LTS: Có thể thấy, bản sắc văn hóa trong kiến trúc được gắn một vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự khác biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa – hiện nay. Chính vì vậy, tại chuyên đề lần này, Tạp chí Kiến trúc sẽ cùng bạn đọc lắng nghe ý kiến của với chuyên gia, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư về Bản sắc văn hóa trong Kiến trúc hiện đại.
Trân trọng giới thiệu!
Khi nói đến bản sắc văn hóa, không thể có một định nghĩa đơn giản. Bản sắc là hồn cốt của văn hóa để thông qua đó, xác định được các vấn đề, sự vật, sự việc và cả con người đang nằm trên dòng chảy nào của vật chất, tinh thần. Chính vì vậy, bản sắc văn hoá trong kiến trúc phải mang hồn cốt của người Việt, bởi vì nó chỉ gắn với người Việt và nó chỉ phản ánh đúng giá trị của người Việt.
Bản sắc văn hoá sẽ quyết định chúng ta là ai. Điều này cũng thể hiện rõ trong việc xây dựng xã hội chủ nghĩa, phải là xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tức là xây dựng chủ nghĩa xã hội trên nền tảng, tinh thần truyền thống, đậm chất dân tộc. Khi đó bản sắc văn hoá mới không sai hướng. Có thể nói, phải xác định được bản sắc văn hoá chúng ta mới xác định được chính mình là ai, và khi xác định được chính mình là ai, thì chúng ta mới có thể vững bước vào tương lai. Nhưng muốn làm được điều này, chúng ta cần có trí tuệ, chứ không thể dựa vào cảm nhận, như cha ông ta vẫn luôn dạy: “Phi trí bất hưng”.
Trong nhận thức chung của các học giả tương lai, người ta nói rằng: “Bất kể một ai, muốn bước vào tương lai, cần nhìn nhận lại quá khứ, để xác định con đường tương lai”. Vậy nên, kiến trúc hiện đại nếu không có truyền thống, không nhìn nhận tâm lý, tình cảm của tổ tiên hay của chính chúng ta, thì có thể sẽ dẫn đến kết quả chúng ta trở thành cái đuôi cho một nền văn hoá khác. Trong nhiều công trình kiến trúc, nếu không có hơi thở truyền thống, thì sẽ không đưa được vào đó những nhịp điệu, đường nét mang tầm hồn Việt mà nó sẽ chỉ phản ánh văn hoá ngoại lai, lạc loài, không thuộc về người Việt. Có thể, chúng ta thấy những công trình của Pháp rất đẹp, nhưng nó mang đặc tính của người dân vùng nhiều tuyết, khí hậu lạnh. Để công trình có thể hoà nhập vào Việt Nam, cần phải có sự thay đổi để phù hợp với người Việt. Người Việt Nam ta thuần nông, gắn liền với những đặc trưng của nghề nông, phụ thuộc vào chu trình sản xuất khép kín theo mùa màng, điều này ảnh hưởng đến tâm lý khi thiết kế công trình, sẽ có tính lặp đi lặp lại. Mặt khác, người Việt Nam có tính mềm mại, nhẹ nhàng, nên công trình sẽ không mạnh vào đối chọi mà thay vào đó là những đường nét chuyển tiếp uyển chuyển, nhịp nhàng, mang tính nhịp điệu, đầy chất trữ tình như một khúc dân ca…tình… tính…tang… Và chính công trình sẽ toát lên sự gần gũi, thân thuộc, đó là thần thái của công trình, chứ không chỉ gói gọn trong hình thức. Ví dụ như công trình Bảo tàng lịch sử Việt Nam, sẽ cho chúng ta cảm nhận được đặc trưng văn hóa Việt Nam không chỉ qua hình thức kiến trúc bên ngoài, mà còn là những cảm xúc khi trải nghiệm, khám phá.
Ngoài ra kiến trúc cần phù hợp với những nền tảng thực tế, tính chất đặc trưng vùng miền như khí hậu, môi trường, thiên nhiên và cả lịch sử từng khu vực.
Bản sắc luôn thay đổi theo tư duy, nhận thức, nên kiến trúc phải có sự thay đổi linh hoạt theo từng thời kỳ. Điều này có thể thấy rất rõ trong các công trình kiến trúc đình chùa ở Việt Nam. Đình làng Việt Nam trước đây, do ảnh hưởng của kiến trúc cung đình và kiến trúc Trung Hoa, nên phần mái thường cong ở cuối, công trình thấp, mang đến cảm giác mái đình bị đè nén. Nhưng khi những ngôi đình này được đưa vào thờ cúng, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, nên cần những không gian cao, rộng hơn, nên những mái đình này được đẩy bay lên cao. Hình thái công trình không quá khác biệt, nhưng tinh thần đã khác biệt hoàn toàn. Đó là sự thay đổi tinh thần phong kiến mang tính đè ép sang tinh thần nhân dân tự do, bay bổng.
Kiến trúc còn thể hiện sự gắn kết tinh thần, bộc lộ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Người Việt Nam tôn thờ thần linh, coi thần linh là một công cụ siêu việt vì con người mà tồn tại. Vậy nên, các công trình ở Việt Nam rất chú trọng các yếu tố này trong xây dựng, nhưng, nếu như chỉ coi trọng mà không có hiểu biết chính xác về tín ngưỡng tôn giáo, những người thực hành tôn giáo sẽ chỉ có thể giữ được vẻ đẹp hình thể, hơn là ý nghĩa tâm linh, mà nặng nề hơn, là có thể khiến những văn hóa này trở nên sai lệch, méo mó đi những giá trị vốn có. Cụ thể như, trong truyền thống tâm linh, ông cha ta không có xu hướng kiến trúc vươn lên đỉnh cao mà kiến trúc chùa truyền thống thường đơn giản, nhẹ nhàng và hài hòa với thiên nhiên. Các công trình như chùa chiền, tháp cổ truyền thống, có thể được xây dựng cao, nhưng vị trí thờ cúng luôn đặt tại tầng một, các tầng còn lại chủ yếu mang ý nghĩa tương trưng. Vậy nên, việc xây dựng, tu bổ các công trình văn hóa, cần làm theo cảm thức chứ không phải chỉ nên theo lý thức.
Có thể nói, KTS muốn xây dựng công trình mang bản sắc Việt, phải hiểu về văn hoá, truyền thống, để thổi vào đó tâm hồn Việt. Nhưng để có những hiểu biết này, cần tập trung vào đào tạo những người làm kiến trúc. Không phải ai tự nhiên mà có kiến thức về bản sắc văn hóa, mà đó là cả quá trình học tập, nghiên cứu. Do đó, việc đào tạo này phải đặt ra với ít nhất 2 đối tượng: Người dạy và người học. (1) Người dạy: Cần nằm vững kiến thức về ý nghĩa, tinh thần văn hóa cổ truyền và sự yêu quý, trân trọng những giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc; Có tâm huyết với nghề, cảm nhận được nỗi đau khi những giá trị truyền thống đó bị sai phạm, từ đó nuôi dưỡng tình yêu của người học. (2) Người học: Cần không ngừng trau dồi những kiến thức từ người đi trước, học được tình yêu với di sản, văn hóa chứ không phải chỉ hứng thú với những cái mới, cái lạ. Học về văn hóa, vốn dĩ không có kiến thức bài bản, mà cần học về nhận thức, tư duy. Chỉ khi nhận thức, tư duy đúng, chúng ta mới có thể hiểu và phát triển bản sắc văn hóa.
Thu Vân (thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2021)
The post Kiến trúc hiện đại cần có truyền thống, để không trở thành cái đuôi của nền văn hóa khác appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/31wfnXb
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét