Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

KTS Ngô Viết Thụ và những chuyện còn chưa kể

Vài thông tin bổ sung cho bài viết “KTS Ngô Viết Thụ – Người góp phần làm rạng rỡ kiến trúc Việt Nam hiện đại” của KTS Đoàn Khắc Tình – Tạp chí Kiến trúc số 01-2023

Nhân ngày 4/2 Âm lịch, ngày giỗ thứ 23 của KTS Ngô Viết Thụ, xin trân trọng cám ơn tác giả Đoàn Khắc Tình về bài viết công phu này, đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập Hội KTS Việt Nam.

KTS Ngô Viết Thụ trình bày đồ án quy hoạch Sài Gòn Chợ Lớn tại triển lãm đồ án quy hoạch kiến trúc và hội họa đem về từ Châu Âu (Tòa Đô chính – 1960)

Sinh thời, KTS Ngô Viết Thụ rất ít khi nói và viết về bản thân và về những tác phẩm của mình – Vì ông thường nói: Những tác phẩm của ông tự nó đã nói lên những điều cần diễn đạt. Đó cũng là điều đáng tiếc, làm cho hậu thế không nhiều người có thể hiểu thấu những ý tưởng và tác phẩm của ông.

Ngày 17/9/2026 là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của KTS Ngô Viết Thụ. Trong bối cảnh rất nhiều tài liệu, bản vẽ, mô hình, thuyết minh, hợp đồng, tài liệu … lưu giữ ở văn phòng tư vấn kiến trúc và chỉnh trang lãnh thổ của ông tại 104 Nguyễn Du tại Quận 1, đã bị thất lạc cùng với việc văn phòng bị trưng thu sau 1975. Rất mong từ nay đến thời gian đó, các thân hữu và những người quan tâm sẽ cùng nhau tiếp tục đóng góp những bài viết, hình ảnh, tư liệu về ông và các tác phẩm của ông.

Xin bước đầu cập nhật và bổ sung thêm một số thông tin hữu ích, từ những tài liệu còn giữ được và từ một số câu chuyện trao đổi giữa ông với các thân hữu mà chúng tôi được nghe:

1. Tuy nhiều nước trên thế giới có tổ chức giải thưởng mang tên Prix de Rome, nhưng chỉ có mỗi giải Prix de Rome về kiến trúc của Pháp trong giai đoạn (1720-1968) mới thực sự được trân trọng ở tầm quốc gia theo đúng nghĩa Khôi nguyên La Mã mà thôi. Báo chí thời trước gọi Giải thưởng 1er Grand Prix de Rome của KTS Ngô Viết Thụ là “Khôi nguyên giải La Mã” là vì cuộc thi được tổ chức theo ba vòng thi căng thẳng, tương tự như ba vòng thi Hương, thi Hội, thi Đình để chọn ra Khôi nguyên ngày xưa:

(1) Đây là Giải thưởng Quốc gia cao nhất về kiến trúc tại Pháp trong suốt thời kỳ ~250 năm trước 1968;

(2) Cuộc thi tuyển chỉ mở ra cho KTS dưới 35 tuổi, hoặc sinh viên năm cuối đang làm luận án tốt nghiệp trong hệ thống đào tạo KTS của Pháp, nhằm chọn ra hàng năm một KTS có triển vọng trở thành KTS hàng đầu, để trao huy chương vàng của Hàn Lâm Viện Pháp và Huy chương Vàng của Hội KTS Pháp SADG, đồng thời cung cấp đầy đủ phương tiện nghiên cứu độc lập ở Dinh Medicis của Hàn Lâm Viện Pháp tại Rome trong 3 năm kế tiếp;

(3) Mỗi năm nhà nghiên cứu phải tổ chức triển lãm báo cáo kết quả nghiên cứu, thường được Tổng Thống và các nhà lãnh đạo quốc gia Ý đến khánh thành;

(4) Những người đoạt giải thưởng 1er Grand Prix de Rome (Khôi nguyên giải La Mã) về kiến trúc đều trở thành các KTS hàng đầu, được giao phó thiết kế các công trình trọng điểm quốc gia, nếu ở lại làm việc tại Pháp thì thường được trao chức danh “KTS trưởng các công trình và dinh thự quốc gia” của Pháp (Architecte en Chef des Bâtiments Civils et Palais Nationaux) và được bầu vào Hàn Lâm Viện Mỹ thuật của Pháp;

(5) Tuy nhiên, sau khi cuộc thi tuyển Giải thưởng 1er Grand Prix de Rome hàng năm bị bãi bỏ kể từ năm 1968, Giải thưởng mang tên Prix de Rome ở Pháp về sau không còn mang giá trị cao như trước đó, do việc tuyển chọn chỉ còn dựa trên hồ sơ nộp xin học bổng nghiên cứu tại Ý, tương tự như cách tổ chức giải Prix de Rome tại các nước Bỉ, Hà Lan, Mỹ, Canada, Anh,… và từ đó chỉ còn mang ý nghĩa là một học bổng du khảo tại Ý, dành cho với số lượng lớn học giả thuộc nhiều ngành bao gồm ngành kiến trúc, trong khoảng 3-12 tháng mà thôi.

Nguyên Bí thư Thành Ủy Võ Văn Kiệt và KTS Ngô Viết Thụ trao đổi về Quy hoạch Hội chợ Quốc tế Thủ Đức (1980s)

2. Sau khi KTS Hoàng Hùng thôi chức Bộ trưởng Bộ Kiến thiết và KTS Ngô Viết Thụ từ chối nhận nhiệm vụ này, thì Bộ Kiến thiết không còn tồn tại nữa. Từ đó, công tác quy hoạch đô thị tại miền Nam trong giai đoạn 1960 đến 1975 chủ yếu được thực hiện thông qua sự hợp tác của hai cơ quan chính là (1) Tổng nha Kiến thiết và Thiết kế Đô thị, đứng đầu là KTS Lê Văn Lắm; và (2) Văn phòng tư vấn kiến trúc và chỉnh trang lãnh thổ, trực thuộc Phủ Tổng thống, đứng đầu là KTS Ngô Viết Thụ. Cùng với KTS Huỳnh Kim Mãng, đây là ba người duy nhất trong số các KTS Sài Gòn vào thời đó có thêm bằng tốt nghiệp về quy hoạch tại Pháp.

3. KTS Ngô Viết Thụ cho biết: Việc không thực hiện được dự án Thiết kế Tổng mặt bằng khu trung tâm mới kết nối Sài Gòn – Chợ Lớn là một điều rất đáng tiếc cho TP, trong đó nguyên nhân thất bại chủ yếu là do khó khăn kinh tế trong chiến tranh, và trong khi chính quyền cho triển lãm dự án tại Tòa Đô chính, nhiều nhà đầu cơ đất đai nhanh tay thu mua hết các khu đất trống trên bản vẽ quy hoạch để bán lại giá cao, do đó ngân sách chính phủ không đủ để phát triển dự án.

4. Tên gọi “Dinh Độc Lập” vẫn luôn là tên gọi chính thức từ sau 1975 cho đến nay, theo hai văn bản Quyết định số 77a-VH/QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa ký ngày 25/06/1976 v/v xếp hạng di tích Dinh Độc Lập, và Quyết định số 1272/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 12/8/2009 xếp hạng Dinh Độc Lập là một trong 10 Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt. Dinh Độc Lập từng có 1 thời gian bị gọi nhầm với tên gọi của cơ quan quản lý Dinh Độc Lập là “Hội trường Thống Nhất” (theo Quyết định số 709/QĐ-VPCP ngày 14 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ). “Dinh Thống Nhất” cũng là cách gọi sai, vì nhầm lẫn giữa hai thực thể: Dinh Độc Lập (tòa nhà) và Hội trường Thống Nhất (cơ quan quản lý tòa nhà đó).

5. KTS Ngô Viết Thụ, và người đồng nghiệp thân thiết là KTS Nguyễn Mạnh Bảo, đều nghiên cứu sâu về phong thủy trên tinh thần khoa học và văn hóa phương Đông, chứ không thiên về mê tín dị đoan.

Quan điểm của KTS Ngô Viết Thụ về phong thủy Dinh Độc Lập là theo trường phái “Vương đạo”, nhằm tối ưu hóa lợi ích chung của đất nước, của cộng đồng, trong đó đã bao trùm lợi ích riêng của chủ thể.
Nói cách khác, Phong thủy Vương đạo hướng đến các mục tiêu lớn, như: Bảo tồn và phát triển quốc gia theo nguyên tắc dân chủ (“Dân vi quý, xã tắc thứ chi, Quân vi khinh”), chứ không hề nhắm vào mục tiêu cá nhân để “giúp” giữ gìn ngôi vị hoặc tài sản cho một dòng họ trong nhiều đời sau. Nhiều người không biết rằng, vào cùng thời gian thiết kế Dinh Độc Lập, KTS Thụ cũng đang nghiên cứu thiết kế khu nhà dành cho Tổng thống Diệm an cư sau khi hết nhiệm kỳ.

Trong khi đó, quan điểm của đa số chuyên gia phong thủy hiện nay, và các sách vở thông dụng về phong thủy, đều theo trường phái “Bá đạo” (tìm cách tối ưu hóa lợi ích riêng của chủ thể và gia đình dòng họ, thậm chí có thể không ngại việc xâm phạm lợi ích của người khác khi có mâu thuẫn với lợi ích riêng của chủ thể).

Nếu xem xét thêm về ý nghĩa tâm linh phong thủy, cũng cần lưu ý thêm thực tế là việc chọn vị trí và thiết kế Dinh Norodom không hề theo nguyên tắc phong thủy. Ngược lại, thiết kế phong thủy của Dinh Độc Lập – hoàn thành năm 1966 – có thể xem đã ứng vào vận mệnh của đất nước (cuối cùng được Độc lập – Thống nhất, và công trình trở thành nơi vinh danh các giá trị quốc gia và quốc tế), và ứng vào vận mệnh các Tổng thống về sau, như Nguyễn Văn Thiệu – Trần Văn Hương – Dương Văn Minh (Phải thoái lui khi đất nước tiến lên, nhưng hậu vận không bi kịch như tổng thống tiền nhiệm).

Quy hoạch Hội chợ Quốc tế Thủ Đức (1980s)

6. KTS Ngô Viết Thụ từng tâm sự rằng: Việc đưa ý nghĩa chiết tự vào thiết kế mặt đứng chỉ được ông thêm vào, sau khi đã định hình thiết kế chính, để gửi gắm lời nhắn nhủ đến các vị Nguyên thủ Quốc gia tương lai về trách nhiệm của mình đối với đất nước, chứ đó không hề là thủ pháp thiết kế kiến trúc như mọi người lầm tưởng (không hề áp dụng cho công trình nào khác của ông). Qua nhiều bài thơ, ông thường luôn tỏ ra bức xúc trăn trở trước tình trạng đất nước chia hai, chiến tranh triền miên, dân chúng lầm than, trong khi các nước lân bang đang phát triển nhanh và mạnh trong hòa bình.

7. Chúng ta không nên gắn tên KTS Ngô Viết Thụ vào Dự án cải tạo Khu Hòa Bình năm 1993, vì ông vẫn thường lo lắng khi hai trong số nhiều góp ý quan trọng của ông vẫn chưa được nghiêm túc lắng nghe và áp dụng về sau: (1) Nâng cao giá trị không gian xanh cảnh quan và môi trường khí hậu, nhà không nên lấn át thiên nhiên hoặc xây cao hơn ngọn cây; (2) bảo vệ và nâng giá trị tầm nhìn từ trung tâm Khu Hòa Bình về phía Hồ Xuân Hương, …

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và KTS Ngô Viết Thụ tại Dinh Độc Lập (1990)

8. Nguyên nhân chính cho việc KTS Ngô Viết Thụ được bầu làm Viện sĩ Danh dự của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ AIA (Honorary Fellow of the American Institute of Architects) ở tuổi 36, trẻ nhất trong số các Viện sĩ AIA cùng thời, trước cả KTS Kenzo Tange, chủ yếu là nhờ vào hai công trình ban đầu do KTS người Mỹ thiết kế, mà sau đó đã được ông chỉnh sửa lại thiết kế một cách thuyết phục (là Viện Nguyên tử Đà Lạt và Trường Đại học Y khoa Sài Gòn), nhận được sự đồng tình và cảm phục của các KTS viện sĩ người Mỹ.

9. Nhà thờ Chánh toà Vĩnh Long hiện tại chỉ là một phiên bản đơn giản hóa của thiết kế ban đầu vốn đẹp và hiện đại hơn nhiều.

10. Quyết định phá bỏ các công trình và Tháp Việt Nam Quốc tự của KTS Ngô Viết Thụ khi chỉnh trang phát triển mới khu vực vào năm 2014, thể hiện sự thắng thế áp đảo của Khối Ấn Quang trước Khối Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tuy nhiên, đây cũng là điều rất đáng tiếc, vì đáng lý ra, việc giữ lại các công trình này và xây mới thêm theo hướng hài hòa với nhau, sẽ không những giữ lại được 1 kiến trúc đẹp cho TP, mà còn đem lại giá trị văn hóa tâm linh, giá trị hòa hợp và đoàn kết, bảo tồn và phát triển Phật giáo Việt Nam ở tầm nhìn cao xa hơn nhiều!

11. Phác thảo Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt của KTS Ngô Viết Thụ đã đề xuất định hướng chủ đạo về quy hoạch và bản sắc kiến trúc công trình. Việc khai triển thiết kế và thực hiện các công trình kiến trúc là công sức của các KTS Lâm Đồng.

12. Nhà thờ Bảo Lộc hiện tại cũng là một phiên bản kém hơn thiết kế ban đầu, vốn đẹp, đơn giản, hiện đại và có quy mô lớn hơn nhiều, nhưng tiếc là không thể thực hiện do không huy động được ngân sách cần thiết, sau khi Cha Vương Văn Điền mất.

13. KTS Ngô Viết Thụ có nhiều đóng góp quan trọng cùng chia sẻ với Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, về việc quy hoạch phát triển tại Việt Nam, đặc biệt là cho Vùng Đô thị Hà Nội, Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Vùng Đô thị TP HCM, bao gồm quy hoạch các khu đô thị vệ tinh như Khu Đô thị Đại học Thủ Đức và Khu Hội chợ Quốc tế Thủ Đức. Ông ủng hộ định hướng mở rộng phát triển TP HCM về các phía, nhưng đặc biệt lưu ý chúng ta cần phải gia tăng nhiều hơn hạ tầng không gian xanh và kênh rạch khi phát triển về phía vùng đất thấp như Nam Sài Gòn và tiến ra biển.

TSkh.KTS Ngô Viết Nam Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2023)

The post KTS Ngô Viết Thụ và những chuyện còn chưa kể appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/w1NmZP8
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét