Qua hai mùa Lễ hội thiết kế sáng tạo 2021 và 2022, dưới góc độ một giám tuyển nghệ thuật, một người hướng dẫn dự án, một nghệ sĩ trực tiếp tham gia tác phẩm, tôi có những suy nghĩ và cảm nhận của một người trực tiếp tham gia và dẫn dắt tinh thần cho những dự án nghệ thuật cũng như tìm cách xâu chuỗi để đưa ra những câu chuyện nghệ thuật, những món ăn tinh thần cho người xem. Đầu tiên có thể nói ý tưởng mong muốn có một Lễ hội Thiết kế Sáng tạo cho TP Hà Nội, để Hà Nội có một sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng, đủ đáp ứng nhu cầu tạo dựng một thương hiệu văn hóa cho Hà Nội. Đây là một ý tưởng rất thú vị khi Hà Nội đã chính thức tham gia Mạng lưới các thành phố (TP) sáng tạo trên thế giới.
Từ ý tưởng đó, cộng với thời điểm khi Hội Quán Quảng Đông xưa (sau quá trình hơn 2 năm được trùng tu một cách công phu khôi phục được vẻ đẹp hiếm có sau 40 năm bị trưng dụng làm trường mẫu giáo Tuổi Thơ) đã tạo được một cuộc gặp gỡ, ra mắt một Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo (tiền thân của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo từ năm 2022 sau đó). Mặc dù triển khai rất khó khăn trong thời điểm bùng phát dịch Covid, Tuần lễ Khơi nguồn Sáng Tạo 2021 đã để lại được một ấn tượng mạnh mẽ cho công chúng, cũng như mang lại rất nhiều cảm xúc thăng hoa cho cả các nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia chương trình và những thành viên ban tổ chức… Các tác phẩm nghệ thuật thị giác, từ sắp đặt thư pháp, sắp đặt ánh sáng, các phương án kiến trúc, cùng với các chương trình biểu diễn nghệ thuật thử nghiệm: Video art, sân khấu thử nghiệm, trình diễn thư pháp, biểu diễn âm nhạc thử nghiệm… đã cuốn hút người xem trải nghiệm từ thị giác tới thính giác… suốt cả tuần lễ, thu hút công chúng tới thăm quan các không gian triển lãm sắp đặt trưng bày suốt nhiều tháng sau đó. Tuần Lễ Khơi nguồn sáng tạo 2021 có thể nói đã thành công ngoài mong đợi trong bối cảnh lần đầu tiên ý tưởng được thực hiện trong một hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn. Có được những ấn tượng mạnh từ lần ra mắt đầu tiên của ý tưởng này, điểm đầu tiên phải kể đến đó là yếu tố lợi thế về địa điểm nơi chốn. Chính việc lựa chọn được một địa điểm hết sức độc đáo và đầy bất ngờ, một di sản văn hóa kiến trúc với qui mô kích thước lớn gần 2000m2 có tuổi đời hơn 200 năm tuổi, tọa lạc ngay tại trung tâm phố Cổ Hà Nội đã là điểm lợi thế hết sức quan trọng. Tiếp theo sau đó, các chương trình triển lãm và biểu diễn nghệ thuật tại không gian đã được lên ý tưởng cẩn thận, với các lớp lang văn hóa, có khả năng tương tác, đối thọai với bề sâu lịch sử văn hóa của không gian Hội quán Quảng Đông xưa, cũng như của ký ức một thời gần nửa thế kỷ làm trường học mẫu giáo. Người xem đã có điều kiện và cơ hội thưởng thức cảm nhận cùng lúc cả giá trị nghệ thuật của các chương trình triển lãm cũng như biểu diễn nghệ thuật, những cuộc tọa đàm chuyên đề về văn hóa nghệ thuật sáng tạo liên quan, cùng lúc cảm nhận và trải nghiệm sâu sắc thêm vẻ đẹp giao thoa Đông – Tây độc đáo của công trình di sản kiến trúc vừa được trùng tu.
Tiếp sau đó, năm 2022, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo tiếp tục được triển khai mở rộng qui mô, kết nối không chỉ không gian Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, mà được mở rộng liên kết ra chuỗi các họat động xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Vườn hoa Lý Thái Tổ, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và một loạt các không gian nhà triển lãm trưng bày xung quanh khu vực Bờ Hồ. Lần này, ngoài không gian chuyên biệt về nghệ thuật thị giác được trưng bày chuyên đề tại Trung tâm 22 Hàng Buồm như năm trước, mảng kiến trúc với các phương án thiết kế kết hợp các ý tưởng triển lãm trưng bày cũng được triển khai mạnh ở khu vực ngoài trời. Các ý tưởng biến khu vực “Nhà Kèn” thành khu trưng bày chuyên đề thiết kế thời trang và điêu khắc; hay biến khu vực quảng trường trước tượng đài Lý Thái Tổ thành sân khấu biểu diễn thời trang, âm nhạc; biến vỉa hè dọc Bờ Hồ thành hành lang trưng bày tác phẩm sắp đặt không gian…; hay biến đài phun nước khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thành một tác phẩm sắp đặt kiến trúc tương tác với người xem, cùng với một loạt các chương trình biểu diễn, trình diễn nghệ thuật, thời trang, workshop nghệ thuật tương tác ngoài trời với công chúng suốt 1 tuần lễ… Những nỗ lực đó cũng góp phần thu hút đông đảo công chúng và du khách quốc tế biết tới các họat động sáng tạo và thiết kế của Lễ hội năm 2022. Tuy nhiên, những họat động này do diễn ra dàn trải trên một diện tích rất lớn trải khắp nhiều khu vực trên Bờ Hồ, cộng với thời gian diễn ra khá ngắn và nguồn lực tài chính và nhân lực khá hạn hẹp nên thực tế cũng trở nên khá rời rạc và hiệu quả không được như kỳ vọng của Ban tổ chức. Phần dự án nghệ thuật chính diễn ra tại không gian Hội quán 22 Hàng Buồm, lần này đã được nâng cấp lên với 1 dự án nghệ thuật khá qui mô, có tên “Hồn nhiên như cô tiên” diễn ra từ suốt mấy tháng trước đó cũng đã tạo nên một hiệu quả thị giác và nghệ thuật đủ sâu để tương tác không gian và chiều sâu văn hóa của bối cảnh Hội quán Quảng Đông xưa. Dự án kết nối hơn 40 nghệ sĩ nhiều thế hệ đã mang tới những tác phẩm hội họa, thiết kế và sắp đặt được sáng tác tỉ mỉ ứng tác với không gian. Cùng với những tác phẩm theo chủ đề thiết kế và công nghệ của mùa 2 cũng đã được tiếp tục thực hiện bởi giám tuyển với một loạt nghệ sĩ có tên tuổi, lấp đầy các không gian trải nghiệm tương tác với người xem suốt nhiều tháng sau kỳ lễ hội. Các cuộc tọa đàm, chiếu phim chuyên đề và thảo luận trong suốt kỳ lễ hội cũng đã thu hút rất nhiều khán giả công chúng quan tâm. Mặc dù theo thiết kế ban đầu, phải có thêm rất nhiều những trình diễn nghệ thuật cũng như những tác phẩm nghệ thuật công cộng theo hướng công nghệ diễn ra trong kỳ Lễ Hội, nhưng sau đó kế họach của Ban tổ chức cũng đã cắt giảm do sự mở rộng qui mô của dự án theo hướng khác. Tuy nhiên, có thể nói qua mấy tháng diễn ra dự án, những tác phẩm nghệ thuật mùa 2 trong Lễ hội thiết kế sáng tạo đã lại tiếp tục mang tới nhiều cảm xúc cho công chúng trong nước và quốc tế. Và 22 Hàng Buồm đã trở thành 1 địa chỉ nóng cho giới trẻ trong suốt nhiều tháng sau đó, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán đầu năm 2023, Trung tâm đã thu hút hàng trăm ngàn du khách đến chơi Xuân và chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật, khám phá không gian di sản đầy quyến rũ hoà trộn trong không gian của các tác phẩm. Đây chính là một điểm hết sức quan trọng của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo – Đó là tạo ra sức hút và cảm hứng sáng tạo tiếp cho thế hệ trẻ trải qua 2 mùa năm 2021 và 2022. Âm hưởng của những tác phẩm trong mỗi dự án gắn chặt và làm nổi bật sâu sắc hơn giá trị của kiến trúc mang đậm yếu tố văn hóa lịch sử.
Tiếp nối sự kiện Lễ hội thiết kế sáng tạo 2022, một sự kiện vừa rồi trong gần 2 tháng tại 22 Hàng Buồm, sự kiện Hanoi Photo Biennale 2023 do Viện Pháp phối hợp và TP Hà Nội tổ chức với loạt triển lãm và các sự kiện tọa đàm hội thảo bên lề lên tới 40 sự kiện mà trọng tâm cũng xoay quanh những không gian quan trọng như 22 Hàng Buồm và các gallery, các không gian nghệ thuật khác khắp Hà Nội, cũng đã đánh thức sức sống của các không gian sáng tạo trong Hà Nội nói chung cũng như kéo dài sức hút của không gian 22 Hàng Buồm nói riêng.
Có thể nói, nhận thức về vai trò và giá trị của nơi chốn trong việc phát huy giá trị của sự sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật đã được nâng lên đáng kể qua các mùa lễ hội thiết kế nghệ thuật và nhiếp ảnh mấy năm vừa qua. Tuy nhiên, để có thể đảm bảo cho các mùa lễ hội thiết kế hàng năm cũng như sự kiện Hanoi Photo Biennale quốc tế diễn ra được đều đặn, việc đầu tiên có lẽ TP cần phải thành lập 1 Uỷ ban gồm các thành viên làm việc thường xuyên với các chuyên gia trong nước và quốc tế để tìm kiếm ý tưởng cũng như nâng cấp dần qui mô họat động. Vì thực tế thông qua 2 năm vừa qua, bộc lộ điểm yếu lớn nhất đó là thiếu thốn về thời gian và con người. Thêm vào đó, qui trình họat động những Lễ hội hay Biennale có qui mô lớn như thế này cần phải học hỏi theo qui trình của những TP, những nước đi trước có nhiều kinh nghiệm trong quá trình vận hành và quản lí. Vướng mắc lớn nhất để vận hành các dạng thức lễ hội nghệ thuật như dạng này cần phải có một tư duy quản lý cởi mở về chính sách đồng thời hướng tới đối tượng chính và trung tâm là những người làm sáng tạo. Mục tiêu chính của những lễ hội này là nhằm thúc đẩy động lực và tạo điều kiện để những người làm nghệ thuật được tỏa sáng cũng như lan tỏa cảm hứng sáng tạo, tăng thêm động lực cho các thành phần tham gia khác trong xã hội. Và một vấn đề lớn để có thể vận hành được lễ hội cần có hẳn một ban chuyên lo về vấn đề kinh phí và ngân sách liên tục trong suốt cả năm, tìm kiếm cũng như thúc đẩy nguồn kinh phí cho dự án. Việc quản trị dự án là điều còn rất hạn chế của Ban tổ chức qua 2 mùa lễ hội thiết kế sáng tạo vừa rồi. Cần có một sự chuyển đổi mô hình từ quản lí sang quản trị một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn, dựa trên những nguyên tắc điều tiết mang tính hệ thống thực tiễn, tránh quản lý theo cảm tính và mang tính duy ý chí. Có lẽ rất cần những có sự tham gia liên ngành của những chuyên gia kinh tế để giúp những dự án này có khả năng cân bằng tài chính và nhân lực một cách chuyên nghiệp để tránh rơi vào tình trạng hụt hơi do không kiểm soát và cân bằng được các nguồn lực và năng lực thực tế.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/24A01035-6-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/24A01035-5-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/24A01035-15-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/24A01035-16-380x247.jpg)
Ngoài những không gian lớn có khả năng thu hút số đông công chúng tham gia trong khoảng thời gian chính của Lễ hội thiết kế Sáng tạo, cần phải tập trung vào những không gian nhỏ lẻ mang tính thực tiễn với sự tham gia của các chủ thể văn hóa. Hệ thống không gian những ngôi Đình thờ tổ nghề trong phố cổ là một nguồn lực rất quí, có khả năng kết nối thành một mạng lưới hệ thống các không gian sáng tạo. Các ngôi đình trong phố cổ như những bộ rễ cắm sâu vào quá khứ vào di sản của đô thị khi ký ức về những làng nghề và truyền thống kinh tế tiểu thủ công và nông nghiệp vẫn còn chi phối. Những ngôi đình thờ tổ nghề có thể coi như những sợi dây, mắt xích quý báu trong khu phố cổ giúp kết nối truyền thống thủ công của những vùng đất ven đô với những người thợ thủ công lành nghề. Với mục tiêu phát huy tiềm năng thiết kế sáng tạo, thiết nghĩ việc kết nối không gian những ngôi Đình trong phố cổ với những nghệ sĩ trẻ và những người thợ thủ công của từng nghề đặc trưng sẽ có khả năng mang lại sự hấp dẫn riêng có, kích thích khả năng mở ra những cuộc đối thọai thú vị, đưa những bản sắc của từng làng nghề, tiếp nối thổi hồn cho những sáng tạo thiết kế hiện đại, chứa đựng những giao thoa thú vị cho cuộc sống đương đại. Chính nhân tố này sẽ có khả năng thúc đẩy nhiều mục tiêu cùng một lúc, từ nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà thiết kế, cho tới du lịch văn hóa nghệ thuật. Và xa hơn nữa, thúc đẩy những tiềm năng mới cho những sáng tạo nghệ thuật và thiết kế bắt kịp với những xu thế của thời đại, đưa câu chuyện bản địa và truyền thống trong văn hóa dân tộc tới những thế hệ “tiêu thụ” mới của ngày hôm nay. Điều này không chỉ đưa lại khả năng phát triển kinh tế trong lĩnh vực du lịch văn hóa mà còn có khả năng kết nối cộng đồng bản địa và du khách, mang lại những sự tương tác văn hóa giữa các thế hệ và các bên tham gia. Bài học thành công từ những nước trong khu vực và trên thế giới khi gắn kết di sản từ truyền thống nghề thủ công với công nghiệp văn hóa đã được nhìn thấy rất nhiều từ trước đến nay. Nếu tận dụng được nguồn lực độc đáo có một không hai này một cách thành công có thể sẽ góp phần thúc đẩy và mang lại hiệu quả lâu dài cho việc phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/24A01035-12-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/24A01035-4-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/24A01035-3-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/24A01035-26-380x247.jpg)
Trên mục tiêu và ý tưởng phát triển dự án này, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo sẽ có thể có hướng duy trì và thay đổi nội dung theo từng năm nhưng vẫn có thể giữ một “format” cố định khi luân chuyển các địa điểm lớn có khả năng tập trung lượng lớn khán giả cho những chương trình biểu diễn, triển lãm thiết kế kết hợp đa loại hình đa phương tiện (ví dụ như các khu nhà máy cũ, Bảo tàng Hà Nội, nhưng địa điểm mới xuất hiện theo từng năm…) đồng thời duy trì hệ thống không gian những ngôi đình trong phố cổ được trung tu bổ sung dần theo từng năm như những pavillon nhỏ diễn ra những câu chuyện, những cuộc gặp gỡ, những dự án thiết kế cụ thể giữa những nghệ nhân và những nghệ sĩ. Điều quan trọng nhất là cần có một cơ chế duy trì được một quỹ hỗ trợ cho các chương trình, dự án diễn ra tại những không gian đó hiệu quả. Chính vì vậy như đã nói ở trên việc cần phải có một Ủy ban thường xuyên bám sát các họat động và các dự án của những ngôi Đình để có thể duy trì được một cách thường xuyên các họat động.
Những ngôi đình trong phố Cổ vốn từng là nơi kết nối cộng đồng, một thiết chế bền vững trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, trải qua những thay đổi của lịch sử và cuộc sống, những ngôi đình trong phố giờ không còn chức năng kết nối của những cộng đồng làng nghề như xưa. Chính vì vậy, mô hình kết hợp giữa thiết kế sáng tạo với những làng nghề nổi tiếng xưa kia sẽ có khả năng tạo nên công năng mới nhưng vẫn duy trì được đặc tính quí báu vốn có của những ngôi đình, đó là khả năng kết nối cộng đồng. Không những thế, cộng đồng ở đây được mở rộng, mang tính chất rộng lớn hơn, đa dạng hơn của những người sáng tạo, yêu văn hóa, người mong muốn tìm hiểu khám phá những giá trị mới được kết tinh và lấy nguồn cảm hứng từ những giá trị truyền thống quí báu. Hơn nữa, việc mời những nhà thiết kế, những nghệ sĩ đề xuất những dự án, những câu chuyện đối thọai với những nghệ nhân các thế hệ trong những ngôi đình sẽ tạo nên những kết hợp độc đáo, đưa yếu tố sáng tạo trở thành một thước đo quan trọng.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/24A01035-11-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/24A01035-7-380x247.jpg)
Ngoài ra, cần xây dựng được một hệ thống truyền thông và hướng dẫn viên chuyên nghiệp có khả năng lan tỏa và dẫn dắt công chúng, du khách quan tâm được tiếp cận thông tin một cách chuyên nghiệp đầy đủ. Điều khó nhất của dự án Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội là khả năng duy trì được thường xuyên hàng năm với sự đổi mới về nội dung, hình thức nhưng vẫn phải nhất quán được mục tiêu chung đó là hướng tới sự quan tâm tới những chủ thể văn hóa chính là những người sáng tạo, những nhà thiết kế, nghệ nhân, những nghệ sĩ, những người tạo ra những giá trị mới bằng những thiết kế sáng tạo giàu tính nhân văn nhưng vẫn thấm đượm tinh thần bản địa, văn hóa truyền thống cũng như diễn giải lại những giá trị thủ công truyền thống của những thế hệ nghệ nhân trong những tác phẩm, sản phẩm giàu tính sáng tạo đồng thời có khả năng tiếp cận chia sẻ với những giá trị đương đại của quốc tế.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/24A01035-25-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/24A01035-24-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2024/02/24A01035-9-1-380x247.jpg)
HS Nguyễn Thế Sơn – Nghệ sĩ thị giác, giám tuyển
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2023)
The post Đề xuất xây dựng khung kế hoạch – Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/ez9Eycm
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét