Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

Chuyên đề: Truyền thống từ góc nhìn đương đại

Tạp chí Kiến trúc trân trọng kính mời các chuyên gia, KTS và quý bạn đọc tham gia chuyên đề tháng 8 với chủ đề Truyền thống từ góc nhìn đương đại – Chuyên đề được tổ chức với tuyến bài làm nổi bật việc khai thác, phát huy các giá trị truyền thống trong kiến trúc Việt Nam đương đại, được soi chiếu qua các giai đoạn/ thời kỳ phát triển của kiến trúc Việt Nam.

Khai thác giá trị truyền thống vào kiến trúc đương đại không phải xu hướng nhất thời, mà là tất yếu trong quá trình tư duy thiết kế; nên thời nào cũng có, chỉ những phương thức biểu đạt/ chuyển tải là khác nhau do quan niệm, tư tưởng thiết kế từng thời không giống nhau.

Kinh nghiệm khai thác, phát huy tiếp biến giá trị của kiến trúc truyền thống Việt Nam trong kiến trúc mới đã được nhìn thấy từ nửa đầu thế kỷ XX. Trong bối cảnh cuộc giao lưu và tiếp biến với văn hóa phương Tây thời Cận đại, cho đến trước những năm 1940- người Pháp (H.Parmentier, L.Bezacier,..) đã quan tâm nghiên cứu (khảo sát, vẽ ghi) các kiến trúc truyền thống tiêu biểu của người Việt (đình, chùa) mà họ gọi là “kiến trúc bản địa”. Trên cơ sở đó, các KTS Pháp và Việt đã tiếp thu đưa vào chi tiết trang trí trong một số công trình Art Deco, hoặc hơn nữa là chuyển hóa thành phong cách Đông Dương (tức là bản địa hóa hình thức các công trình kiến trúc kiểu phương Tây do người Pháp đưa sang xây dựng ở Việt Nam – mà trước đó trong kiến trúc dân gian chưa từng có). Tiêu biểu là các công trình Viện Viễn Đông Bác Cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), khu học xá Đông Dương (nay là đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Pasteur Hà Nội…

Kiến trúc hiện đại Việt Nam trong những năm 60-90 của thế kỷ 20 ghi dấu những tìm tòi khai thác kiến trúc truyền thống vào kiến trúc mới bằng nhiều cách lối khác nhau mà thông qua một số thể loại công trình công cộng đã xây dựng như nhà bảo tàng, thư viện, nhà hát, hội trường… sẽ thấy rõ hơn những giá trị cụ thể.

Thời kỳ hiện đại, kiến trúc Việt Nam vẫn luôn đề cao sự tôn trọng và hài hòa với môi trường, văn hóa và đời sống bản địa. Yếu tố “hiện đại” lúc này được đặt cạnh yếu tố “bản địa” để trở thành một trào lưu/ một xu hướng thiết kế mới được gọi tên “hiện đại – bản địa”. Ở nước ta, xu hướng này được khởi đầu ở miền Bắc từ những năm 1960 và ở miền Nam từ trước 1975 với tên gọi “kiến trúc hiện đại nhiệt đới hoá”. Các kiến trúc sư sáng tác trên cơ sở đúc rút từ kiến trúc truyền thống những nguyên tắc cốt lõi về tỷ lệ, sử dụng vật liệu địa phương, về bố cục hình khối chặt chẽ theo công năng, điều kiện địa hình và thời tiết khí hậu địa phương… để đưa vào công trình hiện đại. Xu hướng này được nhiều kiến trúc sư coi như một trong những hướng tìm tòi đúng và có nhiều triển vọng, không chỉ từ những thập kỷ trước mà đến hôm nay vẫn còn nhiều giá trị.

Từ sau năm 2000 đến nay, nền kiến trúc Việt Nam có điều kiện thể hiện thêm rõ nét vấn đề “hiện đại – bản sắc” trong kiến trúc. Những năm gần đây, có thêm những công trình với biểu hiện gây cảm xúc mới. Nhiều công trình kiến trúc đã phản ánh rất tốt vấn đề kiến trúc bản địa và truyền thống, tìm tòi thể hiện bản sắc đậm nét trong ngôn ngữ và hình thức biểu đạt của kiến trúc hiện đại.

Một số bài viết đã đăng ký tham dự chuyên đề

  1. Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống trong phát triển kiến trúc Việt Nam – Tác giả: TS.KTS. Nguyễn Quốc Tuân, ThS.KTS. Hoàng Thúc Hào

Tính dân tộc của kiến trúc truyền thống được hình thành và quy định bởi những yếu tố: thiên nhiên, khí hậu, địa lý, phương thức sản xuất, điều kiện kinh tế xã hội, phong tục, tập quán, tâm lý dân tộc… Bên cạnh nhiều thành công trong tìm tòi, chắt lọc, vận dụng các biểu hiện, giá trị của kiến trúc truyền thống trong kiến trúc đương đại, cũng còn không ít những công trình chưa đạt. Bài báo tổng quan các kết quả bảo tồn, xác định giá trị truyền thống và phương thức vận dụng trong kiến trúc Việt Nam qua các thời kỳ, từ đó gợi mở hướng phát huy trong cuộc sống đương đại và cho tương lai.

  1. Kế thừa và phát huy giá trị kiến trúc truyền thống trong thiết kế kiến trúc đương đại Việt Nam – Tác giả: KTS. Lê Thành Vinh

Các di sản kiến trúc Việt Nam hiện còn tồn tại (đến thế kỷ 19) tạo nên hệ thống Kiến trúc có những đặc điểm, sắc thái riêng biệt, thường được gọi là “Kiến trúc truyền thống Việt Nam”. Kiến trúc truyền thống chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa được bảo tồn, lưu truyền và vẫn phát huy được giá trị trong cuộc sống đương đại. Nhận diện và hiểu biết cặn kẽ về kiến trúc truyền thống sẽ giúp chúng ta kế thừa một cách biện chứng để tiếp tục tạo lập và phát triển kiến trúc Việt Nam đương đại và tương lai.

  1. Khai thác giá trị bản địa trong kiến trúc thuộc địa nửa đầu thế kỷ XX – Tác giả: TS.KTS. Nguyễn Quốc Tuân, TS.KTS. Hồ Hải Nam

Từ nghiên cứu tư liệu và khảo cứu, khảo sát, đánh giá, lựa chọn đề xuất một số công trình kiến trúc thuộc địa đã khai thác, chuyển hóa thành công các giá trị bản địa trong tổ chức không gian, tạo hình, trang trí và nội thất công trình. Bài báo tổng hợp, phân tích, nhìn nhận rõ hơn yếu tố bản địa được các công trình kiến trúc thuộc địa ứng dụng dưới các góc độ: văn hóa truyền thống của người Việt, tự nhiên và khí hậu từng vùng miền, tạo hình và trang trí từ chất liệu đời sống bản địa.

  1. Phát huy các giá trị kiến trúc miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1986 trong kiến trúc đương đại – Tác giả: TS.KTS. Đặng Hoàng Vũ, TS.KTS. Nguyễn Đình Phong

Kiến trúc miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1986 đã để lại nhiều công trình kiến trúc có giá trị và là bài học cho kiến trúc đương đại có thể tiếp nối và phát huy.  Bài báo xác định các giá trị của kiến trúc miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1986 có thể khai thác và phát huy trong kiến trúc đương đại ở nhiều khía cạnh từ tổng thể mặt bằng và cảnh quan, tổ chức không gian mặt bằng, mặt đứng, kỹ thuật kết cấu và vật liệu, hoa văn trang trí… Các giá trị đều được tổng hợp từ kết quả khảo sát nghiên cứu quỹ các công trình kiến trúc miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1986 và được chọn lọc qua các cơ sở và tiêu chí phù hợp.

  1. Nhận diện đặc điểm và giá trị kiến trúc hiện đại miền Nam giai đoạn 1954 – 1986 – Tác giả: TS.KTS. Phạm Phú Cường, TS.KTS. Nguyễn Song Hoàn Nguyên

Kiến trúc miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1986 đặc trưng bởi sự kế thừa chủ nghĩa Hiện đại thế giới; đồng thời cũng có sự sáng tạo, biến đổi nhằm thích ứng với điều kiện khí hậu nhiệt đới. Chỉ trong khoảng 20 năm (1954 – 1975), diện mạo kiến trúc miền Nam về cơ bản đã khẳng định quy mô và tầm vóc mang tính quốc tế; mức độ tập trung của các công trình hiện đại khá cao; thể loại công trình phát triển phong phú, đa dạng theo nhu cầu xã hội. Hơn nữa, nền kiến trúc đó còn tiêu biểu bởi việc chọn lọc và khai thác các đặc trưng truyền thống, hình thành nên kiểu kiến trúc hiện đại mang sắc thái Việt Nam. Ý nghĩa về sự kết hợp giữa tính hiện đại và dân tộc trong kiến trúc vẫn còn là mục tiêu nghiên cứu, thực hành của các kiến trúc sư hiện nay, và vì vậy bài học từ thành công của kiến trúc Hiện đại miền Nam giai đoạn 1954 – 1986 vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, phổ biến, lan tỏa.

  1. Giá trị dân tộc trong kiến trúc Việt Nam sau năm 1985: Sự phát triển một truyền thống mới? – Tác giả: TS.KTS. Trương Ngọc Lân, ThS.KTS. Nguyễn Mạnh Trí

Sau gần 40 năm đổi mới, kiến trúc Việt Nam trở nên phong phú hơn, đa dạng về loại hình, đa nguyên trong quan điểm kiến trúc. Không còn bó hẹp trong quan điểm “Hình thức dân tộc, nội dung xã hội chủ nghĩa” như một công cụ xây dựng xã hội và con người mới XHCN, kiến trúc Việt Nam chuyển sang “Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” như một phương tiện để khám phá chiều sâu và biểu đạt sự đa dạng của đời sống đương đại. Bài báo xem xét và đánh giá những cách tiếp cận và biểu đạt khác nhau của giá trị dân tộc trong kiến trúc Việt Nam sau thời kì đổi mới.

Trân trọng kính mời các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và quý bạn đọc gần xa tham gia số Chuyên đề đặc biệt này của Tạp chí Kiến trúc!

Bài viết và ý kiến chia sẻ xin gửi về Tạp chí Kiến trúc theo địa chỉ emailinfo@tckt.vn (Tiêu đề email ghi rõ: Tham gia chuyên đề: Truyền thống từ góc nhìn đương đại).
Bài viết từ 1500-2000 từ kèm ảnh minh họa chất lượng cao.
Hạn gửi bài đến ngày: 30/08/2024.

BBT Tạp chí Kiến trúc
© Tạp chí kiến trúc


Ghi chú: Chuyên đề được tổ chức từ đề tài số 02: Bảo tồn, phát huy, làm mới giá trị truyền thống trong phát triển kiến trúc Việt Nam



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/kni14u6
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét