Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Làm cho một người, nghĩ đến mọi người

Đã nhận lời với Tạp chí Kiến trúc viết về công trình HOUSE của Đoàn Thanh Hà và H&P Architects, nhưng tôi băn khoăn mãi mà không biết nên bắt đầu từ đâu – bởi mới nhìn thì nó không có gì thực sự nổi bật, không gây hiệu ứng thị giác mạnh như muốn “đập vào mắt”. Đặt bên cạnh những khu nghỉ dưỡng hoành tráng, những biệt thự xa hoa lộng lẫy, những nội thất cao cấp sành điệu – nó không khác gì một bộ đồ bảo hộ lao động lạc bước lên sàn diễn thời trang. Càng bất ngờ hơn – khi ngôi nhà khiêm tốn “lợp tôn & quây bằng tôn” ở một làng quê (những yếu tố dễ bị xem là tầm thường và thực dụng) lại được xuất hiện trên trang bìa của số chuyên đề về bản sắc kiến trúc (một chủ đề vẫn được coi là đặc sản sang trọng).

Điều đó buộc tôi phải xem lại quan điểm của mình về vấn đề bản sắc – mà mấy năm trước đã mạo muội chia sẻ trên tạp chí về việc “đổi mới tư duy” rồi trôi qua trong im lặng. Có thể thấy việc chuyển ngang từ đường lối Văn hóa “tiên tiến & đậm đà bản sắc” vào lĩnh vực kiến trúc đang có những vấn đề. Trước hết, bản sắc kiến trúc là thứ bản sắc của cá nhân, của địa phương, hay là của Văn hóa nói chung? Thứ hai, nó bất cập khi đặt cái “tiên tiến” nằm ngoài “bản sắc”, tức là coi như bản sắc kiến trúc thuộc về quá khứ. Thực tế là khi những nhu cầu mới phát sinh và được đáp ứng bằng những công cụ mới, thì nhiều chuẩn mực và giá trị truyền thống đã không còn phù hợp – trong khi cái mới thì chưa kịp định hình. Và khi Văn hóa sinh hoạt và Văn hóa tổ chức đã khác đi rất nhiều, thì việc đổi mới phải được bắt đầu từ Văn hóa nhận thức. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay – khi không riêng chúng ta đang quá độ mà cả thế giới cũng đang thay đổi tận gốc – nếu không tận dụng được cơ hội để bứt phá thì sẽ nhanh chóng bị bỏ lại phía sau. Kiến trúc ở các đô thị lớn có thể dễ bắt nhịp với thời cuộc, nhưng ở nông thôn (kể cả “nông thôn mới”) thì vẫn đang xoay trở thiếu định hướng – chưa biết là sẽ đi đâu và đến đâu. Không lẽ đặc trưng nông thôn cứ mãi là “3 gian 2 chái” / “mái ngói sân gạch” / “chuối sau, cau trước” / “giếng nước, cây đa” – mà không thể hiện đại hóa? Nếu cứ phải “tiếp nối và phát huy” bản sắc như vậy – thì không biết đến bao giờ người nông dân mới có thể tiếp cận được những thành quả của văn minh để mà “tiếp thu và phát triển”? Và nếu bản sắc kiến trúc không phù hợp với nhu cầu, không phản ánh trình độ hiện tại của con người chủ thể – thì khó mà đậm đà và bền vững.

Nghĩ đến đây thì tôi lại thấy HOUSE của Đoàn Thanh Hà hoàn toàn có cơ hội được hiện diện bên cạnh những món “bản sắc” đặc sản sang trọng – như là một ví dụ cho sự đổi mới tư duy về kiến trúc nông thôn. Dù khác biệt hoàn toàn về định hình / định lượng (so với các mô thức nói trên), thì HOUSE vẫn gợi lên được những đặc trưng định tính của kiến trúc truyền thống: tính hòa đồng (hình thức tương tự nhau ở bên ngoài), tính hướng nội (cấu trúc không gian mở ở bên trong), tính tích hợp (khả năng sử dụng hỗn hợp / linh hoạt), tính chân thực (không che giấu kết cấu mái),.. Có thể nói đó là sự biểu hiện bản sắc theo một cách thức mới – nên tạo được cảm giác lạ mà quen, quen mà vẫn lạ. Nó quen – bởi hình vuông đã nhiều lần xuất hiện trong các công trình của Đoàn Thanh Hà, từ nhà nổi bằng tre cho vùng lũ lụt (2010-2013), BES Pavilion bằng đất ở Hà Tĩnh (2013), đến ngôi nhà lập phương bằng gạch ở Mạo Khê (2018), và bây giờ là ngôi nhà bọc tôn ở Hải Dương. Nhưng nó lạ – bởi hình vuông là đẳng hướng và vì thế không nằm trong kinh nghiệm kiến trúc truyền thống của người Việt (vốn ưa dùng kiểu nhà dài nhiều gian, thường tránh hướng Đông – Tây mà quay ra hướng Nam). Càng quen – bởi gạch và tôn là những thứ vật liệu quá thông dụng và phổ biến, từ thành thị cho đến nông thôn; nhưng lạ – khi cái vẫn để làm mái thì lại kéo xuống làm tường, cái đang ở bên ngoài thì lại lộn vào bên trong. Lạ nữa là gạch (vật liệu truyền thống của ta, sản xuất thủ công) và tôn (là vật liệu mới của Tây, sản xuất công nghiệp) được kết hợp với nhau thành 2 mặt của bức tường – khăng khít cứ như là 2 mặt của một vấn đề, luôn thống nhất trong sự mâu thuẫn.

Tuy nhiên, mục đích của Đoàn Thanh Hà ở đây không phải là dùng trò chơi kết cấu và vật liệu để tạo nên hình thức khác thường, mà là hướng đến một mô hình kiến trúc bền vững và góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân ở nông thôn. Quả thực giải pháp thiết kế của HOUSE có phần “thừa thãi” (tôn và gạch đều là loại tốt, khung thép hộp rất chắc chắn, cửa kính và cửa chớp cũng bằng thép – có lẽ là thể theo yêu cầu “ăn chắc, mặc bền” của gia chủ), nhưng nó là sự hiện thực hóa phương án đã đoạt giải tại cuộc thi “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn” (do Hội KTS Việt Nam và Tôn BlueScope Zacs đồng bảo trợ, 6/2019). Kiểm chứng trên thực tế cũng cho thấy là ngôi nhà đã giúp cải thiện đáng kể điều kiện ăn, ở và sinh hoạt (văn minh hơn, tiện nghi hơn); có 2 tầng đủ cho một gia đình và tối ưu hóa về giao thông nên tiết kiệm đất (chỉ 40 m2 – trong khi làm nhà kiểu 3 gian có hiên thì cần tới 50-60 m2); đơn giản trong xây dựng và hiệu quả trong sử dụng (giảm thiểu tác động đến môi trường, dễ vệ sinh và bảo dưỡng); chống nóng, chống thấm rất tốt (nên tiết kiệm điện và nước); có thể dễ dàng nâng cấp / mở rộng khi có nhu cầu (mà vẫn tận dụng được kết cấu và vật liệu cũ).

Nhìn rộng hơn và thực tế hơn, thì kiểu nhà này có những yếu tố ưu việt để có thể được sử dụng rộng rãi. Mặt bằng hình vuông gọn gàng có thể tương thích với những hoàn cảnh và địa điểm khác nhau (xây dựng độc lập / xen cấy, tạo thành nhóm nhà / dãy nhà, ở vùng nông thôn / ven đô, có thể biến tấu thành nhà sàn / nhà nổi). Có nhiều cách bố trí không gian trong hình vuông – để thích ứng với sự đa dạng nhu cầu về hướng nhà / hướng nắng / hướng gió. Với cùng một diện tích, thì hình vuông có chu vi nhỏ nhất – nên càng tiết kiệm được nguyên vật liệu. Cấu trúc vỏ kép (thực chất là vỏ bao che 3 lớp – kể cả khoảng đệm) cũng cho phép sử dụng phối hợp nhiều loại vật liệu khác nhau một cách linh hoạt (từ bình dân cho đến cao cấp – tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình). Các phương án thiết kế đều có thể được điển hình hóa và chia sẻ để mọi người tham khảo và tùy chọn. Ngoài ra, có thể thay đổi kích thước và giải pháp kết cấu để tạo được không gian lớn hơn cho những chức năng sử dụng công cộng, phục vụ sinh hoạt cộng đồng.

Và đó cũng chính là mục đích sâu xa và xuyên suốt mà Đoàn Thanh Hà đã lồng ghép vào cái tên tiếng Anh HOUSE tưởng như “vô thưởng vô phạt” – nhưng sau đó được diễn giải như một cách chơi chữ thú vị: HOUse = Human’s Optional Use. Trong cả chuỗi các công trình của Đoàn Thanh Hà và H&P Architects, có lẽ đây là cái tên chững chạc nhất và thành công nhất – ngắn gọn, súc tích mà nhiều ý nghĩa. Chỉ hơi gơn là khi chuyển ngữ trực tiếp sang tiếng Việt (Ngôi nhà = Cách sử dụng tùy chọn của con người) thì nghe chừng vẫn chưa được thoát ý.

Cá nhân tôi nghĩ có thể góp phần “giải mã” thêm một chút nữa cho thật đầy đủ và rõ nghĩa: HOUSE = Human’s Optional Use (of) Spaces & Envelope. Khi một ngôi nhà cho phép con người có thể tùy chọn nhiều khả năng trong việc sử dụng không gian & lớp vỏ bao che phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của họ – thì nó sẽ trở thành một “Tổ ấm” đích thực. Và vì thế nên HOUSE không cần phải hấp dẫn về thị giác với những ai sống ảo (to Check-in) – mà cần sự đơn giản và chân thực để là Ngôi nhà của những người thực sự sống cùng với nó (to Live in).

Vượt lên trên tất cả những điều đó – là ý tưởng “Kiến trúc vị dân sinh” mà Đoàn Thanh Hà theo đuổi đã tròn một giáp (từ 2008) và từng bước cụ thể hóa thành những nguyên tắc kiến tạo không gian nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, đảm bảo những lợi ích thiết thân của người dân (cả trước mắt và lâu dài), bằng những vật liệu thiết thực với họ. Kiến trúc “vị dân sinh” không chỉ góp phần hỗ trợ sinh kế và cải thiện đời sống vật chất của mỗi gia đình – mà thông qua đó cũng góp phần nâng tầm nhận thức và phát triển tri thức của con người, tiến tới động viên ý chí và sức mạnh cộng đồng, chấn hưng khí thế và tinh thần dân tộc. Với sự trân trọng tâm nguyện ấy của Đoàn Thanh Hà, tôi lấy tên bài viết này là làm cho một người, nghĩ đến mọi người – nhằm động viên ý thức về trách nhiệm xã hội và khích lệ sự chung tay góp sức của các KTS cho công cuộc “Hộ dân sinh – Nâng dân trí – Chấn dân khí”.

Thông tin công trình

  • Thiết kế: H&P Architects
  • Website: www.hpa.vn
  • Vị trí công trình: Thôn An Lai, xã An Lương, huyện Thanh Hà, Hải Dương,Việt Nam
  • Nhóm thiết kế: Đoàn Thanh Hà ,Trần Ngọc Phương, Hàn Minh Tú, Nguyễn Hải Huệ, Trần Văn Dương, Lương Thị Ngọc Lan
  • Diện tích xây dựng: 42m2 (6m45 X 6m45)
  • Tổng diện tích sàn: 75m2 (cho 4 người)
  • Vật liệu chủ đạo: Thép, gạch, tre
  • Hoàn thành: Tháng 5/2020
  • Nhiếp ảnh: Lê Minh Hoàng (https://ift.tt/3dqaBjq )

TS.KTS. Nguyễn Trí Thành/ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2021)

The post Làm cho một người, nghĩ đến mọi người appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3uaGRxP
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét