Thứ Hai, 12 tháng 2, 2024

Nhận diện và đánh giá các xu hướng phê bình và phản biện kiến trúc tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Khái quát tình hình phát triển kiến trúc tại Việt Nam và Miền Trung Tây Nguyên

Trong lịch sử 100 năm qua, sự phát triển của kiến trúc Việt Nam có thể chia thành ba giai đoạn chính: Trước 1954, trước 1986 và sau 1986. Trước 1954, kiến trúc Việt Nam chủ yếu ảnh hưởng từ châu Âu, với ít các lý luận vào thời này. KTS Pháp hành nghề ở Việt Nam, họ tìm hiểu nền văn hóa Kiến trúc bản địa mà viết thành sách nên chưa có các tác phẩm chính luận. Trước 1986, xu hướng kiến trúc chủ yếu dựa vào tư tưởng XHCN, các xu thế thiết kế đều nhắm đến tinh thần XHCN và tinh thần dân tộc tuy nhiên thiếu phân tích cụ thể. Trong đó, giai đoạn 1954-1975 đã thấy sự phát triển kiến trúc hiện đại, nhưng cốt lõi lý luận vẫn ít do đất nước phải đối mặt với chiến tranh. Giai đoạn 1975-1986, nước ta tiếp tục đối mặt với khó khăn và vực dậy kinh tế từ một quốc gia mới giành độc lập, lý luận ít được quan tâm một cách sâu sắc. Sau năm 1986, Kiến trúc Việt Nam mới bắt đầu mở ra xu thế hội nhập quốc tế, nhưng vì trước giờ chưa có một nền tảng lý luận nào xuyên suốt, do đó lý luận phê bình còn hạn chế, thiếu những lý luận cơ bản về bản sắc kiến trúc. Nhìn chung ở nước ta, việc đưa các triết lý kiến trúc có tầm ảnh hưởng quốc gia và quốc tế là hiếm hoi. Một số học giả đã đưa ra các hướng tiếp cận một phần tập trung vào việc khám phá gốc rễ dân tộc và bản sắc thông qua việc lấy “mái nhà tranh cổ truyền” làm nguồn cảm hứng sáng tạo, phần khác đặt nặng vào việc phát triển kiến trúc phù hợp với khí hậu địa phương, tuân theo trường phái kiến trúc sinh khí hậu và đề xuất các triết lý như “Kiến trúc hạnh phúc” và “Kiến trúc vị dân sinh”, tập trung vào khía cạnh nhân văn và giải quyết nhu cầu cơ bản của cộng đồng.

Bức tranh kiến trúc khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong giai đoạn từ năm 1975 đến nay
(Ảnh: Tác giả)

Miền Trung Tây Nguyên là một khu vực đa dạng về văn hóa, lịch sử và địa lý. Kiến trúc của khu vực này phản ánh sự biến đổi của xã hội, kinh tế và chính trị qua các thời kỳ. Trong khoảng 100 năm qua, kiến trúc miền Trung – Tây Nguyên đã phải đối mặt với nhiều thách thức do chiến tranh và bất ổn xã hội gây ra. Sự phục hồi và phát triển của kiến trúc khu vực chỉ thực sự diễn ra sau năm 1986, đặc biệt là sau năm 2000. Từ 1975 đến 2000, ít có các công trình kiến trúc đáng chú ý, và kiến trúc thường bị ảnh hưởng bởi các phong cách như Xô Viết, cổ điển và hiện đại. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ sau đó, kiến trúc ở miền Trung phát triển mạnh mẽ. Xu hướng kiến trúc hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp, xanh và sinh thái ngày càng trở nên phổ biến, và nhiều tác phẩm kiến trúc độc đáo và đáng chú ý đã xuất hiện (Hình 1).

Phân đoạn 1975 – 1986: Chủ nghĩa anh hùng dân tộc và tư tưởng chiến thắng dân tộc vẫn là yếu tố quan trọng trong sáng tạo kiến trúc, thể hiện qua các công trình văn hóa lịch sử như tượng đài. Phong cách kiến trúc Xô Viết ảnh hưởng mạnh, đặc biệt là các công trình văn hóa và tượng đài. Kiến trúc tập trung vào hình khối vuông, mảng đặc, và sử dụng tường lam, hoa gió trong thiết kế.

Phân đoạn 1986 – 2007: Ảnh hưởng của kiến trúc Xô Viết đã giảm đáng kể. Kiến trúc vẫn chủ yếu là kiến trúc hiện đại muộn, với sự sử dụng rộng rãi mảng miếng và bê tông, tường hoa gió trong thiết kế. Công nghệ thông tin chưa ảnh hưởng rõ trong kiến trúc, kiến trúc vẫn là những công việc thủ công. Việc sử dụng vật liệu xây dựng hiện đại và các trào lưu kiến trúc mới chưa phát triển mạnh.

Phân đoạn 2007 – nay: Xuất hiện các phong cách kiến trúc mới như hiện đại mới, high-tech, kiến trúc xanh, và phỏng sinh học, thể hiện sự đa dạng và sáng tạo. Công nghệ máy tính đã giải phóng sức sáng tạo trong kiến trúc, kiến trúc xanh môi trường đang phát triển mạnh mẽ. Sự xuất hiện của kiến trúc ngoại lai và sao chép công trình kiến trúc từ nước khác đang là một vấn đề đáng xem xét, vì vậy kiến trúc trong các đô thị di sản như Huế và Hội An đang được quan tâm và kiểm soát chặt chẽ để bảo tồn các di sản này.

Các xu hướng lý luận phê bình và phản biện kiến trúc

Cũng như ở Việt Nam, theo một thống kê năm 2018 thì số bài báo hay sách lý luận thường nhiều gấp 5 lần số bài báo về phê bình phản biện kiến trúc. Có học giả cho rằng: “Trong khi lý luận, nền tảng căn bản còn đang chấp chới phía sau những trào lưu sáng tác, thì phê bình kiến trúc còn thậm chí hầu như mất dạng”. Nhận định cũng đúng với trường hợp khu vực miền Trung và Tây Nguyên, thậm chí tỷ lệ còn chênh lệch hơn. Trong số khoảng vài trăm ấn phẩm khoa học của các học giả miền Trung, chúng tôi chỉ tìm thấy không quá 10 ấn phẩm nghiên cứu phê bình kiến trúc.

Phê bình có vai trò quan trọng trong định hướng dự luận xã hội, thậm chí có thể làm đảo chiều sự thật khách quan (Ảnh: AIA Dallas)

Đi tìm câu hỏi tại sao phê bình lại ít như vậy, chúng tôi điều nghiên được những nhận xét như sau:

  • “Trong kiến trúc, bạn phải sống 150 năm vì bạn phải học trong 75 năm đầu tiên” – Renzo Piano. Như vậy phê bình kiến trúc đòi hỏi người rất có kinh nghiệm và thâm niên nghề nghiệp, điều này ít phù hợp với các nhà nghiên cứu trẻ của khu vực miền Trung Tây Nguyên;
  •  Yếu tố e ngại sự động chạm nghề nghiệp với các đồng nghiệp: Cộng đồng các KTS và các nhà chuyên môn có một sự kết nối mạnh mẽ. Do đó các động chạm nghề nghiệp được cho là khá nhạy cảm và có ảnh hưởng đến các mối quan hệ công việc và xã hội;

Nói chung, phê bình về bản chất không phải là công việc ưa thích của con người, không chỉ riêng các nhà chuyên môn về Kiến trúc. Do đó, các nhà phê bình thường nói tránh sang các vấn đề lý luận thay vì phê bình thẳng thắn, trực diện;

Không loại trừ có thể có cả sự tư ti về vị thế học thuật, trình độ chuyên môn của khu vực miền Trung so với hai đầu. Lịch sử phát triển kiến trúc khu vực miền Trung gắn liền với các con người được đào tạo từ hai đầu đất nước, do đó lực lượng chuyên môn ở khu vực này vẫn được coi là còn non trẻ so với các bậc “tiền bối” ở phía Bắc và Nam, tuy khoảng cách đang dần được thu hẹp cùng với sự gia tăng tuổi đời các cơ sở đào tạo KTS khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Phê bình, phản biện kiến trúc bao gồm cả hoạt động khen (tôn vinh) và chê (phê phán). Trên thực tế, hoạt động phê bình kiến trúc của khu vực miền Trung Tây Nguyên chủ yếu là “phê” chứ thiếu hẳn “khen”.

Trên thực tế, phân tích và phê bình kiến trúc là một kỹ năng đã được ngoại suy thành hình thức của một nghề nghiệp ngày nay và thường được các nhà báo ưa thích hơn là các nhà chuyên môn, KTS. Ví dụ, mỗi tờ báo quốc tế thường có nhà phê bình kiến trúc riêng và có một số tạp chí phê bình kiến trúc có sẵn. Ví dụ như The Guardian, The Architectural Review, Places, Architect’s Journal,… Ở trong nước, có nhiều báo điện tử như vnexpress.net, dantri.com.vn… có chuyên mục về kiến trúc, chủ yếu mang tính chất giới thiệu và tôn vinh những tác phẩm đẹp tới công chúng.

Về chủ đề phê bình ở miền Trung cũng khá đa dạng. Các nhà nghiên cứu phê bình kiến trúc ở miền Trung Việt Nam đang tập trung vào một số vấn đề chính sau:

Bảo tồn kiến trúc: Các nhà nghiên cứu đang chú trọng vào việc bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử và văn hóa của khu vực. Điển hình là các công trình kiến trúc của thời kỳ thuộc địa Pháp, các công trình kiến trúc di sản như các kiến trúc Champa, kiến trúc cung đình, các đô thị cổ, các bản làng đồng bào thiểu số…

Kiến trúc địa phương: Các nhà nghiên cứu cũng quan tâm đến việc nghiên cứu và phê bình các công trình kiến trúc địa phương, như kiến trúc dân gian của miền Trung Việt Nam,

Phê bình kiến trúc và truyền thông đại chúng: Các nhà nghiên cứu đang khám phá vai trò của phê bình kiến trúc trong việc hình thành ý kiến công chúng và hướng dẫn sự phát triển của ngành kiến trúc. Họ cũng đang nghiên cứu về sự thay đổi của vai trò này trong bối cảnh xuất hiện của các phương tiện truyền thông số

Kiến trúc và văn hóa Chăm: Một số nhà nghiên cứu như KTS Philippe Stern, KTS Henri Parmentier, và KTS Kazimierz Kwiatkowski, Ngô Văn Doanh.. đã tập trung vào việc nghiên cứu về kiến trúc và văn hóa Chăm .

Đáng chú ý là những nghiên cứu phê bình về đô thị dường như còn ít được quan tâm và hiện đang là một khoảng trống trong khu vực này.

Miền Trung Việt Nam có hệ thống lý luận phê bình kiến trúc đặc sắc và đa dạng. Tuy nhiên, công tác này ở khu vực này nở rộ chậm so với hai miền Bắc – Nam. Điều này biểu hiện qua số lượng và thời gian bùng nổ của các nghiên cứu lý luận phê bình ở đây. Công tác lý luận phê bình ở miền Trung mới phát triển mạnh sau năm 2010 khi có nhiều nhà nghiên cứu phê bình kiến trúc trẻ được đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài về làm việc tại đây, chủ yếu là trong các trường đào tạo KTS ở các đô thị lớn. Trước đó, những người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận kiến trúc ở miền Trung là Pierre Gourou, KTS Philippe Stern, KTS Henri Parmentier…, những người Pháp chuyên về kiến trúc và văn hóa Chăm. Sau đó, có KTS Kazimierz Kwiatkowski (Ba Lan) nghiên cứu bảo tồn kiến trúc Chăm và đô thị Hội An; nhà nghiên cứu Phan Thuận An (Huế), Nguyễn Thượng Hỷ (Quảng Nam),… Nhóm nhà nghiên cứu này rất ít ỏi và đã lớn tuổi hoặc đã qua đời.

Đặc trưng cơ bản của miền Trung là một vùng đất có thiên nhiên khắc nghiệt (nắng, mưa thất thường, bão lũ…), gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh và là vùng đất có nhiều di sản văn hóa, kiến trúc. Đó cũng là mối bận tâm lớn nhất của các nhà nghiên cứu LLPB kiến trúc ở đây. Nhìn chung, hệ thống lý luận phê bình kiến trúc ở miền Trung Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn cần được giải quyết để phát triển toàn diện hơn.

Xu hướng phê bình trong thay đổi ngữ cảnh

Bối cảnh truyền thông thay đổi nhanh chóng đã tác động đến phê bình kiến trúc và thay đổi cả phương thức phê bình và phương tiện truyền thông mà nó được xuất bản. Việc phê bình xuất hiện thường xuyên hơn, nhưng trong môi trường phi chính thống như trên mạng xã hội, kênh truyền thông cá nhân… Chúng tạo ra một nền tảng, một không gian mở cho mọi người để thảo luận và phê bình các công trình kiến trúc. Điều này giúp tăng cường sự hiểu biết và nhận thức về kiến trúc trong cộng đồng rộng lớn. Truyền thông kỹ thuật số ngày nay còn giúp phổ biến kiến thức về kiến trúc đến với một lượng lớn người dùng. Điều này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của công chúng về kiến trúc, mà còn khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong ngành. Môi trường phê bình trên không gian mạng tạo ra một nền tảng cho các KTS, nhà thiết kế, và các nhà phê bình để hợp tác, chia sẻ ý tưởng, và học hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc sử dụng mạng xã hội và truyền thông số trong phê bình kiến trúc cũng có thể mang lại những thách thức. Ví dụ, việc đánh giá công trình kiến trúc dựa trên số lượng “like” hoặc “share” có thể không phản ánh đầy đủ giá trị thực sự của công trình.

Những xu hướng tích cực trong phê bình phản biện

Phê bình kiến trúc là một công việc thực sự khó khăn vì có nhiều vấn đề ranh giới giữa đúng và sai, đẹp và xấu là không rõ ràng, ví dụ như các yếu tố thẩm mỹ. Những gì có thể đẹp đối với ai đó có thể chỉ là giả tạo đối với người khác. Vì vậy, trở thành một nhà phê bình kiến trúc hiệu quả đòi hỏi một loạt các phẩm chất bao gồm nền tảng kiến thức rộng, nhiều năm kinh nghiệm, khả năng thuyết phục, kỹ năng phân phối tốt, rất nhiều kiên nhẫn, khao khát nhận thức và logic trong lập luận. Các nhà phê bình kiến trúc không chỉ hỗ trợ các KTS hiểu được bản chất của dự án của chính họ mà còn giúp họ phát triển một đánh giá quan trọng về nó. Chúng làm cho hình ảnh kiến trúc được hiểu rõ hơn. Ở cấp độ cá nhân, những lời chỉ trích thúc đẩy người bị phê bình làm việc tốt hơn. Do đó, phê bình cần phải được thiết lập các nguyên tắc và tiêu chuẩn mà theo đó các kiến trúc trong tương lai sẽ được đánh giá.

Để phê bình phản biện đảm bảo tính khách quan và khoa học, các nhà phê bình kiến trúc cần nắm vững 7 nguyên tắc thực hành sau:

  1. [Độc lập với doanh nghiệp, các hiệp hội, đảng phái và tôn giáo;
  2. Lý luận logic;
  3. Phê bình có tính xây dựng;
  4. Ngôn ngữ diễn đạt thích hợp;
  5. Bình luận khách quan;
  6. Có kiến thức chung về kiến trúc;
  7. Hiểu quan điểm của KTS;

Ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, phê bình kiến trúc bởi các nhà chuyên môn có thể đánh giá là nhẹ nhàng và sâu sắc, không trực diện gay gắt. Điều này được cho là phù hợp với văn hóa giao tiếp ứng xử của con người trong khu vực này. Một xu hướng nữa mà chúng tôi cho rằng phê bình có tính chất khéo léo, ẩn dụ nhưng vẫn có hiệu quả phê bình, đó là phê bình thông qua đối sánh. Các công trình kiến trúc, các cách tiếp cận tốt và chưa tốt được đối sánh để độc giả tự suy ngẫm, soi chiếu.

Những xu hướng tiêu cực trong phê bình phản biện

Có những ý kiến cho rằng các nhà phê bình kiến trúc không đủ khách quan do bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ cá nhân trong cộng đồng kiến trúc nhỏ bé và thân thiết. Họ cũng bị cho là thiên vị theo xu hướng thương mại của các tạp chí hoặc e ngại việc bị kiện tụng hay rắc rối cá nhân. Vì vậy, phê bình kiến trúc đôi khi bị coi là không liên quan và không hiệu quả, gây nên cảm giác chán chường.

Cũng như các khu vực khác ở Việt Nam, ở miền Trung cũng có sự xuất hiện của xu hướng kiến trúc cổ, thậm chí có cổ xúy nhại cổ, bắt chước kiến trúc Tây, Tàu. Dễ dàng tìm thấy các website của các công ty tư vấn . Điều đáng nói xu hướng này lại được chấp nhận bởi một số chủ đầu tư. Tuy nhiên tiếng nói chính thống phê bình của giới kiến trúc chưa đủ mạnh để chế áp xu hướng này.

Doanh nghiệp tư vấn kiến trúc theo lối kiến trúc cổ nước ngoài (Ảnh: Tác giả)
Công trình này chỉ bị phê bình khi nó đã hoàn thành và ngồi “chễm chệ” ở một vị trí quan trọng trong một đô thị miền Trung (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng)

Ở trong khu vực này, một vấn đề nữa là phê bình kiến trúc thường chỉ diễn ra khi tòa nhà (tốt hay xấu) đã được hoàn thành (xem hình 5). Điều này đặt nhà phê bình vào một tình huống khó xử – vì mục đích hiệu quả, dường như không có lý do gì để phản đối một cái gì đó đã được làm và kết thúc. Tất nhiên, phê bình công trình xấu có thể được coi là một lời cảnh báo cho những điều nên tránh trong tương lai, cũng như công trình tốt nên được nhân rộng. Do đó, hiệu quả phê bình kiến trúc có thể nâng lên bằng cách tập trung vào các dự án chưa được xây dựng, với các bản vẽ và ý tưởng và các cuộc thi, vì nó có khả năng tác động trực tiếp đến kết quả thiết kế.

Kết luận

Công tác lý luận và phê bình kiến trúc ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã chịu ảnh hưởng nặng nề của các trạng thái xã hội, lịch sử và phát triển chậm so với hai đầu đất nước. Nhìn chung, cách tiếp cận trong lý luận và phê bình trong khu vực này cũng ít gay gắt, quyết liệt hơn các khu vực khác, phù hợp với tính cách và lối sống của người miền Trung. Lý luận và phê bình kiến trúc trong khu vực tập trung mạnh vào vấn đề bảo tồn, gìn giữ bản sắc và di sản, trong đó nhấn mạnh các di sản của người Việt Nam. Nhiều học giả trẻ, có trình độ cũng đang hướng đến các vấn đề có tính chuyên biệt cao và có hàm lượng khoa học công nghệ sâu như các vấn đề đô thị, kiến trúc bền vững, thiết kế đô thị… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, lý luận và phê bình vẫn có những vấn đề nội tại như: Chú trọng “phê” mà thiếu “khen”, e ngại sự động chạm nghề nghiệp với các đồng nghiệp, nói tránh sang các vấn đề lý luận thay vì phê bình thẳng thắn. Nhưng nhìn chung lý luận và phê bình của khu vực đang từng bước hội nhập và đóng góp có giá trị cho nền học thuật kiến trúc và đô thị Việt Nam. Công tác này cần nâng cao vai trò phản biện, giám sát của các Hội nghề nghiệp trong khu vực, đặc biệt là Hội KTS và Hội Quy hoạch để lý luận và phê bình kiến trúc gắn bó hơn với thực tiễn ngành nghề tại địa phương.

PGS.TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn
TS. Lê Trương Di Hạ
GS.TS.kts Doãn Minh Khôi
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2023)


Ghi chú:

Các tác giả cảm ơn Hội KTS Việt Nam (Mã đề án: ĐTPT 01.05/ 22-23) đã hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu này.

Tài liệu tham khảo: 

[1] Dang Hoang Vu – Impacts of the Soviet Union Architecture to housing and public works in Ha Noi during the Period 1954-1986 – Luận án TS-ĐH Kiến trúc Hà Nội 2016
[2] Nguyễn Quốc Thông, Trương Văn Quảng, Vũ Hiệp, 2018, Kỷ yếu Hội nghị Quốc gia: “Lý luận và phê bình kiến trúc ở Việt Nam” – ISBN: 978-2018/CXBI/45-45/TN
[3] Trích lời Hoàng Đạo Kính trong “Trần Thanh Bình, Luận bàn về phê bình Kiến trúc, Kỷ yếu Hội nghị Quốc gia “Lý luận và phê bình kiến trúc ở Việt Nam”, 2018, NXB Thanh niên”.
[4] Kiến Trúc Đông Dương Chủ biên: Lê Minh Sơn. Nhà Xuất Bản Xây dựng. Năm 2012
[5] Ngô Văn Doanh, Thánh địa Mỹ Sơn. Nhà xuất bản Trẻ, TP.HCM, 2003 (in lần lần thứ 11 năm 2019)
[6] Phan Thuận An – “Kinh Thành Huế” – Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1999
[7] Lê Vĩnh An 2017 – “Đô thị truyền thống Việt Nam – những thông điệp từ quá khứ” – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam Số 204-017 pp. 72-75
[8] Nguyễn Ngọc Tùng (Chủ biên), Trương Hoàng Phương, Miki Yoshizumi, Kobayashi Hirohide – “Tính bền vững của nhà cộng đồng truyền thống trong bối cảnh hiện đại” – NXB Thuận Hóa, 2020
[9] Gourou, P., 1936. Esquisse d’une étude de l’habitation Annamite: dans l’Annam septentrional et central du Thanh Hóa au Bình Dịnh, Les editions d’Art et D’histoire, Paris.
[10] Nguyễn Anh Tuấn, Trần Anh Tuấn. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Động lực mới cho ngành Kiến trúc. Tạp chí Xây dựng. Số: 633 (tháng 2-2021). Trang: 68-75. Năm 2021
[11] Ngô Văn Doanh – “Tháp cổ Champa” – Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ, TP.Hồ Chí Minh, 2018
[12] Nguyễn Hồng Ngọc – “Phê bình kiến trúc từ những quan điểm nhân văn” – Tạp chí Kiến trúc. Số: 281. Trang: 32. Năm 2018
[13] Tetsuo Furuichi, Nguyễn Anh Tuấn: “Hiện đại và Truyền thống” – Tạp Chí Kiến trúc. Số: 160. Trang: 81-87. Năm 2008
[14] Tôn Thất Hiếu Khoa, Nguyễn Ngọc Tùng – “So sánh khối nhà trung tâm trường Quốc Học và trường Hai Bà Trưng” – Nghiên cứu văn hóa miền trung 2022 – Chuyên san Di sản Kiến trúc Truyền thống, 2022, trang: 102-113
[15] Lê Minh Sơn – “Vì sao người Việt lại chuộng nhà ở kiểu Tây” – Tạp Chí Non Nước. Số: 297. Trang: 54-62. Năm 2022 

The post Nhận diện và đánh giá các xu hướng phê bình và phản biện kiến trúc tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/a82rUKn
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét