Thiết kế công trình bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đang là xu hướng kiến trúc chủ đạo hướng đến tăng trưởng xanh toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiện nay có rất nhiều cách kiến tạo tương lai bền vững cho công trình xây dựng tại Việt Nam, từ các thiết bị như tấm pin mặt trời, đến các giải pháp thiết kế hoàn toàn mới, giúp tiết kiệm năng lượng cho công trình xây dựng.
Nhu cầu nhà ở gia tăng đã tạo nên áp lực đối với môi trường sống của con người chính là lúc các kiến trúc sư (KTS) kiến tạo ra các công trình thiết thực mang nhiều ý nghĩa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Đầu tiên là việc cải tiến và tìm kiếm giải pháp nhằm giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu thay vì việc tạo ra các sản phẩm chỉ có hình thức đẹp hay tiện lợi. Hay nói cách khác, các KTS cần mạnh dạn bước những bước đi xa hơn việc thẩm mỹ đơn thuần.
Nạn ô nhiễm môi trường đã và đang gióng hồi chuông cảnh báo với toàn xã hội loài người, và thiết kế bền vững chính là một trong những giải pháp hữu hiệu trong ứng phó với nó.
Chia sẻ về điều này KTS Phạm Trung – Trưởng nhóm thiết kế chính của STD Design Conlultant cho biết: “Trong một vài công trình, không hài lòng với các mảng xanh bên ngoài, chúng tôi tạo ra những khu vườn bên trong nhà nơi mà có thể ngắm nhìn từ phòng ngủ, tạo ra ích lợi thực sự cho môi trường sống của chúng ta. Thiết nghĩ, chúng ta cần chú trọng nhiều hơn đến công tác giáo dục các sinh viên ngành kiến trúc, hướng họ nâng cao trách nhiệm đối với thiết kế bền vững. Bên cạnh đó, đã đến lúc các KTS tập trung suy nghĩ nên làm cái mà xã hội cần thay vì mình muốn làm gì theo phong cách, sở thích cá nhân. Vì khi xem xét 1 công trình thiết kế xanh, không hẳn nằm ở việc công trình đó dùng vật liệu tái chế hay vật liệu gì mà cần xem xét tính hữu dụng của công trình đó đối với đời sống xã hội, liệu nó có xứng đáng để được xây dựng hay không”.
Khi đã biết được sự cần thiết xây dựng công trình đó, người KTS phải xem xét toàn bộ chu kỳ tồn tại của công trình, rằng có đảm bảo cho nó có sức sống dài hạn hay chúng sẽ bị phá hủy và tạo ra cả tấn rác thải.
Cụ thể như địa điểm tổ chức tiệc cưới tiết kiệm dành cho công nhân, người có thu nhập thấp thì yêu cầu đầu tư tài chính tối thiểu. Vì vậy, khi nhận công trình, các KTS đã nảy ra ý tưởng và tư vấn cho chủ nhà hàng tiệc cưới ở Bình Thạnh, TP.HCM nâng cấp tòa nhà thay vì phá bỏ và xây dựng lại. Tất cả các chi tiết kết cấu của tòa nhà đều được giữ nguyên, ổn định trước khi mặt tiền tòa nhà được bọc lại từ vật liệu composite đã được sử dụng trước đó. Cải tạo lại công trình giúp chủ đầu tư tiết kiệm được chi phí nhất là chi phí đầu tư xây dựng, chi phí nguyên vật liệu và thời gian.
Trong đó nguyên tắc thiết kế, cần hiểu rằng các công trình kiến trúc không thể tồn tại tách biệt với các yếu tố khác như cảnh quan xung quanh, chủ nhân và chức năng của chúng. Cấu trúc bền vững nên được đặt đúng vị trí thích hợp. Ông Trung chia sẻ: “Do đó, chúng tôi thường thiết kế các công trình bằng cách phản ứng với môi trường nơi chúng tồn tại, với tính bản địa của cảnh quan, góc chiếu của ánh sáng mặt trời, hướng đi của gió tự nhiên từ công trình nằm giữa những căn nhà cổ ở Quốc Oai, Hà Nội”.
Công trình 3 tầng với 3 thế hệ sinh sống, được áp dụng khéo léo phong cách đương đại. Thiết kế phù hợp trong việc tạo nên sự tương phản kiến trúc đương đại của ngôi nhà với nét cổ xưa cảnh quan lân cận. Ngôi nhà có một phần mặt hướng Tây chịu nắng nóng được xây “kín cổng cao tường”. Nhóm thiết kế đã xử lý khéo léo với 3 cửa sổ bên hông nhà nhô ra ở hướng ngược lại. Qua đó, cửa sổ đã được che chắn đi phần nắng gắt nhưng vẫn tối ưu được ánh sáng và gió tự nhiên. Gió mát sẽ đi vào thông qua hệ thống cửa sổ được lắp tại tất cả các phòng. Mặt tiền hướng Nam được ưu tiên lắp đặt tấm kính lớn, mang đến một không gian mở, lấy ánh sáng một cách tối đa khi cần thiết. Ngoài ra, ngoại thất của căn nhà còn được kết hợp từ nhiều vật liệu khác như đá ong xám địa phương, đây là loại đá có đặc tính dẻo dai và hấp thu nhiệt độ kém và tỏa nhiệt nhanh, đem lại không gian mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Đối với ngôi nhà nằm chơ vơ giữa những mái nhà tôn hoen gỉ bên cạnh, nằm tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Công trình thu hút sự chú ý của người đi đường bởi vẻ đẹp của hình khối khúc triết và đơn giản đến táo bạo với hệ thống lam trượt bằng gỗ giá tỵ có chức năng đóng – mở tối đa để che mưa che nắng mà không hạn chế tầm nhìn nhưng cũng đồng thời giúp thông gió; kết hợp với trồng xen kẽ cây xanh ngoài ban công để lọc bớt ánh nắng và giảm nhiệt trung gian cho ngôi nhà.
Áp dụng chiếu sáng và thông gió tự nhiên vào các công trình giúp giảm thiểu điện năng dùng cho thiết bị chiếu sáng nhân tạo và điều hòa nhiệt độ, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu được lượng khí thải carbon và mang lại lợi ích sức khỏe cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến chất lượng môi trường sống bền vững dài lâu.
Bên cạnh đó, một việc quan trọng nữa nên đặc biệt chú ý trong quá trình thiết kế đó là yếu tố địa phương. Các KTS nên ưu tiên sử dụng nhân công và vật liệu tại chỗ nhằm giảm bớt các tác động xây dựng, đưa công trình hòa hợp hơn với cộng đồng và liên kết xã hội xung quanh.
Và tất nhiên, chúng ta không thể nào quên được yếu tố tự nhiên. Từ góc độ vi mô đến vĩ mô, các công trình đang khuyến khích các KTS bắt đầu phải nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tái tạo lại tính bền vững trong ngành Xây dựng. Với động lực thúc đẩy và nguồn cảm hứng từ tự nhiên, chúng ta hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn, hài hòa với thiên nhiên trên mảnh đất Việt Nam tươi đẹp. Nó cũng chính là kim chỉ nam cho các KTS có quan tâm đến môi trường rằng: Đây chính là con đường và lựa chọn đúng đắn mà các KTS chuyên nghiệp nên quyết tâm đi đến cùng.
Với thiết kế độc đáo, kín trên thoáng dưới, ngôi nhà ở một vùng quê ở Đà Nẵng vừa thực dụng, vừa mang những nét kiến rất ấn tượng giữa làng quê.
Ngôi nhà rộng 257 m2, tọa lạc tại một vùng quê xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Nhà được xây dựng năm 2022, do Hinzstudio thiết kế.
Ngôi nhà nông thôn yên bình, với những cánh đồng và bụi tre xanh mướt.
Những dãy núi xa xa phía sau nhà, mở ra khung cảnh hoàng hôn và bình minh yên bình và tuyệt đẹp.
Nơi miền quê này thường xuyên hứng chịu lũ lụt hàng năm với mực nước dâng cao hơn 1m, do đó nền tầng trệt ngôi nhà được tôn cao hẳn so với mặt bằng xung quanh.
Thiết kế độc đáo, để trống không gian tầng trệt, đưa khu vực sinh hoạt lên tầng trên, không chỉ giúp ngăn ngừa lũ lụt hàng năm mà còn tạo ra tầm nhìn rộng mở ra bốn phía, khiến ngôi nhà vừa thông thoáng, vừa tránh được những tác động khắc nghiệt của thời tiết.
Nhìn bên ngoài, căn nhà được thiết kế bằng những đường nét vừa cứng cáp, vừa mềm mại, kết hợp hài hòa với môi trường thiên nhiên xung quanh.
Vào buổi tối, ngôi nhà hiện lên đẹp lung linh như trong chuyện cổ tích.
Ánh đèn vàng làm cho ngôi nhà có cảm giác ấm cúng, mặc dù đứng lẻ loi một mình giữa cánh đồng.
Ngôi nhà là sự kết hợp của nhà ở và một quán ăn Ý nhỏ trên con phố thanh bình ở Hàm Tiến, Mũi Né, Việt Nam. Bắt nguồn từ cặp đôi Hà Nội – Italia với tình yêu tại vùng biển Mũi Né nắng gió xinh đẹp.
Ngôi nhà kết hợp với nhà hàng này là ký ức về đường phố Hà Nội với mái rêu xanh, tường gạch vụn, hiên nhà ngập nắng và ẩm thực Địa Trung Hải bắt nguồn từ Rome.
Mong muốn của Vy và Ales Sandro – chủ nhân ngôi nhà là một không gian nhà hàng khiến khách hàng có cảm giác như ở nhà của họ — chân thật và ấm cúng.
Vì vậy, nhóm thiết kế đã đưa những chất cảm tự nhiên gợi nhớ về những điều bình yên vào thiết kế kiến trúc, ví như nhịp điệu đều đặn và quen thuộc của các bức tường gạch cũ, lá dừa biển, những tấm bê tông thô ráp, tre nứa, gỗ tái sử dụng…
Và cuối cùng không thể thiếu những mảng xanh nhiệt đới khắp các ngóc ngách cũng như lớp cỏ trải ở sân thượng, nhờ đó “dòng chảy” văn hóa đặc trưng giữa Hà Nội, Mũi Né và Ý đã được khắc họa trọn vẹn trong khối dáng trúc.
Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) đã chia sẻ một số vấn đề về Định hướng kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống, phát huy hiệu quả quy chế quản lý kiến trúc để cân bằng và hài hòa giữa Bảo tồn và Phát triển – Truyền thống và Hiện đại – Bản sắc và Tiên tiến.
PV: Thưa PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương, năm 2023 khép lại với nhiều thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, các vấn đề về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống theo tinh thần Chỉ thị số 04/CT-TTg tiếp tục được cộng đồng và xã hội quan tâm, được xác định là quá trình lâu dài và đang tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi từ những giá trị văn hóa bản địa… Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương: Như chúng ta đã biết, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại một trong những tư tưởng xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng ta từ ngày đầu lập Đảng – đó là “Văn hóa nói lên bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước xác định những nội dung lớn để định hướng phát triển nhiều lĩnh vực trong đó có việc phát triển nền kiến trúc Việt Nam. Để hiện thức hóa những nhiệm vụ quan trọng đó, ngày 7/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Đặc biệt, khu vực nông thôn Việt Nam là nơi lưu giữ bền vững nhất những giá trị về văn hóa (vật thể và phi vật thể), bao gồm: Văn hóa vật chất, Văn hóa tinh thần và Văn hóa tổ chức xã hội.
Nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chiến lược, chính sách, mô hình, giải pháp để phát triển nông thôn song hành với bảo tồn, lưu giữ, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa bản địa từ nông thôn, như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hiện đại hóa và công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, đang có xu hướng nan giải, xung đột với những căn cố, những quan điểm và nhận thức của một nơi, vốn lưu giữ sâu đậm nhất những giá trị của nền văn hóa, những giá trị tinh hoa của dân tộc, nhưng cũng có thể chứa đựng những bảo thủ, trì trệ thông qua những cốt cách mang tính cộng đồng, tự trị.
Những vấn đề đặt ra khi các di tích, di sản kiến trúc truyền thống đang mất dần bởi thời gian, cách ứng xử của cộng đồng; văn hóa, lối sống đang bị đô thị hóa xâm lấn, làm mai một văn hóa gốc rễ. Khi đưa ra các cơ chế chính sách, cụ thể hóa bằng các đồ án quy hoạch duy ý chí, với việc không có biện pháp duy trì những giá trị văn hóa từ các khu định cư truyền thống của làng xóm, bên cạnh các khu phát triển mới, đang xuất hiện xu thế chung – một form mẫu chung cho tất cả các vùng nông thôn trên cả nước, phá vỡ và đi ngược lại sự hình thành với cốt cách văn hóa của nông thôn…
PV: Vậy đâu là nguyên nhân phá vỡ hình thái và cấu trúc không gian kiến trúc làng quê, thưa PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương?
PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương: Trước hết, cần hiểu rõ, với đô thị và ven đô thị, nhà ở riêng lẻ là một tế bào đất ở, có thể tọa lạc ở các đơn vị ở như nhà liền kề, biệt thự, nhà vườn… Chúng đang có tính chất tế bào đất ở dạng studio, tùy theo quy mô đất sử dụng. Hoàn toàn khác xa với tế bào đất ở nông thôn, với sinh kế gắn với nông nghiệp, mỗi khuôn viên nhà ở vừa ở, vừa canh tác vườn, ao, chuồng tuần hoàn (thường tính theo m2 hoặc sào Bắc bộ); với lâm nghiệp và ngư nghiệp, có thể bằng (ha), bao gồm cả diện tích canh tác sản xuất rừng, cây lâu niên, chăn thả gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản, phát triển kinh tế du lịch cộng đồng…
Từ việc không nhận diện đúng bản chất đó, dẫn tới sự thất bại được đưa đến bởi 02 lý do: Cho phép việc tách thửa đất trong các khuôn viên nhà ở truyền thống, từ thừa kế, đến chuyển dịch mua bán… không kiểm soát, dẫn đến khó khăn trong quản lý, xây cất với nhiều hình thức phong cách khác nhau, phá vỡ và làm biến dạng hình thái và cấu trúc không gian kiến trúc làng quê, xâm lấn và phá hủy dần ngôi nhà kiến trúc truyền thống nguyên sơ từ ban đầu, gia tăng mật độ dân số, mật độ cư trú, biến đổi cư dân gốc, du nhập văn hóa ngoại lai…
Đối với các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, còn thiếu bài bản và nhất thể hóa cho tất cả các vùng miền nông thôn; Quy hoạch và cấu trúc các đơn vị ở, tế bào đất ở giống đô thị, mua bán chuyển quyền sử dụng các tế bào đất ở, xây cất không có cấp phép xây dựng hoặc để hoang hóa, đầu tư nóng để hưởng chệnh lệch về sự biến động của đất.
Đối với một số vùng miền nông thôn, nơi có ít nhiều quỹ công trình kiến trúc nhà ở có giá trị như nhà sàn, nhà rường…, đang bị thương mại hóa, mua bán và di chuyển về các vùng đô thị, mất dần hình thái quy hoạch và quỹ vật chất tiêu biểu có tính bản địa. Người nông dân chưa ý thức được họ đang sở hữu và sử dụng các giá trị văn hóa có giá trị ở dạng vật thể và phi vật thể. Do đó, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước để gìn giữ và phát huy các giá trị bản địa.
Ngoài ra, một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, thiếu tổng kết lý luận và dẫn hướng. Công tác lý luận phê bình còn hạn chế. Công tác nghiên cứu khoa học ít đóng góp cho kiến tạo… Đặc biệt là trình độ quản lý, quản trị còn hạn chế của các cấp chính quyền nông thôn.
PV: Từ những nguyên nhân nêu trên, bà có thể cho biết những định hướng và giải pháp chính trong quy hoạch, kiến trúc để cân bằng và hài hòa giữa Bảo tồn và Phát triển – Truyền thống và Hiện đại – Bản sắc và Tiên tiến?
PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương: Trước hết, phải từ Quy hoạch và Kiến trúc (định lượng các chỉ tiêu về quy hoạch sử dụng đất). Xuất phát và cụ thể hóa, định lượng hóa các chỉ tiêu từ các đồ án Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết… về chỉ tiêu mật độ dân số, mật độ cư trú, mật độ xây dựng, diện tích đất ở tối thiểu; Phân khu bảo tồn, tái phát triển và phát triển… với 03 trụ cột nguyên tắc cơ bản “Bảo tồn giá trị văn hóa – Gìn giữ môi trường – Phát triển”. Với mục tiêu cân bằng động giữa Văn hóa vật chất – Văn hóa tinh thần – Văn hóa tổ chức xã hội, trong đó đặc biệt lưu ý đến Văn hóa ứng xử với môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.
Xác định rõ 05 nguồn lực để đầu tư: Tài nguyên – Sức lao động – Nguồn vốn – Công nghệ – Giá trị văn hóa và kiến trúc bản địa (bắt rễ từ trong văn hóa). Giải quyết thỏa đáng: Sinh kế của người nông dân, đi đôi giữa an cư và lạc nghiệp, thứ nhất dương cơ, thứ nhì âm phần, giải quyết thỏa đáng giữa thuần nông và ly nông… Từng bước song hành với hiện đại hóa mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng công nghệ cao, tuần hoàn, sản phẩm đạt năng suất và giá trị kinh tế cao theo hướng OCOP, hướng tới phát triển bền vững… đặc biệt là các sản phẩm có giá trị độc đáo từ các làng nghề thủ công truyền thống.
Để hiện thực hóa cần phát triển xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng xác định các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp chủ lực để có hướng sản xuất, xây dựng mô hình Trung tâm hỗ trợ nông nghiệp theo quy mô xã, liên xã, huyện, liên huyện, với các chức năng hướng nghiệp, dạy nghề, trao đổi thị trường công nghệ, hàng hóa’ kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, Nhà nước ở trong nước và quốc tế
Khảo sát, đánh giá, lập tiêu chí xác định các công trình kiến trúc truyền thống có giá trị, gồm: Điều tra, khảo sát, vẽ ghi, lập hồ sơ khoa học bản vẽ và đánh giá; xác định giá trị dựa trên các tiêu chí về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan, duy nhất…; phân loại và xếp hạng; lập danh mục bảo tồn, tu bổ, cải tạo, xây dựng lại mới, chuyển đổi mục đích sử dụng…; lập quy chế quản lý cho: xóm, thôn, làng, tổ dân phố, khu vực; đường giao thông liên huyện, xã, thôn; các công trình kiến trúc công cộng (Hiện hữu, truyền thống, tái phát triển; Phát triển: khu trung tâm, điểm dân cư nông thôn mới).
Những giá trị văn hóa ở cả vật thể và phi vật thể được nâng thành truyền thống của quốc gia, địa phương… tụ hội bởi tính ổn định, cộng đồng và lưu truyền. Với nông thôn cần được dung hợp trong quá trình phát triển theo hướng bền vững. Đồng thời giúp cân bằng và hài hòa giữa Bảo tồn và Phát triển – Truyền thống và Hiện đại – Bản sắc và Tiên tiến. Bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa để xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và cảnh quan nông thôn cũng góp phần củng cố sự bền vững trong an ninh lương thực quốc gia, bởi “Phi trí bất hưng, phi thương bất phú, phi công bất hoạt, phi nông bất ổn”.
Xác lập các khu ở định cư truyền thống, khống chế tách thửa diện tích khuôn viên ô đất phù hợp với diện tích của ô đất (khuyến khích giữ nguyên và định hình cơ cấu hộ gia đình phù hợp). Mở rộng và tái phát triển mạng lưới giao thông hiện hữu, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên. Thiết lập sổ tay hướng dẫn và khuyến khích, bảo trợ xây dựng cải tạo và xây mới nhà ở theo các mẫu thức kiến trúc truyền thống của địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh…
Hướng dẫn bảo tồn, tu tạo, phục dựng hoặc xây mới các công trình kiến trúc nhà ở, công cộng, tôn giáo tín ngưỡng… có giá trị văn hóa. Chấn hưng và phục hồi thích ứng các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống. Xây dựng các cơ sở vật chất mới cho các hoạt động văn hóa đương đại kết hợp lễ hội văn hóa truyền thống, trên cơ sở vận dụng các mẫu thức kiến trúc truyền thống (nhà văn hóa thể thao, nhà cộng đồng…).
Khuyến khích phát triển kinh tế du lịch địa phương, cộng đồng, hộ gia đình trên cơ sở khai thác từ quỹ kiến trúc nhà ở gắn với văn hóa, sản xuất, lễ hội, tập quán… Dùng sự ảnh hưởng của các khu vực định cư làng xóm truyền thống, có tính chất xanh cả cư trú lẫn hạ tầng, tạo sức lan tỏa và kết nối với các khu vực phát triển mới thông qua các khu ở dân cư mới, các khu sản xuất theo mô hình công nghệ hiện đại.
Đối với các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chú ý tránh phát triển bám theo các trục giao thông liên huyện, xã, thôn… Nên phát triển cụm dân cư theo mô hình tập trung (kiểu mạch vòng) với diện tích đủ để ở gắn với kinh tế hộ gia đình. Khuyến khích phát triển nhà ở riêng lẻ dạng bán kiên cố, gắn với sinh kế và sản xuất ở các trang trại, khu du lịch cộng đồng… theo mẫu thức kiến trúc truyền thống. Đặc biệt, cần hiệu chỉnh tiêu chuẩn diện tích đất ở và kích thước ô đất cho phù hợp với các vùng nông thôn, tại các điểm định cư mới thuộc đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
PV: Như PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương vừa chia sẻ, một trong những giải pháp chính để bảo tồn và phát triển kiến trúc nông thôn đó là lập quy chế quản lý kiến trúc, cũng như lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị, bà đánh giá như thế nào về vai trò của công cụ quản lý này?
PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương: “Quy chế quản lý kiến trúc” là một công cụ pháp luật mới – quy định trong Luật Kiến trúc, cùng với “Danh mục các công trình kiến trúc có giá trị” – được kỳ vọng sẽ phát huy tác dụng quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ các công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị và nông thôn có giá trị, đồng thời kiến tạo không gian kiến trúc, cảnh quan có chất lượng, từ tổng thể đến chi tiết cho các vùng đô thị và nông thôn ở Việt Nam trong tiến trình phát triển. Với công cụ mới này, chúng ta hy vọng sẽ có thêm một “lớp bảo vệ” để ngăn chặn những thảm họa cảnh quan đô thị và nông thôn, cũng như việc xóa sổ các công trình kiến trúc có giá trị để thay thế bằng những dự án mới, mà không được đánh giá đầy đủ các tác động về giao thông, môi trường và văn hóa, đã và đang diễn ra trên khắp cả nước.
PV: Được biết, Viện Kiến trúc Quốc gia đã tham gia lập quy chế quản lý kiến trúc tại nhiều địa phương, từ thực tiễn triển khai, thực hiện đã phát sinh những bất cập, khó khăn gì? PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương có thể chia sẻ thêm.
PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương: Viện Kiến trúc Quốc gia với vai trò là Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia trong lĩnh vực kiến trúc trực thuộc Bộ Xây dựng, thời gian qua, Viện cùng các chuyên gia đã tích cực tham gia hỗ trợ các địa phương lập Quy chế quản lý kiến trúc tại: Đà Nẵng, Huế, Lai Châu, Quảng Ngãi, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Giang…
Từ kinh nghiệm xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy một số bất cập, khó khăn như sau: Cần phải khẳng định, quản lý kiến trúc ở nông thôn không chỉ thuần túy ở yếu tố “Kiến trúc” – khó định lượng và hết sức phiến diện. So sánh giữa Nghị định 38/2010/NĐ-CP với các điều khoản trong Luật Kiến trúc và Nghị định 85/2020/NĐ-CP sẽ thấy rõ chỉ bỏ chữ “Quy hoạch”. Do đó, cần phải dựa trên các chỉ tiêu quy hoạch về sử dụng đất như mật độ xây dựng, chiều cao, hệ số sử dụng đất… từ các đồ án quy hoạch xây dựng như quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… Quy chế quản lý Quy hoạch và Kiến trúc đã bãi bỏ, trong khi quy chế quản lý Kiến trúc nông thôn chưa xây dựng và cụ thể hóa. Vậy quản lý như thế nào? Từ đâu? Bên cạnh đó, cần nhìn nhận thực chất quản lý phải bằng quy hoạch và tính pháp lý của quy chế sẽ nằm ở đâu giữa các bộ luật hiện hành và những điều khoản bắt buộc hoặc hướng dẫn thi hành? Chủ thể nào là chính để có quyền hạn thực thi quy chế?
Trong nội dung quy chế, có yêu cầu cần khảo sát, nhận diện, xác định giá trị và phân loại các công trình kiến trúc có giá trị để từ đó có giải pháp ứng xử, bảo tồn, khai thác và phát huy. Đồng thời có hướng dẫn bảo tồn, tu tạo, hạ giải, xây mới… Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa 2001 (đã bổ sung sửa đổi năm 2009) hiện mới chỉ có quy định chính thức công nhận “di tích”, mà chưa có tiêu chí công nhận “di sản kiến trúc”, càng không có “di sản đô thị” hoặc “di sản nông thôn”. Như vậy, rất cần thiết phải mở rộng khái niệm “di tích” sang khái niệm “di sản”, cũng như vận dụng cho các quỹ di sản đô thị và cả ở khu vực nông thôn.
Loại hình “công trình kiến trúc có giá trị” được quy định trong Luật Kiến trúc ban hành năm 2019 có nhiều yếu tố khác biệt với “di sản đô thị” bởi các quy định đánh giá, phân loại, bảo vệ, đầu tư và phát huy không thể giống nhau. Giới chuyên môn vẫn đang trông đợi Luật Di sản văn hóa (hiện đang được sửa đổi lần 2) sẽ bổ sung loại hình “di sản” quan trọng này.
PV: Với di sản cho cả đô thị và nông thôn, bảo tồn di sản khó có thể chỉ bảo tồn theo điểm giống như di tích, mà di sản đô thị hoặc nông thôn còn có thể là mảng, là vùng, là không gian hình thái và cấu trúc… Vậy nông thôn, với các quần thể công trình kiến trúc, quần thể làng… với quy mô rộng lớn, có giá trị sẽ được quy định như thế nào? Cuối cùng, để Quy chế quản lý kiến trúc triển khai thực sự hiệu quả, tránh phát sinh những bất cập trong quá trình thực hiện. Chúng ta cần phải làm gì?
PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương: Thực tiễn cho thấy, mọi công cụ pháp luật mới khi đi vào cuộc sống đều sẽ gặp những lực cản thực tế đến từ các yếu tố khách quan và chủ quan.
Mặc dù vậy, với công cụ mới là Quy chế quản lý kiến trúc, tôi cho rằng đây là cơ hội mới để quản lý kiến trúc, cảnh quan cho khu vực đô thị và nông thôn tốt hơn; Quá trình chuyển hóa các quy định pháp lý vào thực tiễn là quá trình hai chiều và cần thời gian để chuyển hóa quy định mới trong Luật Kiến trúc vào cuộc sống một cách nhuần nhuyễn, hiệu quả.
Cần xác định quy chế là công cụ thực sự cho các cấp chính quyền trong quản trị và vận hành. Xây dựng quy chế quản lý, quản trị và vận hành, phải lưu ý tới vấn đề phát triển kinh tế bền vững, gắn với sinh kế của người dân và hộ gia đình.
Riêng vấn đề lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị, nên xác định các công trình kiến trúc có giá trị (nhưng chưa đến mức là di sản) như các công trình gắn với giai đoạn lịch sử hay rất nhiều đối tượng kiến trúc gắn với cảm xúc, ký ức của người dân bản địa, giúp địa phương đó duy trì và tiếp nối lịch sử. Qua đó, kể chuyện lịch sử thông qua kiến trúc, những bản sắc kiến trúc đã được các thế hệ kiến trúc sư, nhà quản lý tại địa phương đó khẳng định, tự hào và mong muốn phát huy.
Đồng thời, áp dụng khoa học công nghệ trong ứng dụng BIM để xây dựng công trình, trong đó có công nghệ H-BIM – “mô hình thông tin di sản” (Heritage or Historical Building Information Modelling) là một ứng dụng mở rộng dựa trên ứng dụng phương pháp BIM, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc hoặc kiến tạo các không gian văn hóa sáng tạo dựa trên các địa điểm, nơi chốn của di sản.
Vì vậy, cần phải làm thí điểm cho một vài địa phương, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, đánh giá toàn diện, tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật, rồi mới ban hành và triển khai nhân rộng.
Viện Kiến trúc Quốc gia luôn đồng hành, hỗ trợ các địa phương tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, nông thôn.
Tạo nên một cây cầu đẹp không phải là xây dựng nên một cây cầu hoành tráng mà cây cầu đó phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và bối cảnh xây dựng xung quanh. Xoay quanh chủ đề này, TS.KTS Nguyễn Việt Huy đã có những phân tích, đánh giá về tính biểu hiện trong kiến trúc công trình cầu trong điều kiện kỹ thuật xây dựng tại Việt Nam hiện nay.
Xây dựng cầu đường đang gặp rất nhiều thách thức trong bối cảnh phát triển chung của ngành xây dựng Việt Nam
Năm 1954, hòa bình lập lại nhưng nước ta vẫn tạm thời bị chia cắt hai miền Nam, Bắc. Nhiệm vụ lớn nhất của ngành giao thông vận tải trong thời kỳ này là khôi phục lại hệ thống giao thông để phục vụ phát triển kinh tế miền Bắc đồng thời chi viện cho chiến trường miền Nam. Cầu Hàm Rồng, Cầu Việt Trì, Cầu Phủ Lạng Thương… và hàng loạt cầu trên các tuyến đường sắt Hà Nội – Vinh, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, có kết cấu chủ yếu là dàn thép đã được xây dựng trong thời kỳ 1954 – 1964.
Giai đoạn 1964 – 1975 là giai đoạn đảm bảo giao thông chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và chi viện cho giải phóng miền Nam. Sự tàn phá của chiến tranh trong một giai đoạn dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông cả hai miền Nam, Bắc. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, có thể nói không còn một tuyến đường bộ nào ở miền Bắc đạt cấp kỹ thuật đồng bộ.
Trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1995, do đất nước vẫn đang bị bao vây, cấm vận, ngân sách nhà nước hết sức khó khăn nên ngành GTVT tập trung chủ yếu nguồn lực cho công tác duy tu bảo dưỡng để đảm bảo ATGT và triển khai xây dựng một số công trình thực sự cấp bách. Có tầm vóc lớn, góp phần phát triển kinh tế xã hội như: Cầu Rào, Niệm, An Dương (Hải Phòng) cầu Bo (Thái Bình) là cầu bê tông dự ứng lực thi công bằng công nghệ lắp hẫng; cầu Yên Bái, Đò Quan, Bến Thủy, Việt Trì, Phong Châu… bằng dàn thép.
Giai đoạn từ năm 1995 đến nay được bắt đầu bởi nhu cầu xây dựng cầu Gianh trên QL1. Các phương án được đề xuất như phương án khung T nhịp đeo theo kiểu cầu Rào, phương án “banh” dàn thép theo kiểu Chương Dương, Bến Thủy… đã không được các cơ quan có thẩm quyền thông qua do thiếu tính khả thi. Trong khi đó, nguồn thép viện trợ ngày càng khan hiếm và đến đầu những năm 90 thì không còn nữa. Yêu cầu xây dựng những cây cầu vượt nhịp lớn ngày càng cấp thiết.
Từ những sơ lược trên để có thể rằng mặc dù ngành xây dựng cầu đường thuộc bộ GTVT chính thức được thành lập từ năm 1945, tuy nhiên phải đến 50 năm sau, vào năm 1995, Việt Nam mới làm chủ được công nghệ đúc hẫng trong xây dựng cầu. Vì vậy có thể nói ngành xây dựng cầu đường tại Việt Nam đến nay mới có tuổi đời chỉ khoảng 30 năm.
Bên cạnh đó, cũng giống như nhiều ngành kỹ thuật khác hiện nay, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào thiết kế thi công là yêu cầu bắt buộc với việc thiết kế xây dựng Cầu Đường. Các phần mềm thiết kế, tính toán hoặc các công nghệ tự động hóa có thể giúp cho quá trình giải quyết công việc của Kỹ Sư Cầu Đường đơn giản và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện học hỏi và nắm bắt kịp thời, đặc biệt là với những người có kinh nghiệm làm việc lâu năm thì đây có thể là một sự thay đổi lớn. Bên cạnh đó, các công nghệ mới thường có chi phí khá cao, đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn, liên quan tới trang thiết bị cũng như đào tạo. Nhìn chung, việc triển khai và áp dụng công nghệ mới phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách đầu tư và yếu tố con người.
Từ đó có thể thấy rằng, với kỹ thuật xây dựng cầu tại Việt Nam hiện nay và đối với bối cảnh chung của ngành xây dựng Việt Nam, việc tạo nên một cây cầu đẹp không phải là xây dựng nên một cây cầu hoành tráng mà nó phải là một cây câu phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và bối cảnh xây dựng xung quanh.
Một cây cầu để trở thành biểu tượng không chỉ cần đáp ứng những yếu tố về tạo hình kiến trúc mà hơn hết còn phải đáp ứng những yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật
Cầu là một ngành khoa học kết cấu với các nguyên tắc chặt chẽ, ngay từ xa xưa người ta đã xem cầu là một phần của kiến trúc mà kiến trúc là một ngành khoa học nghệ thuật lâu đời nhất của con người xuất hiện từ thời tiền sử khi con người bắt đầu rời khỏi hang đá ra sống ở lều cỏ. Cầu còn là một môn khoa học nghệ thuật kết cấu và cụm từ “nghệ thuật kết cấu” mới chỉ được công nhận thời gian gần đây. Cần có những nguyên tắc chung cho thiết kế kiến trúc cầu trong đô thị.
Hiểu theo nghĩa hiện đại thì các công trình cầu không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật với vẻ đẹp khách quan và tồn tại vĩnh cửu mà còn là một sản phẩm sáng tạo của con người thỏa mãn tối đa công năng sử dụng và bền vững theo thời gian. Chính vì vậy, trong tác phẩm “Die Brücke und die Stadt – Cây cầu và thành phố” của Daniel Biau, Presses des Pont, Paris 2012, trong số 15 cây cầu tuyệt đẹp gắn liền với các thành phố của nó, cầu Long Biên của Hà Nội đã được lựa chọn giới thiệu đại diện cho khu vực Đông Nam Á.
Kiến trúc sư Otto Wagner (1841 – 1918) từng được mệnh danh là “Baulöwe – Con sư tử trong ngành kiến trúc xây dựng” và từng là Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Kiến trúc sư Áo cũng có một câu nói nổi tiếng: “… Chỉ những gì đúng về mặt xây dựng mới có thể trở nên đẹp đẽ – … only what is constructively correct can be beautiful”. Cầu vượt Wienzeile do O. Wagner xây dựng vào năm 1898 là một trong những minh chứng.
Một cây cầu được xây dựng thành công phải xét đầy đủ 4 tiêu chí: vững vàng, đúng chức năng, tiết kiệm và tao nhã. Giải quyết hài hòa 4 tiêu chí này, trong đó có tiêu chí tao nhã thì việc xây dựng cầu không chỉ là một kỹ thuật mà còn là một nghệ thuật.
Vững vàng: An toàn đối với con người trong quá trình sử dụng là điều kiện tiên quyết được đặt lên hàng đầu. Một công trình không an toàn đối với con người thì không thể tồn tại được.
Đúng chức năng: đây là điều kiện cốt yếu, là mục đích của việc xây dựng. Chúng ta xây cầu là để phục vụ giao thông đi lại thuận tiện chứ không phải để đủ số lượng hay để trang trí. Từ đó, chúng ta mới xét tới bề rộng mặt cầu đủ đảm bảo số làn xe và đường lên xuống thích hợp cho từng loại phương tiện. Tùy điều kiện tại chỗ (địa hình, địa chất, thủy văn…) và các yêu cầu khác như vấn đề thông thuyền, chiều cao tối đa, điều kiện và khả năng thi công… để xác định chiều dài nhịp và kết cấu thích hợp cho từng đoạn cầu, tạo nên hình dáng chiếc cầu. Chính vì vậy mới có câu “hình dạng đi theo chức năng” (form follows function).
Tiết kiệm: Thuộc phạm trù kinh tế cũng và cũng là yếu tố quyết định. Một cây cầu được xây không phải là bằng mọi giá mà phải với chi phí hợp lý và trong khả năng cho phép. Chi phí ở đây là chi phí toàn vòng đời của công trình, bao gồm: chi phí xây dựng, chi phí sử dụng, chi phí bảo trì, chi phí xét tới yếu tố mỹ quan…, có thể phải chi thêm dăm bảy % thì vẫn nằm trong khoảng chấp nhận được. Với các cây cầu mang tính cách tiêu biểu cho địa phương, chi phí phụ thêm có thể cao hơn nhưng không thể quá cao, nếu cao đến mức thêm tới hàng chục % thì phải cân nhắc vì chi phí bảo dưỡng, bảo trì mà khi thiết kế cũng phải xét tới.
Tao nhã: Thuộc phạm trù thẩm mỹ và ở đây vẻ đẹp phải là tự nhiên, đơn giản, độc đáo nhưng khả thi và hài hòa với môi trường tại chỗ, có tỷ lệ cân bằng thanh nhã tạo cho công chúng ấn tượng thuận mắt từ nhiều góc nhìn (nhìn khi đi trên cầu, nhìn từ dưới lên, trên xuống, từ hai bờ…) chứ không đơn giản chỉ nhìn trên mô hình. Trang trí khiên cưỡng không xét tới yếu tố truyền lực chỉ tạo ra ấn tượng phản cảm trong khi chiếu sáng mỹ thuật toàn cầu có thể tạo ấn tượng hiệu quả.
Chính vì giữ những vai trò đặc biệt như vậy trong đô thị, Cầu đô thị là một thể loại công trình đặc biệt mà không thể so sánh với các thể loại công trình công cộng khác. Đối với công trình cầu đô thị thì theo đó, ngay từ bước thi tuyển lựa chọn Phương án kiến trúc cũng cần phải xem xét một cách kỹ càng đến những yếu tố về tính an toàn, bền vững và cả tính khả thi về mặt kỹ thuật và thi công.
Bên cạnh đó Thành phần Hội đồng giám khảo các cuộc thi sáng tác kiến trúc cây cầu ở vị trí quan trọng không nên chỉ là KTS, quy hoạch chung chung mà là các chuyên gia chuyên ngành liên quan, kỹ sư công nghệ cầu đường, thậm chí còn là sự kết hợp của các nhà điêu khắc, họa sĩ để vừa tạo dựng không gian, kiến trúc vừa đảm bảo kết cấu, công nghệ tương thích, hiện đại, khả thi.
Thiết kế cầu đơn giản trong biểu hiện nhưng rất đa dạng trong cách thức truyền tải ý tưởng kiến trúc
Để công trình cầu trở thành một tác phẩm kiến trúc là điều không đơn giản. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, cầu không chỉ là một công trình giao thông, nó còn là một tác phẩm nghệ thuật, một biểu tượng văn hóa marketing hình ảnh đô thị, tinh thần nơi chốn.
Không thể phủ nhận rằng tại Việt Nam, trong khoảng chục năm trở lại đây, khi một số cây cầu trong nước được thiết kế và xây dựng bởi các nhà thầu quốc tế đã mang lại cho các TP những vẻ đẹp riêng đặc sắc, thì chất lượng kiến trúc cầu đã dần dần được quan tâm và cải thiện. Một số cuộc thi tuyển kiến trúc cầu đã có sự tham gia của các KTS kết hợp với các kỹ sư kết cấu để tạo ra những cây cầu vừa hợp lý về kết cấu lại vừa có tính thẩm mỹ cao về kiến trúc.
Tuy nhiên các dạng kết cấu phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay không nhiều và hơn hết, cùng chức năng, cùng tài chính, cùng phương pháp và điều kiện tự nhiên thì việc có cùng lựa chọn dạng kết cấu sẽ dễ gây lầm tưởng cho những người không có chuyên môn là kiến trúc “na ná” giống nhau.
Các công trình cầu cùng loại thường có nhiều nét tương đồng về hình tượng nhưng đều truyền tải những thông điệp, những ý tưởng kiến trúc khác nhau. Chính vì vậy để hiểu và đánh giá đúng được ý tưởng kiến trúc của một cây cầu mà chỉ thông qua những tạo hình kiến trúc bên ngoài, những hình khối mỹ thuật đơn giản thì sẽ gây những hiểu nhầm đáng tiếc.
Lời kết
Cầu không chỉ là một công trình gắn liền với đời sống kinh tế xã hội của người dân. Nó còn là một phương tiện để lưu thông và là một công trình để kết nối các khu vực vùng miền. Đó là điều hiển nhiên và ai cũng nhìn thấy. Tuy nhiên có một điều còn ẩn chứa trong những cây cầu mà không phải ai cũng nhìn thấu. Đó là giá trị văn hóa – thẩm mỹ mà cây cầu có thể mang lại cho các đô thị, các địa phương với những đặc trưng địa lý, văn hóa lịch sử khác nhau.
Chính vì vậy, sự đầu tư thông minh trong việc xây dựng các cây cầu sẽ gắn liền với tầm nhìn không chỉ xem cầu như một công trình giao thông mà cần phải coi cầu như một công trình, một tác phẩm kiến trúc có sự cộng sinh của các yếu tố kỹ thuật – mỹ thuật, được thiết kế bởi kiến trúc sư kết hợp với kỹ sư chuyên ngành cầu đường.
Tuy nhiên với thể loại công trình đòi hỏi một tiêu chuẩn cao về yếu tố kỹ thuật thì tính biểu hiện của kiến trúc lại phụ thuộc rất nhiều vào các giải pháp kết cấu và thi công. Chính vì vậy việc đánh giá yếu tố biểu hiện và tính thẩm mỹ trong hình tượng kiến trúc của công trình cầu cần được đánh giá và xem xét một cách khách quan từ các chuyên gia có hiểu biết về nghề, cần phải đối chiếu và so sánh trên rất nhiều những khía cạnh khác nhau để tránh sự quy chụp và gây ra những nhầm lẫn không đáng có.
Theo TS.KTS Nguyễn Việt Huy (Kiến Việt) Nguồn ảnh đại diện: báo Thanh Niên
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Phúc Trí. (2022). Bàn về nghệ thuật cầu
Tổng Trần Tùng (2017). 72 năm phát triển của ngành xây dựng cầu Việt Nam
Nguyễn Phú Đức (2021). Điều kiện cần và đủ khi xây dựng cầu trong đô thị
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 11823-2:2017 THIẾT KẾ CẦU ĐƯỜNG BỘ – PHẦN 2
Ngày 22/02/2024, Hội KTS Việt Nam phối hợp cùng Landco Corporation tổ chức chương trình Gặp mặt đầu Xuân Giáp Thìn 2024 kết hợp tham quan, trải nghiệm nhà máy sản xuất nội thất Landco Bắc Ninh nhằm tạo cơ hội giao lưu nghề nghiệp, chia sẻ chuyên môn giữa những người đang hành nghề trong lĩnh vực kiến trúc – nội thất – cảnh quan.
Chương trình có sự tham gia của TS. KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Nguyễn Thúc Hoàng – Nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Đỗ Xuân Thủy – Chủ tịch Hội KTS Bắc Ninh cùng các chuyên gia từ Hội KTS Việt Nam, Hội KTS Bắc Ninh, Chi Hội Kiến trúc cảnh quan, Chi hội KTS công ty CDC, các trường Đại học, đơn vị tư vấn thiết kế… Về phía Landco Corporation, đại diện có Ông Phạm Xuân Thiết – Chủ tịch HĐQT Landco Corporation và các cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Landco và các thương hiệu thành viên LandDecor, LandFurniture, LandProduction
Đại diện Hội KTS Việt Nam, TS. KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội cho biết: “Qua trải nghiệm tại nhà máy của Landco, có thể thấy các sản phẩm nội thất ở đây được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng vươn tầm quốc tế, phục vụ đa dạng khách hàng với các công trình – dự án hàng đầu tại Việt Nam. Chính vì vậy, sự đồng hành, chia sẻ chuyên môn giữa Landco Corporation và các hệ thống thuộc Hội KTS Việt Nam là rất cần thiết nhằm đóng góp cho sự phát triển của nền kiến trúc – nội thất Việt Nam mang bản sắc dân tộc, xứng tầm thời đại và hội nhập quốc tế một cách bền vững.”
Ông Phạm Xuân Thiết – Chủ tịch HĐQT Landco Corporation cũng có lời cảm ơn chân thành đến Hội KTS Việt Nam cùng các chuyên gia đã dành thời gian đến tham quan trải nghiệm nhà máy sản xuất nội thất LandProduction. Ông cho biết thêm, là một phần trong cộng đồng kiến trúc nội thất tại Việt Nam, Landco thấu hiểu nỗi trăn trở và khao khát định vị được thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế và đó cũng chính là hoài bão mà Landco đang hướng tới. Landco mong muốn sẽ được đồng hành cùng Hội KTS Việt Nam đóng góp nhiều hơn vào việc tạo dựng những giá trị tốt đẹp hướng đến mục tiêu chung cộng đồng kiến trúc nội thất tại Việt Nam.
Đoàn chuyên gia đã đi tham quan các khu vực sản xuất nội thất tại nhà máy của Landco có hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại, được đầu tư đồng bộ, dây chuyền khép kín vận hành và quản lý trên hệ thống số thông minh giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong khu vực nhà máy sản xuất có quy mô gần 30.000 m2, đáng chú ý là hệ thống hút bụi công nghệ cao từ Đan Mạch nhằm đảm bảo môi trường vệ sinh lao động cho toàn thể công nhân viên, đồng thời đóng góp vào việc bảo vệ môi trường địa phương.
Về hệ thống đặc biệt này, Ông Nguyễn Văn Duy – Giám đốc kinh doanh Landco Corporation cũng chia sẻ thêm về định hướng ngay từ khi thành lập, nhà máy sản xuất nội thất LandProduction đã đặt trong tâm phát triển vào ba khía cạnh ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) với mục tiêu bền vững gắn liền với lợi ích cộng đồng. Ngoài khu vực sản xuất, các chuyên gia đã cùng trải nghiệm hai không gian trưng bày nội thất với gần sáu trăm sản phẩm đáp ứng đa dạng các phong cách thiết kế từ cổ điển tới hiện đại. Theo chia sẻ từ Landco, đây còn là nơi lưu giữ các đồ nội thất từ gần mười năm trước để kiểm chứng, nghiên cứu để chất lượng sản phẩm giữ được vẻ đẹp nguyên bản qua thời gian.
Chia sẻ trong chương trình, Ông Đỗ Xuân Thủy – Chủ tịch Hội KTS Bắc Ninh cũng cho biết Bắc Ninh trước giờ là vùng đất được biết đến với rất nhiều làng nghề lâu đời, đặc biệt là đồ thủ công mỹ nghệ và giờ lĩnh vực nội thất cũng đang được quan tâm, phát triển. Hiện tại, Hội KTS Bắc Ninh có nhiều hội viên phụ trách các doanh nghiệp về nội thất. Hy vọng sắp tới sẽ tiếp tục có những hoạt động kết nối, hợp tác chuyên môn với Landco để cùng mang đến lợi ích cho xã hội và người dân địa phương.
Chương trình Gặp mặt đầu Xuân Giáp Thìn 2024 giữa hai đơn vị đã diễn ra thành công tốt đẹp, tạo cơ hội giao lưu nghề nghiệp, đồng thời mở ra những tiềm năng hợp tác trong tương lai nhằm đóng góp cho sự phát triển của kiến trúc – nội thất tại Việt Nam.
Ngày 22/02/2024, Hội KTS Việt Nam phối hợp cùng Landco Corporation tổ chức chương trình Gặp mặt đầu Xuân Giáp Thìn 2024 kết hợp tham quan, trải nghiệm nhà máy sản xuất nội thất Landco Bắc Ninh nhằm tạo cơ hội giao lưu nghề nghiệp, chia sẻ chuyên môn giữa những người đang hành nghề trong lĩnh vực kiến trúc – nội thất – cảnh quan.
Chương trình có sự tham gia của TS. KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Nguyễn Thúc Hoàng – Nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Đỗ Xuân Thủy – Chủ tịch Hội KTS Bắc Ninh cùng các chuyên gia từ Hội KTS Việt Nam, Hội KTS Bắc Ninh, Chi Hội Kiến trúc cảnh quan, Chi hội KTS công ty CDC, các trường Đại học, đơn vị tư vấn thiết kế… Về phía Landco Corporation, đại diện có Ông Phạm Xuân Thiết – Chủ tịch HĐQT Landco Corporation và các cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Landco và các thương hiệu thành viên LandDecor, LandFurniture, LandProduction
Đại diện Hội KTS Việt Nam, TS. KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội cho biết: “Qua trải nghiệm tại nhà máy của Landco, có thể thấy các sản phẩm nội thất ở đây được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng vươn tầm quốc tế, phục vụ đa dạng khách hàng với các công trình – dự án hàng đầu tại Việt Nam. Chính vì vậy, sự đồng hành, chia sẻ chuyên môn giữa Landco Corporation và các hệ thống thuộc Hội KTS Việt Nam là rất cần thiết nhằm đóng góp cho sự phát triển của nền kiến trúc – nội thất Việt Nam mang bản sắc dân tộc, xứng tầm thời đại và hội nhập quốc tế một cách bền vững.”
Ông Phạm Xuân Thiết – Chủ tịch HĐQT Landco Corporation cũng có lời cảm ơn chân thành đến Hội KTS Việt Nam cùng các chuyên gia đã dành thời gian đến tham quan trải nghiệm nhà máy sản xuất nội thất LandProduction. Ông cho biết thêm, là một phần trong cộng đồng kiến trúc nội thất tại Việt Nam, Landco thấu hiểu nỗi trăn trở và khao khát định vị được thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế và đó cũng chính là hoài bão mà Landco đang hướng tới. Landco mong muốn sẽ được đồng hành cùng Hội KTS Việt Nam đóng góp nhiều hơn vào việc tạo dựng những giá trị tốt đẹp hướng đến mục tiêu chung cộng đồng kiến trúc nội thất tại Việt Nam.
Đoàn chuyên gia đã đi tham quan các khu vực sản xuất nội thất tại nhà máy của Landco có hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại, được đầu tư đồng bộ, dây chuyền khép kín vận hành và quản lý trên hệ thống số thông minh giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong khu vực nhà máy sản xuất có quy mô gần 30.000 m2, đáng chú ý là hệ thống hút bụi công nghệ cao từ Đan Mạch nhằm đảm bảo môi trường vệ sinh lao động cho toàn thể công nhân viên, đồng thời đóng góp vào việc bảo vệ môi trường địa phương.
Về hệ thống đặc biệt này, Ông Nguyễn Văn Duy – Giám đốc kinh doanh Landco Corporation cũng chia sẻ thêm về định hướng ngay từ khi thành lập, nhà máy sản xuất nội thất LandProduction đã đặt trong tâm phát triển vào ba khía cạnh ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) với mục tiêu bền vững gắn liền với lợi ích cộng đồng. Ngoài khu vực sản xuất, các chuyên gia đã cùng trải nghiệm hai không gian trưng bày nội thất với gần sáu trăm sản phẩm đáp ứng đa dạng các phong cách thiết kế từ cổ điển tới hiện đại. Theo chia sẻ từ Landco, đây còn là nơi lưu giữ các đồ nội thất từ gần mười năm trước để kiểm chứng, nghiên cứu để chất lượng sản phẩm giữ được vẻ đẹp nguyên bản qua thời gian.
Chia sẻ trong chương trình, Ông Đỗ Xuân Thủy – Chủ tịch Hội KTS Bắc Ninh cũng cho biết Bắc Ninh trước giờ là vùng đất được biết đến với rất nhiều làng nghề lâu đời, đặc biệt là đồ thủ công mỹ nghệ và giờ lĩnh vực nội thất cũng đang được quan tâm, phát triển. Hiện tại, Hội KTS Bắc Ninh có nhiều hội viên phụ trách các doanh nghiệp về nội thất. Hy vọng sắp tới sẽ tiếp tục có những hoạt động kết nối, hợp tác chuyên môn với Landco để cùng mang đến lợi ích cho xã hội và người dân địa phương.
Chương trình Gặp mặt đầu Xuân Giáp Thìn 2024 giữa hai đơn vị đã diễn ra thành công tốt đẹp, tạo cơ hội giao lưu nghề nghiệp, đồng thời mở ra những tiềm năng hợp tác trong tương lai nhằm đóng góp cho sự phát triển của kiến trúc – nội thất tại Việt Nam.