Liên hoan Kiến trúc Thế giới lần thứ 16 – World Architecture Festival (WAF) 2023 diễn ra tại Singapore vào tháng 12/2023 với chủ đề “Catalyst” (chất xúc tác), phản ánh về cách thức mà kiến trúc và thiết kế trở thành “chất xúc tác” cho những thay đổi tích cực của môi trường xây dựng. WAF là sự kiện quốc tế tôn vinh các công trình, thiết kế cảnh quan và thiết kế nội thất đặc sắc, sáng tạo nhất hàng năm. Giải thưởng Công trình thế giới của năm 2023 được trao cho trường trung học Huizhen (Trung Quốc) có thiết kế như một khu “rừng nổi” ấn tượng.
Liên hoan Kiến trúc Thế giới lần thứ 16 diễn ra tại Marina Bay Sands, Singapore. Đây là lần đầu tiên sau 8 năm chương trình trở lại tổ chức tại Châu Á. Các dự án chiến thắng trong Công trình Thế giới của năm, Dự án Tương lai của năm, Nội thất của năm và Cảnh quan của năm đã được công bố tại buổi Gala chung kết cùng với các Giải thưởng Đặc biệt. Hội đồng Giám khảo của WAF 2023 gồm hơn 140 chuyên gia đến từ 43 quốc gia. Theo BTC, tổng số có 44 dự án được vinh danh trong số 495 dự án được đề cử từ 333 công ty kiến trúc trên khắp thế giới. Hội đồng Giám khảo cũng trao 20 đề cử danh dự. Tạp chí Kiến trúc trân trọng giới thiệu tới bạn đọc kết quả các công trình đạt giải tại Giải thưởng Liên hoan Kiến trúc thế giới – WAF 2023.
Công trình thế giới của năm
Trường trung học Huizhen (Trung Quốc) – Approach Design Studio/ Zhejiang University of Technology Engineering Design Group
Tọa lạc tại quận Jiangbei, thành phố (TP) Ninh Ba – Trung Quốc, trường trung học Huizhen thiết kế bởi Approach Design Studio/ Zhejiang University of Technology Engineering Design Group nhằm tạo ra không gian khám phá ấn tượng và hiệu quả trong khuôn viên trường học. Khuôn viên trường được tổ chức như một khu “rừng nổi” với các lớp học treo lủng lẳng ở từng góc rừng và nối với nhau bằng những lối đi ngoằn ngoèo. Những ngôi nhà trên cây rải rác mang lại cho học sinh nơi “trú ẩn tạm thời” khỏi áp lực học tập.
Một đoạn đường dốc dẫn lên mái dốc thoai thoải, vừa là giảng đường ngoài trời vừa là công viên trên sân thượng với các cơ sở thể thao, công chúng có thể sử dụng vào cuối tuần – tạo ra một kiểu kiến trúc mới về lối đi dạo.
Dự án tương lai của năm
Tháp Probiotic (Ai Cập) – Design and More International
Ý tưởng trọng tâm của Tháp Probiotic là tái sử dụng các tháp nước lỗi thời để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu một cách tích cực như một hệ thống thích ứng cho các thành phố, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Lõi của Tháp Probiotic là một bể phản ứng sinh học tảo lớn giúp hấp thụ CO2 từ chính khu vực xung quanh. Tháp được mở rộng bằng cách thiết lập một hệ thống khung tre tại chỗ và tạo ra một cơ sở sản xuất gỗ tre ép chéo nhiều lớp phát triển thành mô-đun để dựng lên một giàn kết cấu xung quanh tòa tháp.
Bên cạnh đó, các tính năng khác được thiết kế nhằm thúc đẩy quá trình hấp thụ CO2 gồm các tấm tảo ở mặt tiền, thảm sậy để xử lý nước thải và các tấm quang điện.
Nội thất của năm
19 Waterloo Street (Úc) – SJB
Dự án 19 Waterloo Street được thiết kế bởi SJB tại Úc sử dụng các kết nối mở rộng một cách sáng tạo trong một không gian hạn chế để tạo ra một ốc đảo mở và yên tĩnh trong TP.
Nằm trên một dải đất hẹp ở mặt phố, ngôi nhà nhỏ nhiều tầng này được miêu tả như “một chiếc tủ nhiều ngăn cho chính KTS ở”. Nhìn từ đường phố, mặt tiền công trình có nhiều ô cửa mở ngẫu nhiên, nhưng khi vào bên trong, những ô cửa này để lộ ra một dãy phòng được sắp xếp hợp lý tạo ra sự liên kết và hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời cho công trình.
Mỗi phòng trong công trình luôn có những món đồ nội thất độc đáo và một tác phẩm nghệ thuật làm “chất xúc tác” (catalyst) cho dự án. Ngoài ra, yếu tố thủ công và chi tiết trong nội thất được bố trí tại các không gian thông qua việc tận dụng vật liệu từ các dự án khác. Các giám khảo đã hết sức ấn tượng mô tả dự án: “Không chỉ là một tòa nhà hay nội thất mà còn là một kiệt tác thu nhỏ”.
Cảnh quan của năm
Công viên rừng Benjakiti: Biến “cánh đồng nâu” thành khu bảo tồn sinh thái đô thị (Thái Lan) – TURENSCAPE + Arsomsilp Community and Environmental Architect
Dự án công viên rừng Benjakiti đã biến một nhà máy thuốc lá trước đây thành một hệ sinh thái tuần hoàn vững mạnh, công viên hiện là không gian giải trí công cộng lớn nhất ở trung tâm TP Bangkok (Thái Lan). Dự án làm giảm sức tàn phá của nước mưa, lọc nước bị ô nhiễm và cung cấp môi trường sống tự nhiên cần thiết cho khu vực có khí hậu gió mùa với lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1500 mm.
Bên cạnh việc công bố những đơn vị chiến thắng và lễ trao giải, WAF 2023 còn có các hoạt động khác bao gồm các hội thảo và tham luận với 76 diễn giả trình bày, bàn về chủ đề “Catalyst”, các buổi thảo luận tập trung vào vai trò của kiến trúc trong việc làm “chất xúc tác” có thể ảnh hưởng tích cực đến môi trường và cuộc sống của con người. Trong khuôn khổ liên hoan còn có nhiều sự kiện được tổ chức song song trên toàn TP, bao gồm triển lãm của KTS Mario Cucinella với chủ đề “Tương lai là hành trình về quá khứ”. Triển lãm thể hiện rõ nét về sự phát triển về nhận thức sinh thái, từ thời tiền sử đến ngày nay.
An Du – Khánh Hòa
(Biên dịch và tổng hợp từ ThePlan & Archdaily)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2023)
The post Giải thưởng – Liên hoan Kiến trúc Thế giới WAF 2023 – “Chất xúc tác” cho những thay đổi tích cực của môi trường appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/SJ17Qco
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét