Nhìn bên ngoài ngôi nhà là một hình khối khép kín nhưng bên trong là không gian mở kết nối bếp với phòng khách, tràn ngập ánh sáng và tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
Nằm giữa một con hẻm nhỏ với diện tích đất chỉ 50m2, ngôi nhà là sự giao thoa nhẹ nhàng giữa kiến trúc hiện đại và một chút hoài niệm. Ảnh: Phan Duy Hao
Do chiều dài gấp đôi chiều rộng, căn nhà được thiết kế theo phương án khép kín với bên ngoài nhưng bên trong là không gian mở liên thông, có nắng gió ngập tràn. Ảnh: Phan Duy Hao
Mặt tiền sử dụng các vật liệu thô mộc gồm gạch đỏ, tường xi măng. Ảnh: Phan Duy Hao
Dù có vẻ ngoài đơn giản nhưng công trình vẫn gây ấn tượng bởi bức tường gạch đỏ mộc mạc. Ảnh: Phan Duy Hao
Ngôi nhà gồm 3 tầng với đầy đủ công năng, tiện nghi. Tầng 1 là không gian của phòng khách, khu bếp và bàn ăn. Ảnh: Phan Duy Hao
Tầng 2 có 2 phòng ngủ, 2 phòng vệ sinh riêng. Tầng 3 gồm 1 phòng ngủ, phòng giặt và sân vườn. Ảnh: Phan Duy Hao
Theo yêu cầu của gia chủ, mặc dù có diện tích nhỏ song căn nhà cần đảm bảo đầy đủ tiện nghi. Phòng khách không chỉ là nơi tiếp khách mà còn là nơi tụ họp bạn bè. Hơn nữa, không gian bếp phải thoáng đãng, có thể quan sát trẻ con chơi đùa. Ảnh: Phan Duy Hao
Đặc biệt, với cá tính riêng, họ muốn ngôi nhà phải chu đáo nhất có thể với mọi thứ thoáng đãng, gọn gàng, nhẹ nhàng và tối giản, có nắng và gió. Ảnh: Phan Duy Hao
Vì vậy, kiến trúc sư kết hợp cây xanh với các vật liệu màu thô như: gạch đỏ, tường xi măng bên ngoài để sơn ngoại thất tự nhiên và mộc mạc. Ảnh: Phan Duy Hao
Điểm nhấn chính trong nội thất là gỗ, tường được sơn tông màu trắng giúp không gian trở nên rộng hơn và sang trọng hơn. Ảnh: Phan Duy Ha
Khoảng giếng trời nhỏ nhưng đủ mang đến sức sống tươi mới cho không gian. Ảnh: Phan Duy Hao
Cầu thang thay đổi theo từng tầng giúp tối ưu diện tích sử dụng. Ảnh: Phan Duy Hao
Theo Hoàng Minh (Tri thức và cuộc sống biên dịch từ Archdaily)
Nằm trong chuỗi hoạt động TOTO Architect Talk, Cuộc thi Kiến trúc 2024 “Hoán vị / Rearrangement” do Công ty TNHH TOTO Việt Nam phối hợp cùng TOTO Gallery MA tổ chức, bảo trợ bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam chính thức được phát động từ ngày 30/08/2024.
Một chủ đề kiến trúc mới mẻ và đầy thử thách
Được khởi xướng lần đầu vào năm 2017, đến nay, Công ty TNHH TOTO Việt Nam với sự bảo trợ thông tin của Hội KTS Việt Nam đã tổ chức thành công 05 Cuộc thi Kiến trúc với những chủ đề đa dạng, hấp dẫn, thu hút đông đảo kiến trúc sư trẻ tham gia:
Năm 2017: Cuộc thi “Giải pháp nhà ở cho vùng thiên tai”
Năm 2018: Cuộc thi “Phần hồn của Đô thị”
Năm 2019: Cuộc thi “Cảm tác vẻ đẹp tự nhiên giữa lòng đô thị – Tìm kiếm giải pháp thiết kế đánh thức tự nhiên”
Năm 2022: Cuộc thi “Thiết kế Pavilion: Discovering New – Khơi nguồn chất mới”
Năm 2023: Cuộc thi “Khám phá các không gian không chính quy”
Năm nay, Cuộc thi Kiến trúc 2024 trở lại với chủ đề “Hoán vị/ Rearrangement”, được lấy cảm hứng từ triết lý thiết kế của KTS Nhật Bản Junya Ishigami. Cuộc thi sẽ là cơ hội để các kiến trúc sư trẻ và các bạn sinh viên ngành kiến trúc được học hỏi, cọ xát, thể hiện bản thân với một đề bài đầy thử thách.
“Hoán vị/ Rearrangement” hướng đến việc tái sắp xếp những thực thể đã có sẵn để tạo ra những hình thái, tổ hợp mới với những chương trình mới. Khác với “Recycle” chú trọng vào vòng đời của vật liệu hay “Repurpose/ adaptive reuse” tập trung vào việc cấy ghép công năng, “Rearrangement” hướng tới cách thiết lập một chu trình xê dịch và hoán đổi để tạo thành những tổ hợp mới từ những thực thể tự nhiên hay nhân tạo tồn tại độc lập. Một môi trường không gian mới từ đó sẽ được sản sinh. Cảnh quan có thể được tạo lập trong kiến trúc và kiến trúc có thể được hình thành trong cảnh quan. Đó có thể là một cánh rừng được trồng lại từ những cánh rừng khác, có thể là một ngôi nhà được xây lại từ những ngôi nhà khác, có thể là một cánh rừng được trồng lại từ những ngôi nhà hay một ngôi nhà xây lên từ những cánh rừng.
Đề bài này gợi mở cho các kiến trúc sư trẻ quan sát và suy nghĩ về những khả thể kiến trúc, cảnh quan có thể được hình thành từ việc hoán vị, tái tổ chức, tái sắp xếp những thực thể đã có sẵn trong thành phố của mình. Từ đó, cuộc thi khuyến khích sinh viên cũng như những người đang hành nghề sáng tạo thay vì tập trung vào việc kiến tạo ra những thực thể kiến trúc mới, hãy quan sát và tái cấu trúc hay sắp xếp lại những thể trạng đã có sẵn về mặt vật lý hay phi vật lý; hoán đổi công năng, thích ứng tùy biến vào những bối cảnh khác nhau để sản sinh ra những khả thể kiến trúc định hình lại cấu trúc đô thị.
Cuộc thi chính thức diễn ra từ ngày 30/08/2024 và kết thúc nhận bài dự thi online vào 23:59 ngày 08/10/2024. Mô hình dự án của Top 10 bài thi xuất sắc nhất sẽ được trưng bày tại triển lãm thuộc sự kiện Diễn thuyết kiến trúc TOTO Architect Talk 2024 ngày 09/11/2024 và kết quả chung cuộc sẽ được công bố trong khuôn khổ chương trình.
Bên cạnh sự bảo trợ uy tín của Hội Kiến trúc sư Việt Nam – Tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp chính thống của ngành Kiến trúc, cuộc thi còn được đồng hành bởi các kiến trúc sư dày dặn kinh nghiệm góp mặt trong hội đồng Ban giám khảo: KTS. Hoàng Thúc Hào (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sáng lập viên Công ty cổ phần kiến trúc xây dựng quốc tế 1+1>2), KTS. Nguyễn Hà (Sáng lập viên Văn phòng Kiến trúc ARB), KTS. Trần Cảnh (Sáng lập viên Văn phòng Kiến trúc Adrei studio).
Nhận định về chủ đề cuộc thi năm nay, KTS. Hoàng Thúc Hào chia sẻ: “Hoán vị/ Rearrangement là một chủ đề thú vị và mang tính thời sự trong bối cảnh kiến trúc hiện đại. Đây là một luồng gió mới, khéo léo đặt ra câu hỏi về vai trò của kiến trúc sư trong việc tái cấu trúc môi trường sống hiện hữu. Thay vì tập trung xây dựng mới, các kiến trúc sư được khuyến khích suy nghĩ về cách thức tận dụng và biến đổi những gì đã có, tạo ra những giá trị mới, bền vững hơn và có khả năng thích ứng”. Định hướng của đề bài cũng phù hợp với góc nhìn của cá nhân KTS. Hoàng Thúc Hào bởi ông cho rằng: “Kiến trúc tốt sẽ góp phần tạo nên ý thức xã hội lành mạnh. Mọi cộng đồng đều có quyền mưu cầu những kiến trúc hiện đại, mang đúng bản sắc của mình và được hưởng đời sống với hàm lượng hạnh phúc cao – cho mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng”.
Để tranh tài với điểm số cao, các bài thi không chỉ cần thể hiện tiêu chí về tính bao hàm, tính thực tiễn, tính linh hoạt, tính bền vững của thiết kế, mà còn phải làm nổi bật tính táo bạo và sự sáng tạo của dự án trong việc tái lập, tái sử dụng hay tái định nghĩa những điều có sẵn (vật liệu, hình thái, ngôn ngữ,v.v).
Cơ cấu giải thưởng hấp dẫn của cuộc thi cũng là động lực để các thí sinh quyết tâm thể hiện bản lĩnh, bao gồm:
01 Giải Nhất: 30.000.000 VNĐ
01 Giải Nhì: 25.000.000 VNĐ
01 Giải Ba: 15.000.000 VNĐ
01 Giải Bình chọn online: 5.000.000 VNĐ
TOTO Architect Talk 2024 – Sự kiện diễn thuyết đáng mong đợi với cộng đồng kiến trúc
TOTO Architect Talk là chuỗi sự kiện kiến trúc thường niên với quy mô lớn bao gồm buổi diễn thuyết và cuộc thi thiết kế, được TOTO Việt Nam tổ chức thành công từ năm 2017 đến nay. Trải qua 5 mùa ấn tượng với sự tham gia của các diễn giả là các kiến trúc sư hàng đầu thế giới: Shigeru Ban, Hiroshi Naito, Takaharu Tezuka, Akihisa Hirata, Yoshiharu Tsukamoto, TOTO Architect Talk đã trở thành điểm hẹn thường niên được mong chờ, tạo ra sân chơi kết nối và truyền cảm hứng đến cộng đồng đam mê kiến trúc.
Năm 2024, TOTO Architect Talk tiếp tục mang đến chủ đề diễn thuyết “My Works – Các công trình của tôi” với sự tham gia của diễn giả – KTS Nhật Bản Junya Ishigami. Sự kiện diễn thuyết sẽ diễn ra vào ngày 09/11/2024 tại Hà Nội, hứa hẹn mang đến những thông tin thú vị và hữu ích với cộng đồng kiến trúc Việt.
Về TOTO:
Tập đoàn TOTO được thành lập năm 1917 tại Kitakyushu, Nhật Bản, là một trong những thương hiệu tiên phong về sản xuất thiết bị vệ sinh cao cấp và các sản phẩm liên quan đến phòng tắm. Chính thức thành lập tại Việt Nam từ năm 2002, TOTO có sứ mệnh mang đến Việt Nam một tiêu chuẩn vệ sinh chất lượng hàng đầu Nhật Bản và đẳng cấp thế giới qua những sản phẩm với công nghệ hiện đại, thiết kế tinh tế. TOTO đang ngày càng xác định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường cũng như trong lòng người tiêu dùng Việt.
Chiều 14/8, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích; dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới (Điều 28, Điều 29), một số ý kiến đề nghị quán triệt nguyên tắc không quy định việc xây dựng công trình, công trình nhà ở; chỉ cho cải tạo, sửa chữa trên cơ sở phải giữ được nguyên trạng về mặt bằng, không gian, không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 28 dự thảo Luật quy định: Việc triển khai xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích và sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng nhà ở riêng lẻ đã có tại khu vực bảo vệ I và phải bảo đảm nguyên trạng về mặt bằng và không gian.
Điều 29 dự thảo Luật quy định: Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, triển khai xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại khu vực bảo vệ I; xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, công trình kinh tế-xã hội tại khu vực bảo vệ II phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; của người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh và thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về đầu tư, đầu tư công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình trong khu vực di sản thế giới, vùng đệm di sản thế giới phải tuân thủ yêu cầu bảo vệ môi trường, ngăn ngừa, kiểm soát các yếu tố tác động tới di sản thế giới theo quy định của Luật này và quy định của UNESCO.
Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình nhà ở riêng lẻ đã có trong khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ I di tích, di sản thế giới được thực hiện như sau: Trường hợp nhà ở riêng lẻ là yếu tố gốc cấu thành giá trị di tích hoặc là bộ phận cấu thành cảnh quan văn hóa của di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia được thể hiện trong hồ sơ khoa học xếp hạng, thể hiện trong quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được cấp có thẩm quyền phê duyệt có yêu cầu sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại trên cơ sở hiện trạng công trình đã có trong khu vực bảo vệ di tích, thực hiện theo quy định về quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật này;
Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có trong khu vực bảo vệ di tích không thuộc quy định tại điểm trên thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh.
Tuy nhiên, còn có ý kiến đề nghị cân nhắc về thẩm quyền cho ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất cho rằng, trường hợp nhà ở riêng lẻ đã có sẵn trong khu vực bảo vệ di tích nhưng không thuộc yếu tố gốc và cấu thành cảnh quan văn hóa của di tích, việc xin ý kiến của cơ quan chuyên môn văn hóa cấp tỉnh là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống cho người dân sinh sống trong khu vực có di sản.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, cần có chính sách cho di sản sẽ hình thành trong tương lai. Theo đó, cần giữ gìn các di sản có tiềm năng trở thành di sản văn hóa trong tương lai như: tác phẩm điện ảnh, bộ phim nhựa sản xuất trong chiến tranh, di vật của lãnh tụ, dòng họ để giữ gìn các tiềm năng này. “Cần nghiên cứu phát hiện, xem xét bảo vệ và phát huy giá trị. Nếu không phát hiện sớm thì sau này theo thời gian mất đi khôi phục thì rất khó”, ông Cường nói.
Dẫn chuyện bảo tồn tại quê hương ông là Vịnh Hạ Long, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội băn khoăn về quy định xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, công trình kinh tế-xã hội tại khu vực bảo vệ II phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia.
Ông Thanh đề nghị cân nhắc vấn đề này vì các công trình phát triển kinh tế-xã hội tại vùng đệm, khu vực bảo vệ II phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tạo thêm thủ tục hành chính. Vậy có cần thiết không? vì các công trình trên nằm ở trên bờ, cách xa khu vực vịnh.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, trong trùng tu, tu bổ, tôn tạo các di tích phải bảo đảm di tích giữ nguyên giá trị kiến trúc và thẩm mỹ, tăng khả năng chống đỡ trước sự tác động của môi trường.
“Vừa qua việc làm mới gây ra xôn xao trong dư luận. Chùa đang cổ kính, đẹp nhưng sau khi tu bổ, mất tiền thì như chùa mới hiện đại. Do đó bảo quản tu bổ di tích phải đảm bảo giữ gìn bản sắc, và phải có chế tài nếu xảy ra ảnh hưởng. Vì có di tích không tìm kiếm lại được hình dáng, màu sắc của di tích đó nữa”, bà Hải nói và đề nghị ngăn chặn việc làm mới các công trình di tích lịch sử mà không đảm bảo yếu tố về lịch sử, kiến trúc.
Ngày 26.08 và 28.08.2024, talkshow chủ đề Redefine Luxury Living – “Cùng chuyên gia tái định nghĩa cuộc sống cao cấp” do Vietceramics và Hội Nội Thất Việt Nam (VNIA) đồng tổ chức đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Talkshow là cuộc hội ngộ giữa các chuyên gia đầu ngành, nổi bật trong đó là ông Nguyễn Hoàng Mạnh – người sáng lập Mia Design Studio tại talkshow thành phố Hồ Chí Minh, ông Nhâm Chí Kiên – người sáng lập APDI Architecture tại talkshow Hà Nội, chị Nguyễn Phan Thùy Dương – Managing Editor của chuyên trang Elle Decoration, và đại diện từ thương hiệu Villeroy & Boch (Đức) và LEA Ceramiche (Ý).
Theo phó chủ tịch VNIA, talkshow đã ươm mầm nhiều cơ hội hợp tác mới trong giới kiến trúc, hỗ trợ các thành viên kết nối và giao lưu, qua đó giúp cộng đồng kiến trúc – nội thất lớn mạnh hơn cũng như đưa ngành này tại Việt Nam phát triển vượt bậc.
Các chuyên gia đã bàn luận về những xu hướng mới đang xuất hiện trong thị trường nội thất ngày nay. Theo đó, chuẩn mực của không gian sống cao cấp không còn gói gọn trong những vật liệu nội thất xa xỉ, mà còn mở rộng tới những trải nghiệm đặc biệt giúp nâng cao thể chất và tinh thần của gia chủ.
Có thể kể tới xu hướng xây dựng không gian hài hòa với thiên nhiên, nơi mảng xanh xuất hiện bên ngoài lẫn bên trong công trình. Giới mộ điệu cũng đồng bộ hóa vật liệu nội thất và ngoại thất trong công trình nhằm tăng cường kết nối giữa các không gian.
Song song với những xu hướng này là nhu cầu sống “sạch” ngày càng khắt khe của gia chủ. Không chỉ tìm kiếm những cách thức kháng khuẩn hiệu quả cho không gian sống, mà gia chủ còn đặt ra yêu cầu về tính tiện nghi, phù hợp với sinh hoạt và an toàn cho sức khỏe.
Một giải pháp kháng khuẩn đáng chú ý là gạch kháng khuẩn. Chuyên gia từ thương hiệu Ý LEA Ceramiche – nhà sản xuất dòng gạch kháng khuẩn Protect® tiên tiến – cho biết gạch kháng khuẩn sở hữu nhiều yếu tố ưu việt như kháng khuẩn hiệu quả đến 99.9%, không bị phai mòn và dễ vệ sinh, tạo nên không gian an toàn và tiện nghi.
Một giải pháp khác hướng đến kháng khuẩn trong không gian tắm là sử dụng thiết bị vệ sinh kháng khuẩn. Một ví dụ là sản phẩm bồn cầu thông minh ViClean-IH+ của thương hiệu Đức Villeroy & Boch. Với công nghệ sứ kháng khuẩn Hygiene Surface bảo vệ mọi tiếp xúc của gia chủ, ViClean-IH+ đặt ra tiêu chuẩn mới cho kháng khuẩn phòng tắm.
Sau hoạt động tọa đàm, các chuyên gia đã thưởng thức ẩm thực canape, tham quan showroom Vietceramics, trải nghiệm các công nghệ kháng khuẩn trên gạch và thiết bị vệ sinh, đồng thời chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích.
Với hoạt động này, Vietceramics và VNIA kỳ vọng sẽ gợi mở cho các hội viên – kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất – nhiều góc nhìn chuyên sâu để thiết kế không gian sống cao cấp, thịnh vượng và bền vững.
Đối với thiết kế nhà ở, bên cạnh việc đưa ra những giải pháp kiến trúc, giải pháp kỹ thuật tốt; thì việc tạo nên những không gian riêng có cá tính cũng rất quan trọng. Yếu tố này ngày càng được đầu tư nhiều hơn ở cả phía khách hàng và kiến trúc sư. Bên cạnh các không gian chung như phòng khách, phòng sinh hoạt chung, phòng bếp – ăn… thì các phòng ngủ là thế giới riêng của mỗi thành viên trong gia đình; mà mỗi người có độ tuổi, sở thích, cá tính khác nhau nên phòng ngủ chính là nơi thể hiện “cái tôi” đó. Phòng trẻ em tương đối đặc biệt bởi “chủ nhân” là đối tượng… đặc biệt. Phòng trẻ em là một thế giới riêng, có nhiều ảnh hưởng sinh hoạt và quá trình phát triển, học tập của trẻ. Vì lẽ đó, phòng trẻ em luôn là mối quan tâm của mỗi chủ nhà, là niềm vui của chủ nhân bé nhỏ và là niềm hứng khởi sáng tạo của những kiến trúc sư. Dẫu vậy, thì khi thiết kế phòng trẻ em, cần phải lưu ý một số nguyên tắc quan trọng.
Tiện dụng và an toàn
Khi nói đến phòng trẻ em, tức là một không gian riêng dành cho trẻ nhỏ, có sự độc lập, tự chủ, riêng tư nhất định của chủ nhân không gian, phần nào thoát ly khỏi sự trông nom, quan tâm liên tục của người lớn. Nhưng trẻ em vẫn không thể hoàn toàn chủ động ứng xử trước những tình huống bất ngờ, do yếu tố thể chất, kinh nghiệm cuộc sống… nên việc thiết kế tạo nên một sự thuận tiện và an toàn tối đa cho trẻ là điều rất cần thiết. Cấu trúc mặt bằng, giao thông trong phòng phải rõ ràng, mạch lạc, tránh tạo ra những vị trí, góc bất tiện hay nguy hiểm như chênh cốt sàn, các góc nhọn của tường, đồ nội thất gây nguy hiểm. Vị trí điều khiển các thiết bị (điện, thông tin) phải thuận tiện; bản thân thiết bị điện và hệ thống dây dẫn phải tuyệt đối an toàn; nhất thiết phải sử dụng các thiết bị an toàn điện như át chống giật, rơ le tự động để cắt nguồn khi xảy ra hiện tượng đoản mạch. Không nên lắp đặt các thiết bị điện, nước (nếu có phòng vệ sinh trong phòng ngủ), thiết bị điện lạnh, điện tử có cơ chế vận hành phức tạp không phù hợp độ tuổi. Đối với các vị trí dễ gây nguy hiểm khác trong phòng, hoặc liên quan đến phòng như ban công, giếng trời phải thiết kế hệ thống lan can, cửa, hoa sắt đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Ngoài ra người lớn phải có sự quản lý về việc vận hành như khóa cửa ra ban công để trẻ không tự ý ra được nếu chưa có ý thức và khả năng kiểm soát. Trẻ em rất hiếu động nên việc cẩn thận không bao giờ là thừa.
An toàn thoát hiểm cũng là một yếu tố quan trọng. Khi có sự cố xảy ra, trẻ em thường sợ hãi không thể xử lý tình huống trực tiếp mà phản xạ theo bản năng là chạy hoặc kêu cứu. Thiết kế phải đảm bảo được yêu cầu dễ thoát hiểm khi có sự cố, như chốt khóa cửa vận hành đơn giản, dễ đóng mở (nếu dùng khóa có chìa thì phải luôn để một bộ ở ngoài do người lớn quản lý). Đối với trẻ em ở tuổi nhỏ (dưới 10 tuổi), mức độ riêng tư không cao, nên cửa phòng có thể làm cửa có ô kính trong để dễ quan sát từ bên ngoài và nếu có sự cố có thể phá vỡ kính để mở chốt khóa bên trong.
Giới tính và cá tính của bé
Cùng là trẻ em, nhưng đến độ tuổi nhất định (3-5 tuổi) các bé đã có những nhận thức về giới tính và hình thành các sở thích cá tính xuất phát từ giới tính. Bé trai thích chơi trò con trai và các đồ chơi con trai như đá bóng, ô tô… còn bé gái thích búp bê, thích chơi đồ hàng… Bé trai thiên về những mảng khối khỏe khoắn, bé gái lại thích những đường cong mềm mại. Hầu hết các bé gái thích màu hồng, màu tím; còn bé trai thường thích các màu xanh. Lớn lên chút nữa, trong quá trình học tập và giao tiếp, các bé bắt đầu hình thành nên tính cách khác nhau và có sở thích khác nhau. Những tính cách và sở thích này có thể hình thành và phát triển tự nhiên, cũng có thể chịu ảnh hưởng hay do người lớn trong gia đình định hướng. Có bé thích các trò vận động – thể thao; có bé thích múa hát; có bé thích vẽ, có bé thích đọc sách; có bé thích chơi trò chơi điện tử… Cần nắm được những nhu cầu và sở thích chính đáng, lành mạnh của trẻ để thiết kế, tạo ra những không gian phù hợp về công năng và thẩm mỹ, để chủ nhân của không gian cảm thấy thoải mái, thích thú, phát triển tích cực và lành mạnh. Nói chung, phòng của trẻ em luôn được các nhà thiết kế làm cho sinh động, vui nhộn, nhiều màu sắc; nhưng nếu quan tâm kỹ hơn thì không gian đó sẽ có ý nghĩa nhiều hơn; có tác động tốt hơn tới tâm sinh lý của bé. Nội thất phòng trẻ em , ngoài những “phần cứng” do thiết kế xây dựng tạo nên như tường, trần, sàn, chiếu sáng, hệ thống đồ nội thất… thì luôn phải tạo những nơi cho bé vui chơi và sáng tạo, tự trang trí cho căn phòng của mình. Đó là những nơi treo tranh, ảnh; dán những hình mà bé yêu thích; nơi bé sắp xếp đồ chơi, trưng bày những món quà, những sản phẩm thủ công tự làm… Phần này của bé luôn thay đổi… Mỗi bé có giới tính riêng; có sở thích, cá tính khác nhau sẽ có cách làm khác nhau để tự thỏa mãn và thể hiện mình. Người thiết kế cần tránh tối đa việc cố định, ấn định một không gian nội thất bất biến theo thời gian trong phòng trẻ em!
Phù hợp theo độ tuổi
Trẻ em nào rồi cũng lớn. Đúng vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là thiết kế luôn… như phòng người lớn chờ cho bé lớn. Phòng trẻ em vẫn nên được chăm chút, thiết kế phù hợp. Và thực tế là như vậy. Hiện nay, nhiều gia đình đầu tư nhiều cả công sức và tiền bạc cho không gian đặc biệt này. Nhưng cần lưu ý rằng không phải cứ “nghịch nghịch”, vui vui, nhiều màu thì là phòng trẻ em. Ngoài những nguyên tắc như trên đã nói, thì phòng trẻ phải phù hợp độ tuổi của chủ nhân căn phòng. Bởi mỗi lứa tuổi trẻ có tâm sinh lý khác nhau, có nhu cầu sinh hoạt, học tập và vui chơi khác nhau. Ví dụ như trẻ dưới 6 tuổi, thì nhu cầu chơi là chính (có nhiều đồ chơi, cần nơi để đồ chơi), trẻ đi học lớp 1 là bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới (khi đó sẽ cần tới bàn học, giá sách). Từ 10 tuổi trở đi, trẻ có ý thức và bắt đầu tự thấy cần thiết sự riêng tư, có thể có những “bí mật” nho nhỏ trong thế giới của mình. Thời gian và cách thức học tập, sinh hoạt, mối quan hệ, tình cảm của trẻ sẽ thay đổi theo độ tuổi. Người thiết kế cần nắm rõ điều này để đưa ra giải pháp phù hợp nhất. Cần lưu ý là thiết kế nên “đi sớm” đón trước tuổi của trẻ một chút; để không gian này có giá trị phù hợp lâu dài.
Trẻ em là thành viên trong gia đình, và phòng của trẻ là một không gian nhỏ trong tổng thể ngôi nhà. Để phòng trẻ có tác dụng tốt, có ý nghĩa; người thiết kế cần đặt trong bối cảnh tổng thể, trong các mối quan hệ, giao hòa và đan xen nhiều yếu tố: kiến trúc, nội thất, kỹ thuật, gia đình, xã hội… để đưa ra giải pháp phù hợp. Người thiết kế (cùng gia chủ) cũng nên tính toán và dự trù cho tương lai (có thể tới 5-10 năm) về việc sử dụng hay hoán đổi, luân chuyển các không gian; cải tạo nội thất khi có nhu cầu mới, và khi trẻ đã dần trở thành người lớn.
Nhờ thiết kế khéo léo, kiến trúc sư giúp giảm ảnh hưởng của mưa, và ánh nắng phía Tây lên các không gian bên trong ngôi nhà.
Tọa lạc tại vùng đồi núi phía Tây Bắc ngoại ô Hà Nội, ngôi nhà được bao quanh bởi những cánh rừng tự nhiên và nhiều đặc điểm văn hóa bản địa. Ảnh: Triệu Chiến
Lấy cảm hứng từ “Nhà sàn” truyền thống (kiểu nhà điển hình của một nhóm dân tộc thiểu số miền núi ở vùng Tây Bắc), kiến trúc sư bố trí không gian sinh hoạt chung tại tầng một. Ảnh: Triệu Chiến
Không gian chức năng phụ nằm ở phía Tây của ngôi nhà, được bố trí trồng cây lớn để cản trở tác động của ánh nắng mặt trời phía tây vào buổi chiều. Ảnh: Triệu Chiến
Không gian sinh hoạt chung tối đa hóa tầm nhìn toàn cảnh của khu đất dự án đồng thời thiết lập kết nối với sân chơi ngoài trời và hồ bơi. Ảnh: Triệu Chiến
Điểm nhấn chính của không gian nội thất là khoảng trống lớn tạo ra sự tương tác giữa các không gian khác nhau bên trong. Ảnh: Triệu Chiến
Khoảng trống là nơi cầu thang và hành lang kết nối, đồng thời cung cấp không gian để thông gió tự nhiên. Ảnh: Triệu Chiến
Với việc sử dụng toàn bộ tầng trệt làm không gian chung và đẩy các phòng ngủ lên tầng 2, thiết kế tạo ra các sân hiên và hành lang bên dưới đóng vai trò là không gian đệm, đảm bảo sự chuyển đổi tự nhiên của không gian bên ngoài vào không gian bên trong. Ảnh: Triệu Chiến
Điều này cũng giúp giảm ảnh hưởng của mưa và nắng phía Tây lên các không gian bên trong. Ảnh: Triệu Chiến
Trên đỉnh tòa nhà, mái nghiêng tương tác với hình dạng của cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Ảnh: Triệu Chiến
Cấu trúc của cột giúp đẩy các phòng ở tầng 2 và hệ thống mái phía trên bằng cách sử dụng các vật liệu thô và quen thuộc tạo ra phản ứng giác quan mạnh mẽ như đá, gỗ, bê tông… Ảnh: Triệu Chiến
Mỗi không gian đều có những câu chuyện thú vị mà kiến trúc sư muốn truyền tải, giúp gia chủ có được khoảng thời gian thoải mái và vui vẻ bên gia đình. Ảnh: Triệu Chiến
Theo Hoàng Minh (Tri thức và cuộc sống biên dịch từ Archdaily)
Cuộc thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Vĩnh Long cùng Tạp chí Kiến trúc và các Sở, ban, ngành địa phương liên quan phối hợp tổ chức theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long được phát động từ ngày 12/06/2024, tại Khu tưởng niệm Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – Số 10 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Vũng Liêm, Vĩnh Long. Sau 2 tháng phát động, BTC đã nhận được hơn 50 hồ sơ đăng ký tham dự từ các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế.
Theo Kết quả vòng sơ tuyển, Hội đồng thi tuyển đã lựa chọn được 10 đơn vị có đủ năng lực dự thi. Ngày 22/8/2024, Ban QLDA kết hợp cùng UBND huyện Vũng Liêm, đã tổ chức chuyến khảo sát vị trí khu đất xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với sự tham gia của 08/10 đơn vị dự thi.
Sáng ngày 23/8/2024, cùng với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, Ban QLDA đã tổ chức buổi họp giải đáp thắc mắc xung quanh những khó khăn mà những đơn vị dự thi cần làm rõ, với sự tham gia của 05/10 đơn vị dự thi (trực tiếp) và 02/10 đơn vị dự thi tham gia bằng hình thức họp online (trực tuyến).
Ngoài những câu hỏi trực tiếp tại buổi họp, trước đó các đơn vị dự thi đã gửi câu hỏi qua email của Ban Tổ chức cuộc thi. Ban QLDA đã tổng hợp các câu hỏi qua email và đã gửi công văn tới Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện Vũng Liêm và Chủ tịch Hội đồng thi tuyển về việc hỗ trợ giải đáp một số câu hỏi liên quan để giúp các đơn vị dự thi có cơ sở triển khai thực hiện bài thi cuộc thi “Thi tuyển ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Đến ngày 21/8/2024, Ban QLDA đã nhận được Công văn số 2161/SXD-QHKT về việc hỗ trợ giải đáp một số câu hỏi liên quan cuộc thi “Thi tuyển ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Ban QLDA đã trình bày trong buổi họp giải đáp thắc mắc cho các đơn vị dự thi được rõ. Đồng thời, Ban cũng đã cung cấp thêm các file tài liệu về bản đồ quy hoạch hiện trạng, giao thông,… theo yêu cầu của đơn vị dự thi.
Trong bối cảnh đô thị hoá diễn ra nhanh tại nhiều thành phố lớn thì sức khỏe, sự phát triển của trẻ nhỏ luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà giáo dục và phụ huynh. Đặc biệt, kiến trúc không gian các trường mầm non cần được quan tâm xây dựng thành một môi trường an toàn, thoải mái, kích thích sự sáng tạo.
Có thể nói rằng thế kỷ 20 có một kiến trúc sư, giống như các công trình của ông, đã lan tỏa theo mọi hướng. Các công trình của ông được lấy cảm hứng từ những sự gợi ý, hợp tác từ các nhà sinh học, bác sĩ, triết gia, sử học, tự nhiên học… và nhiều nhà khoa học khác. Ông tên đầy đủ là Frei Paul Otto (sinh ngày 31/5/1925) ở Siegmar, nay là CHLB Đức.
Những thiết kế của ông nổi bật với kết cấu vỏ có mạng lưới, các cột và giằng đan xen tạo nên những đường nét nhấp nhô, mang lại một vẻ đẹp ấn tượng, cuốn hút. Frei Otto được công nhận là một trong những kiến trúc sư có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất thế kỷ 20. Ông được vinh danh với giải thưởng Pritzker danh giá, khẳng định sự đóng góp to lớn của ông cho ngành kiến trúc toàn cầu.
Trong suốt cuộc đời của mình, studio riêng của Otto trở thành một không gian dành cho sự phát minh, thử nghiệm và hợp tác. Năm 1952, ông bắt đầu làm việc như một kiến trúc sư tự do, không lâu sau khi nhận được bằng tiến sĩ kỹ thuật dân dụng. Ông bắt đầu làm việc với Peter Stromeyer và cùng nhau thiết kế, xây dựng ba cấu trúc nhẹ, tối giản, tạm thời được làm từ vải cotton cho Triển lãm Vườn Quốc gia (Bundesgartenschau) ở Kassel, Đức. Đây là những tác phẩm đầu tiên của ông được công nhận trên toàn quốc, một phần vì cách chúng hài hòa với thiên nhiên.
Sau những thành công đầu tiên này, Otto thành lập nhiều tổ chức khác nhau (như “Viện Phát triển cấu trúc nhẹ” tư nhân nhỏ) tập trung vào nghiên cứu cấu trúc, vật liệu nhẹ và bắt đầu giảng dạy trở lại tại Đại học Washington và Đại học Yale ở Hoa Kỳ.
Cùng chung ý tưởng sáng tạo trong cho không gian giáo dục, Công ty STD Design Consultant cũng đã lên ý tưởng thiết kế tu sửa lại trường Mầm non Bến Thành, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, với kiến trúc đầy sáng tạo trong đổi mới cấu trúc vỏ toà nhà được thực hiện, việc lắp đặt các tấm che nắng hình tam giác nhiều màu sắc giúp cho môi trường học tập thêm tư duy sáng tạo; cố định giữa các cột thép tròn quanh sân trường và bản lề tòa nhà.
Phương pháp thiết kế này của Công ty STD Design Consultant nhấn mạnh việc sử dụng các hình học cơ bản, đặc biệt là hình tam giác, nhằm tạo ra một không gian vừa đẹp mắt vừa bền vững, duy trì được sự mạch lạc và thanh lịch. Dự án này là sự kết hợp hài hòa giữa việc đảm bảo an toàn cho trẻ em, chức năng che mưa nắng và tính thẩm mỹ, đồng thời đặt ra một tiêu chuẩn mới cho môi trường giáo dục mầm non tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trao đổi về ý tưởng thiết kế độc đáo này, KTS Phạm Trung, Công ty STD Design Consultant chia sẻ: “An toàn là nền tảng của bất kỳ thiết kế không gian nào dành cho trẻ em. Vì vậy mà Công ty đã dùng cấu trúc bạt che nắng cho công trình tại trường Mầm non Bến Thành. Thiết kế được chế tạo với tiêu chí này làm ưu tiên hàng đầu. Loại vải được chọn lựa không chứa chất độc hạ, có khả năng chống tia UV cao, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ em.
Ngoài ra, kết cấu đủ bền chắc để chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Nam. Các cột thép được cố định vững chắc vào chân đế bê tông, đảm bảo sự ổn định và loại bỏ nguy cơ bị lật đổ. Hơn nữa, các cột thép được bố trí cách xa trung tâm sân chơi tạo không gian an toàn cho trẻ em hoạt động tập thể”.
Bên cạnh đó, cấu trúc bạt che nắng còn tạo nên sự bắt mắt với những gam màu tươi sáng, sống động cho sân chơi của trường. Sự kết hợp giữa các màu sắc vui tươi của bạt che và sắc vàng của tòa nhà biến khu vực này thành một không gian hấp dẫn và kích thích sáng tạo cho trẻ em.
Tính thẩm mỹ này không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm học tập cho trẻ. Các màu sắc tươi sáng đã được chứng minh là có khả năng kích thích não bộ, làm cho sân chơi trở thành một không gian thú vị và lôi cuốn hơn.
Sáng kiến lắp đặt các tấm che nắng hình tam giác nhiều màu sắc tại trường Mầm non Bến Thành là một mô hình thiết kế sáng tạo, được tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu của trẻ em. Bằng cách ưu tiên an toàn, công năng và thẩm mỹ, ý tưởng này đã tạo ra một môi trường giáo dục nơi trẻ em có thể vui chơi, học hỏi và phát triển tư duy.
Dự án này nêu bật tầm quan trọng của việc thiết kế có sự nghiên cứu sâu sắc và là một ví dụ truyền cảm hứng cho các mô hình giáo dục mầm non trong tương lai. Thông qua những sáng kiến như vậy, chúng ta có thể đảm bảo rằng các công dân trẻ tuổi nhất của chúng ta được khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống, trong những không gian thú vị và giàu cảm hứng.
Đồng thời với thiết kế độc đáo trong sử dụng vật liệu cấu trúc bạt đầy màu sắc, Công ty STD Design Consultant khẳng định ý tưởng sáng tạo là không giới hạn trong kiến trúc từ quá khứ đến tương lai dù là châu Âu hay châu Á thì sự sáng tạo cho không gian là không giới hạn.