Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Giảng dạy đồ án kiến trúc tại Khoa Kiến trúc Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Đồ án kiến trúc đóng vai trò là bộ khung trong tổng thể chương trình đào tạo kiến trúc sư (KTS). Giảng dạy và thực hiện đồ án kiến trúc chiếm thời lượng lớn trong quá trình đào tạo, quyết định chất lượng đào tạo.

Từng bước xây dựng quy trình giảng dạy đồ án kiến trúc, cập nhật, bổ sung các môn học trong chương trình đào tạo theo xu hướng hội nhập, bám sát thực tế, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Khoa Kiến trúc Đại học Quốc tế Hồng Bàng được thành lập vào năm 2008. Trải qua mười hai năm hình thành và phát triển, khoa Kiến Trúc đã đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên có kiến thức, kỹ năng cơ bản đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Hiện nay xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, giáo dục đào tạo cũng không nằm ngoài xu thế tất yếu đó. Vì vậy việc nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong quá trình giảng dạy nói chung, giảng dạy đồ án kiến trúc nói riêng để theo kịp xu thế tất yếu của xã hội là công việc cần thiết.

Khối kiến thức trong chương trình đào tạo

2. Giảng dạy đồ án kiến trúc tại Khoa Kiến trúc, ĐH Quốc Tế Hồng Bàng

2.1 Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo KTS tại các cơ sở đào tạo Kiến trúc thường là 5 năm, khoảng 170 -180 tín chỉ. Theo quy định hiện hành của Bộ GD – ĐT, thời gian đào tạo là 4 – 4,5 năm, khoảng 150TC. Chương trình đạo tạo KTS khóa 2019 của khoa Kiến Trúc bao gồm: 153 TC (không tính Giáo dục quốc phòng an ninh và Giáo dục thể chất), thời gian đào tạo 4,5 năm. Các khối kiến thức trong chương trình đào tạo được tổng hợp như sau:

2.2 Quy trình giảng dạy đồ án kiến trúc hiện nay

Đồ án kiến trúc là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo KTS. Là một ngành đào tạo đặc thù, kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật, đòi hỏi sinh viên phải học tập, rèn luyện, trau dồi nhiều kỹ năng, tích lũy nhiều kiến thức. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày quá trình làm đồ án môn học 2—3 TC, 12 buổi học, 60 tiết. Quá trình này được áp dụng từ trước đến nay, có thể tóm tắt như sau:

Tóm tắt quá trình làm đồ án hiện nay

Nhận xét: Quá trình giảng dạy và học tập như trên là cách làm phổ biến trong các trường có đào tạo KTS. Quá trình này cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo, tuy nhiên vẫn còn những điểm hạn chế cần phải khắc phục:

  • SV chưa nắm bắt hết các bước tiến hành nghiên cứu đồ án, từ các bước căn bản ban đầu đến lúc kết thúc đồ án;
  • Kỹ năng cần thiết của SV như: Nghiên cứu, phản biện, chọn lọc,… chưa được làm rõ;
  • Các kỹ năng mềm như khảo sát, lấy số liệu, xử lý số liệu, kỹ năng thuyết trình, …chưa đáp ứng được;
  • Kỹ năng làm việc nhóm không được phát huy;
  • Đa số SV làm việc thụ động, phụ thuộc nhiều vào GV.

2.3 Đề xuất quy trình giảng dạy đồ án trong quá trình đào tạo

Để đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao của xã hội, chúng tôi từng bước cải tiến quy trình giảng dạy qua cách thức tiếp cận CDIO và PD.

Đề xướng CDIO hay sáng kiến CDIO là một đề xướng khuôn khổ giáo dục trong các trường đại học khối các ngành kỹ thuật trên toàn thế giới. Tên gọi CDIO là cụm chữ viết tắt của cụm từ Tiếng Anhː Conceive – Design – Implement – Operate, nghĩa là: Hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành. Đây là một quy trình khoa học để sản xuất sản phẩm kỹ thuật được Viện Công nghệ Massachusetts khởi xướng và áp dụng.

PD là viết tắt của cụm từ: Project Design, nghĩa là: Thiết kế dự án. PD là một trong những phương pháp đào tạo từ đại học Công nghệ Kanazawa, Nhật Bản. Ưu điểm của phương pháp này là phát triển tư duy thiết kế và phản biện, giúp người học có khả năng phát hiện vấn đề và đề xuất các giải pháp để giải quyết các vấn đề đó.

Việc tiếp cận đào tạo theo CDIO mang lại nhiều lợi ích cho người học và cơ sở đào tạo: Gắn với nhu cầu của người tuyển dụng lao động, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa cơ sở đào tạo và yêu cầu thực tế của xã hội, hoàn thiện các kỹ năng, thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Việc tiếp cận giảng dạy đồ án kiến trúc theo PD giúp SV thâm nhập sâu vào đời sống xã hội, tìm tòi, sáng tạo cái mới, trên cơ sở những yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội. Để có thể sử dụng thành thạo PD cần có quá trình dài để giúp SV làm quen và tiếp cận các công cụ, kỹ năng. PD có nhiều cấp độ, đối với việc đào tạo KTS, chúng tôi cố gắng cung cấp cho người học những kỹ năng cơ bản nhất của làm việc theo nhóm: Kỹ năng phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề, thảo luận và phản biện, phân tích tổng hợp, đề xuất các giải pháp tối ưu, trình bày sản phẩm.

Tóm tắt quy trình đổi mới trong việc thực hiện đồ án
Diễn giải GĐ 1 của quy trình làm đồ án
Diễn giải GĐ 2 của quy trình làm đồ án
Diễn giải GĐ 3 của quy trình làm đồ án
Diễn giải GĐ 4 của quy trình làm đồ án

Trên cơ sở những phân tích ở trên, chúng tôi đề xuất quy trình giảng dạy đồ án kiến trúc cho thời gian sắp tới. Tùy thuộc vào mục đích, yêu cầu, khối lượng, thời lượng của từng thể loại đồ án, sẽ có những buổi học được thiết kế tương thích.

Tiến trình làm việc từ GĐ 1 đến GĐ 4 là một chuỗi liên tiếp các bước trong quá trình tạo ra một công trình kiến trúc. Trong đời sống, còn thêm một giai đoạn nữa là tổ chức thi công, bàn giao và vận hành công trình (GĐ 5). Để giúp SV làm quen với GĐ 5 trong quá trình đào tạo KTS cần gắn chặt với các bộ môn như: Cấu tạo kiến trúc, đồ án Bê tông cốt thép, Tổ chức và giám sát thi công, Trang thiết bị kỹ thuật công trình, …Đồng thời, phải tăng cường tổ chức cho SV tham quan các công trường xây dựng.

SV trình bày đồ án tốt nghiệp

Kết thúc mỗi giai đoạn là các báo cáo của SV. SV phải hoàn thiện các báo cáo, trình bày trên trên giấy, thông qua các bản vẽ, mô hình,… và thuyết trình trước giảng viên và các bạn trong lớp. Các giai đoạn này đều được kiểm tra, đánh giá cụ thể và được tính vào điểm quá trình của môn học đồ án.

Việc phân chia thành các giai đoạn đã làm rõ nội dung công việc, yêu cầu phải đạt được đối với sinh viên trong quá trình làm đồ án kiến trúc. Nội dung công việc chi tiết, rõ ràng, tuần tự giúp sinh viên nắm vững các công việc phải làm, chủ động sáng tạo trong việc học và thực hiện đồ án kiến trúc. Đồng thời vai trò và trách nhiệm của GV trong việc cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho SV cũng được làm rõ.

Tùy theo tính chất, quy mô của đồ án, các giai đoạn này có những yêu cầu cụ thể về thời gian, các bước tiến hành trong các giai đoạn cũng như kết quả cuối cùng của đồ án. Trong thực tế giảng dạy, chúng tôi nhận thấy ở ngay GĐ 1, GĐ 2 sinh viên rất lúng túng trong quá trình điều tra, khảo sát, tổng hợp, đánh giá hiện trạng,… Để khắc phục những hạn chế đó, ngoài những môn học đã có trong chương trình, chúng tôi thấy cần thiết phải trang bị cho sinh viên những môn học về khoa học xã hội như: Xã hội học, xã hội học đô thị, mỹ học,…

Về kiến thức chuyên ngành: Hiện nay các nước trên thế giới đều lựa chọn mô hình phát triển bền vững, kiến trúc cũng nằm trong quy luật phát triển đó. Vì vậy cần đẩy mạnh việc cung cấp cho sinh viên kiến thức về kiến trúc bền vững, công nghệ kỹ thuật mới trong kiến trúc, xây dựng,… Các phần mềm cần thiết trong thiết kế kiến trúc cũng như quản lý dự án như Revit, BIM, Sketchup, Lumion,… được khuyến khích áp dụng triệt để trong quá trình học tập. Đồng thời, cần tăng cường thời lượng cũng như chất lượng giảng dạy các môn học nền tảng như: Lịch sử kiến trúc, Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Văn hóa kiến trúc, Di sản kiến trúc,…Từng bước cập nhật các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn Việt Nam và thế giới về công trình xanh như: LOTUS (Việt Nam), LEED (Mỹ), EDGE (IFC – Ngân hàng Thế giới). Bên cạnh đó còn có các tiêu chuẩn có thể tham khảo, đối sánh và áp dụng như: BREEAM (Anh), GREEN STAR (Úc), GREEN MARK (Singapore), CASBEE (Nhật),…

Việc thực hiện tốt quy trình giảng dạy này còn có ý nghĩa trong công tác quản lý:

  • Định chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo
  • Làm cơ sở cho việc xem xét tính hiệu quả, hợp lý của quá trình đào tạo
  • Bổ sung, nâng cấp chương trình đào tạo cho phù hợp với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng

2.4 Áp dụng quy trình vào giảng dạy đồ án kiến trúc tại khoa Kiến Trúc

Quy trình này được áp dụng thí điểm qua hai đồ án cho SV khóa KC15 qua 2 đồ án:

  • Đồ án Công cộng 6 (Trường đại học, bệnh viện) – 75 tiết
  • Đồ án Tổng hợp (Khu nghỉ dưỡng, Phức hợp nhà ở cao tầng và văn phòng cho thuê, Trung tâm triển lãm) – 90 tiết

Kết thúc các đồ án, chúng tôi làm khảo sát đối với sinh viên lớp KC15 dựa trên các tiêu chí: Phương pháp học tập, thái độ học tập, kết quả học tập, kiến nghị của sinh viên. Các ý kiến này được trình bày trong bảng tổng hợp sau đây:

Tổng hợp ý kiến SV

3. Kết luận

Đồ án kiến trúc giữ vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo KTS nên cần nghiên cứu hoàn chỉnh quy trình giảng dạy và học tập môn học này. Quy trình giảng dạy và học tập đồ án kiến trúc đã trình bày trong bài viết được xây dựng trên nền tảng đúc kết từ thực tế giảng dạy và quá trình làm việc sau khi tốt nghiệp. Giảng dạy và học tập tốt đồ án kiến trúc theo một quy trình cải tiến góp phần lớn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, định hình tác phong cũng như các kỹ năng cần thiết cho sinh viên sau này. Việc áp dụng quy trình này bước đầu có được những kết quả đáng khích lệ, cần được nghiên cứu áp dụng cho các đồ án kiến trúc trong chương trình đào tạo. Trong xu thế hội nhập, việc nâng cao chất lượng đào tạo, cụ thể hóa quy trình đào tạo trong giảng dạy và học tập là yêu cầu bắt buộc. Công việc này cần được tiến hành đồng thời với việc thiết kế các chương trình đào tạo tiên tiến, liên kết đào tạo trong nước và quốc tế, xây dựng hệ thống các môn học, trang thiết bị phục vụ giảng dạy học tập đồng bộ.

Ths.KTS Phạm Đăng Tuấn Lâm/ Khoa Kiến trúc – Đại học Quốc tế Hồng Bàng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2021)


Tài liệu tham khảo

  1. Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, Tài liệu hội nghị CDIO toàn quốc, Tp Hồ Chí Minh: ĐHQG Tp Hồ Chí Minh, 2012
  2. Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Chương trình đào tạo khóa 2019, Tp Hồ Chí Minh: Khoa Kiến trúc, 2019
  3. Nguyễn Thành Hải, Nguyễn Thúy Phượng, Đồng Thị Bích Thủy, ” Giới thiệu một số phương pháp giảng dạy cải tiến giúp sinh viên học tập chủ động và trải nghiệm, đạt các chuẩn đầu ra theo CDIO”, Hội thảo CDIO – ĐHQG Tp Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh: NXB ĐHQG Tp Hồ Chí Minh, 2010, Trang B 4/2 – B 4/15
  4. Hội KTS Việt Nam, Sáng tạo trong giảng dạy đồ án kiến trúc, Vũng Tàu: Hội KTS Việt Nam, 10/2017
  5. Doãn Minh Khôi, Đọc và hiểu kiến trúc, Hà Nội: NXB Xây Dựng, 2016
  6. Đàm Duy Long, Thiết kế dự án 1, Tp Hồ Chí Minh: ĐH Công Nghệ Tp Hồ Chí Minh, 2017
  7. BBT, “Đại học Thủ Dầu Một trình bày tham luận tại Hội nghị CDIO Thế giới lần thứ 14,” 2018. [Trực tuyến]. Địa chỉ: https://ift.tt/2OjnYJN . [Truy cập 24/2/2020]
  8. Hoàng Sơn, “Infographic: 5 tiêu chí kiến trúc xanh Việt Nam,” 2014. [Trực tuyến]. Địa chỉ: https://ift.tt/30sEQ35. [Truy cập 24/2/2020]
  9. Wikipedia, “Sustainble architecture,” 2020. [Trực tuyến]. Địa chỉ: https://ift.tt/2cu8T3p. [Truy cập 24/2/2020]

The post Giảng dạy đồ án kiến trúc tại Khoa Kiến trúc Đại học Quốc tế Hồng Bàng appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3buKw2Z
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét