Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2024

Nhận diện một số đặc trưng của làng gốm truyền thống khu vực miền Trung: Bảo tồn và phát huy giá trị hướng đến du lịch cộng đồng

Làng nghề gốm khu vực Miền Trung Việt Nam luôn là đối tượng quan tâm nghiên cứu của đông đảo các nhà khoa học. Tại đây đang thường xuyên diễn ra những tiếp biến văn hóa giữa quá khứ và hiện tại. Để xác định được hướng đi đúng cho bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề gốm thì vấn đề cốt lõi là nhận diện được những đặc trưng cơ bản của làng gốm truyền thống vốn dĩ đã tồn tại từ hàng trăm năm lịch sử. Trong đó, cần đề cập đến tất cả các yếu tố như tài nguyên thiên nhiên, không gian văn hóa ở, làm nghề, những thiết chế văn hóa cũ/mới liên quan để cùng vì mục đích bảo tồn, phát huy giá trị hướng đến du lịch cộng đồng.

Trong tiến trình lịch sử phát triển, làng nghề gốm truyền thống chịu tác động của xã hội, mọi biến chuyển của xã hội, của thời đại đều tác động ngược lại với nghề, không chỉ với cá nhân mà còn kéo theo cả tập thể nghề, tập thể làng. Đứng trước diễn biến phức tạp của những chuyển hóa mạnh của đô thị hóa, của cơ chế kinh tế thị trường, nên văn hóa, xã hội của làng nghề truyền thống cũng liên tục bị biến đổi theo. Văn hóa làng nghề mang những đặc trưng chung của một làng xã nông nghiệp, từ giai đoạn tự cung tự cấp, đến phát triển một số làng đi vào chuyên môn hóa. Tuy nhiên, dù ở đâu, ở thời điểm nào, các làng gốm vẫn chịu sự chi phối lớn của điều kiện tự nhiên, gồm:

  • Nguồn đất sét: Là thành phần chính để tạo ra gốm. Đất sét phải có chất lượng tốt và phù hợp để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đất sét các làng miền Trung chủ yếu là dòng terracotta, thuộc nhánh đất sét thứ cấp, màu đất sét vàng, chịu được nhiệt độ nung 700- 10000C. Đất sét được các thợ gốm sử dụng để làm đồ gốm. Nó có thể là một nguồn tự nhiên như lòng sông hoặc mỏ đá gần đó, hoặc nó có thể được dự trữ sau khi được đào và xử lý. Trong nghề gốm truyền thống, đất sét các loại là tài nguyên quan trọng để tạo tác nên sản phẩm. Đất vùng Quảng Nam tạo nên gốm đỏ, đất vàng ở Phú Yên tạo nên gốm sứ Quảng Đức, đất ngà nâu ở Bình Thuận tạo nên gốm Bàu Trúc và Gốm Gọ, đất màu tro ở Thừa Thiên Huế tạo nên gốm Phước Tích, Mỹ Xuyên màu nâu sành. Chính nhờ những loại đất sét đa dạng nên sản phẩm gốm miền Trung hết sức phong phú và có giá trị phổ cập dân dụng cao. Đôi khi, các làng gốm cần sử dụng các nguyên liệu phụ trợ như gạch, cát, tro, quặng hoặc thạch anh để cải thiện độ bền và màu sắc của gốm.
  • Nguồn nước: Nước là yếu tố quan trọng để chế tạo gốm, đặc biệt là trong quá trình trộn và làm mềm đất sét. Việc các làng gốm nằm cạnh các con sông và nhiều ao hồ đã tạo ra nguồn nước dồi dào cho các làng gốm;
  • Bầu trời: Trong các làng gốm, công tác phơi khô sản phẩm là quan trọng, và tốn nhiều thời gian, các hộ và cơ sở sản xuất đều có những sân lớn để phơi và sản xuất sản phẩm, tạo nên những khoảng không bầu trời rất đặc trưng, và giá trị ở những làng gốm. Tại các cộng đồng dân cư, các hộ có thể chia sẻ và sử dụng chung sân phơi để tận dụng hiệu quả. khi cần thiết. Các làng gốm truyền thống thường thiếu các tiện nghi như điện và nước sinh hoạt, vì vậy điều quan trọng là tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và lưu thông không khí để cải thiện môi trường sống của người dân. Trong đó thường chú trọng việc xây dựng các cửa sổ để đón ánh sáng và không khí trong lành;
  • Hệ thống sông hồ: Làng gốm đều ở cạnh sông để thuận tiện cho giao thông nên phụ thuộc dòng chảy. Yếu tố sông nước hết sức quan trọng trong nghề gốm ở tất cả các khâu. Việc khai thác đất phải dựa vào sông nước. Đây là điều kiện thuận lợi cho chuyên chở đất, sản phẩm gốm. Sông cũng là nơi cung cấp thủy sản phục vụ đời sống. Người làm gốm luôn gắn bó với sông nước, coi sông nước là chỗ dựa quan trọng cho nghề. Vì thế, một số LGTT đều có miếu thờ các vị thần sông nước;
  • Giao thông, khoảng cách địa lý: Việc kết nối khoảng cách đến các trung tâm đô thị, các di sản văn hóa, điểm du lịch nổi tiếng là quan trọng, để từ đó thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm gốm, thị trường tiêu thụ, liên kết nguồn nhân lực. Miền Trung hiện nay có lợi thế về số lượng di sản quốc gia và thế giới nên việc giao thông thuận tiện kết nối từ làng gốm đến các điểm du lịch, di sản văn hóa sẽ thuận lợi cho việc tổ chức tour, tuyến đến các điểm du lịch;
  • Không gian kiến trúc của làng gốm truyền thống phổ biến có diện tích hẹp, người đông, chật chội… nếu có chung không gian với các nghề thủ công truyền thống khác thì lại càng bất lợi, rất khó cho thao tác kỹ thuật và áp dụng công nghệ tiên tiến. Tuy vậy, làng gốm truyền thống đã tạo dựng được những cảnh quan sinh thái nhân văn của làng nghề gốm và còn kết hợp bảo tồn được cấu trúc không gian của làng cổ. Ngoài ra, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vẫn còn được bảo lưu gìn giữ tốt, lưu truyền từ đời này sang đời khác, đặc biệt là còn tồn tại được nếp sống, lối sống của người dân địa phương tạo thành nền tảng quan trọng cho phát triển du lịch. Các công trình kiến trúc cụ thể như đình, chùa, miếu, giếng, am, nhà ở, nhà thờ tộc, đường làng, cổng làng-cổng nhà… đều là các di sản văn hóa đặc biệt, hàng ngày đang có nguy cơ chịu sự va đập trực tiếp và sức ép của tinh thần đô thị hóa, hiện đại hóa. Di sản vật thể vốn đan xen tồn tại ngay cạnh từng bức tường nhà riêng, với lối đi của từng gia đình, từng thôn xóm và gắn bó mật thiết, là hình ảnh không thể thiếu khi nói đến một làng gốm truyền thống. Bên cạnh khối lượng lớn di sản vật thể, người dân là lực lượng sản sinh, sử dụng, bảo tồn và chính họ lại không ngừng bổ sung cái “Hồn” của làng gốm truyền thống. Trong thời đại mới hiện nay, trước nhu cầu hòa nhập, hiện đại hóa và đô thị hóa, làng nghề gốm truyền thống lại đang đứng trước thách thức tất yếu là muốn tiếp tục tồn tại thì phải phát triển, muốn phát triển thì lại phải quy hoạch không gian làng cho khoa học chỉn chu theo từng thực tế yêu cầu cụ thể. Như vậy, làng luôn luôn chấp nhận sự điều tiết, quy hoạch và coi đó là quy luật tất yếu của sự phát triển.
Sơ đồ 2.1: Sơ đồ định vị chất liệu đất sét

Từ những đặc trưng cơ bản của không gian, làng gốm truyền thống đặc biệt thích hợp và sẽ đáp ứng phù hợp với quy hoạch về không gian sinh thái nhân văn, về cấu trúc không gian làng cổ, bao gồm hệ thống di sản vật thể và về cả con người.

Đặc trưng không gian nhà ở truyền thống

Do ảnh hưởng cùa gió mùa nên nhà ở truyền thống của người làng gốm phù hợp nhu cầu cư trú nhằm chống chọi với những biến đổi của thiên nhiên như nóng, lạnh, mưa nắng, giông bão…Trải qua lịch sử hàng ngàn năm, người Việt từ các nơi đều tự đúc kết kinh nghiệm làm nhà ở cho mình không chỉ phù hợp với thế hệ hiện tại mà còn chuẩn bị dự lường cho thế hệ sau. Ngôi nhà và vấn đề bài trí không gian thể hiện cách ứng xử của chủ nhân. Nhà thường quay hướng Nam để đón gió. Cấu trúc chung của nhà vẫn theo phân định thành các gian, chính là gian giữa, từ ngoài nhìn vào, bên phải là gian Đông, hay còn gọi là gian chính. Nơi này được xem là quan trọng nhất dùng để bài trí ban thờ Tổ tiên và tiếp khách. Gian bên trái là gian Tây, còn gọi là gian thứ. Nhiều trường hợp, nhà thờ cũng làm ngay phía sau thành hình chữ Đinh hay chữ Nhị. Tuy nhiên, cấu trúc không gian nhà ở có thể linh hoạt thay đổi theo nhu cầu, theo chức năng sử dụng, chỉ trừ gian giữa nhà chính, vì nơi đây có bàn thờ nên “bất di bất dịch”. Nơi đây được coi là bộ mặt của gia đình, là nơi tiếp khách, tổ chức các sự kiện giỗ chạp, ma chay, cưới xin…Đất dù hẹp đến đâu cũng vẫn phải dành chỗ để làm sân. Nghề gốm dùng sân để phơi và chế tác sản phẩm, hoặc tập kết sản phẩm để bán. Ngoài ra sân còn để tổ chức cúng ngoài trời, trải chiếu ăn uống, ngồi chơi cho khách khứa, bạn bè thân tình…Vì thế, nhiều nơi coi mảnh sân là khoảng không gian nhỏ giao lưu giữa người với người, giữa người với trời đất, thần linh…Nhà ở tại làng gốm truyền thống được chủ nhân coi là vật thiêng liêng, là sợi dây tinh thần kết nối gắn bó với thế hệ trước. Đây là đặc trưng không gian truyền thống văn hóa rất quan trọng của người làm nghề gốm. Ý thức giữ gìn trân trọng ngôi nhà của tổ tiên được coi ngang hàng với các kinh nghiệm làm nghề của họ, vừa mang tính hàm ơn, nhân văn, vừa mang tính bảo thủ nghề nghiệp.

Đặc trưng các công trình và không gian công cộng

Các công trình và không gian công cộng trong làng gốm truyền thống trước hết mang bản chất văn hóa làng Việt. Do trải qua tiến trình phát triển lâu đời nên có bề dày lịch sử và tồn tại khá dày đặc các di tích lịch sử – văn hóa. Các di sản văn hóa vật thể được sản sinh từ bàn tay khối óc của cư dân trong làng dùng để đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, văn hóa cuộc sống thường nhật của người thợ gốm. Các công trình này thuộc 2 hệ thức:

Một là, các thiết chế văn hóa phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu, lăng, nhà thờ… Quy mô, mức độ kiến trúc của các công trình phụ thuộc vào niềm tin tín ngưỡng, khả năng kinh phí và nhu cầu của từng đối tượng cư dân. Với làng gốm độc lập thường nhỏ bé chỉ đủ đáp ứng cho số lượng người của nghề.

Hai là, các điểm và không gian công cộng nhằm phục vụ sinh hoạt cộng đồng như ao làng, giếng làng, cổng làng, chợ làng, đường làng, lũy tre, cây đa, cây sanh, cây gạo, bến xe, bến sông…Tất cả các công trình công cộng trên đều gắn bó với các chặng đường lịch sử cùng ý thức cộng đồng làng trong thế ứng xử tự quản tự thiết lập để tạo ra đặc trưng văn hóa riêng gắn với nghề gốm của từng làng. Các công trình công cộng như tên gọi là của chung cộng đồng dân cư cũng đồng thời là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa. Nơi đây không chỉ có vai trò điều hướng các hoạt động của mọi người mà còn là nơi tập hợp các nhận thức về cuộc sống, về lao động sản xuất. Vào mùa lễ hội, các công trình công cộng là điểm hẹn của mọi gia đình, mọi cá nhân đều bình đẳng nên các hoạt động ở đây đều thu hút sự chú ý của mọi người, đôi khi những biến động của các công trình tâm linh còn được coi là điềm báo trước của thần linh về các thảm họa, cần có thái độ ứng xử kịp thời. Trong thời kỳ mới, các thiết chế văn hóa, dân sinh theo nhu cầu đô thị hóa được bổ sung thêm như trụ sở, trường học, nhà trẻ, hội trường, nhà văn hóa, thông tin triển lãm, câu lạc bộ, nhà, bảo tàng, thư viện, rạp hát, đài tưởng niệm… vui chơi thể thao, thể hình…nhà điều dưỡng, an dưỡng, các trung tâm nghiên cứu, thực hành y học… cơ sở thương mại, tín dụng, bến đậu xe điện, trạm chờ xe, trạm cung cấp xăng dầu, cầu…công trình cấp thoát tiêu nước, tập kết rác thải…khách sạn các loại, nhà nghỉ, resort, bungalow, trại hè, khu nghỉ dưỡng, trại sáng tác…trạm truyền thanh, trạm thiên văn… nhưng vẫn hàm chứa các yếu tố văn hóa của làng gốm truyền thống. Cư dân gốm vốn dĩ rất khó tiếp cận cái mới nhưng vẫn nhạy bén, khi nhận thức được sự phù hợp sẽ dễ dung hòa, lồng ghép vào cuộc sống của mình. Yếu tố này rất quan trọng cho công tác quy hoạch không gian làng gốm truyền thống. Vì việc xác lập tìm ra sự hài hòa giữa cũ và mới giữa công năng kiến trúc và công năng sử dụng một cách phù hợp sẽ đảm bảo tính bền vững, thiết thực, nhất là phù hợp nhu cầu phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị làng gốm truyền thống trong bối cảnh giao lưu, tiếp biến giữa văn minh đô thị và văn hóa truyền thống.

Như vậy, các công trình công cộng gắn bó mật thiết cùng không gian công cộng để làm nên gương mặt độc đáo, rất riêng của từng làng gốm.

Đặc trưng văn hóa truyền nghề với quy trình làm gốm

Nghề gốm truyền thống được truyền nhiều đời, có thể truyền trong họ tộc, hoặc gia đình nhiều đời, trường hợp người trong làng làm cho các chủ lò, và học nghề gốm trong quá trình làm gốm. Hầu hết các làng gốm đều sử dụng bàn xoay (chuốt) để tạo hình gốm, có nơi một người đá xoay, một người chuốt gốm như làng Thanh Hà, làng Vân Sơn, một số làng bàn chuốt được quay tay như Trà Quang Nam, hay Làng Phổ Khánh. Làng Bàu Trúc và làng Bình Đức có cách làm gốm rất độc đáo, là người xoay quanh các sản phẩm gốm, vì vậy các sản phẩm như bình vại với kích thước lớn được làm theo cách này. Quy trình làm gốm truyền thống căn bản qua các giai đoạn: Khai thác đất sét, làm cho đất chín, pha phụ gia, tạo hình bằng bàn chuốt- làm láng bề mặt- phơi sản phẩm và vào làng. Quy trình căn bản là vậy, nhưng mỗi làng, mỗi gia đình đều có bí quyết, kinh nghiệm khác nhau, để cuối cùng được sản phẩm như khách hàng mong muốn.

Quy trình làm gốm bằng bàn xoay (bàn chuốt)

Đặc trưng sản phẩm gốm hàm chứa văn hóa địa phương

Đến nay có nhiều sản phẩm truyền lại từ nhiều đời đã hàm chứa những nét vănhóa địa phương/ Một số dòng sản phẩm mới hình thành cũng đã khai thác yếu tố văn hóa lâu bền.. Có thể kể đến nét văn hóa Chăm trên hoa văn, dáng sản phẩm của làng Bàu Trúc, làng Bình Đức, việc khai thác hình dáng, các chi tiết hoa văn Sa Huỳnh trên sản phẩm gốm làng Phổ Khánh, Các hình tượng tròn mang nét Chăm làng Lư Cấm, các sản phẩm tò he rất đặc trưng và được yêu thích ở làng gốm Thanh Hà.

Sơ đồ các dòng sản phẩm ở các làng gốm

Phát triển bền vững gắn với dịch vụ phát triển du lịch

Động lực chính của du khách, khi đến thăm làng gốm là “Xem tính xác thực và môi trường xung quanh” và “Nghiên cứu lịch sử độc đáo”. Điểm đánh giá hai nội dung trên trung bình là 4,85 và 4,76 (trên 5). Trong hình, hơn 98% du khách lưu ý hai yếu tố này là phần nào quan trọng hoặc quan trọng đối với việc họ chọn làng gốm làm điểm đến trong hệ thống các làng nghề. Yếu tố quan trọng tiếp theo kéo du khách đến tham quan làng gốm là “Biết các sự kiện văn hóa” và “Tìm hiểu về cuộc sống hàng ngày” của người dân địa phương, cũng như “Tham gia các hoạt động thú vị cùng người dân địa phương”. Điểm trung bình cho những yếu tố này lần lượt là 4,50, 4,36 và 4,17 trên 5 – tất cả đều cao điểm số. Hơn 91% du khách ghi nhận 3 yếu tố này là quan trọng hoặc phần nào là động lực quan trọng khiến họ chọn làng gốm làm điểm đến

Hiện trạng không gian kiến trúc trong các làng nghề truyền thống do tồn tại của lịch sử nên hầu hết vẫn là manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu sự liên kết tập trung. Vì vậy, trước mắt để đáp ứng dịch vụ phát triển du lịch cần có biện pháp bổ sung không gian chức năng cho cấu trúc không gian làng nghề truyền thống. Trên cơ sở quy hoạch chung, xác định thiết lập những cơ sở vật chất tối cần cho dịch vụ từ khâu đầu đến khâu cuối bao gồm: Bãi đậu xe, phương tiện trung chuyển khách (nếu cần), khu đón tiếp lễ tân, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu kết hợp các dịch vụ giải khát nghỉ chân nhẹ, cung cấp các phương tiện mũ, nón, khu WC…Tại các điểm đến tham quan, trải nghiệm nghề, cần có lực lượng nghề thao tác kỹ thuật, hướng dẫn làm mẫu, thuyết minh viên, chăm sóc khách kể cả việc giới thiệu nơi ăn uống ngủ nghỉ nếu khách cần. Các điểm tham quan nghề cần kết nối với các hoạt động tham quan di tích, cảnh quan, tham gia hoạt động chiêm ngưỡng hoạt động văn hóa tâm linh, lễ nghi, giải trí, mua sắm các đặc sản nghề và các loại khác của địa phương.

Sản phẩm điển hình của các làng gốm khu vực miền Trung

Mục tiêu chính của việc hình thành các điểm du lịch trên nền tảng không gian kiến trúc chung chính là tăng cường cung cấp những những kiến thức, kỹ năng vận dụng tổng hợp về các điểm đến như địa lý, lịch sử phong tục, các đặc điểm của điểm đến, các điểm tham quan, đồng thời quan tâm lưu ý cách thức ứng xử của cộng đồng dân cư địa phương, đến các sự kiện đặc biệt về các lễ hội, khí hậu, tính mùa vụ liên quan đến thời gian tham quan, đến an toàn và sức khỏe, các phương tiện dành cho du khách, những cảnh báo khác về du lịch có thể ảnh hưởng với điểm đến. Liên tục bổ sung, hoàn thiện để tạo tuyến điểm du lịch lý thú, hấp dẫn, thân thiện. Đặc biệt chú ý liên kết phát triển loại hình Du lịch đô thị cũ và các Đô thị mới…để trở thành điểm đến cho khách du lịch thưởng ngoạn lối sống Đô thị, kiến trúc và không gian loại đô thị kết nối với nông thôn. Duy trì, phát triển thêm các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng và nghỉ dưỡng. Nghiên cứu và hết sức coi trọng tổ chức Du lịch sinh thái gắn với tâm linh, với làng nghề truyền thống, với từ thiện…Bám sát tuyến du lịch khác đã hình thành từ trước liên quan gần với làng nghề truyền thống để thiết lập các tuyến nhánh cho không gian làng nghề. Ở những nơi gần sông ngòi cần tận dụng tối đa tuyến du lịch dọc sông. Về nguyên tắc tổ chức các tuyến du lịch, điểm du lịch, cụm điểm du lịch nhằm đem lại cho khách du lịch một trải nghiệm du lịch hấp dẫn và gắn kết toàn diện. Trải nghiệm của khách du lịch trong một tuyến, điểm, cụm điểm du lịch không chỉ phụ thuộc vào sự hấp dẫn của các điểm tham quan chính, mà còn phụ thuộc vào chất lượng và hiệu quả của sự hợp tác của tất cả các tổ chức quan tâm tới phát triển thị trường du lịch như các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, mua sắm và giao thông. Có nhiều cách khác nhau để tập trung các điểm du lịch thành cụm điểm du lịch, trong đó có thể dựa vào cam kết giá trị dịch vụ, phân khúc khách hàng mục tiêu hoặc khách hàng mục đích du lịch. Cố gắng hình thành thiết lập các tuyến, cụm, điểm du lịch thường được giới hạn trong các khu vực địa lý hẹp, trong đó khách du lịch ít phải di chuyển, sao cho một địa điểm tham quan có thể thuộc nhiều cụm du lịch khác nhau, có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Trong thời đại ngày nay, việc kết nối, phối hợp giữa các nghề, các điểm đến, các địa phương càng hết sức cần thiết. Sao cho tạo nên một hệ thống không gian kiến trúc hỗ trợ san sẻ cho nhau để làm phong phú hơn, tạo sức hấp dẫn du lịch cao đối với làng nghề truyền thống. Trong đó, cách tổ chức hệ thống tuyến, điểm vẫn là phương án tối ưu. Trên một hoặc nhiều tuyến chung, các điểm sẽ bổ sung làm phong phú cho hoạt động du lịch.

Việc hoạt động dịch vụ du lịch phải gắn với cộng đồng, huy động mọi tầng lớp trong làng cùng chung tay lo toan, gánh vác và hưởng lợi. Vì vậy, việc quy hoạch không gian cho du lịch không thể thiếu sự góp ý tích cực của cộng đồng cho các khu các chi tiết quy hoạch. Lợi ích thu được từ du lịch phải được quan tâm lan tỏa đến mọi thành viên trong cộng đồng, thông qua các đoàn thể, các bộ máy quản lý vận hành…không bỏ rơi ai, không để bất cứ cá nhân nào chịu thiệt thòi lớn thì mới đảm bảo được tính du lịch làng nghề truyền thống thật hiệu quả, thật bền vững.

Phát triển bền vững đi đôi với các giải pháp

Các giải pháp rất phong phú, tuy nhiên trong bài này do hạn chế về lưu lượng nên chỉ đề cập đến các giải pháp có tính cốt yếu chính đáng lưu ý gồm: Vấn đề quy hoạch, thị trường và tiêu thụ sản phẩm, vấn đề vốn, chính sách tôn vinh nghệ nhân, đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển nhóm nghề, cơ cấu sản phẩm, xây dựng hệ thống truyền thông, tuyên truyền giáo dục, tạo thương hiệu, tạo mối liên kết giữa nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nghệ nhân, nhà mỹ thuật nhằm đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường trong chiến lược kết nối và phát triển bền vững.

Trên đây là những nội dung chính trong nhận diện các đặc trưng cơ bản để xác định nội dung định hướng trong quy hoạch phát triển làng nghề gốm miền Trung gắn với du lịch dịch vụ, quá trình thực hiện quy hoạch sẽ có những bước điều chỉnh, đảm bảo tính thiết thực, phù hợp trong các giai đoạn phát triển và hướng đến mục tiêu về lâu về dài…

THS.KTS Nguyễn Văn Nguyên
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2023)


Tài liệu tham khảo:
1. Đặng Văn Bài (2001): “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở Việt Nam”.
2. Đán, N. H. (2022) – “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ gắn với phát triển du lịch bền vững” – Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 500.
3. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (2013), Thông tư 41/2013/TT-BNNPTNT, hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
4. Đỗ Trọng Chung (2016) – “Tổ chức môi trường ở nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng hiện đại và phát huy giá trị truyền thống” – Luận án tiến sỹ trường Đại học Xây dựng Hà Nội
5. Phùng Hữu Phú (2010) – “Phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử – văn hóa phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2020” – Nhà xuất bản Hà Nội. 

The post Nhận diện một số đặc trưng của làng gốm truyền thống khu vực miền Trung: Bảo tồn và phát huy giá trị hướng đến du lịch cộng đồng appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/Leg2Oy5
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét