Cuộc đời
GS Nguyễn Quang Nhạc sinh ngày 07/06/1924 tại Gò Công, lớn lên tại Sài Gòn.
Năm 1942, ông trở thành sinh viên dự bị trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương [1] tại Hà Nội trước khi trở thành sinh viên chính thức của ban Kiến trúc từ năm 1943.
Năm 1944, ông tiếp tục theo học Kiến trúc sau cuộc dịch chuyển từ Hà Nội về Đà Lạt của thế hệ các GS và sinh viên ban Kiến trúc do ảnh hưởng những cuộc đánh bom của không quân Đồng minh xuống các doanh trại quân đội Nhật tại Hà Nội mà chính ông cũng có phần bị thương tật cùng nhiều sinh viên của ban Kiến trúc.
Từ năm 1945 đến năm 1946, trường Kiến trúc tại Đà Lạt [2] đóng cửa sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, ông trở về Gò Công và Sài Gòn trước khi trở lại Đà Lạt vào năm 1947, tiếp tục học Kiến trúc khi trường mở cửa trở lại.
Năm 1950, ông nằm trong số không nhiều những sinh viên sang Pháp tiếp tục theo học kiến trúc tại Paris song song với cuộc dịch chuyển lịch sử từ Đà Lạt xuống Sài Gòn của thế hệ các GS và sinh viên kiến trúc còn lại.
Năm 1957, ông tốt nghiệp KTS trường Quốc Gia Cao đẳng Mỹ Thuật Paris [3] và ở lại làm việc một năm trước khi trở về Việt Nam làm GS tại trường Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn [4], đồng thời bắt đầu gây dựng sự nghiệp từ văn phòng KTS tư vụ.
Năm 1967, ông trở thành Khoa Trưởng đầu tiên của trường ĐH Kiến trúc Sài Gòn sau khi trường Cao đẳng Kiến trúc được cải biến trở thành trường ĐH Kiến trúc trực thuộc Viện ĐH Sài Gòn [5].
Sau năm 1975, ông là một người Thầy còn ở lại, tiếp tục sự nghiệp Giáo dục đào tạo hàng ngàn KTS tại trường ĐH Kiến trúc trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn nhiều bề thời hậu chiến cho đến khi chính thức nghỉ hưu vào năm 1990.
GS Nguyễn Quang Nhạc mất ngày 17/08/2004 tại TP.HCM.
Sự nghiệp
Sự nghiệp Đào tạo
Bắt đầu sự nghiệp đào tạo tại trường Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn từ năm 1958 sau khi về nước, trong bối cảnh miền Nam Việt Nam chỉ có đúng một trường đào tạo KTS với tổng cộng 8 GS dạy kiến trúc đều học từ Pháp, GS Nguyễn Quang Nhạc đảm nhiệm việc giảng dạy các môn Lý thuyết Kiến trúc, Lịch sử Kiến trúc [7] và thực hành đồ án Kiến trúc Sáng tác học, đồng thời là GS trưởng họa thất IV khi họa thất IV được xây cất vào giữa thập niên 1960.
“Giờ học của Thầy luôn là nguồn sinh lực cho tình yêu nghệ thuật kiến trúc”. [8] “Có cây bút nỉ trên tay, Thầy đã linh động uyển chuyển từ góc cạnh này đến góc cạnh khác làm cho tôi cảm thấy say mê với một suy nghĩ mới, một layout mới mà mình không nghĩ ra. Đôi lúc quá say mê khi theo dõi Thầy “múa bút” tôi lại quên đi những gì Thầy nói và phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần” . [9]
Năm 1967, trường Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn được cải biến trở thành trường ĐH Kiến trúc Sài Gòn, trực thuộc Viện ĐH Sài Gòn với Khoa trưởng đầu tiên 1967-1970 là GS Nguyễn Quang Nhạc dù về tuổi đời ông trẻ hơn hầu hết những GS người Việt thế hệ đầu của trường Kiến trúc Sài Gòn cùng trở về từ Pháp.
Từ năm 1968, cùng với nhiều GS của các Viện ĐH Huế, Sài Gòn, Đà Lạt, Cần Thơ và Vạn Hạnh thuộc phái đoàn Giáo Dục Việt Nam, GS Nguyễn Quang Nhạc liên tục có nhiều chuyến đi Mỹ làm việc với các chuyên gia cố vấn Giáo dục của nhiều ĐH tại nhiều tiểu bang khác nhau của Mỹ để nghiên cứu chương trình Giáo dục Mỹ cùng hoài bão tận lực cải tổ các chương trình Giáo dục ĐH tại Việt Nam, trong đó có chương trình cải tổ chương trình Giáo dục ngành Kiến trúc với nhiều sự thay đổi toàn diện mà GS Nguyễn Quang Nhạc là chủ trì với rất nhiều suy tư và trăn trở – “Chiến tranh đã tạo nên một áp lực lớn đối với sinh viên Việt Nam mà sinh viên Mỹ không phải đối diện. Ở Việt Nam, Giáo dục là điều sống còn”, “Hệ thống Giáo dục của Pháp đã không còn phù hợp nữa. Tôi ở đây để xem hệ thống của Mỹ có thể hoạt động như thế nào”. [10]
Từ khi bắt đầu làm GS đến khi chính thức nghỉ hưu tại ngôi trường mà ông đã gắn bó trọn đời với 33 năm trong sự nghiệp Giáo dục, điều còn lớn hơn cả nguồn kiến thức mà ông từng truyền đạt cho bao thế hệ học trò có lẽ là một niềm vui học kiến trúc, một niềm tin rất lớn về lý tưởng và danh dự của những người sẽ trở thành những KTS thực thụ trong tương lai: “Vì hơn ai hết Thầy biết rằng những cái thực sự làm nên tính cách và giá trị của Thầy thì không ai có thể tước đoạt được”. [11] “Cái kiến mình chỉ thừa nhận Thầy mình mới là KTS theo nghĩa đẹp đẽ nhất của người nghệ sỹ”. [12]
Sự nghiệp kiến trúc
Sau khi tốt nghiệp trường Quốc Gia Cao đẳng Mỹ Thuật Paris năm 1957, KTS Nguyễn Quang Nhạc ở lại Pháp hành nghiệp một năm và trong thời gian này, ông đã thiết kế một số đồ án trường học và tòa thị chính.
Năm 1958, ông quyết định không đi theo lời kêu gọi các KTS trẻ tại châu Âu đến Brazil thời bấy giờ để tham gia vào chương trình đại kiến thiết thủ đô mới Brasilia mà trở về Việt Nam hành nghiệp. Tại Sài Gòn, ông bắt đầu sự nghiệp với văn phòng KTS tư vụ mang tên mình tại số 57 đường Duy Tân trước khi liên danh cùng hai KTS Nguyễn Văn Hoa và Phạm Văn Thâng vào cuối thập niên 1950 trở thành Văn phòng KTS Hoa – Thâng – Nhạc tại số 12 đường Duy Tân, cách trường Cao đẳng Kiến trúc nơi ông làm GS chỉ vài chục bước chân.
Trong bối cảnh rộng mở của nền kiến trúc Hiện đại Việt Nam từ cuối thập niên 1950 và đặc biệt là trong thập niên 1960, Hoa – Thâng – Nhạc luôn là một văn phòng kiến trúc sáng danh với hàng loạt những bản thiết kế cao ốc, trụ sở, cư xá, ngân hàng, khách sạn, phi cảng, trường học, nhà máy và biệt thự được xây cất.
Cùng với đó, ông tiếp tục duy trì Văn phòng KTS tư vụ mang tên mình tại số 33 Đoàn Thị Điểm từ năm 1963 để thực hiện những đồ án không liên danh cùng Văn phòng Hoa – Thâng – Nhạc. Trong thời gian này, Văn phòng KTS Nguyễn Quang Nhạc vừa độc lập và vừa liên danh với nhiều KTS đồng nghiệp khác của ông như Huỳnh Kim Mãng, Nguyễn Trọng Kha, Trần Phi Hùng, Nguyễn Văn Quyện, Trương Đức Nguyên, Nguyễn Huy, Trần Phong Lưu với nhiều đồ án lớn từ quy hoạch đến kiến trúc. Khi được hỏi về điều này, ông kể lại: “Kiến trúc là một lĩnh vực rất rộng mà một mình mình không thể nào biết hết được.” [16] dù trong ký ức của nhiều đồng nghiệp và học trò, ông luôn là “một trong những người giỏi nhất trong thế hệ của mình”. [17] Là người khẳng khái và bộc trực, khi một thân chủ rất lớn đòi sửa lại phần mỹ thuật trong bản thiết kế của mình, ông trả lời: “Nếu anh còn đòi hỏi những điều không đúng với những gì tôi đã vẽ thì tôi không còn là KTS của anh nữa.” rồi giận dữ bỏ đi. [18]
Ngoài những công trình được thực hiện tại văn phòng KTS mang tên mình, Văn phòng KTS Hoa – Thâng – Nhạc cũng như liên danh cùng các đồng nghiệp khác, nhờ uy tín cũng như sự am hiểu sâu rộng trong lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc, ông đã nhiệt thành tham gia vào nhiều chương trình kiến trúc quốc gia được khởi xướng bởi Bộ Quốc gia Giáo dục, nơi ông là cố vấn đặc biệt về các chương trình phát triển Giáo dục, cũng như kiến thiết: Nghiên cứu và thiết lập Viện ĐH Cộng Đồng Duyên Hải, Viện ĐH Cộng Đồng Tiền Giang, Viện ĐH Bách Khoa Thủ Đức và Trường Kỹ Sư Đông Nam Á [19] tại Đà Lạt, một chương trình Quốc gia đặc biệt quy tụ các chuyên gia nhiều lĩnh vực hàng đầu Nhật Bản, Việt Nam và khu vực.
Cùng với đó, ông còn nghiên cứu và cố vấn một số đồ án kiến trúc tại Ấn Độ, Indonesia, Philippines từ các chương trình viện trợ của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế [20] và Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ [21] dành cho các quốc gia này, phần nhiều là kiến trúc trường học, một trong những thể loại mà ông có sự hiểu biết rất sâu rộng.
Năm 1974, với những uy tín tạo dựng được trong nghề nghiệp, ông trở thành Đoàn Trưởng KTS Đoàn Việt Nam, kế nhiệm KTS Vũ Tòng. Sau 1975, ông trở thành Ủy viên BCH Hội KTS Việt Nam các khóa III, IV, V từ năm 1983 đến năm 2000 và là Phó Chủ tịch Hội KTS TP.HCM từ năm 1981 đến năm 1997.
Trong gần 17 năm sự nghiệp KTS tư vụ kể từ khi về nước năm 1958 đến năm 1975, KTS Nguyễn Quang Nhạc đã thực hiện hơn 50 đồ án quy hoạch và kiến trúc có quy mô lớn tại Việt Nam và quốc tế, những nền tảng dù có trải qua những biến đổi đô thị và kiến trúc vẫn còn tiếp tục được duy trì và lan tỏa âm thầm tại nhiều nơi chốn. “Để có một vị trí đạt đến đỉnh cao nghệ thuật đẹp như cái tâm trong sáng của một người Thầy mẫu mực, ông đã lao tâm khổ tứ tự rèn luyện cả một đời người.” [22]
Lời kết
Mười lăm năm học để trở thành một KTS xuyên suốt những tháng năm dài tuổi trẻ với nhiều biến động của lịch sử cùng nhiều đứt đoạn, dở dang nhưng không bao giờ bỏ cuộc, 33 năm thăng trầm trong sự nghiệp giáo dục cùng gần 20 năm đầy sống động trong sự nghiệp KTS tư vụ, GS – KTS Nguyễn Quang Nhạc cùng với thế hệ của mình và thế hệ những KTS Việt Nam do GS tham gia đào tạo đã ghi dấu ấn sâu đậm vào quá trình phát triển nền kiến trúc Hiện đại tại Việt Nam: “Một người thầy chân chính không chỉ giúp ta có một cái nghề mà hơn thế là tiêm được vào huyết quản ta cái thái độ với cuộc sống suốt đời như một người tử tế”. [23] “Điều lớn lao học được ở Thầy là thái độ tự tại của người trí thức luôn coi trọng phẩm giá con người, trật tự xã hội và hạn chế tối đa không để cho những chính kiến, những cái gọi là ý thức hệ gây phiền não và làm tha hóa bản thân dù phải nhọc nhằn đối mặt với nó như là điều không tránh khỏi”. [24] “Di sản lớn nhất mà Thầy để lại có lẽ là tình yêu, một tình yêu đặc biệt từ hàng ngàn học trò bao thế hệ, dù là trong nước hay hải ngoại, dù còn ở lại hay đã ra đi”. [25]
Lược sử Trường Kiến trúc Sài Gòn & ĐH Kiến trúc TP.HCM
- 1924: Trường Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập tại Hà Nội.
- 1926: Ban Kiến trúc được thành lập và tuyển sinh khóa đầu tiên.
- 1944: Ban Kiến trúc dời vào Đà Lạt, trở thành Trường Kiến trúc Đà Lạt.
- 1945: Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương. Trường Kiến trúc Đà Lạt đóng cửa.
- 1947: Trường Kiến trúc Đà Lạt được mở cửa trở lại.
- 1950: Trường Kiến trúc Đà Lạt được chuyển vào Sài Gòn.
- 1951-1967: Trường Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn.
- 1967-1975: Trường ĐH Kiến trúc Sài Gòn.
- 1976: Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM được thành lập [6].
ThS.KTS. Nguyễn Ngọc Sơn
TS.KTS.Phạm Phú Cường
ĐH Kiến trúc TPHCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2023)
Ghi chú:
[1] École des Beaux Arts de l’Indochine;
[2] École d’Architecture de Dalat;
[3] École Nationale Supérieure des Beaux-Arts de Paris;
[4] École Supérieure d’Architecture de Saigon;
[5] Sắc lệnh 159-SL/GD ngày 30/10/1967;
[6] Quyết định QĐ 426-TTg ngày 27/10/1976;
[7] Thay thế GS Louis Georges Pineau trở về Pháp;
[8] Hồi ức của KTS Thanh Hải, KT74 ĐH Kiến trúc Sài Gòn;
[9] Hồi ức của KTS Nguyễn Văn Phiên, KT68 ĐH Kiến trúc Sài Gòn;
[10] Giải trình của GS Nguyễn Quang Nhạc với các cố vấn Giáo dục Mỹ tại ĐH Louisville, bang Kentucky năm 1973;
[11] Hồi ức của KTS Võ Thành Lân, KT70 ĐH Kiến trúc Sài Gòn;
[12] Hồi ức của KTS Thanh Hải, KT74 ĐH Kiến trúc Sài Gòn;
[13] École d’Architecture de Lyon;
[14] Sắc lệnh 119-TTP ngày 11/09/1956;
[15] Sắc lệnh 503-TTP ngày 07/10/1958 về việc cải tổ Bộ Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thị thành Nha Tổng Giám Đốc Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thị;
[16] Hồi ức của GS Nguyễn Quang Nhạc;
[17] Hồi ức của KTS Trần Đình Quyền, KT52 Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn;
[18] Hồi ức của GS Nguyễn Quang Nhạc;
[19] Southeast Asian College of Engineering, 1973;
[20] Comité International de la Croix-Rouge;
[21] United States Agency for International Development – USAID;
[22] Hồi ức của KTS Đoàn Đức Thành;
[23] [24] Hồi ức của KTS Võ Thành Lân, KT70 ĐH Kiến trúc Sài Gòn;
[25] Hồi ức của KTS Nguyễn Văn Tất, KT73 ĐH Kiến trúc Sài Gòn
The post Gs.KTS Nguyễn Quang Nhạc với những đóng góp cho sự phát triển của kiến trúc hiện đại Việt Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/s2lXBgN
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét