Có nhiều lý giải về khái niệm bản sắc văn hóa, nhưng tôi tâm đắc nhất các khái niệm: “Bản sắc chính là những cá tính khác nhau của một cá thể hay một nhóm nhiều cá thể của một nhánh hoặc nhóm xã hội đặc trưng. Bản sắc văn hóa dân tộc là những nét đặc trưng đặc biệt làm nên sắc thái, bản lĩnh và dấu ấn riêng của mỗi dân tộc, từ những nét đó để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Các đặc trưng đó không thể trộn lẫn khi đứng cạnh các nền văn hóa khác. Bản sắc văn hóa được hình thành và phát triển phụ thuộc vào điều kiện địa lý tự nhiên, môi trường sống, môi trường kinh tế xã hội và giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc, quốc gia và Quốc tế.”
Kiến trúc là một thuộc tính của văn hóa, bởi vậy, bản sắc văn hóa trong kiến trúc là các đặc trưng riêng có về kiến trúc của từng nhóm cộng đồng/khu vực quần cư/vùng/miền/dân tộc. Và cũng phụ thuộc và hình thành dựa vào điều kiện tự nhiên, môi sinh, điều kiện kinh tế xã hội và môi trường giao lưu giữa các vùng/miền/dân tộc/Quốc gia và Quốc tế. Văn hóa Kiến trúc của mỗi nhóm quần cư, mỗi tộc người, mỗi vùng/miền tạo nên văn hóa kiến trúc của dân tộc.
Từ vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thủy văn tạo nên các môi trường sống, môi trường sinh kế, địa kinh tế, chính trị, xã hội. Theo đó là sự khác biệt về vóc dáng, màu da, lối sống, trang phục, giọng nói, tính cách… cùng các ứng xử của con người với con người, con người với xã hội, thiên nhiên, tín ngưỡng và với kiến trúc. Và lẽ tất nhiên, tạo ra sự khác biệt về các đặc trưng trong văn hóa kiến trúc giữa các vùng, miền, dân tộc, Quốc gia.
Đơn cử một vài ví dụ:
Vùng trung du miền núi phía Bắc, địa hình bị chia cắt, đồi núi cao, độ dốc lớn, dễ gặp thú dữ, nguy cơ thiên tai nên con người có nhu cầu quần tụ (thành các làng bản) dựa vào nhau, nương vào thiên nhiên. Và, kiến trúc thích ứng, điển hình, khá phổ biến và đem đến đặc trưng văn hóa của khu vực là Nhà sàn của người Thái. Với giải pháp để trống sàn tầng một tránh ẩm, lũ, lở đất, côn trùng, thú dữ … không gian sử dụng hạn chế chia cắt bởi nhu cầu và lối sống quần tụ.
Nhưng nhà sàn của người Tây nguyên – Nhà dài Êđê với mái cao và sàn cách mặt đất không cao như nhà sàn của người Thái, bởi xây dựng ở những vùng khá bằng phẳng;
Gió bão nắng nóng khắc nghiệp đã ra đời những ngôi nhà miền Trung với hình thái thấp và đơn giản của mái nhà, có nhiều lớp, mái dốc về 2 phía và không nhô quá nhiều ra khỏi tường.
Tập quán cùng chung sống trong một ngôi nhà/ lối sống đa hệ hay sống cộng sinh dựa vào nhau đã tạo ra kiến trúc nhà sàn dài (người Êđê); Nhà sàn của người Thái; Nhà 3 gian 2 trái /nhiều trái (đồng bằng sông Hồng); Nhà trệt mái vòm của người M’nông …
Điều kiện khí hậu, điều kiện môi sinh thuận lợi đã tạo nên tính cách phóng khoáng, giản dị của người Nam Bộ. Theo đó, kiến trúc cũng biểu đạt sự đơn giản, khoáng đạt với hiên trước nhà rất rộng, vật liệu bao che nhẹ và mỏng, nhà dường như không cổng, cửa không khóa…
Không chỉ khác nhau ở cấu trúc, tổ chức các không gian, hình thức kiến trúc, kết cấu, độ dốc/độ cong của mái, chiều cao hệ cột, mầu sắc, vật liệu và kỹ thuật xây dựng qua các loại hình kiến trúc mà còn khác biệt ở các chi tiết kiến trúc, hoa văn trạm khắc – thể hiện sự khác nhau về tín ngưỡng, trình độ văn hóa, cảm thụ nghệ thuật của mỗi tộc người, mỗi vùng miền. Cùng với lối sống, phong tục tập quán, phải chăng, đó là những biểu hiện của bản sắc văn hóa, bản sắc kiến trúc?
Bản sắc văn hóa nói chung và bản sắc văn hóa kiến trúc nói riêng còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội, môi trường giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền, dân tộc, Quốc gia và Quốc tế. Vì thế bản sắc không phải bất biến, luôn vận động, biến đổi theo trình độ nhận thức và khả năng tiếp biến sáng tạo của dân trí, do vậy nó luôn được bổ xung, được làm mới và ngày càng phong phú. Song nơi chốn, cội nguồn tạo ra các đặc trưng không thể bị phủ nhận. Tìm về cội nguồn, ý thức về bản sắc cùng tồn tại với nhu cầu hiện đại hóa, hội nhập với văn minh của nhân loại.
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2021)
The post Bản sắc không bất biến mà luôn vận động appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3dkQvHn
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét