台深), và nền nhà gọi là Đài Minh (台明).

Bản vẽ được sử dụng để chú giải thuật ngữ mặt bằng là công trình thể loại “Trùng thiềm điệp ốc” tiêu chuẩn (Tiền điện 5 gian, Chính điện 3 gian 2 chái kép). Mặt bằng nền Điện theo phương ngang (phương vĩ tuyến) bao gồm: Gian giữa (A) gọi là Chính Trung gian (正中間), Gian bên (B) là Thứ Gian (次間), Chái nội (C) là Nội Sương (内廂) và Chái ngoại (D) là Ngoại Sương (外廂). Theo phương dọc (phương kinh tuyến) bao gồm: Gian lòng Trến chính điện (E) gọi là Chính Điện Lương Gian (正殿梁間), Gian lòng Trến tiền điện (F) là Tiền Điện Lương Gian (前殿梁間), Gian Thừa lưu (I) là Thừa Lưu Gian (承霤間), Gian lòng Khuynh chính điện (G) là tiền/hậu Khuynh (前後傾) và các gian tiền/hậu Chái (H) là tiền/hậu Sương (前後廂) (hình 4).

Hình 4. Chú giải thuật ngữ mặt bằng kiến trúc (căn cứ trên sự mô tả của các nguồn tư liệu lịch sử triều Nguyễn)

3. Kết quả phân tích nền móng kiến trúc Điện Cần Chánh

3.1 Khái quát hiện trạng nền móng (tại thời điểm khảo sát)

Phế tích nền móng ĐCC (hình 5) có chiều ngang đo được là 43,00m (phương vĩ tuyến) và chiều dọc 32,34m (phương kinh tuyến), bốn mặt đều có bậc cấp làm bằng đá Thanh được đẽo gọt cẩn thận. Mặt Nam có 3 bậc, mỗi bậc 5 cấp; mặt Bắc có 2 bậc, mỗi bậc 2 cấp; hai mặt Đông và Tây mỗi bên có 1 bậc, mỗi bậc 2 cấp. Số bậc và cấp hoàn toàn tương ứng với mô tả trong các tài liệu lịch sử đã nêu. Ở ba mặt Đông, Tây và Bắc của nền Điện có một khoảng hiên rộng khoảng 2,2m, hầu hết các viên đá tán đều còn tồn tại. Nền Điện có tổng cộng 80 viên đá tán (loại lớn khoảng 680 x 680 mmm, loại vừa khoảng 600 x 600 mm, loại nhỏ khoảng 520 x 520 cm) được định vị tại những giao điểm của 10 hàng cột theo phương ngang (1-10) và 8 hàng cột theo phương dọc (A-H), hiện nay duy chỉ viên đá tán A1 đã bị mất. Phía trước (mặt Nam) của nền Điện có một hàng cột hiên, hiện vẫn còn lữu giữ 10 viên Chân táng cổ bồng được đặt trên cote nền của sân Bái Đình (thấp hơn so với nền ĐCC 2,3 thước ta, tương đương 985mm).

Hình 5. Mặt bằng hiện trạng phế tích nền móng ĐCC (căn cứ kết quả khảo sát 2008)

Cấu trúc bên trên của ĐCC (hệ khung gỗ và hệ mái) bị thiêu hủy hoàn toàn, sức nặng của hệ khung gỗ khi sụp đổ và nhiệt lượng tỏa ra của hệ khung gỗ khi bị đốt cháy đã làm cho cấu trúc vật lý của các phiến Đá vỉa nền (đá bao bọc 4 mặt của nền móng) bị phá vỡ gây nên hiện tượng nứt gãy (đặc biệt là mặt Nam). Từ đó, khối tích đất bên trong nền móng (phần móng dương) đã bị hao hụt dẫn đến hiện tượng nghiêng vào bên trong của vỉa móng mặt Nam làm cho kích thước chiều Nam-Bắc (chiều dọc) của nền ĐCC bị co lại, đồng thời kích thước chiều Đông-Tây (chiều ngang) lại có xu hướng phình ra so với kích thước ban đầu (dao động trong khoảng 40 – 80 mm). Theo đó, vị trí của các viên đá tán cũng đã bị dịch chuyển theo 3 hướng Bắc, Đông và Nam (dao động trong khoảng 40 – 60 mm).

3.2 Cấu tạo nền móng

Mặt đứng của nền ĐCC (móng ngoại) được tạo nên bởi 4 thành phần làm bằng đá Thanh bao gồm: Vỉa nền, Vỉa móng, Vỉa thân và Khung tranh, mặt Nam cao khoảng 985 mm, mặt Bắc, Đông và Tây có chiều cao tương tự nhau khoảng 510 mm~540mm. Vỉa Gạch Vồ (móng nội) với chức năng chịu lực chính được xây mặt trong của móng ngoại. Ngoài ra, phần móng âm chìm dưới lòng đất còn được bảo quản khá tốt, phần móng dương thấy được ngày nay đã ít nhiều bị gãy đổ ở mặt Bắc, mặt Đông và một phần của mặt Nam (hình 6, 7).

Hình 6. Mặt cắt cấu tạo bó vỉa móng dương (mặt Nam)
Hình 7. Hiện trạng nền móng ĐCC (nhìn từ hướng Nam)

3.3 Dấu tích đường kính cột và gạch lát nền

Căn cứ trên dấu tích bề mặt các viên đá tán có thể xác định được kích thước đường kính cột hàng nhất là ± 380 mm, cột hàng nhì là ± 369 mm, cột hàng ba là ± 343 mm và cột hiên là ± 256 mm (hình 8). Hiện còn 1 viên gạch Bát Tràng (Thiết chuyên/鐵塼) kích thước 300 x 300 x 60 mm chìm dưới cote nền hiện tại ở vị trí H5 là dấu tích gạch lát nguyên thuỷ (hình 9), và 2 viên gạch Hoa (Hoa chuyên/葩塼) kích thước 250 x 250 x 20 mm là dấu tích gạch lát nền có từ thời Bảo Đại vẫn còn nằm gần vị trí A4 (hình 10).

Mặt nền của ngôi Điện được bao phủ bởi 1 lớp vữa vôi dày khoảng 84 – 86 mm (trên bề mặt có lớp vữa xi – măng trám tạm thời, dày khoảng 2 – 3mm), nhiều nơi đã bị bong tróc, nước mưa đã thẩm thấu trực tiếp vào bên trong nền Điện gây ra hiện tượng biến dạng chu vi mặt nền. Trên thực tế cho thấy hiện tượng này xảy ra ở mặt Bắc và mặt Nam của nền Điện (hiện tượng nghiêng vào) và mặt Đông (hiện tượng ngã ra), biên độ biến dạng dao động trong khoảng 43mm – 86mm.

3.4 Sự thay đổi vật liệu lát nền và cao độ mặt mặt nền

Theo kết quả khảo sát thực tế, bề mặt hiện tại của nền ĐCC dày 84 – 86mm, bao gồm cả độ dày 20 mm của lớp gạch Hoa (hình 11, hình 12 – lớp A), nghĩa là cao độ bề mặt của các viên đá tán thấp hơn cao độ của các viên đá vỉa nền 86 mm. Nói cách khác, lớp A là bề mặt của nền ĐCC có niên đại muộn hơn (được tôn cao lên cho bằng với bề mặt đá vỉa nền khi nền ĐCC được lát lại bằng gạch Hoa), và lớp B bên dưới là bề mặt nền ĐCC có niên đại sớm hơn (có từ thời Gia Long). Bên cạnh đó, sự xuất hiện của viên gạch Bát Tràng ở vị trí H5 (hình 9) và các dấu tích vật liệu lát được tìm thấy ở lớp trên cùng của lớp B (b1) cho phép nhận định rằng: Mặt nền ĐCC ban đầu được lát bằng gạch Bát Tràng, sau đó được thay thế bằng gạch Hoa vào năm Thành Thái 11 (1899) và được lát lại bằng gạch Hoa một lần nữa vào giai đoạn sớm của thời Bảo Đại.

Căn cứ vào cao độ của các viên đá tán và đá vỉa nền như hiện trạng khảo sát trên đây và kết quả tham chiếu bảng 1, 2, 3 dưới đây thì có thể nhận định rằng mặt nền ĐCC ở khu vực trung tâm vào thời điểm xây dựng dưới thời Gia Long được làm thấp hơn 86 mm so với cao độ chu vi nền ĐCC. Trên thực tế thì hầu hết các viên Đá tán ở khu vực trung tâm nền ĐCC đều bị chìm dưới lớp vữa xi-măng dày 86 mm, điều này cho thấy mặt nền điện đã được tôn cao 86 mm so với cao độ ban đầu. Trong lần trùng tu năm 1899, lớp gạch Bát Tràng lát nền đã bị dỡ bỏ, phần mặt nền được nâng cao ngang bằng với cao độ chu vi nền và đã được lát lại bằng gạch Hoa, chính vì vậy mà mặt trên của những viên đá tán các hàng cột ngoài cùng (trục 1, 10, A) sát với đá vỉa nền đều đã được khoét âm xuống tương ứng với bề dày của viên gạch Hoa (khoảng 20 – 25mm) mà dấu tích vẫn còn được lưu giữ trên một số viên đá tán ở vị trí góc khuất.

3.5 Sự xuất hiện của Chân táng cổ bồng và hiện tượng nâng cao hệ khung gỗ

Hình 11. Hố khảo sát mặt nền
Hình 12. Mặt cắt hố khảo sát nền

Đợt trùng tu vào năm Khải Định 8 (1923), chi tiết Chân táng cổ bồng đã được chèn thêm vào, vì cao độ những viên đá tán của các hàng cột ngoài cùng (trục 1, 10, A) cao hơn khu vực trung tâm nên mặt trên của chúng phải bị đục bỏ đi khoảng 86 mm để lộ rõ vết đục đẽo gồ gề trên bền mặt. Hình thức của các Chân táng cổ bồng này có thể tham khảo từ Điện Thái Hòa và Tả/Hữu Vu ở hai bên phía trước ĐCC (tuy chiều cao có đôi chút khác nhau), đặc biệt quan trọng là một phần phế tích của nó còn sót lại ở vị trí đá tán A3 (hình 14).

Có thể chính vì kỹ thuật nền lõm-nghiêng (xem mục 3.6) và giải pháp san nền phẳng để lát gạch Hoa đã làm cho phần chân cột âm nền (khoảng 86 mm) bị mục hỏng. Đến lần tu sửa thời Khải Định, Chân táng cổ bồng bằng đá Thanh đã được chèn vào giữa đá tán và chân cột nhằm cách ẩm chân cột sau khi đã cắt bỏ phần chân cột bị mục (khoảng 86mm). Chân táng cổ bồng này gồm 2 phần, phần dưới hình vuông đặt trực tiếp lên trên bề mặt đá tán và âm nền khoảng 86mm (tương đương với độ lõm của nền), phần nổi bên trên hình tròn có chiều cao khoảng 186 mm (cột hàng nhất) và 164 mm (cột hàng nhì và hàng ba). Như vậy, sau khi trừ đi phần chân cột bị cắt bỏ thì toàn bộ công trình đã được nâng cao khoảng 100 mm (tương đương với tiết diện đứng của ngạch đố bản). Những bức ảnh tư liệu cổ chụp nội thất ĐCC vào thời Khải Định cho thấy rõ hình dáng của những Chân táng cổ bồng này (hình 13, 14, 15).

Hình 13. Đá tán và Chân táng cổ bồng

3.6 Về kỹ thuật nền Lõm – Nghiêng

Mặt trên của những viên đá vỉa nền và đường biên của nền ĐCC về cơ bản được thiết kế ở cùng một cao độ (hình 5, bảng 1, 2, 3). Theo đó, cao độ của các viên đá vỉa nền mặt Đông và mặt Tây là bằng nhau (sai số 15 mm), nhưng cao độ của đá vỉa nền mặt Bắc và mặt Nam chênh cao từ 76 cm – 99 cm (sai số 11mm) và nghiêng từ Bắc xuống Nam, trung bình trị là 87 mm, tương đương với độ lõm của nền ĐCC.

Bảng 1. Phân tích cao độ bề mặt nền ĐCC
Bảng 2. Biểu đồ cao độ bề mặt nền ĐCC (dọc
Bảng 3. Biểu đồ cao độ bề mặt nền ĐCC (ngang)

Tư liệu sử năm Minh Mạng thứ 18 (1837) ghi chép một chỉ dụ của Hoàng đế Minh Mạng về kỹ thuật nền móng như sau: “Từ trước đến nay xây dựng nhà cửa, bọn thợ thường bảo thủ ý kiến ngu xuẩn. Thể cách từ trên nóc đến cột thềm muốn cho dốc quá. Lui ở trên đầu 4 góc nền nhà muốn cao làm như thế bay lượn. Đều là không hiểu việc. Nay nên chỉ bảo mực thước, để cho các bọn thợ từ nay về sau có xây dựng thể theo cho khéo mà làm, để lúc làm khỏi sai hỏng… Lại còn đất nền nhà cần phải bằng phẳng. Nhưng thói quen 4 góc nền lại cho làm cao thêm, đầu cột gạch ở góc lại cao thêm. Không nghĩ rằng trên dưới đều cao thêm, thì đất nền chính giữa với nóc nhà không tránh khỏi thấp xuống đến nỗi các ván vách trong nhà lệch lạc không ổn chỉ vì chỗ cao ấy nhân lên mà người ta không nhận ra được. Từ sau có đắp nền phải đều một loạt, duy ở đầu cột góc thềm chỗ đỡ ngói liệu làm cao lên thì thể thế chưa hẳn là không bay bướm, mà nhà cửa chỉnh tề vững vàng đấy…”(3).

Như vậy kỹ thuật nền lõm (xuất phát từ tâm thức “lòng thuyền” cổ xưa) vẫn được sử dụng cho đến thời Gia Long, sau một thời gian trải nghiệm sự bất cập của kỹ thuật này nên Hoàng đế Minh Mạng đã ra chỉ dụ điều chỉnh. Ngoài ra, mặt nền có xu hướng nghiêng và dốc dần từ Bắc xuống Nam (độ chênh cao cao giữa vỉa nền mặt Bắc và mặt Nam tương đương với độ lõm của nền nhà khoảng 86mm), điều này cho thấy có lẽ đây là nỗ lực ngăn nước mưa đọng lại ở khu vực trung tâm của nền ĐCC và sử dụng độ dốc thoát nước để xả nước mưa ra ngoài (bảng 1, 2, 3, hình 16, 17, 18).

Hình 17. Mặt cắt ngang nền ĐCC (biểu thị kỹ thuật nền Lõm)
Hình 18. Mặt cắt dọc nền ĐCC (biểu thị kỹ thuật nền Nghiêng)

4. Tổng hợp quá trình biến đổi của Điện Cần Chánh và khu vực xung quanh

Căn cứ kết quả nghiên cứu tư liệu lịch sử, kết quả phân tích hiện trạng nền móng kiến trúc hiện còn của ĐCC, kết hợp quan sát những bức ảnh tư liệu đen trắng chụp từ thời Thành Thái (1889-1907) đến hết thời Bảo Đại (1925-1945) ở khu vực Sân Bái Đình, Tả/Hữu Vu và ĐCC, quá trình biến đổi của khu vực này được tổng hợp và trình bày dưới đây (hình 19).

Hình 19. Tổng hợp biến đổi của Điện Cần Chánh và khu vực xung quanh (thời Thành Thái đến thời điểm hiện tại)

4.1 Sự thay đổi hệ mái

Từ khi được xây dựng, hệ mái ĐCC có hình thức “Trùng diêm” (Mái Chồng) gồm 2 lớp mái (mái thượng và mái hạ) được phân thành 12 mặt mái, tất cả đều được lợp bằng “Hoàng Lưu Ly Ngõa” (ngói ống tráng men vàng), duy chỉ có phần mái hiên phía trước được lợp bằng ngói liệt có hình vảy cá (hình 20). Đến giai đoạn muộn dưới thời Khải Định (1916-1925) xuất hiện cấu trúc mái “Lưa” hay còn gọi là “Vỏ Cua” (phần mái thêm vào tạm thời phía trước ĐCC nhằm nới rộng không gian được che nắng). Cấu trúc “Vỏ Cua” này chỉ xuất hiện trong những bức ảnh cổ chụp năm 1924 dưới thời Khải Định trong dịp lễ “Tứ Tuần Đại Khánh” (lễ mừng thọ 40 tuổi) của vua Khải Định (hình 21).

Hình 20. Chi tiết mái Hiên (ảnh chụp những năm 1925)
Hình 21. Cấu trúc Vỏ Cua (ảnh chụp năm 1924)

4.2 Sự thay đổi vật liệu lát nền

Dấu tích còn lại cho phép hiểu được nền ĐCC trước thời Thành Thái được lát bằng gạch “Thiết Chuyên” (gạch Bát Tràng nung thành sành có kích thước 300 x 300 x 60 mm). Năm Thành Thái 11 nền ĐCC lần đầu tiên được lát lại bằng một loại gạch mới gọi là “Dương Thức Hoa Chuyên” (gạch Hoa nhập khẩu từ châu Âu). Vào giai đoạn sớm thời Bảo Đại, nền ĐCC được lát lại gạch hoa thêm một lần nữa (có kích thước lớn hơn và màu sắc tươi hơn loại gạch trước đó) mà phế tích của nó hiện còn trên nền ĐCC hiện nay.

4.3 Sự xuất hiện của Chân táng cổ bồng

Đồng thời với sự thay đổi gạch lát nền, Chân táng cổ bồng (Đế Trụ) được chèn thêm vào nên đã làm thay đổi ít nhiều chiều cao của hệ khung gỗ. Chân táng cổ bồng làm bằng vật liệu Đá Thanh, bề mặt có chạm khắc trang trí. Không chỉ riêng trường hợp ĐCC, chi tiết Chân táng cổ bồng này xuất hiện trong kiến trúc cung điện Huế từ thời Khải Định khi hiện tượng tiếp biến văn hóa kiến trúc Việt – Pháp bắt đầu phổ biến ở Việt Nam.

4.4 Sự xuất hiện của hệ thống cửa Bảng Khoa

Từ thời Thành Thái trở về trước, hầu hết cung điện triều Nguyễn ở Huế đều không có hệ thống cửa Bảng Khoa mà chỉ có những tấm mành trúc che chắn mặt trước và sau của công trình, từ thời Khải Định trở đi hệ thống cửa Bảng Khoa đã được lắp đặt thêm và được sử dụng rộng rãi trong kiến trúc cung điện Huế. Sự xuất hiện của hệ thống cửa Bảng Khoa ở ĐCC đã làm thay đổi tính chất đóng mở không gian nội ngoại thất và diện mạo công trình.

4.5 Sự thay đổi màu sắc hệ khung gỗ

Các bức ảnh cổ chụp từ thời Thành Thái trở về trước cho phép quan sát được hệ khung gỗ ĐCC trước đây chưa được sơn thếp, kỹ thuật này chỉ được áp dụng cho những công trình đẳng cấp Điện/Miếu quan trọng hoặc những công trình biểu tượng tâm linh hoàng gia. Như đã đề cập ở trên, nhân dịp lễ mừng thọ 40 tuổi của vua Khải Định, triều đình Nguyễn đã cho sơn sơn thếp vàng hệ khung gỗ của ĐCC(4).

4.6 Sự thay đổi ở công trình Tả Vu, Hữu Vu và sân Bái Đình

Tả Vu và Hữu Vu là 2 công trình phối thuộc nằm ở hai bên phía trước của ĐCC, Tả Vu là nơi làm việc của văn phòng Nội các và Hữu Vu là nơi thiết soạn phục vụ hậu cần. Hai công trình này liên quan mật thiết về quy hoạch công năng với ĐCC nên luôn được quan tâm chỉnh trang tôn tạo. Trong ngữ cảnh này, sự thay đổi có thể nhận biết rõ nét nhất là việc thêm vào Chân táng cổ bồng ở phần chân cột và thay đổi hình thức cửa sổ hai bên phía trước của công trình. Về cơ bản, sự thay đổi ở mặt đứng công trình này nhằm thống nhất phong cách kiến trúc với ĐCC một khi các yếu tố tiếp biến văn hóa Việt – Pháp bắt đầu xuất hiện ở khu vực này.

Bên cạnh đó, khu vực sân Bái Đình cũng thường được chỉnh trang tu bổ mặc dù vật liệu gạch lát sân được sử dụng luôn là gạch Bát Tràng. Thông qua việc quan sát các góc chụp ảnh cổ từ thời Thành Thái đến thời Bảo Đại, sự thay đổi dễ nhận biết ở khu vực sân Bái Đình là hình thức và kích thước của 2 bồn cây phía trước hai bên ĐCC. Theo đó, 2 bồn cây này dưới thời Thành Thái có hình lục giác và kích thước có nhỏ hơn, tuy nhiên đến giai đoạn sớm của thời Bảo Đại đã được tôn tạo thành trình tròn và có kích thước lớn hơn. Lý do có thể hiểu được là 2 cây Ngô Đồng (giống cây quý mang yếu tố phong thủy) được trồng trong những bồn cây này qua quá trình sinh thực và sinh trưởng đã lớn hơn rất nhiều so với trước đó, để tạo điều kiện cho rễ cây phát triển không xâm lấn vào cấu trúc nền móng ĐCC và không nông phá mặt sân Bái Đình nên bồn cây đã được cải tạo và làm lớn hơn.

5. Kết luận

Nền móng ĐCC là yếu tố vật chất và cũng là yếu tố cấu thành gốc duy nhất của công trình di sản kiến trúc này được bảo tồn cho đến ngày nay, theo đó các viên đá tán, đá vỉa nền và các yếu tố cấu thành khác của nền móng ĐCC vẫn còn được bảo lưu tại vị trí ban đầu của nó. Thông qua việc phân tích hiện trạng nền móng cho phép hiểu được khẩu độ bước gian, kích thước quy mô nền móng, quá trình biến đổi của ĐCC và khu vực xung quanh từ thời Thành Thái đến thời điểm hiện tại. Với sự hỗ trợ của thiết bị đo đạc tiên tiến đã giúp xác định chính xác vị trí và cao độ các viên đá tán, đá vỉa nền và cao độ mặt nền, từ đó hiểu được kỹ thuật xây dựng nền lõm – nghiêng cổ xưa đã được sử dụng ở ĐCC.

Kết quả nghiên cứu đúc kết được từ việc phân tích hiện trạng nền móng ĐCC sẽ là tư liệu kỹ thuật quan trọng cho việc thiết kế phục hồi kích thước mặt bằng kiến trúc làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc nghiên cứu tái thiết hệ khung gỗ và hệ mái của ngôi Điện này.

TS.KTS. Lê Vĩnh An
Viện trưởng Viện Kỹ thuật & Công nghệ Việt-Nhật, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng
GS.TS. Nakagawa Takeshi
Giám đốc Bảo tàng Mejimura, Giáo sư Viện Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản
KS. Nguyễn Thế Sơn
Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế và các đồng nghiệp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2023)


Ghi chú:
1) Nguyễn Bá Chí, Compte-rendud’une mission a Hué, DÂN VIỆT NAM, No. 1, Ecole Française d’Extrême-Orient, Hanoi, 1948, pp. 81-85…;
2) Thông tin nhân chứng lịch sử: KTS. Phùng Phu, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
3) Nội Các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ Tục Biên, Công Bộ, Quyển 222.
4) Thái Văn Kiểm, Cố Đô Huế, Sài Gòn 1960, pp. 64.

The post Nghiên cứu Tái thiết Ðiện Cần Chánh, Hoàng thành Huế – Di sản Văn hoá Thế giới appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/VgztQdX
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét