Khái niệm thành phố đáng sống ngày nay đã được biết đến rộng rãi. Thành phố (TP) đáng sống luôn là sự lựa chọn đầu tiên của người dân trong việc định cư và lập nghiệp. Việc xây dựng TP đáng sống, thường dựa trên nhiều tiêu chí: Môi trường xã hội an toàn, bền vững, kinh tế phát triển, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục hợp lý, còn bao gồm cả yếu tố văn hóa, bản sắc hấp dẫn …
Một trong những tiêu chí để xác định chất lượng cuộc sống ở đô thị là việc đi bộ dễ dàng. Trong nhiều thế kỷ qua, ô tô và xe máy đã thống trị đường phố, chi phối cách chúng ta quy hoạch và phát triển các khu đô thị. Nhưng các TP đầy ô tô thường buồn tẻ và xấu xí, làm cho con người ngày càng trở nên xa cách. Các nhà quy hoạch đã nhận ra rằng cần xem xét các lợi ích của việc đi bộ như một chất xúc tác để tạo ra thêm nhiều TP đáng sống hơn. Như vậy, một TP đáng sống phải là một TP tạo được nhiều cơ hội cho việc đi bộ dễ dàng.
Sự hiện diện của nhiều người đi bộ trên đường phố là một hình ảnh đặc trưng của TP đáng sống. Chúng ta hãy xem hình ảnh của 2 TP đáng sống nhất trên thế giới là Vienna, Áo (top 1 năm 2023,2024), Copenhagen, Đan Mạch (top 1 năm 2022, và top 2 năm 2023,2024), thì sẽ thấy một điểm chung: Trên đường phố của họ luôn rất đông người đi bộ và đi xe đạp. Để trở thành một TP đáng sống, họ đã thay đổi tư duy giải quyết vấn đề từ điều đơn giản nhất, đó là đặt người đi bộ lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Đường phố phải ưu tiên dành cho con người chứ không phải xe cộ. Kể từ năm 2013 và 2014, TP Vienna đã yêu cầu người dân đưa ra danh sách mong muốn của họ về “các đường phố có thể đi bộ” và nêu ra các vấn đề cản trở việc đi bộ trong TP. Từ đó, TP Vienna đã áp dụng các sáng kiến về cơ sở hạ tầng để tạo ra nhiều đường phố dễ đi bộ hơn. Ngoài ra, TP có nhiều người đi bộ còn là minh chứng thể hiện TP đó có môi trường sống an toàn, lành mạnh, cảnh qua đẹp, hấp dẫn cho người dân và du khách. Đây cũng là đặc điểm của một TP đáng sống.
Lợi ích của việc đi bộ: Việc đi bộ đem lại nhiều lợi ích về xã hội, kinh tế, môi trường… Một TP có càng nhiều người đi bộ sẽ tốt hơn về mọi mặt, và chắc chắn phải là một TP đáng sống. Dưới đây là một số lợi ích mà việc đi bộ đem lại cho đô thị:
- Đi bộ là miễn phí, tốt cho sức khỏe, tinh thần, làm giảm đáng kể chi phí chăm sóc sức khỏe, và giảm áp lực cho ngành y tế: Sống ở một nơi có thể đi bộ hàng ngày sẽ mang lại lợi ích cho mọi lứa tuổi và giúp người dân sống lâu hơn. Theo một nghiên cứu đã được công bố, đi bộ thường xuyên giúp giảm 22% nguy cơ tử vong sớm. Việc đi bộ sẽ đốt cháy 4 calo mỗi phút và đi bộ thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường loại 2, bệnh tim và ung thư ruột. Một nghiên cứu về các TP ở California cũng cho thấy việc tăng cường mạng lưới đường đi bộ có tương quan với việc giảm béo phì, tiểu đường, hen suyễn và bệnh tim. Đầu tư vào việc xây dựng các địa điểm có thể đi bộ được có thể cải thiện đáng kể lối sống lành mạnh, giúp tăng khả năng đề phòng trước các rủi ro về sức khỏe và giảm số người mắc bệnh mãn tính. Từ đó sẽ làm cho chi phí chăm sóc sức khỏe giảm đi đáng kể và giảm áp lực cho ngành y tế.
Đi bộ đến trường cũng thúc đẩy tính tự lập ở trẻ em. Thật không may, số lượng trẻ em đi bộ đến trường cách đây 50 năm là 50%, hiện nay đã giảm xuống còn dưới 15%, một phần do những thay đổi của môi trường xây dựng và đô thị. Để tỉ lệ này tăng trở lại thì cần làm cho việc đi bộ trong đô thị trở nên thoải mái, thuận tiện và an toàn hơn. Ngoài ra, việc trẻ em ra ngoài chơi cũng tăng mức độ tiếp xúc với thiên nhiên, cải thiện tâm lý cho trẻ. Khả năng tự lập của trẻ em và mức độ tiếp xúc với thiên nhiên cũng chính là những chỉ số hoạt động lành mạnh của một TP, không chỉ đối với trẻ em mà còn đối với tất cả các thế hệ cư dân TP đó. - Việc đi bộ nhiều trong TP sẽ tăng sự tương tác xã hội, gắn kết nơi chốn, tạo bản sắc “cộng đồng”: Một nghiên cứu của Ireland cho thấy những người dân ở các khu dân cư có thể đi bộ được thì sẽ có “vốn xã hội” nhiều hơn 80%. Vì đi bộ giúp giảm bất bình đẳng, tăng sự tương tác xã hội, trao đổi thông tin giữa người và người, xây dựng mối quan hệ láng giềng và làm con người xích lại gần nhau hơn.
Đi bộ là miễn phí, là cách dễ dàng nhất để khám phá một địa điểm mới, khám phá sự độc đáo của một TP. Đi bộ giúp tăng sự nhận thức tinh thần của nơi chốn, nâng cao nhận thức về tính bản địa, nhận thức về văn hóa, tạo nên bản sắc của cộng đồng. Đi bộ cũng thúc đẩy các trải nghiệm đô thị sống động, đồng thời tạo động lực cho sự sáng tạo. Nhiều sự kiện văn hóa đã ra đời trên các phố đi bộ như lễ hội âm nhạc, festival làng nghề, biểu diễn nghệ thuật,… Đi bộ trong TP cũng là một hoạt động mang tính trí tuệ cao. Nó kích thích suy nghĩ và kích hoạt ký ức. - Có nhiều người đi bộ sẽ hạn chế khí thải cacbon gây ô nhiễm môi trường, áp lực lên hệ thống giao thông giảm đáng kể: Một TP có thể khuyến khích người dân đi bộ sẽ có chi phí tắc nghẽn giao thông thấp hơn, hạn chế khí thải cacbon, cải thiện vi khí hậu đô thị, giảm tiếng ồn.
- Góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế: Đi bộ sẽ khuyến khích việc tăng cường sử dụng không gian công cộng, các dịch vụ, cửa hàng bán lẻ. Một nghiên cứu riêng của Transport for London đã chỉ ra rằng người đi bộ đóng góp thêm 65% vào nền kinh tế bán lẻ. Chính phủ các nước đã nhận ra sự có lợi khi thúc đẩy việc người dân đi bộ, và đi xe đạp đối với nền kinh tế địa phương và tạo cơ hội việc làm nhiều hơn. Khả năng đi bộ trong các khu dân cư cũng có tác động tích cực đến việc giảm tình trạng suy thoái đô thị, đồng thời là một yếu tố dự báo đáng tin cậy về việc định giá nhà ở cao hơn, TP sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn.
- Giảm tỉ lệ tội phạm: Vấn đề tội phạm trong đô thị cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc một TP có đáng sống hay không. Tại Rotterdam, Hà Lan, trong vòng 2 năm, các nhà quy hoạch đã hợp tác với cảnh sát để nghiên cứu và cải thiện các đường phố để dễ dàng đi bộ và có nhiều không gian công cộng hơn. Việc này đã làm giảm đáng kể tội phạm: Tội phạm ma túy giảm 30%, trộm cắp giảm 22% và phá hoại giảm 31%. Môi trường xã hội an toàn ngược lại lại tác động đến việc người dân lựa chọn đi bộ ngoài trời nhiều hơn.
- TP có thể đi bộ dễ dàng sẽ dễ đi xe đạp hơn: Một ví dụ chân thực là Boston, một TP đã có những bước tiến lớn trong những năm gần đây nhằm tăng cường mạng lưới xe đạp. Thị trưởng của Boston là Michelle Wu, bản thân bà là một tay đua xe đạp, đã có nhiều hoạt động để đưa người đi bộ, người đi xe đạp và người đi phương tiện công cộng lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong TP. Jeff Speck (tác giả của hai cuốn sách có ảnh hưởng nhất về quy hoạch đô thị trong hai thập kỷ qua: “Suburban Nation” (2010, đồng tác giả) và “TP có thể đi bộ” (2012; tái bản năm 2022), cũng nhấn mạnh rằng những TP dễ đi bộ nhất thế giới cũng nằm trong số những TP ủng hộ việc đi xe đạp nhất. Như vậy, từ việc xây dựng các không gian đi bộ dễ dàng sẽ dần tiến tới việc tạo cơ hội cho người đi xe đạp dễ dàng hơn.
TP Copenhagen đã tính toán rằng mỗi km lái xe ô tô sẽ chịu khoản lỗ ròng là 0,71 euro khi tính đến các tác động về sức khỏe cá nhân và môi trường, trong khi mỗi km đi xe đạp mang lại lợi ích cho xã hội là 0,64 Euro (theo C40 Green and Healthy Streets Declaration). Kể từ năm 2017, 36 TP đã đăng kí vào nhóm C40 Green and Healthy Streets Declaration này (Tuyên bố Đường phố Xanh và Khỏe mạnh C40) với nguyên tắc đặt con người và hành tinh vào trọng tâm của việc quy hoạch giao thông đô thị.
Các giải pháp để TP có thể đi bộ dễ dàng hơn: Vấn đề này nghe có vẻ đơn giản nhưng lại liên quan đến nhiều vấn đề lớn trong đô thị. Tác giả xin đề xuất một số giải pháp sau:
- Thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích người dân có thói quen đi bộ nhiều hơn: Thói quen sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân (xe máy ở châu Á và ô tô ở châu Âu,..) vẫn còn rất phổ biến, một phần vì giao thông công cộng chưa phát triển (một số nước ở châu Á), một phần do thói quen và sự tiện lợi của xe cá nhân. Hiện nay, các nhà quản lý và quy hoạch trên khắp thế giới vẫn đang tập trung phát triển hệ thống giao thông công cộng, để giảm số lượng xe cá nhân, từ đó thúc đẩy việc người dân phải đi bộ từ nhà, nơi làm việc tới các trạm xe bus, tàu điện,…. Nhưng đây chỉ là một khía cạnh của vấn đề, trong khi một khía cạnh khác cần đặt ra là phải tạo một môi trường thuận lợi cho việc đi bộ.
- Giảm tốc độ giao thông: Theo Jeff Speck “Các khu vực trung tâm TP phải quy định ô tô di chuyển theo tốc độ cho phép. Tỷ lệ người đi bộ tử vọng ở Mỹ tăng 82% kể từ 2009”. Vì vậy, các TP lớn ở Mỹ đã yêu cầu tốc độ ô tô trong khu trung tâm dưới 20 dặm/h. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ tử vong cho người đi bộ khi qua đường. Việt Nam nên hạn chế tốc độ trong khu trung tâm xuống dưới 20-25km/h. Ngoài ra, còn phải đảm bảo có đủ các bãi đỗ xe, nhà để xe công cộng, để hạn chế việc đỗ xe máy trên vỉa hè để dành đường cho người đi bộ.
- Cải tạo cảnh quan đẹp, hấp dẫn, tổ chức nhiều hoạt động trên tuyến phố đi bộ: Trên các tuyến đi bộ cần tạo cảnh quan đẹp và tăng mật độ cây xanh nhiều hơn. Một nghiên cứu năm 2006 của Kathleen L. Wolf đã cho thấy rằng cây xanh trên đường phố đã giúp giảm tai nạn giao thông khoảng 45%. Ngoài ra, cây xanh trên đường phố còn có thể làm chậm tốc độ giao thông của xe cộ trung bình khoảng 7-8 dặm/giờ (11-13 km/giờ). Việc đưa thêm nhiều cây xanh vào cảnh quan đường phố cũng sẽ tạo bóng mát, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm tiêu thụ điện năng, cải thiện việc thoát nước mưa, giúp cho đường phố trở nên an toàn và thu hút nhiều người đi bộ hơn. Đồng thời, cũng cần phải tăng số lượng chỗ ngồi và nghỉ ngơi cho người đi bộ, xây dựng các tuyến đường đi bộ có ánh sáng tốt và khả năng tiếp cận nhà vệ sinh công cộng dễ dàng. Ngoài ra cũng cần tổ chức các tuyến đi bộ ngang qua các công trình văn hóa giải trí hấp dẫn như bảo tàng, quán café, nhà hàng… và tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời mang bản sắc văn hóa địa phương hấp dẫn, thu hút.
Ngày nay, ngoài các công viên được quy hoạch trong đô thị như các mảng xanh tập trung, nhiều TP còn xây dựng các không gian xanh tuyến tính rộng lớn, như Highline ở Newyork, Mỹ, Promenade Plantée ở Paris, Pháp hay Madrid Rio ở Madrid, Tây Ban Nha….
![](https://hn.ss.bfcplatform.vn/tckt/2024/08/24A07049-3-768x478.jpg)
Việt Nam cũng như các quốc gia châu Á khác đều có mật độ dân cư cao, việc đi bộ trong đô thị cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Tính trên cả nước, số lượng các khu vực có thể đi bộ được là chưa nhiều, và vì lí do thời tiết, đa số chỉ khai thác việc đi bộ vào sáng sớm và chiều tối. Việc đi bộ tập trung chủ yếu ở các quảng trường, công viên, tuyến phố đi bộ chuyên dụng (như phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ở Huế); các tuyến đường chuyển đổi chức năng theo giờ (ví dụ như phố cổ Hội An, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện ở TP HCM, khu phố Tây Chu Văn An Huế, chợ đêm Đà Lạt: Ban ngày dành cho xe cộ, mở cửa đi bộ vào chiều tối mỗi ngày hoặc cuối tuần). Việc đi bộ trên vỉa hè dọc theo các tuyến đường giao thông vẫn chưa được khai thác hết.
Vậy làm sao để xác định được những tuyến đường nào có thể đi bộ được? Các cơ quan chính quyền TP nên mở các cuộc khảo sát từ người dân thuộc mọi tầng lớp thông qua các diễn đàn, hội thảo mở. Các cuộc đối thoại là cần thiết giữa các bên liên quan về việc lựa chọn các khu vực nào cần khai thác việc đi bộ và tại sao. Cần kiểm tra chiều rộng vỉa hè, các tuyến có nhiều người cần đi bộ, mức độ phổ biến của vị trí qua đường, khả năng kết nối giữa các vị trí như nhà ở, cửa hàng tạp hóa, siêu thị, trường học,… Cũng cần lưu ý rằng: Việc xây dựng môi trường đi bộ thân thiện không có nghĩa là sẽ loại bỏ ô tô, xe máy. Cần lắng nghe tiếng nói của các thành phần dân cư trong xã hội, cân bằng hài hòa giữa các bên, để tránh sự phản đối của những người đi xe cơ giới vì sự hạn chế di chuyển của họ trong khu trung tâm. Đồng thời, cũng luôn nhắc nhở họ về lợi ích chung của một TP dễ dàng đi bộ.
Hướng tới mục tiêu xây dựng ngày càng nhiều TP đáng sống hơn, chúng ta chỉ cần bắt đầu giải quyết từ vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhất – Việc đi bộ trong đô thị – nhưng lại liên quan và chi phối tới những vấn đề lớn hơn như kinh tế, xã hội, bền vững,… Việc tạo điều kiện cho việc đi bộ dễ dàng, thuận tiện sẽ thúc đẩy hệ thống giao thông bền vững, cải thiện sức khỏe và tạo ra các cộng đồng sôi động hơn. Cần xem khả năng đi bộ trong đô thị như là nguyên tắc cốt lõi của quy hoạch đô thị, cũng là điều cần thiết cho sự thành công và thịnh vượng của các TP trên toàn cầu trong tương lai.
THS.KTS Lê Thị Hoàng Nhi
Đại học Duy Tân
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 5-2024)
Tài liệu tham khảo
1. “TP có thể đi bộ” – (2012; tái bản năm 2022), Jeff Speck
2. “Yếu tố văn hóa trong không gian đi bộ ở Hà Nội” – PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi, Tạp chí Kiến trúc số 12-2016
3. https://ift.tt/pGHnlFS
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/tV4mlsf
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét